Hồng quang đại thành tựu - Tập 1
(Liên Sinh Hoạt Phật giảng Hồng quang đại thành tựu)
🪷 Pháp thoại tại Chân Phật Mật Uyển vào năm 1996
Cuốn số: 622 Xuất bản năm: N/A Tác giả: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
🔎 Văn bản đang trong quá trình hiệu đính!!!
Lời mở đầu: Tôi giảng Hồng quang đại thành tựu
Hôm nay, tôi sẽ nói với mọi người một chút về Hồng quang đại thành tựu. Hồng quang đại thành tựu ở đây cũng là một dạng thành tựu vô thượng cao nhất trong tu hành Mật giáo. Hồng quang đại thành tựu là gì ư? Hồng quang đại thành tựu chính là đại thành tựu thân cầu vồng.
Thật ra cũng không có gì để nói cả, nhưng nếu muốn nói ra thì cũng rất dài. Vốn dĩ cầu vồng ở đây chỉ mang tính trượng trưng về mặt văn tự. Còn về mặt hữu hình mà nói thì là ánh sáng của cầu vồng. Về mặt vô hình mà nói thì là ý thức của vũ trụ, là ý thức ở nơi sâu nhất bên trong vũ trụ. Nếu trong quá trình tu hành bạn có thể thành tựu hợp nhất với ý thức vũ trụ thì đó chính là đại thành tựu thân cầu vồng.
Chúng ta tu hành ở trong nhân thế này đã được xem là một chuyện đại sự rồi. Người tu hành biết rằng, tất cả mọi sự tình trong vũ trụ này, hầu hết đều là trống rỗng, là hư không, và là một huyễn mộng. Vậy bản thân bạn trong quá trình tu hành, giả sử bạn có thể đi trên con đường tu hành này cũng có nghĩa là bạn đang thực hiện sự nghiệp lớn nhất trong cuộc đời của mình. Thành quả tu hành cao nhất chính là đại thành tựu thân cầu vồng. Từ một phàm phu, bạn tiến nhập vào bên trong ý thức của vũ trụ, hợp nhất với toàn bộ vũ trụ, chính là đại thành tựu thân cầu vồng mà chúng ta nói đến.
Về sự khác biệt giữa Mật giáo và Hiển giáo tôi có thể nói với mọi người theo cách đơn giản như thế này. Hiển giáo chính là lớp học, ở bên trong lớp học này chúng ta học tập về phương pháp lí luận. Thế còn bản thân Mật giáo nếu nói ra thì chính là phòng thực nghiệm. Bạn từ trong lớp học bước ra, đi vào phòng thực nghiệm để thực hành. Vì vậy khác biệt lớn nhất giữa Hiển – Mật là: Hiển là nằm ở lí luận, Mật là nằm ở thực tiễn, là thực hành. Một cái là lớp học, một cái là phòng thực nghiệm, nói như vậy mọi người sẽ biết rõ, sẽ hiểu được thế nào là Hiển giáo, thế nào là Mật giáo.
Thành tựu cao nhất trong Mật giáo chính là đại thành tựu thân cầu vồng. Sau khi bạn thành tựu pháp này rồi thì cũng sẽ được trời ban hiện tượng kì lạ. Trên người bạn sẽ sản sinh ra ánh sáng, đó là tịnh quang. Bất cứ lúc nào bạn đi đến đâu cũng có ánh sáng đi theo đến đó. Bất cứ lúc nào, như khi bạn muốn gọi tới ý thức vũ trụ, nó sẽ tương ứng trả lời bạn. Vì vậy có rất nhiều đại thành tựu giả ở trong cuộc đời của họ, khi mà họ nhập diệt, cũng tức là lúc họ viên tịch, ở trên không trung đều xuất hiện cầu vồng. Đây là trời giáng dị tượng. Trời giáng dị tượng cầu vồng này là trên thân họ cũng có ánh sáng cầu vồng.
Trong Chân Phật Mật Pháp của Chân Phật Tông chúng ta, cầu vồng bất cứ lúc nào cũng có. Giả sử nếu bạn là một thành tựu giả, bạn có thể gọi được cầu vồng thì cũng sẽ có trời giáng dị tượng. Và tương lai bạn cũng có thể hợp nhất với ý thức của vũ trụ.
Hôm nay giảng về đại thành tựu thân cầu vồng này, khi mới bắt đầu giảng, bản thân tôi đã nhìn thấy Kim Cang Tát Đỏa. Kim Cang Tát Đỏa của hôm nay và Kim Cang Tát Đỏa của trước đây không giống nhau lắm. Ngài ấy tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm chuông kim cang. Ngài ấy cầm chày kim cang thảy lên trên không trung như thế này, thậm chí chày kim cang cũng hóa thành ánh sáng cầu vồng rất lớn. Tôi hi vọng rằng có thể giảng pháp tu hành đại thành tựu thân cầu vồng này để cho tất cả những người tu hành đều biết, tất cả mọi người đều hiểu. Cũng để cho mọi người biết được thế nào là sự tu hành thanh tịnh.
Trong nhân thế gian, tu hành là điều vô cùng quan trọng, vì vậy bạn có được một phương pháp tu hành thực sự cũng không phải dễ dàng. Vì vậy tôi hi vọng, mọi người đều sẽ trân trọng pháp thành tựu thân cầu vồng - một đại pháp vô thượng của tu hành Mật giáo.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
01/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
001. Sự khác biệt giữa Hiển giáo và Mật giáo
Sự khác biệt giữa Hiển giáo và Mật giáo, thông thường mà nói thì ngoài sự khác biệt giữa lớp học và phòng thực nghiệm ra, vẫn còn có rất nhiều điểm khác nhau nữa. Hiển giáo chủ yếu là tu tâm, là tu cái “tâm”. Mật giáo thì còn phải tu thân nữa, “thân” của thân thể, cũng tức là thân – tâm đều phải hợp nhất để mà tu. Đây cũng là một trong những khác biệt giữa Hiển và Mật.
Mật giáo cực kì xem trọng phương diện tu thân. Chúng ta biết rằng, thứ tạo thành toàn bộ vũ trụ này là địa-thủy-hỏa-không, là đất, nước, lửa và không khí. Vậy thì cơ thể người chúng ta cũng như vậy, cũng là đất nước lửa không. Nếu cơ thể người có đất nước lửa không thì chúng ta có thể xem cơ thể người giống như là vũ trụ. Bạn từ sự tu hành của cơ thể người có thể tương ứng với đất nước lửa không của toàn bộ vũ trụ.
Đó là tại sao Mật giáo phải xem trọng sự tu hành của thân thể người. Vậy nên đại thành tựu thân cầu vồng chính là đem năng lượng bên trong cơ thể mình, dùng các phương pháp tu tập để thúc đẩy nó ra ngoài, và điều này có thể cảm nhận được thật sự, không giống như rất nhiều người, phần lớn khi nói đến cảm ứng thì họ đều không có. Trong sự tu hành của Mật giáo, bản thân nó là có cảm ứng, vì vậy sẽ sản sinh ra một loại năng lượng rất lớn, chúng ta gọi đó là một loại pháp lực. Mật giáo nói đến pháp lực. Pháp lực này là một điều rất thật. Từ bên trong cơ thể bạn có thể cảm ứng được, từ bên trong tâm cũng có thể cảm ứng được. Bản thân Mật giáo vì có quan hệ thực nghiệm nên cần phải tìm kiếm sự chứng thực chứ không phải là lí luận. Đây chính là một trong những khác biệt giữa Hiển và Mật.
Vậy đại thành tựu thân cầu vồng mà Mật giáo nói đến là đánh thức năng lượng bên trong cơ thể con người, chúng ta gọi là “nội hỏa”, lửa này có thể sinh ra ánh sáng, từ lửa sinh ra ánh sáng khiến cho toàn thân bạn hóa thành lửa, toàn thân hóa thành ánh sáng. Khi toàn thân bạn đều là lửa, toàn thân đều là ánh sáng, bạn có thể kết nối với một loại năng lượng của ý thức bên trong vũ trụ. Đây là một khái niệm cơ bản về đại thành tựu thân cầu vồng. Cũng chính là chúng ta chú trọng sự tu hành của thân thể, và đương nhiên cũng có tâm pháp nữa. Có cả chú trọng tâm, không phải là hoàn toàn không chú trọng tâm. Sự tu hành thân tâm hợp nhất chính là Mật giáo.
Chúng ta cho rằng tách rời khỏi thân thì không có tâm, thế còn tách rời khỏi tâm thì cái thân này cũng là vô dụng. Tách rời khỏi thân thì không có tâm, vậy tách rời khỏi tâm thì thân này cũng vô dụng, cho nên cần phải thân-tâm hợp nhất. Vì vậy tôi cho rằng, bản thân Mật giáo là tương đối viên mãn. Vì nó không chỉ là nghe giảng ở trong lớp học, mà thậm chí còn làm thực nghiệm trong phòng thực nghiệm. Không chỉ nói những thứ vô hình mà còn nói những thứ hữu hình, cũng tức là vật chất và tinh thần hoàn toàn là một trạng thái hợp nhất chứ không tách rời, không phân li. Đây là sự tu hành của Mật giáo. Vậy nếu như bạn đem khí, mạch của toàn bộ cơ thể mình, cùng với năng lượng của mình đả thông hợp nhất với nhau thì có thể phát ra ánh sáng cầu vồng. Đương nhiên nếu bạn muốn tu đến trình độ này thì đòi hỏi có rất nhiều phương pháp. Và còn phải được bản thân Thượng sư truyền dạy cho bạn nữa.
Vậy bạn dựa theo cách này, tu từng bước một thì mới có thể đạt được đại thành tựu thân cầu vồng. Liên quan đến sự tu hành về khí-mạch-minh điểm trong Mật giáo là thuộc về phương diện bí mật, cho nên mới gọi là Mật giáo. Do vậy Mật giáo cũng nói rằng, bạn phải có khẩu quyết tu hành về phương diện Nội mật chứ không phải chỉ là lí thuyết suông, Mật giáo rất rõ ràng. Về mặt lí luận hiển bày lộ rõ ràng, gọi là Hiển. Còn sự tu hành liên quan đến Nội mật khí-mạch-minh điểm thì gọi là Mật.
Hiển chính là những gì mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói. Mật là những gì mà Đại Nhật Như Lai (Phật Tỳ Lô Giá Na) đã nói. Ứng dụng vào thân thể này và các loại kĩ xảo về khẩu và ý để khai phá phương pháp Nội mật, đạt được đại thành tựu thân cầu vồng. Đây chính là điều chủ yếu nhất, khi tôi cùng mọi người bắt đầu nói về đại thành tựu thân cầu vồng thì phải giải thích với mọi người về điều này.
Đây cũng là một pháp thành tựu cao nhất trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta. Mỗi một người trong chúng ta, những người tu hành, có thể bước đi trên con đường này, cho đến lúc có thể hợp nhất với ý thức của vũ trụ, hiển hiện đại quang minh, tôi cho rằng đây là một điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời này. Một chuyện có ý nghĩa nhất. Chúng ta có thể suy nghĩ một chút xem, giá trị cuộc đời là cái gì? Ý nghĩa cuộc đời là cái gì? Sinh tử là cái gì? Thử nghĩ xem, mọi người sẽ biết ngay. Đi trên con đường tu hành này đích thực là sự nghiệp lớn nhất của đời người.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
01/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
002. Quán đảnh của Mật giáo (1)
Ngày hôm nay tôi sẽ nói với mọi người về quán đảnh của Mật giáo. Bản thân việc quán đảnh là một nghi thức rất quan trọng trong Mật giáo. Bởi vì bạn muốn tu Mật pháp, một pháp vĩ đại như vậy, cho nên muốn bắt đầu thì phải có một nghi thức, nghi thức đó chính là quy y, nhận quán đảnh.
Nghi thức quán đảnh trong Mật giáo thông thường mà nói rất long trọng và cũng rất tôn quý. Nó có rất nhiều ý nghĩa ở bên trong. Ý nghĩa đầu tiên cũng chính là thanh tịnh. Khi thượng sư cho bạn nhận quán đảnh, điều này mang ý nghĩa là từ giờ phút này trở đi bạn sẽ trở nên hoàn toàn thanh tịnh, bạn là một con người mới. Quán đảnh mang ý nghĩa là thanh tịnh, tức là giúp bạn tiêu trừ hết toàn bộ nghiệp chướng trong quá khứ của mình.
Ý nghĩa thứ hai cũng có thể nói đến là sự gia trì mà thượng sư dành cho bạn, chính là dùng pháp lực mà bản thân thượng sư tu hành được trút lên toàn thân của bạn. Đây là pháp lưu, có thể hiểu là một dạng dòng chảy pháp của ý thức vũ trụ truyền thừa cộng với pháp lực tu hành của bản thân thượng sư tập trung trút lên thân thể của bạn. Cái này hơi giống trong tiểu thuyết võ hiệp, giống với việc truyền công lực cho người khác, chính là đem công lực của bản thân truyền vào cơ thể người khác. Loáng một cái, bạn sẽ có ngay công lực 500 năm. Sức mạnh này đương nhiên rất là lớn. Pháp lực của thượng sư càng mạnh thì sức mạnh của bản thân thượng sư càng lớn.
Quán đảnh cũng là một dạng thọ kí. Sự tu hành trong Mật giáo là từ quả đến nhân. Thông thường tu hành Hiển giáo là từ nhân đến quả, từ nhân đến quả có nghĩa là bạn bắt đầu tu hành từ phàm phu cho đến Thánh hiền, đây là từ nhân đến quả. Còn tu hành trong Mật giáo là từ quả đến nhân nhưng không phải là bắt đầu từ Thánh hiền tu đến phàm phu, không phải như vậy đâu. Mà có nghĩa là khi bạn nhận quán đảnh là bạn đã có được một quả vị rồi, đây chính là thọ kí. Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa, khi Phật Nhiên Đăng thọ kí cho ngài ấy, thọ kí rằng tương lai con sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Trong việc quán đảnh có một ý nghĩa là cho bạn nhận quán đảnh, đăng kí các Phật vị, Phật vị là bạn "sẽ" có vị trí giống như các vị Phật, chính là bạn lập tức có được quả vị đó, nhưng mà bạn vẫn phải tiếp tục tu cho quả vị đó thành thật. Có quả vị trước, sau đó mới tu quả này. Chính là ý nghĩa này.
Quán đảnh cũng giống như một sự trao quyền. Sự trao quyền là gì? Nói cách khác là sau khi thượng sư quán đảnh cho bạn xong rồi, bạn sẽ được tu pháp mà bạn đã nhận quán đảnh, truyền thụ cho bạn một loại pháp, bạn hãy tu hành pháp này cho tốt. Đây chính là một dạng trao quyền cho bạn cái quyền được tu pháp này. Không nhận được quán đảnh thì không được tu pháp. Đương nhiên là muốn tu vô thượng đại pháp, vô thượng Mật pháp nhất định phải có quy y, có quán đảnh. Tại sao nhất định phải có quy y? Bởi vì trong Mật giáo rất chú trọng sự truyền thừa. Nếu như không có thượng sư làm quán đảnh cho bạn, bạn không được tu pháp này. Vậy bản thân bạn muốn tu pháp, vì trong Mật pháp là phải triệu thỉnh Bổn tôn của mình, thượng sư của mình đến để gia trì cho mình, thỉnh các vị đến gia trì cho mình, vậy nếu bản thân bạn không quy y sư phụ vậy thì bạn làm sao có Căn bản Thượng sư của mình chứ? Vì vậy nhất định phải quy y có quy y rồi mới có sư phụ truyền pháp cho bạn. Và có quy y rồi, bạn mới có Căn bản Thượng sư trụ trên đỉnh đầu của mình, mới có tổ sư các đời trụ ở đỉnh đầu.
Mật giáo là như thế đó. Từ vị tổ sư đầu tiên đến các vị tổ sư phía dưới, rồi đến sư phụ của bạn, xếp thành một hàng thẳng đứng như vậy tạo thành một loại sức mạnh gia trì quán đảnh. Ý nghĩa của việc quán đảnh là nằm ở đây. Điều quan trọng nhất là quán đảnh chính là cần đem ý thức, chủng tử của chính Phật đặt vào thân thể của bản thân người tu hành là bạn. Điều này không phải là tùy tiện đâu. Không thể nói là nhìn vào rất là hình thức hóa, chỉ là một nghi quỹ. Mà là thượng sư có pháp lực thật sự là có thể đem chủng tử của Bổn tôn hoàn toàn chuyển vào thân thể của người tu hành, để người đó có thể ở trong ruộng bát thức ở bên trong người đó trồng được chủng tử Phật vào đó, tương lai chủng tử này sẽ nảy mầm, sẽ mọc rễ, sẽ trưởng thành, sẽ trở thành một pháp khí tu hành thực sự, cuối cùng biến thành Bổn tôn.
Giữa pháp với pháp có một khái niệm. Bản thân của việc quán đảnh chính là hiện tượng ý thức của vũ trụ, cùng với thượng sư, và đệ tử thọ nhận quán đảnh, ba thứ này hợp nhất với nhau, đó chính là quán đảnh. Vậy thì, sức mạnh của quán đảnh sau khi được sinh ra trong cơ thể sẽ sản sinh ra quán tượng (hiện tượng quán đảnh).
Không giống với những quy y thông thường, đôi khi bạn đi quy y Hiển giáo thông thường thì sẽ không sinh ra hiện tượng quy y. Nhưng nếu như bạn thật sự được nhận một quán đảnh thì sẽ sản sinh ra quán tượng, đây là hiện tượng của quán đảnh, sẽ rất nhanh cảm nhận được power [sức mạnh] đó, loại năng lượng đó đi vào trong cơ thể bạn. Bạn sẽ lập tức cảm thấy rất có sức mạnh. Giống như thủy thủ Popeye ăn rau chân vịt vậy đó. Vốn dĩ thủy thủ Popeye bị đánh đến gần chết rồi đột nhiên anh ta có rau chân vịt, ăn vào một cái liền biến thành có muscle [cơ bắp], sức mạnh liền được sản sinh ra. Quán tượng sinh ra từ quán đảnh giống như là thủy thủ Popeye ăn rau chân vịt, khi bạn ăn được rau chân vịt bạn sẽ có sức mạnh.
Mật giáo là nói đến có power, nói đến có pháp lực, nếu bạn thọ nhận quán đảnh thực sự từ thượng sư, bạn lập tức sẽ được gia tăng công lực, đây chính là quán tượng.
Hôm nay chúng ta nói đến đây thôi. Om mami padme hum!
01/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
003. Quán đảnh của Mật giáo (2)
Chúng ta sẽ tiếp tục nói về quán đảnh trong Mật giáo. Ở trong Chân Phật Tông của chúng ta, quán đảnh rốt cục có thứ tự thế nào?
Có bốn thứ tự quán đảnh. Thông thường mà nói thì quán đảnh là từ nông đến sâu, cũng có nghĩa là giống như chúng ta đi học vậy, bắt đầu từ kindergarten [mẫu giáo], sau đó đến tiểu học, trung học cơ cở, trung học phổ thông, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, theo một thứ tự từ thấp đến cao. Ở trong Mật giáo, trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta cũng phân ra bốn trình tự rất lớn rất quan trọng.
Thông thường mà nói, đầu tiên là quán đảnh Ngoại mật, tiếp theo là quán đảnh Nội mật, sau đó là quán đảnh Mật, cuối cùng là quán đảnh Mật mật. Mật giáo phân ra quán đảnh theo bốn trình tự này. Quán đảnh Ngoại mật đều là quán đảnh bình. Mọi người nhìn thấy thượng sư dùng cái bình quán đảnh, rồi rẩy nước cho mọi người, đây chính là sơ quán khi mới bắt đầu, là quán đảnh bình lần đầu tiên, cũng tức là Ngoại quán đảnh.
Sau khi bạn tu thành rồi mới đi vào quán đảnh Nội mật, là quán đảnh ở tầng thứ hai, chính là quán đảnh tu khí-mạch-minh điểm. Lúc này khi quán đảnh là sẽ dùng hoa trắng và hoa đỏ làm quán đảnh. Chúng đều có tính tượng trưng, đỏ tượng trưng cho hồng bồ đề, trắng tượng trưng cho bạch bồ đề. Quán đảnh thứ nhất là quán đảnh bình tượng trưng cho sự thanh tịnh nên phải dùng nước. Quán đảnh thứ hai là hoa trắng và đỏ.
Tiếp tục đi sâu vào quán đảnh Vô thượng mật bộ thì gọi là quán đảnh Mật. Khi quán đảnh Mật, cái này trong Chân Phật Mật Pháp gọi là Xúc quán đảnh, xúc tức là dùng sự tiếp xúc, dùng bút để tiếp xúc, điểm vào luân xa của bạn, đây gọi là quán đảnh Mật. Đây là quán đảnh rất cao thâm.
Quán đảnh Mật mật cuối cùng chính là quán đảnh Đại viên mãn, đó chính là một quán đảnh rất lớn, là quán đảnh thọ kí thành Phật cuối cùng. Trong Mật giáo chia làm bốn loại, đó là Ngoại quán đảnh, Nội quán đảnh, quán đảnh Mật, và quán đảnh Mật mật. Đây là bốn loại được phân ra trong Chân Phật Mật giáo của chúng ta.
Vậy bản thân chúng ta mà nói, muốn tu chứng Ngoại quán đảnh, điều đầu tiên, nền tảng đầu tiên bạn đã tu chứng được và đã có được cái gọi là ấn chứng, có được ấn chứng rồi mới bước vào tầng tiếp theo để tiếp nhận sự quán đảnh của tầng thứ hai. Quán đảnh ở tầng thứ hai xong, có được ấn chứng lần nữa, mới bước vào quán đảnh của tầng thứ ba. Rồi có được ấn chứng trong quán đảnh của tầng thứ ba thì mới đi vào quán đảnh của tầng thứ tư.
Quán đảnh cuối cùng này có thể nói là không có nghi thức gì cả. Giống như câu chuyện cầm hoa của Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa, Phật cầm một bông hoa, rồi ngài ấy mỉm cười một cái, Đại Ca Diếp ngồi ở phía dưới đã biết rõ, Đại Ca Diếp đã lĩnh hội rồi, mỉm cười rồi, điều này có nghĩa là gì? Đây chính là đã quán đảnh rồi. Quán đảnh này không câu nệ hình thức. Thế nên với một Kim cương Thượng sư thực sự, thì giống như một cái nhíu mắt, nhíu mắt lại một cái, hoặc là “hư” một tiếng, “ha” một tiếng... đều là một loại quán đảnh. Uống một ngụm trà, cũng là một loại quán đảnh. Quán đảnh thứ tư này không quan trọng hình thức, giống như nói một câu nói là bạn lĩnh hội được rồi.
Cái này ở trong Thiền tông cũng có, gõ "bang" một cái, hét "hơ" một tiếng đều là một loại quán đảnh, trong Mật giáo mà nói đây là một loại quán đảnh không quan trọng hình thức để bạn có thể ngay lập tức có cái "tức tâm tức Phật". Lúc này thì tâm của bạn chính là Phật, có thể chuyển hóa thành Phật đại viên mãn, toàn bộ hiện tượng đều không còn chướng ngại. Đây chính là quán đảnh Đại viên mãn. Quán đảnh Đại viên mãn hoàn toàn không có kĩ thuật gì, cũng không có cái gì gọi là nghi quỹ.
Kì thực Thiền tông là một cảnh giới rất cao. Nói chung, Mật giáo là từ hữu hình tu đến vô hình, nhưng mà Thiền tông thì là "trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật". Cái này là hoàn toàn trực tiếp đi tu "không", tu "vô". Có thể nói Thiền tông chính là Đại viên mãn trong Mật giáo.
Mật giáo trước tiên là bắt đầu từ nghi quỹ hữu hình tu đến Đại viên mãn vô hình. Thiền tông là "trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự". Đây là một giáo pháp rất đặc thù, phải là người đại căn khí mới tu được. Tuy Mật giáo cũng xưng là Đại thừa, nhưng mà trên thực tế cảnh giới cao nhất của Mật giáo là hợp nhất với Thiền tông. Cảnh giới cao nhất của Thiền tông đến cuối cùng cũng là không có hình thái nào để mà nói.
Có người nói Phật Thích Ca Mâu Ni cần gì phải cầm bông hoa chứ? Cần gì chứ, vì cầm hoa đã là hành động dư thừa rồi. Vậy Đại Ca Diếp hà tất phải mỉm cười chứ? Vì mỉm cười cũng là hành động dư thừa rồi. Chỉ cần trong tâm phát quang, tâm Phật Đà một khi đã phát quang thì trong tâm của Đại Ca Diếp cũng phóng quang. Quang quang tương chiếu, toàn bộ đều không lộ biểu hiện hành động, đây chính là Thiền tông. Phật Thích Ca Mâu Ni cầm hoa là đã để lộ biểu hiện hành động, cũng tức là lộ cái đuôi ra rồi. Vậy Đại Ca Diếp mỉm cười chính là bắt được cái đuôi đó, cái này chính là để lộ biểu hiện hành động rồi. Trên thực tế không cần biểu lộ hành động chính là Thiền. Lộ ra biểu hiện hành động đã là hàng nhị đẳng rồi. Vì vậy quán đảnh Đại viên mãn hoàn toàn là không lộ biểu hiện hành động, là một loại ấn chứng giữa Phật với Phật. Đây là cảnh giới rất cao. Tuy nhiên hành giả Mật tông chúng ta khi vừa mới bắt đầu vẫn nên tu từ Ngoại pháp trước, giống Hiển giáo thông thường cần tu thân khẩu ý thanh tịnh sau đó mới đi vào nhị quán. Nhị quán khí-mạch-minh điểm tương ứng rồi mới đi vào tam quán Vô thượng mật bộ, có thể đi vào Vô thượng mật bộ đồng nghĩa là đã tương ứng với hư không. Trong sự tương ứng hư không phát triển lên chính là Đại viên mãn, chính là thành Phật.
Quán đảnh cũng giống như là một thứ tự từ nông đi đến sâu. Muốn tu Mật giáo nhất định phải quy y, nhận quán đảnh, đây cũng là điều cực kì quan trọng. Ý nghĩa của nó nằm ở đây. Mật giáo vô cùng phi phàm, là đại pháp xuất thế, chúng sinh nên biết trân trọng.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
02/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
004. Thiền tông - Tịnh độ tông - Mật giáo
Hôm nay chúng ta sẽ nói về Thiền tông, Mật giáo và Tịnh độ tông.
Lần trước chúng ta có nhắc đến Thiền tông. Bản thân tôi đối với Thiền tông vô cùng tôn sùng. Bởi vì Thiền tông ở Trung Quốc của chúng ta đã từng phát triển rực rỡ. Có thể nói Thiền tông chính là Phật giáo duy nhất được Trung Quốc sáng lập. Là Phật giáo duy nhất ở Trung Quốc được hoằng dương, phát triển rực rỡ, vô cùng lộng lẫy hoành tráng. Thiền có thể nói là rất trực tiếp đi thẳng vào tính Không. Điểm đặc biệt nhất của nó là rất trực tiếp.
Đã từng có người đi hỏi Thiền sư: "Cái gì là Phật?" Câu trả lời của thiền sư như thế này: "Phật!" "Vậy cái gì là pháp?" Anh ta lại hỏi cái gì là pháp? Thiền sư cũng trả lời là: "Pháp!" Người này không hiểu gì cả, tôi hỏi ông về Phật, cái gì là Phật, ông ấy lại trả lời là Phật. Hỏi pháp, ông ấy trả lời là pháp. Nên anh ta lại hỏi thiền sư: "Thiền sư, thầy đang nói cái gì vậy?" Thiền sư liền trả lời: "Cái gì!" Ông ấy trả lời như vậy đó.
Ông ấy lặp lại câu nói đó, hoàn toàn là một cách trực tiếp. Nhấn mạnh trực tiếp. Bởi vì Phật và pháp, đều không thể dùng ngôn từ để nói cho người khác hiểu, không phải dùng miệng để nói. Người đó không hiểu liền bỏ đi. Lúc sắp đi khỏi, thiền sư gọi lớn tiếng: "Đại đức!" Hai tiếng "Đại đức". Anh ta liền dừng bước, là ai đang gọi mình vậy? Quay đầu lại, anh ta liền suy nghĩ. Thiền sư trực tiếp chỉ dạy anh ta khai ngộ như vậy đó.
Vì vậy bản thân Thiền tông mà nói là rất trực tiếp, trực tiếp đi vào bên trong tính Không chính là Thiền. Thật ra Thiền không nhất định là bảo bạn mỗi ngày đều ở đó ngồi thiền, không phải đâu. Thiền tông có nhiều lúc không phải là bảo bạn trực tiếp ngồi ở đó, tôi ở đó ngày ngày ngồi thiền chính là thiền, không phải vậy đâu. Mà là trực tiếp đi sâu vào ngộ cảnh. Có thể nói là bảo bạn có thể siêu việt chính là một loại Thiền.
Vì vậy có người chủ trương mình chỉ được ngồi, không được ngủ. Nên có người viết một câu: "Lúc sống ngồi không nằm, chết rồi nằm không ngồi". Khi bạn chết rồi đương nhiên là chỉ có thể nằm, không thể ngồi. Giả sử như cái này cũng là một loại pháp thì pháp này cũng huyễn, không phải chân thực cho lắm. Có thể nói một câu nói thôi, thiền là "trực tiếp thâm nhập, kiến tính thành Phật", đó là Thiền tông, nhưng đây là người căn khí rất cao. Tôi rất tán dương Thiền tông này.
Chúng ta sẽ tiếp tục nói về Tịnh độ tông, Tịnh độ tông đương nhiên là rất thịnh hành rồi. Mọi người tập hợp cùng nhau niệm bốn âm Phật, sáu âm Phật, A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật, sáu âm Phật, đều rất tốt. Tịnh độ tông là một phương tiện. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế đã giảng kinh A Di Đà, giảng Tam Kinh Nhất Luận. Như trong kinh Địa Tạng cũng có dạy mọi người niệm Phật. Tịnh độ tông chủ trương niệm Phật, chủ yếu nhất là phải niệm Phật. Niệm Phật trong Tịnh độ tông có thể nói là phương tiện của con người hiện đại thời nay. Tịnh độ tông nhấn mạnh hai chữ, chính là "phương tiện". Bạn ở trong xã hội hiện đại này, bảo bạn niệm Phật, có người đã cảm thấy rất khó, vì vậy bạn có thể niệm Phật đã là rất có cơ duyên với Phật rồi. Đặc biệt là Phật Đà khi xưa trong kinh điển thường hay nhấn mạnh rằng bạn chỉ cần niệm một câu kinh, một bài kệ, một câu một ý, bạn chỉ cần hiểu một câu nói thôi là có thể rất dễ dàng vãng sinh rồi.
Lời dạy của Phật Đà là dùng kết hợp cả "quyền" và "thực", "quyền" trong từ quyền lực và "thực" sử dụng kết hợp, hai đế Thánh - Tục đều phải có. Thánh đế và Tục đế đều phải có. Một phương pháp độ chúng sinh như vậy, và Tịnh độ tông có thể nói là tiện lợi nhất, bạn chỉ cần niệm Phật, vậy thì niệm đến khi trong tâm của bạn có thể hợp nhất với Phật, có thể nhất tâm bất loạn thì sẽ vãng sinh. Vì vậy Tịnh độ tông thật ra cũng là rất tốt đó.
Chúng ta đối với các tông phái đều có cùng một sự tôn sùng, có cùng một sự tôn kính. Vậy thì nói tiếp về Mật giáo. Bản thân Mật giáo chú trọng pháp thực tu, dạy các pháp thực tế để bạn tu hành. Còn tôi cho rằng bản thân Mật giáo nếu nói ra thì nó thuộc về tiệm tiến, cũng theo từng cái từng cái một, từ từ dẫn dắt bạn đi vào cánh cửa chứng ngộ. Thật ra khi chứng ngộ, có thể nói như thế này, bản thân Mật giáo là sự tổng hợp các phương pháp tu hành khác nhau của Hiển và Mật. Vậy nên có một nghi quỹ tu hành để bạn từng bước từng bước đi vào, cho đến khi chứng minh được tính Không cuối cùng.
Vì vậy tôi nhận định như thế này, bản chất của Mật giáo là tương đối thực tế, tương đối thực tu. Điểm quan trọng là Mật giáo là một pháp môn thực tu. Giả sử bạn có thể bước vào cánh cửa Mật giáo là bạn đã có được Phật pháp một cách tương đối thực tế rồi. Tịnh độ tông niệm Phật, Thiền tông thì trực tiếp đi vào tính Không, những điều này đương nhiên đều rất tốt. Nhưng bản thân Mật giáo là bạn nắm giữ được Phật pháp thực tế. Bạn nắm giữ được Phật pháp thực tế là bạn có thể có được cảm nhận, cảm giác chân thực. Đây là cách nhìn nhận của tôi về ba tông phái này.
Hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
05/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
005. Nhìn nhận về Hiển giáo và các tông phái khác
Có người hỏi tôi đối với Hiển-Mật và tất cả các tông phái khác có cách nhìn nhận ra sao. Tôi cho rằng như thế này. Hiển giáo và Mật giáo là một cái vòng tròn, cũng có nghĩa là viên dung, hoàn toàn là một vòng tròn tròn đầy. Vậy thì đối với mỗi một tông phái, tôi cho rằng "tông tông bình đẳng". Mỗi một tông phái đều bình đẳng, mỗi tông phái đều có cái đặc sắc riêng. Tông tông bình đẳng, chúng ta đối với tất cả tông phái trong Phật giáo cũng đều nên tôn sùng, phải tôn trọng. Tông tông bình đẳng, mỗi tông mỗi đặc sắc. Bởi vì đều là những lời Phật thuyết, đều là những lời Như Lai thuyết, bởi vì mỗi tông phái đều là từ trong kinh điển của Phật Thích Ca Mâu Ni lấy ra một phần yếu nghĩa ở trong đó để phát dương. Vì vậy tính ra, nếu đã là cùng một truyền thừa của Phật Đà, của Phật Thích Ca Mâu Ni, vậy thì đều là bình đẳng cả, không có gì khác biệt.
Phật Thích Ca Mâu Ni giảng pháp nhiều năm như vậy thì kinh điển của ngài mỗi loại cũng có mỗi đặc sắc riêng. Chúng ta từ trong điểm đặc sắc này để thể hội yếu nghĩa của Phật pháp. Đây là một điểm quan trọng, vì vậy đều phải tôn kính, đều phải tôn trọng, đều phải tôn sùng. Còn Hiển giáo và Mật giáo thì tôi cũng đã nói rồi, Hiển giống như đang học ở trong lớp học, nó là lí thuyết, thiên về lí. Còn Mật giáo thì giống như ở trong phòng thực nghiệm, thiên về thực nghiệm, thực tế. Như vậy nó chính là lí thuyết và thực hành, một bên là về mặt lí luận, một bên là tu hành về mặt thực tế.
Bản thân chúng ta nói là một đệ tử Phật nhất định phải Hiển Mật viên dung vì chúng ta cũng phải hiểu lí luận, vì hiểu lí luận rồi thì bạn mới có thể làm thực tế được. Và từ trong lúc thực hành sẽ sinh ra lí luận mới, từ trong lí luận lại có được một hiệu quả thực nghiệm. Hai cái này không thể nào tách rời được vì vậy Hiển và Mật cần phải hoàn toàn viên dung. Trên thực tế, tu hành trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta phần nhiều đều là trong Mật có Hiển, vậy thì trong Hiển cũng có Mật. Hiển-Mật chính là một sự tròn đầy.
Cũng có người hỏi tôi, vậy thì tu Hiển giáo, Mật giáo thì nên tu như thế nào? Tổ sư Tsongkhapa của Mật giáo đã từng nói rằng, thông thường muốn thành tựu là một thượng sư thực sự, ngài ấy tu Hiển giáo, học Phật lí mất 12 năm, tu Mật mất 8 năm, phải có đủ 20 năm công sức. Chúng ta cũng có thể tu Hiển giáo trước, tu Hiển pháp trước, để cho một số lí luận của Phật giáo thấu hiểu thông suốt hoàn toàn, sau này mới thực tu Mật giáo, thực tu Mật pháp sau, những cái này đều rất quan trọng.
Lúc nãy chúng ta nói đến Thiền tông, Mật giáo, và Tịnh độ tông. Trong mắt tôi thấy thì Thiền tông là khó nhất. Tịnh độ tông là dễ dàng nhất. Vậy thì có thể nói Mật giáo là ở chính giữa. Vì vậy hôm nay chúng ta lựa chọn dùng Chân Phật Mật Pháp để tu là lựa chọn trung đạo. Chúng ta không chọn cái khó nhất, cũng không chọn cái dễ nhất. Chúng ta đi ở chính giữa, rất phù hợp với tư tưởng trung đạo của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bất cứ một tông giáo nào, trong mắt tôi đánh giá thì đều là một một vấn đề thứ tự, cũng có nghĩa là cấp độ của bạn đến đâu, hoàn toàn là vấn đề về cấp độ. Vì vậy giữa các tông giáo với nhau đương nhiên là sẽ có một số công kích lẫn nhau, nảy sinh một số phỉ báng. Nhưng mà, nếu giả sử bạn là một người tu hành tới cảnh giới rất cao, thì trong mắt bạn thì thật ra chỉ là vấn đề cấp độ, cái này đều không thành vấn đề. Nên nếu bạn chỉ nghiên cứu lí luận của tông giáo, và phương pháp tu hành của tông giáo, bạn có đề xuất ra, làm một nghiên cứu sâu hơn về lí luận và phương pháp thực hành thì tốt, nhưng không nên phỉ báng. Trong hàng nghìn văn tự của Phật giáo là không nên có phỉ báng. Và giữa các tông giáo với nhau, cũng không nên có phỉ báng vì tất cả đều là vấn đề cấp độ mà thôi.
Vì vậy chúng ta dùng học vấn, dùng tâm học hỏi để nghiên cứu tông giáo, chắc là bạn sẽ hiểu điều này. Khi học đại học, bạn học vi tích phân, phân tích hình học, phân tích hình học không gian. Những gì bạn học được bạn nói với trẻ con mẫu giáo thì chúng tuyệt đối chẳng hiểu, nhưng trẻ con học mẫu giáo cũng không thể phỉ báng vi tích phân, phân tích hình học. Trẻ mẫu giáo đương nhiên là không hiểu rồi. Nhưng giả sử bạn nói bạn học qua vi tích phân, phân tích hình học rồi, bạn cũng không thể phê bình hình tam giác, cũng không thể phê bình phương trình toán học, vì đây là một vấn đề về cấp độ.
Khi bạn tu hành đến cảnh giới rất cao bạn nhìn những tông giáo khác, bạn sẽ hiểu ra nó là một dạng cấp độ. Vì vậy chúng ta vẫn nói một câu, đối với những người không biết về Chân Phật Mật giáo của chúng ta, những người không biết thì không nên tùy tiện phê bình, vì cấp độ của bạn vẫn chưa đạt đến đó, vì vậy không thể phê bình. Giả sử như bạn đã hiểu rõ rồi, hiểu rõ về Chân Phật Mật giáo rồi bạn có thể thực tu, hoặc là đề xuất những nghiên cứu của bạn về mặt lí luận, về phương pháp tu hành thực tu, điều này thì được.
Vì vậy tôi cho rằng những người tu hành như chúng ta nhất định phải viên dung Hiển-Mật, tông tông bình đẳng, không có phân biệt. Đối với tất cả các tông phái như nhau, tất cả đều phải tôn kính, đều phải tôn sùng.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
05/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
006. Nói về “niệm” (1)
Hôm nay tôi sẽ nói với mọi người về “niệm”, “niệm” trong từ “ý niệm”.
Bản thân tôi nghiên cứu Phật pháp hơn 20 năm, đối với việc Phật Thích Ca Mâu Ni tại sao lại thành đạo, tôi cũng có sự thể hội tương đối sâu. Tôi hỏi mọi người một chút, Phật Thích Ca Mâu Ni dựa vào cái gì để thành đạo? Nhìn chung mà nói, có rất nhiều người học Phật rất nhiều, rất lâu rồi, khi hỏi anh ta về câu hỏi vô cùng trực tiếp này, anh ta sẽ rất khó để trả lời được. Phật Thích Ca Mâu Ni tại sao lại thành đạo? Vậy thì câu hỏi này rất khó trả lời. Có người nói đông, nói tây, nói nam, nói bắc. Thật ra chỉ có hai chữ thôi: Bát Nhã. Tư tưởng trung tâm của Phật Thích Ca Mâu Ni có thể nói là vô thượng Phật huệ - trí huệ Phật vô thượng, chính là bát nhã. Mọi người đọc các kinh điển truyền thừa của ngài đi, kinh Đại Bát Nhã, kinh Kim Cang, cho đến Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, đây chính là một hệ thống tư tưởng trung tâm về bát nhã của ngài. Phật Thích Ca Mâu Ni vì có vô thượng Phật huệ nên ngài đắc được bát nhã, vì vậy ngài trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Nếu bạn đắc được bát nhã thì bạn cũng có thể thành Phật giống như vậy.
Nhưng làm sao đắc được bát nhã? Vô thượng Phật huệ nhất định phải do tự bạn đi “định” thì mới có được “huệ”. Vì vậy trong Phật giáo chúng ta có tam học Giới-Định-Huệ, phải giữ giới, rồi từ trong giới có được định, rồi từ trong định có được vô thượng Phật huệ. Phật Thích Ca Mâu Ni chính là nhờ bát nhã mà đạt được vô thượng chính đẳng chính giác. Nhất định phải có được định.
Di Lặc Bồ Tát học về duy thức. Thế nào là duy thức? Chữ thức này là ý thức sâu nhất, một ý thức sâu nhất trong cơ thể. Bản thân ý thức sâu nhất này khi chuyển hóa ra lại biến thành ý thức, biểu hiện hóa thành mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Biểu hiện bên ngoài là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, nhưng thật ra nó có ý thức sâu nhất, đây là hệ thống duy thức của Di Lặc Bồ Tát, là tư tưởng trung tâm của ngài.
Nhưng nếu kết hợp duy thức và bát nhã, tôi nói để mọi người biết, đây chính là “tâm” mà bình thường chúng ta hay nói đến. “Tâm” chính là “thức”, “thức” chính là “tâm”. Những cái này đều là vô hình. Bạn nói bát nhã, bạn lấy bát nhã ra cho tôi xem nào. Không có, nó là vô hình. Bạn lấy thức ra cho tôi xem nào, nó cũng là vô hình.
Làm sao để tu hai cái này? Có thể nói là hôm nay tôi sẽ nghiên cứu duy thức, nghiên cứu bát nhã. Nó là do “niệm” đi tìm cầu, do bên trong ý niệm của con người đi tìm kiếm bát nhã và tìm kiếm duy thức. Bạn muốn thành Phật là phải như vậy đó. Từ ý niệm mà đi tìm kiếm, bởi vì nhờ ý niệm của người mới có được định mà, từ ý niệm đi tìm bát nhã, đi tìm duy thức của bạn.
Nói về các vị tổ sư của chúng ta thì, các vị thành Phật tại thế giới Ta Bà này, Phật quá khứ chính là Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật tương lai chính là Di Lặc Bồ Tát, bạn biết được tư tưởng trung tâm của các vị ấy là bạn có thể nắm được chiếc chìa khóa để thành Phật.
Hôm nay Lư Thắng Ngạn dám nói mình là Hoa Quang Tự Tại Phật, dám nói là bởi vì đã nắm được chiếc chìa khóa để thành Phật. Bạn có thể mở được cánh cửa để thành Phật này, có thể mở ra cánh cửa tiến vào Tì Lô Tính Hải. Tại sao bạn có thể vào được? Bởi vì bạn có chìa khóa của bát nhã, bạn có chìa khóa của duy thức.
Hôm nay ở trong thế giới Ta Bà này, tôi là người truyền đại pháp. Tôi có thể nói như thế này, ở trên thế giới này, đương nhiên người có công phu cao thì rất nhiều, cao thủ nhiều như mây, không sai. Nhưng bạn nhắc đến Lư Thắng Ngạn, đương nhiên cũng là một cao thủ trong số các cao thủ, trong số người giỏi còn có người giỏi hơn, bên ngoài trời còn có trời, người này giỏi có người khác giỏi hơn, cũng được xem là cao thủ rồi. Người có thể thâm nhập vào trong để nghiên cứu Phật pháp như vậy, biết được bát nhã và duy thức, hai thứ này cộng lại chính là tâm, không tìm được nữa đâu.
Nhưng nếu như muốn tìm, nhất định phải bắt đầu từ niệm của bạn. Tam học Giới-Định-Huệ, phần lớn những người học Phật chúng ta đều biết phải giữ giới, bởi vì giữ giới có thể sản sinh ra định, có thể kiến bạn trở thành “nhất”, trở thành “chuyên nhất”, phải giữ giới mới có thể trở nên chuyên nhất, “chuyên nhất” sẽ sản sinh ra một cảnh giới định. Và rồi từ bên trong định, bạn có thể đắc được bát nhã, mới có thể bước vào cánh cửa duy thức. Cánh cửa của duy tâm, duy thức là vào bằng cách như vậy đó. Bạn muốn thành Phật, thành Phật Thích Ca Mâu Ni, không phải là cứ tùy tiện ngồi ở đó, không phải là cứ ngồi ở dưới gốc cây Bồ Đề là đạt được.
Vì vậy hôm nay bạn có thể có được Chân Phật Mật Pháp… Chân Phật Mật Pháp là gì ư? Là bát nhã, cũng là duy thức, nó có phương pháp, có trọn bộ phương pháp dạy cho bạn cách đi vào cánh cửa bát nhã, dạy bạn cách đi vào cánh cửa duy thức, dạy bạn cách đi lĩnh hội pháp vị. Ngày hôm nay bạn bắt đầu học từ đây, bạn sẽ có thể đạt được vô thượng chính đẳng chính giác, chân lí của vũ trụ nằm trong lòng bàn tay của bạn, bạn có thể nắm bắt được, điều này là rất đáng quý, đáng để trân trọng.
Hôm nay tạm nói đến đây. Om mani padme hum!
08/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
007. Nói về “niệm” (2)
Có lẽ mọi người sẽ lấy làm lạ, bản thân Lư Thắng Ngạn nói rất to tát về bản thân, giống như câu “bên ngoài trời còn có trời”, ý là ông ấy chính là bầu trời đó, người này giỏi có người khác giỏi hơn, ý là ông ấy chính là cái người khác đó. Thật ra, điều này không kì lạ chút nào. Đây là Phật Thích Ca Mâu Ni nói, nếu người nào thực sự hợp nhất với Đạo thì người đó là lớn, không chỉ là lớn nhất, mà còn là vô thượng. Phật Thích Ca Mâu Ni nói “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”, nếu dám nói câu nói này, cho thấy rằng ngài và vũ trụ đã hợp nhất.
Bạn là một người thành Phật rồi, đã khai ngộ rồi thì bạn có thể được nói như vậy, “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”, có thể được nói. Vì vậy điều này không xem là to tát, chỉ là một hiện tượng khi bạn và vũ trụ, bạn và Đạo hoàn toàn hợp lại làm một mà thôi, bởi vì bạn có được trí huệ vô thượng rồi, bạn có được chân lí rồi, chân lí chính là bạn, bạn chính là chân lí. Nếu như hiểu được điều này rồi thì sẽ không cảm thấy bản thân con người này là vô cùng cao ngạo, tự cao tự đại, sẽ không cảm thấy như vậy nữa.
Vậy tôi sẽ nói ý niệm quan trọng như thế nào. Có rất nhiều người tu hành nói rằng chúng ta tu hành chính là tu sửa hành vi, vậy tu sửa hành vi là phải sửa từ chỗ nào? Là tu sửa từ ý niệm của bạn, tu sửa từ tâm của bạn. Vậy tại sao phải tu tâm? Bởi vì tâm điều khiển hành vi của bạn. Vậy tại sao phải tu niệm? Bởi vì tâm không có hình tướng, chủ yếu là niệm của bạn sản sinh ra, niệm chính là một hình tướng bên ngoài của tâm, vì vậy phải tu niệm này. Tu niệm này là vô cùng quan trọng.
Ở trong Thiền tông có thể nói như thế này. Thiền Tông chủ yếu dạy bạn “chỉ”, là dừng lại, nghĩa là khi có một niệm không tốt khởi lên lập tức chặt đứt nó, đó là “chỉ”, chặt đứt nó chính là “chỉ”. Người bình thường muốn dừng mà không thể dừng được, vì vậy có một câu nói là “rút dao chém nước nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”. Có thể chặt đứt được ý niệm thì mọi người ai cũng có thể thành Phật.
Tôi đã từng nói rồi, ý niệm rất khó chặt đứt, tại sao ý niệm lại khó chặt đứt? Tôi cũng không thể chặt đứt. Bạn nhìn cái cây kia đi, cây đứng ở đó rất im lặng, nhưng cây cũng không thể dừng được, tại sao cây lại không thể dừng? Vì nó vẫn đang hút nước hút phân, vẫn đang nở hoa ở trên cây, lá đang mọc ra, nước vẫn đang lưu thông bên trong thân cây. Bạn lấy đại một cây kim nào đó đi đâm vào thân cây, thân cây vẫn chảy nhựa, nó vẫn còn ý niệm, nó lập tức cảm thấy đau, sẽ lập tức chảy máu. Cây cũng có cảm giác, cây không phải là không có cảm giác. Bạn hái đại một cái lá xuống, cái lá đó vẫn còn chảy nhựa ra, đó chính là có cảm giác, nếu nó không có cảm giác thì không chảy nhựa rồi.
Vì vậy ý niệm rất khó dừng. Thiền tông chủ trương chặt đứt ý niệm chính là pháp “chỉ”, là cao minh bậc nhất, người đại căn khí mới làm được. Cũng có nói đến pháp túng niệm, pháp túng niệm tức là để mặc nó, để mặc ý niệm, để nó cứ thế mà trôi đi, không quản đến nó. Nhưng mà cái này cũng rất khó tu. Cái mà trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta nói đến chính là “lấy niệm dừng niệm”, cũng tức là dùng chính niệm để dừng lại tà niệm, nghĩa là dùng niệm để dừng niệm. Cách này theo cá nhân tôi nhận thấy, bản thân tôi cho rằng dùng phương pháp này là tốt nhất. Ý niệm rất khó chặt đứt, không thể chặt đứt thì phải làm sao? Bản thân bạn tự nghĩ ra một ý niệm tốt để ngăn chặn ý niệm không tốt, đây chính là tu hành, đây chính là quán tưởng trong Mật giáo chúng ta, là một trong ba yếu tố lớn của Mật giáo.
Tại sao trong Mật giáo phải dùng pháp quán tưởng? Bản thân việc quán tưởng chính là dùng chính niệm để thay thế tà niệm, chính là pháp quán tưởng. Đây chính là một phương pháp “lấy niệm dừng niệm” được sử dụng trong Mật giáo.
Mọi người thử nghĩ xem tại sao Tịnh độ tông lại niệm Phật? Niệm Phật chính là tập trung về mặt tinh thần, một lòng hướng về Phật, thật ra cũng là "lấy niệm dừng niệm”, dùng ý niệm của việc niệm Phật để ngăn chặn những ý niệm không tốt. Mật giáo dùng quán tưởng để ngăn chặn những ý niệm không tốt. Thiền tông trực tiếp dùng phương pháp tính Không để hóa giải những ý niệm không tốt, để cắt đứt những ý niệm không tốt, để cầu chữ “định” của sự chuyên nhất.
Lúc nãy có nói rồi, chỉ có ở trong định mới có thể sinh ra trí huệ. Mọi người thử nghĩ đi, bạn từ sáng đến tối đều bận rộn lo toan, trong đầu nghĩ nhiều chuyện linh tinh, khi nào bạn mới có trí huệ chứ? Khó lắm đúng không? Bạn đi học, như thế nào mới có được kiến thức? Chính là bạn phải tập trung đó, khi tập trung bạn mới đi sâu vào trong kiến thức và có được hiểu biết về phương diện nào đó. Bạn nghiên cứu bất cứ một loại tư tưởng học thuật nào, quan trọng nhất là bạn phải chuyên chú, tìm hiểu rất sâu thì mới có thể đạt được nó.
Hôm nay mọi người học Phật pháp cũng giống như vậy, trong đầu bạn suy nghĩ linh tinh, bận rộn lo toan, bạn làm sao có được chân lí của vũ trụ? Bạn vẫn phải thâm nhập một cách chuyên nhất giống như vậy mới có thể đạt được kết quả cốt tủy của Phật pháp, mới có thể đắc được bát nhã, mới có thể đắc được duy thức. Bạn có hai chiếc chìa khóa này rồi, kết hợp lại là bạn sẽ có thể mở được tâm của vũ trụ, bước vào bên trong chân tâm của vũ trụ bạn mới lấy được chân lí, đạt được vô thượng chính đẳng chính giác.
Phật Thích Ca Mâu Ni làm thế nào để đạt được chân lí? Là từ kinh Đại Bát Nhã, kinh Kim Cang, kinh Tâm mà có được. Di Lặc Bồ Tát đạt được từ bên trong duy thức, tương lai Di Lặc Bồ Tát sẽ thành Phật. Sư Tôn làm thế nào để đạt được? Chính là vì tôi lấy được chìa khóa của bát nhã và duy thức. Vậy xin nói cho mọi người biết, tu hành của ngày hôm nay là phải tu niệm, tu chữ “niệm”. Bạn tu sửa được cái “niệm” này, bạn chuyên nhất rồi, bạn đắc được bát nhã, đắc được duy thức là bạn có thể thành Phật.
Hôm nay bạn không thể chuyên nhất, vậy thì bạn cứ bận rộn lo toan sống hết cuộc đời này đi. Vì vậy rất nhiều người học thiền định, tại sao nhất định phải học thiền định? Chính là vì bạn muốn đạt được những điều này đó.
Hôm nay chúng ta nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
08/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
008. Làm sao nhập định (1)
Hôm nay tôi sẽ nói với mọi người đôi chút về phương pháp nhập định.
Thông thường, định ở trong tiếng Phạn gọi là Samādhi (tam ma địa). Tôi cảm thấy là, muốn học Phật thành tựu, thật ra nói khó thì không khó, nhưng mà nói là dễ dàng thì thực sự là một chuyện không dễ dàng. Bởi vì bạn học Phật giả sử không có sư phụ chỉ dẫn bạn, dẫn dắt bạn, bạn phải tự mình đi tìm hiểu các kinh điển Phật giáo thì sẽ phải tiêu tốn rất nhiều năm thời gian. Hơn nữa bỏ ra nhiều thời gian như vậy cũng chưa chắc đã đạt được. Vì vậy nếu nói ra thì việc học Phật vẫn là rất khó khăn.
Chúng ta nói đến Phật Thích Ca Mâu Ni sở dĩ có thể thành Phật là vì ngài đắc được bát nhã. Còn Di Lặc Bồ Tát tương lai thành Phật là vì ngài có được một loại đại thần biến của duy thức. Vậy thì bây giờ bạn đọc kinh điển Phật pháp, bạn có thể đọc thật kĩ kinh điển đó, bạn có thể biết được lí luận của nó. Từ trong Phật lí có thể đắc được bát nhã, bạn có thể biết được những lí luận này. Giống như chúng ta từ trong Tâm Kinh có thể lĩnh hội được tính Không, mối liên hệ giữa bát nhã và tính Không, từ trong Duy Thức Luận bạn có thể lĩnh hội được làm sao để diệt trừ các loại chấp trước, còn lại một ý thức sau cùng của Phật thức trí, bạn có thể hiểu rõ.
Tuy rằng bạn hiểu hết những lí luận này, nhưng mà bạn vẫn không có cách để đi vào cánh cửa của bát nhã và duy thức. Tại sao vậy? Tại vì trong kinh điển không có ghi phương pháp của nó. Bạn biết được lí luận rồi, làm sao để đi vào tính Không bạn cũng biết rồi, làm sao có thể nắm lấy được duy thức bạn cũng hiểu luôn rồi, bạn cũng biết cách làm sao loại bỏ chấp trước, nhưng mà, bạn tu bằng cách nào đây? Thì kinh điển lại không nói đến.
Rất nhiều người xem Phật pháp như một loại học thuật để nghiên cứu, giáo sư Phật học nói rất hay. Hỏi ông ấy có thực tu hay không, ông ấy nói: “Tôi là người nghiên cứu học thuật, tôi không có tu.” Điều này có nghĩa là ông ấy căn bản không có phương pháp thao tác.
Bạn làm sao để sinh ra bát nhã, làm sao đắc được duy thức thực sự? Bạn không có phương pháp. Vì thế bạn đọc xong nghìn kinh vạn điển, bạn đều đọc đủ hết nhưng bạn chẳng khác gì một con số 0. Hôm nay, Lư Thắng Ngạn này thực sự có phương pháp hữu dụng một cách thực tế, không chỉ là biết về mặt lí luận, mà về mặt thực tu, bản thân tôi cũng có nhập môn, cũng có một phương pháp để bước vào cánh cửa lớn thâm thúy.
Vì vậy không chỉ là biết về mặt lí luận, mà còn phải hiểu rõ về phương pháp. Ngoài ra thì sao? Bạn vẫn phải từ trong thực tu mà thật sự minh tâm kiến tính. Vậy là chúng ta hiểu rồi đó. Bạn muốn nghiên cứu mọi loại học vấn, vẫn cần phải định. Tại sao lại phải định? Bởi vì khi nước tĩnh lặng mới có thể hiển lộ vạn vật, khi nước chảy, không tĩnh lặng thì bất cứ thứ gì cũng không rõ ràng.
Trong Phật pháp nói, trí huệ vô thượng được sinh ra từ trong định. Phật Thích Ca Mâu Ni từ trong định mới có thể lĩnh hội được chân lí của vũ trụ, thực sự thể hội được bát nhã và duy thức, mới có thể minh tâm kiến tính và khai ngộ. Sau khi khai ngộ rồi, toàn bộ hành vi cử chỉ và thần thông của ngài, tất cả mọi thứ đều hiển lộ ra hết. Sau khi đã khai ngộ rồi, ngài có thể dung nhập vào Tì Lô Tính Hải, biển đại quang minh, bình đẳng với Phật, có thể biết hết toàn bộ đạo lí của thế gian. Sau khi khai ngộ rồi, ngài có thể vận dụng những thần lực và đạo lực của Như Lai, sau đó đi độ hóa chúng sinh, tự mình giải thoát và có thể giúp chúng sinh giải thoát.
Vậy thì phương pháp này vẫn phải bắt đầu từ trong định. Có rất nhiều loại định. Con đường mà bản thân tôi đi chính là đi từ trong Chân Phật Mật Pháp. Vì vậy trong “Hồng quang đại thành tựu” này, tôi chính là muốn dạy mọi người làm thế nào để thực tu Chân Phật Mật Pháp, làm thế nào để biết được các loại phương pháp thao tác của tu hành từ trong Chân Phật Mật Pháp. Giống như trong Chân Phật Mật Pháp chúng ta làm Hộ Ma vậy đó, toàn bộ nghi quỹ và phương pháp của Hộ Ma, bạn đều có thể được biết.
Hôm nay nếu bạn muốn có được pháp môn của bát nhã và duy thức thì vẫn phải có phương pháp thao tác, vẫn phải có nghi quỹ. Bạn phải hiểu rõ nghi quỹ này bạn mới có thể nhập môn, và mới có thể thực tu. Bạn mới có thể thực sự nói "Được, tôi cũng giống như Phật, đi tìm một cái cây bồ đề, ngồi dưới cây, rồi vài ngày sau đó, bạn đứng lên nói “Tôi khai ngộ rồi!”. Bạn cần phải hiểu được một phương pháp thiền mà Đức Phật thực hành khi ngồi dưới gốc cây bồ đề, và quá trình của nó, bạn cũng phải biết, bạn mới có thể khai ngộ. Nếu không bạn thử đi ngồi đi, cho dù bạn ngồi cả đời bạn cũng không thể khai ngộ.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
09/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
009. Làm sao nhập định (2)
Nói đến định, chúng ta đều hiểu là phải dừng ý niệm. Pháp môn dừng ý niệm này ở trong Mật giáo gọi là trekcho, trekcho chính là dừng ý niệm. Nghĩa là bạn ngăn chặn những ý nghĩ không tốt. Dừng ý niệm thì có rất nhiều phương pháp, tôi đã có nói rồi, chính là dùng niệm để dừng niệm, dùng ý niệm này để dừng lại ý niệm kia. Cách này ở trong Mật giáo chúng ta gọi là quán tưởng.
Bạn có thể dừng ý niệm là đã có thành tích rất lớn rồi, đây chính là định, có thể định tại một điểm thì gọi là tam ma địa. Từ bên trong định, bạn mới tiến thêm một bước để tu thân cầu vồng, pháp này, chính là togal được tu trong pháp Đại viên mãn của Mật giáo, chính là ở trong định mà tu ánh sáng, từ trong thiền định có thể tu ra được ánh sáng.
Trước đây ở trong các tấm ảnh pháp của tôi, có rất nhiều người chụp ảnh của Sư Tôn, chụp ra là nhìn thấy ánh sáng, ánh sáng hình tròn. Ánh sáng khi vừa mới xuất hiện đó, chúng ta có thể gọi là minh điểm. Một người có thể tu ánh sáng trong định, hễ định là có thể nhìn thấy được cơ thể của mình thật ra có rất nhiều điểm ánh sáng nhỏ, ở bên trong cơ thể đang xoay vòng ở bên trong, chính là đang luân hồi ở trong đó. Đây chính là nhìn thấy “minh thể” [thể ánh sáng] của chính mình.
Minh thể này của bạn càng tu càng lớn dần, xâu thành một chuỗi, bạn có thể nhìn thấy chuỗi hạt kim cương, đó chính là chuỗi hạt kim cương của Mật giáo. Ở bên trong chuỗi hạt kim cương, mọi minh thể còn hiển hiện ra toàn bộ Bổn tôn nữa, tất cả Phật và Bồ tát đều ở trong minh thể của bạn. Khi cao minh hơn nữa, toàn bộ pháp giới đều ở bên trong minh thể của bạn, đây chính là tu togal, chính là tu ánh sáng từ trong định, tu pháp quang minh. Đại thành tựu thân cầu vồng về sau chính là phải nói đến cái này.
Vậy bây giờ chúng ta quay lại, quay lại nói về trekcho. Bản thân trekcho là phải dừng niệm, dừng niệm là nhập định như thế nào? Trước đây tôi từng nói rồi. Nhập định không thể quá căng, bạn quá căng thì không thể nhập được định, vì bạn quá dùng lực, nếu dùng lực bạn sẽ luôn nghĩ là “tôi phải nhập định, tôi phải nhập định”, thì bạn sẽ không định được, bởi vì quá căng.
Nhưng cũng không thể quá lỏng, bạn thả lỏng không suy nghĩ gì cả, vô niệm là sẽ ngủ mất, thì thật sự sẽ nhập “tứ ma địa”, chúng ta nói nhập “tứ ma địa” tức là ngủ say, nghĩa là quá lỏng. Vì vậy nhập định là ở chính giữa căng và lỏng, chính giữa tỉnh táo và ngủ say. Chính giữa tỉnh táo và ngủ say, căng và lỏng, ở đây có đạo lí cân bằng. Bạn chỉ cần hiểu được sự cân bằng, hiểu được trung quán, hiểu được sự cân bằng, chính là ở trong đó. Khi có ý niệm không tốt sinh ra, bạn cần phải quán tưởng, dùng quán tưởng để ngăn chặn ý niệm đó, đây gọi là “dùng niệm dừng niệm”.
Về mặt lí mà nói, từ bên trong não của bạn, bạn ứng dụng ý thức của mình, tạo ra một suy nghĩ đẹp đẽ nhất. Trong Mật giáo có quán tưởng “nhập ngã ngã nhập”, tức là trong hư không xuất hiện một vị Phật, di chuyển đến trên đỉnh đầu của bạn biến thành viên ngọc ánh sáng đi vào trung mạch của bạn, đi vào hoa sen nở trong tim bạn và ngồi ngay trong tim bạn. Sau đó vị Phật này biến to ra, to bằng thân thể của bạn, trong một sát-na bạn biến thành Phật, cách quán này gọi là quán tưởng “nhập ngã ngã nhập”.
Tôi cho rằng cách quán này là vô cùng tốt, cũng tức là quán tưởng Phật đi vào bên trong cơ thể tôi, rồi lại biến to ra hoàn toàn giống hệt với tôi, nghĩ tưởng chính mình trở thành một vị Phật trang nghiêm. Quá trình của cách nghĩ tưởng này là tuyệt hảo nhất, trang nghiêm nhất, và thần thánh nhất. Dùng cách nghĩ tưởng này có thể khắc chế tạp niệm của bản thân bạn, chính là lấy niệm để dừng niệm.
Bản thân Mật giáo vốn dĩ có quán tưởng, có thủ ấn, có chú ngữ. Chú ngữ thì có liên quan đến hơi thở và tần số. Bạn thông qua phương pháp hít thở, tạo ra cách hít thở vi tế nhất, sử dụng tần số của chú ngữ, một loại tần số của âm thanh, để dung hòa với âm thanh vũ trụ, sử dụng thêm quán tưởng về mặt tư tưởng, dùng ba phương pháp thân-khẩu-ý thanh tịnh này, thâm nhập vào bên trong ý thức của vũ trụ, rồi để ý thức của vũ trụ đi vào bên trong cơ thể của bạn, hòa hợp với nhau làm một, là có thể tiến nhập vào định trong tam ma địa.
Hôm nay tôi cũng xem như là tóm lược một loại kinh nghiệm về tu tập trong nhiều năm qua của tôi để nói với mọi người. Sự vi tế của hơi thở và tần số của chú ngữ hòa nhập vào trong vũ trụ, dùng một sự quán tưởng về mặt tư tưởng của mình làm công phu vi tế nhất để nhập vào một loại định bên trong cảnh giới vi diệu nhất, tôi cho rằng đây là phương pháp nhập tam ma địa, nhập định tốt nhất.
Đương nhiên là tay cũng phải kết ấn, cũng phải trì chú, tần số của chú ngữ sẽ được sản sinh ra, loại tần số bí mật này tương thông với tần số của vũ trụ. Rồi dùng một loại quán tưởng tuyệt nhất, đẹp nhất, trang nghiêm nhất để thực hành một loại định, để tu hành trekcho, một công phu của định.
Thế rồi ở trong định, bạn có thể bắt đầu tu ánh sáng, biến thành tu togal. Nhưng trong công phu trekcho này, bạn cần phải trải qua thời gian rất dài mới có thể thấy được ánh sáng từ trong định. Thấy được ánh sáng từ trong định giống như là xem tivi đen trắng vậy, khi tivi vừa mới bật lên, nó vẫn chưa được rõ ràng, toàn bộ màn hình đều là các chấm nhỏ, các chấm nhỏ lốm đốm hiện ra, từng chấm ánh sáng trắng, sau đó hình ảnh sẽ hiện ra, khi bạn chỉnh tiêu cự đến mức hợp lí nhất, đàn thành sẽ xuất hiện, Bổn tôn cũng xuất hiện, chuỗi hạt kim cương cũng xuất hiện, lúc này bạn có thể tu đạt đến toàn thân đều là ánh sáng, trong một sát-na bạn hóa thành ánh sáng, đây chính là đại thành tựu ánh sáng cầu vồng.
Từ sự tu hành của Mật giáo có thể đắc được bát nhã, và cũng có thể đắc được duy thức. Bản thân sự tu hành trong Mật giáo chính là một phương pháp thao tác bát nhã và duy thức. Đây chính công phu của biển ánh sáng của Tì Lô Giá Na trong kinh Hoa Nghiêm.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
09/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì
010. Thực tướng của bát nhã và duy thức (1)
Hôm nay tôi sẽ nói với mọi người về một bí mật tu hành. Tu hành cũng có bí mật, vì vậy gọi là “mật hành”. Công khai bí mật này nhìn chung mà nói là rất hiếm có, là rất thù thắng. Trước đây có người hỏi tôi, anh ta nói: “Bát nhã và duy thức của Sư Tôn đã tu đến cảnh giới rất cao rồi, nhưng ngài làm sao lấy một thứ thực tế để tượng trưng cho bát nhã và duy thức?” Tức là dùng một hình ảnh trực tiếp thể hiện cái gì là bát nhã, cái gì là duy thức.
Chúng ta thường nhìn thấy biểu tượng của Phật giáo có một chữ “Vạn”. Chúng ta đọc là Vạn, nó giống hình chữ S, rất giống lá cờ của Đảng Nazi, giống kí hiệu của Nazi. Cái đó có thể tượng trưng cho bát nhã và duy thức không? Dựa theo nghiên cứu và tu trì trên thực tế của cá nhân tôi thì tôi dựa theo ba phương pháp để tu. Bát nhã có ba loại, một cái gọi là bát nhã văn tự, một cái gọi là bát nhã quán chiếu, một cái là bát nhã thực tướng, dựa theo ba loại này để tu trì.
Biểu tượng của hình ảnh mà Sư Tôn nói ra không phải là cái chữ Vạn đó. Hình tướng thực sự là chữ Vạn xoay chuyển. Bạn phải biết là chữ Vạn vừa xoay chuyển là thực tướng của bát nhã liền được sinh ra ngay. Nó là một hình tròn, một cái đĩa tròn, chính giữa có một trung tâm, có một chấm.
Đây là điều mà chỉ có người thực sự có thể lĩnh hội được tinh hoa của bát nhã và duy thức mới có thể nói ra được. Cái vòng tròn đó là cái gì? Cái vòng tròn đó chính là bát nhã. Một chấm ở chính giữa là gì? Chính là “duy thức duy tâm”.
Bạn phải biết chữ Vạn là cái biểu hiện bề ngoài thôi, nó đại diện cho pháp lực của Phật. Nhưng một khi đã xoay chuyển thì vô thượng chính đẳng chính giác đích thực sẽ sản sinh ra. Một cái vòng tròn, chính giữa có một chấm.
Thế nào là “vô dư niết bàn”? Điểm chính giữa đó chính là “vô dư niết bàn”. Trong phạm vi của cái vòng tròn chính là “hữu dư niết bàn”. Một chấm ở giữa chính là Pháp thân Phật, toàn bộ xung quanh đều là Báo thân Phật và Ứng thân Phật.
Chúng ta thử nhìn biểu tượng của Đạo gia đi, biểu tượng của Đạo gia chẳng phải là một hình tròn sao? Chính giữa vẽ một chữ S, bên này một chấm, bên kia một chấm. Cái vòng tròn này là đại diện cho vũ trụ, chữ S ở chính giữa đại diện cho một cái đen một cái trắng. Cái chấm này là một âm một dương. Bản thân người Trung Quốc lấy thái cực của Đạo giáo để tượng trưng cho vũ trụ vạn vật, điều này thật không đơn giản chút nào.
Tư tưởng vốn có của người Trung Quốc là, “nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”. Huyễn tượng của vũ trụ chính là thái cực, lưỡng nghi, một âm một dương chính là Đạo, đây là một điều tự nhiên, cũng là một hiện tượng của vũ trụ tự nhiên. Thái cực mà đạo gia Trung Quốc sử dụng chính là tự nhiên, bốn chữ “vũ trụ tự nhiên”, một âm một dương là Đạo, đen và trắng đối xứng. Nói một câu đơn giản dễ hiểu thì đây chính là “tương đối luận” của Đạo gia Trung Quốc. Đen-trắng, thiện-ác, âm-dương, Phật-ma, đều nằm trong đó, đây là đạo tự nhiên.
Phật của ngày hôm nay mà Sư Tôn nghiên cứu ra là “tuyệt đối luận”. Một cái vòng tròn đại diện cho ý thức của vũ trụ, điểm chính giữa là Phật và ma nhất như, là tuyệt đối. Chỉ có một chấm thôi, không có hai cái chấm, hai cái chấm thì là “tương đối luận”, còn nếu có một chấm thì là “tuyệt đối luận”. Vì vậy một vị Phật thực sự sẽ nói về “tuyệt đối luận”, Phật và ma tập hợp tại một điểm, vậy bên trong đó chính là “vô dư niết bàn”, chính là “duy thức duy tâm”. Một chấm ở giữa chính là “duy thức luận”, một vòng tròn, một chấm chính là “tuyệt đối luận”. Đạo gia của Trung Quốc thì là “tương đối luận”. Trong này gồm có đạo lí của khoa học và triết học.
Hôm nay tôi đem bí mật tu hành của bản thân mình nói ra, chữ Vạn xoay chuyển chính là bát nhã. Khi công lực tu hành của bạn đạt đến rất cao rồi, thân biến thành hiện tượng bát nhã, bản thân bạn chính là một bát nhã. Bạn dùng bát nhã của tự thân bạn hiển hiện thì sẽ hóa thành cầu vồng, hóa thành ánh sáng. Bạn sẽ đi vào được trong vô dư niết bàn, hữu dư niết bàn, bạn hóa thân làm Pháp thân Phật, Báo thân Phật, Ứng thân Phật.
Một loại chính đẳng chính giác đích thực mà Phật Thích Ca Mâu Ni đạt được chính là Đạo của niết bàn tại cái chấm chính giữa đó, những cái khác đều là phương tiện. Phương tiện chính là quyền thuyết [tùy cơ mà nói], cái chấm chính giữa chính là thực thuyết [nói điều chân thực]. Điểm chính giữa là Thánh đế, những phạm vi khác ở bên trong chính là tục đế. Vì vậy trong Phật pháp có cái gọi là Thánh đế, có cái gọi là tục đế.
Khi bạn tu hành chứng minh mình nhìn thấy thực tướng bát nhã là một vòng tròn ánh sáng, mà chính giữa có một chấm, ở trong đó, chư Phật đều ở bên trong, tất cả Phật Bồ tát đều nằm trong cái vòng tròn đó, cái vòng tròn đó to lớn vô cùng. Và những gì có ở trong đó đều không có sự phân biệt về thời gian và không gian. Đây là một bí mật mà bản thân tôi tu hành lâu như vậy rồi, hôm nay mới dám công khai. Đây là tôi nói bí mật về thực tướng của bát nhã và thực tướng của duy thức.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
10/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
011. Thực tướng của bát nhã và duy thức (2)
Cũng có người hỏi tôi: “Ngài đắc thành tựu cầu vồng rồi, kết quả thế nào?” Xin nói với mọi người rằng, sau khi đắc đại thành tựu cầu vồng rồi, thật ra mỗi một người đến cuối cùng đều như nhau cả. Bạn có đắc đại thành tựu cầu vồng hay không, đến cuối cùng tất cả đều đi trên cùng một con đường, con đường này trong Phật giáo gọi là viên tịch, chính là Niết bàn, mọi người đều như nhau. Nhưng người có đại thành tựu cầu vồng thì bản thân anh ta có thể thị hiện ánh sáng cầu vồng, đây chính là điểm khác nhau. Có thể tự chủ, quan trọng nhất là tự chủ.
Thế nào gọi là tự chủ? Tương lai tôi sẽ đi về đâu, tôi biết rõ, hơn nữa tôi còn biết đi bằng cách nào, cái này chính là tự chủ. Có rất nhiều người khi lâm chung, khi sắp viên tịch, họ không biết phải đi về đâu, không biết phải đi bằng cách nào, đây chính là điểm khác biệt giữa có tu và không tu. Bạn kiếm tiền từ sáng đến tối, phiền não những chuyện thế gian, mỗi ngày đều bận rộn lo toan đến hết đời, vậy thì tương lai bạn sẽ không biết đi bằng cách nào đâu. Hôm nay dạy cho bạn đại thành tựu cầu vồng này chính là giúp bạn trong tương lai sẽ biết đi bằng cách nào.
Người đắc đại thành tựu cầu vồng, khi anh ta thành tựu, khi anh ta sắp ra đi, trên đỉnh đầu sẽ hiện ra ánh sáng cầu vồng, trong hư không cũng có ánh sáng cầu vồng. Khi anh ta vừa xuất hiện ánh sáng, cơ thể anh ta sẽ thu nhỏ lại, rồi lại hiện ra ánh sáng, tiếp tục sản sinh ánh sáng, cơ thể thu nhỏ đến cuối cùng chỉ còn lại da và lông, rồi chỉ còn móng tay và lông, ngay đến da cũng không còn, toàn bộ biến thành ánh sáng, chỉ còn lại một vệt ánh sáng. Trong hư không cũng có cầu vồng, vệt ánh sáng này sẽ đi vào cầu vồng trong hư không, vô cùng thù thắng trang nghiêm, đây là thành tựu vĩ đại nhất, đây gọi là “thân cầu vồng bất tử”. Cái gì cũng không còn nữa, chỉ còn lại lông tóc móng tay. Dạng này là đẳng cấp thứ nhất.
Vậy còn đẳng cấp thứ hai thì sao? Cơ thể anh ta xuất hiện ánh sáng cầu vồng, đi vào trong hư không, thân thể thu nhỏ lại, nhưng mà cơ thể này biến thành xá lợi toàn thân. Toàn thân đều là hạt xá lợi, rất kiên cố, rất cứng chắc, giống như kim cương, giống như chày kim cang, đây cũng là đại thành tựu cầu vồng, nhưng đây là đẳng cấp thứ hai. Đẳng cấp thứ nhất là toàn thân đều biến mất, đẳng cấp thứ hai thì vẫn còn.
Đẳng cấp thứ ba, chính là cơ thể không hiện cầu vồng, nhưng một khi hỏa táng cơ thể anh ta, toàn bộ đều là hạt xá lợi rất sáng, đây là đại thành tựu cầu vồng giai đoạn đầu. Hạt xá lợi này có hình tròn, chính là hạt kim cương có hình tròn, là như vậy đó. Cho nên đại thành tựu cầu vồng cũng có phân ra mấy đẳng cấp.
Tu hành quan trọng nhất chính là có thể “tự chủ sinh tử”. Bạn phát nguyện tương lai bạn muốn chuyển thế thì bạn phải biết tương lai mình sẽ chuyển thế đến chỗ nào. Tôi có thể viết ra trước tương lai tôi sẽ chuyển thế đến chỗ nào, tu hành như vậy mới là có thành tựu. Hôm nay bạn không biết mình sẽ đi như thế nào, không biết sau khi chết mình sẽ đi về đâu. Đây chính là hiện tượng của phàm phu, hoàn toàn chính là người phàm.
Bạn tu hành có sự trưởng thành, vật chất sinh mạng của cơ thể bạn cũng sẽ có sự trưởng thành. Bạn nhìn tôi hôm nay xem, Lư Sư Tôn đã cạo sạch hết tóc. Sợi tóc này không còn chất dinh dưỡng nữa, không còn biến đổi nữa, cũng tức là sợi tóc này của bạn tự nó không còn dinh dưỡng nữa, sẽ không còn chất dinh dưỡng đi vào nó nữa, nói đơn giản là sẽ không mọc ra được nữa. Nhưng chỉ cần bạn lưu trữ được đúng cách, để ở đó, bạn niệm chú cho nó, thì những sợi tóc này của tôi vẫn sẽ mọc dài ra, mọc liên tục, mọc ra rất nhiều. Ban đầu chỉ có vài sợi, sẽ biến thành mấy nghìn, mấy trăm nghìn, mấy triệu sợi tóc, hơn nữa còn dài ra. Đây vốn dĩ là bản thân sự tu hành đang tăng trưởng.
Duy thức và bát nhã mà bản thân tôi đang tu hành, bản thân nó đã dung nhập vào trong toàn bộ vũ trụ rồi. Tuy rằng chỉ là vài sợi tóc, nhưng nó vẫn đang tăng trưởng pháp lực của bản thân nó. Có rất nhiều đệ tử sưu tầm mấy sợi tóc của Sư Tôn, để tóc ở đó, bởi vì pháp lực của Sư Tôn vẫn đang tăng trưởng đầy ắp toàn bộ vũ trụ này, cho nên những sợi tóc đó vẫn đang mọc dài, vẫn đang gia tăng. Vì vậy đây chính là tượng trưng cho sự tăng trưởng pháp lực tu hành, một loại sức mạnh, một loại pháp lực.
Tu đại thành tựu cầu vồng sẽ có rất nhiều lợi ích. Ngoài việc bản thân bạn có thể tự chủ sinh tử ra, bạn còn có thể hiểu rõ chân lí của vũ trụ, đây là một điểm quan trọng. Bạn hiểu được chân lí của vũ trụ, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa con người sống ở trên đời này, bạn hiểu được triết học xuất thế. Có cái gọi là vũ trụ luận không nhỉ? Cái gọi là tương đối luận, cái gọi là duy thức luận, cái gọi là tuyệt đối luận, bạn đều có thể siêu việt, và có thể hiểu rõ.
Nhìn chung, lấy điều này làm giá trị cao nhất của cuộc đời, những cái khác đều là giá trị về mặt vật chất, đều là dưới một bậc. Vì vậy hôm nay tôi hiểu được cái gì là thái cực, thái cực chính là vũ trụ tự nhiên. Vậy cái gì là bát quái, thiên, địa, lôi, phong, trạch, thủy, hỏa, sơn? Từ thái cực phân lưỡng nghi, lưỡng nghi biến thành tứ tượng, tứ tượng có thể biến ngũ hành, ngũ hành biến lục hợp, lục hợp biến thất chính, thất chính biến bát quái.
Dạng biến hóa này của Đạo gia Trung Quốc: thiên, địa, lôi, phong, trạch, thủy, hỏa, sơn, bao gồm cả địa, thủy, hỏa, phong, không, đây không chỉ là một loại khoa học mà còn là một loại triết học, cũng là một loại huyền học. Vậy bạn nghiên cứu bát nhã và duy thức, bạn có thể hóa ra sự tượng trưng của bát nhã và duy thức. Đây cũng là bản thân bạn sau khi thâm nhập vào nghiên cứu và thực tu, bạn có thể hiểu được vô thượng chính đẳng chính giác là gì. Bản thân nó có một vật tượng trưng, bạn ở trong thực tướng của bát nhã bạn cũng có thể quán chiếu ra được, đây mới gọi là đắc chứng.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
10/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
012. Phương pháp ngăn chặn vọng niệm (1)
Hôm nay chúng ta sẽ nói về năm xưa Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy phương pháp ngăn chặn vọng niệm thế nào, điều này cũng vô cùng quan trọng. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni dạy đệ tử, Ngài đã dùng rất nhiều cách.
Đối với việc ngăn chặn vọng niệm, Ngài đã từng dạy cách đếm hơi thở. Phương pháp đếm hơi thở chính là bạn tập trung tinh thần của mình hoàn toàn vào giữa hít vào thở ra. Thật ra cách đếm hơi thở này chúng ta cũng có thể nói một cách rất đơn giản. Khi bạn đếm hơi thở, bạn sẽ không có vọng niệm lung tung.
Bạn đếm một hít vào một thở ra là một, rồi lại một hít vào một thở ra là hai, bạn rất chuyên chú làm quán tưởng đếm hơi thở này, bạn sẽ không sản sinh ra những ý nghĩ khác, vì ý nghĩ của bạn đã đầy rồi, cho nên những ý nghĩ khác sẽ không sản sinh ra nữa. Đây là lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni, là một phương pháp tốt nhất để chấm dứt vọng niệm.
Bản thân tôi trước đây cũng từng tu cách đếm hơi thở trong một khoảng thời gian rất dài, đây là phương pháp dùng để ngăn chặn vọng niệm mà Phật Đà đã dạy. Ngoài ra, Phật Đà nói với rất nhiều chúng sinh rằng, muốn dừng sắc tướng của bạn, phải dùng phương pháp bạch cốt quán, phương pháp quán xương trắng. Bạch cốt quán là như thế nào? Chính là xem một loại sắc tướng mà bạn bám chấp vào nó nhất là một bộ xương trắng.
Mọi người cũng biết là hình tướng bên ngoài, có một số là rất đẹp, nhưng khi bạn xem nó là một bộ xương trắng thì không còn đẹp nữa. Thật ra, khi chúng ta xem televison, khi xem ti vi, trong các bộ phim của Tây, thường có cảnh kiss [hôn]. Khi chúng tôi mới đến Mĩ, nhìn thấy những cảnh như vậy thì cảm thấy rất yuck [kinh]! Cảm thấy là eo ôi yuck quá. Trẻ con học tiếng Anh rất nhanh, câu đầu tiên sẽ nói là yuck quá… yuck quá…!
Trên thực tế, mặc dù bạn cảm thấy rất đẹp, cảm nhận rất hay, cảm thấy là cảm giác hôn đó rất thích, nhưng giả sử đổi thành một bộ xương trắng thì sao? Răng của bạn chạm vào răng của nó, vừa nhìn đã thấy hai lỗ mắt, lại không có mũi, chỉ có một hình tam giác, cảm giác của bạn sẽ khác ngay.
Vì vậy ý nghĩa của việc Phật Đà dạy chúng ta tu bạch cốt quán chính là để phá sắc tướng, phải phá sắc tướng. Tu bạch cốt quán, khi bạn thực hành quán tưởng, rất dễ dàng loại bỏ được sự bám chấp vào sắc tướng trong tâm của bạn.
Trước đây tôi thường giảng kinh Viên Giác. Ở trong kinh Viên Giác, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có nhắc đến phương pháp thực tu, chính là “chỉ quán song vận”.
Thiền tông nói về “chỉ”, chính là muốn bạn đoạn trừ vọng niệm, vọng niệm phải diệt trừ. Trong Mật giáo muốn diệt trừ vọng niệm thì hô một tiếng chú ngữ là “Pei”, âm “Pei” này là một âm thanh phá hoại. Thật ra nó cũng không chỉ là một âm thanh phá hoại, mà nó còn tiêu diệt toàn bộ vọng niệm, vọng nghiệp của bản thân bạn. “Pei”! Thế là dừng yên lại, vậy là nhập định, ở bên trong định.
Bất luận là quán đếm hơi thở, quán bạch cốt, hay là chỉ quán song vận, bạn muốn dừng nhưng không có cách nào dừng được thì bạn phải dùng quán tưởng để dừng. Đợi đến khi bạn quán tưởng đến một mức độ nào đó, thì lúc này bạn mới tiến nhập vào trạng thái dừng. Chỉ rồi quán, quán rồi chỉ, cứ tuần hoàn qua lại như vậy, chính là chỉ quán song vận, đây cũng là một phương pháp rất tốt.
Thật ra tóm lại thì chỉ có một câu, chính là bạn phải tu đến cảnh giới có thể chuyên nhất, vô niệm. Trên thực tế là như vậy đó. Chúng sinh vọng niệm lung tung, nhưng khi bạn có thể chuyên chú vào một thứ, thì có thể biến tất cả vọng niệm thành một niệm, rồi từ một niệm biến thành thanh tịnh, chính là biến thành vô niệm. Khi thanh tịnh cũng là một trạng thái vô niệm, là lúc thanh tịnh nhất.
Vào thời Phật Đà, rất nhiều A La Hán, đại tu hành giả, mười đại đệ tử, mỗi ngày họ đều thực hành công phu chuyên nhất. Sau đó đi vào trong vô niệm tam muội. Loại tu định này chủ yếu là thanh tịnh. Trong Mật giáo, trong “Đại thành tựu cầu vồng” của chúng ta nói đến thân-khẩu-ý thanh tịnh, chính là thân thể của bạn thanh tịnh giống như Phật, khẩu của bạn thanh tịnh giống như Phật, ý niệm của bạn thanh tịnh giống như Phật.
Lúc này, từ tam nghiệp thân-khẩu-ý của bạn chuyển thành tam mật thân-khẩu-ý. Có sự chuyển đổi này, bạn sẽ có thể dễ dàng đi vào trong cảnh giới thanh tịnh. Đây chính là tu hành. Bản thân việc tu hành chính là phải thanh tịnh. Mà thanh tịnh chính là biến tất cả vọng niệm thành nhất niệm, rồi từ nhất niệm biến thành vô niệm thanh tịnh. Thân-khẩu-ý thanh tịnh chính là tam mật, thân-khẩu-ý không thanh tịnh thì sẽ biến thành nghiệp chướng của bạn, gọi là tam nghiệp. Vì vậy, tu hành chính là biến những vọng nghiệp của nghiệp chướng thành vô niệm thanh tịnh của Phật, đây chính là một loại công phu tu hành.
Vậy thì hôm nay, tôi muốn giảng cho mọi người biết, vào thời của Đức Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni thường xuyên dạy chúng ta đếm hơi thở, quán bạch cốt và cả chỉ quán song vận mà trong kinh Viên Giác có nói đến. Những cái này đều là phương pháp rất tốt. Tất nhiên là còn có rất nhiều rất nhiều phương pháp giúp bạn có thể tập trung tinh thần vào một thứ, có thể dừng niệm và có thể chuyên nhất.
Rất nhiều người tu hành hỏi tôi, họ nói: “Lư Sư Tôn! Xin ngài dạy tôi làm sao để tu hành.” Tôi nói: “Yếu tố thứ nhất, phải tinh thần thống nhất.” Tinh thần thống nhất là một yếu tố đầu tiên, chính là biến toàn bộ vọng niệm của bạn thành nhất niệm. Khi bạn chuyên chú vào một thứ thì bạn có thể tiến nhập tam ma địa.
Hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
11/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
013. Phương pháp ngăn chặn vọng niệm (2)
Chúng ta sẽ nói tiếp về phương pháp dừng vọng niệm có liên quan đến “Đại thành tựu cầu vồng”.
Cũng có người hỏi tôi, anh ta nói: “Sao ngài lại biết rõ những phương pháp mà Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy như vậy?”
Tôi thành thật nói với mọi người như thế này, tôi là một người “siêu thời không” - vượt qua thời gian và không gian. Người ta sẽ hỏi: “Này, Lư Thắng Ngạn siêu thời không là sao vậy hả?”
Tôi nói: “Tôi là một cổ nhân”, người của thời cổ đại. “Ngài là người hiện đại, sao lại nói ngài là người của cổ đại chứ?” Đó là vì tôi biết được đời trước và đời sau của chính mình, tôi có thể biết được rất nhiều kiếp quá khứ, vì vậy tôi vừa là một cổ nhân, vừa là một người hiện đại.
Vào thời của Phật Thích Ca Mâu Ni tôi cũng có mặt ở đó. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nhiều kinh như vậy, tôi cũng được nghe. Nếu đã như vậy thì sao tôi lại không biết rõ những gì Phật nói chứ? Thật ra bản thân Phật Đà, vẻ bề ngoài thì giống như là không tu Mật pháp, mấy đại đệ tử của Ngài, mấy vị A La Hán đó đều không tu Mật pháp, bề ngoài thì là như vậy, trên thực tế thì là có tu. Sự thật là các vị có tu Mật giáo, chỉ là vào lúc đó Mật giáo không được đem ra bàn luận, không được phơi bày ra.
Phật Thích Ca Mâu Ni có truyền Mật pháp hay không? Giả sử Phật Thích Ca Mâu Ni không truyền Mật pháp, thì các A La Hán thành tựu trong thời đó sẽ không có hỏa quang tam muội. Do đó, vào thời của Phật Thích Ca Mâu Ni vì đã có hỏa quang tam muội, cho nên có sự tồn tại của Mật pháp.
Vì vậy phải nói là Phật Thích Ca Mâu Ni có truyền các pháp “Đại thủ ấn cầu vồng”, “Đại thành tựu cầu vồng”. Chứ không thể nói Phật Thích Ca Mâu Ni không truyền Mật pháp, Mật pháp toàn bộ đều là do Đại Nhật Như Lai thuyết, không hẳn là như vậy đâu. Vì vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc đó rất nhiều đại đệ tử đều đắc thành tựu về hỏa quang tam muội, đó chính là Mật pháp.
Trong tu hành, trong vô hình đều luôn đi vào một loại thành tựu bí mật. Việc dạy pháp của Phật Đà thời đó là sau khi giảng pháp xong, mỗi một người sẽ đi về chỗ của mình để “an thiền”, ngồi thiền một cách yên tĩnh, đó chính là mỗi người đều tu phương pháp an thiền của mình. Thế rồi Phật Thích Ca Mâu Ni thỉnh thoảng lại đến dạy cho họ một chút, Ngài sẽ viết vài câu tặng cho đệ tử, những câu nói này sau này chính là kinh Pháp Cú. Kinh Pháp Cú chính là Phật viết vài chữ cho đệ tử, kêu đệ tử thả lỏng một chút, Ngài sẽ viết hai chữ “thả lỏng”, có nghĩa là anh quá căng thẳng rồi, có thể thả lỏng một chút. Và có một số người quá buông lỏng, Ngài sẽ dạy đệ tử đó phải căng một chút. Giống như có một số đệ tử thường ngủ gục thì phải căng một chút, phải uy nghi một chút. Ngài thường xuyên viết những câu nói ngắn như vậy đưa cho đệ tử, tức là Ngài đang dạy đệ tử phương pháp tu hành.
Thế còn bản thân “Đại thành tựu cầu vồng” rất chú trọng đến phương pháp nội tu. Pháp nội tu là gì?Pháp nội tu là luyện cho khí của toàn thân, khí của toàn bộ cơ thể của bạn được sung túc, yếu quyết thứ nhất là khí phải vô cùng sung túc. Bạn không thể nhìn vào giống như là có khí mà không có lực. Đầu tiên là khí của cơ thể bạn phải thật sung túc. Vậy thì pháp này trước đây tôi cũng có nói qua rồi, nó gọi là Bảo bình khí. Pháp Bảo bình khí, mọi người có thể xem băng video, tại Lôi Tạng Tự Seattle có chia sẻ băng video về pháp Bảo bình khí.
Ngoài ra pháp nội tu chính là pháp Linh nhiệt, cũng tức là pháp Chuyết hỏa, tại Seattle Lôi Tạng Tự cũng có chia sẻ băng video về pháp Chuyết hỏa, những giảng giải ở trong đó đều rất rõ ràng. Những gì tôi nói hôm nay là lời lặp lại, không những lặp lại mà còn phải nói rất lâu.
Vì vậy hôm nay tôi muốn nói với mọi người, bạn phải biết pháp Bảo bình khí, phải luyện Bảo bình khí trước để khí của bạn được sung túc, để khí ở bên trong cơ thể bạn tuần hoàn vô cùng thông thoáng, bạn sẽ là một người rất khỏe mạnh, rất kiên cố. Vì vậy phương pháp của Mật giáo không giống các phương pháp thông thường. Sau khi bạn tu Mật giáo rồi, có thể nói là bạn đã có hết toàn bộ khí công rồi, những pháp khí công được truyền ở bên ngoài bạn đều có hết, bởi vì Bảo bình khí chính là khí công hình cái bình, chính là cái bình hình hồ lô, khí công hình cái bình, không phải là cái ấm, tóm lại là khí công có hình dạng hồ lô. Bạn thật sự tu được khí sung túc rồi, khí vô cùng thông thoáng, đây là cơ sở đầu tiên.
Cái thứ hai mới tu linh nhiệt dẫn hỏa. Bên trong cơ thể của bạn vốn dĩ đã có đất nước lửa gió, lấy thủy hỏa để tu. Thủy ở thiên tâm chỗ này, hỏa ở dưới đan điền bốn lóng tay. Đầu tiên là dẫn hỏa lên, sau đó mới đưa thủy xuống, thủy hỏa hòa lẫn với nhau, ở bên trong cơ thể của bạn sẽ sản sinh ra một loại linh nhiệt, đây chính là pháp Chuyết hỏa.
Vào thời Phật Đà, các A La Hán thành tựu đều có hỏa quang tam muội. Phía trên xuất thủy, phía dưới xuất hỏa, đây chính là hỏa quang tam muội, ở trong Phật điển đều có hết, có thủy hỏa định, có thủy định, có hỏa định, đây chính là pháp trong Mật giáo.
Loại hiện tượng này, tôi nói với mọi người một cách đơn giản, chính là khí ở bên trong cơ thể bạn vô cùng sung túc, mạch ở bên trong cơ thể toàn bộ mở ra hết, toàn bộ tinh thần ở bên trong cơ thể đều tập trung, phát ra nhiệt, phát ra lửa, phát ra ánh sáng, loại ánh sáng này đốt cháy toàn thân bạn, trở thành một hiện tượng kim cang vô cùng kiên cố.
Tôi nói với mọi người một cách rất đơn giản, rất đại khái như vậy. Bản thân việc tu Mật giáo có hiệu ứng về mặt thực tế, thế nào gọi là hiệu ứng về mặt thực tế? Chính là nói bạn có thể cảm nhận được, bạn có thể cảm giác được, bạn có thể sản sinh pháp lực, bạn có thần thông, ít nhất thì cơ thể của bạn cũng vô cùng kiên cố. Chí ít có thể nói, sau khi bạn tu thành rồi thì trăm bệnh chẳng thể xâm phạm, bạn vô cùng kiên cố, cơ thể vô cùng cường tráng, vô cùng vững chắc, thân thể của bạn cũng giống như là superman [siêu nhân]. Nói một câu đơn giản là superman. Bạn có pháp lực, có thần thông, việc tu pháp này là việc tu pháp có cảm giác chân thực, không phải là nói ngoài miệng, không phải là hão huyền.
Hôm nay tôi tạm nói với mọi người đến đây. Om mani padme hum!
11/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
014. Tam căn bản của Mật giáo
Hôm nay tôi sẽ nói với mọi người về tam căn bản, cũng tức là ba căn bản của Mật giáo. Chúng ta tu hành Mật pháp, trước tiên nhất định phải quy y Thượng sư, cũng có nghĩa là có Thượng sư rồi mới có người chỉ dẫn bạn học Phật, mới có người quán đảnh cho bạn, và giảng dạy đạo lí Phật pháp cho bạn.
Về căn bản mà nói, bản thân một vị Thượng sư cần phải chỉ dẫn được bạn một cách rất vi tế về khẩu quyết. Vậy thì, khi làm công việc truyền thụ cho đệ tử, làm một người đệ tử thì có thể nương dựa vào vị Thượng sư đó. Một vị Thượng sư, về bản chất mà nói, chính là sự gia trì căn bản rất quan trọng trong ba căn bản của Mật giáo.
Thượng sư quán đảnh cho bạn, lần trước tôi đã nói rồi, giống như là Thượng sư đem một pháp truyền thụ cho bạn. Khi quán đảnh cho bạn giống như là truyền thụ hạt giống của pháp vào bên trong cơ thể thân thể bạn, điều này về cơ bản là rất quan trọng. Vì vậy, bản thân Thượng sư mà nói, chính là một căn bản của gia trì, đây là căn bản thứ nhất.
Còn căn bản thứ hai chính là Bổn tôn. Mỗi một hành giả tu tập ở trong Mật giáo đều cần phải có một Bổn tôn căn bản. Thế nào là Bổn tôn? Chính là sau này khi bạn tu hành, bạn phải đạt được thành tựu giống Bổn tôn của mình. Lấy một ví dụ để nói, ví dụ Bổn tôn của bạn là Quan Thế Âm Bồ Tát, vậy tương lai sau khi bạn tu hành thành tựu rồi, bạn chính là Quan Thế Âm Bồ Tát, đây chính là thành tựu căn bản. Giả sử bản thân bạn đã tu đến tương ứng với Bổn tôn rồi, vậy thì bạn chính là Quan Thế Âm Bồ Tát, giống nhau.
Vì vậy trong Mật giáo nói đến Phật và chúng ta, tức là các hành giả chúng ta, vốn dĩ không có sự khác biệt quá lớn. Cũng có nghĩa là, tương lai bạn thành tựu rồi, bạn chính là Phật, bạn chính là Bồ tát, chứ không phải là khoảng cách quá xa. Sự tu hành thực sự trong Mật giáo chính là kéo khoảng cách giữa Phật và bạn lại với nhau, chứ không phải là ở khoảng cách xa.
Vì vậy đây không phải là một loại tín ngưỡng bình thường. Một số tín ngưỡng thông thường cho rằng Phật ở trên trời, bạn ở dưới mặt đất, khoảng cách vô cùng xa xôi. Và bạn có việc gì đều phải cầu thỉnh Phật. Tu hành trong Mật giáo không phải như vậy. Phật và bạn là hợp nhất, khi bạn thành tựu rồi, bạn chính là thành tựu Phật. Vì vậy Bổn tôn là rất quan trọng, có thể nói Bổn tôn chính là căn bản của thành tựu, đây là căn bản thứ hai.
Thượng sư là gia trì căn bản, Bổn tôn là thành tựu căn bản. Vậy bạn muốn tìm kiếm Bổn tôn này, bạn phải tìm kiếm vị có duyên nhất, bạn cảm thấy đó là vị mà bạn có duyên nhất. Ví dụ như là bạn nói Quan Thế Âm Bồ Tát rất có duyên với tôi, vậy tương lai bạn sẽ tu hành đến cảnh địa của Quan Thế Âm Bồ Tát, chính là Bổn tôn có duyên với mình nhất. Mỗi người đều có một vị Bổn tôn, hành giả Mật giáo chính là như vậy.
Ngoài ra còn có vị thứ ba, chính là Hộ pháp. Hộ pháp chính là sự nghiệp căn bản. Vậy làm sao để nhận định Hộ pháp? Hiện nay có rất nhiều đệ tử viết thư đến cho Sư Tôn nói: “Thỉnh Lư Sư Tôn nói cho con biết Hộ pháp của con là ai?”
Cái này là do chính bản thân bạn tu thành. Bạn muốn xác nhận được Hộ pháp của bạn là vị nào, nói cách khác là bạn cảm ứng được Hộ pháp đến hộ trì cho bạn, bạn nhìn thấy được ở trong thiền định, bạn nhìn thấy ở trong giấc mơ, hoặc là bản thân bạn vào ban ngày cũng nhìn thấy được, mở mắt ra là nhìn thấy, đó chính là căn bản Hộ pháp của bạn.
Đừng có hỏi tôi, bởi vì tôi đã bị hỏi đến nhức đầu chóng mặt luôn rồi. Hiện nay có bốn triệu đệ tử, cứ nhắc đến căn bản Hộ pháp là mỗi một người đều gửi thư đến hỏi tôi, tôi xác nhận cho từng người một như vậy thực sự là quá bận rộn, vì Hộ pháp có quá nhiều. Vì vậy, Hộ pháp đòi hỏi bạn phải như thế nào? Khi bạn tu hành đến một trình độ nào đó, từ trong hư không phái một vị Kim cang Hộ pháp đến, Không hành, chư Thiên, thậm chí là thiên long bát bộ gì đó, một trong các vị đó có duyên với bạn nhất, thích đến hộ trì bạn thì chính là căn bản Hộ pháp của bạn. Điều này cũng rất là quan trọng.
Vậy thì Hộ pháp là gì? Hộ pháp là sự nghiệp căn bản. Bởi vì có rất nhiều việc trong quá trình bạn tu hành trở thành sự nghiệp lớn của bạn. Trong lúc tu hành có rất nhiều chuyện cần phải làm, có rất nhiều pháp vụ cần phải làm. Có rất nhiều chuyện đều cần Hộ pháp đến giúp bạn thành tựu, cái đó gọi là sự nghiệp căn bản.
Chúng ta tu hành Mật giáo có ba căn bản như vậy đó. Thượng sư là gia trì căn bản, Bổn tôn là thành tựu căn bản, Hộ pháp là sự nghiệp căn bản. Giữa ba thứ này chính là một samaya. Samaya chính là một lời thề. Một người tu hành không được xa rời căn bản Thượng sư của mình, không được xa rời căn bản Bổn tôn của mình, cũng không được xa rời căn bản Hộ pháp của mình. Một hành giả phải luôn luôn nghĩ tưởng đến Thượng sư, Bổn tôn và Hộ pháp.
Bởi vì Thượng sư đang làm quán đảnh, gia trì cho bạn mọi lúc. Còn Bổn tôn, tương lai bạn phải thành tựu Bổn tôn, bất cứ lúc nào bạn cũng phải ở cùng với Bổn tôn. Hộ pháp cũng như vậy, bất cứ lúc nào cũng hộ trì bạn, làm các loại pháp vụ như tiêu tai, tăng ích, kính ái, hàng phục đều phải thỉnh Hộ pháp giúp bạn hoàn thành những sự nghiệp và pháp vụ.
Vì vậy ba điều này, giữa một hành giả và ba căn bản này là không thể tách rời. Cho nên tôi mới nói bạn muốn tu hành “Đại thành tựu cầu vồng” nhất định phải quy y. Quy y rồi bạn mới xuất hiện Thượng sư chỉ dẫn cho bạn, quán đảnh cho bạn, giảng dạy cho bạn, gia trì cho bạn. Sau đó mới theo nghi quỹ lựa chọn một vị Bổn tôn. Sau khi chọn lựa Bổn tôn của bạn rồi, bạn sẽ dựa theo Bổn tôn mà tu pháp, đi theo Bổn tôn, hợp nhất với Bổn tôn. Sau này bạn nhìn thấy ánh sáng trong thiền định, biết được Hộ pháp của mình là ai, biết được Hộ pháp của mình rồi thì ngài sẽ hiển hiện ra. Sau khi bạn tu hành có tương ứng rồi, Hộ pháp sẽ tự động hiển hiện. Mọi người phải hiểu rõ, đây chính là ba căn bản của Mật giáo.
Hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
12/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
015. Nói về "tu mộng” (1)
Chúng ta vừa mới nói về ba căn bản, vậy bây giờ chúng ta nói đôi chút về “tu mộng”. Giấc mơ cũng cần phải tu ư, có rất nhiều người cảm thấy rất kì lạ. Trong Mật giáo đặc biệt là như vậy đó. Ban ngày cũng tu, ban ngày thì tu pháp, và buổi tối khi bạn đi ngủ bạn cũng phải tu pháp, cái này chính là tu mộng.
Thông thường mà nói, Hiển giáo rất ít nghe nói đến tu mộng, bản thân họ cũng có tu nhưng tương đối ít. Nhưng Mật giáo thì có. Ba căn bản mà chúng ta vừa mới nói đến đó, bản thân Thượng sư có pháp lực gia trì, gia trì cho bạn một cái là bạn có ngay mấy trăm năm công lực.
Bổn tôn cũng có pháp lực, pháp lực của Bổn tôn cũng rất mạnh, giống như Quan Thế Âm Bồ Tát mọi người đều biết bản thân Ngài có pháp lực rất lớn. Như Hộ pháp, thiên long bát bộ, Tứ Đại Thiên Vương, Ngũ Đại Kim Cang, tất cả Không hành mẫu, chư Thiên đều có pháp lực. Sức mạnh của những Hộ pháp này cũng rất lớn. Vì vậy tu hành trong Mật giáo chúng ta là tổng hợp rất nhiều sức mạnh lại với nhau để bản thân hành giả cũng sản sinh ra sức mạnh rất lớn. Còn có tự lực và tha lực kết hợp lại với nhau.
Mật giáo có nói đến tự lực, tự lực chính là sức mạnh mà tự mình tu được. Tha lực chính là bao gồm sức mạnh của Thượng sư, Bổn tôn và tất cả Hộ pháp. Toàn bộ sức mạnh cộng lại với nhau chính là một loại samaya, một loại sức mạnh rất lớn, có thể chấn động toàn bộ vũ trụ. Vì vậy bản thân Mật giáo là nói đến pháp lực, thông thường Hiển giáo rất ít khi nói đến pháp lực, còn Mật giáo là luôn nói đến pháp lực.
Vậy thì trong tu hành, không chỉ ban ngày bạn tu pháp, ban đêm khi ngủ, khi nằm mơ, bạn cũng có thể tu pháp. Liên quan đến giấc mơ, trước đây tôi có nói đến pháp Miên quang. Pháp Miên quang có nghĩa là mỗi ngày trước khi bạn đi ngủ phải cầu nguyện Thượng sư, Bổn tôn và Hộ pháp gia trì cho bạn, phải cầu nguyện để khi bạn nằm mơ sẽ vô cùng bình an.
Vậy thì phải trì chú, bạn có thể trì Thượng sư tâm chú, hoặc trì chú ngữ của Bổn tôn cho đến khi đi vào giấc ngủ, cho đến khi ngủ say. Và lúc này bạn cũng phải quán tưởng. Về quán tưởng, bản thân chúng ta phải quán tưởng, trong hư không có một chữ “Hum” màu đỏ, sau đó từ cổ họng phát ra ánh sáng màu đỏ, chiếu vào trong hư không, sau đó chữ “Hum” phát ra ánh sáng màu đỏ chiếu vào bạn, ánh sáng biến thành một dạng bảo vệ, giống như một cái lọng chụp lấy bạn, để bạn trong khi ngủ giống như ngủ ở bên trong ánh sáng màu đỏ. Điểm này rất là quan trọng. Cổ họng phóng ánh sáng màu đỏ vào trong hư không, trong hư không có chú tự, sau khi nhận lấy ánh sáng của bạn rồi lại phóng ra ánh sáng màu đỏ chiếu vào bạn, biến thành một cái lọng, bạn ngủ ở bên trong cái lọng đó, bất cứ loại ma chướng nào cũng không thể xâm phạm bạn.
Chúng ta hiểu được pháp Miên quang chính là như vậy. Bạn tu pháp Miên quang đạt được thành tựu rồi, bạn là người chân tu, cũng tức bạn là một người tu hành chân chính, giấc mơ mà bạn có được đều là chính mộng, là giấc mơ tốt đẹp, chính xác, có linh nghiệm. Còn giấc mơ của người phàm bình thường chính là một loại mộng huyễn điên đảo, không thực tế, nhưng giấc mơ do một người chân tu sản sinh ra thì là một loại chính mộng. Vậy khi mơ chính mộng thì đều luôn ứng nghiệm.
Giống như trước đây tôi tu hành, ngày hôm sau phải ra ngoài giúp người ta xem phong thủy, đêm hôm trước ở trong giấc mơ, Ngài nói với tôi là: “Ngày mai, lúc 3 giờ chiều sẽ có mưa, ra đường nhớ mang ô.” Ngài sẽ chỉ thị cho bạn rất rõ ràng. Nói xong câu nói đó sẽ hiển hiện một ánh sáng cho bạn thấy. Chiều hôm sau, khi tôi đi xem phong thủy cho người ta, tôi liền mang theo ô che mưa. Mọi người đều cười: “Trời nắng, mặt trời nóng như vậy, anh mang ô che mưa làm gì?” Nhưng tôi nói với mọi người là: “3 giờ chiều nay sẽ có mưa.” Mọi người đều cười ngặt nghẽo, một hạt mưa cũng không có. Nhưng khi đi lên đỉnh núi xem phong thủy, đến lúc 3 giờ, quả nhiên mưa to, chỉ có một mình tôi cầm ô che mưa.
Điều này rất linh nghiệm, Hộ pháp rất linh nghiệm, ở trong mơ của bạn ngài chỉ thị cho bạn đều sẽ ứng nghiệm. Vì vậy bạn tu hành, tu đến lúc đạt chứng nghiệm này, tất cả mộng cảnh đều là chính mộng, cũng tức là giấc mơ linh nghiệm. Hộ pháp chỉ thị cho bạn, nói cho bạn biết, đều sẽ linh nghiệm.
Người tu hành bình thường nằm mơ, tôi không biết là họ mơ giấc mơ gì kì lạ cổ quái lắm, thần tiên đánh nhau, một đống các loại mơ linh tinh lộn xộn. Nhưng giấc mơ của một hành giả là vô cùng rõ ràng, vô cùng chính xác, vô cùng linh nghiệm, rất rõ ràng khiến bản thân bạn biết đây là một giấc mơ chứng nghiệm.
Hộ pháp luôn ở trong mơ chỉ điểm cho bạn, Thượng sư, Bổn tôn đều ở trong mơ gia trì cho bạn, bạn sẽ không mơ giấc mơ linh tinh lộn xộn. Một người tu hành khi tu đến cảnh giới này rồi là có thể tự mình đi con đường của mình, sẽ không sinh ra điên đảo hoang tưởng. Vì vậy tu mộng rất quan trọng.
Tu “Đại thành tựu cầu vồng”, bạn muốn tu Mật giáo, tu mộng là vô cùng quan trọng. Bởi vì đời người có một nửa là ở trong mơ rồi. Bạn không tu trong mơ thì khi nào mới tu? Vì vậy “Đại thành tựu cầu vồng” có tu mộng, phải cầu nguyện Bổn tôn, Thượng sư, Hộ pháp, phải nằm tư thế cát tường. Thế nằm cát tường là một tư thế nằm nghiêng, tim ở phía trên. Chính là tư thế nằm nghiêng của Phật Thích Ca Mâu Ni khi niết bàn. Sau đó phải trì chú ngữ của Bổn tôn và Thượng sư, phải kết thủ ấn, phải quán tưởng Hộ pháp đến bảo hộ bạn.
Hôm nay nói với mọi người đến đây thôi. Tu mộng là vô cùng quan trọng. Chính mộng là giấc mơ rõ ràng, linh nghiệm.
Om mani padme hum!
12/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
016. Nói về "tu mộng” (2)
Tuần trước, chúng ta đã nói đến tu mộng, bởi vì tu mộng vô cùng quan trọng cho nên hôm nay tôi sẽ nói tiếp với mọi người về tu mộng.
Tại sao phải tu mộng? Bởi vì cuộc đời chúng ta hầu hết có một nửa là thuộc về thế giới của giấc mơ. Vì vậy nếu có thể tu mộng tức là bạn có thể làm ít được nhiều. Bạn không biết tu mộng thì có nhiều khi là công lao đổ biển, điều này là rất quan trọng.
Đặc biệt, trước đây sư phụ của tôi từng nói với tôi, sự khác biệt giữa người sống và người chết, giữa giấc mơ và cái chết có liên quan. Sư phụ tôi từng nói, khi con người chết đi rốt cuộc là cảnh giới như thế nào? Nó cực kì giống với giấc mơ, là một loại giấc mơ khác, con người chết đi chính là một loại giấc mơ khác. Vì vậy Mật giáo chủ trương tu mộng, nguyên nhân chủ yếu là vì nếu bạn có thể tu mộng tốt, bạn có thể tự chủ cái chết của mình.
Nếu như tu mộng không tốt, bạn không cần phải nói đến tự chủ sinh tử nữa, bạn sẽ không cách nào tự chủ được cái chết. Cho nên điểm chính yếu của nó là như vậy. Khi bạn đang mơ, bạn biết là mình đang mơ, đây là mơ, điểm này cho thấy bạn đã có được thành quả rồi. Hơn nữa, mỗi lần nằm mơ đều là chính mộng. Giấc mơ của bạn vô cùng thanh tịnh, là một loại giấc mơ của chính trí huệ, không phải giấc mơ điên đảo hoang tưởng, sự khác biệt này rất lớn.
Ngoài ra, còn có một điều nữa, giấc mơ của bạn chắc chắn sẽ linh nghiệm, đó là nghiệm mộng. Một điều cuối cùng rất quan trọng, là một người tu hành bạn phải tự chủ được giấc mơ của mình. Cũng có nghĩa là ở trong giấc mơ, bạn giữ được tâm thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi giấc mơ. Bạn có thể siêu việt giấc mơ này, bạn có thể chuyển đổi giấc mơ này thành thế giới Phật thanh tịnh, bạn có năng lực này không hả? Nếu bạn có thể làm được, bạn có thể tự chủ giấc mơ thì có thể tự chủ được cái chết.
Trước đây sư phụ tôi có dạy: nếu giả sử nằm mơ mà không thể tự chủ, tương lai khi bạn chết, bạn cũng không thể tự chủ được cái chết của mình. Người tu hành chúng ta đương nhiên cũng có nằm mơ, chúng sinh người nào cũng đều nằm mơ hết. Nhưng mà, giấc mơ của chúng sinh, giấc mơ của mọi người, các bạn đều biết đó, đang trong mơ không biết là mơ, giấc mơ mà họ mơ là điên đảo hoang tưởng, linh tinh lộn xộn, không phải giấc mơ thanh tịnh, giấc mơ của họ cũng sẽ không linh nghiệm.
Giống như có người trong giấc mơ biết bay, bay lên trời, chui xuống đất, khi tỉnh dậy thì anh ta không làm được nữa, anh ta không có cách nào linh nghiệm cả. Đồng thời, anh ta đi theo giấc mơ, anh ta không cách nào giữ được tâm thanh tịnh để siêu việt, để tự chủ giấc mơ.
Mọi người thử nghĩ xem, người như vậy có thể nói là bản thân mình khai ngộ rồi không? Bạn là một người khai ngộ mà ngay đến giấc mơ của mình cũng không thể kiểm soát, vậy thì bạn không phải là người khai ngộ. Bạn nói bạn có thể vãng sinh Phật quốc, nhưng nếu để cho bạn mơ một giấc mơ nho nhỏ thôi, bạn cũng không thể vãng sinh. Bạn ở trong mơ đã bị ô nhiễm rồi, bạn làm sao vãng sinh Phật quốc chứ?
Vì vậy Mật giáo xem trọng tu mộng, điều này là vô cùng quan trọng. Đồng thời tôi muốn bổ sung một câu. Chính là muốn nói, mỗi một hành giả chúng ta, khi nằm ngủ trên giường, phải niệm “Lang Yang Khang” (Ram Yam Kham), “Lang Yang Khang”, sau đó quán tưởng thân mình biến thành chày kim cang kiên cố nhất, chày kim cang bất hoại nằm ở trên giường, điều này rất có ích.
Bởi vì cho thấy rằng lúc này ở trong mơ bản thân bạn vô cùng kiên cố, trăm thứ tà không thể xâm hại, bất cứ một nghiệp chướng, ma chướng nào cũng không thể gây trở ngại cho bạn trong mơ. Và ở không trung có cái lọng bảo vệ bạn, có ánh sáng màu đỏ chiếu trọn lấy bạn, lại có Bổn tôn, Hộ pháp và Thượng sư của bạn gia trì cho bạn, vì vậy pháp này gọi là pháp Miên quang, nghĩa là phương pháp ngủ trong ánh sáng, pháp này cũng vô cùng quan trọng.
Bản thân tôi ở Seattle Lôi Tạng Tự đã từng truyền thụ pháp Miên quang này rồi. Vậy hôm nay chúng ta đều biết rằng tu mộng là vô cùng quan trọng, vậy thì không được để giấc mơ lôi kéo mình đi. Chúng ta có thể tự chủ giấc mơ, đang ở trong mơ biết là mơ. Và cũng có thể mơ giấc mơ thanh tịnh, giấc mơ của bạn sẽ linh nghiệm. Còn nữa, bạn tự chủ giấc mơ của mình, như vậy là bạn có thể tự chủ sinh tử của mình rồi. Bởi vì lời của sư phụ tôi nói là vô cùng vô cùng vô cùng chính xác. “Cái chết của con người là một loại giấc mơ khác.”
Tôi hỏi mọi người nhé, cái chết của con người có giống một giấc mơ khác hay không? Mọi người đều rất mơ hồ, bởi vì đều chưa từng chết mà, mọi người đều không biết. Bởi vì đích thực là mọi người không biết cảnh giới của cái chết. Nhưng hành giả Mật giáo cho rằng cái chết của con người là đi vào một loại giấc mơ khác. Mọi người động não nghĩ thử xem, con người khi chết có phải là đi vào một giấc mơ khác không? Trong pháp dịch chuyển thần thức của Mật giáo đã từng nói đến cái này, vì vậy đây hoàn toàn là sự thật.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
15/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
017. Thiền tông và Mật giáo
Từng có đệ tử viết thư đến hỏi tôi: “Thiền tông là trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, vậy Thiền tông cũng có thể tức thân thành Phật. Nhưng tại sao Thiền tông không cần tu khí-mạch-minh điểm mà lại có thể trực tiếp thành Phật? Tại sao Mật giáo phải tu khí-mạch-minh điểm, phải tu thân cầu vồng mới có thể tức thân thành Phật?”
Vậy tôi sẽ trả lời câu hỏi này của anh ấy ở đây. Là như thế này: Trên thực tế là do căn cơ của mỗi người, có một số người tu hành rất có căn cơ, có một số người căn cơ tu hành tương đối kém, nhìn chung thì đều là trung bình, hầu hết đều là căn cơ hạng trung. Người có căn cơ rất tốt, bạn có thể trực tiếp đi tu Thiền tông, thật ra bản thân Thiền tông còn gọi là “Mật tông vô tướng”.
Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì Thiền tông có hai yếu tố, yếu tố thứ nhất, Thiền tông là trực tiếp đi nhận biết Phật tính, rất trực tiếp chỉ ra Phật tính của bạn. Tiếp theo, bạn cần phải thực nghiệm. Sau khi biết được Phật tính rồi, phải đi thực thi Phật tính đó. Thông qua việc thức tỉnh, bạn biết được Phật tính rồi, phải đi thực thi Phật tính để ấn chứng lẫn nhau. Có được ấn chứng rồi, bạn sẽ có thể thành Phật. Đây chính là Thiền tông.
Nhưng cái này nhất định phải là người có đại căn cơ mới có thể tu. Người bình thường là hữu tướng, Thiền tông là vô tướng. Bản thân Mật giáo là hữu tướng, sau đó mới từ từ đi vào vô tướng, cuối cùng sẽ giống với Thiền tông. Nhưng bản thân Mật giáo tiếp dẫn chúng sinh thì rất rộng, trước tiên là từ hữu tướng rồi đi vào vô tướng. Thật ra là giống nhau.
Tại sao Thiền tông không cần tu khí-mạch-minh điểm, không cần tu pháp thân cầu vồng mà có thể trực tiếp thành Phật? Vì Thiền tông sử dụng một phương pháp, chính là trước tiên để bạn ấn chứng thời không, thời gian và không gian. Về mặt thời gian, trong Thiền tông có nói một câu: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.” Quá khứ đã là cái đi qua rồi, đương nhiên là bất khả đắc, hiện tại đang dần dần biến thành quá khứ, cũng bất khả đắc. Tương lai thì không biết, vẫn chưa đến, ba cái tâm này đều bất khả đắc.
Cũng có nghĩa là về mặt thời gian, căn bản là bất khả đắc. Vậy thì đi ấn chứng cái Không về mặt thời gian, từ cái Không của thời gian chứng minh ngược lại cái Không của thế giới vật chất. Thời không đều bất khả đắc. Từ lí luận này đi thực nghiệm, tiến nhập tính Không. Thiền tông là rất khó tu.
Từng có một người đi hỏi thiền sư, anh ta đi gặp thiền sư nói rằng: “Tôi đã khai ngộ rồi!” “Khai ngộ thế nào?” “Quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, tương lai cũng bất khả đắc. Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm tương lai, tất cả đều bất khả đắc, tất cả đều là tính Không, đều là trống không.”
Thiền sư liền cầm một đồ vật gõ vào đầu anh ta “cốc” một cái. “Thiền sư, sao ngài lại đánh tôi? Ôi đau! Đau quá! Sao ngài lại đánh tôi?”
Thiền sư nói: “Anh nói cái gì cũng là không mà, sao tôi đánh anh thì anh lại chẳng thể “không” được?”
Ý nghĩa này rất rõ ràng, “không” về mặt lí luận không phải là “không” về mặt thực tế. Vì vậy về mặt lí luận sau khi bạn hiểu rõ tính không rồi, bạn còn phải đi thực hiện, phải thực nghiệm. Không phải là người đại căn khí thì rất khó mà hiểu được, một số người căn khí nhỏ thì không dễ gì hiểu được. Người tu Mật giáo đã được xem là người có căn khí lớn rồi mà cũng chưa chắc có thể tu chứng thành tựu.
Sau khi bạn thực sự lĩnh hội được tính Không rồi, nếu đem thân tâm của mình hoàn toàn hòa nhập với tính Không, bạn cũng vẫn có thể chứng đắc đại thành tựu cầu vồng. Đây chính là lí luận và thực tế hoàn toàn nhất trí. Bạn có thể để thân tâm của mình tương ứng với hư không, tự nhiên bạn cũng có thể chứng đắc.
Tôi từng nói về một sự thật, Thiền tông thực sự đi vào tọa vong, thân tâm đều quên, hòa nhập hư không, ”năng lượng” của vũ trụ tự nhiên sẽ đi vào bên trong cơ thể của bạn để hợp nhất với bạn. Trong Mật giáo có nói, khi bạn thực sự đi vào tam ma địa, nguyên tố sinh mạng của bạn toàn bộ chảy về chỗ thiên tâm. Khi thiền, bạn thực sự có thể tọa vong, khí mạch bên trong toàn thân bạn tự nhiên sẽ thông, bởi vì bạn đều đã “không” rồi, vật chất bên trong cơ thể của bạn khí-mạch-minh điểm đều hiện ra một trạng thái trống không và trong suốt, thì khí mạch của toàn thân bạn lúc này đều đã được thông.
Cái này có thể nói là không thầy mà tự thông, không tu Mật nhưng thực tế đã chứng minh được Mật. Mật giáo trên thực tế là tu Mật, Thiền tông không tu Mật, nhưng lại chứng minh được Mật, bởi vì khí-mạch-minh điểm của bạn đều biến thành “không”. Vì vậy Thiền tông trực tiếp chứng minh một loại tính Không của Mật, tính Không của khí-mạch-minh điểm. Mật giáo là dùng cái có của khí-mạch-minh điểm đi chứng minh tính Không của khí-mạch-minh điểm trong tương lai. Đến cuối cùng cả hai đều là tương thông.
Sau khi mọi người hiểu được điểm này rồi sẽ biết được vì sao Thiền tông không cần tu khí-mạch-minh điểm mà vẫn có thể trực tiếp chứng được tức thân thành Phật, chứng được đại thành tựu cầu vồng. Mật giáo dựa vào ba thứ khí-mạch-minh điểm làm căn cứ để tu xuất cầu vồng, để chứng minh tính Không. Là trước tiên từ có thứ để thực nghiệm, để chứng minh, từ đó mà đắc được. Còn Thiền tông thì lại rất trực tiếp, ngay đến khí-mạch-minh điểm cũng biến thành “không”. Điều này là rất quan trọng.
Quá khứ bất khả đắc, tâm quá khứ thực sự là bất khả đắc, đã đi qua rồi. Hiện tại đang từ từ chuyển hướng đến quá khứ, cũng là bất khả đắc, mọi người đều biết. Chuyện tương lai thì vẫn chưa biết được, vì vậy cũng là bất khả đắc. Trên thực tế có thứ gì là có thể đắc đây? Vốn dĩ là không thể đắc. Bạn đi chứng minh rồi, đi thực nghiệm, bạn sẽ vô cùng siêu việt. Vì vậy, Thiền tông là một tông phái vô cùng siêu việt. Mật giáo đến cuối cùng cũng chứng minh Thiền tông.
Hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
15/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
018. Quan niệm của Mật giáo
Hôm nay sẽ nói với mọi người về quan niệm của Mật giáo. Thông thường mà nói, nghiên cứu Phật pháp đều luôn có một sự khó khăn, bởi vì nó vô cùng rộng. Về Mật giáo mà nói, quan niệm của nó cũng không phải là dễ dàng để thấu hiểu. Nhưng mà tôi sẽ đem quan niệm của Mật giáo, nói một cách rất đơn giản, cũng tức là dùng nguyên lí và nguyên tắc đơn giản để biểu thị, để mọi người trong chốc lát có thể hiểu được bản thân Mật giáo là phải tu như thế nào.
Đầu tiên, thông thường mà nói, nghiên cứu về Phật giáo là dùng ba chữ để diễn đạt. Một là “thể”, thể chính là “bản thể”. Một cái nữa là “tướng”, là tướng biểu hiện ra bên ngoài. Một cái là “dụng”, làm sao để “ứng dụng”. Chúng ta cũng dựa theo phương diện thể, tướng, dụng để nói.
Về mặt thể, thể ở trong Mật giáo là như thế này. Toàn bộ vũ trụ được cấu thành bởi sáu đại, đó chính là đất, nước, lửa, gió, không và thức. Chúng ta thường nói cơ thể người là một vũ trụ nhỏ. Toàn bộ vũ trụ là một vũ trụ lớn, nhưng con người chúng ta là một vũ trụ nhỏ, cơ thể của chúng ta cũng như vậy, có đất, nước, lửa, gió, không, thức. Về mặt bản thể là như vậy.
Về mặt bản thể thì đất là kiên cố, nó có đặc tính của nó chính là kiên cố. Nước thì ẩm ướt, đặc tính của nó là ẩm ướt. Đặc tính của lửa là nóng, nhiệt độ. Đặc tính của gió là chuyển động, nó là động. Vậy còn không, toàn bộ vũ trụ đều vô ngại, không có chướng ngại gì cả, đặc tính của không là không có chướng ngại. Đặc tính của thức là chân trí, cái trí chân chính, một trí huệ chân chính, đó là thức. Chúng đều có đặc tính.
Trong cơ thể người của chúng ta cũng như vậy. Đất, nước, lửa, gió, không, thức. Đất chính là xương, thịt của bạn. Nước chính là máu, mồ hôi của bạn, đều là ẩm ướt. Lửa chính là nhiệt độ. Vậy còn gió? Gió chính là sự hô hấp. Không cũng chính là tâm của bạn, tâm là vô ngại. Còn thức của bạn chính là chân trí của bạn, linh thức của bạn, linh mệnh đích thực của bạn, đó là chân trí, trí huệ chân chính, là thức. Vì vậy tóm lại, đây chính là bản thể luận của Mật giáo.
Tướng của Mật giáo thì dùng cái gì để biểu thị? Chính là Mạn Đà La (mandala). Mọi người đều biết Mạn Đà La rồi, khi tôi giảng giải “Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận” đã từng nhắc về Mạn Đà La. Thật ra toàn bộ “Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận” chính là dùng tướng của Mạn Đà La để giải thích. Dùng tướng của Mạn Đà La để giải thích từ đầu đến cuối. Mật giáo là dùng tướng, tu Mạn Đà La để làm một cái tướng của Mật giáo.
Ngoài ra, nói về mặt tác dụng, tu hành của Mật giáo là ngoại tu thân-khẩu-ý, nội tu khí-mạch-minh điểm. Đây thuộc về phương diện tu pháp thân-khẩu-ý và khí-mạch-minh điểm. Tức là tu cho thân-khẩu-ý tức đạt đến thanh tịnh. Tu để chuyển hóa khí-mạch-minh điểm, chuyển hóa các bộ phận của cơ thể thành ánh sáng để ấn chứng sáu đại: đất, nước, lửa, gió, không, thức của ý thức vũ trụ. Như vậy trong Mật giáo, mọi tác dụng của việc tu hành là để vũ trụ nhỏ của cơ thể bạn và ý thức của vũ trụ lớn nhất cùng tương ứng và hợp nhất.
Chúng ta đều biết bản thân Phật chính là tam mật. Tam mật của Phật chính là thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý niệm thanh tịnh, một trạng thái hoàn toàn thanh tịnh. Vậy bản thân tu hành Mật giáo chính là chuyển hóa tam nghiệp thân-khẩu-ý vốn có của con người chúng ta thành tam mật thanh tịnh của Phật. Nhờ tam nghiệp chuyển hóa thành tam mật mà tức thân thành Phật. Rồi lại ứng dụng khí-mạch-minh điểm của thân thể, từ các loại vận hành của cơ thể và nội tâm mà đi ấn chứng sự hợp nhất của vũ trụ lớn. Cái này có thể được xem là dụng của Mật giáo.
Như vậy thì mọi người sẽ hiểu rõ, toàn bộ quan niệm của Mật giáo sẽ hiện ra trước mắt mọi người. Bản thể luận chính là sáu đại, còn biểu hiện ra tức là tướng của Mạn Đà La, và phương pháp ứng dụng chính là sự tu luyện thân-khẩu-ý và khí-mạch-minh điểm. Kết quả cuối cùng chính là dùng vũ trụ nhỏ của cơ thể người, cùng vũ trụ lớn của ý thức vũ trụ hợp nhất với nhau. Đây chính là quan niệm của Mật giáo.
Tôi cảm thấy bản thân sự tu hành của Mật giáo giống như có một cầu thang. Bạn có thể đi trên con đường này, bạn có thể nhìn thấy đường, rồi bạn sẽ đi ra sao, tức là có một phương hướng, có phương pháp, có pháp để tu, có cầu thang có thể đi. Có nền móng vững chắc để bạn có thể bước lên để tu, hơn nữa còn có thể đi vào tính Không. Có tu tâm, cũng có tu thân, cả hai cái đều có. Tương đối thực tế, có cảm giác tương đối thực tại, thì chính là Mật giáo.
Thông thường mà nói, tu hành mà Phật giáo nói đến hầu hết là tu tâm, rất ít tu thân. Vì vậy tôi cho rằng, quan niệm của Mật giáo có thể nói là một loại tu hành hợp nhất, hơn nữa còn có cảm giác rất thực tại, rất vững chắc, là một tông phái tu hành có cảm giác khá vững chắc.
Hôm nay nói với mọi người đến đây thôi. Om mani padme hum!
16/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
019. Phương pháp chuyển tam nghiệp thành tam mật
Sau đây tôi sẽ nói với mọi người về phương pháp tam nghiệp chuyển tam mật. Tu hành Mật giáo là dùng ba nguyên tố. Bạn tu pháp nhất định phải cần có nguyên tố này. Ba nguyên tố được sử dụng này hầu hết mọi người đều nghe quá quen rồi. Đó chính là dùng thủ ấn, Mật giáo tu hành là phải kết thủ ấn, rồi phải niệm chú ngữ, và dùng ý niệm để quán tưởng. Cái này chính là pháp.
Chú ngữ chính là sự thanh tịnh của khẩu. Còn thủ ấn đại diện cho sự thanh tịnh của thân thể bạn, thân thanh tịnh. Còn quán tưởng chính là sự thanh tịnh của ý niệm. Trong mỗi một pháp của Mật giáo đều là sử dụng ba nguyên liệu này để tiến hành. Ba nguyên liệu này chính là thân-khẩu-ý thanh tịnh. Dùng thủ ấn, quán tưởng, niệm chú, dùng ba nguyên liệu này để tiến hành tu luyện.
Tôi cảm thấy việc niệm chú, đương nhiên đối với chúng ta mà nói niệm chú là một việc bí mật. Bản thân việc niệm chú vốn dĩ thuộc về tâm chân ngôn của Như Lai, cũng tức là âm thanh rất bí mật của nội tại, đây gọi là chú luân. Không thể nào phiên dịch được, cũng chính tâm chân ngôn rất bí mật. Nó là một loại âm thanh, dùng loại âm thanh này để cùng cộng hưởng với tâm của Như Lai, đây chính là chú ngữ.
Khi bạn đang niệm chú, tôi cảm thấy điều này thực sự là khẩu thanh tịnh, bởi vì khi bạn đang niệm chú, miệng của bạn sẽ không thể vọng ngữ, sẽ không hai lưỡi, sẽ không ác khẩu, sẽ không nói lời ong bướm, bạn sẽ không như vậy nữa. Khi bạn đang niệm chú đương nhiên là khẩu thanh tịnh rồi, vì khi bạn phát ra một âm thanh, bạn không thể đồng thời phát ra hai âm thanh, không thể đồng thời sản sinh ra khẩu nghiệp không tốt, vì vậy đương nhiên là khẩu thanh tịnh rồi. Vả lại cái bạn niệm là một loại ngôn ngữ tốt nhất, thiện lành nhất, đây chính là khẩu thanh tịnh.
Vậy còn thủ ấn, khi bạn kết thủ ấn là đại diện cho sự thanh tịnh của thân, cũng rất là có ý nghĩa. Khi bạn kết thủ ấn, tay của bạn hoàn toàn kết thành một loại kí hiệu, chính là một tư thế của Như Lai, đại diện cho sự thanh tịnh nhất, cũng chính là lời thệ nguyện của Như Lai, lời thệ nguyện mà bản thân Như Lai đưa ra, một loại kí hiệu. Lúc này, vì tay của bạn kết thủ ấn, bạn không có three hands [ba cái tay], không có cánh tay thứ ba. Bạn có hai tay thôi, đều kết thủ ấn hết, đại diện thân thanh tịnh. Lúc này, thân của bạn thực sự là thanh tịnh.
Còn cái quan trọng nhất chính là sự thanh tịnh của ý niệm. Mật giáo dạy bạn cách quán tưởng. Khi bạn đang quán tưởng, quán tưởng này thay thế cho vọng tưởng của bạn. Con người vốn dĩ khi không thực hành quán tưởng, vọng tưởng của họ đôi lúc là rất nhiều. Có người từng nói ý nghĩ của con người giống như sóng biển vậy, từng cơn từng cơn, không bao giờ dừng lại. Bạn để tâm mình yên tĩnh lại một chút, sau đó nghĩ về ý niệm của mình sẽ thấy vọng niệm của bạn thực sự là vô cùng tận, giống như sóng biển, từng cơn từng cơn.
Giả sử bạn có thể ứng dụng được phương pháp quán tưởng của Mật giáo thì khi đang quán tưởng, vọng niệm của bạn sẽ không sinh ra, vọng niệm đã được thay bằng quán tưởng, khi vọng niệm không sinh, ý niệm của bạn đương nhiên là thanh tịnh.
Vì vậy tu hành Mật giáo có ba yếu tố: một cái là niệm chú ngữ, một cái là kết thủ ấn, một cái dùng quán tưởng. Sử dụng ba yếu tố này khiến bạn trong một sát-na, chính là vào khoảng thời gian tam mật, ba bí mật hợp nhất với nhau, là bạn được thân-khẩu-ý thanh tịnh. Trong một sát-na thân-khẩu-ý thanh tịnh, trong khoảnh khắc đó bạn cũng giống như Phật.
Vậy kéo dài thời khắc đó ra, kéo dài trong cuộc sống ngày thường của bạn, đều ở trong sự tu hành thân-khẩu-ý thanh tịnh, vậy thì ngày hôm đó bạn sẽ biến thành Phật. Tiếp theo, cả một tháng đều làm như vậy thì cả một tháng đều là Phật, cả một năm bạn đều thân-khẩu-ý thanh tịnh thì một năm đó bạn đều là Phật. Năm nào bạn cũng như vậy thì năm nào bạn cũng là Phật. Bạn mãi mãi như vậy, bạn mãi mãi là Phật. Đây chính là đạo lí của tam mật.
Ngoại tướng là Phật, thế còn nội tâm thì sao? Ý niệm của bạn thanh tịnh, ý là vô hình, là thuộc về nội tâm. Trong các yếu tố của vũ trụ, đất, nước, lửa, gió là có tướng, không và thức là vô tướng. Bạn tu đất, nước, lửa, gió là tu thân thể của bạn. Bạn tu không và thức là tu tâm và thức của bạn, tâm và thức là vô tướng.
Vì vậy tu hành của Mật giáo là rất vững chắc, có cảm giác rất chắc chắn, là vì bạn tu cái thân của hữu hình, cũng tu tâm và thức của vô hình. Vì vậy cảm nhận mà bạn có được cũng không giống nhau.
Trong đó chúng ta cần phải hiểu, thân-khẩu-ý tuy chia ra làm ba, nhưng thật ra cũng là một. Thân thể có nhiều lúc là đi theo ý thức. Ý thức của bạn muốn như thế nào, thân thể sẽ đi theo ý thức. Có nhiều lúc khẩu cũng là đi theo ý thức, ý niệm của bạn như thế nào thì miệng mới nói ra những lời như thế đó. Vì vậy ý tổng hợp thân, và cũng tổng hợp khẩu, phân ra là ba nghiệp, hợp lại thật ra là một nghiệp. Trên thực tế, thân nghiệp và khẩu nghiệp hữu hình thật ra là đến từ ý nghiệp vô hình. Cho nên trước đây chúng ta thường hay nói “vạn pháp duy tâm”, tất cả các pháp đều đến từ tâm, sản sinh ra từ tâm. Mà tâm vốn dĩ là vô hình.
Sau khi mọi người đã hiểu rõ phương pháp tu hành của Mật giáo rồi, từ tam nghiệp chuyển thành tam mật, mọi người sẽ có thể từ từ hiểu rõ chỗ vĩ đại của Mật giáo. Giống như Kim Cang Tát Đỏa, Long Thụ Bồ Tát, liên tục truyền thừa xuống tất cả pháp mà Phật, Bồ tát đã dạy đều vô cùng cao thượng vĩ đại. Các Ngài cũng là dạy chúng ta từ trong nghiệp chướng tu ra được quả vị thanh tịnh, từ nghiệp chuyển thành mật, từ đời người ô uế biến thành hoa sen thanh tịnh. Đây là một phương pháp tu hành rất tốt.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
16/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
020. Mật giáo và niệm lực
Hôm nay tôi sẽ nói với mọi người về niệm lực. Bản thân Mật giáo còn được gọi là Niệm lực tông, tại sao được gọi là Niệm lực tông? Tôi đã có nói về nguyên liệu tu Mật giáo là chân ngôn, là thủ ấn, ngoài ra còn có quán tưởng, ứng dụng quán tưởng về mặt ý niệm sẽ sản sinh ra một loại sức mạnh, sức mạnh này gọi là niệm lực.
Sau khi bạn tu hành niệm lực trong Mật giáo rồi sẽ có một loại sóng rất đặc thù được sản sinh ra, power [sức mạnh] này được sản sinh ra từ bên trong ý niệm của bạn. Trong Mật giáo có rất nhiều loại ấn, vì ấn là dùng để phối hợp với niệm lực của bạn. Sau khi bạn kết ấn rồi, nó sẽ thể hiện ra sức mạnh ý niệm của bạn là đang làm cái gì.
Mật giáo tại sao còn gọi là Niệm lực tông? Bởi vì nó từ niệm lực, từ quán tưởng sản sinh ra một loại sức mạnh để có được một kết quả, vì vậy mới gọi là Niệm lực tông.
Ví dụ, lấy chính bản thân tôi để nói, tôi từng nghĩ đến muốn đội một số mũ của Pháp Vương, ý nghĩ này vừa mới được sinh ra thì trong một pháp hội, tất cả đệ tử cúng dường, không có cúng dường gì khác, không hẹn mà giống nhau, đồng loạt cùng cúng dường 10 chiếc mũ Pháp Vương. Tôi cũng từng có một niệm lực, tôi nói là: “À, long bào của mình đã đem bán từ thiện gần hết rồi.” Niệm lực này vừa mới sinh ra, trong buổi pháp hội lần trước, họ làm một 100 cái long bào, các đệ tử không hẹn trước mà đều giống nhau, tặng 100 cái long bào cho tôi, tôi mặc không hết, bây giờ còn rất nhiều, vẫn còn dư, để ở bên trong phòng làm việc. Mũ cũng rất nhiều, mũ Pháp Vương cũng rất nhiều, nhiều đến không đếm hết.
Khi một hành giả Mật giáo sinh ra niệm lực, sức mạnh mà niệm lực này sản sinh ra là vô cùng hùng vĩ, rất vĩ đại. Tôi đã từng nghĩ như thế này, có một lần đệ tử mang một cái đồng hồ rất đẹp đến, tôi liền nghĩ: “Ồ, thì ra trên đời này có 10 loại đồng hồ cao cấp.” Tôi nghĩ về 10 cái đồng hồ cao cấp đó, không nghĩ thì thôi, vừa nghĩ 10 cái đồng hồ cao cấp, 10 đồng hồ cao cấp đều có đủ, bây giờ tôi đã có đủ 10 cái đồng hồ cao cấp. Nào là Vacheron Constantin, rồi đồng hồ Piaget, A.P gì đó, tất cả đều có hết, Parte Fer gì đó, 10 đồng hồ cao cấp của thế giới, bây giờ tất cả đều có.
Vì vậy niệm lực của một thành tựu giả khi sản sinh ra, niệm lực ấy sẽ sản sinh ra một sức mạnh rất lớn, vì vậy không được nghĩ linh tinh, sau khi bạn thành tựu niệm lực rồi, niệm lực của bạn sẽ biến thành một cái móc câu, bạn nghĩ cái gì là nó sẽ móc được cái đó. Vì vậy là một hành giả, bạn chỉ có thể có ý nghĩ thanh tịnh, tu hành đến ý nghĩ thanh tịnh. Tuyệt đối không được có những ý nghĩ khác không tốt. Bởi vì vốn dĩ các hiện tượng tự nhiên trên đời này, chẳng phải tôi từng nói rồi sao? Là thái cực của Đạo gia, hai mặt trắng đen đều có. Khi bạn nghĩ về Phật, Phật sẽ bị bạn gọi đến, Bồ tát sẽ bị bạn gọi đến, khi bạn nghĩ đến Hộ pháp, Hộ pháp sẽ đi theo bạn. Nhưng nếu ý nghĩ không chân chính thì sẽ biến thành ma giới. Giả sử bạn có ý nghĩ về ma giới thì ma vẫn bị bạn dụ đến. Vì vậy mới nói tu thành Phật và tu thành ma vốn dĩ chỉ ở trong một niệm. Cho nên thường xuyên nghe người ta nói, thiện ác chỉ trong một niệm mà thôi. Thiện ác vốn dĩ chỉ trong một niệm, ma và Phật cũng là ở trong một niệm mà thành.
Mật giáo được gọi là Niệm lực tông là vì nó có làm pháp, pháp của nó là mượn niệm lực để phóng chiếu ra bên ngoài. Niệm lực này có thể xuyên thấu tam giới, dục giới, sắc giới, vô sắc giới, cho đến tận Phật giới. Bản thân niệm lực sau khi bạn tu thành rồi, nó sẽ rất mạnh. Và sẽ có nhiều sức mạnh đi theo bạn, sức mạnh của Thượng sư đi theo bạn, Bổn tôn đi theo bạn, sức mạnh của Hộ pháp đi theo bạn, ba loại sức mạnh này sẽ mãi đi theo bạn. Ba loại sức mạnh này và một hành giả Mật giáo vốn dĩ là không tách rời. Lúc này, niệm lực của bạn cần phải vô cùng thanh tịnh, nếu không bạn nghĩ cái gì là đến cái đó, đây là Niệm lực tông mà.
Giống như bản thân Lư Sư Tôn nghĩ 10 cái đồng hồ cao cấp, một niệm lực bất chợt, không phải bản thân tôi tự đi mua, mà là đệ tử đem đến tặng. Cũng giống như mũ Pháp Vương là do đệ tử không hẹn trước mà lại rất trùng hợp, tặng cùng một lúc. Giống như long bào, hơn 100 cái đều là tặng cùng một lúc. Vì vậy, bây giờ tôi không thể có những ý nghĩ gì khác nữa.
Tôi cũng từng nghĩ đến những tờ tiền 100 tệ, một xấp, biến thành một mặt phẳng, biến thành tờ 100 đô-la xếp thành hàng dài, toàn bộ đều là Franklin. Sư Tôn cũng có thể có được, tôi cũng có thể có được, vì niệm lực đó đã được sản sinh ra rồi, là bạn sẽ có thể đạt được.
Vì vậy Mật giáo là Niệm lực tông. Niệm lực chính là mượn sức mạnh của quán tưởng để thành tựu. Hôm nay khi bạn sản sinh ra niệm lực, niệm lực đó cũng có thể tạo thành một sức mạnh rất lớn ở trong hư không. Bởi vì hư không, thái cực giữa toàn bộ vũ trụ này, một cái là Phật giới, một cái là ma giới. Khi bạn có ý niệm thanh tịnh, Phật giới của bạn sẽ được tăng cường. Bạn có ý niệm tà ác, ma giới của bạn sẽ tăng cường. Thật ra ở bên trong tâm của bạn vẫn có Phật và ma đang đấu pháp. Trong hư không có hiện tượng như vậy, bên trong nội tâm của bạn cũng có như vậy. Sức mạnh nguyên thủy của bạn, cùng với sức mạnh của pháp lực mà bạn học được, cả hai cũng đang đấu pháp với nhau. Vì vậy hôm nay tôi giải thích niệm lực cũng là để cho mọi người biết, Mật giáo mượn sức mạnh của quán tưởng để sản sinh ra niệm lực, sức mạnh của nó to lớn vô cùng. Hi vọng mọi người cẩn trọng sử dụng niệm lực.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
16/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
021. Mật giáo và thần thông
Mật giáo ngoài tên gọi là Niệm lực tông ra còn có một tông danh khác gọi là Thần thông tông. Niệm lực và thần thông là vô cùng giống nhau, rất gần gũi. Vậy thì tôi cũng giải thích với mọi người một chút tại sao Mật giáo lại được gọi là Thần thông tông.
Tôi từng nói rồi, Mật giáo có mấy loại sức mạnh: niệm lực do bản thân hành giả tu luyện mà thành, còn có Thượng sư lực, còn có Bổn tôn lực, còn có Hộ pháp lực. Ba sức mạnh vô hình trong hư không này đều đang giúp đỡ hành giả. Sức mạnh của Hộ pháp rất lớn, ngài có sức mạnh hộ trì hành giả. Còn sức mạnh của Bổn tôn, khi bạn và Bổn tôn tương ứng, pháp lực mà bạn sản sinh ra đều giống với Bổn tôn, là bất khả tư nghì. Sức mạnh mà Thượng sư và Bổn tôn gia trì vào trong người bạn cũng sẽ khiến pháp lực bên trong cơ thể bạn được tăng cường. Bổn tôn luôn luôn đi theo bạn, khi Bổn tôn và bạn hợp nhất, bạn sẽ sản sinh ra thần thông.
Mọi người cũng biết rồi, Phật có mười đại thần thông. Bản thân Bồ tát cũng có thần thông rất lớn. Kim cang Hộ pháp đều có thần thông, thậm chí quỷ thần cũng có thần thông. Khi bạn tu được niệm lực, bạn vừa nghĩ tưởng là Phật, Bồ tát, Bổn tôn, Hộ pháp đều đến giúp bạn, điều này sẽ tạo thành một hiện tượng thần thông. Có rất nhiều chuyện bạn vừa nghĩ là nó thành hiện thực ngay. Đây chính là thần thông. Bạn vừa nghĩ một cái là thành ngay. Vì vậy, tôi không thể tùy tiện nghĩ tưởng.
Sư Tôn nghĩ đến người nào đó là người đó sẽ đến ngay. Khi bạn nghĩ đến người nào, người đó sẽ xuất hiện, vì vậy cũng không thể tùy tiện nghĩ tưởng. Bởi vì niệm lực của bạn có thể đi triệu gọi người đó, móc người đó đến với mình. Trong Mật giáo có một ấn móc câu, ấn móc kim cang. Móc một cái là đến ngay, vì là cái móc câu mà, nên sẽ móc bạn đến ngay.
Thần thông là sau khi bạn tu thành niệm lực rồi, khi niệm lực của bạn sản sinh, bạn dùng niệm lực của mình đi quan sát niệm lực của người khác, cái này sẽ biến thành tha tâm thông. Khi bạn tập trung niệm lực của bạn vào thiên nhãn sẽ biến thành thiên nhãn thông, tập trung niệm lực vào thiên nhĩ thì biến thành thiên nhĩ thông. Bạn có thể biết được túc mệnh của mình, cũng có thể biết về túc mệnh của người khác, chính là túc mệnh thông. Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mệnh thông, lậu tận thông. Thần túc thông cũng vậy, bạn có thể biết được sự việc ở rất xa, đi đến chỗ đó rất nhanh chóng. Bạn có thể tu chứng vô lậu, bao gồm trí huệ, bạn đều có thể biết hết tất cả, đây chính là lậu tận.
Vì vậy, những thần thông này trở thành nguyên nhân khiến Mật giáo được gọi là Thần thông tông, chính là vì bản thân bạn ở trong thiền định, tập trung sự quán tưởng, niệm lực của chính mình để tạo ra một loại pháp lực bất khả tư nghì, có thể có hiện tượng thần biến thì gọi là thần thông. Vậy thì khi thần thông sản sinh ra, người tu chứng một khi có thần thông, bản thân anh ta có thể ứng dụng thần thông của mình đi làm các pháp vụ. Pháp vụ chính là làm mấy nhiệm vụ hoằng pháp. Vì vậy Mật giáo mới được gọi là Thần thông tông.
Giống như Hộ pháp, chẳng phải tôi đã nói rồi sao? Trong hư không vốn dĩ có Phật giới, có ma giới. Ma này vốn dĩ muốn đến đối phó với bạn, khi gây chướng ngại cho bạn, Hộ pháp của bạn sẽ xuất hiện bảo vệ bạn. Trong hư không cũng có chiến tranh, là cuộc chiến tranh vô hình. Thật ra toàn bộ thế giới này, bạn nhìn lại lịch sử của Trung Quốc chúng ta xem, có lúc xuất hiện một quân vương nhân đức, có lúc xuất hiện một bạo quân, toàn bộ diễn biến trong lịch sử thật ra là trắng và đen, trắng đen trong hình đồ thái cực, phần trắng tăng trưởng thì xuất hiện một vị vua nhân đức, phần đen tăng trưởng thì xuất hiện một vị bạo quân. Một cái là sức mạnh sáng tạo, một cái là sức mạnh phá hoại. Vốn dĩ là sức mạnh của hai bên triệt tiêu và tăng trưởng lẫn nhau, không ngừng hình thành lịch sử, chúng luôn diễn biến. Toàn bộ thái cực, đương nhiên khi trắng đen cân bằng thì là trạng thái trung hòa, nếu không sẽ là triệt tiêu và tăng trưởng lẫn nhau.
Là một hành giả Mật giáo, bạn muốn đi vào Phật giới, ma giới đều là như vậy hết. Sau khi bạn tu chứng rồi, ý niệm của bạn thanh tịnh, tất cả Phật, Bồ tát đều đang ở phía sau gia trì cho bạn, hộ trì bạn. Khi bạn tu thành niệm lực của tà ác, toàn bộ quỷ thần của ma giới, a tu la, ma vương, thiên ma, địa ma, nhân ma, tất cả đều ở phía sau ủng hộ bạn, là như vậy đó.
Trong vũ trụ vốn dĩ cũng có chiến tranh. Khi ý niệm sinh ra, có nhiều lúc liền hình thành một trận chiến. Đây là điều mà người bình thường không thể hiểu được. Bạn xem, khi người tu hành vừa sinh ra niệm lực, ánh sáng tập trung sẽ rất mạnh, trong mắt của người thiên nhãn thông nhìn thấy người tu hành kia rất sáng, rất chói. Còn người bình thường nhìn đều có ánh sáng nhòe nhoẹt, loại ánh sáng mờ mờ, đó là ánh sáng của phàm phu.
Khi bạn có ánh sáng của nghiệp đen, có ánh sáng nghiệp chướng thì khí đen ngập tràn trong toàn thân của bạn. Chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng, vừa nhìn là biết ngay người này là chính, người kia là tà. Một người chính hoặc tà, nhìn ánh sáng là biết ngay. Khi nhìn ánh sáng của người mắc bệnh thần kinh, ánh sáng toàn thân của anh ta đều hỗn loạn, không có quy tắc.
Một hành giả Mật giáo tại sao có thể tu hành chứng được thần thông? Là vì niệm lực, định lực, cộng thêm các loại sức mạnh của vũ trụ được tổng hợp lại thì sẽ sản sinh ra thần thông. Mật giáo được gọi là Thần thông tông cũng là có nguyên nhân, vì bản thân Mật giáo tu niệm lực, tu định lực, và còn có tu Hộ pháp, tu Bổn tôn, còn phải tu Thượng sư tương ứng. Sau khi có được rất nhiều pháp lực, tự nhiên anh ta sẽ sản sinh ra thần thông, một cách rất tự nhiên, bất khả tư nghì.
Hôm nay nói với mọi người đến đây thôi. Om mani padme hum!
17/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
022. Tam đoạn pháp sinh
Hôm nay sẽ giới thiệu với mọi người về tam đoạn pháp sinh. Trong “Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận” thường xuyên có nhắc đến quán tưởng có tam đoạn pháp sinh, đây là một quán tưởng rất quan trọng. Ngoài ra còn rất nhiều quán tưởng cũng đều rất quan trọng. Giống như quán chữ Ah rất nổi tiếng, còn có quán nguyệt luân, ngoài ra còn quán nhập ngã ngã nhập, còn có quán ngũ tướng thành thân, những quán tưởng này trong Mật giáo đều cần phải hiểu rõ hết toàn bộ, hơn nữa còn phải thường xuyên luyện tập quán tưởng đi quán tưởng lại.
Quán tưởng có nhiều lúc khá là thô tưởng, thô tưởng có nghĩa là không nhất định là rất rõ ràng, tương đối thô. Quán tưởng quan trọng nhất là bạn phải luyện tập cho đến khi biến thành một loại quán tưởng rất kĩ lưỡng, rất vi tế, rất vi diệu. Cũng tức là huấn luyện ý niệm của bạn thành một loại nghĩ tưởng chi tiết nhất, như vậy mới có thể phát ra một loại sức mạnh. Đương nhiên là lúc chúng ta đang quán tưởng cũng cần phải chuyên nhất, tinh thần phải tập trung. Quán tưởng trong Mật giáo có thể sản sinh ra pháp lực và ý niệm.
Tam đoạn pháp sinh là như thế này. Có nghĩa là quán không trước, quan trọng nhất khi bắt đầu một loại quán tưởng nhất định phải quán tưởng hư không, mà hư không thì không có cái gì cả. Cũng có nghĩa là dừng lại hết toàn bộ ý niệm của bạn, điều này đồng nghĩa với hư không. Có một câu chú quán không là: “Ôm sư-pa-wa su-ta sa-ơ-wa ta-ơ-ma sư-pa-wa su-tô hằng.” Đây là một chú ngữ quán không.
Vậy trước khi quán tưởng, có nhiều lúc bạn phải kết thủ ấn, kết thủ ấn có nghĩa là bạn muốn quán tưởng vị nào thì kết thủ ấn của vị đó. Bổn tôn của bạn là vị nào? Ví dụ Bổn tôn của bạn là A Di Đà Phật thì bạn kết định ấn của Di Đà. Là Quan Thế Âm Bồ Tát thì bạn kết thủ ấn của Quan Thế Âm Bồ Tát. Là Chuẩn Đề Phật Mẫu thì bạn kết thủ ấn của Chuẩn Đề Phật Mẫu.
Sau khi niệm chú quán không xong rồi, bạn sẽ quán tưởng một miền hư không, làm biến mất hết một số tạp niệm của bạn. Tay bạn kết thủ ấn, rồi làm ý niệm quán tưởng, quán tưởng hư không. Từ hư không biến thành một nguyệt luân. Bản thân nguyệt luân này cũng chính là sự biến hóa của đoạn thứ nhất. Ban đầu không có gì cả, một miền hư không, sau đó sản sinh ra một nguyệt luân, một mặt trăng. Trong Mật giáo dùng mặt trăng để quán tưởng là bởi vì mặt trăng khá rõ ràng, khá trong trẻo, lại đại diện cho tính Không. Một miền hư không, sản sinh ra tính Không. Đây là quán tưởng của đoạn thứ nhất.
Rồi từ bên trong nguyệt luân sản sinh ra chú tự. Cái gọi là chú tự chính là chữ Phạn của chú ngữ, được sinh ra từ trung tâm của nguyệt luân. Chú tự này có liên quan đến Bổn tôn của bạn, chính là chủng tử tự của Bổn tôn, chủng tử tự của Bổn tôn được sinh ra từ trung tâm của nguyệt luân. Ví dụ chủng tử tự của Phật A Di Đà, chúng ta đọc là Seh (sê), chính là như vậy. Đây là quán tưởng đoạn thứ hai.
Tại sao phải quán tưởng như vậy ư? Bởi vì chú tự, chủng tử tự đại diện cho sự sinh ra của Phật. Sự ra đời của một vị Phật là từ trong hư không sản sinh ra tính Không, từ trong tính Không sản sinh ra chủng tử của Phật, sau đó từ chủng tử mới sinh ra Bổn tôn. Mới từ chủng tự ở trước mặt, từ trong chủng tự hóa sinh ra Bổn tôn, từ trong trung tâm nguyệt luân sản sinh ra Bổn tôn.
Trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta, khi Bổn tôn được sinh ra, ví dụ Phật A Di Đà, bạn sẽ quán tưởng đầu, thân thể của Phật A Di Đà, thủ ấn mà Ngài kết, bao gồm liên hoa tọa của Ngài, tất cả đều sinh ra từ bên trong chủng tự. Đây chính là quán tưởng đoạn thứ ba.
Trong “Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận” có nói đến, quán tưởng như vậy chính là tam đoạn pháp sinh. Vì vậy mọi người có một khái niệm rồi, bạn phải quán tưởng ra sao? Trước tiên quán không, rồi quán nguyệt luân, bên trong nguyệt luân có chủng tử tự, chủng tử tự của chú tự, bên trong chủng tử tự tiếp tục sinh ra Bổn tôn. Trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta đều dạy mọi người như vậy.
Lúc này, bạn phải quán tưởng tam quang bao trùm. Tam quang bao trùm chính là từ vị trí thiên tâm của Phật A Di Đà phóng ánh sáng trắng chiếu vào thiên tâm của hành giả, từ Hầu luân của Phật A Di Đà phóng ánh sáng màu đỏ chiếu vào Hầu luân của hành giả, từ Tâm luân của Phật A Di Đà phóng ánh sáng màu xanh lam chiếu vào Tâm luân của hành giả. Tôi cũng từng giảng rồi, ánh sáng màu trắng, màu đỏ, màu xanh lam đại diện cho Phật Bồ tát phóng quang gia trì hành giả, khiến tam độc tham-sân-si của hành giả tu hành chúng ta, vì được ba ánh sáng chiếu vào mình, nên tham-sân-si đều bị tiêu diệt.
Cái này trong Chân Phật Mật Pháp cũng từng nói đến, Chân Phật Mật Pháp có một bộ nghi quỹ tu hành. Cái này tôi cũng từng nói qua rồi, cũng chính là một loại khẩu quyết tu hành Mật pháp rất chi tiết, cũng đã in thành một cuốn sách, cũng có bản video. Ở đây, tam đoạn pháp sinh đã nói vô cùng rõ ràng rồi, mọi người nếu muốn biết tường tận hơn, có thể xem sách, cũng có thể xem video.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
18/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
023. Quán nhập ngã ngã nhập
Giảng xong tam đoạn pháp sinh, tôi muốn nói tiếp với mọi người về quán nhập ngã ngã nhập. Kinh nghiệm của cá nhân tôi, giống như mỗi lần tôi tu Mật pháp, mỗi một đàn pháp đều bắt đầu từ tam đoạn pháp sinh, tiếp theo là nhập ngã ngã nhập.
Tam đoạn pháp sinh là đầu tiên quán hư không, tiếp đến là tính Không, rồi đến chú tự, tiếp theo là Bổn tôn xuất hiện, tam quang gia hộ cho bạn. Vậy thì, khi bạn muốn nhập tam ma địa, bạn cần phải quán tưởng nhập ngã ngã nhập. Thực hành quán nhập ngã ngã nhập có lợi ích gì? Chính là khoảng cách giữa mình và Phật đã gần sát rồi, đã hợp nhất rồi, đây chính là quán nhập ngã ngã nhập. Nghĩa của nhập ngã tức là Phật đi vào bên trong ta. Nghĩa của ngã nhập tức là ta đi vào bên trong Phật.
Về pháp quán tưởng này, hình như trước đây tôi từng giới thiệu rồi. Hôm nay tôi tiếp tục nói chi tiết hơn với mọi người. Khi Bổn tôn của bạn, ví dụ khi Phật A Di Đà ở ngay trước mặt của bạn, bạn có thể quán tưởng Ngài thu nhỏ lại, sau khi tam quang bao trùm rồi thì thu nhỏ, thu nhỏ bằng một hạt gạo là được, một hạt gạo là rất nhỏ rồi, phóng ánh sáng nhỏ bằng một hạt gạo.
Lúc này Phật A Di Đà sẽ di chuyển đến trên đỉnh đầu của bạn, di chuyển đến phía trên đỉnh huyệt của bạn. Lúc này bạn phải nghĩ là tâm mình, toàn thân của mình trong suốt như lưu ly. Có một đường trung mạch từ trên đỉnh huyệt xuyên qua tâm của bạn cho đến tận bên dưới. Ở vị trí luân xa tim tại trung mạch có bản tâm của bạn ở đó. Lúc này bạn phải quán tưởng bao bọc xung quanh trung mạch có một hoa sen đang nở, hoa sen tám cánh đang nở rộ. Ở chính giữa hoa sen vẫn có một nguyệt luân. Tại điểm trung tâm nguyệt luân vẫn có một chú tự, chính là chú tự Seh. Chú tự này phóng ánh sáng màu trắng đi theo trung mạch chạy thẳng lên trời. Điều này có ý nghĩa triệu thỉnh. Ánh sáng trắng chạy lên trên ba lần, đây là triệu thỉnh Bổn tôn của bạn.
Lúc này Bổn tôn của bạn đã ở trên đỉnh đầu, thuận theo trung mạch đi xuống, đến hoa sen tại luân xa tim của bạn, sau khi Ngài đi xuống sẽ ngồi lên trên nguyệt luân trong hoa sen, đó giống như là vị trí vốn có của Ngài, Ngài vốn dĩ là ngồi tại chỗ đó, bây giờ bạn triệu thỉnh Ngài quay về ngồi vào vị trí của Ngài.
Sau khi ngồi vào rồi, vị Bổn tôn Phật A Di Đà nhỏ như hạt đậu, nhỏ như hạt gạo sẽ từ từ to trở lại. Đầu của Ngài cứ lớn dần, lớn đến khi hoàn toàn bằng với cái đầu của bạn, tay của Ngài lớn đến hoàn toàn bằng tay của bạn, chân to ra đến hoàn toàn bằng chân của bạn, lớn bằng toàn thân của bạn. Lúc này, chỉ trong một sát-na, chỉ trong một cái búng tay, bạn liền biến thành Phật A Di Đà. Đây gọi là nhập ngã, quán tưởng nhập ngã. Nhập ngã tức là Bổn tôn đi vào bên trong cơ thể bạn.
Còn về ngã nhập, chính là bản thân mình thu nhỏ, đi vào trong tim của Phật A Di Đà, thì chính là ngã nhập. Vậy nhập ngã là Phật A Di Đà thu nhỏ đi vào trong thân của bạn, sau đó biến to ra, hoàn toàn giống hệt bạn, như một không phải hai, cũng tức là một trạng thái hoàn toàn là một với bạn. Lúc này, bạn phải nghĩ bản thân mình đã là Phật A Di Đà rồi.
Quán tưởng của lúc này là khuôn mặt của bạn chính là khuôn mặt của Phật A Di Đà. Có nhục kế, có Phật nhãn, có Phật nhĩ, tướng mạo của bạn vô cùng viên mãn, bạn cũng mặc y phục bách bảo, bạn cũng ngồi trên tòa hoa sen, vô cùng trang nghiêm. Đương nhiên cách nghĩ tưởng này, quán nhập ngã ngã nhập cũng là bắt đầu từ nghĩ tưởng thô nhất cho đến khi tinh tế nhất, cho đến nghĩ tưởng vi tế nhất.
Mọi người cũng biết là thân phàm phu chúng ta trong Mật giáo gọi thân thô, thân thể rất thô. Bạn tu hành đến cuối cùng sẽ biến thành thân vi tế nhất. Tâm vốn dĩ là rất thô, đến cuối cùng biến thành tâm vi tế nhất. Ý niệm của bạn cũng là ý niệm thô, đến cuối cùng sẽ biến thành ý niệm vi tế nhất. Khi bạn tu hành đến tinh tế nhất, chuyên nhất nhất, bạn sẽ sản sinh niệm lực.
Mật giáo dạy bạn tu quán tưởng chính là như vậy đó. Phật vốn dĩ ban đầu là ở nơi rất xa, rồi sau đó tiếp cận bạn, sau đó là rất gần, cuối cùng, Ngài và bạn hoàn toàn gần gũi với nhau, đến trụ ở đỉnh đầu. Cuối cùng, ý niệm cuối cùng là bạn và Ngài hoàn toàn hợp nhất. Đây chính là Du già mà. Hai chữ Du già là gì ư? Du già? Yoga? Ý nghĩa của Du già chính là muốn nói đến tương ứng. Bạn và Ngài hợp nhất rồi, tương ứng rồi.
Bản thân Mật giáo còn gọi là Du già, Du già có nghĩa là tương ứng. Thật ra, kiểu trạng thái Phật đi vào trong bạn, bạn đi vào trong Phật, giữa hai bên không có sự phân biệt thì gọi là Du già. Đây chính là quán nhập ngã ngã nhập, là hoàn toàn hợp nhất.
Vậy thì học Mật giáo tức là muốn bắt đầu học từ phàm phu cho đến khi hợp nhất với Phật, đây chính là Mật giáo. Ở trong trạng thái bạn có thể mãi mãi hợp nhất với Phật thì toàn bộ công đức của bạn hoàn toàn giống hệt với Phật, không có gì khác biệt cả. Vì vậy là “nhất như” chứ không phải “nhị như”. Mọi người cần hiểu rõ quan niệm này. Cho nên bạn thường xuyên quán tưởng vi tế như vậy, bạn sẽ sản sinh niệm lực.
Kiểu quán tưởng này có rất nhiều trong Mật giáo, vả lại cũng rất quan trọng. Bạn chỉ cần biết đến quán chữ Ah, quán nguyệt luân, quán nhập ngã ngã nhập, ngoài ra còn quán ngũ tướng thành thân. Và còn quán từ chú tự cũng như vậy. Cái này trong Kim cương giới chính là quán ngũ tướng thành thân, trong Thai tạng giới chính là quán ngũ tự thành thân, quán năm chú tự hình thành thân thể. Những quán tưởng này đều vô cùng quan trọng. Vả lại phải thực hành thiền một cách kĩ lưỡng, là bạn có thể từ từ huấn luyện được.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
18/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
024. Tiền hành, chính hành và hậu hành
Hôm nay, tôi sẽ giải thích với mọi người về tu pháp trong Chân Phật Mật Pháp. Trước đây tôi thường xuyên nhắc đến “tu một đàn pháp” với mọi người. Trong Mật giáo thường xuyên nói đến tu pháp tu pháp. Vậy tu pháp rốt cuộc là như thế nào? Hôm nay tôi sẽ giảng giải với mọi người đôi chút thế nào là tu pháp.
Về mặt nguyên tắc mà nói, khi một hành giả đi vào trong mật đàn, từ đầu đến cuối bạn phải rất yên tĩnh dựa theo toàn bộ nghi quỹ để tiến hành, từ đầu đến cuối cứ như vậy cho đến lúc kết thúc thì được tính là tu một đàn pháp. Nội dung của pháp trong Mật giáo, trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta, chia thành tu ngoại pháp và tu nội pháp. Ngoại pháp và nội pháp là hoàn toàn không giống nhau. Mật pháp cũng có rất nhiều, rất nhiều loại Mật pháp, nhưng tổng quy lại thì có ngoại pháp và nội pháp, và còn có rất nhiều thứ tự của tu pháp.
Về ngoại pháp mà nói, tôi đã từng liên tiếp mấy ngày giảng về nghi quỹ tu pháp hoàn chỉnh của Mật giáo rất chi tiết. Cũng đã xuất bản cuốn sách đó, và còn có cả video, vậy thì cũng đồng nghĩa là đã hoàn toàn giảng qua rồi. Ở đây tôi giải thích thêm với mọi người một cách đơn giản. Bởi vì, trong một pháp tu hoàn chỉnh, có pháp Tiền hành, rồi đến Chính hành, sau cùng còn có Hậu hành. Tiền hành là làm ở phần đầu, Chính hành chính là sự tinh mật của tu pháp, cùng với Hậu hành, ba cái hợp lại với nhau chính là nghi quỹ hoàn chỉnh của tu pháp.
Trong Tiền hành bao gồm đại lễ bái. Thông thường, chúng ta nhìn thấy hành giả Tạng mật thực hành đại lễ bái là kiểu lễ bái toàn thân nằm sụp xuống, đó là một kiểu đại lễ bái. Ngoài ra, còn có làm đại cúng dường, chính là cúng dường Mandala. Rồi thực hành pháp tứ quy y, tức là phải niệm chú tứ quy y. Ngoài ra, phải mặc bia giáp hộ thân, mỗi một đàn pháp đều có mặc giáp hộ thân, cái này chính là bảo vệ cho bạn trong quá trình tu pháp không bị hữu hình và vô hình quấy nhiễu.
Thông thường mà nói, Tiền hành là bạn cần phải triệu thỉnh, niệm chú thanh tịnh, sau đó làm đại lễ bái, đại cúng dường, tứ quy y, thậm chí tứ vô lượng tâm, mặc giáp hộ thân, còn phải tụng kinh. Đây đều là nằm trong phạm vi Tiền hành, đều là làm như vậy.
Vậy bên trong Chính hành, thế nào gọi là Chính hành? Có thể nói ý nghĩa của tu pháp nằm trong Chính hành, trọng điểm của nó nằm ở Chính hành. Khi làm Chính hành tức là phải thực hiện quán tưởng. Quán tưởng thì dùng ba nguyên liệu để tiến hành, khi quán tưởng phải kết thủ ấn, quán tưởng xong thì phải trì chú, trì chú xong rồi thì phải nhập tam ma địa. Đây chính là phạm vi của Chính hành trong tu Mật pháp.
Quán tưởng thì tôi đã giảng rồi, khi quán tưởng phải kết ấn, sau đó để ý thanh tịnh, kết ấn làm thân thanh tịnh, trì chú là để khẩu thanh tịnh, cuối cùng là đi vào tam ma địa. Tam ma địa là gì ư? Chính là nhập tam muội, đi vào chính định. Bạn muốn đi vào trong thiền định, đi vào bên trong ý thức vi tế nhất, sâu nhất. Sau đó thủ nhất, giữ lấy định cảnh, ở trong trạng thái chuyên nhất bất loạn, chính là nhập tam ma địa. Thời gian để học tập cái này thì rất dài. Đây chính là phạm vi của Chính hành.
Cuối cùng bạn xuất định rồi thì phải làm Hậu hành. Vậy phạm vi của Hậu hành là gì? Hậu hành chính là hồi hướng và tán kệ. Tán chính là đọc lời tán thán hoặc đọc kệ, đều là một cách cảm tạ. Hồi hướng chính là đem lời phát nguyện hoặc nguyện vọng của bạn, hoặc là lời cầu nguyện của bản thân bạn, để tương lai bạn đạt đến cảnh giới nào đó, đều là nằm trong phạm vi hồi hướng.
Đây có thể nói là một quá trình của tu pháp. Có Tiền hành, Chính hành, và Hậu hành. Bạn thực hiện như vậy chính là toàn bộ nghi quỹ tu pháp Mật giáo, tất cả đều ở trong đó hết. Nhưng đây thuộc về phạm vi tu ngoại pháp. Nghi quỹ này phần lớn là thông qua sự điều chỉnh của tôi, Lư Sư Tôn đã điều chỉnh nó, rồi tiến hành giảng giải một cách rất chi tiết.
Vậy thì về phương diện tu một đàn pháp có yếu quyết, hoặc khẩu quyết bí mật hay không? Có đó, bên trong có rất nhiều khẩu quyết bí mật, những khẩu quyết bí mật đó tôi đều đã giảng qua, trong cuốn sách “Chi tiết về nghi quỹ tu pháp hoàn chỉnh của Mật giáo” [cuốn “Mật giáo đại quang hoa”], tôi đã giảng giải hết toàn bộ vô cùng rõ ràng rồi. Có thể nói những khẩu quyết đó cũng chính là khẩu quyết trong quá trình tu pháp của cá nhân tôi, tôi cảm thấy đó là tâm yếu của bản thân tôi. Tôi đem tất cả tâm yếu hoàn chỉnh trong cuốn sách đó và video, đều đã giảng giải rất rõ ràng. Nếu mọi người muốn tu một đàn pháp hoàn chỉnh thì nhất định phải quy y, nhất định phải nhận quán đảnh.
Vậy thì người được gọi là pháp sư chính là người sư phụ thực sự có pháp thì gọi là pháp sư. Chân Phật Tông chúng ta thực sự có trình tự tu pháp. Bạn muốn hiểu được sự truyền thụ của những khẩu quyết này thì cần phải có Thượng sư khẩu truyền, chính là nói bằng miệng, truyền thụ cho bạn, Thượng sư hoàn toàn không giữ lại những khẩu quyết tâm yếu của tu pháp mà truyền dạy để bạn có thể tiếp nhận. Vậy thì trong lúc bạn tu pháp, vì có khẩu quyết của người đi trước, bạn sẽ rất dễ dàng lĩnh hội, bạn sẽ nhanh chóng tu được tương ứng với Phật Bồ tát. Đây chính là sự quan trọng của khẩu quyết tâm yếu, điểm chính yếu nằm ở đây.
Lần này chúng ta nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
19/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
025. Thứ tự tu tập Chân Phật Mật Pháp
Liên quan đến sách và video “Chi tiết nghi quỹ hoàn chỉnh của Mật giáo”, Seattle Lôi Tạng Tự vốn dĩ là có share [chia sẻ], có chia sẻ rồi. Cái này là rất quan trọng, hy vọng mọi người có thể lĩnh hội được tâm yếu và khẩu quyết của tu pháp trong video và sách. Đây đều là tâm yếu, khẩu quyết mà những người đi trước và tôi trong quá trình tu pháp lĩnh hội được một cách rất chi tiết. Nếu bạn có thể biết những khẩu quyết tâm yếu đó, bạn sẽ nhanh chóng tiến đến trạng thái đó. Bằng không, chỉ tự mày mò quá trình tu pháp thực sự thì bạn sẽ phải mất thời gian rất nhiều năm.
Còn bây giờ chúng ta sẽ nói về thứ tự tu pháp trong Chân Phật Mật Pháp. Tu một đàn pháp mà chúng ta vừa nói lúc nãy là thuộc về ngoại pháp. Ngoại pháp cũng chia ra làm rất nhiều thứ tự. Nội pháp cũng chia ra làm nhiều thứ tự, và bên trong còn có những điều sâu hơn.
Trong thứ tự thực tế, có pháp Tứ gia hành. Có pháp Thượng sư tương ứng, pháp Bổn tôn, có pháp Bảo bình khí, có pháp Chuyết hỏa, có pháp Minh điểm, và pháp Vô lậu, ngoài ra còn có pháp Kim cang quyền. Cao hơn nữa có pháp Kim cang, có Vô thượng mật, cuối cùng là pháp Đại viên mãn. Đây là một thứ tự của tu pháp bắt đầu từ cơ bản cho đến viên mãn, đây là thứ tự tu tập Chân Phật Mật pháp.
Vậy trong phạm vi ngoại pháp, cái gì là pháp Tứ gia hành? Pháp Tứ gia hành có thể nói là cơ bản sau khi bạn bước vào Mật giáo. Cũng tức là làm đại lễ bái, làm đại cúng dường, niệm chú tứ quy y, tu pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát, bốn pháp này gọi là pháp Tứ gia hành. Có thể nói là cơ bản của Mật giáo. Ví dụ bạn làm đại lễ bái, bạn phải làm 100.000 lần đại lễ bái, mỗi ngày đều làm như vậy, 10.000 lần, 20.000 lần, cứ như vậy cộng lại với nhau, đến khi đạt 100.000 lần đại lễ bái. Làm đại lễ bái cũng có thể rèn luyện thân thể của mình.
Làm đại cúng dường biểu thị sự lòng tôn kính của bạn đối với Phật Bồ tát, tôn kính Kim cang Hộ pháp, làm đại cúng dường phải làm bao nhiêu đàn? 100.000 đàn đại cúng dường.
Cũng như vậy, niệm chú tứ quy y là để kiên cố tín tâm của bạn đối với Thượng sư, Phật, pháp, tăng. “Nam mô gu-ru pây. Nam mô bút-đa yê. Nam mô đa-ma yê. Nam mô sang-ga yê.”
Ý nghĩa của việc niệm chú Tứ quy y này là muốn nói bản thân bạn và Thượng sư, Phật, pháp, tăng là hợp nhất với nhau. Bạn thường xuyên làm một loại quy y, niệm chú tứ quy y, đây cũng là một phương pháp giúp tín tâm vững chắc.
Niệm pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát là làm sám hối, ý nghĩa của nó rất sâu xa. Những cái này là pháp Tứ gia hành, pháp Tứ gia hành là cơ sở của Mật giáo.
Tiếp theo bạn tu pháp Thượng sư tương ứng, chính là bạn và Thượng sư hợp nhất, là Thượng sư Du già (Guru yoga), phương pháp hợp nhất với Căn bản Thượng sư của bạn. Tiếp theo là tu pháp Bổn tôn, phương pháp hợp nhất với Bổn tôn của mình.
Những cái vừa nói trên đều là ngoại pháp. Vì vậy chúng ta nói về nghi quỹ tu hành Mật giáo chính là đang nói đến tu Tứ gia hành, Thượng sư tương ứng, Bổn tôn.
Nếu đi sâu hơn nữa thì thuộc về phạm vi nội pháp. Tu Bảo bình khí chính là nằm trong phạm vi nội pháp. Tu Chuyết hỏa ở bên trong cơ thể của bạn, đánh thức nguyên tố sinh mệnh ở bên trong cơ thể, chính là chuyết hỏa. Từ pháp Chuyết hỏa bạn có thể tu ra kim cang vô lậu, tu ra minh điểm của chính bản thân bạn. Vì vậy pháp Minh điểm, pháp Chuyết hỏa, và pháp Vô lậu, ba pháp này là hợp nhất.
Ở bên ngoài thì bạn phải tu Kim cang quyền. Kim cang quyền thuộc về phương pháp thân thể bạn phối hợp với chuyết hỏa bên trong cơ thể bạn. Nội là Chuyết hỏa, ngoại là Kim cang quyền, cái này có thể nói là phương pháp hợp tu dùng sự chỉ dẫn của thân thể, cộng với nguyên tố sinh mệnh bên trong bạn. Đây chính là nội pháp.
Tiếp theo là tu pháp Kim cang, có pháp của năm Đại Kim Cang, có pháp của tám Đại Minh Vương. Vào sâu hơn tu Vô thượng mật, Vô thượng mật là một phương pháp có thể song vận tu Không và Lạc, đây thuộc về Vô thượng mật bộ. Vô thượng mật bộ tiếp tục kéo dài thì chính là pháp Đại viên mãn. Pháp Đại viên mãn có thể nói là bạn đã tu đến quả vị của Phật, Như Lai.
Vì vậy trình tự tu pháp là: Tứ gia hành, Thượng sư tương ứng, Bổn tôn, Bảo bình khí, Chuyết hỏa, Vô lậu, Minh điểm, Kim cang quyền, Kim cang pháp, Vô thượng mật, Đại viên mãn. Đây là một trình tự tu pháp hoàn chỉnh trong Chân Phật Mật Pháp, là như vậy, xếp hàng thành một trình tự tu pháp từ cơ bản cho đến Đại viên mãn.
Vậy bạn có thể biết rõ nghi quỹ tu pháp, lại biết trình tự tu pháp, lại hiểu được quán đảnh, hiểu về sơ quán, nhị quán, tam quán, tứ quán. Sơ quán chính là ngoại pháp. Nhị quán chính là nội pháp. Tam quán chính là Vô thượng mật. Tứ quán chính là Đại viên mãn. Trình tự của Mật giáo, bạn hầu như đều hiểu rõ toàn bộ.
Vậy bạn muốn thâm nhập vào bên trong thì bạn phải thực sự tu một cách thực tế, đây chính là một thứ tự tu hành rất hoàn chỉnh của Mật giáo.
Ngày nay trên thế giới này, có thể nói người có thể giảng dạy Mật giáo vô cùng chi tiết thì đều là Kim cương Thượng sư chân chính. Hôm nay, Lư Sư Tôn đối với việc tu pháp mà nói, nghi quỹ hoàn chỉnh của Mật giáo và thứ tự tu pháp tôi đều đã hoàn toàn trải qua hết rồi. Vì vậy tôi hiểu rõ thứ tự tu pháp này. Tôi hiểu rõ từ cơ bản cho đến Đại viên mãn. Vì vậy có thể nói tôi là pháp sư thực sự có pháp, là Thượng sư thực sự có thể đạt được chính đẳng chính giác, là Đại trì minh Kim cương Thượng sư đích thực. Người có thể biết pháp, tu pháp, nhờ thực tu mà khai ngộ, trên thực tế cũng là hiếm có và đáng quý.
Hôm nay chỉ nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
19/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
026. Cửu tiết Phật phong (1)
Hôm nay, tôi sẽ nói với mọi người về Cửu tiết Phật phong.
Thông thường mà nói, trước khi chúng ta nhập tam ma địa đều phải làm Cửu tiết Phật phong. Cửu tiết Phật phong thật ra chính là một công phu thổ-nạp. Thổ chính là thổ khí. Nạp chính là nạp khí. Tức là khí được hít vào (nạp) và khí được thở ra (thổ).
Trước khi tu Bảo bình khí, bạn phải thực hiện tốt phần cơ bản Cửu tiết Phật phong này. Cửu tiết Phật phong chính là phương pháp thổ nạp trong Mật giáo.
Trước đây sư phụ tôi từng nói không nên xem thường Cửu tiết Phật phong này. Bởi vì ý niệm của con người chúng ta có liên quan rất lớn đến sự hít thở của chúng ta, có mối liên quan rất lớn bên trong. Chúng ta thường nói một câu “tâm bình khí hòa”. Tâm của bạn có thể bình cho thấy khí của bạn rất thuận, rất dài, rất nhỏ thì tâm của bạn mới có thể bình được. Vì vậy điều khí cũng đồng nghĩa là điều tâm.
Trong “Áo Nghĩa Thư” của Ấn Độ có nói rất rõ ràng, bạn muốn điều tâm của mình thì phải điều khí của mình trước. Khí của bạn không bình thì tâm của bạn sẽ không cách nào bình được. Vì vậy tâm và khí của bạn có thể nói là rất gần gũi. Khi bạn điều khí của cơ thể mình đến độ vi tế nhất thì tâm của bạn cũng có thể bình nhất, yên tĩnh nhất, là lúc có thể định được nhất. Muốn nhập tam ma địa, bạn nhất định phải điều khí. Bạn điều khí không tốt thì không có cách nào nhập tam ma địa được. Vì vậy bạn điều khí được tốt thì sẽ có thể nhập vào trong định cảnh rất nhanh chóng.
Cửu tiết Phật phong của Mật giáo chính là nói đến điều khí. Mà điều khí cũng chính là điều tâm của bạn, có liên quan đến nhau. Cửu tiết Phật phong rất quan trọng. Nó chia làm chín tiết, cửu tiết, vậy làm ba lần thì 3 nhân 9 là 27. Bạn phải làm 27 lần trong trạng thái này thì bạn mới có thể định được bên trong cảnh giới này.
Đặc biệt là khí của bạn, bạn ở đó nghĩ tưởng về khí của mình đang vận động, thì lúc này bạn không có vọng niệm nữa, có thể nói là bạn đang tiêu trừ vọng niệm của mình. Trong lúc điều khí, bạn cũng tiêu trừ được vọng niệm của mình. Trong khi làm tiết này đến tiết khác, trong lúc đổi khí, đột nhiên bạn sẽ đoạn tuyệt được ý niệm của mình, đoạn tuyệt được tâm niệm của mình. Trong một sát-na đoạn tuyệt đó, bạn có thể nhập định, đây là một bí quyết.
Trước đây sư phụ tôi nói với tôi: “Con phải làm Cửu tiết Phật phong, điều khí là vô cùng quan trọng.”
Chúng ta trong lúc luyện tập Cửu tiết Phật phong, bạn luyện đến cuối cùng có thể khiến ý niệm của bạn và sự hô hấp của bạn tách rời ra. Con người trên thế giới này, phần lớn mà nói thì sự hô hấp của cơ thể bạn và ý niệm của bạn là có liên quan đến nhau. Vậy bạn điều khí đến cuối cùng, điều khí tốt rồi thì ý niệm và sự hô hấp của bạn có thể tách rời nhau. Có nghĩa là ý của bạn không bị can thiệp bởi hô hấp của bạn, điểm này vô cùng quan trọng. Bởi vì bạn muốn nhập định, con người luôn luôn có sự hít thở. Bạn điều khí đến hơi thở vi tế nhất thì vẫn có ý niệm vi tế nhất ở bên trong.
Ý niệm bên trong Cửu tiết Phật phong là trước tiên dùng ý để điều hơi thở của bạn. Vậy tương lai ý niệm của bạn cũng phải siêu việt khí này của bạn. Dùng ý, ý niệm của bạn phải vượt qua khí này. Điểm này vô cùng quan trọng. Hôm nay tôi giảng với mọi người về Cửu tiết Phật phong cũng là một khẩu quyết rất quan trọng, tuyệt đối không được bỏ sót.
Vậy trong chín tiết, sẽ nói về ba tiết trước, sau đó lặp lại cũng như vậy, tổng cộng có ba lần, đảo ngược lẫn nhau, chính là để luyện tập ý niệm của bản thân bạn, luyện tập sức tập trung của bạn. Sức tập trung này phối hợp với ý niệm của bạn, cùng sự hít thở của bạn, tuần hoàn vòng lặp, tổng cộng có 27 lần. Khi bạn làm tốt 27 lần rồi, khi bạn nhập định sẽ cảm thấy toàn bộ khí của mình bị chặt đứt, rất trống rỗng. Sau đó sẽ có dòng chảy pháp của vũ trụ đi vào trong cơ thể của bạn, lúc này cơ thể của bạn sẽ ngưng kết lại, sẽ cảm thấy có một loại sức mạnh đi vào trong cơ thể của bạn.
Nếu như bạn làm tốt, bạn sẽ nhanh chóng chứng ngộ được một loại cảm giác gọi là ngưng kết. Thế nào gọi là ngưng kết? Có thể nói là bất động, thân thể cảm thấy bất động. Thứ hai là cảm thấy toàn bộ khí tràn đầy toàn thân bạn, một loại cảm giác rất sung túc. Tiếp theo sẽ sinh ra một loại cảm giác của ngưng kết kim cang.
Vì vậy bạn chỉ cần luyện Cửu tiết Phật phong đồng nghĩa là đang luyện khí, đang điều khí. Luyện khí công cũng là bắt đầu luyện từ Cửu tiết Phật phong. Ngày nay rất nhiều người thịnh hành luyện khí công. Bạn luyện Cửu tiết Phật phong, luyện lâu ngày, khí của bạn sẽ sung túc, bạn sẽ sản sinh ra sức mạnh của khí công đủ để có thể phát công. Vì vậy cái này là cái đơn giản nhất trong Mật giáo, cũng là một phương pháp bí mật rất quan trọng.
Tuyệt đối không được bỏ qua Cửu tiết Phật phong, không được lơ là. Còn về động tác của Cửu tiết Phật phong, tôi chỉ có thể nói vào lần sau, hôm nay chỉ nói đến đây thôi.
Om mani padme hum!
22/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
027. Cửu tiết Phật phong (2)
Bây giờ tôi sẽ làm mẫu động tác của Cửu tiết Phật phong. Mọi người kết thủ ấn như vậy trước, để một ngón út ra bên ngoài. Tay có thể đặt lên trên đùi. Làm động tác thứ nhất trước, ngón tay út ấn vào lỗ mũi bên phải, sau đó hít một hơi bằng lỗ mũi bên trái, đi theo kinh mạch bên trái xuống đến đan điền thì quay đầu, đi thẳng đến lỗ mũi bên phải. Rồi ấn vào lỗ mũi bên trái, lỗ mũi bên phải thổ khí (thở ra). Đây là một tiết.
Tiếp theo hít một hơi từ lỗ mũi bên phải, hít vào, quay lên, đến đan điền thì quay lên một vòng, tiếp theo, thổ khí từ lỗ mũi bên trái. Đây là tiết thứ hai.
Tiết thứ ba là hai lỗ mũi hít khí vào bên trong, đi qua đan điền, đi lên đỉnh đầu, sau đó mới đi xuống, rồi từ kinh mạch trái và kinh mạch phải thổ khí ra. Đây là tiết thứ ba.
Vậy thì mọi người thử nghĩ xem, lúc nãy là từ lỗ mũi bên trái hít khí vào trước, sau đây cũng giống vậy, hít khí vào từ lỗ mũi bên phải trước, đi vào, xoay một vòng rồi mới thổ khí ra ngoài. Làm liên tục động tác này, có thể nói là chín tiết. Chín tiết xong rồi, còn phải lặp lại lần thứ hai, lặp lại lần thứ ba.
Tôi làm lại động tác một lần nữa. Như vậy chính là ba tiết rồi. Nhưng trong khi bạn đang hít thở có một điểm quan trọng. Khí được hít vào, bạn phải quán tưởng là màu trắng. Khí thở ra, bạn phải quán tưởng là màu đen. Khí ở bên trong là màu đỏ. Ở đây lại có ba chi tiết, tức là ý niệm của bạn phải quán tưởng khí hít vào là ánh sáng trắng, ánh sáng trắng của toàn bộ vũ trụ đều bị bạn hít hết vào trong lỗ mũi, cho đến tận đan điền. Sau đó khí thở ra thì là màu đen. Khí ở bên trong thì là màu đỏ. Về mặt ý niệm là bạn phải quán tưởng như vậy.
Còn một điều quan trọng hơn, 9 tiết đầu tiên, hít vào nhẹ nhàng, thở ra nhẹ nhàng. 9 tiết tiếp theo, tức là từ tiết thứ 10 đến tiết thứ 18, bạn phải hít thật sâu, thở ra thật sâu. Từ sau tiết thứ 18 đến tiết thứ 27, ở khoảng thời gian này, còn cần phải hít khí vào đầy trong cơ thể, còn phải vặn vẹo người, vặn nhẹ người một cái, để khí chứa đầy trong toàn thân. Hít thở đoạn này tương đối nặng một chút, tức là hít thở từ nhẹ, sau đó là ở mức trung bình, cuối cùng là nặng.
Sau khi bạn hoàn thành Cửu tiết Phật phong rồi, bạn ngồi yên tĩnh một lúc. Cái này chính là một cách đổi khí, có nghĩa là bạn đã dừng làm Cửu tiết Phật phong, đổi khí trong khoảng thời gian đó. Đột nhiên có toàn bộ khí trong hư không đổ vào toàn thân của bạn. Đột nhiên bạn cảm thấy thân thể mình kiên cố như là kim cương. Khí tràn đầy rồi, sau đó bạn cảm thấy mình bất động, giống như một ngọn núi, không động lay, ngưng kết lại, ngập tràn khí rồi, chính là loại cảm giác này. Bạn sẽ có được cảm nhận này, sẽ ngay lập tức có được cảm giác này, là cảm giác mà cả đời này bạn chưa từng có.
Tôi nói như vậy là hy vọng bạn vận dụng ý niệm của mình, sự hô hấp đó đang chạy, bạn cũng phải đi theo ý niệm đó, dùng ý niệm đến đan điền. Khí được hít vào không chỉ đơn giản là đi đến phổi thôi. Sau khi hít vào nó sẽ từ kinh mạch của bạn đi qua đan điền, xoay một vòng. Vào từ kinh mạch phải thì ra từ kinh mạch trái. Vào từ kinh mạch trái thì ra từ kinh mạch phải. Vào từ hai kinh mạch, lên đỉnh đầu, sau đó đi ra từ hai kinh mạch trái phải, đây là ba tiết.
Thế rồi làm ngược lại. Lúc nãy khí đi vào từ kinh mạch phải, bây giờ đi vào từ kinh mạch trái. Cuối cùng tiết thứ ba cũng làm ngược, trước tiên vào từ hai kinh mạch trái phải, làm như vậy, 3 nhân 3 là 9, 3 nhân 9 là 27. Tổng cộng phải làm 27 lần. Sau khi bạn làm xong 27 lần này, đột nhiên khi bạn đổi thành hít thở bình thường, hít thở rất nhẹ nhàng, trong hư không sẽ có rất nhiều ánh sáng và khí đi vào bên trong cơ thể của bạn. Bạn sẽ có được ba loại cảm nhận: bất động, ngưng kết, kim cương. Ba loại cảm nhận này sẽ được sinh ra. Đây là khẩu quyết rất bí mật.
Bạn luyện tập pháp thổ nạp này, luyện lâu ngày là bạn sẽ có khí công. Khí công của bạn sẽ được sinh ra. Khí trong cơ thể bạn rất sung mãn, bạn có thể phát khí, hơn nữa khí này của bạn sẽ ngập tràn. Trong việc hành thiền ngày thường của bạn, hành giả Mật giáo muốn nhập tam ma địa, bạn phải làm tốt Cửu tiết Phật phong. Luyện tập Cửu tiết Phật phong vô cùng trôi chảy, khí của bạn sẽ sung mãn, sau này mới từ Cửu tiết Phật phong đi vào Bảo bình khí.
Sau này tôi sẽ giới thiệu với mọi người về Bảo bình khí, nhưng mọi người cần phải luyện tập tốt Cửu tiết Phật phong. Bất cứ một loại khí công nào, giả sử bạn biết Cửu tiết Phật phong thì tức là đang luyện khí công. Vả lại Cửu tiết Phật phong vốn dĩ là huấn luyện ý niệm của bạn và đoạn diệt vọng niệm của bạn, tiếp theo là luyện tập hơi thở của bạn, điều khí của bạn, điều hòa hơi thở của bạn. Mục đích thực sự cuối cùng là điều tâm của bạn. Tâm của bạn được điều đến vô cùng tĩnh lặng, tâm không trồi lên, tâm niệm không bay lung tung, hoàn toàn tập trung vào một điểm, nhập vào bên trong tam ma địa.
Đây là một phương pháp rất tốt. Trong Mật giáo mà nói, dùng phương pháp này để nhập tam ma địa, chính là một phương pháp tốt nhất để điều khí, điều tâm, nhập định.
Hôm nay tôi đã đem khẩu quyết rất quan trọng nói ra luôn rồi, đặc biệt là dùng ý niệm của mình để ánh sáng trắng đi vào, ánh sáng đen đi ra, chính là đang tiêu trừ nghiệp chướng của bạn. Ánh sáng tốt đi vào, nghiệp đen đi ra.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
22/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
028. Cửu tiết Phật phong (3)
Hôm nay tôi sẽ giảng với mọi người về Cửu tiết Phật phong và pháp Bảo bình khí. Hai pháp này trong Mật giáo có thể nói là “Yoga gió”, chính là tu gió. Điểm quan trọng của pháp về khí nằm ở chỗ khí, mạch của chính cơ thể hành giả đều có thể thông suốt, điểm này rất quan trọng. Chỉ cần là người luyện khí công thì đều biết, nếu khí mạch của toàn bộ cơ thể bạn đều có thể thông suốt, thì khí của bạn sẽ rất đầy đủ.
Tu pháp này cũng cần có lòng kiên trì. Giống như Cửu tiết Phật phong, tổng cộng có 27 tiết, hàng ngày bạn đều phải tập luyện. Giống như pháp Bảo bình khí, hàng ngày bạn đều phải luyện, không có lòng kiên trì thì không làm được. Vì vậy lòng kiên trì có thể được xem là yếu tố đầu tiên trong tu hành.
Giống như bản thân Lư Sư Tôn cũng vậy, tôi từ năm 25 tuổi bắt đầu thông linh, đến hôm nay vừa hay đảo ngược lại, 52 tuổi. 25 và 52, khoảng cách trong đó là 27 năm dài. Công phu tu hành của tôi không gián đoạn một ngày nào, không có ngày nào là dừng lại. Nếu bạn muốn thành tựu thì nhất định phải như vậy. Chứ không phải là, à hôm nay luyện một chút, tôi vui tôi luyện một chút, rồi dừng lại, sau đó cách một tháng sau mới luyện một lần, để xem công phu có tốt hơn chút nào không. Tôi nghĩ là công phu kém đi một chút chứ không phải tốt hơn một chút.
Việc tu hành nhất định cần phải lâu dài. Vì vậy trên người bạn sản sinh ra công lực cao thâm thì chắc chắc là bạn đã bỏ ra một công phu khổ cực. Nếu bạn có thể luyện tốt Cửu tiết Phật phong và pháp Bảo bình khí, chắc chắn bạn sẽ thông khí. Thông khí rất quan trọng, khí là phải thông. Khí ở trong cơ thể bạn, khí đi đến đâu là bạn đều phải biết. Bạn hít một hơi, sau đó dồn nó xuống, đi xuống, vận chuyển đến chân, sau đó thì quay đầu, đến chân trái, rồi đến tay trái, rồi đến tay phải, rồi quay lên đỉnh đầu. Thậm chí khí cũng có thể xông lên đỉnh đầu. Trong Mật giáo, khí xông đỉnh thì biến thành pháp Phowa, chính là phá ngói, khai đỉnh, đó là dùng khí để xông đỉnh. Vì vậy tương lai bạn tu khí thành công rồi, khai đỉnh rồi, sau này quay về (lúc vãng sinh) là quay về từ trên đỉnh đầu, sẽ không đọa vào ba ác đạo.
Giống như chúng ta nói về Cửu tiết Phật phong, tuy bạn dùng ý niệm của bạn để dẫn khí xuống đến đan điền, quay đầu, sau đó đi ra từ lỗ mũi trái, quay đầu, đi ra từ lỗ mũi phải. Đi vào từ hai lỗ mũi, xông đỉnh, đi ra từ hai lỗ mũi. Ý niệm đơn giản này thật ra là để cắt đứt suy nghĩ của bạn, trong quá trình ý niệm vận chuyển sẽ dừng dứt suy nghĩ của bạn.
Ngoài ra là để luyện khí của bạn, bạn phải biết là khí của bạn đi đến đâu, điều này là rất quan trọng. Giống như bạn muốn vận khí lên bàn tay, khí lập tức ở trên bàn tay, nén xuống dưới, chìm xuống dưới, đưa lên trên, nâng lên đến đỉnh đầu, khí đều đang vận chuyển. Tay trái tay phải, chân trước chân sau, toàn thân đều đầy khí hết rồi, thân thể sẽ rất cường tráng. Bất kể là gì, bạn tu Cửu tiết Phật phong, tu pháp Bảo bình khí, bạn sẽ có cảm giác khí ngập tràn, có thể vận khí ra ngoài.
Vì vậy trong khí công có nói đến “cách sơn đả ngưu”, cách một ngọn núi vẫn đánh chết một con trâu. Đương nhiên câu này thì có hơi nói quá một chút, nhưng mà cũng có thể là “phách không chưởng” [chưởng pháp đánh cách không từ xa trong Anh Hùng Xạ Điêu], không phải là không có khả năng đó. Bạn vận khí mà vận thành công, khí và thần của bạn tập hợp với nhau là có thể bay được. Thần và khí tập hợp với nhau, thần là nguyên tố sinh mệnh của bản thân bạn, có thể cưỡi trên luồng khí đó đi bất cứ đâu, là biến thành Thần túc thông, có thể bay lượn.
Vì vậy pháp tu khí này ở trong Mật giáo chúng ta là vô cùng quan trọng. Vì vậy không nên nghĩ là tôi giảng mấy chi tiết về Cửu tiết Phật phong, mọi người liền nghĩ: lỗ mũi trái vào, lỗ mũi phải ra, lỗ mũi phải vào, lỗ mũi trái ra, hai lỗ mũi vào, hai lỗ mũi ra, rồi đảo ngược lại, vận dụng 27 tiết như vậy, 3 lần 3 là 9, 3 lần 9 là 27, rồi quán tưởng ánh sáng trắng vào, ánh sáng đen ra, vận chuyển ở bên trong là ánh sáng màu đỏ… Thế là bạn cho rằng, ồ đơn giản quá.
Trên thực tế bạn tu đến cuối cùng, kinh mạch bên trái, kinh mạch bên phải, trung mạch của bạn đều biến thành trong suốt. Bạn nhìn vào là có thể nhìn thấy khí của mình đang đi, đây đều là công phu. Khí ở trên đỉnh, ở trên thượng đan điền, sau đó dùng ý niệm đè nén nó xuống, đi qua luân xa cổ họng, đi qua luân xa tim, đến luân xa rốn, đi qua trung đan điền đến hạ đan điền, bạn đều có thể vận chuyển vô cùng trôi chảy toàn bộ. Hơn nữa khí đi đến đâu là chỗ đó của bạn ngập tràn khí, bản thân bạn cũng có cảm nhận, cũng có cảm giác. Cái này không phải là rất đơn giản, không phải là bạn nói “Ôi chẳng có cảm giác gì cả!”, không phải như vậy đâu.
Vì vậy mọi người cần phải có tâm bền bỉ, nếu có lòng kiên trì để tu hành, khí của cơ thể bạn được sung túc, bạn tu luồng khí này, tương lai dùng để làm đề minh điểm, giáng minh điểm, đề minh điểm, trì minh điểm, tán minh điểm. Tất cả đều nằm ở công phu giáng-đề-trì-tán. Khí là công phu đầu tiên.
Khởi động chuyết hỏa đi lên cũng cần có Yoga gió. Không có Yoga gió sẽ không có luồng khí nào có thể thổi được chuyết hỏa. Nếu không có chuyết hỏa, bạn cũng không thể làm tan chảy minh điểm ở Thiên đình. Ba thứ này phân ra thì thành ba, hợp lại thì là một. Khí, mạch, minh điểm hợp lại mới có thể vận chuyển được. Kinh mạch toàn thân của bạn muốn thông, bạn nhất định phải tu Yoga gió.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
23/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
029. Khẩu quyết về Bảo bình khí
Giới thiệu một chút với mọi người về Bảo bình khí. Mọi người hãy chú ý một chút về Bảo bình khí này.
Thật ra Bảo bình khí rất đơn giản. Chỉ là thở khí ra, hít khí vào, giữ khí lại, sau đó thở khí ra. Tu pháp Bảo bình khí, trước tiên, phải thở ra uế khí bên trong cơ thể, đem khí ô uế trong cơ thể bạn thở ra ba hơi, sau đó hít vào một hơi khí thanh tịnh, hít vào trong, đưa khí này xuống đến vị trí đan điền. Sau đó nín thở, không hô hấp.
Vậy phải nín thở khoảng bao lâu? Thể chất của mỗi người không giống nhau, nín thở đến lúc bạn không thể nín được nữa thì mới thở ra một hơi, mới thở ra ngoài, đây chính là Bảo bình khí. Có thể giữ khí đó ở bên trong cơ thể bạn càng lâu thì càng tốt. Nhớ là khí nhất định phải xuống đan điền, vị trí dưới rốn bốn lóng tay. Phải thở uế khí ra trước rồi mới hít một khí thanh tịnh vào, đóng khí lại. Sau đó quán tưởng khí và cơ thể của bạn đều là một bảo bình, hình dạng của một bảo bình, vì vậy mới gọi là Bảo bình khí.
Ở trong đây có một khẩu quyết quan trọng, luồng khí này không được thoát ra từ bên dưới, thoát ra ngoài thì sẽ biến thành “xì hơi thành gió”. Phải hơi thu người lại, thu người lại một chút, tức là nâng khí lên, khí dưới nâng lên trên, khí trên hạ xuống dưới, tập trung ở vị trí đan điền, đây chính là Bảo bình khí, rất đơn giản.
Ở đây có ba khẩu quyết: nhập-trụ-dung. Nhập là khí đi vào, trụ ở bên trong cơ thể hành giả, dung giải, làm nó tan ra. Thật ra bạn nói thổ khí là đến cuối cùng, kém nhất mới phải thổ khí. Bảo bình khí thực sự là đem luồng khí này đẩy vào bên trong trung mạch. Đem khí ở vị trí đan điền, sau đó lợi dụng sự lắc lư của cơ thể để nó đi vào trung mạch, thông trung mạch.
Khi muốn tán khí thì đem luồng khí này tiêu tán ra các lỗ chân lông ở khắp các bộ phận trên cơ thể. Một luồng khí cuối cùng, thực sự không thể nhịn được nữa, mới từ lỗ mũi hoặc miệng của bạn thở hắt ra ngoài, phun ra ngoài, vì lúc đó đã không thể nín thở được nữa, nên nhất định phải phun ra, hoặc thở hắt ra ngoài, là vậy đó.
Hít vào thì là nhập, ở bên trong thì là trụ, rồi mới dung, mới thổ khí, đây là mấy khẩu quyết quan trọng. Bạn tu thành công Bảo bình khí rồi, bạn tu đến khi có thể nín thở hai phút xem như thành công rồi. Lúc này bạn phải luyện tập nâng luồng khí này, dùng ý niệm của bạn để nâng luồng khí này, có rất nhiều tác dụng. Tương lai bạn có thể nâng minh điểm, có thể hạ minh điểm, có thể trì giữ, có thể tán minh điểm, đều nằm ở đây. Nếu bạn có thể vận dụng luồng khí này để tu luyện thì chính là Yoga gió thực sự.
Ngoài ra luồng khí này cũng có thể chữa bệnh. Nếu trên người bạn có luồng khí này, cơ thể bạn thường xuyên vận chuyển, khí thường xuyên chuyển động ở bên trong cơ thể bạn, tràn ngập, thì bạn sẽ không dễ dàng mắc bệnh.
Không chỉ là bản thân bạn không dễ dàng mắc bệnh, bạn còn có thể tuần hoàn chu thiên, sẽ sản sinh ra bốn thứ: một cái là âm thanh, âm thanh mà bạn phát ra là do khí công của bạn phát ra. Cơ thể bạn sẽ sinh ra ánh sáng, có luồng khí này bạn sẽ tu thành ánh sáng, thần thái của bạn sáng bừng, nhìn bạn không giống như một người bệnh. Thần thái của bạn sáng bừng, sắc mặt của bạn rất tốt, trên người bạn có ánh sáng, có vô lượng quang, có khí quang vô hình sinh ra từ các lỗ chân của bạn. Trên người bạn có từ tính, bạn có nhân điện.
Từ khí tu thành nhân điện, có luồng nhân điện này, bạn có thể chữa bệnh cho người khác. Trên người bạn có khí mà, luồng khí này có thể giúp đỡ người khác, có thể bổ sung khí của người khác. Khí của bạn rất đầy đủ, vậy nên loại từ lực mà cơ thể bạn sản sinh ra sẽ rất mạnh.
Ngày nay có rất nhiều y học nghiên cứu về từ, khi ngủ thì ngủ giường từ, đeo vòng tay từ, trên người mặc quần áo từ, đeo chuỗi hạt có từ tính, để điều chỉnh từ tính của cơ thể mình. Thật ra bạn luyện Cửu tiết Phật phong, luyện Bảo bình khí là từ lực trên cơ thể bạn sẽ rất mạnh, có thể giúp đỡ người khác. Những người bệnh chữa không khỏi, đến gần người bạn, đến bên cạnh bạn, nếu bạn gia trì cho người ta, bệnh của người ta, từ lực của họ sẽ tăng trưởng, trên người họ sẽ có điện.
Bản thân bạn chính là điện, cơ thể bạn chính là nguồn điện. Âm thanh, ánh sáng, điện đều có hết, cơ thể bạn sẽ trở nên rất có năng lượng. Âm thanh đến từ khí, khí lại hóa thành ánh sáng trên cơ thể bạn, khí sắc của bạn sẽ khác biệt. Tiếp theo, nhân điện mà cơ thể bạn phát ra, bạn có thể đi giúp đỡ người khác. Cuối cùng, còn nữa, khí này còn có thể hợp nhất với thần, khí và thần, hợp nhất với nguyên tố sinh mệnh của bạn là bạn có thể tu thành tiên. Tuy là ở trong nhân gian, nhưng bạn không khác gì cảnh giới của thần tiên.
Cái mà trong Mật giáo nói đến là Yoga gió, Yoga gió có thể tu đến như vậy thì bạn có thể nhìn thấy khí trong cơ thể mình đang di chuyển, di chuyển đi đâu, di chuyển đến chỗ nào. Ở đây có bệnh, chỗ này nhức mỏi, có nghĩa là khí mạch ở chỗ này không thông. Bạn vận luồng khí đó qua, di chuyển vài vòng ở chỗ có bệnh này, tuần hoàn vài vòng là khí mạch ở đó sẽ thông, khí của toàn thân đều có thể thông.
Vì vậy sư phụ chân chính có nhiều lúc ngồi trên pháp tọa, cơ thể lắc lư một cái là ngài ấy đang luyện khí. Hít một hơi, hạ xuống, nâng lên, xoay vòng, phát công, đều làm được, rất như ý. Vậy bạn tu hành đến lúc có thành tựu rồi thì bạn đều có thể làm được.
Nhớ kĩ, nhất định phải bền lòng, bền lòng để tu Cửu tiết Phật phong và pháp Bảo bình khí. Phải nhớ khẩu quyết của Bảo bình khí: nhập, trụ, dung, thổ.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
23/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
030. Vì sao cần tu pháp? (1)
Tôi sẽ giảng với mọi người tại sao phải tu pháp. Có rất nhiều người có cùng một câu hỏi, đó là con người chúng ta sống ở trên đời tại sao phải tu hành? Tại sao phải tu pháp chứ?
Một câu rất đơn giản thôi, tu hành và tu pháp có thể tăng cường trí huệ của bản thân, cũng có thể gia tăng phúc phần của mình. Năm xưa Phật Thích Ca Mâu Ni tại sao muốn xuất gia tu hành? Đương nhiên Ngài có nguyên nhân của Ngài. Phật Thích Ca Mâu Ni là một vị vương tử rất tôn quý. Nói về tiền tài, Ngài là một vương tử, có cả một vương quốc. Nói về gia đình, Ngài có người vợ xinh đẹp, bản thân Ngài cũng có con nhỏ. Nói về thân thể, thân thể của Ngài cũng vô cùng khỏe mạnh, lại còn rất trẻ. Nói về sự nghiệp, cả một đất nước đều là sự nghiệp của Ngài. Tại sao Ngài muốn xuất gia, muốn bước vào con đường tu hành?
Ngài hiểu rõ được cái khổ, không và vô thường của đời người. Khổ, đời người rất khổ. Không, là vì tất cả những cái có đều biến thành không có, chính là không. Vô thường, sinh lão bệnh tử đều là vô thường. Hiện tượng của toàn bộ vũ trụ đều đang biến đổi, vì vậy địa vị vương tử đó của Ngài không chắc có thể mãi mãi giữ được, quốc gia không thể mãi mãi tồn tại, gia đình sẽ không giữ được sự viên mãn mãi mãi, thậm chí là con cái cũng sẽ thay đổi. Sinh tử đều đang biến đổi vô thường, mọi thứ đều đang thay đổi, đây là lý do vì sao năm xưa Phật Đà lại xuất gia.
Ngài cho rằng đời người đều là một loại huyễn hóa, là một giấc mơ, chi bằng Ngài đi theo đuổi chân lý của vũ trụ, có được một loại trí huệ vĩnh hằng. Vì vậy rất nhiều người xuất gia tu hành là vì đã nhìn thấu rồi, nhìn thấu cuộc đời, nhìn thấu các loại cảnh tượng, vô thường, biến hóa nhanh chóng của cuộc đời, nhìn thấu cảnh khổ của cuộc đời, vì vậy mới đi vào con đường xuất gia.
Hôm nay tôi ở đây nói như vậy, không phải là hy vọng tất cả mọi người đều đi xuất gia, không phải như vậy. “Hồng quang đại thành tựu” không nói là mỗi một người đều phải đi xuất gia mới có thể đắc được. Chỉ là xuất gia tương đối chuyên nhất hơn, còn cư sĩ tại gia vẫn có thể tu đại thành tựu cầu vồng. Bản thân Mật giáo mà nói, ví dụ Chân Phật Tông của chúng ta có tỳ kheo, tỳ kheo ni xuất gia, nhưng cũng có ưu bà tắc, ưu bà di tại gia, cư sĩ tại gia. Chân Phật Tông vẫn có đầy đủ tứ chúng. Tứ chúng tức là tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, tất cả đều có đủ.
Mọi người hiểu được tại sao phải tu hành? Chính là phải theo đuổi sự tăng trưởng của trí huệ, sự tăng trưởng của phúc phần, theo đuổi chân lý vĩnh hằng. Bạn muốn theo đuổi cuộc đời, được thôi, vậy bạn muốn theo đuổi cái gì của cuộc đời? Đời người thì mọi người biết rồi đó, đời người có rất nhiều đau khổ, rất nhiều vô thường. Bất kể là bạn theo đuổi được hay là không theo đuổi được, cuối cùng đều chuyển thành hư không, toàn bộ hóa thành hư không. Sau khi bạn nhận ra rõ ràng rồi, bạn mới nghĩ đến là mình phải đi con đường tu hành.
Tu hành có lợi ích gì ư? Cũng có rất nhiều người hỏi tôi: “Ngài tu Hồng quang đại thành tựu, rốt cuộc có lợi ích gì?” Bởi vì trí huệ của bạn sẽ được tăng trưởng, sức mạnh của trí huệ giúp bạn có được rất nhiều. Hơn nữa cái này thuộc về không biến hoại, thuộc về mãi mãi. Sau khi trí huệ tăng trưởng có thể giúp bạn giải thoát khỏi phiền não, có thể khiến bản thân bạn có được quang minh vĩnh hằng, ngoài ra còn có phúc phần lớn nhất, phúc phần lớn nhất đều dành cho bạn.
Ở trên đời này, chỉ có một thứ là không biến đổi. Các hành giả chúng ta, những người tu hành đều biết chỉ có một thứ là không biến đổi, đó chính là hư không bất biến, những cái khác đều là đang biến huyễn, đều đang biến đổi. Chúng ta có thể đạt được sức mạnh của trí huệ trong tu hành để siêu việt cuộc đời này. Trong cuộc đời có rất nhiều phiền não, không đếm hết được. Rất nhiều… rất nhiều phiền não khiến bạn buồn rầu, lo lắng, sợ hãi. Nhưng từ trong tu hành, trong tu pháp, bạn có thể đạt được một loại sức mạnh trí huệ. Loại sức mạnh trí huệ này vượt lên trên phiền não, và vượt lên trên mọi loại đau khổ.
Lúc này bạn chỉ cần vượt qua được phiền não, vượt qua mọi loại đau khổ thì bạn giống như thần tiên vậy, giống như thiên nhân ở trên thiên giới. Thiên nhân trên thiên giới được nhắc đến trong kinh Phật, những gì họ có, bạn là một người tu hành bạn cũng có thể có. Bạn không chỉ có sức mạnh trí huệ của thiên nhân trên thiên giới, bạn còn có thể siêu việt thiên nhân trên thiên giới cho đến tận Vô sắc giới, sau khi đi vào Vô sắc giới mới ra khỏi Vô sắc giới, đi đến tứ Thánh giới. Trí huệ của tứ Thánh giả là Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, và cảnh giới viên mãn của tứ Thánh giả, bạn đều có thể đạt được hết.
Vậy thì, theo như Chân Phật Mật Pháp của chúng ta thì có thứ tự để tu hành. Bạn có thể có được chân lý vĩnh hằng, có thể có được sức mạnh của trí huệ, có thể giải thoát khỏi phiền não, có thể vượt lên trên đau khổ, đến cuối cùng có thể tự chủ sinh tử. Điều này so với tiên nhân ở trên trời thì còn siêu việt hơn. Vì vậy tôi cho rằng đây là điều có giá trị và ý nghĩa nhất của cuộc đời. Bản thân tôi nhận định như vậy, bản thân tôi cũng có thể cảm nhận được loại hỷ lạc đó, sự hỷ lạc đó là tồn tại vĩnh hằng.
Hôm nay nói với mọi người đến đây thôi.
24/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
031. Vì sao cần tu pháp? (2)
Cũng có người hỏi tôi, ngài tu đại thành tựu cầu vồng, giảng về sự tăng trưởng của trí huệ, vượt lên trên phiền não, đau khổ, có được tất cả phúc phần, có phải chỉ có lý luận không? Chỉ là ở mặt lý luận, hay là ngài thực sự chứng được, ngài chứng minh được những điều này?
Hôm nay tôi thậc sự phải nói với mọi người, đây là một thực chứng. Cũng tức là về mặt thực tế, bạn có thể chứng minh được, có thể chứng đắc được.
Trong Phật giáo có Tứ thiền, bạn có thể đi chứng minh. Thứ nhất, khi bạn tu pháp đi vào Sơ thiền, bạn sẽ có được niềm hỷ lạc, hỷ lạc cũng có nghĩa là sự hoan hỷ, niềm hỷ lạc mãi mãi. Khi bạn bước vào Nhị thiền, bạn sẽ đạt được minh tịnh. Minh tịnh nghĩa là sao? Là quang minh và thanh tịnh. Đây là cảnh giới của Nhị thiền, là đặc tính của Nhị thiền. Khi bạn đạt đến Tam thiền, khi bước vào cảnh giới của Tam thiền, bạn sẽ đạt được tịch định, tịch là rất tịch diệt, định là an định. Khi bạn đi vào Tứ thiền, trong Tứ thiền có một đặc tính chính là bình đẳng, mọi thứ đều rất bình đẳng. Đây là đặc tính của Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền trong Phật giáo.
Riêng nói về sự hỷ lạc thôi, bạn ở trong tĩnh tọa, trong lúc ngồi thiền, khi khí của bạn vận chuyển khắp toàn thân, khi khí được nâng lên đi qua kinh mạch một cách nhẹ nhàng, cho dù bạn thông kinh mạch, khi khí ở toàn thân di chuyển vào kinh mạch, bạn sẽ sản sinh ra một niềm khoái lạc vô thượng. Trong Phật học thường được gọi là "khinh an”, bạn sẽ có pháp hỷ, có khinh an.
Tôi thường xuyên hỏi rất nhiều người về pháp hỷ và khinh an. Anh nói anh có pháp hỷ, có khinh an. Là gì? Anh làm sao đạt được? Anh ta nói “không biết nữa”. Họ đều không biết, không cách nào giải thích, không cách nào diễn đạt, chỉ cảm thấy rất khoái lạc. Ở trong Mật giáo, trạng thái gọi là khinh an chính là khí của bạn đi vào trung mạch, ở bên trong trung mạch sản sinh ra một hiện tượng dễ chịu của ma sát, đây chính là cảm giác hỷ lạc. Niềm hỷ lạc này là vô cùng sung sướng. Sự sung sướng này phàm phu bình thường không thể nào có được.
Loại khoái lạc mà phàm phu không có được thực sự là đại hỷ lạc, bạn có thể tìm thấy ở trên người của hành giả, có thể thấy ở hành giả tu pháp đại thành tựu cầu vồng. Bạn tu Chân Phật Tông, Chân Phật Mật Pháp là có thể đạt được loại đại hỷ lạc sung mãn. Cơ thể của chính mình có thể cảm nhận được, đây chính là khinh an đích thực, là pháp hỷ đích thực.
Tôi có thể chứng minh, bởi vì tôi đã đi qua Sơ thiền rồi. Hôm nay bạn muốn có được hỷ lạc thì phải đi qua con đường của chúng tôi. Còn minh tịnh, quang minh thanh tịnh thì sao? Tương lai tôi sẽ giảng về tu pháp. Đi vào Nhị thiền, khi từ minh điểm chuyển thành chuyết hỏa, bạn sẽ đạt được quang minh, thân thể bạn sẽ ngập tràn ánh sáng. Bạn sẽ cảm nhận được toàn bộ ô uế đi ra khỏi người bạn, toàn bộ nghiệp chướng ra khỏi người bạn, bạn trở nên vô cùng thanh tịnh.
Đây là quang minh và thanh tịnh, đi vào cảnh giới Nhị thiền, bạn có thân tâm quang minh thanh tịnh. Thân thể và tâm của bạn đều là quang minh thanh tịnh. Cái này đều là ở trên trời mới có. Bạn không thể tìm thấy ở thế giới Ta Bà. Ở thế giới Ta Bà bạn tu hành nhập vào Nhị thiền, bạn không khác nào nhập vào thiên giới. Quang minh và thanh tịnh hiển hiện ra ở trên người của bạn. Cơ thể của bạn phóng ánh sáng giống như thân lưu ly, mọi hành vi của bạn đều là thanh tịnh. Đây là cảm giác thật sự khi đi vào Nhị thiền, thật sự cảm nhận được thân tâm của mình đều là quang minh thanh tịnh. Đây chính là tiên nhân ở trên trời.
Tiếp theo là tịch định. Bạn đi vào cảnh giới bất động. Có thể thực sự định được tại một chỗ, hơn nữa còn có thể dung hợp với hư không. Bạn thể hội được hư không, bạn sẽ thể hội được chân lý “không” của vũ trụ. Người có tịch định, anh ta sẽ có tâm bất động. Bất cứ một trí huệ nào của anh ta trong tịch định đều tăng trưởng, rất nhanh chóng. Vốn dĩ là một loại siêu việt mà. Phiền não sẽ không đi vào cơ thể, thân tâm của bạn. Bạn đã đi vào cảnh giới bất động rồi. Tịch định, tịch diệt để có thể định tâm, nhất tâm bất loạn, lúc này bạn đã đắc đạo rồi, đây là sự tiến nhập cảnh giới của Tam thiền.
Mọi người suy nghĩ một chút xem, Sơ thiền là niềm hỷ lạc, Nhị thiền là minh tịnh, Tam thiền là tịch định, bạn có thể đạt được hết những cảnh giới này, như vậy đã là vượt lên trên phàm phu rồi, đã vượt qua một số người thế tục rồi. Có phải không? Ví dụ bạn trêu ghẹo phàm phu tục tử, anh ta liền nổi giận ngay. Nếu bạn là người có thể tịch định thì bạn như như bất động.
Tiếp theo, đi vào Tứ thiền thì là bình đẳng, trí huệ tăng trưởng. Đến cảnh giới của Tứ thiền, bạn nhìn chúng sinh trong thiên hạ, bạn sẽ cười phá lên. Tại sao vậy? Thì ra tất cả đều là bình đẳng. Bên trong cảnh giới này, không có ái hận tình thù gì cả, đều biến mất hết, đều bình đẳng. Hận, thật ra tại sao phải hận? Bởi vì không bình đẳng mà, nên bạn sinh ra hận. Bạn ở trong một tâm cảnh bình đẳng, siêu việt rồi thì bạn đâu còn có phiền não chứ?
Trong cảnh giới bình đẳng là không có phiền não, thực sự là vượt lên trên phiền não. Chúng sinh nhất loạt bình đẳng, tất cả người, việc, vật chất, tất cả đều bình đẳng hết. Đây chính là một loại tâm cảnh rất đặc biệt, là một loại siêu việt. Vì vậy bạn đi vào Tứ thiền rồi, bạn sẽ biết được bình đẳng. Chúng sinh đều có Phật tính. Cái gọi là ái hận tình thù chỉ là bong bóng huyễn ảnh nhất thời mà thôi. Ở bên trong cảnh giới bình đẳng, bạn siêu việt mọi loại phiền não. Thật sự bạn sẽ sinh ra tâm cảnh này, huệ lực tăng trưởng, sức mạnh trí huệ của bạn tăng trưởng rất nhanh. Phải nói là bạn giống như đang đứng trong hư không nhìn chúng sinh vậy đó. Cảnh giới của Tứ thiền, bạn đều có thể đạt được.
Hồng quang đại thành tựu là một pháp rất vĩ đại, ở trong Mật giáo mà nói, thực sự là một loại siêu việt. Tương lai sẽ còn nói đến siêu việt bốn cảnh giới này để đến cảnh giới cao hơn, đều sẽ có.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
24/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
032. Vì sao Phật Đà muốn xuất gia?
Mấy hôm trước, chúng ta có nói đến vì sao Phật Thích Ca Mâu Ni lại xuất gia? Hôm nay chúng ta sẽ bổ sung thêm một chút. Cá nhân tôi nghiên cứu như thế này, tôi cho rằng Phật Thích Ca Mâu Ni sở dĩ xuất gia là vì liên quan đến một triết học của phương Tây thời xưa, chính là chủ nghĩa tồn tại. Chủ nghĩa tồn tại này và việc Phật Đà xuất gia là có liên quan.
Chủ nghĩa tồn tại là do Descartes và Frank, mấy vị triết gia này đề xuất ra. Đây là một hiện tượng tâm lý. Phật Thích Ca Mâu Ni bản thân là vương tử, tương lai phải kế thừa vương vị, đương nhiên Ngài có rất nhiều tiền của. Hôn nhân của Ngài cũng vô cùng mỹ mãn, có người vợ rất xinh đẹp, có con trai. Vậy tại sao Ngài muốn xuất gia?
Điều này liên quan đến một vấn đề gọi là chủ nghĩa tồn tại, nói về cảm giác trống rỗng trong sự tồn tại, cái này là vô hình. Có nghĩa là khi bạn có danh, cũng có lợi, khi mọi thứ của bạn đều rất viên mãn, bạn sẽ cảm thấy bên trong sự tồn tại của bạn có một hiện tượng trống rỗng. Sự trống rỗng này khiến bản thân người đó cứ chìm vào mãi, rơi mãi vào trong một vực thẳm rất sâu, không có cách nào đi ra khỏi vực thẳm đó, ở trong cái hố sâu thẳm đó, cái này gọi là tồn tại trống rỗng.
Có rất nhiều người, danh cũng có rồi, lợi cũng có rồi, khi mọi thứ đều viên mãn thì anh ta lại đi vào con đường tự sát. Ví dụ một số văn học gia đạt giải thưởng Nobel như Hemingway, Kawabata Yasunari, thậm chí là Tam Mao của Đài Loan chúng ta, tại sao họ phải tự sát? Bởi vì khi tất cả mọi thứ của họ đều viên mãn rồi, áp lực gì cũng không có nữa, ngược lại họ lại cảm thấy vô cùng trống rỗng, đây chính là tồn tại trống rỗng.
Trong giai đoạn này, có một điều rất quan trọng, có nghĩa là giả sử bạn có thể dùng sức mạnh của tôn giáo để làm giá trị tồn tại của bạn thăng hoa, nâng cao sự thăng hoa của tâm hồn trong con người bạn, thì bạn sẽ được cứu. Nếu không, sự trống rỗng này giống như một con vật khổng lồ nuốt chửng người đó.
Đây là một dạng tâm lý học, giữa sự sống và cái chết sẽ sản sinh ra một hiện tượng của tồn tại trống rỗng. Về phương diện giải cứu tâm linh là dùng sức mạnh của tôn giáo để giải cứu họ. Trong Mật giáo chúng ta mà nói chính là dùng sức mạnh của tu pháp để làm thăng hoa tâm linh của họ, sau đó bước vào thiên thượng giới.
Mọi thứ của Phật Thích Ca Mâu Ni đều viên mãn, vậy tại sao Ngài muốn xuất gia? Chính là có một vấn đề tồn tại trống rỗng, điều này mọi người cần phải hiểu. Người Trung Quốc chúng ta hay nói một câu là “cao xứ bất thắng hàn” [cô đơn ở trên cao]. Khi bạn đã lên đến tuyệt đỉnh rồi, không thể lên tiếp được nữa, bạn sẽ có một cảm giác thất vọng. Khi tồn tại trống rỗng lớn hơn cả giá trị tồn tại của bạn, lúc này tất cả tinh thần của bạn đều rơi rụng hết. Lúc này, phương pháp tốt nhất vẫn là dùng sức mạnh của tôn giáo để nâng cao tâm linh của bạn.
Chúng tôi ở Hồng Kông gặp được một người, cậu ấy còn rất trẻ, cậu ấy cũng kiếm được rất nhiều tiền. Mỗi ngày cậu ấy đều ra ngoài, đi mua món đồ đắt tiền nhất, sau khi mua xong, cậu ấy cũng tự cảm nhận được là mình không vui. Cho dù là bỏ ra rất nhiều tiền để mua về rất nhiều món đồ, bản thân cậu ấy cũng cảm thấy không vui. Thật ra đây là một vướng mắc về mặt tinh thần, cậu ấy đã bị mắc phải một căn bệnh hiện đại, chính là tồn tại trống rỗng. Vì vậy lúc này phải nâng cao giá trị tồn tại của cậu ấy. Khi bạn không tìm được giá trị của mình, bạn sẽ biến thành một loại trống rỗng, tâm hồn sẽ rơi xuống vực thẳm, không thể vùng vẫy để bò lên nữa.
Chủ nghĩa tồn tại là một hiện tượng thuộc về tâm lý. Các bác sĩ tâm lý hiện đại cũng phải nghiên cứu về phương diện này. Giống như một nhà văn của Nhật Bản năm xưa, tên là Kuriyagawa Hakuson, ông có một câu nói: “Văn học là tượng trưng của sự buồn khổ.” Văn học là tượng trưng của sự buồn khổ.
Tại sao bạn lại có sức mạnh để viết văn chương? Người viết văn chương chủ yếu vì bản thân cảm thấy rất khổ, rất buồn, bạn đang trút bỏ nỗi buồn khổ của mình, cho nên bạn tiếp tục bước đi trên văn học, rồi phát triển nó. Đây là một hình thức lấp đầy, bạn không viết không được, vì bạn đang tiếp tục ở trong buồn khổ, bạn cần phải trút bỏ buồn khổ ra ngoài. Khi bạn đạt đến đỉnh điểm, bạn sẽ biến thành một loại hiện tượng trống rỗng.
Vì vậy vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni, có rất nhiều vương tử theo Ngài xuất gia, tôi nghĩ chắc đều là bị ảnh hưởng bởi tồn tại trống rỗng, có liên quan đôi chút đến chủ nghĩa tồn tại. Họ đều là vương tử. Vào thời của Đức Phật, Ngài đã độ cho tám vị vương tử cùng nhau xuất gia, họ đều rất viên mãn, đều là vương tử tương lai phải kế thừa ngai vàng, tại sao phải xuất gia? Có danh có lợi, có gia đình viên mãn, đều là vì liên quan đến tồn tại trống rỗng, vì vậy họ theo đuổi một loại giá trị tồn tại, sau đó lợi dụng giá trị này để làm thăng hoa tâm linh của mình, như vậy đời người mới có ý nghĩa.
Hôm nay có rất nhiều đệ tử xuất gia, tôi nghĩ chắc là họ muốn theo đuổi giá trị tồn tại, có giá trị tồn tại rồi, tâm linh mới có thể thăng hoa.
Nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
25/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
033. Nói về cõi Tứ thiền
Chúng ta đã từng nói đến cõi Tứ thiền, và cũng có đệ tử hỏi, tại sao lại không nói về cõi Dục giới? Ở đây có sự khác biệt. Bởi vì cõi Tứ thiền, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền đều phải dựa vào thiền định để tu, sau đó mới dần dần, bạn ở trong số các cõi trời, mỗi một tầng cấp, từ tầng trời nào đi vào tầng trời nào, là như vậy. Cõi Tứ thiền đều phải dựa vào thiền định.
Còn cõi Dục giới không cần dùng thiền định cũng có thể đến cõi Dục giới. Dựa theo nghiên cứu Phật học của chúng ta, bạn chỉ cần giữ năm giới, làm mười điều thiện là bạn có thể đến cõi trời Dục giới rồi, vì vậy sáu tầng trời Dục giới bạn chỉ cần giữ năm giới, làm mười điều thiện là bạn có thể đến đó. Còn tầng trời của thiền, bạn cần phải thiền định thì bạn mới đến được.
Ngoài ra còn có điều này tôi chưa nói, Vô sắc giới có bốn tầng trời, Lư Sư Tôn cũng chưa giảng đến. Đúng là như vậy, vì cái này cũng cần dựa vào thiền định. Khi bạn ở trong 18 tầng trời Sắc giới đi vào cõi Vô sắc giới, bạn chỉ còn lại một cái thức, chính là thức của duy thức. Cái gì cũng không còn nữa, thân thể cũng không còn nữa, tâm cũng không còn nữa, chỉ còn lại một cái thức, sau đó mới có thể đi vào Vô sắc giới. Ở đó cũng không có dục vọng, cũng không có sắc giới, cho nên mới gọi là Vô sắc giới. Đó là thiền định sâu nhất, rất sâu, rất sâu. Đến tầng trời cao nhất chính là tầng trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Cho nên ba cõi giới được phân biệt như vậy. Có dục vọng thì là cõi Dục giới, không khác thế giới con người là mấy. Ở trong cõi Dục giới vẫn có kết hôn, có ăn uống, có dục lạc giữa nam nữ. Cõi Sắc giới thì vẫn còn có hình tướng vô cùng trang nghiêm. Đến cõi Vô sắc giới thì những cái đó đều không còn nữa, chỉ còn lại thức.
Tại sao tôi không giảng về cõi Dục giới? Bởi vì bạn chỉ cần giữ năm giới, làm mười điều thiện là có thể đến cõi Dục giới. Dục giới tổng cộng có sáu tầng trời. Con người hiện đại, rất nhiều người đã có thành tựu về danh lợi, cũng có rất nhiều tiền, họ thích làm việc thiện, đây cũng là một sức mạnh rất lớn, đây là bố thí mà. Trong Phật giáo cũng có nhắc đến bố thí trong lục độ, bố thí này cũng vậy, bạn cũng có thể lên được cõi Dục giới.
Ngày nay bố thí cũng rất phổ biến. Mọi người đều rất thích bố thí, làm một chút công đức, đây đều là chuyện tốt. Nhưng mà ở đây cũng có vấn đề của chủ nghĩa tồn tại, vì khi họ có tiền rồi, danh vọng của họ cũng rất lớn, họ cũng cảm thấy tâm linh rất trống rỗng, phải làm sao đây? Vậy được rồi, lúc này đột nhiên có người đến kêu gọi: “Này, hành thiện bố thí, phải làm công đức.” Anh ta nghĩ: “Ờ, cái này hay đó.” Điều này có thể nâng cao tâm linh. Bởi vì hành thiện là vui nhất, làm việc thiện là điều vui vẻ nhất. Lúc này bạn không vui vẻ thì lấy cái gì để bổ khuyết đây? Lấy hành thiện, bố thí để tăng cường niềm vui cho bạn, việc bổ khuyết lúc này là rất tốt, là làm việc thiện, là bố thí.
Khi bạn làm việc thiện, bạn sẽ tìm được một niềm vui, dùng niềm vui này để bổ sung sự trống rỗng về tâm linh của bạn. Bố thí vừa hay có thể bổ sung sự trống rỗng tâm linh của bạn. Vì vậy con người hiện đại rất thích hành thiện bố thí. Điều này là rất tốt để nâng cao tâm linh của bản thân mình, vô cùng phù hợp với giữ năm giới và làm mười điều thiện trong Phật giáo, rất phù hợp. Nhưng loại công lực này của bạn, có thể nói là công lực bạn hành thiện, bố thí chỉ có thể đến được cõi Dục giới, vẫn chưa có thành tựu của thiền định.
Bạn bắt đầu từ Sơ thiền, khi thiền định có thành tựu, hoàn toàn là một loại ánh sáng. Chỉ có định mới có thể sản sinh ánh sáng. Không có định, bạn chỉ là có được một loại công đức. Vì vậy thiền định nhất định phải dựa vào sức mạnh trí huệ và định lực của bạn mới sinh ra được ánh sáng.
Vậy làm sao để phân biệt được bản thân bạn đã từ Sơ thiền đi vào Nhị thiền, Nhị thiền đi vào Tam thiền, Tam thiền đi vào Tứ thiền đây? Bởi vì có thể nói trong 18 cõi trời, mỗi cõi mỗi đặc tính. Tôi có nói rồi, khi nhập vào Sơ thiền, bạn ngập tràn niềm hỷ lạc. Khi vào Nhị thiền thì là quang minh thanh tịnh. Tam thiền là tịch diệt và định lực, tịch diệt rồi là định lực được sinh ra. Khi vào Tứ thiền, mọi thứ đều là cảnh giới bình đẳng. Lúc này Tứ thiền đã sinh ra bình đẳng tính trí. Bình đẳng tính trí là một trong năm đại trí huệ của Phật, trí huệ này ở trong Tứ thiền là đã được sinh ra rồi.
Bạn muốn phân biệt người nào đã tu đến cảnh giới nào thì nhìn ánh sáng trên người họ là biết. Khi bạn tu hành có định lực rồi, bạn có thể nhìn thấy ánh sáng trên người mình, nhưng ánh sáng trên người bạn vẫn giống như kim cương giả thôi, không sáng lấp lánh. Độ sáng ở đây cũng giống như giám định kim cương, công lực cao bao nhiêu thì độ sáng mạnh bấy nhiêu. Người thực sự có thể thiền định sâu xa, đạt đến cảnh giới bình đẳng thì ánh sáng đó sẽ vô cùng chói lọi, vô cùng đỉnh cao, loại ánh sáng đó sẽ được sản sinh ra.
Khi mới bắt đầu, bạn có chút ít định lực, bạn nhìn thấy tâm quang của mình, bạn thử nhìn vào ánh sáng trong tâm mình, dường như vẫn còn có một chút rối loạn, chỉ là một loại ánh sáng trắng sữa mà thôi chứ không phát ra độ sáng rất mãnh liệt. Chúng ta dựa vào độ sáng mà người kia phát ra để xác định tầng thiền của họ đã đến tầng thiền bao nhiêu.
Trên người chúng ta đều có độ sáng, có một số người tư tưởng hỗn loạn, ngày ngày đều nghĩ đến ân oán hận thù, người khác đang hại mình ra sao. Anh ta không những không có ánh sáng mà còn là một vũng nước đục. Thật đó, bên trong não anh ta vốn dĩ là vũng nước đục hỗn loạn, mỗi ngày đều nghĩ những chuyện rối loạn, quang khí của anh ta rối tung rối bời, lung tung lộn xộn, thực sự là hỗn tạp linh tinh. Thật vậy, thực sự là một vũng nước đục. Nếu bạn thực sự có thể sản sinh định lực, trên người chắc chắn có ánh sáng. Hơn nữa định lực của bạn càng sâu thì độ sáng càng mạnh, càng chói lọi. Có thể dùng độ sáng để phân biệt tầng thiền mà bạn đạt được.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum.
25/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
034. Ý nghĩa của trì chú
Tôi sẽ giảng với mọi người về trì chú. Mật giáo dùng trì chú, quán tưởng và thủ ấn để làm nguyên liệu tu hành. Trì chú còn gọi là trì minh. Trì minh có nghĩa là trì quang minh, càng trì thì nó càng sáng. Vậy tại sao gọi là chú? Chúng ta biết rằng chú này gọi là “ngữ bí mật”, ngôn ngữ bí mật, là âm thanh bí mật được phát ra từ bản thân Phật, Bồ tát sau khi tu hành rất lâu, gọi là ngữ bí mật.
Dựa vào những gì mà Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói, trong 49 năm thuyết pháp, ngài thường xuyên nhắc đến, chỉ cần bạn trì một kinh, một kệ, hoặc một câu nói, một bộ kinh, một mẩu một chữ, thì đều có công đức.
Vì vậy giới Phật giáo hiện nay, chủ trương pháp môn niệm Phật, pháp môn niệm Phật cũng là một chủ trương của Tịnh Độ tông. Cũng có pháp môn trì chú, pháp môn trì chú chính là pháp môn mà Mật giáo sử dụng. Ngoài ra còn có pháp môn trì tên kinh, chỉ niệm tên của một bộ kinh, ví dụ niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Nhật Liên tông chủ trương niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Tịnh Độ tông chủ trương niệm Phật, niệm Nam mô A Di Đà Phật. Mật giáo chủ trương niệm chú.
Giữa những cái này không thể nói là cái nào tốt, cái nào không tốt, bởi vì Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rồi, một kinh, một kệ, một mẩu, một chữ đều là công đức. Phật Thích Ca Mâu Ni tùy thuận khéo léo độ chúng sinh. Ngài nói bất kể bạn ra sao, nếu bạn dựa theo Phật pháp mà làm, bạn làm rất thành tâm thì đều là công đức.
Theo “Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận”, tổ sư Tsongkhapa có nói, pháp môn niệm Phật là niệm ngoại tướng của Phật, cũng tức là hình của Ngài, hình của Phật. Giống như chúng ta niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, chúng ta biết đây là danh hiệu của Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc, niệm một danh xưng bên ngoài của Ngài. Vì vậy Tsongkhapa nói là niệm ngoại tướng, sắc tướng bên ngoài của Ngài.
Vậy niệm chú thì sao? Theo như tổ sư Tsongkhapa nói thì chính là niệm tâm của Phật. Vì là ngữ bí mật, là tâm chú, là âm thanh tuôn chảy ra từ bên trong tâm, cho nên niệm chú là niệm tâm của Phật. Cho nên, niệm Phật là niệm danh, sắc bên ngoài. Niệm chú là trực tiếp niệm vào tâm của Như Lai. Tổ sư Tsongkhapa nói như vậy.
Hiện nay Nhật Liên tông cũng chủ trương niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, niệm tên kinh cũng vẫn có công đức, nhưng niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” là niệm pháp, chính là niệm pháp do Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại. Một kinh một câu đều là có công đức, đây là Đức Phật nói.
Vậy đương nhiên là sau khi bạn niệm thuần thục rồi, bạn niệm ra được sức mạnh của Phật thì vẫn có pháp lực. Niệm Phật sẽ sinh ra Phật lực, niệm pháp sẽ sinh ra pháp lực, niệm chú cũng sinh ra chú lực. Những cái này đều có công đức, vì vậy chúng ta không thể nói chúng ta niệm chú, người niệm chú phê bình người niệm Phật, người niệm Phật phê bình người niệm tên kinh, người niệm tên kinh thì phê bình người niệm chú, điều này là không được. Đều có công đức như nhau.
Trong Mật giáo mà nói, trì chú được liệt vào trong Gia hành. Tứ gia hành của chúng ta là: đại lễ bái, đại cúng dường, tứ quy y, Kim Cang Tâm. Khi bạn muốn tu pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát, bạn phải trì chú, phải trì đủ 100.000 biến. Phải trì chú gì ư? Bất cứ chú gì đều có thể trì. Bất cứ một loại chú nào cũng đều rất tốt, nhưng trong số các chú ngữ có vài bài chú là bạn cần phải trì tụng, ví dụ chú Kim Cang Tâm chính là Bách tự minh chú.
Bách tự minh chú bạn phải trì đủ 100.000 biến. Tâm chú của Căn bản Thượng sư, bạn phải trì đủ 100.000 biến. Bạn dựa vào Bổn tôn nào để tu hành thì bạn cũng phải trì đủ 100.000 biến chú của Bổn tôn. Quyến thuộc bên cạnh Bổn tôn, bạn cũng phải trì đủ 100.000 biến. Ví dụ Bổn tôn của bạn là Phật A Di Đà, vậy tâm chú của Quan Thế Âm Bồ Tát, vì Quan Thế Âm Bồ Tát là quyến thuộc của Phật A Di Đà, bạn cũng phải trì đủ 100.000 biến. Tâm chú của Đại Thế Chí Bồ Tát cũng phải trì đủ 100.000 biến, quyến thuộc có quan hệ với Phật A Di Đà đều phải trì đủ 100.000 biến. Trong phái Hồng giáo của Mật giáo, tức Nyingma của Tạng mật, tâm chú của Liên Hoa Sinh Đại Sĩ - tổ sư của phái Nyingma, bạn phải trì đủ 100.000 biến. Liên quan đến Liên Hoa Sinh Đại Sĩ, tâm chú của Lục Độ Mẫu cũng phải trì đủ 100.000 biến.
Ở đây đều lấy 100.000 làm nền tảng, cũng có người trì đủ 500.000 biến, trì đủ 1 triệu biến, càng nhiều càng tốt. Trì chú vốn dĩ là giống như niệm Phật. Niệm Phật là niệm ngoại tướng của Phật, niệm sắc thân của Phật. Pháp môn niệm Phật cũng như vậy, niệm Phật càng nhiều càng tốt. Niệm chú cũng giống như vậy, phải càng nhiều càng tốt. Trì đủ 1 triệu biến, 10 triệu biến, cái đó là tùy bạn, bạn có thể trì càng nhiều càng tốt. Trì đến cuối cùng sẽ trở nên rất có sức mạnh, điều này sẽ sinh ra một loại chú lực.
Tôi cảm thấy điểm tốt của trì chú là nó có thể trực tiếp đi vào tâm của Như Lai, bởi vì chú vốn dĩ là ngữ bí mật của Như Lai, là âm thanh tuôn chảy ra từ tâm của Như Lai, nếu bạn niệm chú tức là bạn làm xúc động đến tâm Như Lai, vì vậy có thể triệu thỉnh Như Lai giáng xuống.
Người niệm Phật nói bạn niệm tên của Phật cũng giống như là đang kêu gọi Phật vậy đó. Bạn trì chú trực tiếp đi vào tâm của Như Lai, điều này càng trực tiếp đi vào bên trong tâm của Như Lai hơn. Vì vậy nếu như bạn có thể niệm chú thật tốt, tự nhiên tất cả chư thiên đều cảm ứng được, toàn bộ đều cảm động, đều cảm ứng. Phật, Bồ tát, Kim cang, Hộ pháp, tất cả đều cảm ứng được. Ý nghĩa chủ yếu của việc trì chú là nằm ở đây. Nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
26/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
035. Phương pháp trì chú
Tiếp theo nói về phương pháp trì chú. Nói chung, người hiện đại chúng ta muốn tu một đàn pháp, thời gian đều rất ít. Bạn vừa mới bước vào cánh cửa của Mật giáo mà bảo bạn phải lập tức học cách tu một đàn pháp, hoặc là mỗi ngày đều tu mấy đàn pháp là điều rất khó khăn. Vì vậy tất cả thượng sư phần lớn đều là dạy mọi người trước tiên phải niệm chú, làm Tứ gia hành trước, niệm đủ 100.000 biến chú ngữ thì là một gia hành trong số đó.
Con người thời nay tu hành rất khó khăn, thời gian cũng rất ít, nên mới dạy bạn là trước tiên niệm 100.000 biến Thượng sư tâm chú, niệm 100.000 biến Bách tự minh chú trước, niệm 100.000 biến chú Bổn tôn trước, đều dạy bạn như vậy hết.
Niệm chú cũng có phương pháp của niệm chú, chúng ta niệm chú có rất nhiều kiểu, lấy đơn cử có cách niệm phát ra âm thanh, gọi là âm thanh niệm chú. Giống như tôi đang niệm “Ôm a-mi đê-wa sê” là tâm chú của Phật A Di Đà, đây là niệm ra thành tiếng. “Ôm ma-ni pê-mi hùm”, đây là niệm tâm chú của Quan Thế Âm Bồ Tát, khi niệm phát ra âm thanh thì là âm thanh niệm chú, thông thường đều là niệm âm thanh niệm chú.
Tiến sâu hơn là kim cang niệm chú, kim cang niệm chú là ngậm miệng lại, để đầu lưỡi động đậy ở bên trong, chỉ có lưỡi động đậy còn miệng thì ngậm lại, đây là kim cang niệm chú.
Sâu hơn một chút là tam ma địa niệm chú. Thế nào là tam ma địa niệm chú? Lưỡi cũng không động đậy nữa, miệng cũng không động đậy nữa, chỉ có bên trong tâm phát ra âm thanh thôi, bên trong tâm bạn cũng có thể phát ra âm thanh đó. Bạn nhắm mắt lại, thật ra bạn cũng không nhất định phải nhắm mắt, tóm lại bạn ngậm miệng lại, lưỡi không động đậy, nhưng bạn có một loại âm thanh phát ra từ trong tâm, cũng tức là phương pháp trì chú tam ma địa.
Ngoài ra, loại thứ tư, loại thâm sâu hơn, là chân thực niệm tụng. Phương pháp của chân thực niệm tụng là như thế này, bạn quán tưởng chú tự đều hiện ra trong hư không, những chú tự đều tưởng tượng ra hết, hơn nữa bạn còn hiểu được ý nghĩa của chú tự, đây chính là chân thực niệm tụng. Thậm chí còn tập hợp lại thành một chú luân, câu chú biến thành bánh xe pháp đang xoay vòng, đây gọi là chân thực niệm tụng.
Vì vậy niệm tụng cũng có âm thanh niệm tụng, kim cang niệm tụng, tam ma địa niệm tụng và chân thực niệm tụng.
Giả sử như bạn đang ngồi trên máy bay, đương nhiên là không thể làm âm thanh niệm tụng rồi, bạn ngồi ở đó liên tục “Om mani padme hum… Om mani padme hum..”, những người xung quanh sẽ nhìn bạn, vì vậy tốt nhất bạn nên dùng kim cang niệm tụng. Kim cang niệm tụng tức là bạn ngậm miệng lại, động đậy lưỡi là được. Nếu bạn thực sự có thể nhập định, bạn có thể dùng chân thực niệm tụng, tức là quán ra từng chú tự một, hiểu rõ ý nghĩa của nó, quán tưởng toàn bộ ý nghĩa của chú tự một cách rõ ràng, thậm chí có màu sắc, quán tưởng luôn cả màu sắc, đây chính là chân thực niệm tụng. Niệm tụng có cách của niệm tụng.
Vậy ở trong Mật giáo của chúng ta, khi niệm chú là phải dùng chuỗi hạt, phải có chuỗi hạt. Trong pháp khí của Mật giáo chúng ta có ba loại pháp khí quan trọng, một cái là chày kim cang, một cái là chuông kim cang, một cái là chuỗi hạt. Chuỗi hạt được dùng khi tụng niệm. Chuỗi hạt có 108 hạt, cần dùng chuỗi hạt này.
Chuỗi hạt cũng có chia nhiều loại. Bạn muốn niệm Phật thì dùng hạt bồ đề. Muốn niệm chú của Bồ tát thì dùng hạt sen, chuỗi hạt làm bằng hạt của hoa sen thì tốt hơn. Bạn muốn niệm các vị phẫn nộ thuộc Kim Cang bộ thì dùng hạt kim cương. Bạn muốn dùng để làm pháp, bạn tu một đàn pháp thì dùng tạp bảo, thông thường ví dụ như hổ phách, chuỗi hạt hổ phách, ví dụ mã não, chuỗi hạt mã não, ví dụ ngọc, chuỗi hạt bằng ngọc, những cái đó đều gọi là tạp bảo, tức là dùng tạp bảo, dùng làm pháp trong Yết Ma bộ.
Chuỗi hạt cũng có phân biệt. Chuỗi hạt bồ đề là tổng nhiếp tất cả, bạn niệm bất cứ loại nào cũng có thể dùng hạt bồ đề. Có thể nói là rất nhiều bộ như là: Kim Cang bộ, Liên Hoa bộ, Phật bộ, Yết Ma bộ, tổng nhiếp bốn bộ pháp, bạn đều có thể dùng hạt bồ đề. Những chuỗi hạt khác thì bạn phải phân biệt: Phật bộ là dùng hạt bồ đề, Liên Hoa bộ là dùng hạt sen, Kim Cang bộ là dùng hạt kim cương, Yết Ma bộ là dùng tạp bảo, bạn phải phân biệt ra như vậy.
Tại sao phải phân ra như vậy? Vì để có được tương ứng. Hạt kim cương rất gần gũi với Kim Cang bộ, hạt sen gần gũi với Liên Hoa bộ, hạt bồ đề rất gần gũi với Phật bộ. Yoga Mật giáo nghĩa là phải có được tương ứng. Bạn càng gần gũi thì càng dễ dàng tương ứng, chính là đạo lý này.
Tay của bạn lần chuỗi hạt cũng cần phải có quán tưởng, không phải lần tùy tiện đâu. Khi niệm chú, bạn vừa lấy chuỗi hạt ra, bạn lập tức quán tưởng, tay phải của bạn cầm chày kim cang, tay trái cầm chuông kim cang, toàn bộ chuỗi hạt phát ra ánh sáng trắng, chính là ánh sáng của Kim Cang Tát Đỏa. Trong 108 hạt có bốn hạt giới, bốn hạt giới này bay ra ngoài biến thành Tứ Đại Thiên Vương ở bên cạnh canh giữ cho bạn niệm chú. Hạt Phật đầu biến thành tay Phật. Vừa cầm chuỗi hạt lên là bạn phải quán tưởng ngay, không phải tùy tiện cầm lên là niệm đâu. Lập tức quán tưởng chày kim cang, chuông kim cang, Tứ Đại Thiên Vương bay ra, chính giữa có ánh sáng của Kim Cang Tát Đỏa biến thành một chuỗi, sau đó quán tưởng tay Phật, như vậy bạn mới bắt đầu niệm chú.
Vì vậy trong Mật pháp có ba nguyên liệu quan trọng: chú, quán tưởng và thủ ấn. Bạn cầm lên như vậy tức là thủ ấn rồi, tuy động tác này không là gì cả, nhưng đây là thủ ấn lần chuỗi hạt mà bạn kết trước khi bạn muốn niệm chú, chính là như vậy.
Làm sao để tu Mật giáo? Chính là dùng ba nguyên liệu này để tu, chính là chú, thủ ấn và quán tưởng. Trong mỗi một bộ pháp đều có thủ ấn, đều có chú, và quán tưởng. Đây chính là Mật giáo.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum.
26/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
036. Pháp khí của Mật giáo
Hôm nay tôi sẽ tiếp tục giới thiệu với mọi người về pháp khí của Mật giáo. Lần trước chúng ta đã giới thiệu về chuỗi hạt. Pháp khí quan trọng nhất của Mật giáo gồm có chày kim cang và chuông kim cang. Chày kim cang và chuông kim cang, hành giả của Mật giáo đều phải sử dụng đến.
Cái chày này có một chấu, cũng có loại ba chấu và năm chấu, đều có khác biệt. Chày kim cang này có thể nói là một loại binh khí của Ấn Độ thời cổ đại. Mật giáo lấy cái này dùng làm pháp khí, nó có tính tượng trưng, bản thân nó tượng trưng cho hàng phục ma chướng và hàng phục phiền não của chính mình. Bản chất của chày kim cang là rất kiên cố, rất chắc chắn, tượng trưng cho kim cang bất hoại, dùng loại kim cang bất hoại này để hàng phục ma chướng và hàng phục phiền não của chính mình. Chày này cũng đại diện lòng từ bi.
Chuông kim cang tượng trưng cho một loại trí huệ. Lắc chuông này thể hiện trí huệ lan truyền. Âm thanh của trí huệ cũng giống như tiếng chuông, lan truyền đi rất xa. Có thể thực sự hoằng dương Phật pháp. Nghe được tiếng chuông này sẽ cảm thấy vô cùng vui tai, cảm thấy là một cảm ứng vô cùng tốt lành, giống như là một sự quán đảnh của trí huệ, trí huệ đó đi vào bên trong cơ thể mình, chuông kim cang cũng như vậy.
Chúng ta thấy một số Hoạt Phật ở Tây Tạng, tay cầm chày kim cang, lắc chuông kim cang, phần lớn họ đều chỉ cầm và lắc lắc như thế này mà thôi. Cầm chày kim cang và lắc chuông kim cang là biểu thị Kim Cang Tát Đỏa. Mọi người nhìn Kim Cang Tát Đỏa, tay phải của Ngài luôn cầm chày kim cang, tay trái của Ngài luôn cầm chuông kim cang. Còn cách cầm đặt chéo nhau thì gọi là bi-trí song vận.
Thông thường mà nói, trong Mật giáo, mọi người thấy Hoạt Phật Tây Tạng tay cầm chày kim cang, lắc chuông kim cang chỉ có như vậy thôi, ít rất khi thay đổi. Nhưng Chân Phật Tông chúng ta thì khác, bởi vì bản thân tôi đã từng được Kim Cang Tát Đỏa đưa vào trong hư không để truyền thụ đại pháp lắc chuông kim cang và chày kim cang. Sau khi học được rồi thì tôi quay trở về, vì vậy cách lắc chuông kim cang và chày kim cang trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta không giống với mọi người, khác với một số Mật giáo. Cho nên cách lắc chuông kim cang và chày kim cang của Chân Phật Tông chúng ta là thù thắng nhất. Cách lắc chuông kim cang và chày kim cang của Chân Phật Tông là vô cùng khác biệt, và còn là thù thắng nhất.
Có rất nhiều cách lắc khác nhau. (Sư Tôn thị phạm một loạt động tác lắc chuông chày.) Bạn xem cách lắc chuông chày kim cang này không phải là để chơi đùa, trong đây có rất nhiều tượng trưng. Khi chày và chuông rung chuyển tượng trưng pháp lực lan tỏa, pháp lực bi-trí song vận đang phát huy pháp lực ra bên ngoài, rồi chảy xuống giống như nước, lắc như thế này thì giống như nước đang chảy xuống. Nghĩa là sao ư? Đó chính là nước có thể rửa sạch mọi nghiệp chướng, chính là tiêu tai. Cách lắc như lúc nãy chính là tiêu tai.
Còn chày và chuông tiếp xúc với nhau rồi xoay vòng là sao? Đây tượng trưng cho kính ái, hai cái này hợp lại với nhau, xoay vòng chính là kính ái. Vậy đưa lên thì nghĩa là gì? Chính là phẫn nộ, thủ ấn này gọi là phẫn nộ ấn, hai tay kết ấn phẫn nộ đại diện cho hàng phục, cái này chính là hàng phục. Ngoài ra, lắc trái phải, lắc trước lắc sau như vậy, đại diện cho tăng ích, gia tăng tất cả lợi ích. Khi hai tay bắt chéo chính là bi-trí song vận.
Vì vậy một hành giả Chân Phật Tông nhất định phải biết lắc chuông kim cang và chày kim cang. Lắc một cái thế này là hoằng dương Phật pháp ra bên ngoài, trí huệ vươn xa. Giơ chày kim cang lên, tất cả mọi thứ đều định. Chày kim cang này có cách cầm bằng ấn phẫn nộ để hàng phục. Cầm chày thế này là pháp của Kim Cang Tát Đỏa, cầm chày như thế này thì là Kim cang Yết Ma ấn, là pháp Yết Ma, pháp Yết Ma thì phải dùng Kim cang Yết Ma ấn.
Ứng dụng của chày kim cang và chuông kim cang, mỗi một hành giả của Chân Phật Tông đều phải dùng đến. Bản thân hai pháp khí này tượng trưng cho pháp lực. Bản thân mỗi một vị Kim cương Thượng sư chính là tượng trưng cho Kim Cang Tát Đỏa.
Hôm nay chỉ nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
29/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
037. Nói về thủ ấn
Tôi sẽ nói tiếp với mọi người về thủ ấn. Thủ ấn ở trong Mật giáo là rất quan trọng bởi vì nó đại diện cho bí mật của thân và sự thanh tịnh của thân - thân thanh tịnh. Đây là một trong ba nguyên liệu tu pháp của Mật giáo.
Thủ ấn có bí mật gì? Thủ ấn giống như là sự nhận diện của Phật, Bồ tát. Một sự nhận diện, một kí hiệu vô cùng quan trọng. Bạn kết thủ ấn của vị nào thì tượng trưng bạn chính là vị đó.
Năm đầu ngón tay của chúng ta đại diện đất, nước, lửa, gió, không. Vậy khi mở hai bàn tay ra thì là thập pháp giới, mười đầu ngón tay đại diện cho mười pháp giới, lại tượng trưng cho mười ba-la-mật. Bạn thấy đấy, một bàn tay có rất nhiều sự tượng trưng. Đất, nước, gió, lửa, không, mười pháp giới, mười ba-la-mật đều có ở trong đó.
Vì vậy mười đầu ngón tay là đại diện vũ trụ, vũ trụ chính là được cấu thành bởi đất, nước, lửa, gió, không mà. Vậy năm đầu ngón tay là đại diện cho vũ trụ, vì chính là đất, nước, lửa, gió, không mà. Mười pháp giới cũng là vũ trụ. Mười ba-la-mật là phương pháp đi đến bờ bên kia. Rất đơn giản, mọi người đã hiểu về thủ ấn rồi.
Thủ ấn chính là bí mật của thân Như Lai, có vô số, vô số ý nghĩa ở bên trong, vì vậy trong Mật giáo kết thủ ấn đại diện cho rất nhiều ý nghĩa, rất nhiều hàm nghĩa, cũng tượng trưng cho một vị nào đó. Khi kết ấn bạn chính là vị đó. Khi chuyển động thủ ấn là biểu thị pháp lực vẫn đang được tiến hành, chính là kí hiệu đại diện cho các vị. Các vị đang làm gì, Như Lai đang làm gì, Bồ tát đang làm gì. Đây là bí mật rất uyên thâm ở bên trong. Bạn tu hành tu đến lúc đạt pháp lực rồi, thủ ấn mà bạn kết sẽ vô cùng huyền diệu, đều có ý nghĩa của nó hết.
Vậy tôi sẽ kết vài thủ ấn đơn giản cho mọi người xem. Ngày thường khi chúng ta làm cúng dường, ngũ cúng chính là hoa, hoa nở rộ. Hương. Đèn, chính là cây nến. Trà, chính là nước. Quả, tức là các loại quả. Hoa, hương, đèn, trà, quả. Sau đó kết thủ ấn cúng dường, có nghĩa là bạn đã cúng dường rồi. Ở đây đều có rất nhiều ý nghĩa ở bên trong.
Ví dụ tám đại Bổn tôn của chúng ta đều có các thủ ấn khác nhau. Khi bạn kết thủ ấn đó rồi cầu nguyện, tượng trưng bản thân bạn dựa vào kí hiệu này, cộng với chú ngữ của bạn và ý niệm của bạn, trong trạng thái ba thứ hợp nhất với nhau, bạn mới tu pháp của Mật giáo.
Vì vậy thủ ấn là một trong ba nguyên liệu tu hành. Khi bạn kết thủ ấn phải triệu thỉnh Phật, Bồ tát. Chúng ta còn có ấn triệu thỉnh. Đây là cái móc, biểu thị dùng cái móc này để móc Bồ tát, móc có nghĩa là thỉnh Ngài đến, đây là cái móc, là móc kim cang, kim cang câu. Bình thường chúng ta thỉnh Phật, Bồ tát, thỉnh Phật đến thì kết thủ ấn Phật kham. Thỉnh Bồ tát đến là thủ ấn Liên hoa. Thỉnh Kim cang Hộ pháp đến là thủ ấn Kim cang. Thỉnh cầu các Ngài giáng xuống, các Ngài sẽ giáng xuống, sau khi giáng xuống, Phật, Bồ tát, Kim cang Hộ pháp đều phóng đại quang minh, đây là thủ ấn phóng đại quang minh.
Có rất nhiều thứ khác mà bạn cần làm, ví dụ có rất nhiều kết giới mà bạn phải làm nữa. Kết giới là gì ư? Chính là phòng hộ. Vậy khi phòng hộ thì bạn phải biết kết giới. Đây là thủ ấn cọc kim cang, mở thủ ấn cọc kim cang ra, bốn cái cọc kim cang đều ở xung quanh bạn. Buông võng kim cang xuống, dựng lên tường kim cang, thắp lửa lên làm ngọn lửa. Cọc kim cang, võng kim cang, tường kim cang, thắp lửa lên làm ngọn lửa. Bản thân làm kết giới có rất nhiều thủ ấn khác nhau, thủ ấn của các vị Bổn tôn cũng nhiều vô kể.
Thủ ấn của hành giả Chân Phật Tông chúng ta không giống với thủ ấn của một số pháp sư ở bên ngoài mà bản thân họ học được. Xin nói với mọi người, thủ ấn của Lư Sư Tôn là do ý thức vũ trụ trong hư không trực tiếp truyền dạy. Năm xưa khi tôi kết thủ ấn là Phật, Bồ tát giáng xuống trực tiếp dạy tôi.
Hai tay chắp lại với nhau, Ngài sẽ từ từ mở nó ra, di chuyển ra bên ngoài, sau đó hóa thành vô số thủ ấn rất mỹ miều. Vô số thủ ấn rất mỹ miều từ từ sinh ra. Sau khi hóa thành thủ ấn rồi, tôi ghi nhớ lại hết, rồi tự mình diễn biến, rồi thỉnh giáo Phật, Bồ tát, các thủ ấn này là dùng để làm gì. Sau đó tôi đem những thủ ấn này truyền lại cho đệ tử Chân Phật Tông. Đệ tử Chân Phật Tông có được thủ ấn này rồi cũng có nghĩa là có truyền thừa căn bản của ý thức vũ trụ trong hư không, không giống với các thủ ấn khác.
Vì vậy chuông kim cang, chày kim cang của Chân Phật Tông diễn hóa trong hư không, thủ ấn của Chân Phật Tông diễn hóa trong hư không, điều này rất phi phàm. Đích thực là ý thức vũ trụ giáng xuống dạy chúng ta, điều này là bất phàm, cũng có thể nói là không hề tầm thường.
Người hiểu về thủ ấn thì sẽ hiểu thủ ấn “tâm trong tâm”. Khi bạn không thỉnh được Phật, Bồ tát, bạn kết thủ ấn của Phật, Bồ tát, ví dụ kết ấn Chuẩn Đề, ok, kết xong ấn Chuẩn Đề. Ủa, thỉnh Chuẩn Đề Bồ Tát mà không thỉnh được Ngài đến thì phải làm sao? Thật ra là có điều huyền diệu, điều huyền diệu ở đây là gì ư? Chỉ cần trong ấn Chuẩn Đề Phật Mẫu, có một đầu ngón tay trong thủ ấn đó móc một cái, động đậy một cái, là sẽ làm xúc động được tâm của Chuẩn Đề Bồ Tát, khiến trong tâm Ngài rất cảm động, không phải là trong lòng rất cảm mạo đâu nhé. Là trong lòng rất cảm động, trong lòng Ngài cảm động rồi thì Ngài không đến không được, không giáng xuống không được. Tại sao vậy? Bởi vì bạn hiểu được ấn “tâm trong tâm” ở bên trong thủ ấn của Chuẩn Đề Bồ Tát. Ấn tâm trong tâm chính là một thủ ấn bí mật nhất. Bạn kết thủ ấn của Chuẩn Đề Bồ Tát, rồi làm xúc động tâm trong tâm của Ngài, Ngài nhất định sẽ giáng xuống.
Mỗi một vị Phật, Bồ tát đều có thủ ấn tâm trong tâm của riêng mình. Cái này phải truyền bí mật. Thủ ấn là vô cùng bí mật. Phải mật truyền, cho nên mọi người phải quy y. Hôm nay nói đến đây. Om mani padme hum!
29/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
038. Bốn trọng điểm tu Kim cương thừa (1)
Hôm nay tôi sẽ nói với mọi người về bốn trọng điểm tu Kim cương thừa. Bây giờ mọi người đều biết Kim cương thừa là rất thù thắng. Tu pháp phải có phương pháp tu hành thực tế. Dòng chảy của toàn bộ Kim cương thừa là vô cùng sâu xa, thành tựu của các vị tổ sư Kim cương thừa đều rất vĩ đại.
Lấy Chân Phật Tông để nói, Chân Phật Tông tuy là do bản thân tôi sáng lập, nhưng bản thân tôi lại là thực tu Mật pháp, thực sự đi vào bên trong tam muội của Kim cương thừa, cũng đã hòa nhập vào Tỳ Lô Tính Hải, vào bên trong Hoa Nghiêm Đại Quang Minh Hải, có thể nói tôi cũng là “tức thân thành tựu”, lúc này bản thân tôi đã được “tức thân thành tựu” rồi.
Tổ sư các đời của Chân Phật Tông chúng ta, ví dụ tổ sư của Bạch giáo Đại Bảo Pháp Vương Karmapa thứ 16. Tổ sư Hoàng giáo Thượng sư Thubten Dhargye. Tổ sư Hồng giáo Liễu Minh Hòa Thượng. Tổ sư Hoa giáo Thượng sư Sakya Chứng Không. Các vị đều là các đại thành tựu giả.
Bản thân tôi cũng từng trực tiếp học pháp từ Liên Hoa Sinh Đại Sĩ ở trong định. Tôi từng kể rồi, tôi được Kim Cang Tát Đỏa đưa vào trong hư không, dạy cách lắc chuông chày. Tại thời điểm rất sớm, khi tôi vừa mới có thiên nhãn, cũng có Tam Sơn Cửu Hầu Tiên Sinh trực tiếp đến truyền thụ thủ ấn cho tôi. Vì vậy truyền thừa này cũng có thể nói là một truyền thừa đại viên mãn, có truyền thừa của hư không giới, cũng có truyền thừa của nhân gian.
Vì vậy trong Kim cương thừa của Mật giáo có nói đến, điểm trọng yếu thứ nhất chính là “bất động”. Bất động này không phải là nói về Bất Động Minh Vương, mà là dạy bạn có tín tâm bất động. Về căn bản, khi bạn bước vào Kim cương thừa, bước vào Chân Phật Tông, tín tâm của bản thân bạn phải vô cùng kiên cố, chính là phải bất động. Tại sao vậy? Vì Chân Phật Tông thực sự có nguyên liệu thực tu, thực sự có rất nhiều thành tựu giả.
Lấy Bạch giáo làm ví dụ, từ Kim Cương Trì truyền thụ cho Tilopa, Tilopa truyền cho Naropa, bản thân Naropa lại truyền cho Marpa, Marpa truyền cho Milarepa, Milarepa truyền cho Gampopa. Mọi người đã đọc “Truyền kỳ Milarepa” rồi, thành tựu của Milarepa là rất vĩ đại, ngài thực sự là đại thành tựu giả.
Trong Chân Phật Mật Pháp của Chân Phật Tông chúng ta, thực tế nếu tính ra chính là tinh hoa của toàn bộ Mật giáo. Tương lai bạn cũng có thể tu thành Milarepa, cũng có thể tu thành đại thành tựu, toàn bộ thần thông nhậm vận, toàn bộ kim cang tam muội, toàn bộ ánh sáng cầu vồng bạn đều có thể tu thành, đều có thể trở thành Bồ tát, trở thành Phật, trở thành Kim cang Hộ pháp, đây là một loại thành tựu rất lớn về mặt thực tế.
Một yếu quyết quan trọng của tu hành chính là phải định tâm, bất động có nghĩa là định tâm lại, bạn khéo léo đi trên con đường này, đây là một đại đạo đại thủ ấn quang minh. Một đại đạo đại thủ ấn quang minh vô cùng. Bước về trước là không sai, cần phải có lòng tin. Nhiều vị tổ sư như vậy đã chứng minh cho bạn thấy, Phật Bồ tát chứng minh cho bạn thấy, Đại Nhật Như Lai chứng minh cho bạn thấy.
Lấy Lư Sư Tôn làm ví dụ, truyền thừa trong hư không thực sự của Sư Tôn là Đại Nhật Như Lai, Phật Nhãn Phật Mẫu, Liên Hoa Đồng Tử, rồi truyền thừa đến tôi, truyền thừa hư không này là vô cùng trân quý. Tôi vừa có truyền thừa nhân gian, vừa có truyền thừa hư không. Đây là truyền thừa đại viên mãn. Chân Phật Tông chúng ta có truyền thừa lớn, truyền thừa đại viên mãn. Mọi người cần phải có tín tâm, bạn có niềm tin này rồi, sau khi bạn có được pháp rồi, bạn tinh tấn bước về phía trước thì chắc chắn sẽ thành tựu, tu hành chắc chắn sẽ viên mãn, tương lai bạn có thể có được rất nhiều chứng nghiệm, có được cảm nhận vô cùng tuyệt hảo.
Vì Mật pháp là vô cùng trân quý, và do thành tựu của các vị tổ sư đã chứng minh cho chúng ta thấy, cho nên mọi người càng phải có tín tâm bất động và tín niệm bất động.
Tiếp theo chúng ta nói về điểm quan trọng thứ hai, trọng điểm thứ hai là kinh nghiệm. Trong quá trình tu hành, bạn sẽ sinh ra một kinh nghiệm. Vì Mật giáo là phòng thí nghiệm, Mật giáo là nói về thực nghiệm chứ không phải nghe giảng bài. Nghe giảng bài thì phần lớn là Hiển giáo, ở trong phòng học nghe giảng bài, giáo viên giảng và bạn nghe, nhưng khi bạn thực sự thực hành thì sẽ sinh ra một kinh nghiệm, bởi vì tu hành sản sinh ra một loại kinh nghiệm là rất quan trọng.
Rất nhiều khẩu quyết tâm yếu của tổ sư truyền lại cho mọi người, nếu bạn lấy được khẩu quyết tâm yếu này đi tu hành sẽ sinh ra kinh nghiệm của bản thân bạn. Điều này rất quan trọng, bạn sẽ sản sinh khẩu quyết tâm yếu của chính mình. Bản thân bạn phải như thế nào mới có thể nhập định? Sau khi bản thân bạn trải qua rèn luyện, sau khi trải qua thực tu về mặt thực tế, bạn sẽ sinh ra kinh nghiệm của chính bản thân mình. Đây chính là khẩu quyết tâm yếu của riêng bạn.
Chúng ta có được khẩu quyết của Lư Sư Tôn, Lư Sư Tôn làm sao để nhập tam ma địa? Ông ấy đem kinh nghiệm của mình nói cho bạn nghe, sau khi bạn thực hành theo, vậy thì bạn cũng có thể từ trong đó hấp thụ kinh nghiệm của các tổ sư nhiều đời, sau đó sinh ra kinh nghiệm của mình, sau khi kế thừa sẽ biến thành kinh nghiệm của mình, đó là khẩu quyết tâm yếu của bạn. Điều này rất quan trọng, trọng điểm thứ hai chính là kinh nghiệm.
Kinh nghiệm khẩu quyết tâm yếu của một số người chưa chắc thích hợp với bạn. Vì vậy những gì mà giáo viên giảng trước đây, bạn ghi chép, học thuộc lòng, nhưng khi bạn về nhà tự thực hành thì phát hiện phương pháp của mình tốt hơn, vậy thì cái này biến thành khẩu quyết tâm yếu của bạn, chính là kinh nghiệm của bản thân bạn. Đây là điểm thứ hai, cái này rất quan trọng.
Điểm thứ nhất là tín tâm bất động, điểm thứ hai là bạn phải tự sản sinh khẩu quyết tâm yếu của mình. Từ khẩu quyết tâm yếu của tổ sư các đời, bạn cảm thấy bộ nào hợp với mình thì cái đó sẽ biến thành khẩu quyết tâm yếu của bạn. Đây là điểm thứ hai. Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum.
30/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kì.
039. Bốn trọng điểm tu Kim cương thừa (2)
Điểm trọng yếu thứ ba trong bốn trọng điểm tu Kim cương thừa chính là quả vị. Quả vị không phải là nói bây giờ bạn đã đạt Phật gì đó, Bồ tát gì đó. Quả vị Phật, Bồ tát đúng là quả vị, không sai. Nhưng quả vị ở đây là dạy bạn nhận định rõ mình đã tu hành đến cảnh giới nào rồi. Điểm thứ ba này bạn phải luôn luôn chú ý.
Bạn là một hành giả tu hành, trong quá trình tu Kim cương thừa sẽ sản sinh ra nhiều cảm nhận. Những cảm nhận này khi sản sinh ra, bạn cần phải nhận định rõ ràng, cảm nhận này của bạn là ở cấp độ nào. Vì vậy phải chú ý, mọi người cần phải luôn luôn chú ý mình đã tu đến cảnh giới nào rồi. Hoặc là bạn vốn dĩ không có cảnh giới nào cả, nếu bạn đã không có cảnh giới nào cả thì bạn phải làm tốt Tứ gia hành của mình, trì chú cho thật tốt, công phu tu tập cao thâm rồi, cái gọi là du già chính là tương ứng, bạn có tương ứng rồi thì bạn sẽ biết cảnh giới của mình.
Có rất nhiều người hỏi Lư Sư Tôn là: “Bổn tôn của con là ai?” Khi bạn tu Bổn tôn của mình, bạn tu đến lúc tương ứng rồi, bạn sẽ biết ngay Bổn tôn của bạn là ai. Thậm chí là Phật, Bồ tát có duyên với bạn sẽ hiện ra trước mặt bạn, bạn sẽ biết Bổn tôn của mình là ai.
Có rất nhiều người viết thư hỏi tôi: “Hộ pháp của con là ai?” Đây là chuyện vô cùng kỳ lạ đó, bởi vì nếu Hộ pháp của bạn mà phải nhờ Sư Tôn tìm, cho thấy là bạn vẫn chưa tương ứng với Hộ pháp. Trong quá trình tu hành của bạn, Hộ pháp đột nhiên xuất hiện trước mặt bạn, bạn nhìn thấy Hộ pháp rồi, bạn sẽ biết Hộ pháp là ai.
Sư Tôn từng kể trong lúc Sư Tôn đang tu pháp, đột nhiên giống như đáy biển vậy, sóng to gió lớn, toàn bộ vũ trụ, toàn bộ nước đều đang xoay chuyển, chính giữa hiện ra một đại Hộ pháp, thì ra là Hộ pháp đang làm pháp. Tôi vừa nhìn, chà! Thì ra là Đại Uy Đức Kim Cang. Sau đó tôi coi Đại Uy Đức Kim Cang làm Hộ pháp của mình, sau đó cùng Ngài lập ra lời thề ước, tức là có thể phụng thỉnh Ngài bất cứ lúc nào, đây chính là nguồn gốc của Hộ pháp.
Trong quá trình tu pháp, tôi cảm nhận được Đại Uy Đức Kim Cang hiển hiện, ở dưới đáy biển nổi lên cơn sóng to gió lớn, một loại pháp lực, một loại sức mạnh được sinh ra, năng lượng đó gần như là làm chấn động cả trời đất. Đây chính là một cảnh giới. Đây chính là quả vị của bạn. Trong quá trình tu pháp, bạn đạt được cảnh giới nào đó, nghĩa là bạn đã đi vào quả vị nào đó. Điều này là trọng điểm thứ ba của Kim cương thừa. Bạn sẽ luôn luôn lĩnh hội được trọng điểm thứ ba này, phải thường xuyên nghĩ như vậy. Ví dụ, mấy hôm trước chúng ta có nói, bạn ở Sơ thiền. Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, tôi đều đã giảng rồi, tất cả đều có đặc trưng riêng. Khi bạn ở Sơ thiền, trải nghiệm đặc trưng của bạn là cái gì? Nhị thiền, điểm trọng yếu của nó là gì? Điểm trọng yếu của Tam thiền là gì? Điểm trọng yếu của Tứ thiền là gì?
Bạn thường xuyên cảm thấy niềm hỷ lạc ngập tràn, khi khí của bạn lưu thông sẽ xuất hiện niềm hỷ lạc, bạn sẽ biết mình đã đạt đến cảnh giới của Sơ thiền.
Bạn có thể nhìn thấy tịnh quang rồi, nhìn thấy ánh sáng rồi. Thanh tịnh, quang minh, bạn đều có thể nhìn thấy, bản thân bạn đã thanh tịnh rồi, thân thể có ánh sáng, là bạn đã đạt đến cảnh giới Nhị thiền.
Bạn đã không động tâm nữa, bất cứ chuyện gì xảy đến, bạn cũng đều bất động. Khi đạt đến cảnh giới bất động, có bất cứ hỷ, nộ, ái, lạc đến xâm phạm bạn, rất nhiều lo buồn, phiền não đến xâm phạm bạn, bạn đều bất động. Bạn đi vào bên trong bất động tam muội là bạn đã đạt cảnh giới của Tam thiền rồi, cõi Tam thiền. Thật là lợi hại đó, khi đắc Tam thiền là đã rất xuất sắc rồi!
Khi bạn đến Tứ thiền, bạn sẽ sản sinh “bình đẳng tính trí”. Bạn xem chúng sinh tất cả đều bình đẳng, không có tâm phân biệt tốt xấu. Người đời thường phân biệt con người, người này là người tốt, người kia là người xấu. Người này xấu muốn bỏ bùa tôi, người này tốt, khá có duyên với tôi, vậy thì bạn vẫn chưa đạt Tứ thiền. Người thực sự đến được cõi Tứ thiền sẽ bình đẳng tính trí, xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Bạn nhìn thấy người xấu chỉ có tội nghiệp và cảm thương họ, và bạn sẽ nghĩ cho họ, giúp đỡ họ. Bạn gặp được người tốt, bạn cũng sẽ mời họ tu pháp, tiếp tục làm việc thiện. Khi bạn dùng tâm bình đẳng để đối đãi chúng sinh nghĩa là bạn đã đến cõi Tứ thiền, đây là bình đẳng tính trí.
Bạn phải tự mình cảm nhận tâm của mình, phải là tâm bất thoái. Chứ không phải hôm nay vui vẻ, ngày mai u sầu, đây không phải niềm hỷ lạc. Ngày thường trong tâm bạn cảm thấy niềm hỷ lạc ngập tràn, bất thoái chuyển, đó chính là Sơ thiền.
Tôi nói cho mọi người biết, bạn muốn tu đến Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền đã là không dễ dàng rồi. Rất ít người có thể tu được cảnh giới đó, đã rất ít rồi. Tu hành có thể tu đến cõi Tứ thiền, mười tám tầng trời Tứ thiền, đến cõi Sắc cứu cánh cao nhất của Sắc giới, vào tiếp nữa là Vô sắc giới rồi. Người có thể tu đến cõi Tứ thiền, trên đời không còn mấy ai nữa. Nói cho mọi người biết, không còn mấy ai nữa đâu.
Chỉ riêng về Sơ thiền, bạn cần phải để khí lưu chuyển trong cơ thể, khiến ma sát giữa khí và kinh mạch của bạn sinh ra niềm hỷ lạc, niềm hỷ lạc này siêu việt tất cả, có thể giữ được niềm hỷ lạc này mãi mãi, chính là Sơ thiền thực sự. Loại pháp hỷ này rất tuyệt vời, có mấy ai làm được? Ngay đến Sơ thiền cũng không vào được thì cõi Sắc giới cũng không vào được, rất khó đó. Vì vậy trải nghiệm chi tiết trong cảnh giới tu hành của bạn chính là quả vị
Điểm thứ tư. Bạn thường xuyên phải nghĩ đến ba điểm nêu trên. Bất động, tâm bất động, khẩu quyết tâm yếu trong tu hành của bạn, cảnh giới tu hành hiện tại của bạn, quả vị là gì? Đến chỗ nào rồi? Thường xuyên nghĩ về ba điểm trên, chính là điểm thứ tư. Vì vậy nói là có bốn yếu điểm, thật ra là có ba điểm, nhưng điểm cuối cùng là bạn phải thường xuyên nghĩ đến ba điểm trên.
Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum.
30/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
040. Hàng phục và kết giới
Hôm nay chúng ta sẽ nói về ma. Trong Mật giáo rất chú trọng đến ma chướng. Ma là gì ư? Chúng ta phải biết rằng trong Phật giáo, nói đến ma là có bốn loại rất quan trọng: Một là phiền não ma, hai là tử ma, ba là âm ma, cuối cùng là thiên ma, là bốn ma này.
Có một số ma là do nội tâm của mình sinh ra. Giống như âm ma, âm ma và phiền não ma đều là do bản thân mình tự sinh ra. Ở đây phải hàng phục tham, sân, si của chính mình. Có một số ma đến từ bên ngoài, giống như tử ma, thiên ma, đều là đến từ bên ngoài. Bản thân Mật giáo rất xem trọng pháp phòng ma, bởi vì xem trọng nên có rất nhiều pháp. Phương pháp phòng hộ, phương pháp kết giới đều là pháp phòng ma. Ví dụ kết giới, trong lúc chúng ta tu pháp, chúng ta thường xuyên phải kết giới, phải mặc giáp hộ thân, mặc giáp hộ thân và kết giới đều là phương pháp phòng hộ.
Ngoài ra trong Mật pháp còn có pháp trói, chính là trói ma lại, trói chặt lại. Cũng có pháp đóng đinh, pháp đóng đinh là rất lợi hại, tức là đóng chặt chúng lại, đóng chết chúng, cũng có pháp đóng đinh như vậy.
Nói đến chướng ngại của ma, bản thân ma sẽ gây chướng ngại cho người tu hành, cũng cắt đứt huệ mệnh của con người, cũng sẽ quấy nhiễu, cũng sẽ phá hoại, đây đều thuộc về ma.
Trước đây, một câu chuyện nổi tiếng về Lư Sư Tôn và ma là như thế này. Trước đây tôi gia trì cho người ta, cho người bệnh, kết quả ma bỏ chạy, bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng mà ma đó ngược lại chạy đến tìm tôi. Cũng may là bản thân tôi biết cách phòng hộ. Khi tôi đi ngủ, nó đến tìm tôi là như thế này. Ví dụ khi tôi sắp ngủ say, nó sẽ đánh mấy cái vào ngực, hoặc là động mấy cái thế là bạn không thể ngủ được nữa.
Bản thân tôi biết pháp phòng hộ, tôi đã biến chiếc giường của mình thành một đóa hoa sen từ trước rồi, biến hóa xung quanh chiếc giường thành nước, nước rất nhiều, trong đó có hoa sen, và tôi ngủ ở chính giữa hoa sen. Ma đó không có cách nào đến gần, nhưng con ma này rất lợi hại, nó biến thành một con rắn nước, rồi bơi bơi bơi, bơi đến bên cạnh hoa sen thì cắn vào chân của tôi. Vậy phải làm sao? Cũng may tôi có thể làm hỏa diễm. Hỏa diễm có nghĩa là có thể làm pháp nổi lửa, biến thành lửa kim cang giáng xuống, lửa kim cang xoay quanh đóa hoa sen. Đêm đó tôi ngủ rất ngon.
Tôi thường hay nhắc đến chuyện này là muốn nói, vì sự việc vô cùng rõ ràng, lửa kim cang, hoa sen, kim cang hỏa diễm, xung quanh lại là nước, cho nên con rắn đó bị lửa thiêu xèo xèo, bị lửa đốt kêu xèo xèo. Vì vậy mà tôi ngủ rất ngon, giấc ngủ rất tốt.
Cho nên hành giả của Chân Phật Tông nhất định phải biết phòng hộ, mặc giáp hộ thân cơ bản nhất bạn đều phải biết, cái đó là cơ bản nhất, mỗi lần chúng ta tu pháp đều có mặc giáp hộ thân.
Chúng ta còn có rất nhiều phương pháp phòng hộ, như là pháp kết giới, như là pháp Quan Âm Thân Đàn Thành là pháp kết giới rất tốt. Ví dụ kết giới cọc kim cang, vậy thì xây tường kim cang trước, rồi làm ngọn lửa kim cang, trong hư không có võng kim cang, ở dưới đất còn có nền móng kim cang. Bốn tầng kết giới, có nền móng kim cang, võng kim cang, cọc kim cang xây tường kim cang, ngọn lửa kim cang, đây chính là pháp Tứ trùng kết giới.
Vì vậy trong Mật giáo rất xem trọng những pháp này. Ma vốn dĩ là rất lợi hại, nó có sức phá hoại, có thể làm đứt huệ mệnh của người khác, sẽ mang đến phiền não cho bạn, sẽ quấy nhiều bạn, cho nên cần phải làm kết giới và phòng hộ.
Còn có một pháp nữa, đó là của Đạo gia, trước đây tôi cũng từng nói đến, gọi là pháp Giếng vàng. Pháp Giếng vàng giống như giơ kiếm chỉ. “Nhất họa thành giang, nhị họa thành hà, tam họa tứ họa thành kim tỉnh, thử chỉ phi phàm, nãi thị Lư Sơn tú tài chỉ, chỉ thiên thiên thanh, chỉ địa địa linh, chỉ nhân trường sinh, chỉ quỷ diệt vong.” Đây chính là pháp Giếng vàng.
Vẽ một nét thành sông, vẽ hai nét thành hồ, vẽ ba, bốn nét thành giếng vàng. Ngón tay này phi phàm, đó là ngón tay của tú tài Lư Sơn, chỉ trời trời xanh, chỉ đất đất linh, chỉ người trường sinh, chỉ quỷ diệt vong. Quỷ, ma mà gặp phải chỉ tay của bạn là chúng sẽ tiêu đời ngay, vì chỉ quỷ diệt vong mà. Đây là pháp của Đạo gia mà năm xưa sư phụ tôi truyền cho tôi.
Chúng ta biết là trong Mật giáo còn có pháp Cửu tự chân ngôn, là pháp trói. Ấn Tứ tung ngũ hoành: lâm, binh, đấu, giả, giai, trận, liệt, tại, tiền, đẩy ra một cái là cái lưới này sẽ đi về phía trước, ma ở trước mặt sẽ lập tức bị ấn Tứ tung ngũ hoành của Cửu tự chân ngôn nhốt lại, liền bị trói lại. Sau đó dùng chày kim cang đóng một cái vào ma ở bên trong Cửu tự chân ngôn, đóng một cái là nó chết ngay.
Pháp Cửu tự chân ngôn trong Mật giáo: lâm, binh, đấu, giả, giai, trần, liệt, tại, tiền, đẩy một cái, cái này rất lợi hại, cái lưới sẽ bay ra. Cửu tự chân ngôn cộng thêm ấn Tứ tung ngũ hoành, sẽ trói con ma đó lại, rồi dùng đinh pháp để đóng chết con ma đó.
Vì vậy ở trong Mật giáo, Đạo giáo đều có phương pháp phòng hộ và đóng đinh ma, cái này đều là rất quan trọng. Giả sử nếu muốn học, nhất định phải quy y, phải được quán đảnh, cái này không thể bỗng dưng truyền dạy được, bên trong nó còn có rất nhiều khẩu quyết quan trọng. Giả sử như mọi người lo sợ thì sau khi quy y rồi sẽ không còn sợ nữa. Vì bạn có pháp phòng ma, có pháp phòng hộ, kết giới, vậy bạn không có gì phải sợ nữa. Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
31/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
041. Phương pháp khắc phục ma
Chúng ta sẽ nói tiếp quan niệm về ma. Trong “Truyền kỳ Milarepa” có viết như thế này. Khi Milarepa quay trở về hang động của mình, ngài tự cảm ứng được là bên trong hang động của mình có ma. Milarepa cũng biết rất nhiều phương pháp, ngài liền dùng phương pháp trị ma để trị con ma đó.
Thật ra con ma này có lai lịch rất lớn, giống như thiên ma của Đại Tự Tại Thiên, thiên ma của Ma Ê Thủ La Thiên, đều là thiên ma rất mạnh. Chính là thiên ma ở tầng trời thứ sáu của Dục giới, đều rất mạnh. Dùng phương pháp trị ma không thể nào trị được nó, vậy phải làm sao? Milarepa nhìn thấy là không thể trị được nó, ngài đổi thành phương pháp ca tụng, tán dương nó, hy vọng nó có thể vểnh đuôi lên và bỏ đi. Tán dương nhưng thiên ma cũng không chịu, nó nói: “Ngươi trị ta trị không được, đuổi ta đuổi không đi, bây giờ ngươi dùng lời tán dương để tán dương ta, ta cũng không đi.”
Chà, thiên ma này rất lợi hại. Milarepa dùng cách cứng rắn nó cũng không đi, dùng cách mềm mỏng nó cũng không đi, vậy đành phải để mặc nó. Không để ý đến nó nhưng nó vẫn ở trong hang động. Bạn xem, khi Milarepa gặp phải thiên ma, ngài dùng cách cứng rắn, dùng cách mềm mỏng, không để ý nó, nó vẫn vậy. Không để ý đến nó là như thế nào? Tạm thời không về hang động vậy, đi ra bên ngoài dạo chơi tản bộ, rồi quay về xem nó còn ở đó không. Kết quả thiên ma vẫn ở trong đó, vậy phải làm sao?
Trong lúc không còn cách nào nữa, Milarepa nghĩ đến một quan niệm. Bản thân ma cũng là huyễn. Bạn phải biết là chân lý của vũ trụ suy diễn đến tận cùng thì toàn bộ thế giới cũng chỉ là một huyễn thân, bản thân bạn, bản thân Milarepa cũng là một huyễn thân, không hề có thực tính, không hề có thực thể. Bản thân ma cũng là huyễn hóa ra, cũng là không có thực thể.
Vừa nghĩ đến như vậy, Milarepa liền hóa mình thành vô ngã, trong trạng thái không có cái tôi để đi vào trong hang động, vừa bước vào thì ma cũng không còn nữa.
Đây là đạo lý gì? Ở đây có một quan niệm rất sâu xa ở bên trong, thật ra bản thân ma cũng là chúng sinh, bản thân ma cũng là huyễn, chữ huyễn trong huyễn giác, không có thực thể, không có cơ thể thật sự. Nếu ma muốn hại bạn, bạn nhất định phải có thực thể nó mới có thể hại bạn. Khi bạn biết được mình là huyễn hóa, ma cũng huyễn hóa thì sẽ hóa thành hư vô, sẽ hóa thành không có gì cả. Đây là một vấn đề về mặt quan niệm, nhìn chung rất khó để người bình thường có thể lĩnh hội được quan niệm này, rất ít người lĩnh hội được quan niệm này.
Nhưng mà, một người tu hành cần phải biết, bản thân ma cũng là một trong những chúng sinh. Bạn là chúng sinh, ma cũng là chúng sinh. Ngoài ra, ma còn như thế nào nữa? Ma còn là một sự hóa hiện thâm mật của Bồ tát. Tại sao lại là sự hóa hiện thâm mật của Bồ tát? Một người tu hành phải trải qua mọi loại thử thách của ma thì mới có thể thành Phật. Bạn xem Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài ngồi dưới gốc cây bồ đề, trước khi ngài thành đạo, thiên ma cũng giáng xuống để thử thách ngài. Bởi vì con người có tham, sân, si, vậy nên thiên ma mới lợi dụng tham, sân, si của con người để thử thách bạn, bạn cần phải vượt qua được ma này thì bạn mới đạt được thành tựu.
Vì vậy ma cũng không phải chỉ có mặt xấu, nó còn có mặt tốt, nó đến là để thử thách người tu hành chúng ta, bạn phải có quan niệm này. Vì vậy không cần phải sợ ma, cũng tức là bạn cần phải tiếp nhận thử thách của ma, bạn phải chiến thắng ma và vượt qua ma chướng thì bạn mới có được thành tựu.
Vì vậy trong quan niệm của chúng ta đôi khi cần phải nhận thức rằng ma chính là sự hóa hiện thâm mật của Bồ tát. Ngài biến thành ma để đến thử thách đạo tâm của bạn, thử thách cảnh giới của bạn. Phương pháp phá ma công hiệu nhất của Milarepa chính là xem ma thành không và vô, là cảnh giới cao nhất. Ở cảnh giới cao nhất, bản thân ma cũng là huyễn, huyễn trong huyễn giác. Vì vậy bản thân nó không có thực tính ở bên trong. Khi bản thân bạn biến hóa mình thành vô ngã thì ma cũng không tồn tại nữa. Vì bạn đã không tồn tại nữa rồi thì ma còn tồn tại sao? Ma vì bạn mà khởi, nếu bạn không tồn tại thì ma cũng không tồn tại. Vì vậy khi Milarepa bước vào hang động, ma cũng không tồn tại nữa.
Đây là một phương pháp phá ma. Hành giả Mật giáo chúng ta cần phải biết kết giới, biết phòng hộ, và phải có quan niệm về ma. Nếu bạn có thể như vậy, bạn sẽ có thể siêu việt, bạn có thể vượt qua ma, bạn có thể nhảy khỏi những ma chướng này. Lấy tôi làm ví dụ, tôi xem ma như là “vô”, giống như không có, tất cả mọi ma chướng, tất cả chướng ngại, toàn bộ hóa thành hư vô. Vì tôi không xem phiền não là phiền não, tôi không xem chướng ngại là chướng ngại, tôi không xem ma là ma. Khi bạn không xem ma là ma thì ma sẽ không còn nữa. Nếu bạn không xem phiền não là phiền não thì phiền não cũng không còn nữa. Bạn không xem chướng ngại là chướng ngại thì chướng ngại cũng sẽ không còn nữa. Đây là một phương pháp tu hành, chính là một sự siêu việt, một phương pháp vượt qua phiền não, vượt qua chướng ngại, vượt qua ma. Vì vậy Milarepa xem ma thành huyễn, ma liền biến mất.
Có lẽ nói như vậy, các vị vẫn không thể hiểu rõ cho lắm, vậy sau này sẽ giảng giải rõ ràng hơn một chút. Hôm nay nói đến đây thôi. Om mani padme hum!
31/07/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
042. Cảm nhận về phong mạch ánh sáng
Hôm nay tôi sẽ nói tiếp với mọi người về phương diện cảm nhận. Chúng ta tu Kim cương thừa là có cảm ứng, có cảm nhận, cảm nhận có thể nói là bạn cảm thấy một loại cảm giác. Trước đây tôi từng nói về phương diện cảm nhận này rồi, có niềm hỷ lạc, có bình đẳng, có bất động, có thể nhìn thấy được ánh sáng thanh tịnh, có những cảm nhận như vậy.
Cũng có đệ tử hỏi: “Cảm nhận này, đến một trạng thái nào mới có thể cảm nhận được?”
Tôi đã nói qua rồi, ví dụ như về mặt hỷ lạc, có thể nói rất nhiều người đều nói cảm nhận về mặt lý luận, ví dụ cảm thấy cơ thể rất nhẹ nhàng, như thế gọi là khinh an, cảm giác rất khinh an. Có người cảm thấy rất mát mẻ, nói là học Phật cảm giác rất mát mẻ, rất thoải mái. Không khí rất mát mẻ, thật ra không phải là không khí mát mẻ mà là tâm mình cảm thấy rất mát mẻ. Có người về mặt lý luận cảm nhận được pháp hỷ. Sau khi tu hành, cảm thấy pháp hỷ ngập tràn, pháp hỷ cũng là một dạng của niềm hỷ lạc. Là bởi vì bạn tu pháp, bạn hợp với Phật pháp, về mặt tâm lý cảm thấy vô cùng vui thích, loại hiện tượng này thuộc về mặt lý luận.
Còn niềm hỷ lạc mà Lư Sư Tôn nói thì khác, nó được phát ra từ bên trong, hôm trước tôi có nói rồi, tức là khí ở bên trong cơ thể bạn thông qua kinh mạch, bạn tự nhiên ở trong thiền định, do khí thông kinh mạch sản sinh ra một cảm giác vi diệu, loại cảm giác này là khởi nguồn của niềm hỷ lạc thực sự.
Tôi cho rằng thế này, không phải về mặt lý luận mà là về phương diện nội tu một cách thực tế sẽ sản sinh ra một cảm giác vi diệu của niềm hỷ lạc. Đây chính là cảm nhận về mặt thực tế, không phải là về mặt lý luận. Về mặt lý luận bạn nói là tôi cảm thấy pháp hỷ ngập tràn, nhưng cảm giác này của bạn là nói suông, pháp hỷ ngập tràn một cách nói suông. Pháp hỷ ngập tràn thực sự là từ khí ở bên trong cơ thể bạn khi thông qua trung mạch sản sinh ra một niềm hỷ lạc. Ở đây tôi nói khi ở trong thiền định, bạn cần phải làm được, đây là một điểm.
Ngoài ra, bạn nói bạn nhìn thấy ánh sáng, nhắm mắt lại tôi cũng nhìn thấy ánh sáng đỏ, cái này không phải là thực sự nhìn thấy ánh sáng, đây là một cảm giác của mắt về mặt thị giác của bạn thôi. Ánh sáng ở đây là ánh sáng nội tại, chứ không phải là bạn nhắm mắt lại rồi đột nhiên có chớp sáng, ơ đột nhiên tôi nhìn thấy một tia chớp sáng này, không phải là loại ánh sáng ngộ nhận nhìn bằng mắt này đâu, mà là ánh sáng chiếu ở bên trong, đây mới là tịnh quang thực sự.
Đó là khí của cơ thể bạn đã thông đến luân xa tim, bên trong luân xa tim có một mạch ánh sáng, đây gọi là phong mạch ánh sáng. Bên trong luân xa tim của bạn có phong mạch ánh sáng. Khi mở luân xa tim ra bạn nhìn thấy ánh sáng nội tại, vô cùng sáng, loại ánh sáng chói lọi như một viên kim cương. Một loại ánh sáng lấp lánh ánh vàng, lấp lánh ánh trắng, đây mới là tịnh quang thực sự. Bạn thực sự có thể nhìn thấy, đây gọi là thanh tịnh. Thanh tịnh một thứ thì mọi thứ đều thanh tịnh, toàn thân đều phát ra ánh sáng, đó là ánh sáng nội tại. Đó là khi khí của bạn thông qua luân xa tim, mở luân xa tim ra sẽ nhìn thấy ánh sáng nội tại chứ không phải là mắt của bạn nhìn thấy, đừng nhầm lẫn nhé!
Có nhiều người cho rằng nhìn thấy ánh sáng, mắt tôi ti hí nhìn thấy một chút, không phải cái đó, mà là ánh sáng nội tại, tịnh quang ở bên trong. Là chứng nghiệm thực tế, là khí của bạn đi qua luân xa tim, mở luân xa tim ra mới hiển hiện ánh sáng này.
Bạn cũng có thể cho rằng mình đã bất động rồi, bao nhiêu phiền não đến, tám ngọn gió thế gian thổi bất động, bạn đã thiền định rồi, có thể vào được cảnh giới tịch tĩnh rồi, tham, sân, si gì đó, toàn bộ phiền não đều được quét sạch, bạn cho rằng, à đây là cảm nhận rất tốt, bạn đã tu đến bất động, nhưng đây là về mặt lý luận thôi.
Về mặt thực tế, tu hành thực tế trong Kim cương thừa Mật giáo của chúng ta là bạn đã thực sự đi vào, thời điểm mở luân xa bí mật của mình, thực sự mở Mật luân rồi bạn mới có thể hóa giải hết toàn bộ phiền não. Cái này rất khác biệt. Thật ra chúng ta mở Tâm luân, mở Mật luân, tại Mật luân có thể quét sạch hết toàn bộ phiền não, mọi tham sân si. Luân xa tim cũng có các mạch tham sân si, rất nhiều mạch phiền não ở xung quanh bám giữ bạn. Nếu thực sự có thể mở được năm luân xa, có thể nói là năm đại trí huệ của Như Lai bạn cũng có thể chứng được. Vì vậy Mật luân liên quan đến bất động và tịch tĩnh. Bạn mở ra Mật luân mới có thể thực sự đạt đến địa bất động. Đây là một khẩu quyết quan trọng.
Ngoài ra, khí của bạn thực sự có thể đi vào Tề luân, mở toàn bộ luân xa rốn ra, bạn mới có thể có được loại cảm giác bình đẳng nhất vị, vì khi bạn mở được luân xa rốn mới có thể đạt đến bình đẳng tính trí. Về mặt lý luận mà nói, bạn cũng có thể bình đẳng, bạn nói: “Chúng sinh đều có Phật tính mà, mọi người bình đẳng như nhau.” Đây là mặt về mặt lý luận. Về thực tế là bạn phải ở trong thiền định, ứng dụng khí và nội hỏa của bạn để mở luân xa rốn, khi mở ra rồi mới thực sự là lĩnh hội được bình đẳng tính trí.
Lý luận của bình đẳng tính trí rất hay. Tôi thường hay nói 50 năm sau bình đẳng như nhau. Nhưng cũng không chắc, có một số người vừa mới sinh ra thôi nên 50 năm sau họ vẫn còn sống. Là tôi đang nói đến cái tuổi tác của mình, 50 năm sau, tất cả bình đẳng, ân oán tình thù tất cả tiêu diệt. Tôi thường xuyên nghĩ về 50 năm sau, thực sự là 50 năm sau, 50 năm sau không còn sống nữa, bạn còn có gì mà không bình đẳng chứ? Tất cả bình đẳng, nhất loạt bình đẳng, đây là mặt lý luận thôi. Sự bình đẳng thực sự về mặt thực tế là mở luân xa rốn, lúc đó sẽ có cảm nhận bình đẳng nhất vị.
Được rồi, hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
01/08/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
043. Tu pháp cần tương ứng ra sao?
Chúng ta biết là Kim cương thừa còn gọi là du già, du già tức là yoga. Ý nghĩa của yoga phiên dịch thành tiếng Trung của chúng ta tức là tương ứng. Tương ứng thật ra chính là muốn nói cá nhân bạn hợp nhất với đại ngã của vũ trụ, chính là tương ứng. Trong Kim cương thừa mà nói, giống như bạn tu Bổn tôn nào đó, bạn và Bổn tôn đó đã hợp nhất rồi, đó chính là tương ứng.
Vốn dĩ Phật và tôi là tách biệt, hôm nay Phật A Di Đà là Phật A Di Đà, Lư Thắng Ngạn là Lư Thắng Ngạn, là hai. Nhưng hôm nay bạn tu Kim cương thừa, có nghĩa là Phật A Di Đà và Lư Thắng Ngạn là hợp nhất, là một. Khi bạn hợp nhất tức là tương ứng.
Cái này rất đơn giản, tôi là người, Bồ tát chính là Bồ tát, hôm nay Bồ tát và tôi hợp nhất với nhau rồi, cái này chính là tương ứng. Vì vậy bạn tu hành chính là biến mình thành Bồ tát, rất đơn giản, là biến mình thành Phật. Đây chính là đạo lý của Kim cương thừa, nên du già chính là tương ứng.
Vậy thì muốn tương ứng đương nhiên phải trải qua một quá trình cố gắng, chứ không phải nói là hôm nay tôi tương ứng rồi, vâng, tôi chính là Bồ tát, chính là Phật, đó là chuyện không thể nào. Nhất định phải trải qua một quá trình tu hành rất dài.
Theo như những gì các vị tổ sư nói, bạn muốn nhanh chóng tương ứng với Phật, Bồ tát là phải có vài điều kiện. Điều kiện thứ nhất, ngài nói rằng pháp phải chính, pháp chính có nghĩa là hôm nay bạn học Mật pháp, ví dụ chính pháp của Chân Phật Mật Pháp, chính pháp tức là Mật pháp chân chính. Mật pháp chân chính tức là nói đến phương pháp mà hôm nay bạn có được là chính xác, chính là chính pháp. Đây là điều kiện đầu tiên.
Còn điều kiện thứ hai chính là phương pháp tu hành của bạn nghi quỹ phải viên mãn, không có khuyết điểm. Giống như chúng ta làm pháp, trong Mật giáo rất chú trọng nghi quỹ và thứ tự. Những chỗ không thể bỏ sót bạn không được bỏ sót. Bạn phải làm được hết tất cả các trọng điểm, mỗi một trọng điểm đều phải làm được. Bạn làm được tất cả trọng điểm, vậy thì nghi quỹ của bạn sẽ vô cùng viên mãn, phương pháp tu pháp của bạn sẽ vô cùng viên mãn. Vì vậy nghi quỹ phải viên mãn, không được có thiếu sót.
Vậy điều kiện thứ ba thì sao? Bạn phải giữ giới. Như Liên Hoa Sinh Đại Sĩ nói với chúng ta phải kính sư, phải trọng pháp, phải thực tu, Sự sư pháp ngũ thập tụng, tức là bạn phải giữ 50 quy tắc ứng xử đối với Căn bản Thượng sư của mình, phải giữ 14 đại giới của Mật giáo, bạn không giữ giới, làm loạn lung tung, vậy bạn làm sao tương ứng được?
Nhất định phải giữ giới luật của Mật tông. Sự sư pháp ngũ thập tụng, 14 đại giới cơ bản, những giới luật này bạn đều phải giữ. Nếu bạn không giữ giới, làm sao có thể tương ứng chứ, vì bạn đã mất đi lực gia trì rồi, mất đi lực gia trì của Thượng sư, mất đi sức mạnh của Bổn tôn, mất đi sức mạnh của Hộ pháp, bạn làm sao tương ứng được, không thể nào tương ứng, đây là đạo lý cơ bản.
Ngoài ra, trong quá trình bạn tu pháp, đều sẽ có rất nhiều Hộ pháp đi theo bạn, thần Hộ pháp luôn luôn bảo vệ bạn. Bạn là một người giữ giới thì thần Hộ pháp sẽ đi theo bạn, thiên long bát bộ đều đi theo bạn, bảo vệ bạn. Quyến thuộc bên cạnh Bổn tôn của bạn, Hộ pháp quyến thuộc đều sẽ đi theo bạn. Quyến thuộc của Bổn tôn và Hộ pháp chính là các vị thần ở bên cạnh bảo vệ Bổn tôn, các vị thiện thần đó đều đi theo bạn.
Có Hộ pháp đi theo bạn, bạn sẽ không sợ ma, bạn tu pháp sẽ rất thuận lợi, rất nhiều chướng ngại, rất nhiều ma nạn ở bên trong đều được giảm thiểu. Vì vậy Hộ pháp rất quan trọng. Có thiên long bát bộ luôn đi theo bạn, ở cùng với bạn, bảo vệ sự tu hành của bạn. Vậy bản thân bạn phải thành tâm. Thành tâm là thành ý, bạn vô cùng có thành ý đến quy y, vô cùng thành ý tiếp nhận quán đảnh, vô cùng thành ý tu Chân Phật Mật Pháp. Vô cùng thành ý phục vụ Căn bản Thượng sư của mình. Vô cùng thành ý kính sư, trọng pháp, thực tu. Đây là thành tâm của bạn, bạn không được đánh mất thành tâm, bạn mất đi thành tâm rồi, bạn tu pháp sẽ không thành nữa.
Vì vậy đối với Căn bản Thượng sư của mình là phải hoàn toàn, một trăm phần trăm, hoàn toàn là một sự tôn kính. Tôn kính không phải là chỉ nói miệng. Tôn kính cần phải có thực tế, bản thân bạn phải thể hiện ra điều đó. Cho nên về phương diện tu pháp, hay là lòng cung kính của bạn đối với sư phụ, đều không phải nói bằng miệng là xong. Thân thể, lời nói và ý niệm của bạn, ba thứ này phải hoàn toàn tôn kính sư phụ của mình.
Ngoài ra còn phải phát bồ đề tâm. Sau khi bản thân bạn đã tương ứng với Phật Bồ tát rồi, bạn còn phải phát bồ đề tâm. Phát bồ đề tâm là gì? Chính là đi giúp đỡ người khác, bạn vẫn phải phát tâm nguyện rất lớn, phát tâm quảng đại giống như tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả. Từ là mang đến niềm vui cho người khác. Bi là giải quyết đau khổ của người khác. Hỷ là mãi mãi hoan hỷ để làm. Xả là có thể đem tính mạng và thời gian của mình xả bỏ hết, đều có thể xả bỏ tất cả mọi thứ của mình. Đây chính là phát bồ đề tâm.
Bạn phải từ, bi, hỷ, xả. Tứ vô lượng tâm chính là bốn loại tâm hoàn toàn loại bỏ. Hoàn toàn có thể làm từ bi hỷ xả, một khi đã phát ra bồ đề tâm này thì bạn chính là Bồ tát. Bồ tát chính là từ bi hỷ xả. Bản thân Bồ tát chính là vị có lòng yêu thương, một lòng yêu thương vô lượng vô hạn để cứu độ chúng sinh, giúp đỡ chúng sinh, mang niềm vui cho chúng sinh, để không những là bản thân mình được độ mà chúng sinh cũng có thể được độ.
Vì vậy Bồ tát có lúc hy sinh cái ngã nhỏ, ngài hy sinh tính mạng của mình, hy sinh thời gian của mình để làm công việc cứu độ chúng sinh từ bi hỷ xả. Vì vậy khi bạn có tâm quảng đại như vậy, người có lòng thành, Phật ắt cảm ứng, đây chính là nói về cảm ứng. Bản thân bạn có thể phát tâm từ bi quảng đại như vậy, Phật, Bồ tát đều biết hết. Các ngài sẽ cảm ứng với bạn. Bạn có thành tâm, có bồ đề tâm, có từ bi tâm, bạn lại giữ các loại giới luật của Mật giáo, có Kim cang Hộ pháp hộ trì bạn, pháp của bạn lại là chính pháp, nghi quỹ của bạn lại viên mãn, vậy chắc chắn sẽ có cảm ứng.
Hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
01/08/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
044. Bốn thứ tự của Đại thủ ấn (1)
Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với mọi người về bốn thứ tự của Đại thủ ấn. Vậy Đại thủ ấn là gì? Cái này theo mặt chữ mà nói rất dễ khiến người khác hiểu lầm nó là một thủ ấn, kết tay lại như vậy là đại thủ ấn, thật ra không phải. Đại thủ ấn mà Mật giáo nói đến chính là quá trình tu hành từ một phàm phu đến thành Phật gọi là Đại thủ ấn.
Đại có nghĩa là viên mãn. Thủ chính là quá trình tu hành. Ấn có thể nói là một loại ấn chứng. Đây là quá trình từ phàm phu tu thành Phật quả thì gọi là Đại thủ ấn, chứ không phải kết thủ ấn.
Đại thủ ấn có bốn thứ tự, bốn cấp độ. Cấp độ thứ nhất chính là chuyên nhất. Có rất nhiều đệ tử thường xuyên hỏi tôi tu hành là phải tu như thế nào. Câu đầu tiên tôi trả lời họ luôn là: “Bạn phải chuyên nhất.” Tu hành tu như thế nào? Tôi đều trả lời hai chữ “chuyên nhất”.
Trên thực tế chuyên nhất là cơ sở đầu tiên của tu hành, cũng có thể nói là cấp độ thứ nhất. Tại sao vậy? Nếu bạn không chuyên nhất, bạn sẽ không tu được gì cả. Điều này là chắc chắn.
Trong Mật giáo mà nói, giống như chúng ta đang thu dọn suy nghĩ, vốn dĩ chúng ta có rất nhiều suy nghĩ, ý nghĩ đếm không hết. Nhưng gom hết toàn bộ ý nghĩ lại thành một, đây là điều đầu tiên phải làm được.
Tâm niệm của người tu hành không được càng lúc càng nhiều, càng lúc càng phức tạp. Ngoài mặt bạn nói tôi là một hành giả tu hành, nhưng trên thực tế, bạn càng tu càng phức tạp, càng tu càng phức tạp là không đúng rồi. Cũng giống như tâm trạng của bạn, tâm của bạn càng tu càng trong veo thì mới là đúng. Giả sử bạn nói càng tu càng đục, đục tức là rất nhơ, càng tu càng nhơ bẩn, vậy thì không đúng. Tính nóng của bạn phải càng tu càng không còn nóng tính nữa, càng dịu êm. Giả sử bạn là một hành giả mà càng tu càng nóng nảy, vậy thì là không đúng.
Vì vậy giữa đúng và không đúng là rất dễ nhận biết. Bạn càng tu càng phức tạp, tâm sự càng lúc càng loạn, vậy về cơ bản là không đúng. Cho nên tu hành là phải tu quy về một, bạn quy tất cả về một. Rất nhiều suy nghĩ biến thành một ý nghĩ, rất phức tạp biến thành rất đơn thuần, rất nóng nảy biến thành rất điềm tĩnh. Cái không rõ ràng biến thành cái rõ ràng. Đây chính là chuyên nhất. Mọi người cần phải làm được điều này trước rồi biến nó thành Chuyên nhất du già, cái này có thể nói là Chuyên nhất du già.
Cảm nhận của Chuyên nhất du già rất rõ ràng, rất minh bạch. Đối với bất cứ chuyện gì bạn đều hiểu rõ, không phải là mơ hồ không rõ ràng. Rất đơn thuần, rất thuần tịnh, rất kiên cố, đây đều là chuyên nhất. Bạn tu Chuyên nhất du già có thành tựu rồi, bạn sẽ cảm nhận được tâm mình rất bình lặng. Bạn cũng trở nên đơn thuần hơn, bạn cũng cảm thấy tương đối sáng trong. Tín tâm cũng rất kiên cố, đây là chuyên nhất, bạn chuyên nhất tu hành thì là như vậy.
Như vậy đã được xem là sự thăng hoa về mặt nhân cách rồi. Bạn vốn dĩ là người tính khí nóng nảy, bạn trở nên vô cùng bình tĩnh. Suy nghĩ của bạn vô cùng rõ ràng, tín tâm vô cùng kiên cố, cách nhìn của bạn về mọi sự việc vô cùng rõ ràng. Đây là một cảm nhận và thành quả sau khi bạn tập Chuyên nhất du già.
Cấp độ thứ hai của Đại thủ ấn gọi là ly hí, Ly hí du già. Ly hí nghĩa là rời xa tất cả mọi hí luận. Những người thông thường như chúng ta, sau khi tu hành chuyên nhất, bạn có ý nghĩ xuất thế. Trong Mật giáo gọi là thứ tự viên mãn, thứ tự viên mãn chính là ly hí. Thứ tự sinh khởi vẫn không phải là ly hí, thứ tự viên mãn chính là Ly hí du già, rời xa tất cả hí luận.
Vậy thì rời xa tất cả hí luận để làm gì? Để hoàn toàn làm công phu xuất thế, bạn chính là vì muốn bản thân mình đắc được quả, vì vậy bạn rời xa tất cả hí luận. Thế nào là rời xa tất cả hí luận? Ví dụ như là một số pháp phương tiện, tất cả bạn đều không có nữa. Có người nói cái này tiện lợi đó. Cái này thuộc về pháp phương tiện, không phải là pháp thật sự có thể chấm dứt sinh tử. Ở đây đã đi vào xuất thế rồi, mọi chuyện của nhập thế đều không làm nữa, như là tiêu tai, tăng ích, hàng phục, kính ái, những cái này bạn không làm nữa, như vậy là đã đạt đến ly hí.
Vậy khi Ly hí du già, thứ duy nhất của nó chính là tâm, nghĩa là tâm linh của bạn hoàn toàn thanh tịnh rồi. Bạn chỉ là tu minh tâm này mà thôi, những cái khác đều không có. Thoát ly tất cả lý luận, thoát ly mọi loại pháp nhập thế, pháp phương tiện, hoàn toàn trở thành một loại tu hành xuất thế thành rất minh tịnh về mặt tâm linh, chính là Ly hí du già.
Hôm nay giảng đến đây thôi. Om mani padme hum!
02/08/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
045. Bốn thứ tự của Đại thủ ấn (2)
Chúng ta sẽ tiếp tục nói về bốn thứ tự của Đại thủ ấn. Nói về Ly hí du già, Ly hí du già có thể nói là bạn xuất gia rồi thì xem như là Ly hí du già. Người xuất gia không còn quan tâm chuyện của thế tục, chuyện của thế gian bạn không quan tâm nữa. Bạn hoàn toàn quan tâm chuyện xuất thế, đây chính là xuất gia. Chính là ra khỏi căn nhà của thế tục, đi vào căn nhà của Phật, đây mới là xuất gia.
Sau khi bạn xuất gia rồi, nếu tâm của bạn vẫn còn ở thế tục, vậy cái đó không được xem là xuất gia, vì bạn vẫn còn tục duyên thì không phải là xuất gia. Xuất gia là bạn sẽ ly hí, rời xa tất cả mọi hí luận, rời xa tất cả thế tục, hoàn toàn chuyên tâm vào chuyện giải thoát khỏi sinh tử.
Đại thủ ấn đi vào giai đoạn thứ ba chính là Nhất vị, Nhất vị du già. Thế nào là Nhất vị? Chính là hoàn toàn chỉ có một mùi vị. Nhất vị dựa vào mặt chữ mà nói là hoàn toàn chỉ có một mùi vị, không có mùi vị thứ hai. Ở đây bạn có thể nghĩ như thế này, bất luận là về mặt vật chất hay là về mặt tâm linh của bạn, tâm-vật hoàn toàn bình đẳng. Tâm và vật hoàn toàn bình đẳng. Bất luận là bạn làm sự việc gì đều là nhất vị, một mùi vị. Có lẽ tôi nói như vậy, nói hết nửa ngày trời, mọi người sẽ cảm thấy một mùi vị thì có gì tốt chứ?
Thật ra khi đi vào nhất vị, có thể nói như thế này, chính là bình đẳng, mọi thứ đều là bình đẳng. Ở đây một chính là nhiều, nhiều chính là một. Vậy mọi người thử nghĩ xem, nhiều làm sao lại là một, một làm sao lại là nhiều? Mọi người nhìn thế giới này chắc chắn là thấy rất nhiều. Nào là núi sông, mặt đất, rừng cây, cỏ cây, hoa trái… phải là thế giới có rất nhiều thứ. Có rất nhiều động vật, rất nhiều loài dưới nước, rất nhiều chim chóc thú rừng, phải là thế giới có rất nhiều thứ. Nhưng ở trong mắt của Phật, Bồ tát thì là nhất vị. Ở trong mắt của Phật một hạt gạo chứa đại thiên thế giới, bên trong một hạt gạo chính là một thế giới. Gạo này có phải là một hạt gạo hay không? Chính là một hạt, tức là nhất vị. Tuy rằng rất nhiều, rất nhiều, nhưng thật ra chứa trong một. Cho nên một cũng là nhiều, nhiều chính là một. Một và nhiều là trạng thái bình đẳng nhất vị, gọi là Nhất vị du già.
Sau khi bạn đạt đến cảnh giới này rồi, bạn sẽ cảm thấy tất cả mọi chuyện của thế giới này ở trong mắt bạn đều là bình đẳng nhất vị. Lúc này tất cả mọi yêu, hận, tình, thù của bạn đều là bình đẳng nhất vị cả. Yêu cũng là nhất vị, hận cũng là nhất vị, trong trạng thái mọi thứ đều là nhất vị. Vì vậy ở trong trạng thái này, bạn sẽ bình tĩnh nhất, an định nhất, đã thâm nhập vào trong đại định, trong trạng thái trí huệ hoàn toàn hiển lộ. Cái này cũng là rất khó để lĩnh hội, rất khó để hiểu trạng thái nhất vị này.
Lúc này, cuộc sống của bạn hoàn toàn trong trạng thái dừng nghĩ, có thể nói là trạng thái vô niệm đã xuất hiện. Nói đúng ra là bạn vẫn còn có rất nhiều niệm, nhưng tất cả niệm đều là nhất vị, loại cảm nhận này không đơn giản chút nào.
Cuối cùng bước vào giai đoạn thứ tư của Đại thủ ấn chính là Vô tu du già. Mọi người sẽ cho rằng, chà, Vô tu du già, rất hay đó. Vì trước đây tôi gặp được một người, anh ta nói với tôi: “Tôi không cần phải tu cái gì nữa, vì tôi đã tu qua hết toàn bộ rồi, tôi đã ở trạng thái vô tu.”
Tôi nói: “Woa... chúc mừng chúc mừng! Anh đã không cần tu nữa rồi.”
Thật ra không phải là thực sự không tu đâu. Mà không tu chính là tu. Đây chính là Vô tu du già. Không tu chính là tu nghĩa là sao? Bạn làm bất cứ chuyện gì cũng đều là đang tu. Chà cái này rất vĩ đại đó, đến cảnh giới này rồi thì tất cả mọi chấp trước đều hoàn toàn bị phá bỏ, căn bản là bạn không còn chấp trước.
Lúc này bạn có thể xuống núi, sống trong thành phố, đến thế giới phồn hoa. Bạn đến thế giới phồn hoa làm gì ư? Vì bạn đang ở trong vô tu, tất cả đều là đang tu hành. Bạn làm bất cứ chuyện gì cũng là đang tu hành. Bởi vì bất cứ chuyện gì, bất cứ thế giới phồn hoa nào cũng không thể ảnh hưởng đến bạn. Đây chính là tu hành ở trạng thái không tu. Đây là cảnh giới cao nhất. Làm bất cứ chuyện gì cũng đều là thanh tịnh, đây là không tu mà tu.
Nếu bạn làm bất cứ chuyện gì mà vẫn còn ô nhiễm thì đó không phải là cảnh giới cao nhất của Đại thủ ấn. Cảnh giới cao nhất của Đại thủ ấn tức là bạn làm bất cứ chuyện gì cũng đều là thanh tịnh, làm bất cứ chuyện gì cũng đều là đang tu hành. Tất cả mọi thứ không bám chấp. Chà! Điều này thật tuyệt vời! Đây là cảnh giới Đại thủ ấn thực sự đắc được Phật quả. Cái này mới gọi là không tu mà tu.
Bạn nói một câu nói, đó chính là chú ngữ, bạn tùy tiện vẫy tay một cái chính là thủ ấn. Ý niệm của bạn vừa khởi lên tức là pháp. Đây là trạng thái không tu mà tu. Loại cảnh giới này rất khó giải thích với mọi người. Làm bất cứ chuyện gì cũng đều là thanh tịnh, một chút ô nhiễm cũng không có. Đương nhiên, họ còn cần tu gì chứ? Nhưng họ làm bất cứ chuyện gì cũng chính là đang tu, cái này chính là không tu mà tu.
Nói về triết học thì triết học này phải là triết học cao nhất, cảnh giới cao nhất của đời người, Phật quả cao nhất chính là không tu mà tu. Điều này rất vĩ đại.
Trong Mật giáo thì Đại thủ ấn là một pháp rất viên mãn, là cao nhất, là cấp độ thứ tư. Lúc này, người đó không tu mà tu, người đó Vô tu du già, chúng ta không nên dựa vào hành vi của họ mà phán đoán công phu tu hành của họ. Bởi vì hành vi của họ nhìn vào thì rất điên loạn, trên thực tế họ đang ở cảnh giới cao nhất, một ý niệm chính là pháp, vẫy tay một cái chính là thủ ấn. Đọc một cái, tùy tiện nói một câu, chính là chú ngữ. Trong tâm họ hoàn toàn là ở trạng thái thanh tịnh vô vi. Mãi mãi tất cả mọi sự việc được làm từ tay, đi từ chân của họ toàn bộ đều là thanh tịnh. Đây là trạng thái không tu mà tu. Cấp độ thứ tư của Đại thủ ấn giới thiệu đến đây thôi.
Om mani padme hum!
02/08/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.
(Hết quyển 1)