📜

Đại Tự Tại Vương Phật niệm tụng pháp

image

Đại Tự Tại Vương Phật niệm tụng pháp

Giảng pháp: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Thời gian: N/A Địa điểm: N/A Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Chú ý: Chưa nhận quán đảnh, xin đừng tu pháp! Sư Tôn đã không còn truyền pháp này nữa!!!

Chú ngữ:

Đại Tự Tại Vương Phật chân ngôn: Ôm. Mô-xi-sư-la-bô-yê. Pu-ta. Sô-ha.

Đại cứu nạn chú: Tha-chi-cha-cha-la. Tha-chi-lu-lô-lu. Mô-hơ-lu-lô-lu. A-la-mô-la. Tô-la. Sô-ha.

Chủng tử tự

image

Chữ Ah màu lam.

Thủ ấn

image

Hai tay chắp lại, ngón giữa và ngón áp út đan ngoại phộc.

Quán tưởng

Trên mặt biển lớn, trời trong vạn dặm không mây, có một nguyệt luân từ mặt biển nhô lên hư không, trong nguyệt luân có một chủng tử chữ Ah màu lam, phóng tỏa ánh sáng lam.

Chữ Ah trong nguyệt luân xoay tròn, hóa thành Đại Tự Tại Vương Phật, thân màu xanh lam, khoác áo cà sa, có 32 tướng tốt, hai tay kết ấn chuyển pháp luân, ngồi trên đài sen.

Nghi quỹ

Trước tiên, thỉnh cầu Căn bản Thượng sư gia trì:

Đầu tiên quán không, sau đó quán tưởng Căn bản Truyền thừa Thượng sư Liên Sinh Hoạt Phật trụ ở đỉnh đầu phóng quang gia trì. Trì tâm chú Liên Hoa Đồng Tử 7 biến, cầu nguyện tu pháp viên mãn.

Tiếp theo, làm quán tưởng tứ vô lượng tâm. Làm thủ ấn đánh thức (vỗ tay hai lần, bắt chéo hay tai, búng ngón tay).

  1. Chú thanh tịnh.
  2. Chú triệu thỉnh.
  3. Đại lễ bái.
  4. Đại cúng dường.
  5. Tứ quy y.
  6. Mặc bia giáp hộ thân.
  7. Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh (1 biến)
  8. Chú vãng sinh (7 biến)
  9. Căn bản Truyền thừa Thượng sư tâm chú Om guru liansheng siddhi hum. (108 biến)
  10. Kết ấn và quán tưởng: Kết ấn: thủ ấn Đại Tự Tại Vương Phật. Hai tay chắp lại, ngón giữa và ngón áp út đan ngoại phộc. Chủng tử tự: chữ Ah màu lam. Quán tưởng: Đầu tiên quán không, niệm chú quán không: Ôm sư-pa-wa su-ta sa-ơ-wa ta-ơ-ma sư-pa-wa su-tô hằng. (3 biến) (1) Trên mặt biển lớn, trời trong vạn dặm không mây, có một nguyệt luân từ mặt biển nhô lên hư không, trong nguyệt luân có một chủng tử chữ Ah màu lam, phóng tỏa ánh sáng lam. (2) Chữ Ah trong nguyệt luân xoay tròn, hóa thành Đại Tự Tại Vương Phật, thân màu xanh lam, khoác áo cà sa, có 32 tướng tốt, hai tay kết ấn chuyển pháp luân, ngồi trên đài sen. (3) Quán tưởng thiên tâm của Đại Tự Tại Vương Phật phóng ra một vệt ánh sáng trắng chiếu thẳng đến thiên tâm của hành giả. Từ họng ngài phóng ra một vệt ánh sáng đỏ chiếu thẳng đến họng của hành giả. Tâm luân của ngài phóng ra một vệt ánh sáng xanh lam chiếu thẳng đến tâm luân của hành giả. Ba ánh sáng trắng, đỏ, lam tan vào thân tâm của hành giả.
  11. Trì tâm chú Đại Tự Tại Vương Phật. Làm quán tưởng chuỗi hạt.
  12. Ôm. Mô-xi-sư-la-bô-yê. Pu-ta. Sô-ha. (108 biến)

  13. Cửu tiết Phật phong, nhập Tam ma địa.
  14. Xuất định.
  15. Trì thêm những tâm chú khác.
  16. Niệm Phật. Nam mô 36 vạn tỉ 11 vạn 9 nghìn 5 trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật. (3 biến)
  17. Hồi hướng.
  18. Niệm Bách tự minh chú 3 biến.
  19. Đại lễ bái.
  20. Chú viên mãn.
  21. Ôm bu-lin. (3 biến) Ôm ma-ni pê-mi hùm.

Làm thủ ấn giải tán: vỗ tay hai lần, bắt chéo tay, búng ngón tay. Tu pháp viên mãn. Như ý cát tường.

Ứng dụng Yết ma

Một khi thúc chú đại cứu nạn thì những người dân tị nạn mới vừa thoát chết, những người dân tị nạn chịu khổ trong vùng thảm họa, đều sẽ được chú đại cứu nạn bảo vệ. Chú này sẽ thúc giục các quốc gia trên thế giới coi trọng công tác cứu viện, thúc giục các đoàn thể công ích cứu viện, khiến những người dân tị nạn sau thảm họa không gặp phải di chứng hậu thảm họa, ví dụ dịch bệnh lớn, v.v…

Liên Sinh Hoạt Phật truyền thụ tâm yếu khẩu quyết của pháp

Trong Ấn Độ giáo, vị đại thần đầu tiên trong số ba đại thần chính là thần Sáng Tạo, vị đại thần thứ hai là thần Hủy Diệt, chính là Đại Tự Tại Thiên Vương, vị đại thần thứ ba là Biến Tịnh Thiên, tức là thần Bảo Hộ.

Vì thế trong Ấn Độ giáo, tất cả đều là do ba vị đại thần Sáng Tạo, Hủy Diệt, Bảo Hộ chi phối toàn bộ vũ trụ này, đây là một vòng tuần hoàn của Ấn Độ giáo.

Phật Thích Ca Mâu Ni chính là giáo chủ của Phật giáo chúng ta. Có một câu nói là: “Vua của các vị vua là Thiên Vương thứ sáu, Thánh trong các vị Thánh là Phật Đà Đại Giác.” Câu đầu tiên ở đây, “Vua của các vị vua là Thiên Vương thứ sáu”, và Đại Tự Tại Vương Như Lai ở tại cõi trời thứ sáu, chính là Đại Tự Tại Thiên. Thánh trong các vị Thánh chính là Phật Đà Đại Giác - Thích Ca Mâu Ni Phật.

Trong Dục giới thiên tổng cộng có sáu cõi trời, cõi trời thứ sáu đều xuất hiện có hình có tướng giống với con người. Nhân gian chúng ta cũng ở trong Dục giới thiên, Dục giới thiên tức là có hình có tướng, có nam nữ. Và cõi trời cao nhất của Dục giới thiên chính là cõi trời thứ sáu, là cõi trời tôn quý nhất.

Chúng ta gọi Đại Tự Tại Thiên là Ma, là Ma Vương sống ở đó. Rất nhiều cõi trời đều có tịnh thổ, và tịnh thổ của Đại Tự Tại Thiên chính là cung Pháp Giới Tối Thắng, trong tịnh thổ đó có một vị Phật chính là Đại Tự Tại Vương Phật. Rất nhiều vị Phật đều qua lại Đại Tự Tại Thiên.

Cõi trời mà Đại Tự Tại Thiên Ma cai quản gọi là Nội Viện, ở trong Nội Viện chính là Đại Tự Tại Vương Phật. Cũng có cả Ngoại Viện, ở Ngoại Viện là Đại Tự Tại Thiên. Mỗi cõi trời đều có chính diện và phản diện, có thiên nhân cư ngụ, cũng có Bồ Tát cư ngụ, cũng có Phật cư ngụ.

Nhật Bản có Nhật Liên tông, Nhật Liên Thượng Nhân đã viết cuốn “Ngự Bổn Tôn”, Nhật Liên Thượng Nhân đã đặt cuốn sách đó ở trong một am thờ Phật, bình thường khi không niệm thì am thờ Phật đó đóng lại, khi niệm thì mới mở am thờ Phật đó ra. Nhật Liên tông dùng tiếng Nhật để niệm kinh Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa, bên trong cuốn Ngự Bổn Tôn chính là kinh Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa, bên cạnh là Thiên Ma của cõi trời thứ sáu. Nhật Liên Thượng Nhân cũng rất tôn kính Thiên Ma của cõi trời thứ sáu.

Mở cuốn Ngự Bổn Tôn của họ ra, ở chính giữa là Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, bên tay trái ngài có Đại Tự Tại Thiên Ma. Trong cuốn Ngự Bổn Tôn mà họ tôn trọng có Đại Tự Tại Thiên Ma.

Vì sao Nhật Liên tông lại lễ bái Thiên Ma của cõi trời thứ sáu? Chẳng phải là Thiên Ma rất đáng sợ sao? Trong kinh Phật có nói, thật ra Thiên Ma là Bồ Tát thâm địa, thế nào gọi là Bồ Tát thâm địa? Tức là đạo hạnh vô cùng cao sâu, bởi vì các vị muốn đến độ chúng sinh, dùng phương pháp đi ngược để độ chúng sinh. Phương pháp đi ngược tức là gây chướng ngại cho bạn, ngăn chặn bạn, nhưng bạn cần phải vượt qua các vị thì mới có thể chứng đắc.

Phật từng nói, Thiên Ma là Bồ Tát thâm địa. Thế nào gọi là Bồ Tát thâm địa, tức là Bồ Tát rất cao, tức là Bồ Tát đẳng giác, Bồ Tát ở địa thứ mười chính là đẳng giác, Bồ Tát ở địa thứ mười một thì gọi là diệu giác, diệu giác thì cũng tương đương với Phật rồi. Vì thế, ngài là Bồ Tát ở địa rất sâu, tương đương với Phật. Có thể nói, Đại Tự Tại Thiên Ma cũng chính là Đại Tự Tại Vương Phật, một thân thể hai khuôn mặt, Phật và Ma là một - Phật Ma nhất như.

Bản thân Ma vốn dĩ chính là hóa hiện của Phật, là Phật hóa ra, vốn là đồng loại. Vũ trụ quy về cuối cùng cũng là một thứ. Bản thân con người chúng ta sau này khi trở về cũng là quy về một. Hôm nay, Đại Tự Tại Thiên này cũng tương đương với từ chỗ của Phật hóa thân mà ra.

Thế còn Đại Tự Tại Vương Phật sinh ra như thế nào? Lấy hình tượng của Tỳ Lô Giá Na Phật (Đại Nhật Như Lai) để làm thành hình tượng của bản thân Đại Tự Tại Vương Phật, là lấy Phật ở địa thứ 13 để làm thành hình tượng của Đại Tự Tại Vương Phật.

Ngài có chú ngữ, có thủ ấn, có thân tướng, thân thể với hình tướng ban đầu cũng mặc giống như Phật, Đại Tự Tại Vương Phật giống với Phật, thân màu xanh lam đậm, bên ngoài là y phục quý màu vàng, giống như Phật. Chủng tử tự của ngài là chữ Ah, có chân ngôn là: Ôm. Mô-xi-sư-la-bô-yê. Pu-ta. Sô-ha.

Ôm - chính là vũ trụ. Mô-xi thật ra là Mahesvara, tức là Đại Tự Tại Thiên. Sư-la-bô-yê - nói đơn giản chính là Shiva, tức là Thần Shiva Ma Ê Thủ La Thiên. Pu-ta - chính là Phật. Sô-ha - viên mãn tất cả. Chú ngữ này có Ma Ê Thủ La Thiên, Thiên Vương, có Phật ở cùng nhau, cho nên chú ngữ này là Phật Ma nhất như, Phật và Ma là như một.

Ngoài ra có một câu chú là chú đại cứu nạn của Thiên Vương cõi trời thứ sáu. Chẳng phải ngài là Thiên Ma sao? Sao lại cũng có chú đại cứu nạn chứ? Tôi nói, Phật và Ma là một, một thể hai mặt.

Đại Tự Tại Vương Phật từng truyền thụ cho Liên Sinh Hoạt Phật chú đại cứu nạn: Tha-chi-cha-cha-la. Tha-chi-lu-lô-lu. Mô-hơ-lu-lô-lu. A-la-mô-la. Tô-la. Sô-ha.

Chúng sinh có nạn, tôi trì chú này để đi cứu độ. Một khi thúc chú đại cứu nạn thì những người dân tị nạn mới vừa thoát chết, những người dân tị nạn chịu khổ trong vùng thảm họa, đều sẽ được chú đại cứu nạn bảo vệ. Chú này sẽ thúc giục các quốc gia trên thế giới coi trọng công tác cứu viện, thúc giục các đoàn thể công ích cứu viện, khiến những người dân tị nạn sau thảm họa không gặp phải di chứng hậu thảm họa, ví dụ dịch bệnh lớn, v.v…

Người đã tạ thế thì dùng chú vãng sinh để cứu độ. (Chú đại cứu nạn cũng có thể siêu độ người chết.) Dân tị nạn chưa chết thì dùng chú đại cứu nạn để bảo hộ. Tôi nói với mọi người một vị Phật rất bí mật rất bí mật, tên vị Phật này là: Đại Tự Tại Vương Phật.

Các bạn biết hoa sen phải không? Hoa sen đại diện cho tâm xuất ly. Thế còn mặt trăng? Mặt trăng đại diện cho tâm bồ đề. Thế nào là Phật? Phật đại diện cho chính pháp. Hôm nay tôi dạy bạn về Đại Tự Tại Vương Phật chính là dạy bạn đi từ Ma Vương Thiên thành tựu thành một vị Phật chân chính.

Ma chính là Ma, vĩnh viễn chịu sự phê bình. Nhưng mà có một cõi trời, Ma có thể hiên ngang đứng rất thẳng, ngài cũng nhận được sự biểu dương, bởi vì ngài chính là Đại Tự Tại Vương Phật. Cuối cùng có một người, từ Ma mà bước ra thành Phật, đó chính là Phật Thích Ca Mâu Ni, không có Ma thì không thể thành Phật. Ngài đến nhân gian, muốn thành Phật thì phải trải qua Ma Vương Thiên. Từ chỗ của Ma Vương bước ra, đứng thẳng nhất, chính là Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đại Tự Tại Vương Phật và Đại Tự Tại Thiên Ma là cùng một vị, là tên gọi khác nhau mà thôi. Nếu bạn có thể cứu chính mình thì bạn là Đại Tự Tại Vương Phật. Nếu bạn đọa lạc trong tam ác đạo của địa ngục thì bạn chính là Đại Tự Tại Vương Ma. Đây là đạo lý sâu nhất!