📑

Bí mật của minh tâm

image

Bí mật của minh tâm

Bài đăng trong Chân Phật Báo số 1468

Xuất bản: 06/04/2023 Tác giả: Pháp sư Liên Án Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Bài viết của Pháp sư Liên Án

Sư Phật khai thị: “Một ngày sống uổng phí, nhân gian nhiều ngu si, sao không trọng hiện tại, nắm lấy giá trị ấy. Việc có ý nghĩa nhất của đời người là tu hành, việc có giá trị nhất của đời người là khai ngộ!” Khai ngộ minh tâm rốt cuộc là cái gì? Có một bài kệ rằng: “Có giống có không giống, không giống cũng không khác, tận dụng hết vạn vật, khai ngộ nằm trong đó!”

Cái gọi là khai ngộ của tôi là ngộ cái gì? Đây là một bí ẩn lớn nghìn năm, không một vị tổ sư nào dám nói ra, cho dù có nói ra thì cũng chỉ mơ mơ hồ hồ, các vị tổ sư đều nói, bất khả thuyết, không thể nói, vì sao không thể nói? Bởi vì, bởi vì… Cuối cùng tôi đã ngộ ra, đã hiểu rồi, tôi đã chứng đắc, tôi mới là sự thanh tịnh chân chính, cái kiến của sự khai ngộ này không thể xem thường, như sấm sét giữa trời quang, tiếng sấm vang rền.

Tôi thấy “tham là Phật tính”, bên trong Phật tính có “đại lạc vĩnh viễn”. Tôi thấy “sân là Phật tính”, bên trong Phật tính có “ánh sáng xán lạn”. Tôi thấy “si là Phật tính”, bên trong Phật tính có “giải thoát phiền não”.

Tôi nói với mọi người: Bên trong Phật tính là đại lạc (Dục giới thiên) tham. Bên trong Phật tính là tịnh quang (Sắc giới thiên) sân. Bên trong Phật tính là tính Không (Vô sắc giới thiên) si.

Tôi thật lòng thật sự nói với mọi người, có thể điều hòa đại lạc, tịnh quang, tính Không đến mức vô cùng quân bình, trở thành một ly nước trái cây tổng hợp, đây chính là bát nhã, đem bát nhã này đi dạy bảo chúng sinh tức là “đại bi độ sinh”, ly nước trái cây tổng hợp này chính là sự nhậm vận của ba thứ đại lạc, tịnh quang, tính Không.

Tôi nghiêm túc tuyên bố: Mở rộng tham (đại lạc), sân (tịnh quang), si (tính Không) ra để mà nhậm vận chính là khai ngộ, chính là minh tâm kiến tính. Nói một cách đơn giản, Phật tính chính là sự chuyển hóa tham, sân, si, tham sân si chính là Phật tính. (Văn tập Lư Thắng Ngạn số 122 - Mật Giáo Áo Nghĩa Thư, chương 11: Đại công khai khai ngộ.)

Tâm là vô hình vô tướng, không trung diệu hữu [trong cái không có cái có vi diệu], Đạo Đức Kinh của Lão Tử nói: “Vô” được gọi là sự bắt đầu của trời đất, “Hữu” được gọi là mẹ của vạn vật… Hai cái này cùng một điểm xuất phát chỉ khác tên gọi.

Thiền tông: Thứ nhất, chặt tay cầu pháp, đại sư Nhị Tổ Huệ Khả ở Trung Thổ khi mới bái tổ sư Đạt Ma đã thỉnh cầu an tâm, thầy nói: “Lấy tâm ra đây, ta sẽ an tâm cho!”

Huệ Khả đáp: “Không lấy ra được!” Thầy nói: “Ta đã an tâm xong rồi đó!”

Từ đây có thể biết cái tâm này là có, nhưng không lấy tâm ra được.

Thứ hai, ý nghĩa quan trọng của ngồi thiền, tổ sư Đạt Ma ở Thiếu Lâm Tự thấy mấy vị tăng nhân đi vào tịnh phòng ngồi thiền ba ngày ba đêm, còn quy định không được nói chuyện, sau đó tổ sư cũng theo họ đi vào. Đột nhiên đèn dầu tắt, mọi người sợ hãi mở to hai mắt.

Tổ sư Đạt Ma ở trên bàn của mình mài mảnh ngói nên phát ra tiếng vang, mọi người liền hỏi đại sư đang làm gì vậy. Đại sư hỏi ngược lại, thế các người đang làm cái gì thế. Có người trả lời rằng đang ngồi thiền thành Phật, đại sư nói lại rằng ta đang mài ngói thành gương.

Người khác phản bác lại rằng mài ngói không thể thành gương được, đại sư lại nói lại rằng ngồi thiền thì làm sao có thể thành Phật được chứ!

Người thứ ba hỏi tổ sư vậy phải như thế nào mới có thể thành Phật! Tổ sư trả lời rằng: “Cần biết rằng Phật không hề có hình thái nhất định, và thiền cũng không phải là ngồi hay nằm, phải hiểu vì sao mà ngồi thiền, bằng không sẽ vĩnh viễn không thấy đại đạo. Muốn thành Phật phải từ cái gốc tu lên, tâm là cái gốc, tội từ tâm sinh ra và cũng từ tâm mà diệt, tất cả thiện ác đều do tâm sinh.” Vì thế Phật giáo dạy: “Khẩu quyết nhập Tam ma địa là: vô sự, vô tâm, vô niệm, vô ngã.”

Tâm khí như một, tâm tức là năng lượng, khí thông mạch sẽ sản sinh đại lạc. Tôi từng xem một bộ phim do Sylvester Stallone người Mỹ đóng vai chính, nam diễn viên đóng vai một võ sĩ quyền anh, sau cái chết của người vợ trong phim, nam diễn viên rất đau buồn và nhớ nhung, anh ta thường đến trò chuyện với bố vợ. Anh từng tiết lộ trong lòng có ma quỷ nhưng không phóng thích nó ra được, cảm thấy rất khó chịu, không biết phải làm sao! Ông bố vợ không đáp lại, sau đó, nam diễn viên đi tham gia một trận đấu quyền anh, ông bố vợ làm huấn luyện viên cho anh ta, khi trận đấu đến lúc nguy cấp, thấy anh ta sắp không xong rồi, ông bố vợ hét lớn: “Hãy giải phóng con quỷ trong tim anh ra đi!” Kết quả cuối cùng anh ta đã thắng cuộc đấu.

Con quỷ này rốt cục là cái gì? Trong phim, con người dùng ma quỷ để miêu tả nội tâm của mình, điều này đã khơi dậy một suy nghĩ rất lớn trong tôi, có thể thấy rằng anh ta cảm thấy mình có một khối năng lượng rất lớn, nhưng lại không thể giải thích hợp lý, không thể phóng thích nó ra ngoài. Có thể thấy rằng nội tâm anh ta sợ hãi và bất an, nhưng cuối cùng lại nhờ sự kích phát của ma quỷ này mà giành chiến thắng. Có thể thấy tâm (Phật tính) là nguồn gốc của sự chống đỡ và năng lượng lớn nhất của chúng ta! Cái gọi là: “Pháp chính mà người tà thì pháp cũng tà, pháp tà mà người chính thì pháp cũng chính”, sức mạnh được dùng vào việc thiện thì chính là sức mạnh chính, dùng vào việc ác thì tức là sức mạnh tiêu cực, thiện ác đúng là nằm trong một niệm, vì thế tâm phải có thể tự kiểm soát, không thể tự kiềm chế thì rất dễ gọi ma thừa cơ nhập vào! Làm một con người, hành vi phải đoan chính (dừng ác), phải làm nhiều việc thiện (dương thiện), nhưng không được để trong lòng (vô tâm). Vô tâm thì tâm sẽ thanh tịnh, tâm sẽ có thể an, tâm an thì tự nhiên có thể đắc định sinh huệ, giải thoát lục đạo luân hồi sẽ dễ dàng. Bởi vậy kinh Kim Mẫu nói: “Giải thoát không khó, khó ở định huệ.”

Ánh sáng tự tâm: trong tu pháp, trong giấc ngủ, trong khi chết sẽ hiển hiện (Văn tập Lư Thắng Ngạn số 51 - Vô Thượng Mật và Đại Thủ Ấn, chương: Nghĩa chân thực của Thượng sư.) Khai thị rõ ràng của tổ sư Mật giáo, “ánh sáng tự tâm chính là Thượng sư”, pháp Đại thủ ấn chính là thực tu. Hành giả Mật tông chúng ta phải thực tu pháp Đại thủ ấn, nếu bạn thực tu pháp Đại thủ ấn chính là lấy tâm mình làm ánh sáng, dùng tâm mình làm nơi nương tựa, cuối cùng dùng ánh sáng tự tâm làm vị thầy của chính mình. Pháp Đại thủ ấn này đòi hỏi phải còng lưng nỗ lực thực hiện, tự mình đi tìm cách chứng thực, không thể nhờ thầy chứng giùm cho, chỉ cần bạn tu thành tựu vô tướng thì bạn sẽ có hào quang vạn trượng.

Sư Phật khai thị: “Người khai ngộ, bởi vì bất khả thuyết, cho nên không thể nói, mới gọi là khai ngộ!” Vạn vật hữu hình của thế gian không thể so sánh, vì thế nói rằng bất khả thuyết, nói ra cũng không trúng, Phật pháp vốn dĩ luôn tồn tại, không vì nói ra rồi mà tăng thêm một phần, cũng không vì nói ra rồi mà bớt đi một phần. Vì thế, sau cùng Phật Đà vẫn tùy duyên tùy thuận mà khuyên thỉnh, trụ thế, dùng phương tiện thiện xảo để nói Phật pháp, và pháp tức không phải pháp, không phải pháp tức là pháp, tất cả đều là Phật pháp, tất cả cũng đều không phải là Phật pháp, nếu bạn đã đến được bỉ ngạn thì không cần đến Phật pháp nữa, lúc này chúc mừng bạn đã chứng ngộ rồi!

Gửi kèm thêm bài vè đọc nhanh: “Không nói rõ không nói, nói rồi cũng như không, tuy không cũng phải nói, mong nói chẳng như không.”

Liên Án tại Đài Loan chắp tay. Bài viết đăng trên Chân Phật Báo số 1468 ngày 6/4/2023.

Xuất xứ của khai ngộ xin tham khảo: Văn tập Lư Thắng Ngạn: 1. Cuốn số 43 - Địa Linh Dấu Tích Thần Tiên, chương “Tâm yếu bí mật của thành Phật”. 2. Cuốn 274 - Đôi Lời Căn Dặn, chương “Sự hỗn độn mà tôi biết” và “Trái tim ta đang sục sôi”. 3. Cuốn 275 - Khẩu Quyết Đạo Giải Thoát, chương “Tâm đắc của thiền”. 4. Cuốn 289 - Như Mộng Như Huyễn, chương “Tâm pháp tu trì của khai ngộ”. Tuyển tập khai ngộ: 1. Tâm Kinh - bài giảng 48. 2. Viên Giác Kinh - quyển 1: Bồ đề. 3. Thảo luận ngang dọc về Phật pháp - Chính niệm trong vô niệm. 4. Bài khai thị (ngày thứ hai) trong pháp hội Uế Tích Kim Cang tại quảng trường Madison Square Garden tại New York, Hoa Kỳ ngày 22/6/1997.