Chân đế của xuất gia
Điều hay nhất, điều hay số một, chính là thân và tâm đều cùng xuất gia - thân và tâm cùng xuất gia là điều tốt nhất, cái này chính là có tâm xuất ly, thân thể rời khỏi ngôi nhà để thật sự đi tu hành, tâm cũng rời khỏi ngôi nhà này không còn muốn ngôi nhà này nữa, thân tâm đều xuất gia là chân đế chân chính của xuất gia.
Có người chỉ có thân thể xuất gia, tâm không xuất gia, mặc dù thân thể bạn xuất gia rồi, nhưng ngày ngày vẫn nghĩ về những sự việc thế tục, đây chính là thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia.
Có người là tâm xuất gia, thân không xuất gia, người này thì vẫn còn tốt. Tâm đã xuất gia rồi, tuy rằng bạn vẫn sống ở trong nhà, nhưng tâm bạn trú trong hư không, trú ở nơi Phật. Mặc dù bạn vẫn làm những việc nhà, làm những việc của thế tục, nhưng tâm bạn hoàn toàn xuất gia rồi. Đây là tâm xuất gia nhưng thân thể không xuất gia, người như vậy cũng là tốt.
Cái hay nhất là thân thể xuất gia và tâm cũng xuất gia. Cái hay thứ hai là tâm xuất gia còn thân thể không xuất gia. Còn cái không hay là thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia. Loại cuối cùng không hay nhất chính là tuy rằng bạn cạo trọc đầu nhưng thân không xuất gia, tâm cũng không xuất gia, chỉ là biểu hiện ra bên ngoài là bạn xuất gia mà thôi.
Sư Tôn trả lời câu hỏi của đệ tử:
Hỏi: Vì sao quả vị Tu Đà Hoàn vẫn có tham sân si? Đáp: Thật ra quả vị Tu Đà Hoàn này chỉ là La Hán, vẫn còn chưa đến quả vị A La Hán, trên thực tế, họ vẫn có vi trần, vì ở đây các vị được phân biệt một cách rất vi tế. Cái gọi là La Hán, Thanh Văn thừa có bốn giai đoạn, nhìn chung mà nói, ngã chấp của các vị vẫn còn, vì nếu còn ngã chấp thì mới còn tham sân si. Vì vẫn còn tham sân si, tuy các vị đã đắc được quả vị Thanh Văn, nhưng đôi khi vẫn có tham sân si. Bởi vì con người chỉ có khi tu đến vô ngã mới trừ bỏ được ngã chấp, mới không còn tham sân si. Có tham sân si biểu thị vẫn có cái ngã. Thanh Văn thừa không nhất định là hoàn toàn đạt đến cảnh địa vô ngã.
Hỏi: Thế nào là tức thân thành Phật? Đáp: Tức thân thành Phật chính là thân khẩu ý thanh tịnh, hoàn toàn tương ứng với thân khẩu ý của Đại Nhật Như Lai. Bạn tương ứng với thân khẩu ý của Đại Nhật Như Lai thì là dung nhập với Đại Nhật Như Lai rồi, tam nghiệp và tam mật hoàn toàn dung nhập mới gọi là tức thân thành Phật. Cái khó nhất chính là ý niệm của bạn, nhưng trên thực tế, thân và khẩu thanh tịnh cũng là rất khó khăn. Nhưng một người có thể đạt đến ý niệm hoàn toàn thanh tịnh thì có thể nói rằng thân, khẩu của họ đã hoàn toàn thanh tịnh rồi, ý niệm bao gồm thân, khẩu. Mật giáo là tu hành ý niệm, điểm này rất quan trọng.
Hỏi: Chỉ tu nội hỏa minh điểm, không tu thiền định sẽ có hậu quả gì? Đáp: Chỉ tu nội hỏa minh điểm không tu thiền định thì tức là điều vô nghĩa, bởi vì nội hỏa minh điểm chính là phải bắt đầu từ thiền định, không có thiền định thì làm sao có thể có nội hỏa minh điểm chứ!
Hỏi: Tu nội hỏa minh điểm không tu tâm có phải là sẽ nhập ma không? Đáp: Đây là một câu hỏi về phương hướng, bởi vì nếu bạn tu nội hỏa, chỉ cần hỏa được dẫn lên, nó sẽ đốt cháy, biến thân thể chính mình thành thanh tịnh. Bạn chỉ cần tìm cách để bản thân có thể dẫn hỏa lên, khiến cho phiền não của thân thể mình, tất cả kinh mạch mở ra có được ánh sáng tịnh quang, nếu trung mạch thông thì không dễ nhập ma. Bởi vì khi tề luân của bạn mở ra thì bạn sẽ đắc được định rồi. Bạn đã đắc được định rồi thì ma không thể xâm hại, đây là một điểm quan trọng. Khi bạn tu phương diện nội hỏa và tinh thần thống nhất, mở tề luân, thậm chí trung mạch cũng mở ra, ở bên trong cảnh giới này, tuy bạn không tu tâm, nhưng bạn đã bất động rồi, ma không thể xâm nhập.
Hỏi: Vì sao có một số sư huynh đệ đã có thể xuất thần nhưng sau đó vẫn có thể có phiền não chướng? Đáp: Xuất thần chỉ là thần thức mà thôi, không phải là một cái thần hoàn toàn thanh tịnh, không phải là cái thần hoàn toàn thanh tịnh thì đương nhiên là có phiền não chướng.
Hỏi: Kinh Tạp A Hàm viết: tâm giải thoát, huệ giải thoát, vì sao có thể đắc A La Hán? Họ không hề tu nội hỏa minh điểm. Đáp: Thiền tông không tu nội hỏa minh điểm, nhưng vào lúc tinh thần tập trung, tất cả tinh khí đều chảy ngược, điều này tương đương với đang tu nội hỏa minh điểm. Khi tâm bạn có thể đắc được giải thoát, huệ có thể đắc được giải thoát, lúc này bạn đã có định lực rồi, cũng tương đương là đang thiền định. Khi thiền định, vô hình trung tất cả hồi quang, thân thể hồi quang, chỉ cần ánh sáng chảy ngược trong thân thể thì tương đương với tu nội hỏa minh điểm. Mật giáo thì có “sự pháp”, Thiền tông hoàn toàn dùng “không pháp”, đến khi bạn hoàn toàn đạt đến tâm không, huệ không thì tất cả chảy ngược, tự nhiên đắc được quả.