Bài khai thị của TS Liên Anh tại Chân Độ Lôi Tạng Tự
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: N/A Địa điểm: Chân Độ Lôi Tạng Tự Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
Chuyến đi này xin cảm ơn lời mời của Chân Độ Lôi Tạng Tự và sư huynh Hán Sơn, cho nên hôm nay tôi mới có cơ duyên đến đây. Cũng cảm ơn Thượng sư Thích Liên Hoa Thường Trí, và các Thượng sư đã sẵn lòng cho tôi cơ hội đến để học tập. 10 năm trước tôi từng đến nước Anh, khi ấy tôi đi cùng người nhà đến du lịch, vì lúc nhỏ tôi đặc biệt thích bộ tiểu thuyết Harry Potter, nghe nói rất nhiều cảnh đều được hoàn thành ở nước Anh, cho nên từ nhỏ tôi đã có mơ ước được đến nước Anh.
Bản thân tôi học Trung văn, có một thi nhân rất nổi tiếng là Từ Chí Ma dùng lời thơ để miêu tả Cambridge của nước Anh với hình ảnh rất xinh đẹp, khiến tôi rất khao khát. Cho nên trong ấn tượng của tôi, thành phố của nước Anh có vẻ đẹp rất mơ hồ và đậm chất di sản. Chớp mắt đã 10 năm trôi qua, bây giờ tôi đã 25 tuổi rồi, tôi hiện tại đã xuất gia, trở thành người xuất gia của Chân Phật Tông. Mọi chuyện đã thay đổi rất nhanh!
Nói đến nhân duyên với Chân Độ Lôi Tạng Tự, kì thực cá nhân tôi thích nhất một bức pháp tướng của Sư Tôn chính là bức ảnh Sư Tôn mặc áo long bào màu vàng và xanh lục, ngồi trên ghế Pháp Vương, khi đến đây nhìn thì thấy hóa ra nền phía sau chính là Chân Độ Lôi Tạng Tự! Từ lâu đã có duyên rồi, chính là bức pháp tướng trân quý mà Sư Tôn đã để lại khi Sư Tôn đến đây truyền đại pháp hội Thời Luân Kim Cang vào năm 2013. Tối hôm qua, tôi lên mạng tìm một vài tư liệu về Chân Độ Lôi Tạng Tự thì nhận ra đàn thành cũng đã có rất nhiều thay đổi, rất khác so với ảnh trên mạng, tôi đã nghiệm thấy tất cả mọi thứ đều đang ở trong sự vô thường. Dường như mười năm trước khi tôi đến nước Anh, còn là học sinh cấp ba, cái gì cũng không hiểu, cũng vẫn chưa chăm chỉ tu hành. Bây giờ tôi đã là pháp sư xuất gia, đàn thành cũng khác so với lúc trước.
Có một câu nói, “chân lý không thay đổi duy nhất trên thế giới này chính là mọi thứ đều đang thay đổi”, chân lý này ít khi chúng ta để nó ở trong tâm, nhưng thật ra Phật thường xuyên nói với chúng ta phải nhớ về vô thường, như thế mới hiểu rằng đừng bám chấp, có thể xả bỏ tất cả mọi thứ. Vô thường này rất hay, dạy ta rằng thân làm người tu hành, là đệ tử Phật thì phải thường xuyên đặt vô thường ở trong tâm thì sẽ biết nắm lấy thời gian để tu hành cho tốt. Nói đến chữ “thường” trong vô thường này, đây cũng chính là pháp hiệu của Thượng sư Thích Liên Hoa Thường Trí, đã cho tôi rất nhiều gợi ý, có thường thì sẽ có vô thường.
Sư Tôn từng khai thị, nhắc đến Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Bảo Trang Nghiêm Kinh, A La Hán Tôn giả Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất cùng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đi đến Phật quốc, có đất nước lửa gió hóa hiện ra quốc thổ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Xá Lợi Phất có cảm nhận gì, Xá Lợi Phất nói Phật quang biến chiếu. Ngài hỏi ngược lại Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong mắt nhìn thấy cái gì, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói “hư không”. Chỉ có hư không mới là vĩnh hằng bất biến! Còn tất cả mọi thứ của thế gian đều đang ở trong dòng chảy của thành-trụ-hoại-không, vì thế, Phật nói vạn vật đều không có tự tính, cũng không vĩnh cửu.
Ngoài ra, thế giới mà A La Hán và Bồ Tát nhìn thấy cũng có sự khác biệt, cũng có khả năng là Xá Lợi Phất từ bi giúp chúng sinh hỏi Văn Thù nói ra hai chữ “hư không” quan trọng này, nhưng từ trong việc này, tôi nghiệm thấy tất cả cảnh giới Phật chỉ có Phật và Phật biết với nhau, cảnh giới Bồ Tát chỉ có Bồ Tát mới biết, sáu pháp giới khác thì càng không phải nói. Vì thế, đệ tử Phật chúng ta tu hành phải lấy việc thành Phật là mục tiêu cao thượng!
Bản thân tôi rất thích tượng Phật và thangka, tượng Phật ở Chân Độ Lôi Tạng Tự đều rất trang nghiêm. Theo tôi được biết, rất nhiều bức tượng là do Thượng sư Thường Trí đặt làm ở Nepal, cũng có bức là do Thượng sư Thích Liên Hoa Thường Nhân ở Trung Quốc đặt làm. Việc này cũng rất thù thắng, nhất là tôi đặc biệt thích bức thangka Ngũ Phương Phật ở phía sau lò Hộ Ma, nhìn thấy bức thangka này là tôi nghĩ đến nói với mọi người về ngũ trí. Tu hành Hiển giáo và Mật giáo có rất nhiều cái khác nhau, tu hành Hiển giáo thì tất cả Phật Bồ Tát đều ở trên đàn thành, cách chúng ta tương đối xa, mỗi khi có việc gì mới nghĩ đến Phật Bồ Tát, khi không có việc gì thì giống như phàm phu. Mật giáo không phải là cầu thần hỏi Phật thông thường, mà phải thông qua sự huân tu Phật pháp, phương pháp tu hành có thứ tự, có một ngày phải chứng minh mình chính là Phật!
Mật giáo nói Phật có năm trí, lấy Ngũ Phương Phật để đại diện, Đại Nhật Như Lai là Pháp giới thể tính trí, A Di Đà Phật là Diệu quan sát trí, Bất Không Thành Tựu Phật là Thành sở tác trí, A Súc Phật là Đại viên kính trí, Bảo Sinh Phật là Bình đẳng tính trí.
Phật giáo có rất nhiều thuyết pháp, trong đó lấy Duy thức học mà Vô Trước Bồ Tát nói, ngài cho rằng ngũ trí của Phật là từ tám thức chuyển hóa thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạt-na, thức thứ tám a-lại-da, thậm chí còn có thức thứ chín.
Còn Trung quán của Long Thụ Bồ Tát cho rằng ngũ trí là từ ngũ uẩn - sắc thọ tưởng hành thức, trực tiếp chuyển hóa, nhưng Sư Tôn từng nói, học thuyết Duy thức và Trung quán không giống nhau, nhưng đạo lý đều rất sâu, đến cuối cùng cũng sẽ thông nhau, bất kể thế nào, chúng ta kỳ vọng rằng chúng ta tu hành đều có thể chuyển thức thành trí.
Trước kia khi tôi mới xuất gia, tại Đài Loan Lôi Tạng Tự tham gia pháp hội của Sư Tôn, trên đơn báo danh tôi đã điền là hồi hướng nghiệp chướng tiêu trừ, tu trì tinh tấn, chuyển thức thành trí. Bên cạnh có một tình nguyện viên nói với tôi: “Pháp sư, thầy không thể viết chuyển thức thành trí, từ này chỉ dùng với người âm thôi.” Khi ấy tôi rất bối rối, không biết vì sao cô ấy lại giải thích như vậy. Theo cách hiểu của tôi, bất kể hữu hình hay vô hình đều là chúng sinh, chỉ cần là chúng sinh thì đều phải chuyển thức thành trí, đây là ý nghĩa lớn nhất mà chúng ta tu hành! Tôi nghĩ điều này giống với ý nghĩa cơ bản khi chúng ta làm hội nghị bái Lương Hoàng Bảo Sám, kinh văn nhắc đến rất nhiều oán hận đều là do nghiệp chướng vô minh và tập khí tích lũy nhiều kiếp của chúng ta, đời người có đủ loại tạo tác từ đó sinh ra nghiệp chướng, liên tục lưu chuyển. Dùng giới định huệ huân tu, thông qua tất cả kinh luật luận để tu học, triệt để từ tiềm thức chuyển hóa đến ý thức sâu nhất, đến cuối cùng thì toàn bộ đều chuyển hóa thành ngũ trí của Ngũ Phật, sau cùng trở về với Pháp giới thể tính trí, cũng tức là một trí. Ngũ trí của Phật trong thế giới Ta Bà vận dụng trí huệ vi diệu để độ chúng sinh thì sẽ rất viên mãn.
Lương Hoàng Bảo Sám là do Lương Vũ Đế làm cho Hoàng Hậu. Khi ấy, thiền sư Chí Công được mời làm pháp bản. Quyển sám có kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm, rất nhiều kinh điển kết tập lại trong đó mà thành quyển sám. Giới Phật giáo có rất nhiều quyển sám, có Di Đà Sám, Đại Bi Bảo Sám, Dược Sư Sám, Quan Âm Sám, Chân Phật Bảo Sám của Chân Phật Tông, v.v… Quyển sám thật ra cũng là một nghi quỹ tu hành. Nghi quỹ Mật giáo phân thành Tiền hành, Chính hành, Hậu hành. Trong tu pháp, Chính hành là quan trọng nhất, Tiền hành là xây nền móng cho Chính hành, hồi hướng của Hậu hành cũng là sự nâng cao của Chính hành.
Phương pháp tu hành đặc thù của Mật giáo là lợi dụng tam nghiệp thân, khẩu, ý chuyển thành tam mật, thật ra cũng chính là phải chuyển thức thành trí. Sư Tôn dạy rằng giá trị cốt lõi của tu hành chính là du già tương ứng. Trong nghi quỹ thông thường có thủ ấn, tâm chú, quán tưởng Bổn tôn, còn Lương Hoàng Bảo Sám cũng có nghi quỹ của nó, dùng thân khẩu ý của chúng ta dung nhập vào trong bài văn sám thì sẽ sinh ra sức mạnh. Niệm Phật hiệu xem như là Bổn tôn, kinh văn chính là chú ngữ. Trong khi niệm kinh văn sẽ phát khởi tâm sám hối, tâm từ bi, tâm bồ đề dung nhập bái sám. Người bình thường niệm kinh bị kinh chuyển, không phải chuyển kinh. Cho nên chúng ta hôm nay là hành giả có trí huệ, phải dốc sức mà làm. Trước khi nhập sám phải buông bỏ vạn duyên, loại bỏ ngoại duyên thì mới có thể thu tâm về.
Thật ra tôi đang hỏi mình một vài câu hỏi, phải chia sẻ với mọi người cái gì đây? Trước tiên nói về cái đầu tiên, thế nào mới là thân, khẩu, ý thanh tịnh. Khi bái thì thanh tịnh, bái xong lại trở về như ban đầu, thế thì nghiệp chướng của chúng ta khi nào mới có thể tiêu trừ, bái xong thì nghiệp chướng không còn sao? Bái sám chỉ là cầu tâm an sao? Rồi khi nào có việc thì mới dâng hương bái Phật, không cần làm gì cả, cũng không cần lo lắng, chẳng khác gì giao hết cho Phật Bồ Tát. Thế thì phiền não cũng không giải quyết, chỉ biết cầu vợ, tiền, con, lộc, thọ mới bái Phật. Cũng có thể cho rằng niệm rất nhiều câu Phật hiệu là có thể thành Phật, thế thì niệm Phật kệ cũng có thể thành Phật sao?
Nếu nói thiền định có thể thành Phật, thế thì hòn đá cũng có thể thành Phật sao? Đương nhiên hòn đá không đại diện cho nghĩa chân thực của thiền định. Ở đây chắc chắn có chỗ đặc biệt, mọi người suy ngẫm thử xem.
Dùng thiền định thậm thâm mới có thể loại bỏ hạt giống nghiệp chướng tập tính, vì đã được giấu rất sâu, phải rất tĩnh lặng mới có thể nhận thức được.
Đương nhiên chúng ta phải dùng tâm để trì kinh chú, cũng phải tu thiền định, thông qua tự lực, lực truyền thừa của Sư Tôn, dùng sức mạnh tính Không của Bách tự minh chú, mới có thể tiêu trừ nghiệp chướng. Thật ra quan trọng nhất là đừng tạo lại nghiệp quá khứ, sau này cũng đừng tạo nghiệp thì mới có thể thật sự gìn giữ được ánh sáng trong tâm.
Vấn đề thứ hai là nghiệm được tiếng tụng kinh có thể đem đến cho chúng ta sự cộng hưởng, sự phối hợp của Thượng sư Thích Liên Dạng, Thượng sư Thích Liên Cữu khiến chúng ta có một cảm nhận khác nhau, âm điệu cũng rất quan trọng. Vì sao có đôi khi dùng điệu bi thương, thật ra âm nhạc sẽ ảnh hưởng đến thần thức của chúng ta, thúc đẩy tâm sám hối của chúng ta. Tôi học piano từ tiểu học, ban đầu thầy giáo nói khi tôi chơi chẳng có cảm xúc, nhất định phải đánh có cảm xúc. Tôi nhớ khi ấy tôi chơi một bài nhạc nói về khinh khí cầu, phải tưởng tượng khinh khí cầu bay như thế nào, bay đến đâu, tưởng tượng những cảnh tượng liên quan rồi mới bắt đầu chơi, thế là có cảm nhận khác. Tiếng tụng kinh quán tưởng có hiệu quả tương tự như vậy, bất kể là việc gì, đặc biệt là tu hành, nhất định phải dùng tâm thậm thâm, không phải tâm thô ráp, thì mới có thể nghiệm ra được Phật pháp chân chính.
Thượng sư Liên Cữu chia sẻ việc sáng tác âm nhạc của thầy ấy, đều có điểm tương tự, phối nhạc cũng phải có âm điệu của tức-tăng-hoài-tru khác nhau, có vui vẻ, có kích động, có một tình cảm có sức mạnh. Mọi người thử nghĩ xem vì sao họ có thể hát có tình cảm?
Thứ ba, Thượng sư Thích Liên Dạng ở Indonesia (Đại Giác Đường) khi cử hành pháp hội, bày đàn pháp vô cùng trang nghiêm, mỗi gói đều có cúng phẩm khác nhau, ý nghĩa khác nhau. Cúng dường lớn nhất trong thời gian bái sám là khi niệm kinh văn biết rằng mình thật sự phạm lỗi, cảm tạ Căn bản Thượng sư, Phật Bồ Tát gia trì, các Thượng sư dẫn dắt khiến chúng ta ý thức được sai lầm của mình mà sinh khởi tâm sám hối, đây mới là cúng dường tốt nhất. Kim Cang Tâm Bồ Tát và Sư Tôn nói, trong pháp sám hối, cúng dường quan trọng nhất là cúng dường tự tính thanh tịnh, sự khác nhau giữa hiểu ra và thực tiễn là khi bạn hiểu vì sao sai lầm, biết đem sai lầm đó, dùng kinh chú để bù đắp gia trì trên người mình, dùng ý niệm thanh tịnh để nói ra sai lầm đó, phóng đại nó thật lớn đến hư không, mới là cúng dường quan trọng nhất. Rất nhiều sự việc cần tìm nguyên nhân từ chính mình, không phải chỉ cầu sự gia trì của Phật Bồ Tát.
Thời gian tu hành có Căn bản Thượng sư, Phật Bồ Tát, thiện tri thức hướng dẫn, chúng ta có chỗ nào sai sót có thể sửa chữa, rồi chân thành hồi hướng Thượng sư, Phật Bồ Tát, Hộ Pháp thường xuyên ở bên cạnh chúng ta.
Đồng môn ở Chân Độ rất có phúc phận, có đạo tràng trang nghiêm như thế này, có Thượng sư Thích Liên Thanh thường trụ, có tiền, có bạn, có pháp, có địa điểm, là một nhóm đồng môn rất may mắn. Hy vọng các bạn có thể trân trọng Tam Bảo Phật pháp tăng.
Khi ở Thụy Điển, tôi nhắc đến ý nghĩa hai chữ Tu Đức của Tu Đức Đường. Tại đây, tôi nghiệm thấy hai chữ Chân Độ là “khi mê thầy độ, khi ngộ tự độ”. Khi mê thì nương nhờ sư phụ, khi ngộ thì dựa vào đạo lý mà tu hành, đây mới là thực độ. Chữ Chân của Chân Phật Tông là tịnh thổ thật, truyền thừa thật, mật pháp thật, thật cũng là đặc tính của Liên Hoa Đồng Tử. Chân và Độ hợp lại thì vô cùng viên mãn. Tại đây xin chúc phúc mọi người, mỗi người tu hành đều có thành tựu, có thể đến Ma Ha Song Liên Trì. Om mani padme hum!