🌥️

Kí sự trưởng thành của Lư Thắng Ngạn

image

Kí sự trưởng thành của Lư Thắng Ngạn

Ghi chép theo lời kể của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn

Xuất bản năm: N/A Ghi chép: Trần Chỉ Tần Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Kí sự trưởng thành của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn. Khởi đầu của một cuộc đời bình phàm.

Phần 1. Đứa bé cuốn trong màn lụa trắng

Tỉnh Gia Nghĩa ở Đài Loan, mỗi năm vừa qua ngày Hạ chí, trên cánh đồng Gia Nam ta có thể bắt gặp hình ảnh người nông dân đầu đội nón đan lá trúc, mặc bộ đồ vải mềm màu trắng, cúi cong lưng gập người đang gặt lúa. Việc trồng lúa ở Đài Loan mỗi năm diễn ra hai lần, vụ đầu tiên vào lúc chớm xuân bắt đầu gieo mạ, đến tháng 5 nông lịch là người nông dân có thể hưởng thụ niềm vui thu hoạch những hạt giống đã gieo trồng.

Ánh mặt trời như thiêu đốt, sóng lúa xanh rì rập rờn theo gió, thỉnh thoảng có những con chim từ phía chân trời bay vòng vòng tới lui. Mùi của đất lẫn với mồ hôi của người nông dân, những bờ đất chạy giữa cánh đồng vùng thôn quê, thực sự tất cả như một bức tranh đơn sơ mộc mạc mà đầy ắp những cảnh trí đầy sức sống.

🌟

Thời gian quay ngược trở lại ngày 18 tháng 5 âm lịch, năm Dân quốc thứ 34. Chiến tranh thế giới thứ hai ở phương xa vẫn còn chưa kết thúc. Những ngôi chùa phía sau hồ Gia Nghĩa không lúc nào được nhàn rỗi, chùa nào cũng thắp đèn kết hoa, bận rộn chuẩn bị những thứ cần dùng cho sự kiện chúc mừng: cờ tam giác, túi hương, lụa đỏ, tranh vẽ. Càng gần trưa, tín chúng đổ về các chùa ngày càng nhiều. Bên trong những ngôi chùa không lớn lắm này chật cứng những khách hành hương ra ra vào vào và đầy ắp những vòng hương khói lan tỏa khắp mọi nơi.

Hôm nay là ngày sinh thần của Tổ sư Đạo giáo Trương Thiên Sư. Tình hình chính trị lúc này bất ổn, cả một niên đại khắp nơi đầy khói súng. Những gì người dân thường trên phố có thể làm có lẽ cũng chỉ là đem niềm hy vọng về hòa bình trong tâm mình gửi gắm vào trong sự sùng bái và lễ kính đối với thần minh.

Thỉnh thoảng trên bầu trời lại xuất hiện những chiếc máy bay chiến đấu đi tuần hành, tiếng động cơ rít lên từng hồi nối tiếp nhau vang lên ở phía này rồi tan biến ở phía kia, ngước mắt trông ra xa về phía chân trời chỉ thấy toàn là những vệt màu trắng mong manh còn lưu lại bởi mây và sương bị cắt xẻ.

Thiên thượng và nhân gian, chiến tranh và hòa bình, con người chắp tay khấn lầm rầm, rốt cục liệu việc này có thể xua tan đi khói sương tràn đầy khắp mọi nơi hay không?

🌟

Bởi vì cần tìm nơi lánh nạn, gia đình họ Lư lúc này đã đến sống tại một trại gà bên bờ suối Ngưu Trù (thuộc thị trấn Trúc Khê tỉnh Gia Nghĩa). Suối Ngưu Trù, còn có tên gọi là suối Ngưu Khiêu. Những người tổ tiên vượt biển đến Đài Loan cảm thấy con suối quanh co uốn lượn này giống như cảm giác lắc lư uốn éo khi ngồi trên lưng trâu, thế nên đặt tên nó là suối Ngưu Khiêu. Còn tên gọi suối Ngưu Trù ngày nay là do bởi những lời nói truyền miệng trong thôn lâu ngày bị gọi chệch đi mà thành.

Con suối này đã chảy gần nửa thế kỉ nay, nó đã tưới cho biết bao kho ngũ cốc của Đài Loan, thượng nguồn của nó là suối Phác Tử thuộc cánh đồng Gia Nam.

Suối Ngưu Trù, Đài Loan
Suối Ngưu Trù, Đài Loan

Suối Ngưu Trù nước trong leo lẻo, tiếng suối chảy róc rách, ánh mặt trời chiếu soi in hình bóng những lùm cây mọc thưa thớt hai bên bờ. Mặt nước hồ trong suốt nhìn thấu xuống tận đáy phản chiếu ánh sáng lấp loáng như những đốm sao, cả một tấm gương sáng lóng lánh. Vẻ đẹp phong nhã của một vùng nước yên gió lặng nhường này thực sự khiến người ta khó có thể tưởng tượng được rằng không ngờ nó chỉ là một góc hình ảnh được cắt ra giữa thời kì chiến tranh loạn lạc.

🌟

Hôm đó, càng gần đến giữa trưa, Lư Ngọc Nữ càng cảm thấy những cơn quặn đau trong bụng, những đợt co thắt tử cung dần dần nhiều hơn cùng với cảm giác ẩm ướt và nóng ấm đã khiến cho thai nhi trong bụng không thể kiên nhẫn chờ thêm mà sắp muốn chui đầu ra ngoài chào thế giới này rồi. Đây là đứa con đầu lòng của nhà họ Lư. Đây cũng là lần đầu tiên Lư Ngọc Nữ được trải nghiệm làm mẹ, cái giá phải trả cho việc này thấm sâu vào từng huyết mạch. Những cơn đau chuyển dạ mãnh liệt như những con sóng không ngừng tấn công, Lư Ngọc Nữ đau tới mức nổi cả gân xanh, hai tay run rẩy dùng hết sức nắm chặt lấy tấm chăn. Bởi vì thần kinh quá căng thẳng nên toàn thân từ trên xuống dưới vã đầy mồ hôi, hơi thở hổn hển gấp gáp nghe giống như những lời thổn thức cuối cùng phát ra trước khi lìa xa cõi đời vậy. Cơn đau đẻ thực quá sức chịu đựng, đau tới mức giống như bị liên tiếp những pháo lạc đốt cháy lên thần kinh vậy. [Pháo lạc: một hình phạt thời xưa, lấy lửa đỏ đốt thân thể tội phạm.]

Cái gọi là mẫu tử liên tâm liệu có phải chính là bởi vì trải nghiệm quá trình đau đớn dứt ruột dứt gan này chăng, thế nên rõ ràng là không thể tách rời, ý nghĩa vô cùng sâu sắc?

🌟

Cậu bé tên là Lư Thắng Ngạn, cái tên này được một vị hiệu trưởng đặt cho, cậu sinh năm Ất Dậu, là tuổi con gà.

Lúc sinh ra, Lư Thắng Ngạn rất gầy gò nhỏ bé, nhìn giống y như con gà con mới chui ra từ vỏ trứng vậy. Điều khá đặc biệt là cậu bé Lư Thắng Ngạn lúc vừa mới lọt lòng toàn thân giống như được khoác một lớp màn màu trắng được dệt bằng lụa mỏng mềm mại sáng bóng. Nhìn từ xa cậu bé trông giống như một con tằm đang nhả tơ tự quấn lấy mình vậy.

Bé Lư Thắng Ngạn và mẫu thân Lư Ngọc Nữ.
Bé Lư Thắng Ngạn và mẫu thân Lư Ngọc Nữ.

Hiện tượng kì lạ này khiến cho bà đỡ khi đó, người đã đỡ đẻ cho không biết bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh, không giấu khỏi nét kinh ngạc trên khuôn mặt, cứ cật lực lắc đầu nói chưa từng nhìn thấy đứa bé sơ sinh nào như vậy. Lớp vải mỏng mềm bao phủ lấy toàn thân cậu bé Lư Thắng Ngạn này thực sự không dễ rửa sạch chút nào, bà đỡ mất tới mấy ngày trời, phải dùng khăn lau có thấm dầu hỏa mới dần dần lau sạch được lớp màn vải mỏng trên người của đứa bé.

🌟

20 ngày sau, ngày 15 tháng 8 dương lịch, chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài 6 năm liên tiếp đã kết thúc sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố đầu hàng. Mọi người khấp khởi hy vọng vào một thời kì bình minh. Cuối cùng hy vọng đã trở lại với người dân sau bao nhiêu lần mong chờ được đắm mình trong làn nước mùa thu.

Đó là một điểm kết thúc. Một chiến dịch toàn cầu khiến cho 50 triệu người hi sinh cuối cùng đã kết thúc rồi. Đó cũng là một điểm khởi đầu. Con người rốt cục lại tiếp tục cuộc sống hòa bình và an định, không gì khác hơn là một giấc mơ bình phàm.

Điểm kết thúc và điểm khởi đầu đều xảy ra không bao lâu sau khi đứa bé được quấn lớp lụa trắng đến với con người thế gian.

Đất nước Đài Loan vừa mới khôi phục vẫn đang trong thời đại đêm tối của giới nghiêm và bị khống chế thời gian bật đèn. Mỗi khi ánh hoàng hôn cuối cùng bị nuốt chửng bởi màn sương đêm, bầu trời nhuốm màu đỏ ối từ từ chuyển sang màu xám tro mờ mịt, trời đất càng giống như mang theo những bí mật đen tối đi vào giấc mộng vùng quê. Điều kì lạ là mỗi lần đến thời điểm này, cậu bé Lư Thắng Ngạn nhỏ xíu cứ gào khóc mãi không dừng.

🌟

"Làm sao dỗ yên được đứa bé này đây? Sao mà gào khóc to đến vậy?" Lư Ngọc Nữ nhỏm dậy đi châm ngọn đèn dầu trên bàn, chuẩn bị đi xem thằng bé ra sao.

Ngọn bấc đèn dầu được châm lên bập bùng một ngọn lửa màu cam, chẳng mấy chốc ánh sáng đã cắt xuyên qua không gian tối đen đặc. Nói kể cũng lạ, Lư Thắng Ngạn lúc ấy lập tức giống như gặp phải "nốt lặng" trong bản nhạc, trong nháy mắt đã im bặt những tiếng nức nở và nghẹn ngào. Có vài lần sau khi màn đêm buông xuống, đứa bé này cứ luôn như vậy mà không rõ vì nguyên nhân gì, chẳng vì lý do gì mà cứ khóc gào lên như vậy.

Hóa ra là nó sợ tối.

Nó thích nhìn đèn, thích nhìn ngọn lửa, thích nhìn những điểm sáng phát ra ánh sáng rực rỡ.

Bé Lư Thắng Ngạn ở cạnh mẫu thân.
Bé Lư Thắng Ngạn ở cạnh mẫu thân.

Sau này, thường thường sau bữa cơm tối, cha mẹ bế đứa bé con đỏ hỏn thích nhìn ánh đèn này ra bên ngoài nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Lư Thắng Ngạn với cặp mắt tròn xoe cứ nhìn chăm chú đến sững sờ vào những ngôi sao trên màn đêm đen sì, nhìn một cách đầy tập trung tư lự vào bầu trời đêm rộng lớn.

"Nhìn xem này, đứa bé này mắt cứ dính chặt lên bầu trời, không biết nhìn thấy rồi đang nghĩ gì đây?" Những người lớn tuổi sau bữa cơm bữa trà đều tập trung lại như vậy để trò chuyện đủ thứ trên trời dưới biển đông tây nam bắc.

Một vầng trăng sáng, một bầu trời đầy sao, những người lớn tuổi lúc này đang trò chuyện và ngắm trăng sao không hiểu, nhưng Lư Thắng Ngạn hiểu. Một đêm hè rỉ rả tiếng ve kêu, gió mát thổi vi vu, ánh trăng ánh sao rải xuống thấm đẫm cảnh vật đã ôm ấp vỗ về đứa bé sợ bóng tối này, khiến nó không còn thổn thức khóc nữa.

Phần 2: Đứa trẻ tai chuột

Lư Thắng Ngạn lúc nhỏ ngoài cơ thể gầy yếu ra, điều khiến người ta ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là đôi tai bé tí của cậu bé. Dáng người nhỏ bé lại cộng thêm đôi tai nhỏ xíu, bộ dạng này của cậu xem ra cực kì giống một con chuột nhỏ.

Theo quan niệm của thế hệ trước thì tai của một người cần càng to càng tốt, bởi vì tai tượng trưng cho phúc phận của con người. Hễ có buổi tụ tập trong làng, Lư Nhĩ Thuận thường thích ở trước mặt mọi người chỉ vào đôi tai của Lư Thắng Ngạn nói một cách oán trách: "Xem này, xem này, đứa bé còm nhom như chữ "bát" (八) này, tai còn vừa ngắn vừa nhỏ, xem ra chẳng thể có được tí phúc báo nào, tương lai chắc chắn số mệnh sẽ xấu lắm!"

Ảnh chụp toàn gia. Tôn sư Lư Thắng Ngạn lúc này còn bé đứng phía trước.
Ảnh chụp toàn gia. Tôn sư Lư Thắng Ngạn lúc này còn bé đứng phía trước.

Trong ấn tượng về tuổi thơ của Lư Thắng Ngạn, cha cậu thường đuổi theo kéo tai cậu nói rằng ông muốn kéo cái tai chuột này cho nó dài hơn, dày hơn. "Kéo cho nó dài dài ra nhìn cho nó trông may mắn hơn một chút…" - Lư Nhĩ Thuận thường nói như vậy.

🌟

Vào tiểu học, Lư Thắng Ngạn học trường Tiểu học Đại Đồng. Trường nằm ở chính hướng tây của quận Tân Hưng tại thành phố Cao Hùng, được thành lập vào năm Dân Quốc thứ 24 thời đại còn bị Nhật Bản chiếm đóng, bởi vậy đây là một ngôi trường cũ có lịch sử lâu dài.

"Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ". Trong cuộc sống nông nghiệp nhìn trời đất mà sinh hoạt đó, nhà nào nhà nấy suốt cả ngày dài bận rộn để lo cho bữa ăn kế tiếp, thực sự số gia đình có thể chu cấp cho con cái đi học chỉ là thiểu số. Đa số các bạn học khi về nhà đều phải giúp đỡ gia đình việc nhà nông, nuôi lợn nuôi gà, hoặc đến mỏ dầu hỏa để nhặt than bánh kiếm thêm chút tiền sinh sống. Do vậy chỗ ngồi trong lớp học thường xuyên có quá nhiều học sinh vắng mặt, trông lồi lõm như ổ gà vậy. Mặc dù nói giáo dục là nghĩa vụ quốc dân, nhưng trên thực tế, đại đa số đứa trẻ đi học đều là bữa đực bữa cái.

Bởi vì việc đi học không dễ dàng, thân phận giáo viên tự nhiên cũng đại diện cho một dạng trình độ địa vị xã hội. Ta sẽ thường nhìn thấy cảnh những bậc cha mẹ chưa từng đọc qua cuốn sách nào vô cùng kính cẩn thành tâm giao con cái mình vào tay những người giáo viên, lại còn không quên kính cẩn nhắc nhở cầu xin: "Xin thầy đừng ngại ngần, trẻ con cần phải bị đánh thì mới trưởng thành được!"

Vào thời kì mà ai ai cũng đều "cầu xin được trưởng thành" như vậy, tự nhiên cũng chẳng có người nào từng băn khoăn xem việc này liệu có hợp tình hợp lý hay không.

🌟

Điều khiến Lư Thắng Ngạn nhớ sâu sắc nhất chính là một tiết học Công dân.

Hôm đó, tiếng chuông báo giờ học vừa dứt không bao lâu, những đứa trẻ nhỏ không thích rời khỏi lớp học vì thời gian nghỉ không đủ, còn những đứa trẻ lớn thì chẳng thích thú gì khi phải trở vào lớp học, chúng vừa đi vừa chơi. Lúc này bỗng thầy giáo dạy công dân mặt mày xám ngoét không rõ vì sao, nổi giận đùng đùng chạy từ ngoài hành lang vào trong lớp học, thầy vừa đi qua khỏi cửa liền cảm thấy ngay một bầu không khí căng thẳng đi theo, sự u ám không xác định bao trùm lấy mọi ngóc ngách của toàn bộ lớp học.

Những đứa trẻ nhỏ không dám làm ồn, mau chóng chấn chỉnh lại tư thế ngồi, giả vờ giả bộ giở sách vở ra…

Thầy giáo công dân tức giận tới mức sắp bốc hỏa đứng trên bục giảng không nói một câu nào càng khiến cho người khác nghẹt thở, cảm giác giống như chỉ cần một cây kim rơi xuống cũng có thể kích nổ một quả bom lớn chưa từng có.

Đám học sinh sợ đến mức không dám ngẩng đầu lên, chỉ thấy đứa nào đứa nấy len lén trao đổi những cái nhìn hoang mang bên dưới bục giảng. Sự im lặng kéo dài khoảng vài phút, thầy giáo đột nhiên thẳng tay ném cuốn sách lên bàn giáo viên mạnh tới nỗi chiếc bàn rung lên làm những viên phấn nảy lên cao. Rồi thầy đút hai tay vào túi, nhìn khắp lớp học, cái nhìn sắc nhọn giống như đang tìm kiếm một con quỷ nhỏ xui xẻo để cho ông trút cơn giận dữ này.

🌟

"Đứng dậy! Lên đây! Mau!" - Thầy giáo giống như một con sư tử mất kiểm soát gào xuống phía dưới bục giảng.

Ánh mắt nhìn khiến người khác không rét mà run của thầy giáo không may gặp trúng Lư Thắng Ngạn, bốn mắt nhìn nhau, cậu bé biết ngay mình bị đại họa giáng đầu rồi. Bây giờ cậu càng bị những lời mắng mỏ không rõ nguyên nhân kia dọa cho khiến toàn thân run rẩy.

"Chính là mày, tao ghét nhất là mày, cái đồ tai chuột kia! Chính là mày, chính là mày!" - Thầy giáo tức giận phừng phừng vừa gào thét vừa đi xuống dưới lớp học, thẳng đến chỗ ngồi của Lư Thắng Ngạn.

Cậu bé Lư Thắng Ngạn vô cùng hoang mang, không hiểu có chuyện gì xảy ra. Chỉ có trực giác cho cậu thấy rằng lúc này chỉ nên mau chóng nói với thầy mấy tiếng "con xin lỗi"…

"Thầy… thầy, con… xin…"

Tốc độ của lời xin lỗi không theo kịp cơn phẫn nộ phừng phừng của thầy giáo. Một tiếng "bốp", Lư Thắng Ngạn cảm thấy trên mặt mình một cảm giác bỏng rát, tức thì chân không trụ vững nổi nữa, cậu ngã dúi dụi bên trái bên phải, đâm bổ vào bàn học của bạn bên cạnh.

Cái tát bất ngờ như trời giáng này thực sự khiến cậu bé Lư Thắng Ngạn sững sờ, trong đầu cậu vẫn in rõ mồn một hình ảnh phẫn nộ trong ánh nhìn của thầy giáo. Má phải của cậu vừa đau vừa tê buốt giống như bị sét đánh trúng vậy, mặt nóng rát như bị bỏng. Tiếp theo đó cậu không biết làm sao để đối mặt với sự ngại ngùng nên càng đỏ mặt tía tai, đầu bị choáng tới mức nảy đom đóm mắt, còn chưa kịp hoàn hồn.

Lúc này cậu chỉ nhìn thấy thầy giáo công dân, sau khoảnh khắc không kiềm chế được cơn giận dữ, cuối cùng đã lấy lại được lý trí cần có, ông tỏ ra như chưa có chuyện gì xảy ra, chỉnh lại cổ áo xộc xệch và mái tóc bù xù rồi quay người trở về bục giảng, mở sách ra, sau đó bắt đầu giảng bài như bình thường.

"Hóa ra việc không đáng nhất chính là cái tai giống như tai chuột của mình đã khiến cho thầy giáo ghét đến vậy…"

Xoáy nước trong lòng khó nói thành lời, nỗi nhục có thể nuốt xuống nhưng tâm trạng cần được trút ra, chỉ là tâm trạng này nên trút ra cho ai nghe đây?

🌟

"Thằng tai chuột", các bạn trong lớp đều hét vào cậu như vậy.

Lư Thắng Ngạn là học sinh nhỏ bé nhất lớp, luôn luôn ngồi ở dãy bàn đầu trong lớp học. Cũng bởi vì mối liên quan này mà Lư Thắng Ngạn thường bị những bạn học to con hơn trong trường bắt nạt, bị đối xử như cái "bao cát". Không hiểu vì sao mà cậu luôn phải chịu cảnh làm cái "bị đấm" cho mọi người.

Hôm nay lẽ ra nên là thời gian vui vẻ nhất của Lư Thắng Ngạn. Tranh thủ sau giờ học, cậu cùng mấy người bạn trong lớp vui vẻ chơi trò uông tử tiêu. Uông tử tiêu là một tấm thẻ bài tròn tròn nhỏ nhỏ, đường kính khoảng vài centimet, xung quanh có đường uốn lượn trơn tru mượt mà, mặt trên có các loại hình ảnh, thông thường chúng được in những hình các con rối tay hoặc các nhân vật hoạt hình đang thịnh hành thời đó.

Ngày nay trẻ em đã quen thuộc với các loại trò chơi chạy bằng pin, bởi vậy rất khó có thể hiểu được những cái thẻ bài tròn tròn dày dày kia rốt cục có sức hấp dẫn gì mà có thể khiến cho các thế hệ cha ông của chúng mê mải suốt cả ngày trời.

🌟

Hôm nay vận may của Lư Thắng Ngạn không tệ, chỉ sau vài ván cậu đã thắng được đầy cả một túi chiến lợi phẩm. Lúc này mấy người bạn học vừa béo vừa khỏe đi tới, trong đó có một cậu được gọi là "Đại Cô" (đai to) béo tới nỗi xem ra phải khó khăn lắm mới ních vừa bộ đồng phục màu khaki. Kế bên cạnh là một cậu bạn khác đeo trên cổ sợi dây giày màu trắng tên gọi là Lạc Cước, chưa cần đứng thẳng dậy đã cao hơn Lư Thắng Ngạn tới hai cái đầu. Cái nhìn ranh mãnh của chúng, khóe miệng nhếch lên cười khẩy, hai đứa có bộ dạng đang tới để gây sự.

"Làm sao đây nhỉ? Hôm nay chúng tao ngứa tay quá! Thực sự cần tìm một đứa để luyện quyền, chúng mày nói xem có đúng không?" - Thằng nhóc tiểu đại ca dẫn đầu làm động tác bẻ ngón tay kêu răng rắc.

Không kịp thu dọn đám thẻ bài còn đang lộn xộn trên mặt đất, Lư Thắng Ngạn và các bạn cùng chơi đã trông thấy lũ hung thần ác quỷ đi đến, muốn quay người bỏ chạy cũng không kịp nữa rồi, buộc phải co rúm lại với nhau trên mặt đất, sợ sệt nhìn nhau không dám ngẩng đầu lên.

"Ý? Thằng tai chuột bữa nay vận may cũng không tệ nhỉ! Vậy thì đánh nó là đúng rồi, hôm nay tao thực sự nhìn nó không vừa mắt!"

Tiếp theo đó là một trận đấm đá tối tăm mặt mũi và những tràng nhạo báng giễu cợt. Những nắm đấm thụi lên người, lên mặt, mỗi cú đấm đá đều khiến người ta cảm thấy nổ đom đóm mắt, chóng mặt quay cuồng.

Đối diện với sự bắt nạt vô duyên vô cớ không cần lý do này, Lư Thắng Ngạn vẫn chịu đựng mà không khóc. Những vết thương đau đến mức dứt da dứt thịt hết lần này tới lần khác đó cứ dần dần khắc sâu vào trong lòng cậu bé.

"Ha ha ha! Đồ ngu, thằng tai chuột khốn nạn không dám đánh lại!" - Vừa nói vừa xổ những lời khinh miệt vào mặt Lư Thắng Ngạn, chúng ném từng tấm thẻ bài, sau đó chỉ còn trông thấy một đám trẻ sau khi đạt được niềm vui phù phiếm bên ngoài nghiến răng cười lớn rồi bỏ đi.

🌟

Nói ra kể cũng lạ, mấy người bạn học này, mỗi lần nói muốn luyện gân cốt, giãn xương khớp, nhưng những nắm đấm thì hoàn toàn là thật, cứ thế giáng xuống đầu Lư Thắng Ngạn, một ngày vài lần, một lần vài đấm. Tất cả bọn chúng đều thấy việc này rất vui.

"Con chuột nhắt là tôi đây ở trong nhà đã chẳng có chút may mắn gì, ở trường học là thằng bé tai chuột, luôn luôn phải chịu đựng số phận khiếm khuyết. Tôi cố gắng hết sức để kiềm chế bản thân, một mình chịu đựng, không làm kinh động đến bất kì ai. Tôi thường nghĩ những chuyện cỏn con này nếu tôi có thể nhẫn nhịn được thì cứ nhẫn nhịn đi."

Những người bạn học luôn dứ nắm đấm, thích động thủ với người đối diện này, có lẽ phải rất lâu rất lâu về sau mới có thể phát hiện ra trong trò bắt nạt tưởng chừng hay ho năm đó, cái "thằng tai chuột" chưa từng bao giờ thốt ra một lời nào đó lại có một tính cách và mức độ chịu đựng cứng cỏi mà chúng không thể tưởng tưởng được. Tinh thần và sức mạnh khi đối diện với sự đối xử bất hợp lý, không công bằng của "thằng tai chuột" mạnh mẽ vượt xa năm ngón tay túm chặt của chúng, vượt xa những nắm đấm lộ cả gân xanh của chúng đến cả triệu lần.

Những bài luyện tập nhẫn nhịn liên tiếp liên miên khiến cho đôi chân tưởng chừng yếu đuối run sợ đã vươn lên trở thành một con người cao quý đáng tự hào.

🌟

Trước khi Lư Thắng Ngạn ra đời, Đài Loan đã từng trải qua 50 năm bị Nhật chiếm đóng. Những đứa trẻ lớn lên trong thời kì này bị ảnh hưởng bởi quan niệm uy quyền trong truyền thống phụ hệ của Nhật Bản cực kì sâu sắc. Trong gia đình, người chủ của một gia đình đa thế hệ có địa vị tối thượng, một lời nói hành động của người này đều có trọng lượng tuyệt đối. Hình tượng chắc nịch và nghiêm khắc này đã hằn sâu trong tâm, những đứa trẻ khi đó đối với cha hầu hết là giữ khoảng cách tôn kính, không dám có bất kì sự chống đối nào.

Cha của Lư Thắng Ngạn, ông Lư Nhĩ Thuận chính là đã trưởng thành trong hoàn cảnh như vậy.

Cha của Lư Thắng Ngạn lúc còn trẻ.
Cha của Lư Thắng Ngạn lúc còn trẻ.

Đối với một người mà nói, chúng ta không chỉ thừa hưởng dòng máu được truyền từ cha mẹ mà còn đồng thời chịu ảnh hưởng bởi thái độ sống của họ, thậm chí cách thức họ giáo dục vợ con. Ngoài ra người đó sẽ kế thừa quan niệm thái độ này và tiếp tục dùng chúng để giáo dục thế hệ con cháu tiếp theo của mình.

Cuộc sống có lẽ vốn là một việc rất phức tạp, nó có quá nhiều quá nhiều niềm vui và nỗi buồn đan xen. Hãy lấy chính mối duyên phận giữa Lư Nhĩ Thuận và Lư Thắng Ngạn để nói. Mặc dù là cha con ruột thịt cùng chung một dòng máu, nhưng giữa họ vẫn có rất nhiều nỗi chua xót mà có lẽ chỉ nên giữ trong lòng của chính người trong cuộc.

🌟

Có một lần tan học sớm, Lư Thắng Ngạn vui vẻ vừa đi trên đường vừa ca hát nhảy nhót, lẩm bẩm những ca từ mà cậu tự nghĩ ra. Cậu lẩm nhẩm hát, cảm nhận mặt trời, gió nhẹ, hoa cỏ, cây cối đều đang lắc lư theo cậu. Tâm trạng cậu bé vui vẻ tới mức ngay cả cảnh vật bên đường đều biến thành những nốt nhạc đang nhảy nhót trên năm dòng kẻ của khuông nhạc.

Nhưng lại có một điều không may là…

Vừa bước chân qua cửa nhà, cậu đã nghe thấy tiếng cha gào thét từ trong phòng vọng lại, "Răng đau à! Răng đau có phải không! Thế còn cãi cái gì! Hát cái bài gì mà khó nghe, hay là đang hát bài Khốc Điều Tử đấy à?" [Khốc Điều Tử: một bài hát dân ca được lưu truyền lâu đời ở Đài Loan, lời lẽ và giai điệu buồn thảm bi thương.]

Rồi lập tức trông thấy Lư Nhĩ Thuận giận dữ điên cuồng từ bên kia tấm màn cửa kết từ những hạt tròn lao vụt ra. Cơn giận phừng phừng khiến ông tóm lấy cây roi tre vung cao đến trời, rồi tiếp theo đó là tiếng gió vun vút cùng với sức mạnh của cánh tay vụt xuống tới tấp một cách đầy tàn nhẫn. Viu! Viu! Âm thanh của tiếng roi đánh xuống nhanh như gió, chẳng mấy chốc, trên hai cánh tay và đôi chân nhỏ khẳng khiu của Lư Thắng Ngạn lập tức nổi đầy những vết thương sưng đỏ và những vết bầm vừa đen vừa tím.

Chiếc roi tre gần như te tua luôn luôn được đặt trên nóc chiếc đài radio trong nhà, chuyên môn được dùng để "phục vụ" Lư Thắng Ngạn.

Cậu bé Lư Thắng Ngạn đụng đâu xui đó, bước chân đi luống cuống một chút là liền nghe tiếng Lư Nhĩ Thuận nhướn mày trừng mắt tiến đến gần và hét lên đầy dữ dằn: "Mày lại làm sao đấy! Rốt cục là mày lại làm trò gì? Không biết đi đường đúng không, hay là mày đang luyện tập thể thao? Bóng với chả bánh?"

Mỗi lần như vậy, Lư Thắng Ngạn liền biết ngay mình lại thảm rồi, sẽ bị ăn roi, khi thì roi tre, khi thì thanh kiếm gỗ vừa nặng vừa dày kiểu Nhật, khi thì cây chổi tre quét lá rụng, có khi thì là ống nước, sào phơi quần áo. Nói tóm lại, bất kì "gia pháp" nào có thể được dùng tạm thời để "dạy dỗ" trẻ con, Lư Thắng Ngạn đều đã từng được nếm trải những cơn đau nhói tê buốt do chúng gây ra trên thân thể mình.

Mặc dù như vậy, cậu bé con vẫn luôn luôn đứng vững, không khóc cũng không chạy. Những cơn gào thét phẫn nộ bất ngờ giáng xuống hết lần này tới lần khác luôn khiến cho cậu bé Lư Thắng Ngạn thời thơ ấu sợ hãi và hốt hoảng. Tính cách nghiêm khắc dễ nổi giận của cha khiến cho cậu từ đầu tới cuối đều không tìm ra cách nào để đến gần và thân thiết với ông.

🌟

Trong lòng của thằng bé tai chuột cũng luôn khao khát một vòng tay rộng lớn dịu dàng ấm áp có thể dẫn dắt cậu trưởng thành. Cậu cũng khao khát một bờ vai vững chắc có thể cho cậu gục vào những lúc muốn khóc, hoặc cho cậu tạm thời dừng lại một chút để dựa vào và nghỉ ngơi.

"Những gì là quá khứ đều đã qua rồi, đối với cha, trong lòng tôi vẫn là một sự biết ơn vô cùng vô tận. Đây là sự rèn luyện của cuộc sống. Khi tôi còn nhỏ những lúc khóc nhiều hơn lúc cười, nhưng đôi khi tôi không để cho người khác biết rằng trong lòng tôi đang khóc. Tôi mím chặt môi, nuốt cơn thổn thức vào trong, bất kể là bị cha mẹ đánh, hay là thầy cô giáo chì chiết, hay là bạn học bắt nạt, tôi đều học được khả năng nhẫn nhịn."

"Mỗi nhà đều có một câu chuyện khó nói", hãy lạc quan ngước nhìn những ánh đèn rực rỡ, Lư Thắng Ngạn từ khi còn rất nhỏ đã có thể hiểu rõ đạo lý này rồi…

Phần 3. Sự ôm ấp của sách và biển

"Ha ha ha! Lần này đạt được hai con dấu rồi, bài sau không cần phải học thuộc nữa!"

Tiếng chuông báo giờ lên lớp vừa dứt, các bạn học cùng lớp ai nấy đều lắc lắc quay quay đầu, rì rà rì rầm đọc thuộc lòng bài học. Lư Thắng Ngạn ngồi trên bàn ghế gỗ mà không khác gì ngồi trên đống đinh, tâm trí từ đầu tới cuối đều không thể đặt vào sách vở, ánh mắt cậu tò mò nhìn xung quanh lớp học và các bạn cùng lớp, quan sát nhất cử nhất động của mọi người.

Đây là môn học mà Lư Thắng Ngạn cảm thấy đau đầu nhất. Ngay khi tiếng chuông báo tan trường vang lên, những bạn học đã học thuộc cẩn thận lần lượt theo thứ tự đi lên bục giảng, đọc thuộc lòng bài cho giáo viên nghe. Rồi lại từng người lần lượt không ngừng vẫy vẫy cuốn vở cho người khác phải ngưỡng mộ. Còn bản thân cậu thì lúc nào cũng phải nỗ lực vất vả, khó khăn khổ sở mới có thể đạt được những con tem hình sao quay vòng vòng, trong lòng Lư Thắng Ngạn lại cảm thấy càng lo lắng hơn.

"Nhanh lên, nhanh lên, sắp học thuộc xong rồi… Sao học lâu thế rồi mà vẫn chưa thuộc vậy?" - Đơn giản là Lư Thắng Ngạn đang rơi vào tình trạng khẩn cấp, một mặt cậu tự "tiêm" cho mình một liều thuốc trợ tim, một mặt bồn chồn lo lắng cứ kéo ngón tay suốt.

🌟

Trong những môn học thời tiểu học, Lư Thắng Ngạn ghét nhất là môn học thuộc lòng. Không biết vì sao mà dù chỉ là một đoạn văn rất ngắn, cậu cũng phải mất tới vài ngày mới có thể đọc thuộc được. Có lúc để ứng phó với môn học khó khăn này, Lư Thắng Ngạn còn tranh thủ lúc sáng sớm tinh mơ ánh mặt trời vừa lấp ló đã tỉnh dậy để học thuộc bài, đọc đọc đọc, đọc đọc đọc, đọc suốt cả quãng đường từ nhà đến trường, Lư Thắng Ngạn miệng không ngừng lẩm nha lẩm nhẩm bài văn một cách vô vị. Cho đến khi chính mình cũng giống như các bạn học khác, cho đến khi bước lên bục giảng…

"Nhanh nhanh nhanh, tới đây đọc bài. Mau… mau… mau.""Mau… mau… mau…"

Trong đầu Lư Thắng Ngạn đã sẵn sàng cho một kết cục thảm hại, hai mắt không ngừng đảo lòng vòng tìm kiếm. Trong đôi mắt của cậu bé ánh lên cái nhìn cầu khẩn và sự phó mặc vô hạn, cậu trông chờ vào một linh cảm nào đó sẽ đến ."Cầu xin hãy nhắc cho con một chữ, nhắc cho con một chữ thôi…, một chữ là tốt rồi…"

🌟

Cậu luôn luôn không hiểu vì sao các bạn học khác có thể dễ dàng ghi nhớ bài học vào trong đầu như vậy? Họ giống như cái máy photocopy chỉ cần ấn một cái nút là có thể mau chóng chạy ro ro, bíp bíp bíp bíp là có thể mở miệng ra lặp lại từng trang từng trang bài học. Vì sao việc này đối với người khác xem ra là một việc dễ dàng như trở bàn tay, còn đối với cậu thì lại trở thành việc khó như lên trời vậy.

Học thuộc xong bài thứ nhất, còn có bài thứ hai. Học thuộc xong bài thứ hai, còn tiếp tục có bài thứ ba…

"Ai da…" Mỗi lần nghĩ đến việc này, Lư Thắng Ngạn liền cảm thấy hai vai nặng trĩu, bỗng chốc cậu như hoa héo. Việc học thuộc lòng thực sự là một biển khổ vĩnh viễn không có lối thoát!

"Tôi thực sự hy vọng có một phép thuật nào đó có thể nhét một mạch những bài học vào trong não…" Chăm chú nhìn ngắm những con chim sẻ kêu lích ra lích rích bên ngoài cửa sổ, Lư Thắng Ngạn luôn luôn nghĩ một cách tự do bay bổng như vậy.

🌟

Giống như bao đứa trẻ khác, Lư Thắng Ngạn cũng có những lúc mải chơi, có những lúc nghịch ngợm. Bởi vì sợ cái roi mây của thầy giáo nên cậu sẽ lén lút lấy vải rách nhét vào trong quần. Bởi vì hy vọng né được những cái roi trừng phạt của thầy giáo mà cậu sẽ đứng cạnh những người bạn học có hoàn cảnh gia thế tốt, đợi cho tới khi thầy giáo không dám xuống tay đánh nữa mà đành phải nói "Được rồi, được rồi! Hôm nay không đánh nữa, đánh tới đây thôi…".

Vậy thì rốt cục Lư Thắng Ngạn dùng phương pháp gì mà lần đầu tiên có được hai dấu tem, rồi lần lượt vượt qua từng kì thi một?

"Giấu! Giấu! Giấu! Tôi giấu! Tôi giấu! Tôi giấu!"

Khóe miệng Lư Thắng Ngạn khẽ mỉm cười, cái biểu hiện đắc ý đó thật giống như đang thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật vô cùng khéo léo vậy.

Cậu bé âm thầm sung sướng dùng sức ấn lên cuốn vở, mau chóng lợi dụng hơi nước nóng và những dấu tem hình sao còn chưa khô mực, cậu ấn mạnh chúng lên bài học của trang kế tiếp. Thử nghiệm này thành công hết lần này tới lần khác càng khiến cho cậu tăng thêm sự tin tưởng đối với cái ý tưởng ranh mãnh này. Sau này thậm chí khi mực đã khô rồi, Lư Thắng Ngạn cũng sẽ tự mình nhỏ vài giọt nước lên cuốn vở, rồi lại dùng cách này để tiếp tục copy những con dấu tem hình sao.

🌟

Chỉ là người có tính nghìn tính vạn cũng không bằng ông trời tính một. Điều Lư Thắng Ngạn không ngờ đến là…

"Thằng bé Lư Thắng Ngạn này rõ ràng là học thuộc lòng đâu có giỏi thế này! Quái lại sao bỗng nhiên bây giờ lại thuộc làu làu tốt thế?"

Cho dù là tròn hay méo, đối với tính cách và trình độ của mỗi đứa trẻ trong lớp, người làm giáo viên đương nhiên là quá quen thuộc, nắm rõ trong lòng bàn tay. Lư Thắng Ngạn liên tục vượt qua bài kiểm tra rốt cục cuối cùng cũng khiến cho thầy giáo nghi ngờ. Kết quả đã quá rõ ràng, tất cả mọi giấc mơ phép màu đẹp đẽ của cậu bất ngờ tan tành, đổi lại đương nhiên là một trận roi tre cháy da cháy thịt.

Lư Thắng Ngạn hồi nhỏ không phải là một học sinh đạt tiêu chuẩn. Cậu không thích đi học, trên phương diện học tập từ đầu tới cuối thành tích đều không xuất sắc. Chỉ có năm học lớp 4, cậu từng được một giáo viên tên là Nhan Thủ Chân đặc biệt quan tâm dạy dỗ, việc học của cậu đột ngột có nhiều tiến bộ, còn những thời gian khác, Lư Thắng Ngạn gần như là luôn ở giữa ngọn roi của thầy giáo mới có thể vượt qua được bài thi "Mãn Giang Hồng" [tên một bài thơ của Nhạc Phi, một vị tướng quân giỏi đời nhà Tống ở Trung Quốc].

🌟

Nhưng cũng có một điều an ủi, mặc dù Thượng đế đóng cánh cửa này, nhưng cũng sẽ mở ra một cánh cửa khác cho cậu.

Đối với việc học tiểu học Lư Thắng Ngạn không có một chút hứng thú nào, nhưng cậu lại vô cùng thích đọc những sách ngoại khóa. Cậu đã từng rung động khôn xiết trước tinh thần hào kiệt của những người cùng lý tưởng như Cầu Nhiêm Khách [một nhân vật anh hùng hào kiệt trong tiểu thuyết võ hiệp] và Lý Thế Dân [vua Đường Thái Tông, được đánh giá là một vị vua vĩ đại của nhà Đường, được hậu thế đời đời ngưỡng vọng], lập chí tương lai sẽ trở thành một hiệp khách giang hồ vác kiếm đi tới tận chân trời, đấu tranh cho công lý, trừ ác phục thiện.

"Từ khi còn rất nhỏ tôi đã thong dong ngao du trong thế giới của những cuốn sách. Sách là thiên đường của tôi, là bầu trời của tôi, là đại dương của tôi, là vương quốc của những giấc mơ an lành của tôi."

"So với những cuốn sách giáo khoa khô khan chán ngắt, việc đọc sách một cách tự nhiên đã trở thành một thế giới khác trong cuộc sống. Bất kể tâm trạng có buồn bã tối tăm thế nào, chỉ cần trốn vào trong thế giới này, tôi liền giống như được chắp thêm đôi cánh, lập tức cảm thấy được phiêu du khắp mọi phương trời xa xôi từ những con chữ, được tùy ý mở rộng tầm mắt mở rộng con tim ngao du giữa những cuốn sách cuốn truyện.

Đó là một dạng tương tác vô cùng tinh tế tuyệt vời, không chỉ là một kiểu hưởng thụ mà đồng thời còn là một sự trưởng thành."

Đọc sách và sáng tác, hai sở thích ngang nhiên độc lập này giống như giàn giáo, đã mở ra cho Lư Thắng Ngạn một thế giới cổ tích tràn đầy trí tưởng tượng. Chỉ có vào những lúc này, cậu mới không còn lo lắng về những cái bạt tai hay những cú đấm liên tiếp giáng xuống, hoặc những cây roi cây gậy từ trên trời bay tới.

🌟

"A! Sáng tác của Lư Thắng Ngạn được tờ Bạn Học xuất bản rồi này!""Ồ, lợi hại thật đó!""Có đúng là văn của thằng tai chuột không? Tương lai không biết chừng cậu ta lại trở thành một tác giả lớn ấy nhỉ!"

Thời đó mỗi lớp học đều đặt mua Nhật báo Quốc ngữ. Sợ các bạn học không đọc được, Lư Thắng Ngạn đã dán những sáng tác của mình lên bảng tin ở phía sau lớp học. Đây là một biểu hiện có phần khoe khoang tự hào với mục đích muốn cho mọi người thấy được tên họ của tác giả: "Thắng Ngạn".

Từ lúc bắt đầu học tiểu học, Lư Thắng Ngạn đã thường đem những tác phẩm của mình gửi cho tờ Bạn Học và Nhật báo Quốc ngữ. Thậm chí vào năm học lớp ba, cậu đã đạt được giải nhất trong cuộc thi sáng tác văn học của toàn thành phố Cao Hùng. Lấy câu văn thay cho lời nói, lấy con chữ thay cho hành động, Lư Thắng Ngạn lúc nhỏ đã lựa chọn dùng ngòi bút của mình để làm cây cầu nối mình với thế giới. Cũng bởi vì có được chiếc chìa khóa này mà cậu đã không khóa chặt cõi lòng của mình lại sau những thất bại chán chường.

Lư Thắng Ngạn tuổi niên thiếu.
Lư Thắng Ngạn tuổi niên thiếu.

Lư Thắng Ngạn tuổi nhỏ có lẽ hoàn toàn không nghĩ đến rằng sự tài hoa trong văn chương này sẽ có ngày theo cậu đi suốt cả cuộc đời sáng tác không ngừng nghỉ. Những bài viết thời điểm này đối với cậu mà nói chỉ giống như những tia sáng từ bên ngoài cửa sổ chiếu tới soi sáng cõi lòng đầy u ám và nặng nề của cậu, thế rồi chính những điểm sáng nhỏ xíu của lòng tự tin và tự hào này đã xoa dịu con tim đã từng trải qua bao nhiêu tổn thương và nhục mạ, tự ti và cô độc.

🌟

Vịnh Tây Tử là một địa danh du lịch nổi tiếng của thành phố Cao Hùng, nằm về phía tây thành phố, phía bắc dựa vào núi Vạn Thọ, phía nam quay mặt vào bán đảo Kì Tân, là một vịnh cảng tự nhiên với dải đá ngầm, ánh hoàng hôn, biển màu ngọc bích, trời xanh ngăn ngắt, danh tiếng lưu truyền khắp xa gần.

Tô Đông Pha đã từng viết hai câu thơ để ngợi ca vẻ đẹp yêu kiều duyên dáng của Tây Hồ: (*)"Dục bả Tây Hồ tỉ Tây Tử. Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi." [Hai câu thơ cuối trong bài Uống rượu ở Tây Hồ lúc cơn mưa vừa tạnh của Tô Đông Pha.]

Nghĩa thơ:

"Tây Hồ Tây Tử đem so sánh. Điểm trang đậm nhạt đều đắm say."

Còn nay Tây Tử nằm ở nơi cảnh trí rung động lòng người bên bờ biển hiền hòa, vẻ đẹp thậm chí càng có phần thơ tình họa cảnh hơn.

🌟

Ngoài viết văn, khả năng bơi lội bẩm sinh cũng là một điểm đáng tự hào của Lư Thắng Ngạn.

Đã từng có một buổi học thể dục, thầy giáo đẩy tất cả học sinh trong lớp xuống nước, chỉ thấy học sinh không biết bơi đứa nào đứa nấy tay chân đập nước tung tóe loạn xạ, miệng la hét sợ hãi, đứa thì sặc nước, đứa thì kêu cứu, chỉ có Lư Thắng Ngạn giống như con vịt đạp nước mạnh mẽ, thoắt cái đã bơi ra tới giữa hồ bơi và bắt đầu thong dong tự tại rẽ nước.

Bầu trời phía nam Đài Loan thường có những ngày mặt trời lên cao, thời tiết rất đẹp với bầu trời xanh ngắt trong vắt. Mỗi dịp như vậy Lư Thắng Ngạn lại đến vịnh Tây Tử tận hưởng đắm mình trong nhịp điệu vỗ về của làn nước trong mát. Cậu như đứa trẻ thích nước một cách bẩm sinh, vừa xuống nước là có thể tự do tự tại khua tay đạp nước, hơn nữa cậu còn tự tìm ra phương pháp hít thở có nhịp điệu mà không cần ai dạy. Rồi cậu cùng lắc lư khiêu vũ với những cây cỏ dưới mặt nước, rướn người một cách tự nhiên, chìm nổi tùy ý. Cậu chỉ hoàn toàn chuyên tâm nhúng mình chìm đắm vào trong vẻ đẹp của làn nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, xung quanh là những con sóng xô lên một màn khói nhẹ.

Những con sóng lăn tăn, những bãi cát bỏng rát bàn chân, những cơn gió biển mằn mặn và những hàng dừa khẽ đung đưa, chỉ cần như vậy là có thể khiến cho Lư Thắng Ngạn được thảnh thơi suốt cả một mùa hè. Sóng biển vỗ bờ, đợt này nối tiếp đợt khác, giữa trời và đất ngoài những âm thanh của sóng thì dường như chẳng còn lại gì khác nữa.

🌟

Liên quan đến việc bơi lội này, bố mẹ cậu luôn luôn phản đối không cho phép. Mỗi lần Lư Nhĩ Thuận và Lư Ngọc Nữ nghe Lư Thắng Ngạn chạy lại xin phép được đi bơi, họ luôn luôn xua tay nói cậu không cần phải phí lời xin xỏ. Mặc dù vậy, thường cứ đến buổi sáng ngày hôm sau họ liền phát hiện ra trên cửa sổ phòng Lư Thắng Ngạn đã thủng một cái lỗ thật to.

"Cái thằng khỉ gió này, lại trốn mẹ đi chơi nước rồi!" Những cây roi vung lên, Lư Ngọc Nữ tức đến xịt khói lỗ tai, thực sự không còn có biện pháp nào đối với thằng con thích bơi lội này nữa.

Vì sao cậu lại thích bơi đến vậy? Mặc dù biết rõ là lén đi ra ngoài chơi, khi trở về nhà chắc chắn sẽ bị đánh, vì sao đôi chân ấy vẫn bắt chấp nỗi đe dọa này? Biển lớn đối với đứa trẻ này có sức hút gì khó cưỡng đến vậy?

Thực sự có rất nhiều lần ở vịnh Tây Tử, Lư Thắng Ngạn chẳng làm việc gì khác, chỉ ngồi im lặng nhìn những người đánh cá ở phía xa xa đang kéo lưới đi tới đi lui. Bọn họ không bắt cá to, chỉ bắt cá con, bởi vì khi đó những con cá mới nở là cá sữa, một con có thể bán được tới bảy hào. Lư Thắng Ngạn thích quan sát những biểu hiện cảm xúc không ngừng thay đổi của những người đánh cá.

Cậu không chỉ thích bơi mà còn thích ngắm nhìn chăm chú, giống như lúc nhỏ cậu thích dán chặt mắt vào những vì sao trên bầu trời, im lặng nhìn về phía xa.

image

Biển với những con sóng xô bờ, với những đợt thủy triều lên xuống, với mặt trời mọc đằng đông, với mặt trời lặn đằng tây, biển trào dâng tráng lệ, biển yên tĩnh êm đềm, đối với Lư Thắng Ngạn mà nói, giữa đủ loại phong tình, cho dù một trạng thái tĩnh lặng cũng có hơi thở.

🌟

Chúng ta không thể kìm nén được thắc mắc phải chăng vì biển nuôi dưỡng vạn vật thực sự đã khiến cho Lư Thắng Ngạn như có đôi tay mẹ ôm ấp yêu thương? Liệu có phải sự ôm ấp và mềm mại của biển đã kịp thời làm lành những vết thương suốt một thời gian dài của thằng bé tai chuột?

image

Hay liệu có phải bờ biển có tên gọi Tây Tử này rốt cục đã nhiễm chút linh khí và ý thơ của đại văn hào đời Tống, khiến cho Lư Thắng Ngạn khi ở nơi đây luôn luôn có được những nguồn cảm hứng sáng tác, luôn luôn chưa từng vứt bỏ chiếc chìa khóa giúp cậu kết nối cõi lòng mình cùng thế giới…

(Hết.)

Mục lục