Giới thiệu về Ngũ Sắc Bất Động Minh Vương
Giới thiệu pháp tướng và tác dụng
Ngũ Sắc Bất Động Minh Vương đặc biệt có tác dụng hộ quốc hộ thành, kết giới hộ thân. Ngũ Sắc Bất Động Minh Vương biến hóa ra từ Bất Động Minh Vương, Tây phương trắng thuộc Kim, Nam phương đỏ thuộc Hỏa, Bắc phương đen thuộc Thủy, Trung ương vàng thuộc Thổ, Đông phương xanh (lục hoặc lam) thuộc Mộc.
Bất Động Minh Vương tay phải cầm thanh kiếm của Câu Lợi Già La Long Vương ở trước ngực, tay trái cầm thừng kim cang và kết đại ấn của hai bộ Kim cương giới - Thai tạng giới. Mắt trái mở hé, mắt phải trợn tròn, miệng ngậm chặt,răng trên chúc xuống dưới, răng dưới chĩa lên trên, hàm dưới bặm lên hàm trên, uy vũ phẫn nộ, ngồi trên tảng đá, sau lưng bốc lên ngọn lửa Ca Lâu La.
Hai đại thị giả chủ yếu của Bất Động Minh Vương là Quan Yết La Đồng Tử và Chế Tra Ca Đồng Tử, ngoài ra còn có tám đại đồng tử thường thấy, và ba mươi sáu đồng tử được nhắc đến trong “Phật Thuyết Thánh Bất Động Kinh”, và bốn mươi tám sứ giả trong “nghi quỹ thành tựu bí mật bốn mươi tám sứ giả của Thắng Quân Bất Động Minh Vương” làm quyến thuộc.
Thủ ấn Bất Động Minh Vương: Tay trái, tay phải đều kết kiếm chỉ, tay trái nắm lấy tay phải. Giữ ấn trước ngực.
Tâm chú Bất Động Minh Vương: “Nam-mô san-man-tô mô-thô-nam wa-zư-la lan hàn.” Chú dài: “Ôm a-chưa-la-ka-tan-bu-thô-chưa-cha-ka. Hùm hùm. Khưa-yi-khưa-yi. Yi-than-xuê-li-hai. Ma-ha-li-bi-sa-su. Tô-âu. Chi-li. Hu-pan.”
Liên Sinh Hoạt Phật khai thị nói rằng: “Bất Động Minh Vương là giáo lệnh luân thân của Đại Nhật Như Lai Biến Chiếu Kim Cang, thịnh hành trong Đông mật. Trong Đông mật gọi là Đại Thánh Bất Động Tôn - Trung Ương Đại Thánh Bất Động Minh Vương, là vị Minh Vương phẫn nộ nhất, được tôn sùng nhất trong số mười đại Kim Cang Minh Vương, cũng là Minh Vương có uy lực lớn nhất. Lời thề của Bất Động Minh Vương là: “Người nào thấy thân ta thì phát bồ đề tâm, người nào nghe tên ta thì bỏ ác tu thiện, người nào nghe ta nói thì đắc đại trí huệ, người nào biết tâm ta thì tức thân thành Phật.” Chỉ cần bạn tương ứng với Bất Động Minh Vương thì có thể tức thân thành Phật. Chỉ cần hiểu tâm của Bất Động Minh Vương thì sẽ biết tâm mình, thì sẽ có thể nhìn thấy tâm mình, hiển hiện tâm mình, sau đó đầy ắp vũ trụ, trực tiếp tỉnh ngộ, thành tựu Phật quả.”
Ý nghĩa của Bất Động Minh Vương kim cang pháp
Khai thị pháp nghĩa 1: (Trích từ buổi khai thị ngày 15/06/1992 khi Pháp Vương Liên Sinh Hoạt Phật chủ trì Bất Động Minh Vương kim cang pháp.)
Từ trong kim cang pháp tiến vào Vô thượng mật bộ, kim cang pháp có thể nói là đại pháp thành Phật rất đặc thù, bởi vì tu được kim cang đại pháp rồi thì rất gần với tức thân thành Phật. Mặc dù bạn vẫn chưa là Phật, nhưng đã có thể nói là tương đương với một vị Phật dự khuyết sẽ thành Phật.
Bất Động Minh Vương Kim Cang là biến hóa thân phẫn nộ của Đại Nhật Như Lai, cũng chính là sự thúc đẩy của sắc lệnh Đại Nhật. Sự đẩy mạnh Mật giáo hoàn toàn dựa vào Bất Động Minh Vương Kim Cang làm chủ, Bất Động Minh Vương Kim Cang là giáo lệnh luân chủ, là một vị giáo chủ, uy lực của ngài giống như bánh xe quay, có thể phá tan tất cả ác nghiệp, ác nghiệp bị phá thì ánh sáng của ngài sẽ chiếu đến hành giả, lập tức sinh khởi trí huệ.
Chưa từng có một vị thần Kim Cang nào giống với Bất Động Minh Vương có thể hiển hiện ngọn lửa đại phẫn nộ, ngọn lửa đại phẫn nộ của ngài là lớn nhất và uy mãnh nhất trong số năm đại Kim Cang Minh Vương, là vị Kim Cang Hộ pháp số một của Chân Phật Tông.
Khai thị pháp nghĩa 2: (Trích từ buổi khai thị ngày 01/01/2023 khi Pháp Vương Liên Sinh Hoạt Phật chủ trì Bất Động Minh Vương kim cang pháp.)
Khẩu quyết kết giới Ngũ Sắc Bất Động Minh Vương: quán tưởng chữ Han năm màu (mỗi chữ một màu), tay kết kiếm ấn Bất Động Minh Vương, sau đó quán tưởng Ngũ Sắc Bất Động Minh Vương ở xung quanh mình: phương Đông Bất Động Minh Vương màu lam, Tây phương Bất Động Minh Vương màu trắng, Bắc phương Bất Động Minh Vương màu đen, Nam phương Bất Động Minh Vương màu đỏ, Trung ương Bất Động Minh Vương màu vàng. Sau đó niệm chú cộng thêm quán tưởng các vị Minh Vương bao vây chính mình ở trung tâm, còn chính mình là Bất Động Minh Vương ở trung ương màu vàng. Nếu hành giả rất bận thì có thể 15 ngày làm một lần kết giới. Ngoài ra, Ngũ Sắc Bất Động Minh Vương cũng có thể tiêu tai, tăng ích, hàng phục, trừ chướng.
Tại pháp hội, Pháp Vương đã thị phạm thủ ấn Cửu tự chân ngôn: Lâm, Binh, Đấu, Giả, Giai, Trận, Liệt, Tại, Tiền. Nếu làm nhanh thì tức là làm ấn tứ tung ngũ hoành và đẩy ra, tất cả quỷ mị đều sẽ sợ.
Lời thề của Bất Động Minh Vương là: “Người nào thấy thân ta thì phát bồ đề tâm, người nào nghe tên ta thì bỏ ác tu thiện, người nào nghe ta nói thì đắc đại trí huệ, người nào biết tâm ta thì tức thân thành Phật.”
Pháp Vương giải thích rằng: Phật Đà nói thế này “thấy tướng phi tướng, tức thấy Như Lai”, một câu kệ trong hồi hướng là: “Thấy Phật thoát sinh tử, như Phật độ tất cả.” Nếu muốn nhìn thấy Phật thì phải hiểu thấy tướng không phải tướng, tức thấy Như Lai. Phật vốn không có tướng, còn Bất Động Minh Vương là giáo lệnh luân của Đại Nhật Như Lai nên cũng không có tướng. Tuy không có tướng nhưng lại không chấp vào không, tức là “như Phật độ tất cả”, giống như phát bồ đề tâm. Nếu đúng là hiểu tất cả thứ có tướng đều là hư vọng, lúc này hành giả sẽ phải phát bồ đề tâm đi đánh thức những chúng sinh mê lầm, trở thành Bồ Tát giác ngộ. Trong Kinh Duy Ma Cật có nhắc đến: Bồ Tát là bậc giác ngộ, phát bồ đề tâm, còn chúng sinh là Bồ Tát còn mê lầm, chỉ cần thức tỉnh thì sẽ là Bồ Tát bất thoái tâm.
“Người nào thấy thân ta thì phát bồ đề tâm”: khi chúng ta thấy thân của Bất Động Minh Vương, hiểu rõ tướng này không phải tướng, từ thấy bên ngoài mà bên trong phát bồ đề tâm.
“Người nào nghe tên ta thì bỏ ác tu thiện”: Bất Động Minh Vương tức là Phật (Đại Nhật Như Lai), khi chúng ta nghe thấy Thánh hiệu của Phật thì muốn loại bỏ ác niệm, thanh tịnh ba nghiệp, vì thiện trừ ác (ô trọc) thì là thanh tịnh. Quan trọng nhất là không có gì nằm ngoài “mọi ác đừng làm, làm mọi điều thiện”. Ví dụ: A Di Đà Phật hóa thân thành Liên Hoa Sinh Đại Sĩ, Liên Hoa Đồng Tử.
“Người nào nghe ta nói thì đắc đại trí huệ”: Nghe được Phật pháp, đắc đại trí huệ, cũng là trí huệ Như Lai.
“Người nào biết tâm ta thì tức thân thành Phật”: Bất Động Minh Vương chính là Phật tâm, chúng ta thường viết Phật tâm. Thần Quang nói với Tổ sư Đạt Ma rằng tâm tôi không an. Thế là Tổ sư nói đưa tâm cho tôi để tôi an cho. Thần Quang tìm kiếm cả nửa ngày rồi nói không tìm được tâm. Tổ sư nói thế thì anh yên tâm rồi đó.
Pháp Vương nói không tìm thấy tâm mình thì sẽ không giữ sự bám chấp, mới có thể an tâm, chỉ có người vô tâm mới có thể thành Phật. Tâm không nằm ở trong, ở ngoài hoặc ở giữa, tâm chỉ là một khái niệm. Khi chúng ta tu đến tất cả ngũ độc chấp niệm đều tiêu trừ, cũng vì “hữu ngã” nên mới có bám chấp, ví dụ như bám chấp và phiền não của ăn mặc ở đi lại. Ngược lại, nếu hành giả có thể tùy duyên an tâm thì có thể tức thân thành Phật. “Lấy vô niệm làm chính giác Phật bảo” trong Chân Phật Kinh. Tâm là thứ tìm không thấy, có tâm đi tìm thì vĩnh viễn tìm không thấy. Chỉ cần vô tâm rồi thì mới có thể hiểu tự thân là huyễn. Đoạn trừ tất cả tài sắc danh của thế gian thì sẽ là lúc thành Phật. Cho nên, phát bồ đề tâm, bỏ ác tu thiện, đắc đại trí huệ đều là vì tức thân thành Phật. Có thể thay đổi tất cả “ngã” thành Phật, tất cả đều có thể nối liền lại. Trong kinh Phật nhắc đến: “Tâm, Phật, chúng sinh không khác biệt.” Phật thuyết pháp cũng như không thuyết, thân Phật là huyễn thì lấy đâu ra tâm? Ngài thuyết pháp là chỉ điểm hành giả từ huyễn tìm đến chân thực. Mọi bám chấp vào danh, ví dụ muốn làm Thượng sư, giáo thọ sư, pháp sư, những cái này đều là danh. Nếu hành giả là một vị tại gia, lúc này nếu hiểu “vô tâm” thì họ chính là Phật, cần gì phải trở thành nhân viên hoằng pháp ở cấp bậc nào đó đâu.
Pháp Vương nói: trong con mắt của Phật không có tướng nam nữ. Hành giả nên đoạn trừ tất cả phiền não, bám chấp, vô niệm vô tâm vô ngã thì có thể tức thân thành Phật.