Trách nhiệm và nghĩa vụ của pháp sư xuất gia dưới Chân Phật Tông
Vào lúc 4:30 chiều ngày 09/12/1992, tại Chân Phật Mật Uyển ở Seattle, Liên Sinh Hoạt Phật đã khai thị trách nhiệm và nghĩa vụ của pháp sư cạo đầu đi tu dưới phái Chân Phật Tông và mấy điểm quan trọng cần chú ý.
Thánh Tôn nói:
“Trong tông phái chúng ta, pháp sư cạo đầu đi tu phân thành hai loại. Loại thứ nhất là người sống trong chùa, pháp sư sống trong chùa đương nhiên là do người phụ trách của chùa đến phân phối công việc. Còn về phương diện chùa thì đương nhiên là phải thu xếp tất cả cuộc sống cho pháp sư, và bản thân pháp sư cũng phải phục vụ chùa.
Loại thứ hai là cạo đầu xuất gia xong, muốn có thân tự do, không muốn sống trong chùa, muốn trở về địa phương của mình tu hành, muốn sống ở nơi nào cũng được. Nhưng bất kể là bạn sống trong chùa hay là rời khỏi chùa, tự mình đi đến nơi tu hành của mình thì đều phải chú ý ba điểm dưới đây:
Điểm thứ nhất, đệ tử xuất gia của Chân Phật Tông đều phải y theo giới luật xuất gia của Chân Phật Tông, phải giữ giới xuất gia.
Điểm thứ hai, xuất gia tu hành phải tu bảy pháp thanh tịnh, bảy pháp thanh tịnh này nhất định phải làm được.
Bảy pháp thanh tịnh là: 1. Mỗi buổi sáng, trưa, tối, trước khi ngủ, tổng cộng tu bốn đàn pháp. 2. Định tâm. 3. Tùy hỷ công đức. 4. Sám hối. 5. Hồi hướng. 6. Lễ bái cúng dường. 7. Thuyết pháp.
Điểm thứ ba, ngoài tự tu ra thì còn phải đi độ chúng sinh.
Bởi vì ý nghĩa của xuất gia là trên cầu Phật quả, dưới hóa chúng sinh. Bạn phải vừa dạy vừa học, dạy và học đều nâng cao, hai phương diện này đều phải làm được, bất kể là sống ở chùa hay là rời đi thì đều phải đi độ chúng sinh, đều phải khuyên thỉnh người ta quy y Chân Phật. Bạn có thể làm một vài pháp sự, có thể giúp người ta cầu phúc, giúp người ta siêu độ, giúp người ta vẽ phù, ngoài ra giúp người ta hóa nước chú Đại Bi, đều được. Chỉ cần tâm, khẩu, ý của bạn làm được thanh tịnh thì bạn không phạm giới. Nhưng tâm bạn không làm được, khẩu không làm được, ý không làm được mà lại có những tham niệm để đi làm pháp sự thì tức là phạm giới.
Nói cách khác là, một pháp sư xuất gia, trong nghi quỹ tu pháp phải hoàn toàn phù hợp nghi quỹ, không bỏ sót nghi quỹ, như thế thì tất cả pháp sự mà người đó làm là không phạm giới, có thể làm được. Nhưng giả sử bạn dùng tâm niệm khác để làm những pháp sự, không hề thật sự vì chúng sinh, không có toàn tâm 100%, hoặc không có tâm thanh tịnh nhất để đi làm pháp sự, mà lại vì tham lấy cúng dường nên mới đi làm pháp sự thì xem là phạm giới. Phạm giới và không phạm giới chính là sự khác biệt này mà thôi.
Pháp sư tức là lấy pháp làm thầy, muốn làm những việc về mặt Phật pháp đều có thể được. Phân đường trong tông phái có mời bạn đi, bạn có thể đi, cũng có thể thuyết pháp. Không có phân đường nào trong tông phái mời bạn đi mà bạn cứ cố đi, thì cũng giống như quy tắc của Thượng sư mà trước đây đã nói, vì phân đường không mời bạn mà bạn cứ muốn đi thì đó là điều không hay. Nói cách khác phải là đôi bên cùng mong muốn, đôi bên đều vui vẻ, như vậy mới là tốt nhất.
Cho nên, bất kể thế nào, bạn có thể tự mình cân nhắc lẽ phải, điểm đó là hợp lý, điểm đó là không hợp lý, tức là điểm đó như pháp, điểm đó không như pháp, tự bạn có thể cân nhắc, ngẫm nghĩ thử, nên biết là có thể làm hay không.
Đi đến mỗi phân đường, trước tiên phải được phân đường mời bạn thì bạn có thể thuyết pháp, bởi vì bạn là pháp sư, bạn là người xuất gia, bạn có thể giảng pháp. Nhưng pháp mà bạn giảng là như pháp, Phật Bồ Tát sẽ hoan hỷ, giảng mà không như pháp, Phật Bồ Tát không sinh lòng hoan hỷ, thế thì nhân quả tự chịu.
Thuyết pháp như thế nào, đúng hay sai, trong đó có như pháp hay không như pháp, ở đây nhân quả tự chịu. Tất cả các pháp mà bạn làm cũng là nhân quả tự chịu. Điều này mọi người nên hiểu rõ.
Vì thế, trên cầu Phật quả, dưới hóa chúng sinh, là trách nhiệm, cũng là nghĩa vụ của tất cả các pháp.”