TS Liên Anh chia sẻ tâm đắc đọc văn tập “Nghìn chiếc thuyền pháp”
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 19.05.2024 Địa điểm: Singapore Lôi Tạng Tự Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
Thượng sư Liên Anh chia sẻ tâm đắc về cuốn văn tập Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng số 283 “Nghìn Chiếc Thuyền Pháp”. (Trích lược)
Tôi tin rằng rất nhiều người đều đã đọc cuốn sách này rồi. Đây là một trong những cuốn văn tập Sư Tôn viết trong thời kỳ dịch bệnh Covid mà tiêu đề sách có dùng chữ “thuyền pháp”, nội dung chủ yếu kể về việc Sư Tôn đã thường xuyên làm siêu độ cho những người chết vì dịch bệnh.
Có thể nói cuốn sách này là một lời vàng trong số những lời vàng của Sư Tôn, là tinh hoa trong số những tinh hoa. Tôi cho rằng nhiều người, ngay cả chính bản thân tôi, cũng từng xem nhẹ cuốn sách này. Khi đối diện với mỗi cuốn văn tập và rất nhiều giáo pháp của Sư Tôn, chúng ta nên luôn luôn giữ thái độ khiêm tốn. Bạn cần liên tục liên tục cẩn trọng đọc từng câu từng chữ đối với bất kì chương sách nào, cho dù đó là Tứ gia hành rất cơ bản, cho dù đó là những câu nói đơn giản nhất. Bởi vì con người có vô minh, vì vô minh cho nên khi đọc sách, chúng ta thường nghĩ rằng câu này mình đã hiểu rồi, nhưng thường xuyên các sự việc về sau chứng minh khi bạn gặp phải chướng ngại, căn bản là bạn chẳng hề cười vui vẻ đối diện với chúng theo những gì Sư Tôn đã dạy hay Phật pháp đã dạy, chưa nói gì đến việc bạn chuyển hóa quan điểm và cuộc sống của mình.
Vừa rồi trước khi đi vào nói về cuốn sách này, tôi có yêu cầu mọi người cùng đọc một lần Văn cầu thỉnh Liên Sinh Hoạt Phật gia trì. Việc đọc bài văn này cũng thay cho việc thực hành công khóa nếu như buổi sáng nay bạn chưa kịp làm công khóa. Chúng ta muốn nhờ vào sự gia trì của Thượng sư khiến cho thân khẩu ý của chúng ta thanh tịnh, để chúng ta có thể thật sự lĩnh hội được những giáo pháp trân quý sâu sắc, lĩnh hội được những lời vàng.
Khi mở sách ra, đương nhiên chúng ta thường chú ý đến tên sách và lời mở đầu, tôi cũng vậy. Tên của một cuốn sách chắc chắn là tinh hoa trong sách, và toàn bộ khái niệm mà cả cuốn sách muốn biểu đạt. Lời mở đầu giống như một kiểu hướng dẫn đọc sách, tác giả sẽ nói trong cuốn sách tổng thể sẽ nói về điều gì, sau đó thì bạn sẽ đọc từng chương từng chương để hiểu thêm. Cho nên có thể nói, lời mở đầu là tinh hoa của cả cuốn sách.
Trong lời mở đầu, Sư Tôn cũng đã nói nhân duyên viết cuốn sách này là do Covid-19, toàn bộ con người trên thế giới, kinh tế, văn hóa đều bị ảnh hưởng, rất nhiều người đã chết vì dịch bệnh. Vì thế, Sư Tôn nguyện dùng Phật pháp của mình để làm lợi ích cho chúng sinh một cách thực tế, đưa siêu độ Nghìn chiếc thuyền pháp vào trong nghi quỹ. Ở đây Sư Tôn có đoạn viết:
Khi tôi xuất định rời khỏi pháp tọa, có một âm thanh nói với tôi: "Cuốn sách tiếp theo của ngài, tên sách chính là "Nghìn chiếc thuyền pháp".
Ở đây đã chứng minh lời mà Thượng sư Liên Lai giảng vào ngày hôm qua rằng “sách của Sư Tôn là sách trời”, nếu không như vậy thì làm sao có âm thanh nói với Sư Tôn rằng cuốn sách tiếp theo của ngài sẽ là gì là gì. Điều này cũng cho chúng ta thấy, Phật pháp chân chính là siêu việt thời gian không gian, không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Sư Tôn thật sự là một vị thầy nắm giữ kho tàng, đã lấy ra rất nhiều terma của quá khứ, hiện tại, vị lai để diễn giải, bày ra trước mặt mọi người.
Sư Tôn lại nói:
Tôi đã có được một linh cảm, cuốn văn tập số 283 của tôi, tên sách là "Nghìn chiếc thuyền pháp". Cuốn sách này mang đầy những pháp cú độ người.
Câu này đúng như tôi nói, chính là “lời vàng trong những lời vàng, tinh hoa trong những tinh hoa”. Lúc đầu tôi cũng tưởng rằng cuốn sách này chỉ kể chuyện siêu độ thông thường, nhưng sau khi đọc sách xong mới nhận ra, siêu độ nói đến trong cuốn sách không chỉ là siêu độ những người đã chết vì dịch bệnh, mà Sư Tôn còn đang nói đến chính chúng ta. “Pháp cú độ người” chính là độ mỗi người mở cuốn sách này ra.
Tôi muốn hỏi mọi người điều này. Nói chung, chỉ cần là người có tín ngưỡng vào một truyền thừa nào đó, chưa cần nói tới Phật pháp, chúng ta đều muốn siêu độ. Người Hoa thích nhất là siêu độ. Có ba ngày tết lớn là năm mới, tết Thanh Minh, tết Trung Nguyên, chúng tôi đều làm siêu độ. Nhưng rốt cục thế nào là siêu độ? Hàm nghĩa của nó là gì? Mỗi người lại có định nghĩa riêng. Còn tôi nghĩ rằng, cái gọi là siêu độ, thứ nhất tức là từ thân thể thô lậu chuyển thành thân thể vi tế, hàm nghĩa thứ hai là chuyển thức thành trí, tức là chuyển ngũ căn, lục trần, ý thức thô của chúng ta thành trí huệ của Phật. Thứ ba là sự vô minh do bị u ám, bóng tối che mờ được siêu độ đến ánh sáng, quang minh, đây cũng là siêu độ.
Trước khi tôi xuất gia, có lần ở Đài Loan Lôi Tạng Tự viết vào đơn báo danh pháp hội, sau khi điền tên và địa chỉ của mình xong, ở phần hồi hướng, tôi viết: thân thể khỏe mạnh, tu hành tinh tấn, quả vị tăng trưởng, chuyển thức thành trí. Có pháp sư ở bên cạnh thấy vậy nói: “Anh vẫn còn sống, sao có thể viết chuyển thức thành trí? Cái này chỉ viết cho người đã vãng sinh thôi.” Tôi không bận tâm, tôi hiểu bản thân mình đang làm cái gì. Lẽ nào người sống không cần chuyển thức thành trí sao? Lẽ nào hai chữ “siêu độ” này chỉ dành cho vô hình [tức người chết] sao? Không phải. Tất cả tu hành chính là từ khi bạn vẫn còn sống tại nhân gian, bạn có được đủ các nhân duyên tiếp xúc với Phật pháp là bạn bắt đầu chuyển hóa chính mình, chuyển thức thành trí là cả một quá trình tu hành, chứ không phải cái này chỉ dành cho chúng sinh vô hình. Nhưng vì sao chúng ta thường viết bốn chữ này trong bài vị cho người vãng sinh? Bởi vì Sư Tôn từng nói, khi linh hồn rời khỏi thân thể bạn thì gọi là trung ấm, hoặc trung hữu. Trung ấm hay trung hữu có gì khác thể xác này? Thần thức của họ rất linh hoạt, rất bay bổng, rất mẫn cảm, bởi vì đã thoát ra khỏi cái thân xác rồi, lúc này bạn dùng Phật pháp, Phật quang hướng dẫn cho những thần thức này rời khỏi sự sợ hãi của họ đi đến nơi sáng sủa thì sẽ rất dễ dàng có tác dụng. Đây là khẩu quyết rất quan trọng, nhưng điều này không đồng nghĩa với người sống thì không cần phải chuyển. Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ là như vậy.
Tiếp theo, chương đầu tiên Sư Tôn viết là “trao tặng huân chương”, A Đạt Nhĩ Mã Phật tặng huân chương cho Sư Tôn. Chúng ta biết trong Mật giáo, A Đạt Nhĩ Mã là vị Phật cao nhất, là Kim Cương Tổng Trì ở địa thứ 16. Chương này trong cuốn sách là nhân, và cũng là quả. Nhân là gì? Là Sư Tôn sâu sắc biết rằng “Phật pháp vô biên thề nguyện học, chúng sinh vô biên thề nguyện độ”, vì thế Sư Tôn đã thật sự từ bi hỷ xả viết ra cuốn sách này, viết ra ngài đã thực tiễn từ bi hỷ xả làm sự nghiệp bồ đề như thế nào. Thế còn quả là gì? “Viên mãn cứu cánh vô đẳng đẳng”. Bởi vì Sư Tôn hiểu được những điều này, trên thực tế đã làm một cách giác hành viên mãn, chính là Phật. Cho nên ở đây vừa là nhân vừa là quả.
Sư Tôn viết thế này:
Có một cảnh tượng như thế này: Bản Sơ Phật ở địa thứ 16 là A Đạt Nhĩ Mã Phật ngồi trên pháp tọa cao cao, Ngài nhìn ra phía xa toàn bộ hư không. Năm vị Như Lai của năm phương, tám vị Đại Bồ Tát, năm vị Đại Kim Cang, tám vị Đại Minh Vương, chư Thiên Hộ Pháp, tất cả Không Hành, chư Thiên chúng. Từng tốp đi nhiễu quanh pháp tọa của A Đạt Nhĩ Mã Phật.
Sư Tôn không nói rõ đây là định cảnh hay là mộng cảnh hay là nhìn thấy một cách chân thực. Sau khi đọc xong cả chương, bạn sẽ có cảm giác hình như Sư Tôn tách ra khỏi không gian. Thông thường chúng ta nói đến không gian ba chiều, có đối tượng để xác định, ví dụ tôi đối thoại với bạn. Không biết bạn có để ý Sư Tôn từng nói ngoài Phật ở địa thứ 16 còn có Phật ở địa thứ 17 tên là Vô Minh Phật. Theo như tôi nghĩ, Sư Tôn thậm chí đã rút mình ra khỏi không gian, đứng bên ngoài nhìn thấy cảnh tượng này, Sư Tôn nói có một cảnh tượng, giống như sự mô tả khách quan một sự việc đang diễn ra. Đây là một chi tiết vô cùng bất khả tư nghì.
A Đạt Nhĩ Mã Phật vì muốn tuyên dương ca ngợi Sư Tôn đức hành viên mãn nên muốn tặng Sư Tôn một chiếc huân chương hình tròn có tỏa hào quang. Xin chú ý ở đây Sư Tôn nói:
Tấm huân chương này không phải của tôi, là dâng tặng cho tất cả các vị Thượng sư của quá khứ, hiện tại, vị lai.
Tức là tất cả các vị thầy trong truyền thừa, thậm chí tất cả các vị thầy từng dạy Sư Tôn, các vị thầy từng dạy Phật pháp.
Sư Tôn viết:
Tôi vô sở cầu. Tôi không có bất kì một thứ gì cả. Tôi cầm lấy tấm huân chương ấy, tung nó vào hư không. Kết quả là toàn bộ hư không ngập tràn ánh hào quang phát ra từ tấm huân chương, chiếu sáng đến tâm linh của vô lượng chúng sinh.
Tôi nhận thấy, Căn bản Truyền thừa Thượng sư có thể làm như thế này là đang dạy chúng ta trân trọng tất cả tinh tủy quan trọng nhất của Phật pháp. Tất cả hàm nghĩa của pháp nằm ở trong đoạn văn này.
Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng, trong “Mật Tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận” có một cái rất quan trọng gọi là “quán công niệm ân”. Quán công niệm ân nói rằng bất kể bạn ở vào cảnh giới nào, ở vào cấp độ nào, bạn đều phải hồi hướng tất cả công đức của mình cho Thượng sư và Tam Bảo. Quán công niệm ân rất quan trọng, thế nào là công, thế nào là ân? Chúng ta tu pháp thường hay niệm “trên báo bốn ơn sâu, dưới cứu ba đường khổ”, bốn ơn (ân) chính là ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn đất nước và ơn chúng sinh. Bốn ơn này, dưới sự thực hành của Sư Tôn, ngài đã viết ra những chữ vàng đầy linh lực. Sư Tôn đã hoàn toàn thực tiễn tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, vì thế tấm huân chương này ngài không cần đến, ngài tung nó vào hư không.
Khi tôi đọc truyện Milarepa, Milarepa Tôn Giả có viết một câu khiến tôi rất cảm động: “Khi tôi chưa thành tựu, tôi nghĩ rằng tôi đang độ chúng sinh. Sau khi tôi đã thành tựu, tôi mới nhận ra thì ra chúng sinh đang độ tôi.”
Tiếp sau đó Sư Tôn có viết ba chương về khai ngộ vô thượng. Sư Tôn nói về ngộ, vậy rốt cục là ngộ cái gì? Tôi không thể đi vào nói từng chi tiết với mọi người, nhưng tôi tổng kết lại là, Sư Tôn nói rằng trong toàn bộ quá trình trưởng thành từ nhỏ đến lớn, Sư Tôn đã trải qua đủ mọi đau khổ, giày vò, áp lực, phỉ báng, nhưng những thứ này ngược lại lại khiến cho Sư Tôn có được “ngộ”. Sư Tôn thường nói phiền não tức là bồ đề là thế nào, chính là đang nói về cái ngộ này. Bởi vì nếu không có những phiền não này thì làm sao bạn có thể tiếp tục đạt đến bồ đề cuối cùng, đến cái ngộ này. Sư Tôn đã kể rất nhiều câu chuyện từ nhỏ bị bố bạo lực thế nào, bị bạn bè bắt nạt ra sao… từ đó mới có được cái ngộ này.
Tiếp theo Sư Tôn viết ba chương với tiêu đề “Ôm mặt khóc to”. Tổng kết của ba chương này là gì? Tổng kết là nói về bi tâm của Sư Tôn. Vì đã có được ngộ, Sư Tôn biết rằng tất cả những nhân duyên này toàn bộ đều là nhân quả. Ngày hôm nay Sư Tôn bị người ta phỉ báng, thường xuyên bị bố đánh mắng cũng là nhân quả. Sư Tôn gặp được những người đối tốt với Sư Tôn cũng là nhân quả, gặp phải người không tốt cũng là nhân quả. Vì thế, trong lòng Sư Tôn ôm trọn sự từ bi của Phật, Sư Tôn nói với chính mình rằng từ nay về sau sẽ thật sự đi làm công việc từ bi hỷ xả, đối với mình thì là nội chứng thành tựu viên mãn, đối với bên ngoài là hy vọng tất cả chúng sinh cũng thành tựu viên mãn.
Nói đến chương “Ôm mặt khóc to” thứ ba, kể về Phật Thích Ca Mâu Ni ở Sắc Cứu Cánh Thiên thuyết pháp, gọi thị giả A Nan đến hỏi hiện tại Lư Sư Tôn đang ở thế giới Ta Bà làm gì. Phật hỏi rất nhiều câu hỏi và thị giả A Nan đều lần lượt trả lời rất nhiều câu hỏi. Nhưng vấn đề là thế này, lẽ nào Phật Đà không biết sao, hà tất phải hỏi thị giả của ngài?
Rồi Phật Đà còn hỏi:
"Lư Sư Tôn khóc vì đau khổ, thương xót những chúng sinh trong đạo súc sinh, đạo ngạ quỷ, đạo địa ngục nữa sao?”
Vì sao Phật lại hỏi câu này? Tôi chia sẻ với mọi người cách nghĩ của tôi như sau. Thông thường chúng ta nhắc đến từ bi hỷ xả chúng ta sẽ nghĩ đến những người nhà thân yêu của chính mình, bạn bè, người yêu, người thân thích, toàn là những người đối tốt với bạn, người xung quanh bạn. Trước đây có một chuyện vui thế này. Bình thường trước khi chúng ta tu pháp có làm quán tứ vô lượng, quán tưởng người thân phụ hệ, mẫu hệ, người thân bạn bè ở xung quanh cùng tu pháp, cả những oan thân trái chủ đi theo mình, phải quán tưởng cả kẻ thù hoặc người mình không ưa. Có người nói không muốn quán tưởng người mình ghét cùng ngồi tu pháp vì không muốn họ có được Phật pháp. Cũng lại có người quán tưởng rất rõ ràng người mình ghét nhưng đồng thời nghĩ gạt họ qua một bên, không để cho họ tu pháp cùng, không muốn đám người đó được Phật quang chiếu tới. Đây vốn dĩ là thói xấu của con người. Bạn gạt người bạn ghét qua một bên, người mà bạn thích thì bạn bê vàng đến cho họ.
Ở đây, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, mặc dù họ ở trong lục đạo, nhưng thật sự chúng ta rất ít quan tâm đến họ. Chúng ta thường nói chúng ta phát tâm rất lớn, phát tâm lớn gì đây? Ngay cả đến những người nhà của bạn bạn còn không để ý quan tâm chăm sóc thì làm sao bạn có thể nói đến chuyện quan tâm đến chúng sinh của ba ác đạo. Bạn khó mà thật sự đi quan tâm đến họ. Phật Thích Ca Mâu Ni hóa hiện trong lục đạo, ngài thật sự dành cho chúng sinh lòng từ bi, tiêu trừ những đau khổ của họ, cho họ tín tâm, để cho họ có thể chứng ngộ Phật quả. Vì sao chúng ta mỗi lần đều mong mỏi Sư Tôn và thỉnh Phật trụ thế, lợi ích lục đạo chúng sinh, là bởi vì thứ nhất, Sư Tôn có nguyện lực này, ngài có cái tâm này, hơn nữa quan trọng nhất là ngài có chứng lượng này. Sư Tôn thật sự làm được việc độ hóa và chăm lo cho chúng sinh của ba ác đạo chứ không chỉ nói miệng khơi khơi. Bạn nói rằng bạn hy vọng, bạn mong muốn chúng sinh thế nào đó khác xa một trời một vực với việc bạn thật sự có thể làm nó.
Lấy một ví dụ về sự việc nào chứng tỏ Sư Tôn ở trong đạo súc sinh cũng độ chúng sinh. Vào tháng 8 năm nay Sư Tôn sẽ truyền pháp Phẫn Nộ Liên Sư Dojre Drolo. Trong các hóa thân của Liên Hoa Sinh Đại Sĩ có một hóa thân gọi là Phẫn Nộ Liên Sư Kim Cang Khải Giáp. Kim Cang Khải Giáp từng xuất hiện trong sách của Sư Tôn, khi ấy Liên Hoa Sinh Đại Sĩ đã đưa Sư Tôn đến Đất Nước Cầy Đồng [Thổ Bát Thử Quốc]. Đất Nước Cầy Đồng chính là thuộc về đạo súc sinh. Ở đó cũng có chiến tranh. Dưới sự gia trì của Liên Hoa Sinh Đại Sĩ, Sư Tôn hóa thành Kim Cang…. để điều giải chiến tranh trong đạo súc sinh. Đây chính là thần thông nhậm vận của Phật, thực tiễn dùng chứng lượng của ngài ở trong đạo súc sinh độ chúng. Chưa cần nói đến đạo địa ngục, đạo ngạ quỷ, trong các văn tập của Sư Tôn thường kể ngài có rất nhiều hóa thân, ví dụ ngài hiện thân Địa Tạng Vương, hiện thân Quan Âm, hiện thân Di Đà ở trong lục đạo thuyết pháp, nhưng đặc biệt là ở trong tịnh thổ Thúy Vi ở đạo địa ngục thuyết pháp cho chúng sinh. Đây là việc làm thực tiễn.
Trong chương này Phật Đà nói ngài muốn chuyển một bông hoa Upala tặng Sư Tôn. Tôi tin rằng rất nhiều người đọc cái này xong là thôi, vì hoa cũng chỉ là hoa thôi, việc mọi người dâng hoa lên Sư Tôn là rất bình thường. Nhưng với tôi mà nói, khi đọc đến đây, bởi vì Sư Tôn có dùng dấu ngoặc kép, khi có dấu ngoặc kép tức là không phải bình thường, vì thế tôi đã đi kiểm tra. Mặc dù tôi có biết về hoa Upala, nhưng khi Upala đặt trong bài viết này thì càng khiến tôi cảm thấy chấn động. Hoa Upala trong tiếng Tạng gọi là Utpala, còn gọi là thanh liên hoa [hoa sen xanh], còn gọi là thủy liên [hoa sen nước], còn gọi là dạ liên [hoa sen đêm] - ban đêm nở hoa, một loài hoa sen thuần tịnh. Trong kinh điển, nó ẩn dụ cho Phật nhãn quan sát đủ mọi vi diệu của thế giới lục đạo, dùng sự quan sát tịnh diệu, tịnh thiên nhãn quan sát chúng sinh. Cho nên Phật tặng hoa Upala cho Sư Tôn là có hàm ý, Phật cũng đang quan sát lục đạo, Liên Hoa Đồng Tử Lư Sư Tôn cũng đang quan sát lục đạo, hơn nữa ngài còn giác hành viên mãn, cho nên hoa Upala không chỉ là ban phúc, ca ngợi mà còn là một sự chứng minh.
Tiếp nữa, chúng ta cũng thấy trong tay trái ngón cái và ngón áp út của các Không Hành Mẫu có cầm hoa Upala tượng trưng cho Bồ Tát đang thực hành lục độ, cũng tượng trưng cho sự phát huy tâm từ bi. Cành hoa Upala thường có ba bông, một bông nở rộ, một bông nở hé, một bông chưa nở, trong kinh điển nói rằng tượng trưng cho Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng tượng trưng cho chúng sinh tam giới. Vì thế, cầm hoa Upala cho thấy tâm nguyện của Bổn tôn này vĩnh viễn đặt vào chúng sinh. Vì thế, bông hoa này được tặng cho Lư Sư Tôn cũng là ca ngợi, tùy hỷ, ấn chứng, không hề đơn giản chỉ là một bông hoa. Nó là một bông hoa sen xanh tượng trưng cho toàn bộ giác hành viên mãn chín muồi, cũng tượng trưng cho bản địa của Lư Sư Tôn. Đây là những gì tôi hiểu.
Phật nói:
"Không phải là vì ôm mặt khóc to, mà là tấm lòng từ bi của Lư Sư Tôn đã chín muồi rồi!”
Phải trải qua lục độ vạn hành mới có thể chín muồi. Cho nên như tôi vừa nói, Milarepa nói: “Khi tôi chưa thành tựu, tôi nghĩ rằng tôi đang độ chúng sinh. Sau khi tôi đã thành tựu, tôi mới nhận ra thì ra chúng sinh đang độ tôi.” Nếu không có chúng sinh, con người không thể nào tu hành thành tựu. Ở đây tôi cũng xin bổ sung, chúng ta thường cho rằng chúng ta vẫn luôn thực hành từ bi hỷ xả, nhưng thật ra phạm vi cũng thường chỉ ở xung quanh chúng ta, bạn rất khó để đem sức mạnh, tình yêu này phổ rộng đến rất nhiều nơi. Vì thế, bạn phải trải qua rất nhiều khó khăn và khảo nghiệm, phải tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh đau xót của chúng sinh thì bạn mới có thể thành tựu. Cho nên Bồ Tát không thể nào vì khó mà không làm, vì khó mà không độ, bởi vì từ lâu Phật đã biết, nếu con người không trải qua đủ mọi kiếp nạn thì làm sao có thể thành tựu Phật quả, cần phải có chúng sinh khảo nghiệm bạn.
Tiếp đó Sư Tôn viết tiếp năm chương về quán tu hỷ vô lượng. Nhưng khi bạn đọc xong, bạn sẽ phát hiện ra những chương này không chỉ nói về hỷ mà thật ra là kể những câu chuyện về Sư Tôn thực tế đang làm tất cả từ bi hỷ xả.
Chương tiếp theo Sư Tôn viết là “Tôi coi trọng pháp gia hành”. Sư Tôn nói rằng:
Đừng cho rằng pháp gia hành là không quan trọng. Đó chính là nền tảng của thành tựu Mật giáo.
Rồi có người hỏi Sư Tôn: "Thường nghe người ta nói đến "thứ tự sinh khởi", vậy "thứ tự sinh khởi" là gì? Nội hàm của nó là gì?”
Thông thường khi bạn hỏi một Thượng sư Mật giáo, rất khó để Thượng sư đó nói cho bạn rõ ràng thứ tự sinh khởi là gì, họ sẽ giới thiệu cho bạn rất nhiều nghi quỹ gì đó. Còn Sư Tôn nói:
Thứ tự sinh khởi nghĩa là nghi quỹ. Đó là những nghi thức "chính tu" mà ban đầu các vị tổ sư đã lập ra dựa trên quá trình trải nghiệm của mình. Tôi thì nhận định đây là việc tu quán Bổn tôn.
Quán tưởng bản thân biến thành Bổn tôn. Quán tưởng môi trường sống của bản thân là cung điện của Bổn tôn. Quán tưởng người xung quanh bản thân là Bồ Tát quyến thuộc của Bổn tôn.
Thật ra thứ tự sinh khởi xét về khái niệm siêu độ tức là quá trình tu hành từ thân thô lậu đến thân vi tế. Thân thô đến thân tinh đến thân vi tế đến thân bí mật chính là bốn bộ pháp. Cho nên nhìn chung, chúng ta phân toàn bộ thứ tự của quá trình tu hành thành hai bộ phận: trước pháp Bổn tôn là thứ tự sinh khởi, đi vào tu hành Nội pháp đến Đại viên mãn gọi là thứ tự viên mãn. Còn thế nào là thân tinh? Nói một cách đơn giản là khi bạn có thể sinh ra cảm nhận thanh tịnh thì đó là thân tinh. Thân vi tế là khi bạn có thể xuất dương thần. Còn thân bí mật là dương thần của bạn và khí mạch minh điểm trên người bạn kết hợp lại biến thành thân ánh sáng, thân ánh sáng dung nhập vào Bổn tôn. Giống với khái niệm Cửu chuyển huyền công của Đạo gia.
Tiếp theo đến chương 19 “Tu Kim Cang Tát Đỏa để tịnh hóa”. Có người cho rằng bạn tu Kim Cang Tát Đỏa thì có thể bỏ qua pháp Thượng sư tương ứng, còn bạn tu pháp Thượng sư tương ứng thì có thể bỏ qua pháp Kim Cang Tát Đỏa. Đây là sai lầm. Sư Tôn đã nói, cho dù bạn tu đến Đại viên mãn thì bạn vẫn cần tu gia hành. Bất kì Bổn tôn nào cũng không tách rời Thượng sư, không tách rời Kim Cang Tát Đỏa, bởi vì các vị là tổng trì của Mật giáo. Quán tưởng Kim Cang Tát Đỏa là Báo thân Phật. Báo thân Phật là sự hiển hiện mọi tướng trang nghiêm, tướng trang nghiêm này được đại diện bằng 13 sự trang nghiêm được phân ra làm 5 y và 8 trân bảo. 5 y là cái nào? Thứ nhất là dải băng trên mũ Phật, dải băng hai bên người, dải băng quấn quanh eo, váy và áo khoác, tổng cộng là 5 y đều phải quán tưởng ra. 8 trân bảo, ta lấy Kim Cang Tát Đỏa làm ví dụ. Trân bảo thứ nhất là mũ Ngũ Phật. Thứ hai là khuyên tai. Tiếp theo là vòng cổ, chuỗi vòng ngắn, chuỗi vòng dài, khuyên đeo ở cánh tay, khuyên đeo ở cổ tay và cổ chân. Bạn phải quán tưởng rõ ràng tất cả, vì thế đừng cho rằng quán tưởng là không quan trọng. Muốn hợp nhất với Bổn tôn thì phải quán tưởng lần lượt từng chi tiết này rõ ràng, sự trang nghiêm của ngài cũng chính là sự trang nghiêm của bạn. Bạn tu được như thế này thì tương đương với bạn chính là Báo thân Phật.
Tiếp theo Sư Tôn nói:
Tụng bách tự minh chú. (chú dài) Tụng chú ngắn. (Om benza satto ah hum pei) [Ôm pê-cha sát-tô a hùm pây] Tụng tâm chú. (Om benza satto hum) [Ôm pê-cha sát-tô hùm]
Om (ánh sáng trắng). Benza (ánh sáng vàng). Sat (ánh sáng đỏ). To (ánh sáng lục). Hum (ánh sáng lam).
Năm vệt ánh sáng chiếu lên trên, thiên nữ cúng dường trân bảo. Năm vệt ánh sáng chiếu xuống dưới, cứu giúp lục đạo chúng sinh.
Tôi tin rằng thông thường bạn đọc xong là thôi, ở đây có bí mật là gì? Bởi vì tôi đã từng đọc Sư Tôn nói về quán tưởng phẫn nộ tôn bách tự minh chú. Tôi cũng từng đọc kinh Kim Cương Đỉnh và kinh Đại Nhật, trong đó có ghi rõ về mandala Kim cương giới và Thai tạng giới. Vì thế tôi biết, trong mandala Kim cương giới và Thai tạng giới, xung quanh mỗi chủ tôn đều có bốn vị Bồ Tát và cộng thêm bốn thiên nữ cúng dường. Sự xuất hiện của bốn thiên nữ cúng dường và bốn Bồ Tát không phải để “bày cho đẹp” mà có mật ý bên trong. Bởi vì Sư Tôn từng tiết lộ rằng Đại Nhật Như Lai là chủ tôn của toàn bộ pháp giới, xung quanh ngài có bốn đại Bồ Tát - Kim Cang Ca, Kim Cang Vũ, Kim Cang Hy Hý, Kim Cang Hoa Man. Còn một vị nữa là Kim Cang Diệu Hạnh. Năm vị này tượng trưng cho năm loại cúng dường, mặc dù là dùng cúng dường của nhân gian để đại diện, nhưng thông qua sự chuyển hóa của Phật Bồ Tát, chúng biến thành một sự thăng hoa tinh diệu thù thắng.
Xung quanh Kim Cang Tát Đỏa cũng có bốn vị Bồ Tát là Kim Cang Dục, Kim Cang Xúc, Kim Cang Ái, Kim Cang Mạn. Dục, Xúc, Ái, Mạn ở đây là chỉ tập khí của nhân gian, tập khí nhân gian sau khi chuyển hóa sẽ biến thành cúng dường Phật. Cúng dường Phật thế nào? Dục tức là bạn nguyện độ hết tất cả dục vọng của chúng sinh, tức là quá trình chuyển hóa tham thành đại tham [tham cái lớn]. Xúc, tức là bạn đem tình yêu lớn của mình tiếp xúc với tất cả chúng sinh. Ái là không chỉ yêu những người bạn thích, mà còn phải yêu cả những người làm hại bạn, chuyển hóa tình yêu nhỏ thành tình yêu lớn. Mạn là chuyển hóa ngã mạn của chính mình thành Phật mạn kiên cố, tức là Bổn tôn kiên cố. Thông qua các kiểu chuyển hóa, bạn sẽ thành tựu Bổn tôn, dùng thân của Bổn tôn để phân bố năm ánh sáng đến lục đạo chúng sinh. Đây chính là pháp nghĩa của tu Kim Cang Tát Đỏa để tịnh hóa.
Bình thường chúng ta tu pháp Kim Cang Tát Đỏa đã là rất giản lược rồi. Vì sao Sư Tôn nói pháp Kim Cang Tâm là đại pháp? Bởi vì trong pháp này có quá nhiều đạo lý bạn có thể lĩnh ngộ được. Phần đầu cuốn sách Sư Tôn nói về từ bi hỷ xả, phần sau nói về Kim Cang Tâm, bởi vì cá tính quan trọng nhất của Kim Cang Tâm Bồ Tát chính là từ bi hỷ xả viên mãn tất cả thế giới. Sư Tôn nói bạn muốn tu một Bổn tôn bạn phải hiểu nguyện lực của Bổn tôn đó,
Phần cuối cuốn sách Sư Tôn còn viết mấy chương về những lời vàng, chính là cô đọng lại toàn bộ cuốn sách. Mong rằng các bạn hãy đọc cuốn sách thật cẩn thận, từ đó hiểu được Sư Tôn đã nghĩ thế nào, đã làm ra sao, đã thực tiễn trên việc thực tu ra sao, bạn sẽ có được sự thành tựu. Tương lai bạn độ chính mình đến bỉ ngạn, sau đó tiếp tục độ chúng sinh.
Om mani padme hum.