TS Liên Anh giảng Cao Vương Kinh
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: N/A Địa điểm: N/A Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
(Lược dịch bài giảng)
Khi tìm hiểu về lịch sử và pháp mạch của Cao Vương Kinh, có một điểm quan trọng cần biết là kinh này có rất nhiều tên gọi, ví dụ như “Triết Đao Quan Âm Kinh”, “Cứu Sinh Quan Âm Kinh”, “Triết Đao Kinh”, “Đại Vương Quan Thế Âm Kinh”, “Tiểu Quan Thế Âm Kinh”, hoặc tên gọi tắt là “Quan Âm Kinh”.
Trong lịch sử có ba nhân vật quan trọng nhất đóng vai trò trong việc truyền bá rộng rãi Cao Vương Kinh là Tôn Kính Đức, Lư Cảnh Dụ và Vương Huyền Mô. Ba người này đều nhờ niệm Cao Vương Kinh mà hóa giải được họa ngục tù, đây là điểm chung giữa họ mặc dù thời đại của họ khác nhau nhưng cùng niệm một bộ kinh và được cứu độ giống nhau.
Sư Tôn nhắc đến câu chuyện của Tôn Kính Đức nhiều nhất. Thật ra trước khi bị giam vào ngục, ông vốn tín phụng Quan Âm, có tâm rất kiền thành cung kính, tự mình điêu khắc một bức tượng Quan Âm. Khi ông ấy được một sa môn nhập mộng nói với ông rằng niệm kinh này có thể giải cứu ông khỏi oan ngục, sau khi được thả khỏi ngục trở về nhà thì phát hiện ra trên bức tượng Quan Âm của mình có ba vết đao hằn trên thân, tức là tượng Quan Âm đó đã chịu thay ông ba nhát đao. Vì ông một lòng phụng trì pháp môn Quan Âm cho nên Quan Âm đã chịu thay đao hình cho ông.
Vương Huyền Mô cũng vậy, ông mơ thấy Quan Âm nói với ông rằng hãy niệm Kinh Quan Âm 1000 biến đi. Trên thực tế, chính tôi và bố tôi đã từng liên tục niệm 1000 biến Cao Vương Kinh từ đầu tới cuối, từ phụng thỉnh Bát Đại Bồ Tát cho đến cả niệm kệ hồi hướng, ngoài lúc ăn và ngủ ra thì hầu như thời gian còn lại đều niệm, thế mà cũng phải mất ba ngày rưỡi. Vậy xin hỏi vì sao Tôn Kính Đức, Vương Huyền Mô và Lư Cảnh Dụ có thể chỉ trong một đêm trước ngày hành hình có thể niệm xong được 1000 biến? Trong lịch sử có ghi lại là Vương Huyền Mô được Quan Âm chỉ thị niệm “Thập Cú Quan Âm Kinh”, người đời sau đã gọi đây là bản “cô đọng” của Cao Vương Kinh, gọi là “Tiểu Quan Âm Kinh”. Kinh này như sau: “Quan Thế Âm. Nam mô Phật. Dữ Phật hữu nhân. Dữ Phật hữu duyên. Phật pháp tương duyên. Thường lạc ngã tịnh. Triều niệm Quan Thế Âm. Mộ niệm Quan Thế Âm. Niệm niệm tòng tâm khởi. Niệm Phật bất ly tâm.” [Quan Thế Âm. Nam mô Phật. Cùng Phật hữu nhân. Cùng Phật hữu duyên. Phật pháp tương duyên. Thường lạc ngã tịnh. Sáng niệm Quan Thế Âm. Tối niệm Quan Thế Âm. Niệm niệm khởi từ tâm. Niệm Phật không lìa tâm.]
Vì thế chính tôi từng nghĩ những người này một đêm trước khi chịu hành hình có thể niệm đủ 1000 biến ắt có cách đặc biệt. Cách đặc biệt này diễn biến cho đến ngày nay không biết mọi người còn nhớ không? Căn bản Thượng sư của chúng ta từng truyền pháp đặc biệt, đó là Cao Vương Quan Thế Âm thanh tịnh pháp. Nhưng bạn cần phải có tiền đề, trong sách Sư Tôn cũng từng viết rõ rồi, bình thường bạn thường xuyên niệm tụng Cao Vương Kinh, bạn đã niệm hơn 1000 biến rồi, thì vào lúc vô cùng cấp bách, bạn ở trước đàn thành, thắp hương phụng thỉnh, sau đó niệm tên kinh “Cao Vương Quan Thế Âm Kinh”, sau đó bạn quán tưởng ngài chiếu đến bảy mạch luân của bạn, bạn sẽ được thanh tịnh và được ngài bảo hộ tất cả đều bình an. Cho nên tự cổ chí kim, Quan Thế Âm Bồ Tát thương lo cho chúng sinh, chưa từng bao giờ bỏ rơi chúng sinh.
Từ thời Bắc Ngụy đến nay, Cao Vương Kinh đã lưu truyền trên đời hơn 1500 năm rồi, và có nhiều bản khác nhau, trong những bản đầu tiên thật ra không có Thất Phật diệt tội chân ngôn, phải đến triều Tống mới có thêm chân ngôn này. Nhưng cho đến tận ngày nay, ngoại trừ Chân Phật Tông, đại bộ phận học giả Phật giáo và Phật tử đều cho rằng Cao Vương Kinh là ngụy kinh, luận điểm chính của họ là Cao Vương Kinh không phải kinh điển do Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết, họ cho rằng kinh này phụ họa theo “Phổ Môn Phẩm”. Nhưng vì sao kinh điển này vẫn được lưu truyền rộng rãi như vậy, các học giả nói rằng đa số các ngụy kinh đều có liên quan đến tín ngưỡng Quan Thế Âm Bồ Tát. Chúng ta thường nghe câu nói “gia gia Di Đà hộ hộ Quan Âm”, đó là vì sức mạnh từ bi và linh cảm của A Di Đà Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát vẫn luôn hiển hiện, cho dù là người có học hay thất học, những người nghèo khổ chẳng có trình độ học vấn gì cả, nhưng họ niệm tụng vẫn có được cảm ứng.
Tiếp theo tôi sẽ nói đến mối quan hệ giữa Cao Vương Kinh và vương triều Tây Hạ. Sư Tôn nói rằng dưới thời Tây Hạ, Cao Vương Kinh được tất cả mọi người cùng niệm tụng. Vì sao gọi là Đại Bạch Cao Quốc? Đây còn được gọi là đất nước của Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử Cao Vương Quan Thế Âm. Sư Tôn nói rằng vương triều Tây Hạ tồn tại khoảng 190 năm và trải qua mười vị hoàng đế, Sư Tôn chính là vị hoàng đế đầu tiên khai triều tức là Hạ Cảnh Tông Lý Nguyên Hạo, cũng là vị hoàng đế thứ năm Tây Hạ Nhân Tông Hoàng đế Thánh Đức, cũng là vị hoàng đế cuối cùng Lý Hiện đều cực kì thúc đẩy Cao Vương Kinh. Làm sao biết được điều này? Ở thành Hắc Thủy trong khu hang đá Đôn Hoàng có thể tìm được ghi chép của Cao Vương Kinh.
Trong sách Sư Tôn cũng từng nói, vương triều Tây Hạ trước sau đã nhiều lần tổ chức đại pháp hội hộ quốc, kinh điển mà họ niệm tụng đều là kinh Đại thừa, trong đó có một bộ là Cao Vương Kinh, thời kỳ đó Cao Vương Kinh cũng được gọi là Hộ Quốc Cao Vương Quan Thế Âm Kinh. Đó là vì sao mà Thành Cát Tư Hãn trong 3 năm tấn công Tây Hạ tổng cộng 14 lần phái quân đánh nhưng không đánh thắng nổi, bởi vì Tây Hạ được Cao Vương Kinh cứu độ.
Tôi bổ sung thêm một điểm nữa là Cao Vương Kinh, Đại Luân Kim Cang Đà-la-ni, Tôn Thắng Đà-la-ni, Như Ý Luân Quan Âm Kinh, Đại Tùy Cầu Đà-la-ni Kinh đều được đặt cùng với nhau trong khắc đá ở Phòng Sơn. Điều này có nghĩa là thời gian đó ở Tây Hạ đã thịnh hành Mật tông. Quốc sư ở Tây Hạ là vị nào? Trước sau có hai phái Mật tông lớn nhất, phái thứ nhất là Kagyu với vị Karmapa đời thứ nhất là Đại Bảo Pháp Vương Dusum Khyenpa, ngài chính là quốc sư của Tây Hạ. Vị quốc sư thứ hai là Drogön Chogyal Phagpa [Bát Tư Ba] của phái Sakya. Vì thế trong đời này chúng ta đều có liên hệ với phái Kagyu và Sakya, bởi vì hoàng đế khi xưa đã mời hai vị đại Pháp Vương này làm quốc sư. Còn nữa, trong kinh bộ ngoài kinh tạng Mật giáo ra còn có Pháp Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, và Duy Ma Cật Kinh mà hiện tại Sư Tôn đang giảng. Tất cả đều có trong khắc đá ở Phòng Sơn. Vì thế tôi tin rằng chẳng có việc gì là tự nhiên xảy ra, từ xưa cho đến nay tất cả đều có nhân duyên, được Sư Tôn đem đến đời này. Đời xưa chúng ta đã đi theo Sư Tôn, ký ức cũng đem theo đến đời này, khi xưa học cái gì thì đến bây giờ cũng học cái đó, chỉ là thay đổi thân xác da thịt mà thôi. Nhưng những gì đã được cất giấu trong chúng ta sẽ lần lượt được lấy ra.
Trong những văn tập của mình, Sư Tôn đã từ từ tiết lộ Cao Vương Kinh rốt cục là do ai thuyết. Hồi đầu tiên Sư Tôn nói vị sa môn nhập mộng thuyết kinh cho Tôn Kính Đức đó chính là Sư Tôn. Sau này trong văn tập Sư Tôn cũng viết Cao Vương Kinh vốn là do Tịnh Quang Bí Mật Phật thuyết. Lại một lần khác trong thiền định, Sư Tôn đã gặp Định Quang Như Lai. Rồi gần đây Sư Tôn lại tiết lộ Cao Vương Kinh là do Duy Ma Cật nói. Tóm lại, Sư Tôn càng ngày càng nói ra nhiều bí mật. Rốt cục là Kim Túc Như Lai hay là Kim Cương Trì Tịnh Quang Bí Mật Phật, hay là Định Quang Phật, rốt cục là ai?
Trọng điểm quan trọng nhất của Kinh Duy Ma Cật là ngoài nói về pháp môn bất nhị thì còn nói về cảnh giới thần thông bất khả tư nghì, nói về biến hóa và phân thân. Trong văn tập của mình, Sư Tôn đã ghi lại cuộc nói chuyện với Duy Ma Cật Đại Sĩ về hóa thân bên ngoài thân, tức là sự kỳ diệu của phân thân. Trong Mật giáo có một khái niệm rất lý thú, đó là hợp nhất và biến thân. Sư Tôn nói rằng bản thân là hóa thân của A Di Đà Phật, sao cũng lại là phân thân của Duy Ma Cật? Quan Âm đời đời là thị giả của A Di Đà Phật, đồng thời cũng là thị giả của Dược Sư Phật. Điều này đã chứng minh sự hiển hiện, biến hóa và thị hiện của Bồ Tát thành các Bổn tôn vốn dĩ là biến tới biến lui, Phật rốt cục là ai, chúng ta cần có trí huệ để phân biệt. Tam Sơn Cửu Hầu Tiên Sinh cũng là sự hóa hiện của Duy Ma Cật Đại Sĩ.
Có một hôm khi tôi đang niệm Cao Vương Kinh vào khoảng giữa năm 2018 lúc ở trong ký túc xá, tôi bỗng dưng nghĩ đến Sư Tôn đã giảng nhiều pháp như vậy rồi nhưng vì sao vẫn chưa từng nhắc đến lai lịch của bốn vị Quan Âm trong Cao Vương Kinh, bởi vì ngoại trừ Đại Minh Quan Thế Âm có thể tra được thông tin trên mạng thì lai lịch của ba vị còn lại không rõ. Buổi trưa ngày hôm sau tôi phải lái xe đưa Sư Tôn đến Đài Loan Lôi Tạng Tự, trước đó chúng tôi có vào một nhà hàng bên đường để ăn trưa. Thông thường khi Sư Tôn dùng bữa thì không nên hỏi bất kì việc gì cả, nhưng lúc đó Sư Tôn rất vui vẻ, tôi đột nhiên có linh cảm, tôi liền hỏi có thể thỉnh thị Sư Tôn một thắc mắc trong lòng được không. Sư Tôn bảo cứ nói đi. Tôi nói trong Cao Vương Kinh nói đến nhiều Phật Bồ Tát như vậy, trong đó có bốn vị mà tôi nghĩ rằng rất tuyệt vời, rất thần bí, có thể thỉnh Sư Tôn khai thị không. Tôi hỏi Đại Minh Quan Thế Âm, Quan Minh Quan Thế Âm, Cao Minh Quan Thế Âm, Khai Minh Quan Thế Âm có lai lịch thế nào. Sư Tôn nhìn tôi hỏi: “Sao con biết mấy vị này rất thần bí?” Tôi nói: “Con cũng không biết nữa cho nên mới hỏi Sư Tôn.” Sư Tôn nói bốn vị này là bí mật trong bí mật, sau này thầy sẽ nói. Từ đó đến nay đã gần 7 năm rồi, tôi hy vọng sẽ có một ngày Sư Tôn giải thích cho chúng ta biết lai lịch của bốn vị Quan Âm này.
Thất Phật diệt tội chân ngôn đại diện cho Thất Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, trùng trùng vô lượng Thất Phật, diệt trừ các tội đã biết và chưa biết của chúng sinh, diệt trừ trọng tội căn bản vô tận từ vô thủy tới nay, là căn bản sám, vô sinh sám, thù thắng vô cùng.
Cao Vương Kinh có phải là ngụy kinh không, Sư Tôn hỏi Phật làm sao để phán xét kinh điển là thật hay giả? Phật Đà cho rằng chỉ cần là kinh điển lợi ích chúng sinh thì đó là chính pháp, phù hợp với tam pháp ấn.
Mọi người có để ý hình tượng của Cao Vương Kinh không? Khi chúng ta tu pháp của ngài thì kết ấn chuyển pháp luân, nhưng bức tượng của ngài thì lại là tay phải kết ấn thuyết pháp, tay trái kết ấn đẳng trì, ấn đẳng trì còn gọi là ấn tam muội da, hoặc định ấn. Định ấn mang ý nghĩa là chế tâm một chỗ, vì thế Sư Tôn từng giảng khẩu quyết tu trì Cao Vương Kinh là “nhất tâm”, từ xưa đến nay vẫn chỉ nói đến “nhất tâm”. Bạn nhất tâm xướng danh, nhất tâm cung kính, nhất tâm quy y Phật pháp tăng, bạn đọc từng câu từng chữ đi vào tâm, bạn nhất định sẽ có được sự gia trì của Phật Bồ Tát. Ngay trong hình tượng điêu khắc của bức tượng đã nói rõ ràng rồi. Tay phải thuyết pháp tay trái đẳng trì còn có hàm nghĩa gì nữa? Trong các kinh điển có thể đọc thấy, trước khi Phật nói đà-la-ni đều sẽ nhập sâu vào Tam ma địa sau đó mới nói chân ngôn đà-la-ni. Ở đây hoàn toàn hợp với lý niệm của Phật giáo tam vô lậu học giới-định-huệ, trước tiên phải có giới sau đó mới định, có định sau đó mới sản sinh ra huệ, từ trong định chân chính bộc lộ ra diệu pháp gọi là không-hữu song vận, đây là hàm nghĩa chân chính của Phật giáo, không thể thiên lệch không, cũng không thể thiên lệch hữu.
Tôi tin rằng cho đến bây giờ thì Cao Vương Kinh đã làm lợi lạc vô lượng vô số chúng sinh rồi, đây là điều không thể phủ nhận.
Ngày 30/10/2024, tại lớp giáo dục học tập dành cho nhân viên hoằng pháp các cấp của Chân Phật Tông trong khuôn khổ của đại hội cúng tăng thường niên diễn ra tại Malaysia, Thượng sư Liên Anh đã có bài giảng xuất sắc về tinh hoa của hai bộ kinh điển quan trọng nhất trong Chân Phật Tông là Cao Vương Kinh và Chân Phật Kinh.
Là một hành giả Chân Phật, không ai là không biết đến hai kinh điển này, rất nhiều người thường xuyên trì tụng hàng ngày, rất nhiều người có thể đọc thuộc lòng một cách trôi chảy dễ dàng, nhưng nói một cách nghiêm túc, có bao nhiêu người thật sự hiểu được những ẩn ý và bí mật sâu xa của hai bộ kinh này?
Thượng sư Liên Anh giảng rằng, trong giáo pháp Chân Phật có hai tượng trưng lớn: một là cầu vồng - tượng trưng cho ánh sáng xán lạn rực rỡ, tác dụng trong Mật pháp là tức-tăng-hoài-tru-bảo; hai là tiếng sấm - tượng trưng cho pháp môn bất nhị, chân như, nhậm vận, cũng tượng trưng cho tiếng gầm sư tử - đó là đại pháp loa vang vọng khắp mười pháp giới.
Mọi người đều biết rằng Cao Vương Kinh là kinh điển được truyền trong mơ. Vào thời Bắc Ngụy, có một người là Tôn Kính Đức do liên lụy mà bị xử tử hình, vào đêm trước này hành hình, ông đã mơ thấy tăng nhân dạy cho ông niệm Cao Vương Kinh 1000 biến, đến khi ở pháp trường, đao chém xuống mà ông không hề bị thương, từ đó Cao Vương Kinh đã được triều đình coi trọng và lưu truyền.
Điều mọi người không biết là Tôn Kính Đức rất kiền thành thờ cúng Quan Thế Âm Bồ Tát cho nên mới có nhân duyên được cứu này. Từ chính kinh nghiệm của bản thân mình, Thượng sư Liên Anh kể đã từng trong một thời gian rất ngắn niệm xong 1000 biến, nhưng nhanh nhất cũng phải mất đến hai ngày rưỡi, vậy thì làm sao Tôn Kính Đức có thể trong một đêm mà niệm xong 1000 biến được chứ?
Đây chính là pháp thù thắng của Cao Vương Kinh, vì còn có “Tiểu Quan Thế Âm Kinh”, trong thời gian rất ngắn có thể niệm đủ 1000 biến. Giống như Căn bản Thượng sư từng dạy các đệ tử rằng khi gặp lúc nguy cấp, chỉ cần niệm tên kinh của Cao Vương Kinh cũng có thể tránh được tai họa. Đây là Quan Âm Bồ Tát từ bi cho pháp phương tiện thù thắng, tự cổ chí kim, ánh sáng từ bi của Quan Âm Bồ Tát vẫn luôn chiếu sáng chúng sinh.
“Tiểu Quan Âm Kinh” - tức Thập Cú Quan Âm Kinh như sau: “Quan Thế Âm. Nam mô Phật. Dữ Phật hữu nhân. Dữ Phật hữu duyên. Phật pháp tương duyên. Thường lạc ngã tịnh. Triều niệm Quan Thế Âm. Mộ niệm Quan Thế Âm. Niệm niệm tòng tâm khởi. Niệm Phật bất ly tâm.” [Quan Thế Âm. Nam mô Phật. Cùng Phật hữu nhân. Cùng Phật hữu duyên. Phật pháp tương duyên. Thường lạc ngã tịnh. Sáng niệm Quan Thế Âm. Tối niệm Quan Thế Âm. Niệm niệm khởi từ tâm. Niệm Phật không lìa tâm.]
Niệm tụng tên kinh của Cao Vương Kinh có thể tránh được tai họa, nhưng muốn được giống như Tôn Kính Đức thì thường ngày cũng phải làm đủ công khóa, bình thường Tôn Kính Đức đã không ngừng niệm Phổ Môn Phẩm, vì thế pháp phương tiện lúc nguy cấp này mới có thể phát huy sức mạnh.
Thượng sư giải thích mối quan hệ giữa Cao Vương Kinh và Căn bản Thượng sư Liên Sinh Hoạt Phật, mối quan hệ giữa Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử, Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Bạch Cao Quốc và đệ tử Chân Phật, mối quan hệ giữa Cao Vương Kinh và Duy Ma Cật Đại Sĩ, mối quan hệ giữa Cao Vương Kinh và Liên Hoa Đồng Tử, mối quan hệ giữa Cao Vương Kinh và Định Quang Phật, tất cả đều vô cùng bất khả tư nghì. Từ đây có thể tin tưởng rằng người và người gặp nhau đều là cửu biệt trùng phùng, mỗi một sự việc xảy ra đều không bao giờ là ngẫu nhiên, chắc chắn trong đời quá khứ đều có tồn tại mối liên hệ chặt chẽ.
Thượng sư đặc biệt giải thích Thất Phật diệt tội chân ngôn đại diện cho Thất Phật quá khứ, hiện tại, vi lai, trùng trùng vô lượng Thất Phật, diệt trừ các tội đã biết và chưa biết của chúng sinh, diệt trừ trọng tội căn bản vô tận từ vô thủy tới nay, là căn bản sám, vô sinh sám, thù thắng vô cùng.
Có người cho rằng Cao Vương Kinh là ngụy kinh (kinh giả), nhưng trong Cao Vương Kinh có mật ý thực tiễn. Phật Đà cho rằng phàm là kinh hợp với ba pháp ấn, lợi lạc chúng sinh thì đều là chân kinh, thay vì nói đây là ngụy kinh thì chi bằng nói đây là một bộ chính kinh.