Thượng sư Liên Anh khai thị Bất Động Minh Vương
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 11.08.2024 Địa điểm: Quang Minh Lôi Tạng Tự - Surabaya Indonesia Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
Mỗi người chúng ta, sau khi tiếp xúc Phật pháp thì mỗi một buổi Hộ Ma, một buổi pháp hội, quan trọng nhất là gì? Là thỉnh cầu chủ tôn gia trì quán đảnh cho chúng ta, mỗi một lần quán đảnh tương đương với hoàn tịnh, hoàn tịnh cũng giống như là được tái sinh, vì vậy vừa rồi mọi người cùng hát bài chúc mừng sinh nhật cũng chính là hát cho chính chúng ta nghe. Người tu hành chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ, trong quá trình tu hành không ngừng loại bỏ những thứ đen tối, đón lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, luôn luôn cầu nguyện Phật Bồ Tát cho bạn được tái sinh, như thế việc tu hành của bạn mới có cơ hội tiến bộ.
Bây giờ chúng ta đi vào chủ đề chính. Hai ngày pháp hội trước, tôi có nói với mọi người rằng hôm nay tôi sẽ chia sẻ với mọi người Địa Tạng Vương Bồ Tát và Bất Động Minh Vương có quan hệ huyết thống như thế nào. Trong Phật giáo, giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta đại diện cho Ứng thân Phật, Báo thân là Lô Xá Na Phật, Pháp thân Phật là Tỳ Lô Giá Na Phật.
Địa Tạng Vương Bồ Tát được giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật dặn dò rằng thế giới Ta Bà phải do ngài đến độ hóa. Còn vị được Pháp thân Phật dặn dò giao phó cần đến nhân gian độ hóa chúng sinh chính là Bất Động Minh Vương. Bởi vậy chúng ta cho rằng Bất Động Minh Vương hiển hiện tướng Kim Cang Minh Vương nhưng thật ra bản địa của ngài chính là Đại Nhật Như Lai. Cho nên ở trong rất nhiều giáo phái ở Tây Tạng, Nhật Bản, ngài đều được bày để thờ cúng cùng với rất nhiều Phật và Đại Bồ Tát, cho nên vị Bất Động Minh Vương này có một sự tồn tại rất đặc biệt.
Hôm nay chúng ta ở tại Quang Minh Lôi Tạng Tự làm pháp hội của vị này là một duyên khởi rất tốt, bởi vì bản thân Minh Vương quan trọng nhất là hai chữ “Minh” và “Vương”. ”Minh” là gì? Thứ nhất đương nhiên là ngài thông hiểu Phật pháp mà Phật giảng, hơn nữa bản thân ngài có thể phóng quang chiếu sáng chúng sinh của mười pháp giới. “Vương” có ý nghĩa gì? Vương tức là ngài có thể vận dụng đúng Phật pháp để dạy dỗ chúng sinh, khiến chúng sinh cũng giống như ngài có thể sản sinh ánh sáng.
Vì thế chúng ta dùng tâm quang minh để cầu thỉnh Minh Vương, tại Quang Minh Lôi Tạng Tự làm pháp hội này đúng là tất cả quang minh.
Điều chúng ta biết rõ nhất là ở Nhật Bản, Bất Động Minh Vương rất nổi tiếng, thật ra ở Tây Tạng ngài cũng là một vị rất nổi tiếng, lần nào tôi cũng phải nói lại điều này bởi vì tôi thật sự cảm thấy rất thù thắng, bởi vì cả Tây Tạng có được nguồn pháp của Bất Động Minh Vương không ngờ là bắt đầu từ Kim Châu đại sư. Kim Châu đại sư truyền cho tôn giả Atisa, Atisa tôn giả lại truyền cho tâm tử của ngài là Drom Tonpa, và do Drom Tonpa tôn giả sáng lập phái Kadam, ảnh hưởng đến phái Gelug, Sakya và Nyingma sau này, ít nhiều đều nhìn thấy bóng dáng của pháp Bất Động Minh Vương. Nhưng người giữ được hoàn chỉnh nhất vẫn là Atisa tôn giả. Khi Kim Châu đại sư truyền pháp cho Atisa tôn giả, ngoài dạy ngài pháp phát bồ đề tâm của Độ Mẫu thì còn truyền cho ngài Thánh Bất Động Tôn, còn có tất cả đàn thành của Mã Đầu Minh Vương kim cang quyết. Sau khi truyền cho Atisa tôn giả, Atisa tôn giả đã coi Bất Động Minh Vương là Hộ pháp căn bản của ngài, chính ngài đã viết ra văn thỉnh cầu Bất Động Minh Vương và nghi quỹ tu pháp.
Atisa tôn giả còn coi Phật Thích Ca Mâu Ni, Lục Độ Mẫu và Quan Âm Tứ Thủ là Bổn tôn. Atisa tôn giả từng ngồi thuyền đi ra biển, gặp phải một con quái vật biển lớn, từ trong tâm mình ngài đã niệm chú ngữ của Bất Động Minh Vương. Đầu tiên, Bất Động Minh Vương từ trong hư không giáng xuống, dẫm chân lên thuyền, sau đó, có một vị gọi là Hồng Diêm Ma, chính là Diêm Ma Pháp Vương trong địa ngục nhưng có màu đỏ, Hồng Diêm Ma liền nuốt chửng yêu quái đó. Atisa tôn giả cho rằng pháp của Bất Động Minh Vương có thể bao hàm việc sai khiến sứ giả địa ngục, cho nên về sau Atisa tôn giả cũng tu Đại Uy Đức Kim Cang.
Pháp của Tây Tạng truyền đến Nhật Bản chính là nhờ Không Hải đại sư. Không Hải đã đến Trung Quốc Đại Lục học Mật pháp với Acharya Huệ Quả, ngài đã đem Mật pháp của Đại Nhật Như Lai và pháp Bất Động Minh Vương về Nhật Bản, sáng lập Chân Ngôn Tông, vì thế Bất Động Minh Vương cũng là Hộ pháp của Không Hải đại sư.
Khi Không Hải đại sư đi thuyền ra biển gặp nạn, Bất Động Minh Vương cũng đã hiện thân cứu Không Hải đại sư. Vì thế, bình thường chúng ta nhìn hình tướng của Bất Động Minh Vương, tay phải ngài cầm thanh kiếm áp vào trước ngực, nhưng vì nguyên nhân là Bất Động Minh Vương đã cứu Không Hải đại sư ở trên biển, nên trong suốt cuộc đời mình, Không Hải đại sư đã tự mình khắc hai bức tượng Phật, một bức trong số đó chính là Ba Thiết Bất Động Minh Vương, tức là Bất Động Minh Vương chém bay sóng lớn, cánh tay này giơ lên.
Và mọi người đều biết Atisa và Không Hải đều là chuyển thế của ai? Chính là Căn bản Thượng sư của chúng ta. Cho nên bạn thấy đó, bất kể bạn chuyển thế như thế nào thì những sự việc bạn gặp phải cũng giống nhau, Bổn tôn mà bạn tu cũng giống nhau.
Cuối cùng tôi nói về một điều đặc sắc nhất. Lúc trước Sư Tôn có nói rằng, khi ngài làm Hộ Ma Địa Tạng Vương Bồ Tát, ngài đi đến trước lò Hộ Ma, ngài nhìn thấy diện mạo trước kia của mình chính là Thánh Đức Thái Tử thời đại Asuka. Mọi người biết rằng Nhật Bản là quốc gia thịnh hành Phật giáo và Mật giáo, điều này nghĩa là sao? Thịnh hành Phật giáo và cả Mật giáo cho thấy trong đầu của những người đó đã chấp nhận sự tồn tại của linh hồn, họ tin vào nhân quả luân hồi, cho nên người Nhật Bản giống với người Trung Quốc chúng tôi rất thích siêu độ tổ tiên. Vào thời đại Asuka có một truyền thuyết rằng khi ấy muốn siêu độ thì phải phụng thỉnh mười ba vị, được gọi là mười ba Phật, nguồn gốc của mười ba Phật này là mười điện Diêm La, tôi đọc sơ qua cho mọi người nghe: Điện thứ nhất Tần Quảng Vương, bản địa của Tần Quảng Vương chính là Bất Động Minh Vương. Điện thứ hai Sơ Giang Vương, bản địa là Thích Ca Mâu Ni Phật. Điện thứ ba Tống Đế Vương, bản địa là Văn Thù Bồ Tát. Điện thứ tư Ngũ Quan Vương là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Điện thứ năm Diêm Ma Vương chính là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Điện thứ sáu Biến Thành Vương là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát. Điện thứ bảy Thái Sơn Vương là hóa thân của Dược Sư Phật. Điện thứ tám Bình Đẳng Vương là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Điện thứ chín Đô Thị Vương là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát. Điện thứ mười Ngũ Đạo Chuyển Luân Vương là hóa thân của A Di Đà Phật.
Sau cùng cộng thêm Hư Không Tạng Bồ Tát, A Súc Phật và Đại Nhật Như Lai. Ý nghĩa của mười ba Phật này ở Nhật Bản có lưu truyền một thuyết rằng: tập tục của người Hoa chúng tôi là phải cúng tuần cho người chết, cho nên từ vị thứ nhất cho đến vị thứ mười, người Hoa phải làm mười tuần, và bắt đầu từ vị đầu tiên chính là do Bất Động Minh Vương làm chủ. Cho nên như tôi đã nói, nguyên nhân Bất Động Minh Vương là hành giả của địa ngục chính là ở đây, và sự tồn tại của ngài không phải là vì muốn mọi người vào địa ngục, mà là ngài dùng hết khả năng của mình để tìm ra chủng tử lương thiện trên con người để cho bạn có được cơ hội tự kiểm điểm.
Vì thế, ở phía sau điện thứ nhất Tần Quảng Vương có một cánh cửa nhỏ là trực tiếp đi đến chỗ của Chuyển Luân Thánh Vương, do Phật Bồ Tát đón bạn đi, hoặc để cho bạn đầu thai làm người một lần nữa, nhưng bạn sẽ được đến nhà của người tốt. Câu chuyện này một lần nữa chứng minh rằng trong Mật giáo nói đến Kim Cang Thần là bên ngoài hiện tướng phẫn nộ nhưng bên trong các vị đều khởi tâm từ bi. Cho nên thật ra bạn nhìn thấy Kim Cang Thần hung mãnh, sự phẫn nộ của ngài không phải giống như bình thường chúng ta tức giận, mà là các ngài còn sốt ruột lo lắng hơn cả chúng ta, ngài sợ rằng chúng ta không tự mình biết rằng chúng ta đang ở trên con đường tạo nghiệp, e rằng chúng ta nhỡ đâu lại phạm tội thì thật sự sẽ bị rơi vào địa ngục. Vì thế ngài mới hiển hiện tướng phẫn nộ như vậy.
Cho nên chúng ta cần biết rằng chúng ta phải rất cảm ơn trên con đường tu hành của mình đã gặp được Thượng sư, Bổn tôn, Hộ pháp. Bởi vì bất luận là các vị xuất hiện dưới hình thức nào thì đều không nằm ngoài việc nói với chúng ta một đạo lý giống nhau: đoạn ác tu thiện. Đây chính là điều mà bài kệ thề nguyện của Bất Động Minh Vương nói:
“Người nào thấy thân ta thì phát bồ đề tâm Người nào nghe tên ta thì bỏ ác tu thiện Người nào nghe ta nói thì đắc đại trí huệ Người nào biết tâm ta thì tức thân thành Phật.”
Bốn câu kệ này chính là châm ngôn bốn chữ của Phật Đà, đó là: tín giải hành chứng.
Đầu tiên là tín, đó là bạn phải tin tưởng sâu sắc, không phải là hôm nay tin ngày mai không tin nữa. Sau khi bạn thật sự tin rồi bạn mới bạn mới có thể thật sự muốn hiểu về pháp mà Phật nói, khi bạn thật sự hiểu rồi bạn cũng mới có thể thật sự thực hành pháp của Phật trong cuộc sống của mình. Đương nhiên cuối cùng bạn sẽ chứng minh được điều Phật dạy bạn là thật, thì ra bản thân bạn chính là Phật, mọi người chúng ta vốn dĩ đều là Phật. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất vì sao bạn cần niệm bốn câu kệ của Bất Động Minh Vương.
Cuối cùng tôi muốn nói cho mọi người biết về kiếm rồng của Bất Động Minh Vương. Có rất nhiều kinh điển ghi chép lại sự xuất hiện của ngài, nhưng vừa hay tôi mới phát hiện ra, trong nghi quỹ Tôn Thắng Phật Mẫu phá địa ngục chuyển nghiệp chướng thành thanh tịnh có ghi chép, và Sư Tôn cũng từng viết trong sách, mỗi một vị Phật trong Ngũ Phương Phật đều có một chủng tử tự đại diện. Khi Đại Nhật Như Lai xuất hiện thì ngài hóa thành một chữ “Han”, chữ “Han” này hóa thành kiếm rồng, kiếm rồng mới biến thành Bất Động Minh Vương, đầu rồng còn có bốn cái sừng, bốn cái sừng đại diện cho Tứ Đại Minh Vương của Đông mật, đó là Cam Lộ Minh Vương, Đại Uy Đức Minh Vương, Kim Cang Dạ Xoa Minh Vương và Hàng Tam Thế Minh Vương.
Cho nên thanh kiếm này không chỉ là pháp khí của ngài mà còn đại diện cho sự biến hóa của bản thân Bất Động Minh Vương. Tác dụng của việc ngài hiển hiện là để giúp đỡ Tôn Thắng Phật Mẫu tiêu trừ nghiệp chướng của chúng sinh, đưa họ đến Phật quốc thanh tịnh. Vì thế mandala của Tôn Thắng Phật Mẫu là ở bốn phía Đông Nam Tây Bắc đều có một vị Minh Vương, phía Đông là Bất Động Minh Vương, phía Nam là Ái Nhiễm Minh Vương, phía Tây là Trì Bổng Minh Vương, phía Bắc là Đại Lực Minh Vương.
Kết luận lại, đệ tử Chân Phật thật ra đều có thể nhìn thấy bóng dáng của Bất Động Minh Vương ở rất nhiều nơi, mặc dù bản địa của ngài là Phật nhưng ngài luôn thị hiện thân phận giống như nô bộc đến để phục vụ tất cả Bồ Tát, tôi cho rằng đây là tinh thần vĩ đại nhất của Bất Động Minh Vương. Tôi hy vọng mọi người không xem thường pháp của vị này, mặc dù nghi quỹ của ngài không phức tạp giống như là pháp Hỷ Kim Cang hay Thời Luân Kim Cang mà Sư Tôn đã truyền. Trong nghi quỹ của Sư Tôn truyền, quan trọng nhất chính là chú ngữ, thủ ấn, quán tưởng, lần nào tôi cũng phải nói rằng nghi quỹ đơn giản mà chúng ta nhìn thấy đó là do Căn bản Thượng sư của chúng ta từ bi, bởi vì ngài đã dùng cách thức đơn giản nhất để dạy chúng ta làm sao để tương ứng với Bổn tôn ở rất xa như vậy. Vì thế xin mọi người hãy trân trọng ba điều: thứ nhất là trân trọng thời gian mà Căn bản Thượng sư vẫn còn tại thế; thứ hai là trân trọng Phật pháp mà Căn bản Thượng sư truyền xuống; thứ ba là điều ngay đầu bài khai thị tôi đã nói, chúng ta hãy trân trọng thân thể được tái sinh này của chúng ta.
Om mani padme hum.