TS Liên Anh khai thị Chân Phật Bảo Sám
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 19.10.2024 Địa điểm: Tâm Đăng Đường - Malaysia Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
Xin chào mọi người!
Lần đầu tiên tôi công khai hát Chân Phật Bảo Sám, chắc là cũng ổn nhỉ? [Mọi người: Rất hay!!!] Tôi cũng phải cảm ơn trợ giảng đã dẫn dắt hát xướng. Buổi chiều chúng tôi chỉ có chưa tới một tiếng để luyện tập với nhau, vừa rồi cũng có nhiều chỗ là trực tiếp tùy hứng mà hát.
Đối với Chân Phật Bảo Sám, rất nhiều nơi đều chọn làm pháp hội, và cũng rất nhiều nơi làm đồng tu, đây đã trở thành một đặc sắc của Chân Phật Tông chúng ta. Gần như mỗi dịp 18/5 Âm lịch, tức là Thánh đản của Sư Tôn, hoặc là vào ngày 18 hàng tháng là một ngày kết duyên đặc biệt, mọi người đều đến bái sám, sau đó cùng tu, vì thế đây đã trở thành một hoạt động rất quan trọng của các đạo tràng lớn nhỏ.
Vậy tôi muốn hỏi mọi người vì sao phải bái sám, đặc biệt là Chân Phật Bảo Sám? Các bạn có biết không, chúng ta đọc nghi quỹ Chân Phật Bảo Sám mà Sư Tôn viết trong sách, điểm đặc biệt là bản sám này dựa theo “Chân Thực Phật Pháp Tức Tai Tứ Phúc Kinh” để mà mở rộng ra thành bản sám này. Đây là một điểm quan trọng. Bạn thấy đó, Hiển giáo có rất nhiều sám: Đại Bi Sám, Dược Sư Sám, Thủy Sám, Lương Hoàng Bảo Sám, Kim Quang Minh Sám, v.v… đều là một dạng nghi quỹ. Nghi quỹ tức là một bộ phương thức tu hành, cho chúng sinh một phương pháp để kết duyên. Chúng đều có một cái gốc để dựa trên, Chân Phật Bảo Sám của chúng ta là dựa trên kinh điển được tuôn chảy từ tâm của vị Kim cương Thượng sư chân chính của chúng ta, từ đó mở rộng ra thành nhiều phần để bái sám. Vì thế, chúng ta cần biết rằng Chân Phật Bảo Sám là bất cộng pháp, bất cộng tức là ở bên ngoài không có, chỉ có sư phụ của bạn truyền cho bạn thì mới có.
Ví dụ Mahabala Đại Lực Kim Cang, Tây Tạng cũng có, nhưng pháp khí khác nhau. Vị Mahabala của chúng ta cầm một cây gậy, nhưng ở Tây Tạng, hình tượng của ngài trong “Kinh Đại Lực Kim Cang” là trên đỉnh đầu cũng là A Di Đà Phật, nhưng trên tay ngài lại cầm trượng đầu lâu, tức là trên cây gậy có đầu lâu. Có đầu lâu và không có đầu lâu khác nhau rất xa. Sư Tôn đã nói hình tượng Mahabala của chúng ta chỉ riêng Chân Phật Tông mới có, và bốn pháp khí của ngài đều có tượng trưng.
Trước đây có người hỏi tôi rằng chúng ta thường nói đến truyền thừa, Mật giáo coi trọng truyền thừa hàng đầu. Làm sao để giải thích về truyền thừa? Đương nhiên có rất nhiều cách, bạn xem kinh của Mật giáo, chúng có thể nói cho bạn một cách rất nghiêm ngặt về truyền thừa này truyền thừa nọ. Trong lòng mỗi người cũng sẽ có cách hiểu của riêng mình về truyền thừa, mỗi cách giải thích của các Thượng sư cũng khác nhau. Tôi lấy ví dụ về việc uống sữa. Sữa thì nơi nào cũng có, mỗi đất nước lại có một hương vị riêng, lại có nhiều thương hiệu khác nhau. Nhưng chung quy vẫn là sữa. Bạn tới một tiệm gọi trà sữa, trà sữa là hồng trà pha thêm sữa, nhưng bạn cũng không hề hỏi cụ thể xem là họ dùng sữa hiệu gì. Nhưng khi bạn đã uống quen thì bạn có thể nhận ra, ồ, hôm nay vị trà sữa có khác. Ví dụ buổi sáng mẹ tôi rót cho tôi cốc sữa, tôi uống vào thấy khác sẽ bảo mẹ tôi rằng bà đã đổi loại sữa khác rồi. Vậy truyền thừa là gì? Nếu bạn đã thích dùng hiệu A thì bạn sẽ mãi mãi dùng hiệu A, bạn thích hiệu B thì từ đầu tới cuối bạn đều dùng hiệu B. Đây chính là pháp nhũ của truyền thừa. Chỉ cần mùi vị khác đi một chút là sẽ khác.
Với người ngoài họ sẽ nói rằng “Mật tông các bạn…”, tức là họ quy đồng hết, nhưng với hành giả Chân Phật mà nói, bạn cần phải biết, chúng ta là sữa hiệu gì trong số các hiệu sữa, đó là hiệu Chân Phật Tông, do Liên Sinh Hoạt Phật truyền. Vậy bạn đã thấy khác chưa? Không thể nói rằng đều là sữa cho nên tôi có thể đến đạo tràng này, có Pháp Vương kia đang quán đảnh tôi cũng có thể đến, có đại Rinpoche kia đang quán đảnh tôi cũng có thể đi, vì đều là sữa mà. Nhưng khi uống vào thì sao, khi uống vào thì có quan hệ gì không? Tôi nói cho bạn biết, có quan hệ đó! Chỉ cần thêm một chút vị vào là khác rồi. Ví dụ trong một cốc sữa mà bạn cho vào một giọt nước tương thì nó sẽ thế nào? Rất kì cục đúng không, bởi vì đã hỏng mất vị rồi. Đây không còn là truyền thừa nữa. Với cá nhân tôi mà nói thì ví dụ này rất dễ hiểu, tôi nói cho người khác nghe họ sẽ bảo ồ thì ra là như vậy, thế là hiểu rồi.
Vậy hôm nay chúng ta bái sám hiệu gì? Là hiệu Chân Phật. Mỗi người đều nói mình là hiệu Chân Phật, tôi tin rằng những người đang ngồi đây chắc đều là đệ tử Chân Phật Tông, định nghĩa thế nào? Định nghĩa rộng nhất là bạn đều có chứng thư quy y Chân Phật Tông. Ai chưa có thì có thể điền vào tờ giấy quy y, hoặc bạn chưa quy y tôi sẽ quán đảnh cho bạn rồi viết giấy. Nhưng còn nói về thực tế thì sao? Bạn có dám nói bạn 100% là đệ tử của hiệu Chân Phật không? Ai dám nói bạn là 100% Chân Phật xin giơ tay! Vâng xin mời anh mặc áo xanh nói xem vì sao anh là 100%? (Đồng môn: Không bị những thứ bên ngoài làm dao động, hiểu rõ phương hướng của mình.) Câu trả lời này được 80 điểm. Hôm nay tôi không có thời gian để hỏi tiếp anh kĩ hơn thế nào là trong, thế nào là ngoài.
Trước buổi bái sám của chúng ta tôi đã ăn tối cùng các vị của Phật đường, họ khích lệ tôi nói rằng khai thị của Thượng sư Liên Anh rất dễ hiểu, hóa phức tạp thành đơn giản, nghe là biết nói đến trọng điểm gì. Tôi nói cá nhân tôi không thích những thứ phức tạp, tôi thích nói những thứ đơn giản, nhưng những thứ đơn giản lại luôn là những thứ mà mọi người khó hiểu nhất. Vừa rồi tôi nói với họ, mỗi một đệ tử có chứng thư quy y Chân Phật Tông, về mặt lý luận, họ biết là họ phải tu Chân Phật Mật Pháp, về mặt lý luận họ cũng cần phải biết thế nào là Chân Phật Mật Pháp. Tu 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm, 50 năm hoặc thế nào đó, cần phải hỏi “vì sao”. Đây là khẩu quyết mà bố tôi dành cho tôi, ông ấy là giáo sư đại học, ông ấy thích nhất là hỏi sinh viên “vì sao”. Ông ấy cũng thích nhất là sinh viên hỏi ông ấy “vì sao”. Giáo viên hỏi bạn “vì sao” là vì mong bạn hiểu được đạo lý thật sự. Học sinh hỏi giáo viên “vì sao” cũng cho thấy họ muốn hiểu thế nào là đạo lý thật sự, chứ không phải là mơ mơ hồ hồ.
Bạn mời đệ tử Chân Phật Tông nói về truyền thừa Chân Phật Tông xem truyền thừa Tạng mật của anh là thế nào, Hiển giáo có truyền thừa gì, Đạo giáo có truyền thừa gì, xin hỏi đang ngồi ở đây có ai có thể nói được hai năm rõ mười? Bạn chưa cần phải nói đến truyền thừa hư không, người ngoài sẽ phê phán bạn, mời bạn nói Hiển giáo của bạn là ai cạo đầu, hòa thượng cạo đầu là ai, giới sư là ai, giáo thọ Acharya là ai, đắc giới Acharya là ai, yết ma Acharya là ai, bạn có nói được không? Bạn có biết không, mọi người bên ngoài đều đang dùng kính lúp để soi đệ tử Chân Phật Tông của chúng ta. Vì sao tôi lại nói nghiêm túc như vậy? Ngoài chính mình tự nhận thức rằng chúng ta đang tu theo “hiệu” này ra, bạn còn phải nói ra được mỗi khi có người hỏi bạn, chỉ hiểu được nửa chữ thôi thì chưa gọi là tu hành. Người ta sẽ nói đấy nhìn đi, đệ tử Chân Phật Tông mà ngay cả truyền thừa của mình mà cũng không nói ra được. Cho nên tôi thường xuyên đi đến các đạo tràng của Chân Phật Tông, tôi không cần phải hỏi, chỉ cần nghe là biết đạo tràng này có đang dạy truyền thừa hay không, nghe là biết lý niệm của đạo tràng này có đúng hay không, không cần hỏi mà chỉ cần quan sát thôi.
Bạn hãy nghe những lớp giảng bài của Chân Phật Tông, cứ mỗi lần có hội nghị quy mô lớn là đều sẽ có các lớp giảng bài, lần này ở Seattle cũng có. Thật ra lớp giảng bài là thế nào? Không phải là tự mình nói về mình, bởi vì giảng bài là nói cho người không hiểu về bạn nghe. Người mà hiểu bạn rồi thì không cần hỏi bạn nữa, với người đã hiểu bạn rồi thì hà tất phải nói, họ còn hiểu hơn cả bạn. Trong “Binh Pháp Tôn Tử” có một câu nói rất hay là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, vì sao? Vì tiền đề của “trăm trận trăm thắng” là phải biết rõ mình đang làm gì, vì sao làm việc này. Cho nên vừa nãy tôi mới nói là tôi thích nhất là hỏi vì sao, tôi thích người ta biện luận với tôi, đặc biệt là bạn có gì không hiểu về Phật pháp, đặc biệt là những thứ thuộc về “ngoại đạo”. Chúng ta không thể nói người khác là ngoại đạo, vì trong con mắt của người khác người ta cũng nói Chân Phật Tông chúng ta là ngoại đạo. Chúng ta nói đến những người có quan niệm khác với chúng ta, khi họ muốn biện luận với chúng ta, bạn cần phải biết trả lời họ như thế nào. Những bài giảng là để dạy cho bạn hiểu những lý niệm về truyền thừa.
Truyền thừa không phải là chỉ có nói và nói, mà là bạn có thật sự dụng công không, bạn có đọc sách không. Hiện nay hàng năm Chân Phật Tông đều có các kỳ thi giảng sư, trợ giảng, đó là thi cái gì? Tôi cũng không rõ là thi cái gì, vì tôi xuất gia xong thì đã làm pháp sư rồi. Nếu tôi đi thi giáo thọ sư chắc là tôi cũng chẳng thi đạt đâu, bởi vì bài thi cũng rất khó, cho nên tôi chưa chắc thi đạt. Chức vụ hiện tại của tôi bây giờ là Thượng sư, bạn cho rằng dễ làm à? Tôi xin hỏi mọi người, bạn ngồi trước mặt cả một đám đông quần chúng để dẫn dắt một buổi đồng tu, ngày mai phải làm pháp hội Thất Phúc Thần, một mình bạn đối diện với đại chúng, bạn có dám ngồi trên ghế này không? Không chỉ có chúng sinh hữu hình mà còn có cả chúng sinh vô hình nữa. Rồi ai chịu trách nhiệm cho những đơn báo danh kia?
Hôm nay chúng tôi đại diện cho Căn bản Thượng sư đi hoằng pháp, bất kì một đạo tràng nào cũng có thể đặt câu hỏi cho bạn, họ cũng chẳng nể mặt nể mũi gì cả, phang thẳng luôn mà hỏi. Nói truyền thừa đi, nói tam pháp ấn đi, nói năm bộ đại luận đi. Bạn có nói được không? Bởi vậy, vì sao tôi dụng công cố gắng nỗ lực? Chẳng phải là để lừa người ta, để cho người ta thấy là Thượng sư này đang chăm chỉ đọc sách, mà đây là bổn phận cần phải làm. Mới đây trong đại hội Thượng sư ở Mỹ, bởi vì các đại Thượng sư đều nói các Thượng sư pháp sư của Chân Phật Tông cần phải được giáo dục như thế nào. Tôi ủng hộ 200%, việc này vốn dĩ là đúng rồi, nhưng mà quan trọng hơn cả việc này là đồng môn Chân Phật Tông có tiếp xúc được với những sự giáo dục này không, nghĩa là có được đào tạo không ngừng không. Vì sao? Vì mỗi người đều có trách nhiệm hoằng pháp, bởi vì người ta đều đang nhìn vào nhất cử nhất động thường ngày của bạn, các bạn đã hiểu Phật pháp thế nào và đang làm thế nào. Cho nên mỗi đồng môn đều là bộ mặt của Chân Phật Tông. Bạn nói trên đầu bạn là Căn bản Thượng sư, không sai, ai cũng nói được như thế, nhưng bạn đã làm những gì?
Có thể bạn nói tôi đang nói những điều rất thô và nông, đúng vậy, chúng là những cách biểu hiện rất bề ngoài. Nhưng bạn còn phải đi sâu vào bên trong. Vì thế, bái Chân Phật Bảo Sám, bạn phải biết rằng đây là căn bản sám, là đích thân Sư Tôn chân truyền, không giống cái bên ngoài, vậy bạn phải biết là vì sao không giống? Nếu bạn đọc kĩ bài văn sám, có thể nói rằng nếu không thật sự cố gắng tìm hiểu thì trên 50% nội dung bản thân tôi đọc cũng không hiểu được là đang nói về cái gì. Bạn nói xem có đúng không? Nhìn chữ thì hiểu rồi, cũng biết cách đọc chúng lên, nhưng còn ý nghĩa thì sao? Cho nên cần phải tra tư liệu và dụng tâm để hiểu được nội dung này, bởi vì Sư Tôn đã viết ra tất cả Phật Bồ Tát mà chúng ta nên phải đảnh lễ một cách rất hoàn chỉnh để có một bài văn sám đầy đủ này. Tôi hy vọng sau này khi tôi hiểu kĩ rồi, sau khi nghiên cứu rồi, có dịp thỉnh thị Sư Tôn, và sau khi hiểu được rồi tôi sẽ nói lại cho mọi người biết, bởi vì bây giờ thật ra chúng ta đều đang sám hối ở mức độ khá nông.
Đối với người bình thường, thế nào là bái sám? Đó là đọc một đống chữ, hát một đống bài, đứng dậy xong lại quỳ xuống, đứng dậy xong lại quỳ xuống, như thế gọi là bái sám, đúng không? Hôm nay có một số vị là bố mẹ đến đây, con cái của các bạn không đến, bạn bảo với con là bạn đi bái sám. Thế là trong đầu họ sẽ xuất hiện ý nghĩ bố mẹ tôi đi bái sám, đứng lên lại quỳ xuống, đứng lên lại quỳ xuống, sau khi về nhà thì kêu đau lưng, đau chân, đau tay, đấy gọi là bái sám. Người hiểu hơn một chút thì biết rằng chúng ta có một nghi quỹ, có rất nhiều pháp sư, có âm nhạc rất trang nghiêm, nhưng thực tế có phải chỉ là như vậy không?
Vừa rồi tất cả mọi người đều bái một cách rất nghiêm chỉnh và đầy đủ phải không? Với những người như vậy, xin hỏi có phải là họ đang bái sám không? Người bị đau nhức nhiều hơn thì công đức có lớn hơn không? Người nào phải xoa dầu nhiều, phải dán cao dán nhiều, sẽ được Phật Bồ Tát phù hộ nhiều hơn không? Mời mọi người thử trả lời xem. (Mọi người: Không phải!) Vậy xin nói cho tôi biết, sự khác biệt nằm ở đâu? (Mọi người: Nằm ở sự chuyên tâm, dụng tâm.) Chà, mọi người đúng là đệ nhất cao thủ! Nhưng tôi muốn nói cho bạn biết, trước khi bạn luyện được cho tâm mình đạt đến trình độ như vậy, tốt nhất là bạn hãy bái cho đau nhức một chút. Xin hãy nghĩ cẩn thận về câu nói này của tôi, nó có lý của nó.
Người bình thường, thử lấy tôi làm ví dụ đi, tôi bị nhục thân này của mình lừa gạt, bị lục căn lục trần chiếm dụng tới nay là 30 năm rồi, nhưng trong quá trình tôi bị lừa này cũng có lợi ích. Thông qua sự đau nhức, nó giúp bạn ý thức được rằng tôi đang nỗ lực nghiêm túc sám hối. Có tác dụng gì không? Có đấy! Nếu hôm nay bạn trở về mà không bị đau nhức một chút nào, có thể bạn sẽ hoài nghi chính mình là có phải mình bái sám không có hiệu quả gì không. Mặc dù trên thực tế, đau hay không đau, nhức hay không nhức, bái như thế nào chẳng có liên hệ gì cả. Nhưng trước khi bạn thật sự hiểu được tâm pháp như lúc nãy các bạn nói, bạn phải thông qua hành động trên thực tế để biểu thị sự sám hối của mình. Đây là vì sao mà trước khi tu Bổn tôn pháp, tu đại pháp vô thượng, bạn đều phải làm Tứ gia hành. Bạn nghĩ rằng niệm 100.000 biến thật lãng phí thời gian, lạy 100.000 lạy thật lãng phí thời gian ư? Sai rồi. Ở đây là phải bắt tay vào từ Sự bộ pháp để làm cơ sở. Vì sao thầy của Milarepa bảo ngài đập đi xây lại, đập đi xây lại, bạn nghĩ rằng sư phụ của Milarepa rảnh quá không có việc gì làm sao? Nói rằng đây là khảo nghiệm thì cũng là khảo nghiệm, nói rằng đây là gia trì thì cũng là gia trì. Nếu bạn thật sự hiểu một Thượng sư Mật giáo dạy dỗ đệ tử như thế nào, thì tất cả mọi thứ đều là sự rèn luyện dành cho bạn. Tâm, tính, thể, tướng, dụng, kết hợp lại vận tác, để bạn có thể thật sự thâm nhập Mật pháp, bằng không thì mọi người chẳng qua chỉ là người đeo lên cái hiệu Chân Phật, nhưng trên thực tế chẳng hề thực hành hiệu Chân Phật.
Vì thế, tôi chúc mừng các bạn, cái đau nhức ngày hôm nay biểu thị bạn đã bái sám thật sự nghiêm túc, bởi vì việc đau nhức này là rất bình thường. Trước đây có người hỏi tôi: “Thượng sư, tôi bái sám kiểu gì mà cảm thấy thật khó chịu, tức ngực khó thở, có phải là oan thân trái chủ đến tìm tôi không? Thầy hỏi xem giúp tôi!” Tôi chẳng buồn hỏi cái vấn đề ngớ ngẩn này, có gì mà phải hỏi, vì sao? Bình thường bạn không vận động, bây giờ đột ngột vận động thì làm sao mà không đau nhức, bạn nghĩ bạn là siêu nhân sao? Không thể nào, đừng có thường xuyên nghĩ về những chuyện thần thần quỷ quỷ như vậy. Làm gì có chuyện đó. Ví dụ bình thường chúng ta không hát tụng, hôm nay bỗng dưng hát tụng thì họng sẽ bị khàn, bị rát. Thế nhưng bạn lại đi nói với người ta là: “Hôm nay oan thân trái chủ đến quấy nhiễu tôi, khiến tôi đau họng!” Dù sao thì bạn nói thế nào cũng được, bạn khoái là được! Thường xuyên có những chuyện như vậy.
Thế nhưng làm một hành giả, bạn phải có chính tín. Cho nên hôm nay mọi người về nhà, nếu bạn có đau nhức thì phải làm sao? Bôi thuốc, dán cao, tắm nước nóng, thư giãn, không sao đâu, vì ngày mai không phải lạy nữa, ngày mai chỉ có ngồi thôi.
Chân Phật Bảo Sám là trân quý, thật ra tôi cũng không hiểu là vì sao cuối cùng tôi lại sắp xếp tu Chân Phật Bảo Sám trước pháp hội của chúng ta. Đã có những thay đổi, ban đầu chúng ta định bái Lương Hoàng Bảo Sám, nhưng vì tuần sau sẽ lại có đại hội cúng tăng, thời gian đã gần kề, mà bạn cũng biết là các đồng môn tình nguyện chuẩn bị cho pháp hội cũng rất bận rộn, cho nên không có nhiều thời gian như vậy. Tu Chân Phật Bảo Sám sẽ dễ dàng cho chúng ta hoàn thành, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, một tiếng đồng hồ, cộng thêm tôi nói huyên thuyên nữa, mọi người vẫn có thể ngồi được để hoàn thành xong Chân Phật Bảo Sám.
Ngày mai là Hộ Ma Thất Phúc Thần. Hôm nay ai đến bái sám, ngày mai mới có tư cách có được Thất Phúc Thần ban phúc, tôi dám nói như vậy. Ai không đến bái sám mà vọng tưởng ngày mai tham gia pháp hội có được ban phúc thì đó gọi là vọng tưởng. Vì sao? Trong “Kinh Pháp Cú” nói, người học Phật khi chưa thành tựu, bạn phải có đầy đủ 7 loại pháp tài [của cải], tôi tin rằng tất cả mọi người đều biết.
Đầu tiên là tín tài, bạn tin tưởng Phật giáo biểu thị bạn đã có được một loại tài. Sau khi tin Phật giáo rồi, bạn giữ giới luật, tài này gọi là giới tài. Bạn sám hối quá khứ, đây gọi là sám tài. Bạn đã hối hận rồi, làm lại từ đầu, gọi là quý tài. Bạn nghe được Phật pháp thì gọi là văn tài. Bạn làm công đức bố thí thì gọi là thí tài. Bạn có được trí huệ của Phật thì gọi là huệ tài. Nếu bạn không có được những loại tài này, Phật Bồ Tát ban phúc cho bạn, bạn nghĩ rằng bạn có thể cứ thế mà nhận được hay sao? Không có đâu, vì sao? Bởi vì không có được điều kiện cần và đủ, giống như cái túi đã rách, bạn chẳng thể đựng được. Mật giáo nói đến ba pháp khí [ba kiểu người], tôi rất hay nói đến điều này. Thứ nhất là phú pháp khí, tức là hoàn toàn bị che kín, cam lộ căn bản là không thể chạm tới bạn được. Thứ hai là phá pháp khí, tức là đã bị vỡ rồi, có đổ vào bao nhiêu thì cũng chảy đi hết. Loại thứ ba là loại có khiếm khuyết, bạn sẽ không có cách nào viên mãn được, có vào được đấy, nhưng rồi cũng sẽ rò rỉ hết. Vì thế, hôm nay việc đến đây sám hối là để bạn tin vào nhân quả, để bạn thật sự sám, thật sự hối, thật sự hổ thẹn.
Bạn nghe được Phật pháp, bạn tin tưởng Phật pháp, bạn sẵn lòng dùng Phật pháp để thay đổi chính mình, bạn rất nỗ lực làm, bạn chăm chỉ lễ sám, dần dần bạn nhìn thấy cải biến, tâm bạn tiếp nhận, rồi bạn mạnh mẽ tinh tấn theo đuổi con đường này, đến cuối cùng sẽ thành tựu. Đây chính là bảy loại tài, bảy loại tài này sẽ khiến bạn có được phúc phần của xuất thế gian và tư lương của nhập thế gian. Vì sao? Bạn thật sự hiểu Phật pháp, biết cách làm người, muốn thành Tiên thành Phật, trong Kinh Diêu Trì Kim Mẫu có nói rồi, thành Tiên thành Phật là dựa vào cách làm người, phải làm người thế nào, làm người đâu dễ làm. Phải làm người thế nào? Kinh Phật nói ai “giữ năm giới, làm mười thiện” có thể làm người, những người ngồi đây ai làm được? Chỉ mỗi “giữ năm giới, làm mười thiện” đã khó thế nào rồi. Bạn có ác khẩu không? Bạn có hai lưỡi không? Bạn có thêu dệt không? Bạn bảo không, nhưng ý nghĩ của bạn thì có đấy, như vậy là hỏng rồi, cho nên cần phải sám hối.
Trước hết bạn hãy có đầy đủ bảy loại tài mà Phật dạy bạn, bao gồm cả việc chúng ta tu chúng thật viên mãn, như vậy bạn mới có được tài khố. Chúng ta thường nói đến tài khố, tài khố ở đâu? Tâm bạn chính tài khố của bạn. Cuối cùng tôi nói một đạo lý này để mọi người hiểu vì sao hôm nay cần phải đến. Trước đây người ta thỉnh tôi phù trời ban tài phúc, phù Đại Phúc Kim Cang ban tài, thỉnh phù từ Sư Tôn. Trong sách phù có nói, phù không thể tùy tiện cho người ta. Có người không khoái, bảo Sư Tôn keo kiệt quá, tự nhận mình là Đại Phúc Kim Cang thế mà xin một lá phù cũng yêu cầu này yêu cầu nọ. Cuối cùng Sư Tôn đã nói ra bí mật. Phù trời ban tài phúc không phải là tự dưng cho bạn của cải từ trên trời rơi xuống. Thế thì ai đi xin phù cũng thành Bill Gates hết. Hoặc là mọi người cũng biết Warren Buffett đấy, ông ấy là Thần cổ phiếu, lời mà Thần cổ phiếu nói ra cũng khác chúng ta. Khi chúng ta thử micro thường nói một, hai, ba, còn ông ấy cầm micro thì nói một triệu, hai triệu, ba triệu. Mọi người vọng tưởng rằng có được cái phúc kia thì lập tức trở thành Buffett. Đâu phải thế!
Sư Tôn nói, khi mang phù này bên mình thì tất cả thần Phật, chư thiên Hộ pháp Không hành sẽ nhìn rõ ràng bạn đang làm cái gì. Bạn có đang làm việc thiện không, nếu có thì các vị sẽ cho bạn phúc báo. Nếu bạn làm việc ác, trời sẽ giáng tai họa. Giống như trong Kinh Tứ Đại Thiên Vương đã nói rất rõ ràng, từ mồng 1 đến mồng 7 là quyến thuộc của ngài xuống, tuần giữa là Thiên Tử giáng xuống, ngày 15 Tứ Thiên Vương tự mình giáng xuống nhân gian để mà thưởng thiện phạt ác, và sau đó báo lại đến chư thiên thiên đình là người này đang ở nhân gian làm việc gì. Vì thế khi bạn mang phù này theo người thật ra là bạn hoàn toàn bộc lộ hết rốt cục là bạn đang làm thiện hay làm ác. Cho nên với lá phù này, không cần phải hỏi người khác, hãy hỏi chính bạn xem bạn có đeo nổi lá phù này không, nếu như đeo được thì tức là bạn hành vi đoan chính thiện lành, trời tự nhiên sẽ giáng phúc, còn nếu không thì sẽ là tự bạn chuốc lấy tai ương.
Nguyên tắc tương tự có thể được chứng minh. Hiện nay chúng ta tu rất nhiều pháp tư lương, Tư lương đạo, Gia hành đạo, tu rất nhiều pháp Tài Thần, mỗi người đều hỏi vì sao tôi không có tiền, vì sao tôi chưa phát tài, vì sao người ta đi ra ngoài là tự dưng kiếm được ngay khoản tiền lớn. Trong Phật giáo không có hai chữ “tự dưng”, tất cả đều là nhân quả. Lần trước tôi đến đây làm pháp hội Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tôi từng kể câu chuyện về một vị thiền sư, không biết mọi người còn nhớ không? Ông ấy đem đôi giày của mình treo ở giữa đường lớn bảy ngày bảy đêm nhưng chẳng có ai lấy mất đôi giày của ông. Có thể mọi người cho rằng thời đó nơi đó là thời thái bình, chẳng ai lấy nhầm đồ, chẳng có kẻ trộm. Nhưng sư phụ của ông ấy nói cho ông ấy biết rằng trong quá khứ ông không có cái nhân lấy trộm của người ta, vì thế ông sẽ không có cái quả bị trộm. Bạn đã hiểu chưa?
Hôm nay ai đến đây tham gia pháp này là đang trồng xuống cái nhân bố thí, trồng xuống cái nhân có được phúc báo, ngày mai cũng trồng xuống cái nhân bố thí, tương lai bạn sẽ có được quả thu hoạch. Bố thí cái gì? Đến đạo tràng, nhìn thấy Thượng sư, nhìn thấy pháp sư, giảng sư, trợ giảng, đồng môn, chắp tay mỉm cười, đây gọi là bố thí nụ cười, bố thí sự cung kính. Người kia vốn dĩ đang không vui, nhìn thấy bạn cười với họ, họ sẽ cảm thấy cuộc sống của tôi đã tệ hại thế này rồi, thế mà bạn vẫn sẵn lòng cười với tôi, bạn vẫn cung kính chắp tay trước tôi, điều này cho thấy tôi không phải là một phế nhân. Trong lòng người đó sẽ cảm thấy mình không vô dụng. Khi người đó phát sinh tâm ấy tức là bạn đã trồng xuống cái nhân phúc báo rồi, thiện quang của bạn đã xuất hiện rồi.
Bạn bước vào đạo tràng, đưa tay ra nhặt một mảnh rác đi bỏ vào thùng rác, như vậy là bạn đã trồng phúc báo rồi. Đạo tràng này gồm tầng một và tầng hai, chúng sinh của khắp mười phương, không phải là chỉ có những người bạn nhìn thấy ở đây, mà còn có rất nhiều thiện tín đại đức đã quyên góp và chung tay xây dựng nên đạo tràng này, hiện nay họ có thể ở Mỹ, ở Anh, ở Úc, ở châu Âu, hoặc họ được ghi tên trong điện công đức, vì các nhân duyên khác nhau mà họ đã cùng xây nên đạo tràng này để cho chúng ta sử dụng. Bạn làm cho đạo tràng này trang nghiêm, bạn khiến cho những người khác đến đạo tràng này cảm thấy hoan hỷ: “Đạo tràng này thật trang nghiêm, chẳng có một mảnh rác nào.” Khi người đến cảm thấy như vậy và mong muốn lần sau lại đến, bạn có biết bạn đã trồng xuống bao nhiêu phúc báo không? Bởi vì để một người bước vào đạo tràng, hơn nữa còn khiến người đó sinh tâm hoan hỷ, muốn lại đến, đây là một việc vô cùng khó.
Trái lại, nếu hôm nay bạn đến đạo tràng, bạn tùy tiện nói một câu, tôi lấy ví dụ: “Nhìn cái đồng hồ của Thượng sư Liên Anh kìa, không biết là bao nhiêu tiền nhỉ?” Anh ta thật sự không biết đồng hồ này chỉ trị giá 100$, nhưng lại nói: “Chắc là cũng phải 300$. Ôi trời ơi, người xuất gia mà đeo cái đồng hồ 300$.” Người bên cạnh nghe được, ồ, Thượng sư đeo đồng hồ 300$, thế là lại đem đi nói tiếp, hôm sau đã biến thành cái đồng hồ 500$. Có chuyện này hay không? Có đấy, tôi đã từng gặp rồi. Thế rồi người đó không đến nữa, bởi vì bạn không chắc chắn mà bạn dám nói lung tung. Đi vào đạo tràng nhìn thấy cúng phẩm, không khen ngợi, không tán thán, lại chê “Ôi, cúng phẩm sao mà lèo tèo thế!”. Thế thì hay là bạn tự mình đi mua đi! Tự bạn sẽ biết chuẩn bị cúng phẩm vất vả đến thế nào. “Sao hoa lại cắt như thế này?” Vậy bạn tự mình đi cắt đi! Tôi thường nói với đồng môn ở đạo tràng của tôi rằng, trước khi nói người khác, bạn hãy xem xem chính mình làm được bao nhiêu điểm. Bước vào đạo tràng chỉ nên có tâm ca ngợi tán thán người khác, bạn có hiểu điều này không, bởi vì bạn không bao giờ biết được ở phía sau người ta đã phải nỗ lực vất vả thế nào. Vì đạo tràng này mà mọi người đồng tâm hiệp lực làm biết bao nhiêu việc, đây là việc có thật, vậy mà bạn dám nói họ ở sau lưng? Vậy thì bạn phải gánh chịu bao nhiêu nghiệp chướng nhân quả?
Lần nào nói đến đoạn sau cùng tôi cũng trở nên nghiêm túc, bởi vì tu hành chính là phải nghiêm túc. Bạn muốn có tiền không? Muốn, vậy thì bạn phải nghiêm khắc với mình một chút. Mọi người không tự dưng đi cúng dường Căn bản Thượng sư, mọi người không tự dưng đi cúng dường một vị Thượng sư, mọi người đều quan sát xem. Thượng sư cũng không thể cứ thế mà tiếp nhận cúng dường suông, nếu như không có năng lực ban phúc cho người khác thì có thể tiếp tục có phúc đi nhận cúng dường của người ta không, bạn hiểu chứ? Hôm nay bạn muốn nói, tôi muốn có phúc phần, tôi muốn có tâm niệm là làm một người luôn luôn có thể cúng dường người khác, vậy thì bạn sẽ có tiền, chứ không phải là hôm nay tôi không cúng dường đâu bởi vì tôi chẳng có tiền. Tôi từng nói rồi, một đồng cũng là cúng dường, mười đồng cũng là cúng dường, một trăm đồng cũng là cúng dường, bạn đừng lo nhiều hay ít, bạn sẵn lòng cúng dường mới là quan trọng.
Vì thế sau khi kết thúc buổi hôm nay, khi rời khỏi đạo tràng này, tôi xin mọi người hãy làm một việc, đó là xin lỗi trước Phật Bồ Tát, sám hối trước Phật Bồ Tát, sám hối tất cả những việc bạn đã làm sai tính từ hôm nay trở về trước, chọn ra một điều và hứa rằng sẽ không tái phạm nữa. Dùng cái tâm sẵn sàng chịu trách nhiệm như vậy để cho Phật Bồ Tát chứng minh bạn thật sự mong muốn thay đổi, Phật Bồ Tát có thể ban phúc cho tôi không, bạn có làm được việc này không? Nếu làm được thì bạn sẽ được cứu. Hôm nay tôi khởi ác niệm với người khác, tôi sám hối với Phật Bồ Tát: “Xưa con đã tạo bao ác nghiệp, đều vì vô thủy tham sân si, đều sinh ra từ thân ngữ ý, nay con tất cả xin sám hối.” Đừng chỉ có đọc như vậy, bạn có làm được không? Nếu làm được thì ngày mai bạn sẽ được cứu. Om mani padme hum.