Thượng sư Liên Anh khai thị pháp Long Vương Bảo Bình
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 18.04.2024 Địa điểm: Truyền Luật Lôi Tạng Tự - Malaysia Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
Phần 1
⛩️ Truyền Luật Lôi Tạng Tự - Malaysia | 18.04.2024
Kính lễ Diêu Trì Kim Mẫu Đại Thiên Tôn, kính lễ Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, Long Quang Vương Phật, Long Nữ Phật, Diệu Vân Tướng Tự Tại Vương Như Lai, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Kính lễ Truyền Luật Lôi Tạng Tự đàn thành Tam Bảo, kính lễ tất cả long thần chư tôn, quyến thuộc. Pháp sư, giảng sư, trợ giảng, chủ tịch, quản lý, tất cả đồng môn, đồng môn ở trên mạng, xin chào mọi người. A Di Đà Phật.
Vốn dĩ hôm nay không có khai thị, luật sư Hoàng nói với tôi rằng tu xong bảy đàn viên mãn, tức là tối thứ bảy, sau khi tu liền ba đàn xong thì mới khai thị. Tóm lại là đàn cuối cùng mới khai thị. Nhưng vừa rồi tu xong, tôi không kìm được muốn nói với mọi người rằng, bởi vì chủ đề tiếp theo mà tôi diễn giảng là nói về bí mật của long tộc. “Long Vương Tạng” nói rốt cục thế nào là Long Vương? Bí mật của rồng là gì? Và giảng về khẩu quyết nghi quỹ tu trì pháp Long Vương.
Nếu như tu xong hết rồi mới nói về khẩu quyết thì có ý nghĩa gì nữa? Hình như có hơi lẫn lộn đầu đuôi, cho nên vừa rồi tôi cứ nghĩ mãi, tôi nói với Phật Bồ Tát rằng thật xin lỗi, vừa rồi làm đàn pháp tôi thật sự không nghiêm chỉnh lắm, mạch suy nghĩ của tôi có hơi chạy lung tung. Thế rồi sáng nay phải ra ngoài hơi sớm, cho nên vừa rồi tôi rất buồn ngủ. Vì thế cuối cùng tôi đã hiểu được dụng tâm của Thượng sư Liên Duyệt ở Trung Quán Đường. Trước mỗi buổi hỏa cúng hoặc pháp hội, đại khái phải dành 1/3, thậm chí là 2/3 thời gian để khai thị, cuối cùng tôi đã hiểu vì sao, bởi vì Thượng sư ấy muốn nói cho mọi người biết những thứ tinh hoa nhất, đó là một sự hướng dẫn và giới thiệu, vì thế tôi đang phân vân liệu chúng ta có nên điều chỉnh một chút hay không.
Buổi sáng là Hộ Ma Diêu Trì Kim Mẫu, thời gian khác liệu chúng ta có nên điều chỉnh một chút, tức là chia sẻ với mọi người một chút về những điều cốt lõi đơn giản, những thứ quan trọng nhất, để mọi người có khái niệm, như vậy bạn tu pháp mới nắm được bí quyết. Vì thế, trước tiên tôi nói với mọi người những chỗ mà tôi nghĩ là nên điều chỉnh.
Thứ nhất là tâm chú Liên Hoa Đồng Tử, mỗi đàn niệm 21 biến, nếu không thì thời gian niệm sẽ dài quá, lại thêm gõ mõ, thế thì sẽ ngủ mất. Thứ hai, phần chúng ta phụng thỉnh, sau khi phụng thỉnh xong Căn bản Thượng sư và tổ sư các đời, xin hãy phụng thỉnh Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 3 lần, phụng thỉnh Thế Tôn, giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật 3 lần, đây là một trọng điểm.
Bảo bình ở trước đàn thành của chúng ta hôm nay đều bày ở phía trước để làm trang nghiêm đàn thành, nhưng thật ra tu pháp này, khẩu quyết quan trọng nhất chính là ở trong phần Chính hành, bạn phải quán tưởng hết sức tỉ mỉ, miệng bình hóa thành đầu rồng, cổ bình hóa thành cổ rồng, thân bình hóa thành thân rồng, đáy bình hóa thành đuôi rồng, và cứ thế. Bởi vậy tôi đề nghị mọi người, nếu bạn không biết bảo bình của chính bạn ở đâu thì hãy đi tìm nó, chụp ảnh cũng được, đặt ở trước chỗ ngồi của bạn, khi tu đến phần Chính hành, bạn lấy bảo bình ra, nhìn vào bảo bình của bạn để làm quán tưởng. Nếu là đồng môn đến từ các nơi trên thế giới, bạn tự mình đi thỉnh bảo bình để mang đến đồng tu cũng được, bạn cần chú trọng vào quán tưởng này, phải biến hóa nó, không phải là để bày trước đàn thành cho đẹp mà phải lấy nó ra để dùng.
Còn nữa, một khẩu quyết quan trọng nữa mà Sư Tôn có nói, tu Long Vương bảo bình, bạn phải đem thứ mà bạn thích nhất ra, bỏ vào trong bình để cùng dâng cúng. Nhưng khi những bảo bình của chúng ta đem đến đây thì đã được đậy lại hết rồi, cho nên hình như không có quá trình bỏ các thứ vào bình, cho vào đó thứ mà chúng ta yêu thích. Thế nên tôi có đề nghị là giả sử bây giờ trên người bạn có thứ mà bạn thích, tôi từng nghe ví dụ như là bỏ nhẫn của mình vào trong bình, hoặc khi thả bình thì cùng thả cũng được, hoặc mời mọi người hãy suy nghĩ xem rốt cục cái gì là thứ mình thích nhất, thứ mà bạn khó rời bỏ nhất, nó không nhất định phải là thứ hữu hình, cũng có thể là thứ vô hình, trong quá trình bạn tu pháp, bạn phải đem cảm giác này đặt vào trong đó để dâng cúng.
Chúng ta tu đến phần Chính hành thì phải kéo dài thời gian ra một chút, tỉ mỉ quán tưởng Phật xuất hiện, rồng xuất hiện, quá trình rồng biến thành Phật phải có thứ tự và pháp vị, cho nên phần Chính hành phải quán tưởng chi tiết cẩn thận một chút.
Tiếp theo tôi muốn nói về chú âm mà chúng ta nghe vừa rồi là do Thượng sư Liên Cựu cung cấp, “Âm Thanh Lôi Tạng” hiện tại do Thượng sư ấy phụ trách. Trước tuần này, tôi đã đặc biệt nhờ Thượng sư ấy nhanh chóng làm chú Long Vương cho lần pháp hội này, vì thế vừa rồi là lần đầu tiên thế giới nghe được chú Long Vương này chính là ở tại Truyền Luật Lôi Tạng Tự. Chú âm này là vào năm 2018, tôi và Thượng sư Liên Cựu đã thu bản demo ở Đài Bắc, nhưng khi ấy gặp trở ngại trong vấn đề kinh phí, còn có những chú âm khác phải sáng tác, cho nên mãi vẫn chưa hoàn thành được nó.
Trước đó, sư tỉ Nguyệt Cầm đã tìm được rất nhiều mẫu tụng chú âm ở trên mạng, nói thật lòng là tôi không hài lòng với bản nào. Vì gần đây Sư Tôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chú âm, bạn có chú âm thì mới có thể dung nhập cảnh giới đó, cho nên tôi rất miễn cưỡng, mặt dày nói với Thượng sư Liên Cựu, tôi cũng biết thầy ấy rất bận, không ngờ Thượng sư Liên Cựu từ bi, thầy ấy hỏi tôi pháp hội là khi nào thì trước pháp hội sẽ đưa.
Thật ra chế tác chú âm cũng đòi hỏi một số kinh phí, đúng lúc có một cơ duyên, mấy ngày tiếp theo tôi sẽ nói với mọi người, tóm lại là Thượng sư ấy đã từ bi nhanh chóng cung cấp chú âm này. Chú âm này chính là giọng của tôi và Thượng sư Liên Cựu, cũng là một khởi nguồn, tôi hy vọng mọi người vào buổi sau phải đặt toàn bộ thân tâm của mình vào trong chú âm đó.
Pháp Long Vương bảo bình không nằm ngoài việc đặt toàn bộ thân tâm của bạn vào để dâng cúng, để cầu nguyện, đây là trọng điểm. Về sau, tất cả khẩu quyết và một số điểm thù thắng, tôi sẽ bật mí cho mọi người, vì thế cũng xin các đồng môn có mặt tại đây và ở trên mạng nhớ xem đúng giờ, như vậy bạn mới không bỏ lỡ. Om mani padme hum. 🙏
Phần 2
⛩️ Truyền Luật Lôi Tạng Tự - Malaysia | 19.04.2024
Đảnh lễ Sư Tôn, đảnh lễ chủ tôn đồng tu, tất cả chư Phật, tất cả long tộc, bát đại Long Vương, chí thành kính lễ cảm tạ đã gia trì. Pháp sư, giảng sư, trợ giảng, quản lý, đồng môn, đồng môn đang xem trên mạng, xin chào mọi người, A Di Đà Phật.
8 rưỡi tối đến bây giờ là 9 rưỡi tối, gần một tiếng đồng hồ, nếu mọi người bị tê chân thì có thể đứng dậy đi lại một chút cũng không hề gì, tôi cũng muốn đứng dậy!
Xin hỏi cảm nhận của các bạn khi làm đàn pháp vừa rồi thế nào? Có phải là có sự khác biệt không?
Chúng ta tu pháp nhất định phải tu được pháp vị, tuyệt đối đừng chỉ học vẹt. Không phải tôi nói về người dẫn dắt đồng tu vừa rồi, mỗi người có nhịp độ riêng, nhưng vừa nãy tôi từ nhà bếp đi tới đây, tôi nhìn thấy bài báo cáo về ngày 11/11 năm ngoái khi tôi đến đây, khiến tôi có một cảm tưởng, khi ấy tôi nói một câu rằng: “Bất kì pháp nào, thêm vào lửa, tức là nhiệt độ, khi ấy mọi thứ đều trở nên khác biệt bởi vì có thêm nhiệt độ. Nhiệt độ này là cái gì? Chính là cái tâm của bạn.”
Bạn hãy nhìn những văn tự tôi mới viết ở đây, đây không phải là tôi viết ra bản nháp, không phải là nghi quỹ của tôi khác người khác, xin hỏi những văn tự đó của tôi, những quán tưởng đó đến từ đâu? Đến từ tâm tôi. Cho nên, cúng dường tốt nhất của bạn dành cho Long Vương là cái gì? Vì sao tôi muốn trước khi kết thúc đàn pháp chia sẻ sớm với mọi người về “Long Vương Tạng” và 12 trang ghi chép mà tôi đã chuẩn bị trước? Đó là hy vọng mọi người có thể giống như tôi, bạn tìm hiểu về lời thề của ngài, hoàn cảnh của ngài, lai lịch của ngài và nguyện lực của ngài, hiểu được những yêu cầu của các vị, phải có sự “đầu tư” như vậy thì mới có thể cảm động các vị. Bao gồm vừa rồi quán tưởng Sư Tôn, vì sao rồng từ trên long bào Sư Tôn mặc trên người lại bay ra, tôi cũng chưa bao giờ quán tưởng như vậy, vì sao? Bởi vì trong đầu tôi, Căn bản Thượng sư chính là thầy của rồng, cho nên mỗi một đàn pháp, sự gia trì của dòng truyền thừa gốc của bạn là rất quan trọng, ngay cả tu pháp Long Vương bạn cũng phải đưa dòng chảy pháp của truyền thừa vào trong pháp này.
Mỗi giáo phái đều có tu Long Vương, không phải chỉ có Chân Phật Tông, vậy đệ tử Chân Phật tu pháp Long Vương có chỗ nào khác? Chỗ khác biệt nằm ở pháp của chúng ta là Sư Tôn truyền, thủ ấn là Sư Tôn truyền, khẩu quyết là Sư Tôn truyền, tâm yếu là Sư Tôn truyền, vì thế, khi tôi quán tưởng, tôi phải thỉnh cầu Sư Tôn gia trì cho pháp hội này, gia trì cho từng cái bảo bình. Cho nên trước khi chúng ta tu đàn thứ nhất, Lôi Tạng Tự mời tôi dùng hương để gia trì cho những bảo bình này, thật ra đó chỉ là một hình thức, gia trì thật sự là gì? Đó là mỗi một đàn pháp, chúng ta phải thành tâm thành ý cầu nguyện Phật Bồ Tát giáng xuống bố quang, đó mới là sự gia trì đối với bảo bình. Cho nên vừa rồi tôi có nói, khi hồi hướng cầu nguyện tôi có nói đến hai chữ “bố quang”, cũng giống như phù lục, một lá phù muốn có hiệu quả thì quan trọng nhất là tâm của chính mình, như thế mới có thể sinh ra hiệu lực và tác dụng. Trọng điểm nằm ở bố quang, nếu một lá phù không có bố quang thì lá phù đó không có tác dụng. Phù hộ thân của bạn, ngày nào bạn cũng đeo lên rất đẹp đẽ, nhưng không có bố quang thì cũng vô tác dụng. Bảo bình của bạn không có Phật Bồ Tát bố quang thì cũng không có tác dụng.
Phải bố quang như thế nào? Dùng tâm của bạn cầu nguyện, sau đó, ngoài Ngũ Phật ra, quan trọng nhất là phải thỉnh Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, vì sao? Phải thỉnh Long Quang Vương Phật, vì sao? Bởi vì mấy vị này chính là những tấm gương sáng từ rồng thành Phật. Chính là những tấm gương mẫu mực! Long tộc muốn thành Phật, trong quá khứ có mấy vị từ long tộc thành Phật, bạn nhất định phải thỉnh họ đến. Và phần tiếp sau đây lẽ ra vào pháp hội ngày chủ nhật tôi sẽ nói cho mọi người biết, cho nên không nói quá nhiều, nhưng, trong tu trì nhất định phải có bí quyết.
Vì sao vừa rồi tôi lại phải can thiệp như vậy? Mọi người nghĩ chắc là Thượng sư muốn biểu diễn, thế rồi đem micro qua để tự mình dẫn dắt tu đàn pháp này. Các bạn không biết rồi, tôi đúng ra rất muốn ngủ. Nhưng vì sao tôi phải làm như vậy? Vì đó là Long Vương nói với tôi rằng xin Thượng sư hãy dẫn dắt tu pháp.
Như vậy cũng là một sự bố thí pháp. Tối qua tôi nằm mơ, tôi phải nói với mọi người một điều, đây cũng là điều mà tôi rất tiếc nuối. Tôi là Thượng sư thường trụ của Pháp Hoa Đường, nhưng tôi vẫn luôn nói với mọi người rằng, tôi đã trở thành không thường trụ rồi, bởi vì tôi thường xuyên đi vắng, năm nay tôi đã đi Kuching, nhưng tôi chỉ đi qua đó thôi, không làm pháp hội ở đó. Nhưng ở Pháp Luân Lôi Tạng Tự có Thượng sư Liên Doãn kính yêu của chúng ta, thầy ấy rất từ bi, thấy tôi đi đến đó thì mời tôi đi ăn cơm, cũng không phải là thầy ấy mời, mà là công đức chủ cùng mời tôi. Khi ngồi xuống, thầy ấy hỏi tôi: “Khi nào thì Thượng sư lại đến Malaysia?” Tôi nói: “Tôi đến đây như vậy vẫn chưa đủ sao? Đã phải “tem tém” lại bớt rồi mà vẫn là đến chưa đủ sao?” Thầy ấy nói: “Tôi muốn mời thầy đến để làm bài giảng về nghi quỹ Mật giáo trong bảy ngày, hoặc ba ngày, hay hai ngày đều được, đến để dạy Phật học cũng được.” Tôi nói: “Tôi nào dám, cũng không có nhiều thời gian như vậy.” Thầy ấy nói: “Thượng sư giảng dạy hay như vậy, thầy có thể đến để dẫn dắt mọi người thì rất tốt.”
Thầy ấy nói với tôi: “Nền tảng Phật học của thầy tốt hơn tôi, tôi không dám giảng bài.” Tôi nói: “Đâu có đâu có, xin đừng nói như vậy, trong quá trình tu hành của mỗi người, họ sẽ hiểu biết được những thứ khác nhau, trải nghiệm cũng khác, Phật học của tôi tuyệt đối không phải là giỏi, chỉ là tôi rất chăm chỉ học tập những thứ này thôi, thật sự là tôi đặt rất nhiều tâm trí vào việc học.” Thượng sư ấy nói với tôi một câu: “Vì sao đồng môn ở Đài Loan không trân trọng thầy?” Thầy ấy nói Pháp Luân Lôi Tạng Tự của họ đã đào được kho báu, buổi pháp hội đầu tiên đã mời thầy chủ trì Đại Nhật Như Lai siêu độ dịp Tết Thanh Minh. Tôi nói cảm ơn Pháp Luân Lôi Tạng Tự đã cho tôi cơ hội ăn một miếng cơm, có một sân khấu, chính vì tôi đã đi đến Pháp Luân Lôi Tạng Tự cho nên về sau mới có nhiều lời mời như vậy, tôi nói cảm ơn sự đánh giá cao của thầy ấy. Thầy ấy nói: “Thượng sư có rất nhiều fan hâm mộ đến từ rất nhiều nơi.” Thật ra tôi không biết vì sao, nhưng nếu phải nói thì tôi chỉ có thể nói rằng tôi đã đem hết trái tim mình ra cho mọi người.
Tôi đã cháy hết mình để làm việc, mọi người đều nói tôi rất trẻ, nhưng cho dù có trẻ thì nhục thể này cũng vẫn làm bằng thịt thôi. Các bạn có biết chuyến này tôi đến, tôi đã bay bao nhiêu chuyến bay không? Thân thể tôi mệt rã rời, nhưng tối hôm qua tôi đọc “Long Vương Tạng”, đọc tới hơn 2 giờ sáng để xem có thể trích ra được những tâm yếu nào không, hoặc là có gì đó có thể chia sẻ với mọi người không. Thậm chí nếu chỉ một câu một chữ có lợi ích cho chúng sinh thì tôi đều cảm thấy đây là sự báo đáp mọi người tốt nhất. Vì sao lại như vậy? Sư Tôn nói “phân thân xả cốt độ chúng sinh”, làm sao chúng ta có thể so sánh với Sư Tôn. Có điểm nào sánh bằng được Sư Tôn? Bạn chỉ có thể học tập Sư Tôn. Học tập thế nào? Bạn nói bạn muốn học tập Sư Tôn, nhưng bạn lại không làm điều đó trong cuộc sống, vậy thì đều là giả. Bạn độ chúng sinh, người này bạn thích thì bạn độ, người kia bạn nhìn thấy ghét thì bạn không độ, không thể có chuyện như vậy. Đạo tràng này có duyên với bạn, đạo tràng kia không có duyên với bạn, thế là bạn bắt đầu chọn lựa, đây không phải là phát bồ đề tâm. Vì thế hôm nay tôi nỗ lực như vậy bởi vì tôi biết những thứ này là kho báu, buổi sáng tôi đã nói với mọi người rồi, long tộc rất muốn mọi người biết sự tồn tại của họ. Nhưng tôi đã nói rồi, kiến thức này phải rất vững chắc, dựa trên lý thuyết, có thể khảo chứng, có quá trình phát triển. Quá trình phát triển tức là có biến hóa, có quá trình thay đổi, không thể nói miệng suông rằng: “À, tôi biết rồng, tôi biết Phật, tôi biết Bồ Tát!” Chúng ta nghiên cứu Phật học phải dựa trên thực tế vững chắc. Tôi vừa nghĩ đến khi ở Tâm Đăng Đường tôi đã nói, tôi nói càng nghiên cứu về Bất Động Minh Vương, càng tìm kiếm trong kinh điển những dấu tích của ngài thì càng nhận ra sự tầm thường và thiếu sót của bản thân. Vì thế người tu hành làm sao có thể kiêu ngạo tự đại? Bạn càng đọc kinh tạng thì bạn càng biết trong Phật pháp bao la, bạn chẳng là cái cọng hành gì cả!
Bởi vậy vì sao cần đọc kinh tạng? Khi chưa đọc kinh tạng, tôi không biết hình tượng của rồng, tôi không biết lai lịch của rồng. Sư Tôn có một chương sách nói rằng mọi người đều nói rồng trông như thế nào ra sao, đó gọi là thầy bói xem voi thôi, đó là tự tưởng tượng ra. Sư Tôn nói hôm nay sẽ nói cho người đời biết hình tượng của rồng, tức là muốn nói với mọi người rằng học Phật không thể người mù dẫn dắt người mù, không thể như thầy bói xem voi, không thể dựa vào tưởng tượng, phải dựa vào chính bạn đi chứng minh trên thực thế rằng Phật pháp là thật.
Bố tôi thường nói rằng ông là một học giả, một giáo sư, một nhà khoa học. Điều tôi học được từ ông là nếu bạn biết điều gì đó, hãy nói rằng bạn biết điều đó. Nếu bạn không biết điều gì đó, hãy nói rằng bạn không biết. Biết hai phần thì nói là hai phần, biết năm phần thì nói là năm phần, đây gọi là làm nghiên cứu. Thế rồi bạn biết điều gì thì bạn phải nói được tại sao bạn biết.
Cho nên tại sao hai chữ “tại sao” lại quan trọng như vậy? Khi còn nhỏ tôi không hiểu, càng lớn thì càng hiểu ra, càng đọc kinh Phật càng hiểu thì ra hai chữ này chính là động lực để bạn không ngừng tiến bộ, bạn phải hỏi chính mình “tại sao”.
Vì thế, bạn thấy tại sao tôi lại ghi chép trang này đến trang khác? Bởi vì mỗi khi tôi tra đến một từ, tôi liền hỏi chính mình tại sao kinh điển lại nói như vậy? Có hợp lý không? Thế là tôi lại đi kiểm tra tiếp những chỗ khác có nói như thế không, Sư Tôn đã từng nói chưa, quan điểm của các tổ sư khác như thế nào. Chỉ bằng cách này, những gì bạn học được mới vững chắc, chỉ khi đó bạn mới có thể chắc chắn về bản thân và chỉ khi đó bạn mới có thể vững vàng tiến về phía trước.
Tối hôm qua tôi đi ngủ rất muộn, khoảng 2 giờ sáng, đánh răng và đi tắm xong thì lên giường đã là 2 giờ rưỡi. Tôi biết buổi sáng 8 giờ 30 phải ăn sáng thì cảm thấy thật đau khổ, nhưng vẫn phải ăn thôi. Trước khi ngủ tôi cầu nguyện, quán tưởng giường mình hóa thành hoa sen giống như Sư Tôn dạy, nghi thức trước khi ngủ này tôi cũng làm. Nhưng tối hôm qua tôi làm đặc biệt hơn, tôi mời tất cả long tộc, Long Phật đến trong giấc mơ của tôi, xin gia trì cho tôi, và xin nói cho tôi biết có điều gì tôi cần chú ý và cần chia sẻ với mọi người không, có điều gì tôi còn thiếu sót không, có chỗ nào mà tôi vẫn còn phải cố gắng không?
Buổi sáng, tôi nhớ là tôi thức dậy để đi vệ sinh một lần, trước lần đi vệ sinh đó, sáng sớm tinh mơ, tôi mơ thấy một con rồng hình người, tôi biết đó là Long Vương, nhưng không giống Long Vương đội mũ miện cầm kiếm, nhưng tôi biết là Long Vương. Ngài nói: “Thượng sư Liên Anh, thầy cố gắng như thế là vì cái gì?”
Ở trong mơ tôi nghĩ rất lâu, tôi nói với ngài: “Tôi chẳng vì gì cả, tôi không nói ra được là tôi vì cái gì.” Kết quả là Long Vương nói: “Tôi thích câu nói không vì cái gì của ngài.”
Vì thế Sư Tôn nói, hãy cố gắng hết sức trong mọi việc nhưng kết quả thì tùy duyên, bạn phải cháy hết mình. Bạn nghĩ rằng trong quá trình này tôi không cảm thấy cảm thán sao, không cảm thấy buồn sao? Tôi vừa nói tôi là Thượng sư thường trụ ở Pháp Hoa Đường, tôi bắt đầu hoằng pháp cho đến nay, khắp nơi đều có thể nhìn thấy hành trình hoằng pháp của tôi, ở trên trang web, Line, Facebook, khắp mọi nơi. Những người bạn, bạn học, đồng môn, đồng môn ở Phật đường mà tôi quen biết, có người nào nhìn thấy hành trình hoằng pháp của tôi mà nói với tôi “chúc Thượng sư hoằng pháp thuận lợi, pháp hội viên mãn” không? Tôi nói để mọi người biết, trong một nghìn người không có đến năm người. Tôi gửi cho một người bạn mà rất lâu tôi chưa liên lạc, cậu ấy nói với tôi, chúc pháp hội của thầy viên mãn!
Tôi cảm thấy buồn ghê gớm. Một người bạn bình thường không liên lạc, khi biết bạn làm pháp hội vất vả cũng có thể nói chúc pháp hội thuận lợi viên mãn. Còn những người bình thường có vẻ rất thân, nói là đồng môn kim cương, nhưng lại làm như không nhìn thấy, dù sao thì thầy làm pháp hội đó là việc của thầy, chẳng liên quan gì đến tôi, thầy cũng không làm ở tại Pháp Hoa Đường mà. Có liên quan gì tới việc của tôi chứ?
Những người thân cận này không có ai nói với tôi chúc Thượng sư làm pháp hội viên mãn. Vì thế, Long Vương đã hiển hiện trong giấc mơ của tôi, ngài nói những người này hoàn toàn không hiểu thế nào gọi là tôn trọng pháp, họ cũng không biết tôn trọng ngài là Thượng sư, vậy thì tại sao ngài vẫn cứ muốn làm như vậy? Tôi nói tôi chẳng vì gì cả!
Tôi làm những điều này không phải để người ta tôn trọng tôi, không phải để cho chính mình trở nên nổi tiếng, không phải để làm giàu cho chính mình. Không hề một chút nào! Tôi chỉ hy vọng những điều tôi vừa nói, nếu bất kì một người nào đang ngồi đây, nghe được từng chữ từng câu của tôi, bạn có được tín tâm đối với Phật pháp, bạn có tín niệm đối với căn bản truyền thừa, cho dù chỉ một chút xíu đi vào trong cuộc sống của bạn, cộng thêm một chút nhiệt độ, tôi đều cảm thấy “sáng nghe pháp chiều chết cũng cam lòng”. Tôi hoằng pháp với cái tâm như thế đó, mọi người có biết không?
Cho nên là, cảm thán, thật sự là cảm thán! Phật Bồ Tát biết tôi, Bổn tôn biết tôi, Hộ pháp biết tôi, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm, đây là cái tâm của tôi, giống như Sư Tôn vậy.
Bao nhiêu người không thể hiểu được Sư Tôn, bao nhiêu người không nhìn thấy nỗ lực của Sư Tôn, cho nên đừng nhìn vào bề ngoài mà hãy nhìn nội tại của ngài, nhìn xem rốt cục ngài đang làm cái gì. Bởi vậy, giống như khi tôi nghe được Thượng sư kia đang hoằng pháp, rất lâu không liên lạc rồi, tôi nói, chúc Thượng sư hoằng pháp thuận lợi.
Tôi thảo luận về chú âm cùng với Thượng sư Liên Cựu, tôi nói với Thượng sư rằng: “Thượng sư, thầy vất vả rồi! Làm chú âm rất vất vả, tôi biết ngày nào thầy cũng phải tranh thủ! Hy vọng việc thầy làm chú âm sẽ được thuận lợi viên mãn!” Tôi bất kể là nhìn thấy ai, thấy nhân viên hoằng pháp thì tôi đều nói như vậy. Tại sao? Hoán đổi vị trí của mình và người khác. Bạn biết sự nghiệp bồ đề không dễ dàng, cho nên bạn cổ vũ họ, đây là cái gì? Đây là bố thí. Bởi vậy Sư Tôn nói rồi, bố thí tuyệt đối không chỉ là tiền, bố thí tiền chỉ là một thứ rất cơ bản, còn có bố thí pháp, còn có bố thí nụ cười, để người ta cảm thấy ấm áp, cổ vũ cũng là một dạng bố thí.
Tại Pháp Luân Lôi Tạng Tự, tôi từng nói, bạn nhấn nút “like” cho đạo tràng hoằng pháp, rồi chia sẻ thông tin ấy đi, để càng nhiều người biết được tin tức về sự kiện hoằng pháp đó, và biết được lai lịch của chủ tôn, đó có phải là bố thí không? Chính nó. Đó là một sự quan tâm của bạn dành cho chúng sinh, bởi vì chia sẻ chính là bạn không chỉ nghĩ cho chính mình mà còn muốn chia sẻ với người khác, như vậy chính là bố thí.
Cho nên lại nói về điều mà Long Vương nói, bạn phải có cái nhân bố thí thì mới có thể có được tất cả thiện quả. Bố thí như thế nào? Không phải chỉ có trong khi tu pháp mới phát tâm, bình thường trong cuộc sống bạn làm thế nào thì không thể lừa được ai đâu! Trời biết đất biết bạn biết tôi biết! Chỉ sợ là chính bạn không biết thôi! Là như vậy đó.
Vì thế hôm nay tôi dùng cách thức này để dẫn dắt mọi người, hy vọng để lại trong cuộc sống của mọi người một chút kỷ niệm. “Ồ! Tu một đàn pháp Long Vương, pháp Long Vương này có một chút hương vị!” Hãy đem pháp vị này vào trong cuộc sống của bạn, sau này trong mỗi đàn pháp, bạn đều có thể vận dụng như vậy, tôi tin rằng mỗi người, ngoài tu pháp Long Vương ra, sau này bạn ở đạo tràng đồng tu bất kì chủ tôn nào, bạn nhất định cũng có thể có cảm nhận khác biệt. Vâng, cảm ơn mọi người.
Om mani padme hum. 🙏
Phần 3
⛩️ Truyền Luật Lôi Tạng Tự - Malaysia | 20.04.2024
Một lần nữa chắp tay cung kính đảnh lễ Căn bản Truyền thừa Thượng sư Thánh Tôn Liên Sinh Hoạt Phật, kính lễ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính lễ Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, Long Quang Vương Phật, Long Nữ Phật, Diệu Vân Tự Tại Vương Như Lai, tất cả Long danh chư Phật, tất cả Long danh chư Bồ Tát, tất cả Long danh Kim cang thần chư tôn, bát đại Long Vương, ngũ đại Long Vương và quyến thuộc. Kính lễ đàn thành Tam Bảo.
Pháp sư Liên Khang kính yêu, giảng sư, trợ giảng, tất cả các đồng môn và đồng môn xem trên mạng, và cả những khách quý mà chúng ta nhìn thấy hoặc không nhìn thấy, xin chào mọi người, A Di Đà Phật.
Trước tiên cảm ơn pháp sư Liên Khang trước khi chúng ta tu pháp bảo bình đã dẫn dắt mọi người niệm “Phật thuyết Hải Long Vương kinh”, tất cả đều viên mãn, và cả mấy đàn pháp bà ấy dẫn dắt rất tốt, đã khiến cho mọi người tràn đầy pháp hỷ.
Tôi thay mặt cho Truyền Luật Lôi Tạng Tự mở lời, hy vọng pháp sư Liên Khang sẽ ở lại đây để phục vụ mọi người, tôi cảm thấy rằng một đạo tràng trang nghiêm, một đạo tràng có đầy đủ mọi thứ thì càng không thể thiếu tăng bảo, cho nên xin pháp sư tôn quý hãy cân nhắc.
Ngoài ra cảm ơn đại gia đình Tâm Đăng Đường đã lái xe từ Kuala Lumpur đến hộ trì, cảm ơn trợ giảng của Nội Minh Mật Uyển đã lái xe đến hộ trì, cảm ơn các sư huynh sư tỉ đến từ Singapore, và cả từ Johor Bahru nữa nhỉ. Cảm ơn Nhã Linh và em gái cô ấy đã lái xe đưa tôi đến đây, xin cảm ơn mọi người.
Vốn dĩ là không có khai thị, nhưng ngày mai sẽ không có giảng bài, ngẫm nghĩ thì vẫn nên nói một chút. Ngày hôm trước khi chia sẻ với mọi người về Long Vương, trang thiết bị không được ổn, cho nên những lúc chập chờn gián đoạn, đầu óc tôi cũng bị “kẹt”, có một vài thứ chưa nói xong, hôm nay tôi sẽ bổ sung một chút.
Chúng ta có nói đến những thứ bỏ vào trong bảo bình Long Vương, có những dược liệu quý đại diện cho Ngũ Hành, đại diện cho não, tim, dạ dày, phổi, gan, thận, dùng hình bổ hình. Cúng bảo bình này giống như thỉnh cầu Phật Bồ Tát ban phúc cho thân thể chúng ta. Trong truyền thừa khác, bảo bình Long Vương cũng được xem là một vật linh thánh, không nhất định là phải đem đi dâng ở biển mà cũng có thể cúng tại đàn thành hoặc nơi tụ tài bảo trong nhà, tượng trưng rằng kho báu đặt ở đó, đây cũng là một vật may mắn. Nhưng ở trong Chân Phật Tông, pháp bảo bình mà Sư Tôn truyền thì khi tu xong sẽ đem đi thả, đây thuộc về truyền thừa của Chân Phật Tông. Thế còn bình thường đàn thành trong nhà bạn muốn thờ cúng bảo bình Long Vương cũng được, bạn hãy xem như là cúng Long Vương, bình ấy cũng tượng trưng cho Long Vương nên có thể thờ cúng, còn việc bạn có muốn đặt nó ở vị trí tài bảo hay không thì do bạn tự quyết định.
Nhưng có một vấn đề rất hay như thế này, bởi vì tôi nghe nói lần này, điều rất viên mãn là bảo bình của chúng ta, mọi người đoán xem có bao nhiêu? 99 cái! Vừa đúng 99 cái, đây là một con số đẹp, vì sao số 9 lại đẹp? Trước kia nói rằng hoàng đế cổ đại có 95 vị chí tôn, số 9 đại diện cho trời, tức là rồng, cho nên 99 là long long, cũng là một dạng tương ứng. Sư tỉ Nguyệt Cầm nói thỉnh Phật trụ thế cửu cửu, đây cũng là lời cầu nguyện đầu tiên khi chúng ta làm bảo bình Long Vương, mọi người có lời thỉnh cầu chung đầu tiên chính là hồi hướng cho Sư Tôn.
Thế còn cái gì cửu cửu? Phát tài cửu cửu, kiện khang cửu cửu, quý nhân cửu cửu, kính ái cửu cửu, toàn bộ đều là cửu cửu, lúc này đừng làm việc gì xấu, nếu không việc xấu của bạn cũng sẽ trở thành trộm cắp cửu cửu, khoác lác cửu cửu mất. Phải chú ý đấy! [Ở đây có chơi chữ, chữ cửu - số 9 và cửu - vĩnh cửu là đồng âm.] Vì đã có được duyên khởi tốt như thế này, tự mình cũng phải chú ý.
Hôm trước giảng xong thì sư tỉ có hỏi tôi là có thể đi dâng bảo bình hộ được không. Tôi đi kiểm tra khai thị của Sư Tôn thì Sư Tôn nói thế này, bởi vì bảo bình là bạn đặt trước đàn thành, tu quán tưởng, cái bình đó thuộc về bạn, chứ không thì vì sao mỗi cái bảo bình đều có ghi tên của bạn? Vì thế Sư Tôn trả lời thế này, nếu người khác giúp bạn đi dâng bảo bình, thế thì sẽ biến thành bình của người khác, cho nên tốt nhất là nên dẹp hết mọi khó khăn để tự mình đi dâng. Có một số người khả năng không ngồi thuyền được, cho nên chẳng có cách nào để họ làm lễ dâng, lúc này phải làm sao? Bạn chỉ có thể cầu nguyện Phật Bồ Tát, nếu bạn thật sự có việc gì đó khiến không còn cách nào khác, phải nhờ người ta giúp, ví dụ nhờ Thượng sư giúp, pháp sư giúp, thì tự bạn lo liệu. Tốt nhất là tự mình đi dâng, Sư Tôn khai thị trong “Trò hỏi Thầy đáp” có nói đây cũng là một điểm quan trọng.
Ngoài ra, hôm trước còn chưa nói với mọi người rằng tu pháp Long Vương rốt cục cần cúng phẩm gì. Tôi tin rằng trong lòng mọi người đều đã có sẵn một khái niệm, nhưng tôi chia sẻ với mọi người một chút là Tạng mật truyền thống có một vài cúng phẩm rất đặc biệt.
Thứ nhất là huyết rồng, bạn có thể mua ở các cửa hàng thảo dược hoặc cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe, khi nghiền thành bột sẽ có màu đỏ nhạt, tượng trưng cho hồng bồ đề. Thật ra nếu trong bảo bình của chúng ta có kỷ tử thì kỷ tử cũng có thể thay thế cho huyết rồng, nó cũng tượng trưng cho hồng bồ đề.
Lần này khi tôi đi nước ngoài, Phật đường của chúng tôi có một sư tỉ, cô ấy bán sản phẩm chăm sóc da, cô ấy cúng dường tôi một chai dưỡng da. Tôi thường xuyên làm Hộ Ma, làm Hộ Ma thì mặt đều sẽ… không thể nói là bị bỏng, nhưng dù sao cũng bị nóng tới mức đỏ lên, giống như bị viêm vậy, thật sự là có hại cho da. Cô ấy đưa cho tôi một lọ kem dưỡng da, khi thoa lên mặt có hiệu quả dưỡng da rất tốt, tên của lọ đó gọi là huyết rồng, nhưng tôi đã dùng hết một nửa rồi, không thể lấy ra để cúng, nhưng đây cũng là một nhân duyên rất trùng hợp.
Thứ hai là bột long cốt, tại hiệu thuốc Đông y cũng có thể tìm mua được. Long cốt được nghiền thành bột tượng trưng cho bạch bồ đề của Long Vương. Chúng ta biết rằng hồng bồ đề và bạch bồ đề trong Mật giáo mà nói, về phương diện tu hành Nội pháp là vật phẩm rất quan trọng, cũng tức là nội tiết tố trong thân thể bạn, nam nữ đều có. Ví dụ chúng ta tu pháp xả thân của Mã Cát Lạp Tôn, trong pháp xả thân của Hắc Phẫn Nộ Mẫu, bạn phải quán tưởng bạch bồ đề và hồng bồ đề trong thân thể bạn đầy ắp hư không để cúng dường, khiến cho Thượng sư, Bổn tôn, Hộ pháp hoan hỷ, khiến lục đạo chúng sinh hoan hỷ, khiến oan thân trái chủ hoan hỷ. Cho nên, hồng bạch bồ đề ngoài đại diện cho tinh thần của rồng thì còn là một cúng phẩm rất trân quý. Nhưng vì sao lại có hai thứ? Bởi vì rồng vẫn ở trong dục giới, dục giới thì có tướng nam nữ, có rồng đực và cũng có rồng cái, có thiên thần nam và cũng có thiên thần nữ, đó là vì sao có sự phân biệt.
Khi hồng bạch bồ đề hòa tan vào nhau sẽ hóa quang, giống như là chuyết hỏa đi lên làm tan bồ đề tâm nguyệt dịch ở thiên tâm, mở ra năm luân xa của bạn, hai thứ tan nhập vào nhau rồi hóa quang đi vào trong cung điện của Bổn tôn, Bổn tôn khi ấy đã không còn tướng nam nữ. Đây là thứ tự tu hành của Nội pháp trong Mật giáo. Ở đây tôi bổ sung một chút, tóm lại là có cúng phẩm như vậy.
Thứ ba là hải long, hải long chính là hải mã đó, cũng là một loại thuốc Đông y, mọi người có biết không? Để bổ khí. Mấy hôm nay chúng ta đến Shangri-La để ăn tối, mọi người có chú ý trên cột của Shangri-la chính là hải mã, tức là hải long, ở đây viết rằng hải long đại diện cho Bổn tôn của Long Vương. Vì thế tất cả mọi việc đều có sự tương ứng, vì sao chúng ta lại tu pháp Long Vương ở đây? Bởi vì bản thân huyện Pontian là cảng cá, toàn bộ khu vực lân cận đều là làng chài nên chắc chắn có nhiều Long Vương. Nhưng cần phải chú ý, bởi vì người ở cạnh làng chài thông thường đều thích ăn cá, ăn hải sản, pháp Long Vương có một điều kiện nho nhỏ, đó là trong thời gian tu pháp Long Vương, bạn cố gắng hết sức không ăn hải sản, bởi vì trong Long Vương Kinh có nói, có một nguyên nhân mà Long Vương không vui đó là vì mọi người đều cứ ăn chủng loại của ngài, dẫn đến sự cân bằng sinh thái của họ bị phá hủy. Tất nhiên chúng ta cũng khó trách lỗi này, và đương nhiên chúng ta có thể siêu độ, nhưng mà lực siêu độ của bạn có đủ không thì cũng là do mỗi người phải đảm đương. Bởi vậy tôi khuyên mọi người, nếu bạn không có công lực thì tốt nhất là bạn đừng ăn, bằng không bạn tu pháp Long Vương, bạn chưa kịp cầu nguyện được gì, bạn đi ra biển để dâng bình thì… “A! Chính là anh đã ăn ta!” Thôi xong! Thế nên cần phải cẩn thận.
Thứ tư, có một loại quả gọi là quả nhãn, có không? Long nhãn khô, quả nhãn, tượng trưng cho mắt rồng, có thể cúng nhãn, sau đó, bạn đừng bóc vỏ quả nhãn ra, cần phải cúng cả quả để tượng trưng cho mắt của rồng. Long nhãn cũng là một loại thuốc bổ, tượng trưng cho viên mãn.
Thứ năm là trà. Có một loại trà gọi là Long Tỉnh, vì thế có thể cúng trà. Bình thường làm Hộ Ma đều có cúng trà, tượng trưng cho tư lương, pháp vị, hơn nữa lá trà là thứ được mưa và sương của Long Vương tưới đẫm mà sinh trưởng, cho nên cũng tượng trưng cho năm nền móng chính, đó là đất trong đất-nước-lửa-gió-không, chính là trà.
Thứ sáu là chính là thuốc cho năm luân xa, là thiên ma, hoàng kỳ, đương quy, bạch truật, hà thủ ô hoặc kỷ tử, tượng trưng cho thân thể của rồng.
Thứ bảy là hợp hoan bì, cũng là một loại thuốc Đông y, tượng trưng cho da của Long Vương.
Thứ tám là câu đằng, mọi người từng nhìn thấy chưa? Có hơi giống đại hồi, nhưng màu sắc thì khác, giống như là móng vuốt của Long Vương.
Thứ chín là rễ nhân sâm, tượng trưng cho tóc của rồng, cũng là thuốc rất bổ.
Thứ mười là đồ trang sức bằng vàng, hoặc thứ mà chính bạn thích nhất.
Những thứ vừa kể trên, xin mọi người hãy ghi lại, sau này nếu bạn tự chuẩn bị bảo bình thì tốt nhất là hãy chuẩn bị những thứ này để cúng, bạn bày ở trước đàn thành để cúng cũng được, đều là để tượng trưng.
Cúng phẩm trong Mật giáo đều có đạo lý hô ứng lẫn nhau, bạn cúng cái gì, bạn cầu cái gì, chúng ta làm Hộ Ma đều biết, bạn cúng cái gì thì tượng trưng cho cái gì, đây là một điểm quan trọng.
Hôm trước đã nói về hình tượng, thủ ấn của Long Vương, tôi quên chưa nói về chú ngữ, thế rồi mọi người nói rằng mọi người đã nghe chú ngữ rồi, thường nghe thấy nhất là chú ngữ vừa mới phát “Nam-mô san-man-tô mô-thô-nam wa-zư-la mi”. Hôm nay có một đồng môn rất thú vị, anh ấy hỏi riêng tôi rằng vì sao chú của Bất Động Minh Vương và chú của Long Vương chỉ khác có hai chữ, có phải là vì các vị đó có quan hệ huyết thống không. Tôi nói rằng sức tưởng tượng của anh thật phong phú! Đúng là trên tay của Bất Động Minh Vương có rồng, nhưng trọng điểm không phải là quan hệ huyết thống, mà là vì Sư Tôn đã nói, chú ngữ của Đông mật đều bắt đầu bằng “Nam-mô”, giống như là “Nam-mô san-man-tô mô-thô-nam wa-zư-la đa-mô sê”. Chú ngữ mà có bắt đầu như vậy thì chính là chú ngữ của Đông mật, “Nam-mô san-man-tô mô-thô-nam ôm đu-ru đu-ru tê-wây sô-ha”. Câu chú Tạng mật thường bắt đầu bằng “Ôm”, vì thế đừng tự mình làm mình rối.
Còn có câu chú thứ hai, đó là “Ôm na-ka na-ka mi”. Hoặc Sư Tôn từng niệm là “Ôm na-kya na-kya mi”. Hai âm này đều được. Na-kya chính là na-ka, na-ka có nghĩa là rồng. Trong tiếng Phạn, tiếng Indonesia, tôi không biết trong tiếng Malay thì có gọi là naga không, nhưng naga nghĩa là rồng. Đây là danh chú. Chú ngữ trong Mật giáo phân làm mấy loại, chú sự nghiệp, chú yết ma, tiêu tai, hàng phục, tăng ích, còn có danh chú, danh chú tức là bạn xưng hô tên của ngài, ví dụ như “Ôm pê-cha a-ta-ơ-ma ta-tu sô-ha”. A Đạt Nhĩ Mã chính là Bản Sơ Phật, bạn xưng hô tên của ngài thì tức là danh chú. Vì thế, “Ôm na-ka na-ka mi” cũng là danh chú.
Nếu mọi người để ý kĩ thì trong nghi quỹ của chúng ta phần Chính hành có một chủng tử tự, chữ này gọi là “Mi”, đây là chữ tiếng Phạn, có ai tò mò vì sao trong nghi quỹ có chủng tử tự này nhưng lại không quán tưởng nó không? Thật ra bạn cũng có thể quán tưởng đầu tiên chữ này hiển hiện trong nguyệt luân, sau đó xoay tròn biến hóa thành Long Vương, sau đó Ngũ Phật trụ ở phía trên Long Vương cũng được, bởi vì bản thân chữ này tượng trưng cho Long Vương. Nếu bạn muốn quán tưởng thì phải quán tưởng chủng tử tự màu xanh lam. Còn có một bí quyết nữa, khi tu pháp Long Vương phải quán tưởng trong hư không có tất cả rồng, nhưng nếu khả năng quán tưởng của bạn không được thì làm thế nào? Bạn hãy quán tưởng chủng tử tự này lấp lánh trong hư không giống như sao vậy, chữ này đại diện cho rồng, tôi sẽ viết chữ này bằng tiếng Tạng cho mọi người xem.
Ồ, lại có tiếng sấm rồi! Chữ này cũng là “Mi” nhưng là tiếng Tạng, bạn quán tưởng chữ này bằng tiếng Phạn hoặc Tạng đều được.
Còn nữa, trong một cuốn văn tập của Sư Tôn, rất khó phát hiện ra, trong văn tập hồi đầu có viết rằng ngài dùng pháp Long Vương để cứu một khu vực, địa phương đó gặp hạn hán, ngài bèn lập đàn mời Long Vương, khi ấy chú mà Sư Tôn niệm không phải là câu “Nam-mô san-man-tô mô-thô-nam wa-zư-la mi”, cũng không phải là “Ôm na-ka na-ka mi”. Sư Tôn niệm câu “Nam-mô san-man-tô mô-thô-nam mi-ka sơ-ninh-yu sô-ha.” Bình thường ở trên mạng không tra được câu này, bởi vì đúng lúc tôi đọc được bản kinh Long Vương kia, hình như đọc tới quyển ba, quyển bốn thì có nói đến chú này, có nói đến nguồn gốc của chú này, trong kinh Đại Nhật Như Lai Thần Biến Gia Trì có nói đến chú giáng mưa của Long Vương, vì thế Sư Tôn viết trong sách không phải là viết bừa, đều có truyền thừa cả.
Hai bộ kinh quan trọng nhất của Mật giáo là kinh Kim Cương Đỉnh và kinh Đại Nhật, tên đầy đủ của kinh Đại Nhật là Đại Nhật Như Lai Thần Biến Gia Trì Kinh. Bởi vậy Mật giáo cực kì nhấn mạnh thần biến gia trì là vì sự hiển hiện công đức thật sự sẽ có đủ kiểu thần thông biến hóa. Tại Viên Âm Đường tôi đã nói với mọi người vì sao Mật giáo có thần thông, thần biến? Sự khác biệt giữa thần thông của Mật giáo và những thuật sĩ giang hồ của Hiển giáo hay ở bên ngoài nằm ở chỗ nào? Người tu hành chúng ta nên nhìn nhận chuyện thần thông này thế nào? Tại Viên Âm Đường tôi đã giải thích rất rõ ràng rồi, nếu có thời gian, tôi nhờ mọi người ghi lại bài khai thị đó, vì sao cần ghi lại? Bởi vì người khác có thể thách thức bạn, này, sao Chân Phật Tông của anh lại nói đến thần thông? Sao lại nói đến cảm ứng? Tôi đơn giản nói với mọi người một câu, đoàn thể Phật giáo ở Đài Loan rất nhiều nhóm Hiển giáo đều phỉ báng Mật giáo, trọng điểm chính là nói rằng Mật giáo của các người nói đến thần thông. Tôi bảo mọi người, bạn có thể hỏi họ, anh có phải là Phật tử không? Bạn hãy để cho họ rơi vào cái bẫy đó trước, họ nhất định sẽ tràn đầy tự tin, kiêu hãnh nói với bạn “tôi là Phật tử”. Tôi theo Phật Quang Sơn, tôi theo Pháp Cổ Sơn. Khi ấy bạn nói với họ, vậy nếu anh nói thế là phỉ báng Phật rồi. Anh nói Phật không nói về thần thông tức là anh phỉ báng Phật. Bởi vì trong kinh tạng Phật, chưa cần nói gì khác, chỉ nói đến việc Phật xuất thế, ngài đi bảy bước về phía trước, mỗi bước đều nở hoa sen, ngày hôm đó, hai Long Vương hiển hiện trong hư không giáng mưa. Phật nói, khi ngài thành đạo ở dưới cây bồ đề, có ai đến làm chứng? Là 11 vị Pháp Thân Đại Sĩ, trong kinh Hoa Nghiêm có nói Pháp Thân Đại Sĩ là gì. Mắt thịt của bạn không nhìn thấy, vậy đó không phải là thần thông thì là gì? Sáu cơn đại chấn động, trời rung đất chuyển, Long Vương hiển hiện, ma quân đến đánh, đây đều là những thứ mà mắt thịt không nhìn thấy. Xin hỏi Phật đang nói về cảnh giới gì? Chính là cảnh giới Như Lai thần biến gia trì bất khả tư nghì, vì thế, anh nói anh là Phật tử, anh còn tự mình tát vào lời Phật nói, anh có xứng đáng là Phật tử không?
Vì thế, làm một Phật tử chính tín phải dùng tư duy logic đi suy ngẫm rất nhiều sự việc, đừng có người ta nói một câu là bạn đã không dám trả lời. Vì sao có thể tranh luận với ngoại đạo? Bất Động Minh Vương vì sao tranh luận với ngoại đạo? Bởi vì ngài thông triệt tất cả Phật lý, ngài biết cái gì là chính cái gì là tà, nhất định phải biết.
Ngoài ra tôi nhớ đến một việc nên muốn nói với mọi người, tôi đã vẽ một lá phù. Hôm nay có vị sư huynh kia đưa con trai đến hỏi việc, công tử nhà anh ấy bị viêm mũi, về bệnh viêm mũi thì trong phù lục mà Sư Tôn truyền có hai hay ba lá phù, trong số phù chữa bệnh mũi, lá phù Liên Sinh Hoạt Phật trị bệnh mũi phần dưới cùng có phù hiệu giống thế này. Lá phù này là Liên Sinh Hoạt Phật trấn đàn áp sát phù. Ba cái móc ở trên đại diện cho nhật nguyệt tinh hoặc Tam Thanh Đạo Tổ. Liên Sinh chính là chủ tôn của lá phù này, ra lệnh trấn đàn, đây chính là ý nghĩa chính của lá phù này. Dùng cái gì để trấn đàn? Chính là những vòng tròn phía bên ngoài này, chúng là cái gì? Đây là rắn sao? Đây chính là rồng.
Khi bạn vẽ phù mà nhìn thấy những vòng tròn vòng quanh như thế này thì đó chính là rồng. Cho nên hôm nay tôi nói với sư huynh kia rằng đây chính là rồng. Trong văn tập Sư Tôn có nói lá phù này là Liên Sinh Hoạt Phật cưỡi rồng đến áp sát, bởi vì có Long Thần thật sự đến tọa trấn tại đàn thành hoặc trong nhà bạn, sát khí ở nơi đó sẽ được tiêu trừ hết, bởi vì rồng có đại lực, ngài có sức mạnh rất lớn có thể đến hộ trì chúng sinh. Vì thế, chúng ta tu pháp Long Vương còn có một điểm quan trọng nữa, ngoài thỉnh cầu nguyện vọng nhập thế của bạn ra, bạn nhất định phải giống như tôi hồi hướng khi nãy, đó là phải thỉnh cầu sự hộ trì của thiên long bát bộ để bạn tu pháp xuất thế cũng có thể thuận lợi và thành tựu.
Bởi vì trong quá trình tu hành của chúng ta sẽ có rất nhiều tà ma ngoại đạo đến quấy nhiễu, gây chướng ngại, đôi khi bạn bị “dính chưởng” mà bạn không biết. Vì thế, nhất định phải thỉnh thiên long bát bộ đến hộ trì. Cho nên vì sao trước khi chúng ta bế quan, Sư Tôn nói trước và sau khi bế quan, bạn phải tu Hộ pháp. Vì sao trước khi bế quan phải tu Hộ pháp, thỉnh cầu Tứ Đại Thiên Vương hoặc Hộ pháp Kim cang của bạn, thiên long bát bộ đến bảo vệ bạn bế quan thuận lợi, bế quan xong bạn lại phải tu bảy đàn Hộ Ma là để cảm tạ sự hộ trì của các vị.
Thật ra tu bảo bình Long Vương cũng là một phương pháp, trước khi bế quan bạn dâng bảo bình, bạn có thể thỉnh Long Vương đến bảo vệ bạn, vì sao? Bởi vì rồng và con người nhân gian rất gần nhau, vì ở gần cho nên sẽ dễ dàng nghe được lời cầu nguyện của bạn, sau đó sẽ nhanh chóng đến cho bạn cảm ứng, ngài sẽ bảo vệ bạn tu hành, sau đó bạn tu xong, bế quan xong thì lại tu pháp bảo bình đi ra biển dâng cúng là để cảm ơn ngài đã bảo vệ bạn. Pháp Long Vương cũng có tác dụng như vậy.
Pháp cúng khói cũng được, pháp thủy cúng cũng được, chỉ cần bạn biết bạn cầu nguyện và mục đích gì thì đều được.
Ngày hôm trước tôi giảng bài có hỏi mọi người một câu: “Vì sao cầu thỉnh Long Vương thành Phật?” Đến bây giờ chỉ có một người trả lời tôi, đó là trợ giảng, trợ giảng là người có căn khí lớn, còn có ai muốn trả lời nữa không? Vì sao thỉnh cầu Long Vương thành Phật? Vì sao thỉnh là có thể được? Có hai tầng ý nghĩa, ai trả lời đúng thì lá phù này tôi gia trì xong sẽ tặng cho bạn.
Không có ai muốn trả lời, có phải là vì tôi vẽ quá xấu không? Phù mà tôi vẽ cũng được coi là đẹp đó chứ! Vâng, xin mời luật sư trả lời! Câu trả lời của luật sư cũng rất có pháp vị, tôi sẽ nói một chút về cách nghĩ của tôi, không nhất định là câu trả lời chính xác. Ngoài câu trả lời của luật sư ra thì hôm trước trợ giảng cũng trả lời tôi. Câu trả lời của trợ giảng cũng là đáp án đầu tiên trong đầu tôi. Bởi vì khi tôi đọc Long Tạng Kinh, tất cả những kinh điển có nhắc đến long tộc, khi tôi bắt đầu giảng bài thì tôi đã phá đề rồi, phá đề ở chỗ nào? Tôi nói nguồn gốc của thiên long bát bộ chính là vì Kim Dung đã để cho các nhân vật chính trong Thiên Long Bát Bộ tượng trưng cho thiên long bát bộ đều vẫn có tập tính tham sân si nghi mạn rất mạnh của nhân gian. Khi tôi càng đọc kinh Long Vương thì tôi càng biết thêm, thói quen của rồng và con người thật sự là rất giống nhau, thật ra tính của người và rồng không khác nhau mấy. Cho nên trong khi tu trì pháp Long Vương, ngoài khuyên thỉnh Long Vương thành Phật ra, chính bạn cũng phải phát tâm, một lòng hướng về Phật đạo, bạn cũng phải dựa vào thứ tự để tu hành thành Phật.
Có một câu nói thế này, đó là ta dạy người khác một đạo lý, nếu chính bạn không hiểu thì bạn không thể dạy được người khác, cho nên khuyên thỉnh Long Vương thành Phật thì chính bạn phải hiểu vì sao bạn muốn thành Phật thì bạn mới phát được cái tâm chính xác đó, thỉnh cầu ngài cùng thành Phật.
Vì thế trong Mật giáo, bạn lập lời thề với Hộ pháp như thế nào? Xin hỏi có ai biết không? Lập lời thề với Hộ pháp là có một hợp đồng, hợp đồng này bạn phải nói rằng: Tôi thành Phật, ngài thành Phật, tôi thành tựu, ngài thành tựu, tôi đi tới đâu ngài đi tới đó, tôi nhận cúng dường ngài nhận cúng dường. Đây là cái gì? Đây là hóa hai thành một, kéo hai đối tượng lại thành một, vì thế tu pháp Bổn tôn là tu nhất, tức là pháp yếu của Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ, chính là một, từ nhiều thành một, sau cùng trở về hư không gọi là zero, đây chính là tu hành Mật giáo. Cho nên tu pháp Long Vương là bạn có samaya với Long Vương, ngài thành Phật thì bạn cũng thành Phật, không phải chỉ có ngài thành Phật. Ngài thành Phật để làm gì? Ngài thành Phật xong thì cuối cùng cũng lại độ cho bạn thành Phật, vì thế mới gọi là samaya giữa hành giả và Long Vương và cả Phật. Đây là một bí mật cực kì cực kì lớn. Đây cũng là một tâm đắc mà tôi phát lộ sau khi bản thân mình đã tu rất nhiều đàn pháp Long Vương.
Vừa rồi có nhắc đến Đại Nhật Như Lai Thần Biến Gia Trì Kinh, Mật giáo cực kì chú trọng thần biến gia trì, nói một cách đơn giản, thế nào là thần biến gia trì? Quán đảnh chính là một dạng thần biến gia trì. Nói về quán đảnh bình cơ sở nhất, làm quán đảnh bình cho người khác chính là quán đảnh quy y, quán đảnh bình là gì? Dùng cái bình tượng trưng cho Bổn tôn đến làm quán đảnh thì gọi là quán đảnh bình. Bình quán đảnh khi rót xuống chính là thần biến gia trì. Thần biến gia trì ở chỗ nào? Từ tính phàm phu chuyển thành Phật tính, đưa chủng tử thức của bạn cho ngài chuyển biến, chuyển thức thành trí, chuyển hóa tham sân si nghi mạn của bạn thành ngũ trí của Phật, đây chính là quán đảnh. Vì thế, bản thân quán đảnh cơ sở đã là một dạng thần biến gia trì. Cho nên bạn thấy đó, khi làm phần Chính hành, bạn quán tưởng Long Vương hiển hiện tại hư không, Ngũ Phương Phật trụ tại đỉnh đầu ngài để làm gì? Để làm quán đảnh.
Cái này gọi là ấn chỉ thị, đây gọi là ấn ngũ sắc quang, khi bạn tu pháp thì quán tưởng Ngũ Phương Phật phóng ánh sáng đỏ vàng trắng lam lục “Ôm hùm chân sưa-ah”. Năm đường ánh sáng quán đảnh gia trì cho rồng, bắt đầu từ giây phút này chính là thần biến gia trì, để cho thân rồng này và các tính cách của rồng chuyển hóa thành Phật tính.
Ở đâu có thể chứng minh việc này? Trong phần “Trò hỏi Thầy đáp” lần trước, có đồng môn hỏi Sư Tôn trong văn tập thời kỳ đầu có nói, có Bổn tôn chân thực đàn thành, Hộ pháp chân thực đàn thành, thân đàn thành, ngữ đàn thành, ý đàn thành. Đồng môn hỏi nếu tu pháp Thượng sư tương ứng, có phải tu những pháp đàn thành chân thực gì gì đó không. Câu trả lời của Sư Tôn như sau: “Không cần tu gì khác.” Vì sao? Trong Mật giáo, dựa vào sự gia trì của Căn bản Thượng sư là số một, có nghĩa là bạn thật sự có được sự gia trì của truyền thừa, tự nhiên bạn sẽ thành tựu tất cả, vì thế Căn bản Thượng sư có thành tựu rồi, bạn cũng có thể có được thành tựu như thế, Căn bản Thượng sư có công đức gì, bạn cũng có thể có được công đức như thế. Đây chính là pháp Thượng sư tương ứng của Mật giáo, cũng chính là thần biến gia trì. Cho nên vì sao mười bốn đại giới của Mật giáo có một điều là “Làm tổn hại người khác, tự làm khổ bản thân là không như Phật”. Nếu trong đầu bạn có quan niệm này thì bạn vĩnh viễn không thể nào tu hành thành tựu, bởi vì ngay từ đầu bạn đã không tin tưởng chính mình có bản chất và tiềm năng tu hành thành tựu, thế thì mãi mãi bạn không thể nào từ nhị nguyên thành nhất nguyên.
Vì vậy khi tôi ở Đài Loan có đồng môn nói anh ấy đã uống phù thiên nhãn, anh ấy muốn nhìn thấy Bổn tôn của mình, rốt cục cần phải tu như thế nào mới có thể nhìn thấy? Tôi sẽ theo logic mà trả lời như thế này, đương nhiên nhất định phải theo thứ tự, pháp gia hành, pháp Thượng sư tương ứng, pháp Bổn tôn, tu như thế nào đó xong bạn uống phù thiên nhãn, niệm chú mở thiên nhãn, sau đó uống phù này, xem xem có chuyển biến gì. Nhưng khi tôi nói xong thì anh ấy ngơ ngác nhìn tôi, tức là những việc này tôi cũng biết, nhưng mà rất khó, mỗi người đều nói nhìn thấy Bổn tôn là rất khó. Không sai, rất khó! Khi tôi cảm thấy mơ mơ hồ hồ, còn chưa biết trả lời anh ấy như thế nào, chúng tôi đang đứng trước đàn thành của anh ấy, tôi liền quay về Bổn tôn của anh ấy, chắp tay lại nói xin ngài hãy gia trì cho tôi, tôi cần phải trả lời như thế nào. Vị đó rất có trí huệ, ngài ấy nói Bổn tôn là một, không phải là hai. Không biết mọi người có thể hiểu được đạo lý này không? Đừng mãi tìm kiếm ở bên ngoài, phải nhìn vào bên trong, tu hướng vào trong, cho nên văn tập Sư Tôn có viết, tất cả Bổn tôn đến cuối cùng bạn tu thành tựu cũng là sự hóa hiện tự tính của bạn. Vì thế hôm nay tu pháp Long Vương cũng thế, bạn tu pháp Long Vương không phải là tu hướng ra ngoài, ở đây cũng nói bạn hãy khởi phát Phật tính của chính mình, bạn cũng phải giống như Long Vương, Long Vương có khổ, nguyên nhân của khổ là vì trước kia đã tạo ra nhân, đời này mới gặp phải quả khổ. Bạn cũng phải suy ngẫm chúng ta làm thân người cũng là trước kia đã tạo ra nhân nghiệp, đời này trở thành người, chịu quả ác này, tương lai chúng ta cũng phải phát nguyện giống như long tộc, dựa theo thứ tự mà tu hành thành tựu. Tôi nghĩ đây mới là tinh túy thật sự của bất kì pháp nào mà chúng ta tu. Bởi vậy tôi từng chia sẻ với mọi người, bất kì pháp nhập thế nào cũng có khái niệm của pháp xuất thế ở trong đó, bất kì pháp xuất thế nào cũng có phương tiện nhập thế ở trong đó.
Vì vậy, vốn dĩ chính là Lạc-Không song vận, trí huệ - phương tiện song vận. Bất nhị, không phải là hai, xem bạn vận dụng như thế nào, đây cũng là pháp vị mà tôi đã nói. Bạn có thể rất siêu thắng, bạn cũng có thể rất thế tục, sau khi làm lợi ích cho chúng sinh xong thì bạn phải vượt qua thành tựu tu hành thế gian, một hành giả chân chính phải có tri kiến như vậy mới không bị trói buộc. Bạn không nhảy thoát ra được sự trói buộc của pháp bởi vì sau cùng kinh Kim Cang nói, pháp vẫn còn phải bỏ huống chi không phải là pháp. Hy vọng mọi người ngày mai đến tham gia pháp hội Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, tôi sẽ lại giảng cho mọi người vì sao vốn dĩ làm pháp Long Vương cầu phúc lại đổi thành vị này. Tôi có dụng ý của mình, cho nên tôi sẽ giảng cho mọi người biết Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật rốt cục là thượng tôn tới mức nào, tôn quý tới mức nào.
Om mani padme hum. 🙏