📑

TS Liên Anh khai thị về pháp Kim Cang Tát Đỏa

image

TS Liên Anh khai thị về pháp Kim Cang Tát Đỏa

Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 21.12.2024 Địa điểm: Nghiêm Minh Lôi Tạng Tự Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Pháp cơ bản là pháp quan trọng nhất

Kính lễ Căn bản Truyền thừa Thượng sư Thánh Tôn Liên Sinh Hoạt Phật. Kính lễ Hộ Ma chủ tôn Kim Cang Tát Đỏa. Xin chào các vị pháp sư, giảng sư, các nhân viên thường trực, các đồng môn.

Rất cảm ơn mọi người đã đón tiếp và chăm sóc tôi ân cần chu đáo trong lần thứ hai đến Úc hoằng pháp này. Quả thực lịch trình hoằng pháp của tôi bận tới mức tôi không còn biết trời trăng là gì nữa. Tôi sâu sắc cảm nhận được với người xuất gia thì bốn bể là nhà, đi đến nơi đâu cũng là nhà của mình. Tôi xuất gia rồi, tôi không còn mang họ thế tục nữa, họ của tôi bây giờ là Thích - Thích có nghĩa là gì? Chữ “Thích” này có nghĩa là tự tính thanh tịnh. Ai có tự tính thanh tịnh? Thật ra mỗi một người trong bốn bể là nhà này đều có tự tính thanh tịnh, chỉ là bạn đã tìm thấy hay chưa mà thôi. Xét đến tận gốc, thật ra không phải chỉ có một mình tôi mang họ Thích, mỗi người các bạn khi thật sự tin Phật rồi, bạn giao thân tâm mình cho Căn bản Thượng sư, cho Bổn tôn, cho Hộ pháp của bạn, bốn biển đều là anh em, mọi người đều là người một nhà. Bởi vậy không có sự phân biệt, không có sự ngăn cách, không phân biệt bạn-tôi. Tôi thật sự cảm ơn Phật Bồ Tát đã cho tôi bằng chính thân thể xương thịt này trải nghiệm và lĩnh ngộ rốt cục thế nào là chúng sinh bình đẳng. Bình thường chúng ta cứ hay nói bình đẳng bình đẳng, nhưng đó vẫn chỉ là nói miệng thôi.

Ở đâu có bình đẳng chứ? Sự bình đẳng chân chính phải trải qua sự trải nghiệm và trưởng thành khắc cốt minh tâm, ngoài ra còn phải có một chút đau khổ và thăng hoa bạn mới có thể nếm được cái vị đó.

Hôm trước ở hội đồng tu Thiện Minh tôi có giảng về tu pháp vô vi nghe rất bùi tai. Trước khi bạn tu pháp vô vi, thật ra vẫn còn rất nhiều con đường phải đi, còn con đường rất dài phải đi, chính vì còn phải đi nhiều con đường dài cho nên cái nền tảng phải làm cho vững. Nền tảng của chúng ta chính là Kim Cang Tát Đỏa - chủ tôn của buổi Hộ Ma hôm nay, là pháp Kim Cang Tâm mà ngài đã dạy.

Trong sách Sư Tôn từng viết về Điện Tịnh Hóa. Sau khi cuốn sách này xuất bản, ngay ngày hôm sau tôi đã tạo một Điện Tịnh Hóa ở Pháp Hoa Đường, không một chút chần chừ. Sư Tôn đã viết trong sách thì chắc chắn có nguyên nhân. Điện Tịnh Hóa chính là mandala của Kim Cang Tát Đỏa. Sư Tôn viết trong sách rằng mỗi một chùa, đường, hội của Chân Phật Tông đều nên có một Điện Tịnh Hóa, bởi vì tiêu trừ nghiệp chướng, chuyển hóa vận mệnh là lời khấn nguyện chung của mỗi người. Vì thế, theo ý kiến cá nhân tôi, tôi kiến nghị Nghiêm Minh Lôi Tạng Tự trong hai ngày tới hãy sắp đặt ngay Điện Tịnh Hóa, sau đó có pháp sư, có trợ giảng ở đây dẫn dắt mọi người đồng tu, nếu bạn chưa niệm đủ 100.000 biến chú thì đây vừa hay sẽ là động lực để bạn đến hoàn thành mục tiêu này.

Tôi có thể thẳng thắn chia sẻ với mọi người rằng, kể từ khi tôi tu pháp đến nay, tôi chủ yếu lấy Kim Cang Tát Đỏa để làm Bổn tôn quán tu của mình. Có Thượng sư từng hỏi tôi đã tu Bổn tôn thế nào, có cảm nhận gì, làm sao biết mình đã có hiện tượng tương ứng với Bổn tôn? Nếu bạn không có trải nghiệm thực tế, bạn sẽ không thể trả lời được. Nói thật lòng, trong số rất nhiều Bổn tôn, vị mà tôi đặc biệt ưa thích, và cũng không phải mất nhiều công sức để quán tưởng chính là Kim Cang Tát Đỏa. Tôi không cần phải nhắm mắt gắng sức quán tưởng thì ngài đã ở trước mặt tôi rồi. Tôi có thể dung nhập vào ngài. Dường như bạn có thể ngửi được mùi của ngài, bạn có thể sờ vào da thịt ngài, bạn nghe hiểu được ngôn ngữ của ngài, ngài hiểu được hỷ nộ ái lạc của bạn, sau đó ngài sẽ chuyển hóa hỷ nộ ái lạc của bạn. Là một mối quan hệ rất mật thiết như vậy. Vì thế, Tạng mật có nói, cho dù bạn tu đại pháp vô thượng, cho dù có tu pháp terma nào đó rất bí mật ảo diệu, thì pháp gia hành Kim Cang Tát Đỏa là mỗi người nhập môn hay tốt nghiệp, căn cơ trung hay căn cơ cao, thậm chí là đại thành tựu giả thì đây đều là pháp gia hành đặc biệt của mỗi người, bạn không thể bỏ qua. Cho dù bạn đang tu Đại viên mãn, Đại thủ ấn, thì khái niệm và trọng tâm trong đó cũng không tách rời pháp gia hành. Điều này đã cho chúng ta thấy vì sao Tứ gia hành là đại pháp. Bởi nếu bạn thật sự hiểu đúng thì trong pháp Tứ gia hành đã bao gồm pháp nghĩa của Thứ tự sinh khởi và Thứ tự viên mãn, gồm cả tâm yếu khẩu quyết về chứng ngộ về mặt lý thuyết và thực tế.

Cho nên Sư Tôn nói, bạn tương ứng với Kim Cang Tát Đỏa rồi thì bạn có thể tương ứng với bất kì Bổn tôn nào, bởi vì thông một pháp thì thông vạn pháp. Kim Cang Tát Đỏa sở dĩ trân quý như vậy là vì vị giáo chủ đời thứ nhất của Mật giáo, Bổn tôn truyền pháp là Đại Tỳ Lô Giá Na, ngài đã truyền xuống “Kim Cương Đỉnh Kinh” và “Đại Nhật Kinh”, hai bộ kinh này đã nói hết những lý thú của Mật giáo. Đại Nhật Như Lai ở tại cung Kim Cương Pháp Giới đã giao chìa khóa của hai bộ kinh này và hai bộ đại luận Kim cương giới Thai tạng giới cho Pháp Vương Tử Kim Cang Tát Đỏa. Vì thế, Kim Cang Tát Đỏa trở thành vị tổ sư đời thứ hai của Mật giáo, vì thế ngài chính là một vị Kim Cương Trì trong số các vị Kim Cương Trì, là chủ tôn của tất cả mandala. Nhưng đây vẫn dừng lại ở truyền thừa hư không.

800 năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, Phật pháp truyền đến Nam Ấn Độ, khi ấy Long Thụ Bồ Tát mở cửa tháp sắt, diện kiến Kim Cang Tát Đỏa. Kim Cang Tát Đỏa dùng phương pháp ấn tâm đã trực tiếp truyền hai bộ Mật pháp Kim cương giới Thai tạng giới vào trong não của Long Thụ Bồ Tát. Chính vì nguyên do này mà truyền thừa Mật giáo mới bắt đầu được truyền tại nhân gian.

Vì thế, chúng ta nói Kim Cang Tát Đỏa là giáo chủ của Mật giáo, không rõ mọi người hiểu được sâu đến mức nào, bởi vì ngài là nguồn gốc của mọi pháp. Cho nên khi tôi chia sẻ với mọi người về Ngũ Đại Kim Cang, tôi đã nói, về lý luận Ngũ Đại Kim Cang là do Ngũ Phật hóa ra, nhưng trong thangka của Tạng mật thường không được biểu hiện như vậy, mà trong các bức thangka đó thường đều có xuất hiện Kim Cang Tát Đỏa. Các đại Hoạt Phật của Tây Tạng cho rằng Kim Cang Tát Đỏa có thể nói là vị Phật ở trên đầu của tất cả tịch tĩnh tôn, phẫn nộ tôn, thậm chí là cực phẫn nộ tôn, toàn bộ đều do ngài hóa ra.

Kim Cang Tát Đỏa quan trọng như vậy, là Bổn tôn của các pháp thông thường và pháp đặc biệt, vì thế chúng ta tu pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát, dùng phương pháp tu thân, khẩu, ý để tiếp xúc với ngài, mới đầu bạn sẽ cảm thấy thật “thô thiển”, đơn giản như vậy sao. Phương pháp thì đơn giản như vậy, nhưng khi bạn thâm nhập rồi, sức mạnh tâm linh của bạn nâng cao rồi, bạn sẽ nhận ra thủ ấn, quán tưởng, chú ngữ của Kim Cang Tát Đỏa có thể khiến bạn dung nhập vào trong sự bí mật ảo diệu của vũ trụ, đưa bạn từ thô thiển nhất đến viên mãn nhất. Vì thế, ngài là vị bộ chủ của các vị bộ chủ. Lai lịch của ngài trân quý như vậy.

image

Chúng ta đều biết chú ngữ quan trọng nhất của Kim Cang Tát Đỏa chính là Bách tự minh chú, ai cũng biết niệm, nhưng có ai biết hàm nghĩa chân chính của câu chú 100 âm này không? Chúng ta có quan niệm là niệm chú để tiêu trừ nghiệp chướng, nhưng cái gì là nghiệp chướng? Nếu bạn không hiểu cái gì là nghiệp chướng thì bạn bắt đầu từ chỗ nào, làm sao bạn biết cách để tiêu trừ, cái gì phải tiêu trừ, cái gì không cần phải tiêu trừ? Bạn niệm chú xong thì nghiệp của bạn đã được tiêu trừ rồi hay sao, đã tiêu trừ được hết sao, có thể thật sự được thanh tịnh sao? Bạn cần thường xuyên hỏi chính mình như vậy.

Tổ sư Tsongkhapa trong “Mật Tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận” có giảng giải một trọng điểm lớn, đó là giảng giải tu Kim Cang Tâm Bồ Tát như thế nào. Tổ sư Tsongkhapa chính là hóa thân của Sư Tôn, ngài nói, niệm Bách tự minh chú bắt buộc phải có bốn nhận thức và chính kiến, bằng không, nghiệp chướng vẫn là nghiệp chướng, bạn vẫn là bạn.

Cần phải dùng sức mạnh nào?

Thứ nhất, đó là phá bỏ hiện hình lực. Hiện hình tức là trạng thái hiện tại của bạn, ở trên người chúng sinh thì đó chính là sự vô minh, hỗn độn, với mọi chuyện thì hình như hiểu mà cũng hình như không hiểu, dùng tham sân si, tự ngã ngạo mạn của bạn để quan sát vũ trụ, quan sát tất cả mọi người, người đến người đi, là trạng thái đối ứng với mọi thứ một cách mơ hồ hỗn độn, lập là lập lờ. Thế nào gọi là phá bỏ hiện hình? Là phá bỏ vô minh, chuyển hóa vô minh thành minh. Sự giải thoát chân chính được tổ sư Tsongkhapa so sánh thế này, bạn phải xem mình như một bệnh nhân mắc bệnh nặng, giống như là bạn mắc bệnh hiểm nghèo, khi mắc bệnh nan y thì bạn sẽ thế nào? Chỉ luôn nghĩ về việc chữa khỏi cho chính mình, đại bộ phận sẽ là như vậy. Tôi cảm thấy căn bệnh này rất đau khổ, tôi nhất định phải chữa khỏi nó, khi bạn có cái tâm này tức là phá bỏ hiện hình lực.

Sau khi đã có được sức mạnh này rồi thì dẫn tới giai đoạn thứ hai, gọi là đối trị hiện hình lực. Bạn bắt đầu đi tìm bác sĩ, vì bác sĩ sẽ cho bạn thuốc, có bệnh gì sẽ cho bạn thuốc đó, có rất nhiều phương pháp để đối trị bệnh. Tổ sư Tsongkhapa cũng đưa ra mấy phương pháp rất tốt để đối trị, thứ nhất là thiết lập đàn thành, bởi vì thiết lập đàn thành chính là bước thứ nhất đến nghênh đón Bổn tôn đến. Cho nên yếu tố thứ hai chính là Bổn tôn. Thứ ba là kinh điển, kinh do Phật thuyết hoặc các luận điểm, luật điểm của các vị đại tổ sư, ở đây tức là Tam Tạng - Kinh Luật Luận, đây là mối liên hệ gắn với đàn thành. Bổn tôn, đàn thành, kinh điển kết hợp lại, quán tu tính Không. Thứ tư, chăm chỉ tu quảng đại cúng dường, ý nghĩa ở đây giống như chúng ta tu Tư lương đạo, Gia hành đạo, bởi vì chăm tu cúng dường kết đại thiện duyên sẽ giúp bạn trong quá trình tu hành gặp được thiện tri thức, gặp được thiện duyên, gặp được những điều tốt và rời xa những điều xấu. Thứ năm là miệng tụng chân ngôn mật chú, lấy Bách tự minh chú làm chính, hoặc niệm Phật hiệu.

Giai đoạn thứ ba, tìm được bác sĩ rồi giống như đã được tiêm thuốc, thân thể sẽ sinh ra kháng thể, cho nên giai đoạn này gọi là che chắn phòng hộ lực. Kháng thể trong thân thể bạn sẽ trở thành vi khuẩn, virus đến từ bên ngoài, bạn sẽ biết phải làm sao để đối trị, chứ không phải là mỗi lần gặp vấn đề lại đi tìm bác sĩ, lại vẫn mơ mơ hồ hồ đi tìm cách. Sẽ không như vậy vì lúc này bạn cần phải biết làm như thế nào rồi, gọi là che chắn phòng hộ. Bạn bắt đầu hiểu được nhiều hiện tượng, biết được cái này có thể làm, cái kia không thể làm, quan niệm này là chính xác, quan niệm kia là không chính xác. Như vậy mới có thể gọi là phòng hộ.

Giai đoạn thứ tư là thật sự nương dựa Kim cương Thượng sư, nương dựa Tam Bảo. Vì sao? Trong “Mật Tục” nói, trong quá trình tu hành của bạn, bạn là thân vô minh, sở dĩ có vô minh là do tập tính tích lũy nhiều kiếp đã che mờ bạn, bạn phải nương nhờ tổ sư, đại đức, đại thành tựu giả thực tu thực chứng, các vị sẽ dựa vào kinh nghiệm thực tu của mình và khẩu quyết giác ngộ tính Không, truyền thừa thực tu Bổn tôn, trên người các vị có cam lộ, nên các vị có thể quán đảnh gia trì cho bạn. Lúc này bạn cần phải đi quy y các vị, đây là chỗ đặc thù của Mật giáo.

Sau khi nương dựa vào Thượng sư, dựa vào nhân duyên của truyền thừa thanh tịnh của Thượng sư, bạn có thể tiếp xúc với Tam Bảo thanh tịnh, vì thế trong Mật giáo rất chú trọng đến nguồn gốc, đó là ngay từ khi bắt đầu bạn đã cần phải có truyền thừa thanh tịnh, bằng không thì sẽ giống như sữa tươi bị đổ thêm nước tương, bạn có uống thế nào thì cái vị của nó cũng đã bị thay đổi rồi. Bạn cần phải tìm truyền thừa thanh tịnh, vì thế bạn phải biết phân biệt, tìm hiểu, nghe nhiều, nghĩ nhiều, dùng trí tuệ của mình để nhận định.

Tổ sư Tsongkhapa nói về quan niệm và chính kiến khi niệm tụng Bách tự minh chú. Như tôi đã nói, trong pháp Tứ gia hành đã bao gồm Thứ tự sinh khởi và Thứ tự viên mãn. Bốn giai đoạn vừa nói ở trên cũng chính là 37 đạo phẩm. 37 đạo phẩm là lộ trình và phương pháp mà Đức Phật dạy tất cả các Phật tử làm sao để từ nhân vị của phàm phu đi về quả vị thành Phật. Tôi lấy ví dụ, bạn biết mình mắc bệnh, bạn ghét căn bệnh này, bạn muốn tránh xa và không muốn nó phát sinh, nếu đối chiếu với 37 đạo phẩm thì chẳng phải đây là Tứ chính cần sao? Ngăn chặn điều xấu đã phát sinh, loại bỏ nó. Ngăn chặn điều xấu chưa phát sinh, không để cho nó xảy ra. Phát triển những điều thiện đã phát sinh. Phát triển những điều thiện chưa phát sinh. Ví dụ như Tứ thần túc. Bạn phải phát tâm thanh tịnh, đây gọi là Dục thần túc, rời bỏ dục vọng, dục vọng nếu có phải là chính, không thể là tà. Khi đã có dục vọng chính thì bạn cần phải cần cù đi tu cái dục vọng này, gọi là Cần thần túc. Tiếp theo là Tâm thần túc, bạn phải đặt hoàn toàn thân tâm vào đó, nếu không thì cái mong muốn và sự cần cù cũng chỉ là giả. Cuối cùng phải nội quán, là Quán thần túc. Cho nên khi bạn hiểu Tứ gia hành rồi, bạn còn nói bạn không hiểu 37 đạo phẩm sao? Khi bạn hiểu Tứ gia hành rồi, bạn không tu được pháp Thượng sư tương ứng sao? Khi bạn hiểu được Tứ gia hành rồi, có Bổn tôn nào sẽ không tương ứng với bạn chứ?

Vì sao Sư Tôn nói “một pháp thông vạn pháp thông”? Đây không phải là một biểu ngữ quảng cáo để lừa gạt bạn đến thử xem, mà thật sự đích thực là như thế. Hôm nay Căn bản Thượng sư nói với bạn rằng bạn tu Tứ gia hành là bạn có thể thành tựu, bạn có tin không? Bạn bảo tin, nhưng bạn lại không làm. Vì sao? Vì bạn không hiểu về trình tự. Hàng ngày bạn giở pháp bản ra, lật qua các trang, tụng xong một lượt, thế là cho rằng hôm nay mình đã tu xong Tứ gia hành rồi, cứ như vậy làm xong 100 lần, rồi tự hỏi ồ sao có người nói có tướng sám, có tương ứng, còn mình lại chẳng thấy gì. Bởi vì có người dùng đúng phương pháp, đặt đúng cái tâm, có người thì mãi mãi xem nghi quỹ vẫn chỉ là nghi quỹ, tu một cách cưỡi ngựa xem hoa, vĩnh viễn không chạm được đến tâm của Kim Cang Tát Đỏa.

Bởi vậy nếu mọi người nghe cẩn thận, nhất định phải ghi chú lại những gì tôi nói hôm nay. Cái gọi là sám hối và hối lỗi là khác nhau. Hối lỗi là lúc này tôi đang cảm thấy hổ thẹn, thấy ăn năn, ngày mai cảm giác ấy sẽ bớt đi, bởi vì không có ai biết, thế là bắt đầu tự cho mình một lý do, kiểu như mình làm như vậy cũng là đúng, mình có lý do của riêng mình, nên tha thứ cho mình thôi, Phật Bồ Tát từ bi như vậy mà. Lần sau bạn lại đụng chuyện, lại đá vào tảng đá, ái chà, sao lần trước mình không làm như thế nhỉ, rõ ràng mình đã có thể thế nào đó… Kiểu này gọi là ăn năn. Sám hối là bạn đã đá phải tảng đá này rồi, bạn biết rằng chân đạp phải tảng đá thì sẽ đau, lần sau gặp phải tảng đá bạn sẽ biết rằng phải đi vòng, bạn không sợ tảng đá, cũng không hề chọn con đường không có tảng đá để đi, bởi vì nhân gian này bạn không né tránh được mọi thứ. Vì thế, sau khi tu pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát kiên cố rồi, bạn sẽ có phương pháp, bạn không sợ khó khăn.

Có một vị Rinpoche từng nói, con người luôn cho rằng mình nhìn người khác rất rõ ràng, thật ra là bạn chỉ nhìn thấy được những gì mà nhân quả nghiệp lực cho bạn nhìn thấy thôi. Bạn cho rằng bạn nhìn thấy được toàn bộ, như chúng ta thường nói đến ếch ngồi đáy giếng, chúng ta cười con ếch, nhưng có khi chúng ta còn không bằng được con ếch. Cho nên nói ngược lại, mỗi con người đều chìm chìm nổi nổi trong sóng biển, ai lợi hại hơn ai, ai ưu tú hơn ai, ai trung thực hơn ai, ai lương thiện hơn ai, chẳng nên so sánh nhau như vậy.

Vì thế Sư Tôn nói, con mắt phàm phu nhìn chúng sinh là oán hận, thiên nhãn nhìn chúng sinh là luân hồi, Phật nhãn nhìn chúng sinh chỉ có từ bi, bởi vì trong con mắt của Phật, tất cả chỉ là nhân duyên quả báo mà thôi. Phật nói, tất cả con người đến nhân gian này chỉ là để trả nghiệp. Câu nói này không hề chỉ sự bị động, không phải là kiếp trước tôi nợ bạn thì kiếp này tôi trả, tôi đã chấp nhận rồi, không phải là sự tiêu cực bị động như vậy. Sự trả nghiệp chân chính còn tích cực hơn mỗi cá nhân, thật sự hiểu đúng về trả nghiệp là bạn phải phát Tứ chính cần, Tứ thần túc, Bát chính đạo, cuối cùng là thành tựu Phật quả. Bởi vì bạn hiểu rồi thì bạn sẽ không tạo ra nghiệp mới. Cái gì đã xảy ra trong quá khứ bạn không lặp lại nữa, bây giờ thì bạn đã hiểu cái gì nên làm cái gì không nên làm, tương lai bạn sẽ có “kháng thể”, bạn sẽ rất tích cực chứ không hề tiêu cực, hiệu quả lớn nhất của việc tu Kim Cang Tâm Bồ Tát Tứ gia hành là ở đây, từ đây mới có thể sinh ra tính Không chân chính, tính Không chân chính này mới có thể tiêu diệt hết mọi nghiệp chướng của bạn, bằng không thì nói tiêu nghiệp chướng cũng chỉ là nói miệng mà thôi.

Hôm nay tôi đến đây khai thị, tôi muốn mang đến cho các bạn điều gì. Tôi có thể giảng một cách đơn giản, giới thiệu chủ tôn một chút, rất viên mãn rồi, phủi phủi mông đứng dậy đi. Sở dĩ tôi hoằng pháp mệt là vì tôi đang móc toàn bộ tim phổi của mình, những khẩu quyết này do chính tôi “tiêu hóa” mà có được, chính tôi cọ sát thực tế, tự mình trải nghiệm và lĩnh ngộ, sau khi lĩnh ngộ được thì đi thỉnh giáo Sư Tôn để Sư Tôn nghiệm chứng xem có phải như vậy không, sau đó thực tiễn đi làm, chuyển hóa mà có. Những khẩu quyết này quan trọng hơn những cuốn sách hướng dẫn người ta viết rất hay mà bạn lên mạng mua được, bởi vì có viết kín cả trang bạn đọc cũng không hiểu. Cho nên tôi có một cảm xúc sâu sắc, bạn có thể cầm lên bất kì một cuốn văn tập nào của Sư Tôn, mở ra tìm một lời vàng trong đó và đi thực tiễn nó, chắc chắn sẽ thành tựu. “Mọi ác đừng làm, hãy làm mọi thiện, thanh tịnh ý mình, là điều Phật dạy”, đây chính là Kim Cang Tâm. Vậy làm sao để tương ứng Kim Cang Tâm? Bạn hãy về nhà và tự mình làm, không cần phải trả lời tôi. Om mani padme hum.

(Hết.)