TS Liên Anh khai thị: Học Phật cần có quan niệm và tri kiến đúng đắn
Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 15.06.2023 Địa điểm: Pháp Hoa Đường - Đài Loan Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
(Lược dịch - P1)
Mới đây tôi đi hoằng Pháp ở Anh Quốc, khi mọi người ở đó làm tuyên truyền truyền thông thì có ghi là “Kim Cương Thượng Sư Thích Liên Anh”. Có người cảm thấy không hài lòng về hai chữ “Kim Cương” này nên cũng có ý kiến, và Tông Ủy Hội dường như cũng có ý kiến tương tự, vì thế yêu cầu sau này trong các văn bản truyền thông không dùng hai chữ “Kim Cương”.
Khi ấy tôi đã nói với người đại diện của Phật đường rằng, trong Mật giáo, quán đảnh Acharya là quán đảnh “bất thối”, bản thân Acharya là đại diện cho Kim Cang Tát Đỏa, Kim Cang Tát Đỏa chính là Pháp Vương Tử của Ngũ Phương Phật, bản thân Kim Cang Tát Đỏa chính là kim cương bất hoại, về pháp nghĩa mà nói là như vậy.
Tôi hiểu ra rằng nhân gian có rất nhiều quy tắc quy định, có rất nhiều cách nói. Đối với hai chữ “Kim Cương” này, trọng điểm là chính mình có chứng lượng này hay không. Nếu bạn không có chứng lượng thì cho dù có “đeo” thêm hai chữ này thì cũng chỉ là một cái danh xưng mà thôi. Vì thế với tôi mà nói, tôi không bận tâm về những chuyện này, nhưng phải tôn trọng quy định của nhân gian, cho nên sau này chúng ta làm tuyên truyền truyền thông cũng sẽ không để hai chữ “Kim Cương” này.
Lần này tôi đi hoằng pháp ở Anh, ngoài làm pháp hội Đại Lực Kim Cang ra, chúng tôi còn đồng tu A Di Đà Phật, Văn Thù Sư Lợi, Đại Uy Đức Kim Cang vào mỗi thứ bảy. Ban đầu họ sắp xếp để tôi giảng tọa Phật học, tôi hỏi họ muốn nghe cái gì. Họ nói rằng tùy ý Thượng sư giảng thôi. Tôi nói rằng thật ra ở Đài Loan, chúng ta thường tu nhất là Kim Cang Tâm Bồ Tát và Liên Hoa Đồng Tử, là hai vị căn bản nhất và cũng quan trọng nhất. Thật ra ngoài đồng tu ở Seattle ra thì tôi cũng chưa tham gia đồng tu ở Phật đường nào khác, vì thế tôi đề nghị đường chủ của Chân Độ Lôi Tạng Tự là có lẽ buổi giảng tọa đầu tiên tôi sẽ dẫn dắt mọi người tu pháp Kim Cang Tâm Bồ Tát, sau đó tôi sẽ nói cho mọi người biết trong nghi quỹ tu pháp cần chú ý những gì, nói một số khẩu quyết. Ngay lúc đó có người nói rằng đồng tu thì ở đâu chẳng giống nhau, có gì mà phải “đặc biệt” dẫn dắt chứ? Họ nghĩ rằng giảng tọa Phật pháp thì phải đặc biệt một chút, họ muốn nghe những thứ khác biệt. Khi ấy tôi nói rằng hãy cùng làm với tôi một lần, mọi người sẽ biết. Cho nên buổi đồng tu đầu tiên ở đó là tu Kim Cang Tâm Bồ Tát.
Hôm đó cũng có không ít người đến tham gia, có cả người phương Tây, người Hoa. Sau khi tu xong, tôi hỏi họ: “Bây giờ mọi người có cảm thấy là giống nhau không?” Mọi người đều lắc đầu nói là không giống. Tôi hỏi không giống ở chỗ nào, rất nhiều người đã trả lời là phần quán tưởng không giống, họ không ngờ có thể quán tưởng như vậy, rồi tốc độ niệm chú, rồi từ trường trong lúc tu pháp, nói chung là có rất nhiều ý kiến phản hồi. Tôi hỏi tiếp là vì sao lại khác, trong số họ có một sư tỉ trả lời rằng khi Thượng sư Liên Anh dẫn dắt thì phần quán tưởng mô tả rất kĩ. Tôi nói những gì tôi nói với mọi người hôm nay chỉ là 1/3, 1/5 những gì bình thường tôi vẫn quán tưởng thôi, nói hết thì chắc chắn các bạn sẽ càng cảm thấy khác.
Thật ra những quán tưởng của tôi đều giống như Sư Tôn đã dạy, không hề khác biệt, chỉ là bình thường các bạn có dụng tâm để tìm hiểu và nhận ra chúng hay không. Tất cả cái gọi là khác biệt chính là khác biệt ở mức độ dụng tâm, khiến bạn cảm thấy cảm nhận khác nhau, cái này cũng tương tự như lực và phản lực thôi, tạo ra bao nhiêu lực sẽ nhận lại bấy nhiêu lực. Tôi nói kĩ với họ về từng bước trong nghi quỹ, bắt đầu từ bước đầu tiên nhất như là vỗ tay và búng ngón tay, tôi dự tính là trong một buổi chiều sẽ giảng hết, không ngờ rằng không thể nào nói cho hết nói cho đủ, bởi vì Chân Phật Mật Pháp quá ảo diệu. Ví dụ chỉ riêng vỗ tay búng ngón tay, tôi đã có thể nói đến 15, 20 phút, chưa nói đến quán Tứ vô lượng. Thật sự rất nhiều quan niệm về Phật pháp, trọng điểm, chi tiết quán tưởng, căn bản là không thể nói hết. Cho nên tôi đề nghị là mỗi buổi giảng tọa tiếp theo, tôi sẽ nói rõ với mọi người thật chi tiết từng bước cơ bản nhất có được không, mọi người đều vỗ tay tán thành.
Cho nên không phải lúc nào cũng cần nói đến Phật pháp gì to tát xa xôi, cái căn bản nhất, nền tảng nhất chính là cái mà bạn cần. Thật ra những thứ căn bản nhất lại thường là những thứ đặc sắc nhất, chỉ là bạn không dụng tâm để phát hiện ra mà thôi.
Thật trùng hợp, vào ngày đồng tu đầu tiên, có một gia đình ngồi xe 5 giờ đồng hồ đến tham gia. Trước buổi đồng tu, họ kể rằng họ có chuyện rất phiền phức, gần như cả gia tộc đều quy y rồi, nhưng vẫn còn một số người thân rất kỳ lạ, họ rất chống đối. Tôi nói với họ rằng bạn nghĩ họ chống đối là từ xuất phát điểm của bạn mà bạn thấy như vậy, còn họ không nhất định đã nghĩ như thế, chỉ là tôi không nhất định phải tin vào cái này thôi. Vì thế bây giờ có thể bạn đang nghĩ là bạn vì muốn tốt cho họ, tất nhiên là tốt, nhưng bạn cũng cần có cách nói cho họ hiểu chứ không phải là “sấn sổ tiếp thị”. Gặp việc gì cũng không nên “sấn sổ tiếp thị”, bởi vì bạn cho là tốt nhưng không có nghĩa là người khác cũng nghĩ là tốt. Đặc biệt là trong việc đề xuất người khác quy y hoặc theo tín ngưỡng, thường xuyên sẽ tạo ra tác dụng ngược lại, nhất là khi bạn còn chưa hiểu hết nhiều thứ, người ta hỏi ngược lại rằng bạn nói xem vì sao tốt, tôi cảm thấy tin Chúa Jesus cũng tốt, vì sao nhất định phải tin Phật.
Vì thế, trước tiên từ phân tích lý tính để nói với họ rằng, bạn cần từ từ lựa cách phù hợp với người nhà đang gây chướng ngại cho bạn. Ngoài ra, Sư Tôn cũng từng nói, nếu bạn hy vọng bạn bè thân hữu, quyến thuộc của mình, hoặc là người bạn mong muốn độ cũng quy y cùng bạn để tăng trưởng Phật duyên, vậy thì trong lúc bạn tu pháp, trong lúc làm Tứ vô lượng quán, bạn hãy quán tưởng họ ngồi bên cạnh bạn, cái này là quan trọng nhất. Điều này đã được ấn chứng ngay tại nhà tôi. Còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, bố tôi từng kể khi ông tu pháp đều quán tưởng những người họ hàng trong nhà cùng ngồi tu, vì họ không hề quan tâm. Lúc nhỏ tôi từng hỏi bố là bố nghĩ nhiều như vậy làm gì, có liên quan gì tới bố đâu, vốn dĩ họ đã như thế rồi. Bố cho rằng bố yêu họ sao, bố đem những ân điển mình có được chia sẻ với họ sao? Trong cuộc sống hiện thực rất khó để nói với họ rằng cái này tốt, tốt ở chỗ nào?
Nhưng Phật Bồ Tát rất khác, sức mạnh của Phật Bồ Tát rất vĩ đại. Quán tưởng người thân tới cùng tu pháp, dần dần từ trường sẽ thay đổi. Công đức mỗi lần bạn tu pháp có được thì người thân cũng sẽ được lợi ích, họ sẽ thay đổi từng chút từng chút một. Ví dụ cô tôi trước đây không hề quy y Sư Tôn, muốn cô tôi quy y Sư Tôn cũng phải mất tới cả chục năm, nhưng rốt cục vẫn là có hiệu quả. Chỉ là ở nhân gian này, mọi người đều luôn muốn nhìn thấy hiệu quả ngay lập tức, đây là tập tính của chúng sinh. Nhưng Phật pháp nói với bạn rằng mọi sự không nhất định là như vậy. Cho nên chỉ cần là bạn tin, và bạn bền bỉ làm, sẽ có một ngày bạn nhìn thấy sự thay đổi.
Những gì tôi chia sẻ với mọi người ở Anh Quốc thật ra tôi đều đã chia sẻ với mọi người ở Pháp Hoa Đường này kể từ khi thành lập Phật đường đến nay, đó đều là tâm đắc của tôi, cũng là những điều rất quan trọng. Tôi cũng nói với mọi người về một quan niệm rất quan trọng trong đại lễ bái, đại cúng dường. Vì sao Sư Tôn nói “kính thần như thần tại”, năm chữ này nói lên rất đơn giản, thật ra trong nó có ý nghĩa rất lớn. “Kính thần như thần tại” có thể xem như cảm giác Bổn tôn giáng xuống đàn thành. Hôm nay, giả sử Sư Tôn xương thịt thật sự đứng trước mặt bạn, bạn đảnh lễ ngài, bạn cúng dường ngài, chắc chắn sẽ khác với việc bạn nhìn thấy tượng Sư Tôn ở đây và cúng dường ngài. Bởi vì bạn nhìn thấy ở đây bạn cho rằng đây là tượng Phật, bạn không cho rằng Phật Bồ Tát thật sự đang ở đây, tâm cung kính của bạn cũng sẽ khác. Nhưng nếu hôm nay Sư Tôn đứng trước mặt bạn, bạn nhất định sẽ giơ tay cao một chút, sẽ khom lưng cúi đầu hơn, chắc chắn sẽ khác. Vì sao khác? Vì tâm con người luôn bị hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng, tất cả hoàn cảnh xung quanh sẽ tác động đến hành vi của bạn, chúng ta tu hành là để loại bỏ những sự phân biệt này, để có thể từng phút từng giây nghĩ đến Pháp thân, Báo thân, Ứng thân của Căn bản Thượng sư đều không thấy có sự khác biệt. Từ việc tu đại cúng dường, đại lễ bái mà điều chỉnh tâm thái của bạn.
Cho nên Phật pháp không phải ở tận chỗ nào xa xôi, chính ngay trong phần Tiền hành của chúng ta đã rèn luyện bạn rất nhiều rồi.
Có một sư tỉ ở Đại Hoằng Đường ở Pháp đã làm một việc rất hay. Khi bước vào Phật đường đó, ở bên trái có một bức tượng Sư Tôn cao 2 mét, có ba bức thangka to. Sư tỉ đó bước vào Phật đường thì chắp tay lạy Phật, sau đó quỳ xuống đảnh lễ Sư Tôn, cô ấy nói với bức tượng Sư Tôn: “Sư Tôn, con trở về rồi!” Đến giờ ăn trưa, cô ấy nói: “Sư Tôn, ăn cơm thôi, có Thượng sư, có đường chủ, mọi người cùng ăn.” Buổi tối khi thay nước, cô ấy nói: “Sư Tôn, phải tắt đèn rồi, chúng con xuống nhà rồi.” Khi chúng tôi đi ra ngoài, cô ấy nói: “Sư Tôn, chúng con đi ra ngoài đây!”
Đối với người không có quan niệm về Phật pháp, họ sẽ cho rằng sư tỉ này đầu óc có vấn đề. Sao lại nói chuyện với tượng Phật chứ? Đối với chúng ta, cô ấy là một đệ tử quy y, cô ấy đã coi linh quang của Sư Tôn ở ngay trên bức tượng đó. Đây vẫn còn là một bức tượng Phật hữu hình, giả sử là vô hình, giả sử hôm nay Pháp Hoa Đường không có tượng Phật, ở nhà bạn không có tượng Phật, bạn phải làm thế nào?
Từ việc này tôi chia sẻ với các bạn một câu chuyện, đây là chị gái của một người bạn. Chị ấy lấy chồng, những người ở nhà chồng không được hợp lý cho lắm, họ không cho phép chị này bày đàn thành ở trong nhà, hơn nữa họ còn nói một cách rất nặng nề rằng chị ấy đang tin theo tà giáo, đang thờ thần ma, phải dẹp hết, còn nếu cứ bày thì ly hôn với con trai họ đi. Chị ấy rất đau lòng tuyệt vọng, cảm thấy đời này không dễ tìm được một tín ngưỡng như vậy, một tín ngưỡng đem đến sức mạnh an định, chị ấy khóc với tôi và hỏi phải làm sao đây. Vừa mới an vị Phật Bồ Tát xong bây giờ phải dẹp bỏ. Tôi nói với chị ấy đừng lo lắng, đây là một nhân duyên tạm thời, để duy trì sự hòa hợp trong gia đình thì chị cứ thuận theo nhân duyên này trước đi. Có thu đàn thành lại thì Phật Bồ Tát vẫn ở trong không trung, Phật Bồ Tát không chỉ ở trong không trung mà còn ở trong tâm bạn nữa.
Tôi nhớ trong cuốn sách “Chân Phật Mật Trong Mật” có dạy một quán tưởng, gọi là quán tưởng hư không đàn thành. Quán tưởng đó là bạn phải niệm 3 biến tịnh pháp giới chân ngôn: “Ôm nam-mô sô-ha.” Có nghĩa là thông qua sức mạnh của thần chú này để thanh tịnh hư không, sau đó bạn quán tưởng đàn thành rõ rệt hiện lên trong không trung. Bạn muốn đàn thành của bạn như thế nào thì bạn hãy quán tưởng nó ở trong không trung, rồi bạn ngồi đối diện với đàn thành đó để tu pháp, có thể làm như vậy. Sự vĩ đại của Mật giáo nằm ở chỗ mọi tâm niệm đều là tu hành, mọi tâm niệm đều có thể chuyển hóa, không có bất kì sự hạn chế nào. Thật sự là như vậy. Phật Bồ Tát ở trong hư không, ở trong thân thể chúng ta, vì thế Mật giáo mới nói đến thân đàn thành.
Trước kia lúc tôi còn mới làm thị giả, có một Thượng sư nói với tôi: “Pháp sư Liên Anh, thầy phải quen với việc cùng với Sư Tôn Sư Mẫu chuyển tới chuyển lui, sống ở bên ngoài, không thể bày đàn thành, mong là thầy tu pháp sẽ không bị ảnh hưởng.” Tôi muốn nói rằng tôi chưa bao giờ bị ảnh hưởng, cho dù có đàn thành hay không có, tôi vốn luôn nghĩ bản thân mình chính là đàn thành, tôi thường xuyên làm quán tưởng như vậy. Tôi đi Anh, đi Pháp, ngồi trên máy bay, nếu có chỗ thì tôi bày một đàn thành đơn giản, không có đàn thành thì tôi ngồi xuống, xung quanh tôi có nhiều người lạ cho nên tôi không vỗ tay và búng ngón tay. Nhưng ở trong tâm, tôi tưởng tượng tôi đang triệu thỉnh Phật Bồ Tát, sau đó quán tưởng Tâm luân có một chữ Hum màu trắng, sau khi chữ Hum màu trắng phóng quang, tôi liền niệm “Ôm nam-mô sô-ha”. Sau đó quán tưởng Sư Tôn ở chính giữa, sau đó quán tưởng những vị mà thường ngày mình thờ, rồi quán tưởng các Hộ pháp mà bình thường vẫn triệu thỉnh, quán tưởng toàn bộ đàn thành xong như thế là bắt đầu tu pháp. Đôi khi không cần tu pháp mà niệm chú cũng được. Sau đó tôi sẽ quán tưởng tất cả Phật Bồ Tát phóng rất nhiều ánh sáng gia trì cho tôi. Nếu lúc đó thân thể tôi có chỗ nào không khỏe, tôi sẽ quán tưởng ánh sáng trắng. Nếu lúc đó tôi cần có sức mạnh kính ái, tôi sẽ quán tưởng ánh sáng đỏ. Nếu buổi chiều có pháp hội, cần ban phúc cho đồng môn, tôi sẽ quán tưởng Phật Bồ Tát phóng ánh sáng đỏ, vàng gia trì cho tôi, để tôi có đầy đủ phúc đức, công đức để có thể lại ban phúc cho chúng sinh.
Vì thế đối với tôi mà nói, tôi không bị thời gian không gian giới hạn, không bị việc có hay không có đàn thành giới hạn, có thì rất tốt, không có thì cũng vẫn được. Cho nên hành giả tu tập ở trình độ càng cao thì sẽ càng không bị những hoàn cảnh thời gian không gian của thế gian trói buộc, là bạn tác động đến ngoại vật chứ không phải bị ngoại vật tác động. Sư Tôn từng nói trong tu hành, an tâm rất quan trọng. Nếu không an được cái tâm, bạn ở trước đàn thành trang nghiêm cũng chẳng có tác dụng gì. Nếu bạn có thể an tâm, mọi lúc mọi nơi mọi chỗ đều là đàn thành, đều là Bổn tôn, đều là Phật ở cùng với bạn.
Sư Tôn vẫn luôn nói kể từ khi gặp được Diêu Trì Kim Mẫu cho đến nay không có một thời khắc nào rời xa Kim Mẫu, câu nói này có ý nghĩa gì? Người bình thường rất khó hiểu được điều này. Nếu bạn thật sự ngẫm nghĩ về điều này, thật sự cố gắng thường xuyên làm điều này, bạn sẽ nhận thấy để làm được điều này là rất khó. Trong đầu chúng ta, đừng nói đến 24 giờ, chỉ cần nói trong 1 phút đã có bao nhiêu vọng niệm sinh ra. Hành giả chúng ta thường xuyên bị kéo qua kéo lại giữa vọng niệm và chính niệm. Giống như chúng ta luyện tập thiền định, khi bạn thiền định mà có vọng niệm sinh ra, bạn làm sao để định tâm lại, đó mới là công phu của bạn.
Như trường hợp của sư tỉ kia, quan trọng nhất là phải an định tâm mình, thường xuyên đặt tâm ở cùng với Phật Bồ Tát mà mình ưa thích, mình có nhân duyên. Ví dụ bạn thích Lục Độ Mẫu, bạn hãy thường xuyên niệm chú của ngài, nghe chú âm của ngài, cho dù không có đàn thành cũng được, Phật Bồ Tát sẽ không trách tội. Sư Tôn cũng có một pháp quán đảnh rất đặc biệt, chuyên môn quán đảnh cho những người tàn tật, bởi vì họ không thể kết thủ ấn, quán đảnh này cho phép người tàn tật có thể quán tưởng kết thủ ấn. Đây chính là chỗ vĩ đại của Mật giáo, tháo gỡ những sự bất tiện của chúng ta. Đây là chỗ mà tôi cảm thấy Phật Bồ Tát rất từ bi, Sư Tôn rất từ bi.
Lần này đến Anh hoằng pháp, tôi đã giảng cho mọi người rất chi tiết, rất tỉ mỉ. Trước khi tôi rời đi, có một đồng môn đến nói với tôi rằng xin lỗi Thượng sư, lần này Thượng sư đến đã không tiếp đãi được chu đáo, cũng vì vẫn còn phải đi làm, nhưng cảm nhận rằng Thượng sư đã dốc hết lòng mình, đồng môn đã có được lợi ích vô cùng. Với tôi mà nói, chỉ câu nói này là đủ rồi, tôi cũng biết rằng họ nghe giảng rất nghiêm túc.
Vừa rồi có nói khi độ chúng sinh, bạn không nên cưỡng ép họ, cưỡng ép quy y. Ngoài ra còn một lỗi thường xuyên phạm đó là… Tôi lấy ví dụ trước. Hôm đó sau buổi pháp hội A Di Đà Phật, có một sư tỉ quy y có con trai bị mắc bệnh trầm cảm, sư tỉ này nói kể từ khi quy y đến nay, mỗi ngày cô ấy đều ngửi thấy mùi đàn hương. Thông thường chúng ta hay nói đây là Phật Bồ Tát cho cô cảm ứng quy y, trong lòng tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi vẫn cứ hỏi là cô đã đi kiểm tra mũi chưa, cô ấy nói trước nay mũi chưa từng có vấn đề gì. Hoặc hàng xóm của cô có đốt hương gì không. Sau khi loại trừ những yếu tố này, tôi nói tôi tin rằng đây chính là sự cổ vũ của Phật Bồ Tát dành cho cô. Đôi khi chúng ta hay đứng từ góc độ tâm linh học, Phật học để nghĩ về sự việc, nhưng thực tế không hẳn là như vậy, bạn còn cần đứng từ góc độ logic để đánh giá sự việc.
Trong mấy ngày đó cũng có một đồng môn khác nói rằng tai anh ấy nghe thấy cái này cái nọ. Tôi hỏi anh ấy đã đi khám tai chưa, anh ấy nói chưa. Tôi khuyến nghị anh ấy đi khám tai, giả sử thật sự không có vấn đề gì thì chúng ta tiếp tục tìm hiểu xem chuyện này là thế nào. Đối với việc độ chúng sinh, cần đứng từ góc độ khoa học, góc độ linh học, góc độ Phật học để nói với mọi người, không nên chỉ dồn tất cả về một khía cạnh, vốn dĩ không hề là như vậy. Vì thế, chúng ta tu hành nhất định cần có chính tri chính kiến, đôi khi quan niệm của chính mình sai lầm bạn sẽ dạy cho người khác đến chỗ rất tệ hại, rồi người này lại tiếp tục đi dạy cho những người khác nữa.
Hôm qua tôi có đến thăm một công xưởng ở Chương Hóa, công xưởng đó có rất nhiều vấn đề, tôi nói ở chỗ các bạn có rất nhiều vô hình tụ tập, bởi vì về phong thủy mà nói, trên nguyên tắc là phía sau nhà ở không nên đặt nhà kho dài, ở Mỹ thường gặp cái này, họ xây một nhà dài ở phía sau nhà chính để trữ đồ. Nhưng Sư Tôn viết về phong thủy có nói đó gọi là “quan mộc sát” [hung sát quan tài], có hai vấn đề nghiêm trọng, thứ nhất là sẽ tụ âm, thứ hai là hình dạng hộp chữ nhật tượng trưng cho cái chết, vì thế rất không tốt. Công xưởng đó lại làm đúng như vậy, tôi nói rằng việc làm ăn chắc chắn sẽ không thuận, thế rồi người chủ liền kể cho tôi nghe đủ chuyện nào là các công nhân nhìn thấy gì, rồi ông ấy nghe thấy gì, v.v…
Công xưởng đó còn ở ngay cạnh đường cái, cạnh giao lộ, nhất định sẽ có rất nhiều cô hồn lang thang, cho nên nhất định phải cúng bái. Mà phía sau cũng có đường cái cho nên cũng phải cúng bái cả phía sau. Tôi hỏi là ông ấy cúng lúc nào, cúng vào tết Trung Nguyên phổ độ [Rằm tháng 7 Âm lịch] hay là sao? Ông ấy nói không có, khi nào rảnh thì cúng. Rồi tôi hỏi ông ấy có làm kết giới không? Họ cũng là đệ tử quy y nhưng không thành thạo lắm, họ cũng không đi sâu vào tông phái. Từ đó cũng dễ hiểu là họ đã cúng sai rồi, họ sẽ hút âm càng nhiều. Bạn không biết cách tiễn âm đi, lại chỉ biết cách gọi đến, như vậy chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề.
Về mặt lý luận, vào tết Trung Nguyên chúng ta cúng ở bên ngoài cửa nhà, bạn cúng diễm khẩu hoặc thí thực đều được. Có hạn chế về thời gian, có hạn chế về địa điểm, nghi quỹ thì làm qua loa, cho nên bạn nhất định phải làm kết giới. Rất khó để nói cho người bình thường hiểu được những điều này. Tôi đành nói bây giờ tôi vẽ cho ông một lá phù Cửu phụng phá uế, ông phải sái tịnh để kết giới cho công xưởng. Nếu được thì tốt nhất là dẹp bỏ nhà kho chứa đồ.
Tôi nói với ông ấy, từ góc độ Phật pháp, ông hiểu đạo lý này là như thế nào? Vì sao không thể tùy tiện cúng? Vì người bình thường chỉ nghĩ rằng có cúng bái là sẽ kết thiện duyên, chẳng phải là điều tốt sao mà Thượng sư lại ngăn cấm? Bạn phải từ góc độ đúng đắn mà nói cho họ hiểu vì sao không được. Rất nhiều người làm kinh doanh còn thích thắp hương rồi cắm ở bên ngoài cửa, hy vọng là sẽ buôn may bán đắt. Thật ra rất có thể dễ biến thành bái ma quỷ, bái vô hình. Khả năng cũng có ích lợi, nhưng cũng có khả năng mang tới cái hại còn ghê gớm hơn bạn có thể tưởng tượng.
Cho nên hành giả Mật giáo nhất định cần có trí huệ, Sư Tôn dạy bạn thế nào thì bạn làm theo như thế. Ví dụ muốn chiêu tài, có thể dùng tro Hộ Ma tăng ích để rải trên vỉa hè để cho người ta đi qua, như thế có thể tăng tiền tài cho bạn. Hoặc bạn trì chú Tài Thần, làm pháp tăng ích, bạn đều có thể làm nhưng cần đúng theo nghi quỹ, đừng tự mình thêm thắt, thêm cái này một tí, thêm cái kia một tí, như vậy là đã thay đổi bản chất rồi. Tôi chia sẻ với mọi người một chút về cách nhìn của tôi như vậy.
Có đồng môn vừa hỏi linh liệu [trị liệu bằng tâm linh] có phải là pháp mà Sư Tôn truyền không? Hai chữ “linh liệu” này không hẳn là Sư Tôn đặc biệt truyền một pháp, không phải là pháp thuộc về Chân Phật Tông. Nói về ý nghĩa của hai chữ “linh liệu” thì thật ra là chỉ cần trên người bạn có sức mạnh của Thần, Thần đều có thể có cách chữa khỏi cho người khác, trong dân gian cũng có các phương pháp linh liệu. Phương pháp chữa trị vốn là trung tính, nhưng vấn đề là tâm của người chữa trị có chính hay không, vị mà đến/giáng xuống có thật là Thần hay không, có thật sự có hiệu quả không, thì cái này chưa chắc.
Ví dụ chúng ta nghĩ đến Sư Tôn, quán tưởng Phật Bồ Tát, niệm chú ngữ của Phật Bồ Tát, thật ra cũng là đang làm linh liệu, như vậy mới là phương pháp linh liệu đúng đắn nhất. Còn nếu thông qua một người khác làm, nếu đó là một người có tu hành, ví dụ như là Sư Tôn, hoặc Thượng sư có đội mũ Ngũ Phật làm, thì đây cũng là đang làm linh liệu, nếu kênh dẫn là đúng thì được. Nhưng nếu không đúng thì… giống như gần đây Sư Tôn nói đến khởi linh, bản thân khởi linh không có gì sai, nhưng bạn dùng phương pháp không đúng, tâm niệm không đúng, thì bạn sẽ chiêu cảm đến linh không tốt, nếu bạn không thể nào khống chế thì sẽ biến thành không tốt. Cho nên quan điểm của tôi là linh liệu tốt nhất là chính bạn ở trước đàn thành niệm chú, quán tưởng Phật Bồ Tát phóng quang chiếu đến bạn, đây chẳng phải là linh liệu sao? Vì thế đừng nghĩ nhiều như vậy.
Ví dụ có một người ở, một tháng trước, khi người đó cảm thấy công việc rất thuận lợi, bèn tu Kim Cang Tâm Bồ Tát. Sau đó đột nhiên bị mất chức, người đó cảm thấy lại không thuận lợi bèn không tu Kim Cang Tâm Bồ Tát nữa, lại đổi sang tu Liên Hoa Đồng Tử hoặc là Diêu Trì Kim Mẫu. Một tháng sau lại bị mất chức, người đó lại hỏi tôi phải làm sao. Tôi nói anh tu pháp cứ đổi tới đổi lui như vậy, chẳng pháp nào thành, tu loạn cào cào, không có thứ tự gì cả. Tôi khi nói khi anh tu pháp mà mọi việc đều thuận lợi cũng là do có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Với việc tu pháp, đừng nên hôm nay thấy pháp này hay thì tu pháp này, ngày mai thấy pháp kia hay lại đổi sang tu pháp kia, quan niệm như vậy là không đúng. Sư Tôn có nói tốt nhất là bạn hãy thông thạo một pháp và đi sâu vào tu nó, tu đến khi có cảm ứng, Phật Bồ Tát xuất hiện ban cho mộng thị, trong mơ bạn mơ thấy tướng sám, như vậy là tốt. Nên đừng có liên tục đổi nghi quỹ này với nghi quỹ khác, như vậy cũng không phải là tốt.
Tôi đã đồng ý sang năm đi Anh hoằng pháp sẽ làm pháp hội Hộ Ma Kurukulle Phật Mẫu. Họ có hỏi tôi vì sao chọn làm pháp này, tôi cảm thấy ở nhân gian, sức mạnh kính ái rất quan trọng, đặc biệt là trên phương diện hoằng pháp, nhất định phải có cùng tiếng nói, đồng tâm hiệp lực. Lần này tôi đi hoằng pháp một lượt trở về, có được tâm đắc rất sâu sắc. Khi bạn gặp được bạn đạo Phật pháp có từ trường hợp với mình, bạn nhất định phải trân trọng, giống như tôi gặp được sư huynh ở Chân Độ Lôi Tạng Tự, cảm thấy nhân duyên cực kì tốt, cực kì khó gặp. Tốt như thế nào? Anh ấy cực kì tôn kính Sư Tôn, cung kính Sư Mẫu, làm việc gì cũng đúng quy củ, công chính vô tư. Anh ấy cũng tâm sự với tôi rất nhiều việc đau lòng và sự phỉ báng mà mình đã trải qua. Anh ấy cũng chẳng mắng lại người khác, nói rằng qua rồi thì thôi, tôi nên làm thế nào thì làm như thế. Nếu như tôi có nhân duyên đi tiếp thì tôi tin rằng Sư Tôn sẽ gia trì để cho tôi tiếp tục có nhân duyên đi tiếp. Anh ấy đi cùng tôi đến rất nhiều nơi, gặp chuyện không tốt anh ấy sẽ ngăn chặn, chuyện tốt thì sẽ suy ngẫm xem sự việc này có thật sự tốt với mình không, rồi thảo luận với tôi. Về pháp vụ, anh ấy rất tôn trọng tôi, đương nhiên tôi cũng rất tôn trọng anh ấy, chúng tôi cùng nhau thảo luận. Với mọi việc đều cùng nhau chịu khó, cùng nỗ lực đi về một hướng, đối với một bạn đạo như vậy, với một đồng môn tốt như vậy là rất khó có được, phải rất trân trọng.
Tôi hy vọng rằng, trong việc hoằng pháp, bất kể là đạo tràng nào, mọi người đều nên trở thành bạn đạo tốt của nhau, chứ không phải trở thành người ngáng đường. Tôi nói như vậy vì gần đây tôi gặp phải một số chuyện không vui, khiến tôi cũng rất buồn. Có người cho rằng tôi không thỏa mãn được mong muốn của họ, thế là họ có thể gạt bỏ hết tất cả những việc tốt mà trước đó tôi đã làm, cho rằng tôi không tôn trọng họ, thế là rất nhiều việc đều phá hoại. Tôi muốn nói rằng phá hoại cá nhân tôi cũng được thôi, nhưng giả sử chỉ vì một chút tham sân si của bạn mà phá hoại sự vận hành của Phật đường, vậy thì bạn cần phải cẩn thận, bạn phá hoại tăng đoàn thì tức là phá hòa hợp tăng. Bạn phá hoại gia đình người khác, phá hoại người khác tu hành huệ mệnh thì việc này là rất nghiêm trọng, cho nên đừng cho rằng một chút tham sân si nhỏ của mình không quan trọng, bạn không biết rằng ở phía sau nhân quả liên lụy nghiêm trọng đến mức nào. Đó là vì sao Sư Tôn nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên kiểm điểm chính mình chứ không phải kiểm điểm người khác. Đôi khi bạn không nhìn được toàn cảnh sự việc, bạn chỉ đứng từ góc độ của mình để nghĩ, đôi khi chính tôi cũng như vậy nhưng cần tự mình nhận ra, tự giác sám hối, đừng có luôn luôn cho rằng là người khác sai. Đôi khi bạn phải đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ, có đôi khi sự việc không đơn giản như chúng ta nghĩ, nhất là những việc của Phật đường đâu phải là dễ dàng. Chúng ta luôn cần phải kiểm điểm.
Sau chuyến đi hoằng pháp vừa rồi, trong tâm tôi có thêm nhiều phiền não, dễ phát sinh vọng niệm, khó định tâm hơn trước. Trước tình hình này, tôi đã làm một cách, đó là quán tưởng mình sắp chết rồi, quán tưởng mình đang hấp hối, vào lúc hỗn độn này tôi cần phải định tâm thế nào. Tôi quán tưởng A Di Đà Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, sau khi tôi quán tưởng như vậy thì đã dần dần lấy lại được định lực của mình. Vì thế bạn đừng sợ nghĩ đến cái chết, vào lúc bạn hoang mang, hỗn loạn, nghĩ đến cái chết bạn sẽ tìm lại được ánh sáng trong tim mình.
Nói thì dễ, làm thì khó. Là con người nhất định sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, cái gì cũng có thể ảnh hưởng đến bạn, ví dụ thời tiết, nhiệt độ, hoàn cảnh, người nói, người bình luận, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến bạn, vậy lúc này phải làm sao? Tôi sẽ nghĩ đến một câu nói Sư Tôn nói với tôi: “Người tu hành đừng để hoàn cảnh ảnh hưởng.” Câu nói này thường xuyên nhắc nhở tôi mỗi khi mình để cho tâm mình bị ảnh hưởng. Vì thế, tôi chúc mọi người tu hành có thể định tâm mình, làm chủ được chính mình, những gì bạn nghĩ đều phù hợp với bản ý của Phật Bồ Tát, phù hợp với Phật pháp, không sai lệch, giả sử có sai lệch thì hãy thường xuyên nghĩ đến Bách tự minh chú của Kim Cang Tâm Bồ Tát để sám hối. Làm sao để bạn có thể an định trong thế giới hỗn loạn mới là điều ý nghĩa nhất. Cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật!