📑

TS Liên Anh khai thị về tu Hộ pháp

image

TS Liên Anh khai thị về tu Hộ pháp

Giảng pháp: Thượng sư Liên Anh Thời gian: 22.12.2024 Địa điểm: Nghiêm Minh Lôi Tạng Tự - Melbourne Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Có người nói rằng, tu Hộ pháp thì tính khí càng ngày càng tệ, dễ nổi nóng, nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Tôi càng tu Hộ pháp thì càng thấy mình nghiêm khắc với chính mình, càng ngày càng hiểu phải đặt mình vào vị trí của người khác, càng ngày càng biết nghĩ cho người khác. Bạn sẽ học được tinh thần không sợ gian khó, có thể hy sinh tính mạng của mình vì chúng sinh, đây chính là tinh thần của Bồ Tát đạo.

Bởi mọi người biết tôi có nhân duyên với Bất Động Minh Vương nên thường xuyên thỉnh tôi làm pháp hội của vị Hộ pháp này. Tôi có một sự cố chấp của cá nhân tôi, đó là tôi mong mọi người trên phương diện cầu pháp cần phải hiểu ý nghĩa của pháp. Mỗi khi bạn muốn cầu pháp gì, muốn xin quán đảnh gì, muốn tu pháp gì, bạn phải từ góc độ ý nghĩa của pháp để mà cầu Bổn tôn đó, chứ không phải chỉ nhìn vào biểu hiện bề ngoài, nhìn những nhân duyên thế tục, có như vậy bạn mới có thể bước vào pháp môn của ngài.

Cho đến một ngày, suy nghĩ của tôi thay đổi. Tôi nhận ra rằng, người nghiên cứu và hiểu rõ về Bất Động Minh Vương hơn tôi đã ít nay lại càng ít. Tôi thật sự đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tinh thần để tìm hiểu về ngài. Tôi lấy ví dụ Kim Cang Tát Đỏa, mọi người đã quy y từ lâu, nhắc đến Kim Cang Tát Đỏa một cái là mọi người nói ngay vị này thì quen thuộc quá rồi, nhưng thật ra những gì bạn biết về ngài mới chỉ bằng cái móng tay mà thôi. Đối với Bất Động Minh Vương, nếu bạn thật sự đi tìm hiểu lịch sử, lai lịch, nhân duyên, tác dụng của ngài, bạn sẽ thấy, khi Sư Tôn giảng pháp thì Sư Tôn chỉ có thể nói sơ qua một cách đơn giản, chỉ nói những tinh hoa nhất cho mọi người nghe. Nhưng còn có những câu chuyện dài, có những ý nghĩa bí mật sâu xa hơn mà mọi người không dành thời gian để tìm hiểu. Tôi càng tìm hiểu thì càng phát hiện ra ngài quá sức vĩ đại, quá bất khả tư nghì.

Hôm qua đồng môn hỏi tôi, trong Tạng mật tu Thứ tự viên mãn, sau cùng sẽ có pháp Ngũ Đại Kim Cang để làm cơ sở để tu Thứ tự viên mãn thành tựu, anh ấy hỏi tôi tu pháp Bất Động Minh Vương “độc hùng” [hình tượng Minh Vương một mình không có Phật Mẫu] có được không? Hôm nay tôi có thể nói với anh ấy một cách rất có trách nhiệm rằng, anh tu pháp của ngài có thể tức thân thành Phật. Vì sao?

Hiện nay đa phần những gì mọi người biết về Bất Động Minh Vương là đến từ Đông mật, là từ Chân Ngôn Tông - Mật giáo của Nhật Bản, là phái Mật giáo do Không Hải Đại Sư sáng lập. Mọi người nhìn hình tướng của ngài đa phần là hình tướng theo Đông mật. Thật ra, ở Tây Tạng, ngài cũng là một vị vô cùng quan trọng. Hôm nay tôi sẽ lấy vài ví dụ chứng minh là các bạn sẽ hiểu, Chân Phật Tông lấy Bất Động Minh Vương là đại Hộ pháp, đây là điều không thể xem thường.

Đầu tiên phải nhắc một chút về Atisa tôn giả. Sư Tôn là hóa thân của Atisa tôn giả, một trong số các vị Căn bản Thượng sư của Atisa là một vị học giả chuyên dịch kinh sách, cũng là một đại thành tựu giả Mật giáo. Trong cuộc đời của vị dịch giả này, vì ngài đã dịch rất nhiều kinh điển, vì thế ngài đã từng nhìn thấy vô số Bổn tôn, gồm các vị tịch tĩnh, phẫn nộ, cực phẫn nộ, và ngài cũng cực kì am hiểu. Ngài tự cho rằng mình hiểu biết rất nhiều, có một hôm ngài đi tìm thêm một hang động bế quan cho mình, khi vừa bước vào một hang núi, ngài nhìn thấy một vị thấp thấp mập mập màu đen, một mặt hai tay, có hình tướng phẫn nộ, nhìn rất hung tợn, răng lộ ra bên ngoài, vị này được thờ ở trên tảng đá. Trong đầu ngài xuất hiện một ý nghĩ, mình đã từng nhìn thấy nhiều Bổn tôn như vậy, sao mình lại không biết vị này là ai nhỉ? Vị này sao trông kỳ quái vậy, thấp thấp mập mập, trông còn có vẻ hung tợn, liệu có phải ngoại đạo không? Đêm đó, ngài nằm ngủ trên giường, linh thức của ngài đã được đưa đến cung Kim Cương Pháp Giới, đó là tịnh thổ của Tỳ Lô Giá Na Phật. Trong ánh sáng tịnh quang hiển hiện lên vị phẫn nộ Bất Động Minh Vương một mặt hai tay này, thì ra vị này chính là Bất Động Minh Vương. Đại Nhật Như Lai nói với ngài; “Đây là hóa thân của ta, là vị phẫn nộ nhất trong số các vị phẫn nộ, tuyệt đối không được coi thường ngài. Hơn nữa, sự vô minh của ngươi trong sát-na sinh ra một ý nghĩ, đó là đã sinh ra ý nghĩ bất tịnh, trong cuộc đời hoằng pháp tương lai của ngươi sẽ gặp rất nhiều chướng ngại lớn.”

Vị dịch giả này nói: “Chết rồi, phải làm sao đây, tôi có thể sám hối không?” Đại Nhật Như Lai nói với ngài: “Chỉ mỗi sám hối thôi thì không đủ, ta yêu cầu ông viết ra nghi quỹ tu pháp của ngài, để càng nhiều người thế gian biết đến sự tôn quý và pháp nghĩa của ngài. Vì thế từ rất sớm đã có vị dịch sư này viết ra nghi quỹ tu trì pháp Thánh Bất Động Tôn. Về sau nghi quỹ này đã đi đến đâu? Đã được truyền cho Kim Châu Đại Sư, chính là Liễu Minh Hòa Thượng, rồi lại từ Kim Châu Đại Sư mà truyền thừa này được giao cho Atisa tôn giả. Sau này Atisa tôn giả sáng lập phái Kadam, phái Kadam có bốn vị Bổn tôn quan trọng nhất mà chính bản thân Atisa tôn giả cũng tu trì, tổ sư của ngài cũng tu trì, ngài cũng ra lệnh cho tất cả các đệ tử của phái Kadam cùng tu trì, đó là các vị: giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật, vị chủ của từ bi Quan Âm Tứ Thủ, vị chủ của sự nghiệp Thánh Lục Độ Mẫu, vị chủ của trừ chướng Thánh Bất Động Minh Vương. Cho nên, Hộ pháp căn bản của Atisa tôn giả cũng là Bất Động Minh Vương. Thầy của Atisa tôn giả cũng có Hộ pháp là Bất Động Minh Vương, tâm tử của Atisa tôn giả cũng có Hộ pháp là Bất Động Minh Vương. Cho nên phái Kadam ngay từ sớm như vậy, phái Kadam còn có sớm hơn cả Nyingma, Gelug, đã có pháp tu trì này rồi. Đây là câu chuyện thứ nhất.

Câu chuyện thứ hai là, từ năm ngoái, tôi phát hiện ra là mình có một chút nhân duyên với phái Sakya. Hình tượng Liên Hoa Đồng Tử mà Sư Tôn ban cho Pháp Hoa Đường trên đầu có đội mũ Pháp Vương của phái Sakya. Khi ấy tôi vào phòng hỏi việc, tôi tự vẽ ra bốn mũ Pháp Vương của bốn giáo phái để thỉnh Sư Tôn chọn xem Liên Hoa Đồng Tử ở Pháp Hoa Đường nên đội mũ Pháp Vương nào. Sư Tôn tính một lúc rồi nói hãy dùng mũ của phái Sakya. Sư Tôn còn nói một câu: “Việc này rất hiếm có!” Sau khi tôi làm xong, rất nhiều ký ức tiền kiếp đã ùa đến với tôi, cuối cùng tôi đã hiểu là vì sao lại có nhân duyên này.

Năm ngoái tới Australia, tới nhà đồng môn, đồng môn đã tặng cho tôi một cuốn pháp bản “Cát tường Hỷ Kim Cang tập luân cam lộ tuyền”, đây cũng là một khởi nguồn rất hay. Tóm lại, sau khi tôi tìm hiểu kĩ hơn về truyền thừa phái Sakya của Sư Tôn và truyền thừa các đời của phái Sakya, tôi nói để mọi người biết, năm vị tổ sư quan trọng nhất của phái Sakya: vị sơ tổ Sachen Kunga Nyingpo, vị nhị tổ Sonam Tsemo, vị tam tổ Dkapa Gyeltsen, vị tứ tổ Sakya Pandita, vị ngũ tổ là Drogon Chogyal Phakpa. Trong số năm vị tổ này thì có đến ba vị tổ tu Bất Động Minh Vương, lấy ngài làm căn bản Hộ pháp, trong đó có vị sơ tổ đã thành lập ra phái Sakya. Trong quá trình ngài tu pháp, chúng ta biết rằng các vị ngồi ghế Pháp Vương trong phái này được xem là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, vì thế sau khi mỗi vị được nhận ra thì lần đầu tiên nhận quán đảnh sẽ là quán đảnh Văn Thù Sư Lợi, và lấy Văn Thù Sư Lợi làm Bổn tôn để tu trì. Sachen Kunga Nyingpo sau khi được Thượng sư quán đảnh Văn Thù Sư Lợi đã tu hành rất nghiêm túc chăm chỉ, nhưng đã gặp phải rất nhiều chướng ngại, và ngài không tự mình phá bỏ chướng ngại được. Sachen Kunga Nyingpo đi hỏi thầy của mình phải làm sao để phá bỏ những chướng ngại trong tu hành, bởi vì lúc này ngài không thể tu tiếp được nữa. Thầy của ngài nói chỉ còn cách tu pháp của vị chủ trừ tất cả chướng ngại, chính là Thánh Bất Động Tôn, phải quảng tu hội cúng của ngài, trì chú của ngài, làm cúng dường quảng đại của ngài, viết ra nghi quỹ của ngài, tụng tán ngài, đảnh lễ ngài, thờ phụng ngài, như vậy chướng ngại mới có thể tiêu trừ.

Vì thế mà sơ tổ phái Sakya đã tu viên mãn tất cả gia hành của Bất Động Minh Vương, cho đến tận ngày nay, trong phái Sakya có một truyền thuyết rằng, khi bạn tu pháp gặp phải chướng ngại gì, ngoài cầu nguyện vị hỗ chủ của phái Sakya là Hỷ Kim Cang và Mahakala hai tay ra, cần phải cầu vị chủ tôn chuyên trừ chướng là Bất Động Minh Vương. Vì thế, Bất Động Minh Vương còn được gọi là vua trừ chướng.

Ở Nhật Bản, Bổn tôn của Không Hải Đại Sư là Hư Không Tạng Bồ Tát, sau đó khi ngài vào đàn thành của Thanh Long Tự làm theo lời của Huệ Quả Acharya, khi tung hoa để chọn Bổn tôn thì đã tung trúng vào Đại Nhật Như Lai, từ sau đó ngài đã lấy Đại Nhật Như Lai làm Bổn tôn, lấy Bất Động Minh Vương làm Hộ pháp. Về sau có lần ngài đi thuyền trên biển trở về Nhật gặp phải sóng to gió lớn, ngài đã thỉnh cầu Bất Động Minh Vương xuất hiện. Bất Động Minh Vương từ không trung giáng xuống, dùng chân đè lên thuyền, sau đó dùng kiếm chém phẳng những ngọn sóng cao, vì thế vị này gọi là Ba Thiết Bất Động Minh Vương. Atisa tôn giả đi thuyền đến Ấn Độ hoằng pháp cũng gặp phải nạn trên biển, ngài cũng thỉnh Bất Động Minh Vương đến dẹp yên chướng ngại này.

Như vậy bạn thấy đó, Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản tôn sùng Bất Động Minh Vương, phái Kadam cổ xưa tôn sùng Bất Động Minh Vương, phái Sakya tôn sùng Bất Động Minh Vương. Trong “Đại Viên Mãn Cửu Thứ Đệ” gồm ba thứ tự thấp, ba thứ tự trung, ba thứ tự cao, trong ba thứ tự cao này thì thứ tự đầu tiên là Anu yoga, tiếp theo là Ati yoga, sau cùng là Maha yoga, trong Anu yoga có tu pháp Bất Động Minh Vương. Trong một terma của phái Nyingma có tu pháp Bất Động Minh Vương, cũng là pháp trừ chướng. Trong phái Kagyu, tổ sư phái này coi Bất Động Minh Vương là Hộ pháp của Lục Độ Mẫu. Vì thế, bên dưới thangka Lục Độ Mẫu thường nhìn thấy có vị Bất Động Minh Vương màu trắng và màu lam. Vì thế từ hôm nay trở đi, mọi người tuyệt đối đừng cảm thấy Bất Động Minh Vương rất ít gặp. Thật ra trong cả Tạng mật đều có sự tồn tại của ngài, chỉ là sau khi truyền đến Nhật Bản thì đặc biệt thịnh hành, ngài được gọi là Hỏa Thần. Cho nên vị này thật sự rất quan trọng.

Ngài thường được coi là hóa thân của Đại Nhật Như Lai. Trong một bản kinh do Phật Thích Ca Mâu Ni giảng có nhắc đến Thánh Bất Động Tôn đà-la-ni, nguồn gốc là do Di Lặc Bồ Tát hỏi Phật rằng nếu có người gặp phải đủ loại độc long quỷ nạn, bệnh tật, ác quỷ, chướng ngại trong tu pháp mà không thể phá trừ thì phải làm sao. Phật Thích Ca Mâu Ni tự mình biến hóa thành Bất Động Minh Vương. Sau đó ngài đã nói chân ngôn hàng ma của Bất Động Minh Vương. Vì thế trên mạng cũng có tư liệu nói rằng Bất Động Minh Vương là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vậy ở đây có mâu thuẫn gì không? Thật ra không hề có mâu thuẫn, bởi vì chúng ta thường nói trong Phật giáo, Đại Nhật Như Lai là Pháp thân, Lô Giá Na Phật là Báo thân, Thích Ca Mâu Ni Phật là Ứng thân, vì thế nguồn gốc là như nhau.

Sau khi biết được lai lịch của ngài rồi, bạn cần phải có tâm rất cung kính đối với ngài. Tôi sẽ nói đơn giản một vài khẩu quyết quan trọng trong quán tưởng ngài. Bất Động Minh Vương trong hình tượng của Nhật Bản là không ngồi trên hoa sen, nhất định phải ngồi trên tảng đá. Hình tượng trong Tạng truyền thì ngài rất giống Kim Cang Thủ Bồ Tát, ngài sẽ đứng trên nhật luân hoa sen, tay phải cũng cầm kiếm, tay trái cầm dây thừng. Ngồi trên tảng đá biểu thị lời thề của Bất Động Minh Vương là ngài mong muốn sống ở những nơi khó khăn nhất, ở nơi có hoàn cảnh hoằng pháp khó khăn nhất để đi hoằng pháp, để độ chúng sinh ngang ngạnh nhất. Vì thế ở Nhật Bản, còn có truyền thuyết gọi Bất Động Minh Vương là vị chủ địa ngục, ngài đứng canh ở cửa địa ngục.

Lúc ở Indonesia tôi có kể một câu chuyện rất cảm động. Trong Chân Ngôn Tông có một vị Acharya rất vĩ đại, lúc ngài sắp viên tịch, ngài có rất nhiều đệ tử lo lắng đứng đợi bên cạnh, chỉ có một đệ tử thành tâm quỳ bên cạnh giường ngài cầu nguyện, đệ tử phát nguyện: “Sư phụ bình thường làm cho các đệ tử nhiều như vậy, đã dạy dỗ chúng con nhiều giáo pháp như vậy, làm sao con báo đáp ơn thầy, sinh mệnh của con sẽ hy sinh cho thầy.” Sau khi có suy nghĩ ấy, đệ tử trở về cầu nguyện Bất Động Minh Vương, nói rằng con muốn cúng dường mạng sống của mình cho sư phụ. Kết quả, khi phát ra lời nguyện này, bệnh của sư phụ đã khỏi, còn đệ tử này thì bị đầu trâu mặt ngựa dùng dây thừng trói lại bắt đi địa ngục gặp Diêm La Vương. Đây chính là chịu thay. Khi đầu trâu mặt ngựa đè người này quỳ xuống trước mặt Diêm La Vương, vừa quỳ xuống một cái thì Diêm La Vương từ ghế ngồi ngã lăn xuống, bởi vì con mắt của Diêm La Vương nhìn thấy người bị trói đó không phải là một hòa thượng nữa, mà là đang trói Bất Động Minh Vương. Ngài nói mau cởi trói đi, các người đã bắt trói Bất Động Minh Vương rồi. Bất Động Minh Vương liền hiện thân, sau đó nói với đệ tử: “Bởi vì con chân thành sẵn lòng chịu thay sư phụ, cho nên ta đến chịu thay con.” Đây là đệ tử khi phụng sự sư phụ nên phát cái tâm này. Đây cũng là samaya chân chính, thật sự kết liên minh với Hộ pháp.

Bởi vậy, vào lúc chúng ta nguy cấp, Bất Động Minh Vương có thể hiện thân bảo vệ chúng ta, chuyển dời nghiệp chướng của chúng ta. Hình tượng Bất Động Minh Vương ở Nhật Bản có hai kiểu, một kiểu là trên đầu ngài có bông hoa sen, tượng trưng trên đầu ngài có Đại Nhật Như Lai; trên trán của ngài có ba nếp gợn sóng, tượng trưng ngài tâm niệm độ hóa chúng sinh tam giới. Vì sao con mắt bên trái của Bất Động Minh Vương lại nhíu lại? Vì chúng ta thường nói câu “bàng môn tả đạo”, bên trái được coi là tà đạo, cho nên ngài nhắm con mắt trái là để che chắn tà đạo, con mắt bên kia mở ra để nhìn những điều tốt. Cũng có người nói ngài một mắt nhìn trời một mắt nhìn đất. Miệng của ngài mím chặt, sau đó môi dưới bặm lên môi trên, răng nanh trên chĩa xuống dưới, răng nanh dưới chĩa lên trên. Đây là hình tướng phẫn nộ nhất. Vì sao mím chặt môi? Bởi vì làm người dễ phạm nhất là khẩu nghiệp, cả ngày đều nói chuyện thị phi của người khác, nói người khác cái này không đúng, cái kia không đúng, bình phẩm lung tung. Vì thế ngài mím chặt môi biểu thị loại bỏ hết mọi nghị luận, ngài sẽ không nói những điều vô nghĩa.

Tay phải ngài cầm kiếm rồng, chỗ này rất ảo diệu, bởi vì kiếm vốn là rồng, rồng vốn là kiếm, nhưng rất khó biểu hiện điều này, vì thế bạn đi đến cửa hàng bán đồ Phật giáo, rất nhiều người không muốn điêu khắc thanh kiếm rồng này, họ nói kiếm này đâm rồng nên họ không muốn làm. Rồng này có tên đầy đủ là Câu Lợi Ca La Long Vương (Kulikah Naga), có gì đặc biệt? Có một bản kinh là “Phật thuyết Câu Lợi Ca La Đại Long thắng ngoại đạo đà-la-ni kinh”, kể về chuyện khi xưa Bất Động Minh Vương hàng phục chướng ngại lớn nhất của tam thiên đại thiên thế giới là Đại Tự Tại Thiên như thế nào. Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp, Đại Tự Tại Thiên Vương xuất hiện làm loạn, hơn nữa còn hóa thành một cây kiếm. Lúc này, Bất Động Minh Vương hiện thân, bản thân ngài cũng biến thành một thanh kiếm, biến thành một con rồng, con rồng của ngài nuốt gọn thanh kiếm của đối phương. Trong kinh điển nói rằng rồng có một cái đầu và bốn chân, bốn chân này là ai? Là Hàng Tam Thế Minh Vương, Quân Đồ Lợi Minh Vương, Đại Uy Đức Minh Vương, Kim Cang Dạ Xoa Minh Vương. Bởi vậy có thể nói, trong một thân Câu Lợi Ca La Long Vương Bất Động Minh Vương có tồn tại cả năm vị Minh Vương. Ngài căn bản chính là hóa thân của Tỳ Lô Giá Na, vì thế có thể tức thân thành Phật.

Tay trái ngài cầm sợi thừng là để trói ma, trói tà linh, trói cả tâm vượn ý mã của chính mình. Bạn thờ phụng ngài thì có một khẩu quyết rất quan trọng, đó là cúng rượu càng mạnh càng tốt, phải có cả thịt bò sống, thịt bò chín, và tốt nhất là có thể thờ phụng luôn quyến thuộc của ngài, đó là tám đại đồng tử thường thấy nhất, ngoài ra có ba mươi sáu đồng tử, bốn mươi tám thị giả, tổng cộng hơn 100 vị. Tám đại đồng tử này mọi người nghĩ rằng là trẻ con, nhưng không phải vậy. Có một kinh điển là “Phật Thuyết Bát Đại Đồng Tử nhất tự chân ngôn đà-la-ni xuất thân bí mật pháp yếu”, trong kinh này nói bát đại đồng tử chính là bát đại Bồ Tát bên cạnh Đại Nhật Như Lai hóa thân mà ra, cho thấy ngài có thể tiêu tai, ban phúc, tăng ích, kính ái, hàng phục, tất cả công đức đều có, vì thế ngài mới vĩ đại như vậy.

Hiện nay, đại đa số nhà ở dương trạch đều có vấn đề về phong thủy, về xây dựng, về hoàn cảnh xung quanh. Sư Tôn đã dạy rất nhiều pháp phong thủy, nhưng rất ít người hiểu được phong thủy. Bạn có thể dán phù trấn sát của Diêu Trì Kim Mẫu, hoặc làm những pháp khác, có thể phá giải, nhưng bạn cần có hiểu biết về pháp, phải tu, phải biết cách nhận định tình hình và ứng đối mới có thể làm. Sau này Sư Tôn có truyền một pháp rất hay là Hổ Đầu Kim Cang, bạn thờ Hổ Đầu Kim Cang và thỉnh cờ lệnh của ngài đặt trong nhà, nhưng ngày nào bạn cũng phải trì chú ngài, cúng dường ngài, cầu nguyện ngài loại bỏ sát khí.

Tôi làm thị giả cho Sư Tôn ba năm, có lần một người đến hỏi việc Sư Tôn. Thông thường mỗi ngôi nhà đều có vấn đề, Sư Tôn đều có một lá phù là Diêu Trì Kim Mẫu áp bách sát. Đồng môn ấy nói dán phù này lên vẫn chưa yên tâm. Sư Tôn nói, vậy thì hãy thỉnh một bức tượng Bất Động Minh Vương đem đến cho tôi khai quang rồi mang về đặt trong nhà, bất kể là bạn đặt ở đâu, chỉ cần đặt trong nhà thì tất cả sát khí về phong thủy đều sẽ không còn ảnh hưởng gì đến bạn. Cho nên bạn cần tin tưởng vào sức mạnh của Bất Động Minh Vương.

Cuối cùng, tôi nói cho mọi người biết một điều cực quan trọng. Ngài còn được gọi là “không mời tự đến”. Khi lòng tin của bạn vào ngài đủ lớn rồi, bạn không cần phải phụng thỉnh ngài thì ngài tự đã có ở bên cạnh. Điều này là Không Hải Đại Sư nói. Bạn tu Hộ pháp cần phải tu đến trình độ này. Chỉ một ý nghĩ, thậm chí chưa cần nghĩ đến, ngài đã hiển hiện để hộ trì bạn. Tôi mong rằng bạn sẽ có được sự bảo hộ của ngài nhờ vào tâm cung kính của bạn. Và hãy chú ý đến thân khẩu ý của mình, đừng tùy tiện phê bình người khác, đừng tùy tiện bới móc đủ điều. Thật ra rất nhiều sự việc tôi đều biết, chỉ là tôi không muốn nói ra. Thật đó! Vì thế đừng tùy tiện phê bình người khác, bằng không, tôi không xử lý bạn thì ngài cũng xử lý bạn. Đừng coi thường mà có ác niệm với Thượng sư truyền pháp. Các Thượng sư đi ra ngoài thay Sư Tôn truyền pháp, khi làm pháp hội là Thượng sư đang đại diện cho Căn bản Thượng sư, vì thế trong toàn bộ quá trình chuẩn bị pháp hội, bạn tự gây ra chướng ngại, bạn phỉ báng sau lưng, có thể đến nhưng bạn không đến, bạn kêu gọi người ta không đến hộ trì pháp hội, cái nghiệp này bạn không gánh nổi đâu.

Tôi từng nói rồi, chỉ cần ngài ở trên người tôi thì tôi rất nghiêm khắc đó. Rất nhiều sự việc cần phải nghiêm khắc, bởi vì không nghiêm khắc, dễ dãi thì bạn sẽ tùy tiện, như thế là không được. Người tu hành phải chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình, bằng không sau này ở dưới địa ngục sẽ không có Bất Động Minh Vương cứu bạn đâu. Om mani padme hum.