📑

TS Liên Dạng chia sẻ về thời điểm xuất gia

image

TS Liên Dạng chia sẻ về thời điểm xuất gia

Giảng pháp: Thượng sư Liên Dạng Thời gian: 08.12.2024 Địa điểm: Pháp Hoa Đường - Đài Loan Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Giới thiệu Thượng sư Liên Dạng - trụ trì Đại Giác Đường - Indonesia. Nhân duyên xuất gia của Thượng sư Liên Dạng - từ bỏ sự nghiệp Giám đốc chi nhánh ngân hàng Công thương Trung Quốc ICBC - tại Indonesia.

Trước tiên chúng ta kiền thành chắp tay kính lễ Nam Mô Căn bản Truyền thừa Thượng sư Thánh Tôn Liên Sinh Hoạt Phật. Nhất tâm kính lễ chủ tôn pháp hội Nam Mô Đại Lực Kim Cang Minh Vương. Nhất tâm kính lễ Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Đại Thiên Tôn. Nhất tâm kính lễ Chân Phật Tông lịch đại truyền thừa tổ sư và đàn thành Tam Bảo. Xin thỉnh cầu gia trì cho bài khai thị Phật pháp hôm nay có thể lợi ích tất cả chúng sinh.

Thượng sư Liên Anh tôn quý, và cả pháp sư Liên Thù, giảng sư, bác sĩ Ngô Đông Long - chủ tịch Pháp Hoa Đường, và cả đường chủ tiến sĩ Vương Tiến Hiền, cô giáo Lâm Thế Trân, tất cả các đồng môn thường trực của Pháp Hoa Đường và tất cả sư huynh sư tỉ, xin chào mọi người, A Di Đà Phật!

Trước tiên cảm ơn Thượng sư Liên Anh đã có lời mời, cảm ơn chủ tịch, đường chủ và các vị thường trực đã mời, vốn dĩ tôi không hề có dự định đến Pháp Hoa Đường và tham dự pháp hội này. Nhưng bởi vì mới đây tại Indonesia, chúng tôi đã mời Thượng sư Liên Anh đến hộ đàn bái Lương Hoàng Bảo Sám, sau đó Thượng sư Liên Anh đã rất khách khí nói hy vọng khi tôi đến Đài Loan có thể đến hộ trì pháp hội hội cúng Đại Lực Kim Cang. Chính vì nhân duyên này mà hôm nay tôi mới đến Pháp Hoa Đường, tham gia và hộ trì pháp hội này cùng với các bạn.

Lần đầu tiên đến Pháp Hoa Đường, cảm nhận của tôi là Phật đường rất trang nghiêm, mandala của Pháp Hoa Đường cực kì trang nghiêm, vì thế xin hãy cho Thượng sư Liên Anh một tràng pháo tay cổ vũ, thầy ấy đã rất vất vả rồi! Tôi và Thượng sư Liên Anh đã quen biết nhau rất lâu rồi, từ năm 2018 chúng tôi đã cùng đưa Sư Tôn đi hoằng pháp ở Indonesia, đó chính là khi tổ chức pháp hội Atisa, ngày hôm đó mới thật sự quen biết Thượng sư Liên Anh, khi đó còn là pháp sư, bây giờ thì là Thượng sư rồi. Chính vì nhân duyên này cho nên sau khi thầy ấy được phong làm Thượng sư, tôi hy vọng thầy ấy có thể đến Indonesia để “phóng quang, tỏa sáng” một chút.

Chắc là rất nhiều người còn chưa biết tôi, bởi vì vào năm 2017 thì tôi xuất gia, sau đó tôi chủ yếu là hoằng pháp ở tại Indonesia, do vấn đề là tiếng Trung của tôi cũng có giới hạn, trình độ tiếng Trung không hẳn là tốt lắm, vì thế tôi ở tại Indonesia hoằng pháp nhiều hơn. Hôm nay đã có được nhân duyên này, tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người một chút về kinh nghiệm cuộc đời của tôi, mong rằng có thể lợi ích tất cả khán giả, tất cả các sư huynh sư tỉ.

Đầu tiên tôi muốn nói đến việc tôi quy y Sư Tôn, từ năm 13 tuổi tôi đã quy y Sư Tôn rồi, sau đó tới năm 16 tuổi, lần đầu tiên tôi đọc văn tập của Sư Tôn, khi ấy tôi vẫn chưa biết đọc tiếng Trung, vẫn là phải đọc sách dịch sang tiếng Indonesia. Khi đọc xong cuốn sách ấy, suy nghĩ đầu tiên của tôi là muốn xuất gia, khi ấy tôi 16 tuổi. Nhưng vì bố mẹ ngăn cản, tức là họ phản đối tôi xuất gia, sau đó thì tôi quen Thượng sư Liên Cấm [trước khi xuất gia, hai vị Thượng sư này là vợ chồng], sau đó thì tôi đi học Đại học, làm việc, phải chờ đến 18 năm sau thì tôi mới có được nhân duyên xuất gia, tức là khi tôi 34 tuổi thì mới có thể xuất gia.

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với mọi người về vấn đề buông bỏ, bởi vì trong cuộc đời của chúng ta, có thể mọi người sẽ nghĩ rằng chúng tôi muốn xuất gia bởi vì “nghĩ không thông”, có thể là do thất tình, hoặc là thất nghiệp, nhưng khi tôi xuất gia, tôi đã từng hai lần mơ thấy Sư Tôn rất rõ ràng, khi có được giấc mơ đó thì tôi biết rằng thời điểm xuất gia của tôi đã đến rồi. Vì thế khi ấy, tâm xuất ly của tôi rất mạnh, tôi học được sự buông bỏ, buông bỏ tất cả sự nghiệp. Khi đi làm tôi làm việc ở ngân hàng ICBC, tôi buông bỏ tức là buông bỏ cả thu nhập của mình, buông bỏ xe của tôi, nhà của tôi, buông bỏ tất cả mọi thứ của mình, bao gồm cả gia đình.

Khi tôi buông bỏ, khi ấy tôi nghĩ, khi ấy tôi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, sếp của tôi còn nói nếu tôi cân nhắc không xuất gia nữa thì sẽ giao cho tôi chức chủ tịch trụ sở chính của ngân hàng. Tôi nói là không cần đâu, tôi đã không còn cái tâm phát triển sự nghiệp nữa, tôi muốn cúng dường cuộc đời này của tôi cho Căn bản Thượng sư. Vì thế, khi ấy tôi đã học tập sự buông bỏ. Vì sao lần này tôi nói về sự buông bỏ, bởi vì tôi nhìn vào vị Thượng sư ngồi bên cạnh tôi đây, thầy ấy còn lợi hại hơn cả tôi, từ lúc rất trẻ còn đang đi học mà thầy ấy đã có thể từ bỏ tuổi thanh xuân của mình để lựa chọn con đường xuất gia. Chúng ta nên vỗ tay khen ngợi thầy ấy vì điều này.

Lúc thầy ấy xuất gia thì tôi cũng có mặt ở đó, chứng kiến và trong lòng tôi nghĩ pháp sư này thật sự là rất cừ, khiến người ta tán thán. Khi ấy mới biết cho nên tôi cũng chưa biết là thầy ấy vẫn còn đang đi học, chỉ cảm thấy là thầy ấy có thể học được sự buông bỏ sau đó đã xuất gia, điều này cho thấy huệ căn của thầy ấy rất cao, Phật duyên của thầy ấy cũng rất sâu.

Khi tôi xuất gia, lúc ấy tôi cũng vẫn còn rất ngây thơ. Tôi nghĩ rằng sau khi xuất gia rồi, tôi có thể cả ngày tu pháp, cả ngày trì chú, có thể cả ngày ở trước mật đàn của mình tu rất nhiều pháp. Không ngờ rằng sau khi xuất gia tôi mới biết hóa ra còn bận rộn hơn lúc trước đi làm ở ngân hàng, luôn cảm thấy rằng một ngày 24 giờ là không đủ. Bởi vì không chỉ là các vấn đề về pháp vụ mà còn có vấn đề về đồng môn, vấn đề về đạo tràng, rất nhiều vấn đề phải giải quyết, pháp vụ của Chân Phật Tông cũng rất nhiều, đạo tràng có rất nhiều việc pháp. Điều này khiến cho tôi cảm thấy quản lý một đạo tràng cũng giống như trước kia tôi quản lý ngân hàng, bởi vì một đạo tràng cũng giống như một chi nhánh cửa hàng, bạn phải hiểu làm sao để quản lý tài chính, làm sao để quản lý nhân sự, rồi phải nghĩ cách để duy trì đạo tràng này, hàng tháng phải đủ khả năng trả tiền điện, tiền nước, còn phải nghĩ cách làm sao để đồng môn đến đạo tràng mà cảm thấy vui vẻ, nghĩa là cảm thấy trong lòng đầy pháp hỷ, để mọi người cảm thấy đạo tràng giống như nhà mình, luôn phải nghĩ rất nhiều cách.

Tôi nhớ tuần trước Sư Tôn có nói nhân gian có ba việc không dễ dàng, thứ nhất là tu hành không dễ dàng, thứ hai là kiếm tiền không dễ dàng, thứ ba là sống cùng người khác không dễ dàng. Cá nhân tôi cảm thấy còn cái không dễ dàng thứ tư nữa là quản lý đạo tràng không dễ dàng. Cho nên chúng ta hãy nhìn vị thượng sư trẻ này mà đã có thể làm cho Pháp Hoa Đường cực kì hưng vượng như thế này, thật sự là rất xứng đáng vỗ tay khen ngợi!

Tôi nhớ lúc 28 tuổi còn đang đi làm, sếp tôi gọi tôi đến nói rằng ông ấy muốn thăng chức cho tôi làm trưởng chi nhánh ngân hàng trẻ tuổi nhất. Tôi nói với sếp chắc là tôi không có năng lực này đâu, hôm ấy sếp đã nói với tôi một câu là “hãy chứng minh cho tất cả mọi người thấy là tôi không nhìn lầm người, hãy chứng minh cho tất cả mọi người là tôi không chọn sai người, cậu nhất định sẽ thành công”. Sau khi tôi được công bố làm trưởng chi nhánh, rất nhiều đồng nghiệp không vui vẻ, không hài lòng, đôi khi ở trong thang máy họ còn cố ý nói ra để cho tôi nghe thấy, kiểu như châm chọc. Tôi cảm thấy việc này chẳng hay chút nào, nhưng nó đã biến thành sự cổ động đối với tôi, yêu cầu tôi chạy nhanh hơn để chứng minh cho họ thấy. Trong vòng một năm, tôi đã hết sức nỗ lực, rất tập trung nghiêm túc làm việc. Trong cuộc hội nghị cấp cao hàng năm của ngân hàng, công bố thành tích, quả nhiên chi nhánh do tôi quản lý đã đứng thứ nhất. Việc này không chỉ có một mình cá nhân tôi kinh ngạc mà rất nhiều người đều ngạc nhiên, không ngờ cậu trẻ ranh mới 28 tuổi này lại có thể làm cho chi nhánh của mình đứng thứ nhất toàn Indonesia, đó là ngân hàng HSBC tại Indonesia, chúng tôi tổng cộng có 35 chi nhánh, và chi nhánh của tôi đứng số một.

Khi ấy tôi đã chứng minh được cho tất cả những đồng nghiệp của mình và sếp của tôi thấy là tôi đã làm được. Kể từ khi họ thấy tôi có thể lãnh đạo được một chi nhánh, thái độ của họ đã thay đổi, thật sự là thay đổi 100%. Trước đó thì họ chẳng muốn nói chuyện với tôi, không muốn ăn trưa cùng tôi, bây giờ thì ngày nào cũng muốn đi ăn trưa cùng tôi. Vì sao thế? Vì họ rất tò mò, không biết tôi có “khẩu quyết” gì mà lại thành công được? Họ muốn nghe và học tập. Với tôi thì hoàn toàn không thành vấn đề, tôi hoan nghênh họ cùng học tập với tôi.

image

Kinh nghiệm này có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với tôi… Sau khi tôi xuất gia, không ngờ sự việc tương tự lại xảy ra đối với tôi, tôi đã trải qua một tình huống tương tự. Tháng 2/2017 thì chúng tôi xuất gia, sau đó Sư Tôn đã ban cho chúng tôi quán đảnh Acharya vào tháng 5 năm đó [hai vị Thượng sư Liên Dạng và Liên Cấm cùng xuất gia, cùng được Sư Tôn phong làm Thượng sư cùng lúc]. Ngày hôm đó cũng xảy ra rất nhiều vấn đề, rất nhiều người kinh ngạc gọi điện thoại đến hỏi vì sao hai người lại được phong làm Thượng sư, rất nhiều người cũng không vui vẻ, không hài lòng, rất nhiều người phê bình chúng tôi. Mặc dù tôi cũng không để chuyện này trong lòng, nhưng khi ấy Sư Tôn phong chúng tôi làm Thượng sư thì tôi cũng cảm thấy áp lực hệt như lúc trước, sức khỏe cũng có rất nhiều áp lực khi Sư Tôn đặt trách nhiệm này lên người chúng tôi.

Lúc trở thành Thượng sư thì đạo tràng của chúng tôi chỉ có hai gian nhà, tức là chỉ mới sở hữu được hai gian nhà cạnh nhau. Sau đó, nhờ sự gia trì của Sư Tôn và Phật Bồ Tát, sự hộ trì của Hộ pháp, từ hai gian nhà nay đã trở thành năm gian nhà. Nói tới nói lui thì thật sự rất kỳ diệu, thật sự là có được sự gia trì rất lớn, tự nhiên có người tự đến nói rằng muốn cúng dường, nói rằng chúng tôi mua cho mọi người gian nhà bên cạnh. Theo chỉ thị của Sư Tôn, ban đầu chúng tôi chỉ có ba tầng, bây giờ đã thành bốn tầng, tầng thứ tư cao tới 7 mét, trở thành Đại Hùng Bảo Điện của chúng tôi, cực kì hoành tráng, cảm giác vô cùng trang nghiêm. Tôi không dám nói rằng Đại Giác Đường của chúng tôi là đạo tràng trang nghiêm nhất ở Indonesia, nhưng lúc ở hội đồng tu Thập Phương ở Hồng Kông tôi từng nói, Hồng Kông có Thập Phương đồng tu hội, Jakarta có Đại Giác Đường.

Ở đạo tràng của chúng tôi làm nên những mandala rất trang nghiêm, chính là để mong rằng mọi người có thể đến đạo tràng để cho mình tinh tấn. Bạn bước vào mandala này, không phải là để cảm thấy đàn thành này thật đẹp, mà hơn thế là để bạn được thanh tịnh, thân thể thanh tịnh, ý niệm thanh tịnh, khi bạn trở về thì sẽ cảm thấy thân khẩu ý của mình đã được thanh tịnh rồi. Bước vào đàn thành, có được sự gia trì của Sư Tôn, của Phật Bồ Tát để thân khẩu ý được thanh tịnh. Tôi mong rằng mọi người hãy trân trọng Pháp Hoa Đường này, mong rằng đồng môn sống ở Gia Nghĩa hàng tuần đều có thể đến Phật đường cùng đồng tu, bước vào đạo tràng giống như bước vào mandala tịnh thổ của Bổn tôn.

Đến Pháp Hoa Đường, tôi cảm thấy Thượng sư Liên Anh thật vất vả, thầy ấy biết rõ về từng bức tượng, hiểu rõ từng bức thangka, bày đàn thành vô cùng trang nghiêm, rất nhiều khi tôi phải thỉnh giáo Thượng sư Liên Anh bởi vì thầy ấy đọc rất nhiều sách, hiểu rất nhiều về lịch sử Mật giáo. Các bạn có một Thượng sư ưu tú như vậy, mọi người cần biết trân trọng.

Các bạn biết rằng Chân Phật Tông chúng ta, mỗi một địa phương Sư Tôn đều để cho chúng ta tự mình phát huy, vì thế có những đạo tràng không có nhân viên hoằng pháp, không có Thượng sư, không có pháp sư, cho nên nhiều khi người ta rất ngưỡng một một đạo tràng kia vì có Thượng sư, cho nên ở đây các bạn đã có một Thượng sư rất ưu tú, có mandala trang nghiêm như thế này, vậy thì hãy nên trân trọng nhân duyên này.

Tôi và Thượng sư Liên Anh đã đi hoằng pháp cùng với nhau rất nhiều lần rồi, tôi cảm thấy thầy ấy rất nghiêm túc. Ví dụ như thầy ấy luôn chuẩn bị trước những bài khai thị, rồi tu pháp rất tinh tấn, rồi cũng luôn sẵn lòng mỗi khi có đồng môn đến muốn hỏi việc hoặc thỉnh giáo thì đều giúp đỡ. Có một Thượng sư kính sư, trọng pháp, thực tu như vậy, mọi người nên học tập từ thầy ấy nhiều một chút, không phải chỉ có mình tôi học tập, các bạn cũng nên học tập thầy ấy.

Hiện tại Đại Giác Đường của chúng tôi có hai Thượng sư, cả hai chúng tôi đều rất bận, tôi thì hay đi ra ngoài để hoằng pháp hơn, còn Thượng sư Liên Cấm thì ở tại đó nhiều hơn để dịch văn tập và khai thị của Sư Tôn. Mỗi đạo tràng đều có những nhân vật của đạo tràng đó. Thượng sư Liên Anh nếu khi nào có mặt ở Đài Loan thì các bạn nên hộ trì thầy ấy.

Hôm nay chúng ta có thể tập trung tại đây, cùng gặp mặt ở đây, tất cả là nhờ có sự gia trì của Căn bản Thượng sư nên chúng ta mới có được nhân duyên này, vì thế tôi mong rằng tất cả chúng ta đều có lòng phụng hiến tất cả cho Căn bản Thượng sư của chúng ta. Chúng tôi hoằng pháp, chúng tôi làm mandala trang nghiêm như thế này, toàn bộ đều là cúng dường Căn bản Thượng sư, mong mọi người đều nhất tâm thỉnh Phật trụ thế. Cảm ơn mọi người. Om mani padme hum!

image