Đôi cánh trong mơ
🪷 Linh cảm cuộc đời của tôi
Văn tập: 255 Xuất bản: 10/2016 Tác giả: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
🔎 Văn bản đang trong quá trình hiệu đính!!!
Lời mở đầu
Vốn dĩ mỗi ngày tôi đều viết một chương sách, trong cuộc đời này rất hiếm khi gián đoạn. Nhưng tháng tư, tháng năm năm 2016, ấy thế mà tôi đã gián đoạn mất hai tháng, không viết được một chữ nào. Thật xin lỗi! Tôi bị ốm rồi! Thân thể tôi hoàn toàn kiệt sức, trong suốt hai mươi tư giờ tôi đều ngủ mê man, trật tự cuộc sống đều bị đảo lộn hết cả. Đây là trận ốm lớn nhất trong cuộc đời tôi. Mong thứ lỗi!
Trong trận ốm nặng này, điều duy nhất tôi có thể làm là vĩnh viễn bảo trì tự tính quang minh trong tâm tôi. Bảo trì tự tính quang minh. Đây là điều mà sư phụ tôi, Đại Bảo Pháp Vương Karmapa thứ 16 đã dạy bảo tôi. Trong thân thể ốm đau mê man, tôi chỉ có thể giữ được tự tính quang minh, còn những cái khác đều không quan trọng. Nguyện lực của tôi lúc này là: Khi tôi có bệnh. Chỉ mong chúng sinh khỏe mạnh an khang. Khi tôi chịu khổ. Chỉ mong chúng sinh vô khổ vô phiền. Khi tôi đau đớn. Chỉ mong chúng sinh không bệnh không đau.
Trên bàn viết của tôi. Có đặt một tờ giấy. Và bút. Tôi không quên sau này vẫn còn muốn viết sách, tôi vẫn muốn viết cuốn sách "Đôi cánh trong mơ"! Đây là công việc mỗi ngày của tôi: Tu pháp. Viết sách. Vẽ tranh. Mỗi một cuốn sách đều là những linh cảm nhân sinh của tôi, tôi sẽ xếp chồng lên nhau từng cuốn sách. Không chỉ cao bằng thân người thôi đâu. Mà phải cao bằng căn nhà. Phải cao bằng tòa nhà nhiều tầng. Sách đại diện cho trái tim tôi. Viết một bài thơ mới vậy!
Không thể ngủ mãi mãi "Chẳng phải tôi đang say Mà là mê man ngủ Trong mênh mông mịt mù Vẫn còn nhớ rõ Tôi khóc Những giọt lệ của chúng sinh
Màu đen Màu xám Tôi thắp lên ngọn nến trong tim Dù rằng ánh nến lay lắt Dù tôi tiều tụy Tôi vẫn tìm kiếm Một chút xanh biếc còn lại
Nụ hoa sắp nở rồi Đôi cánh muốn bay Vầng trăng sáng vằng vặc Chẳng bao giờ rơi xuống."
Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Sheng-yen Lu
17102 NE 40th CT REDMOND WA 98052 U.S.A
01. Òa khóc trên pháp tọa
Những bài thuyết pháp của tôi gần đây đều được phát trực tiếp trên mạng, có nghĩa là chỉ cần lên mạng là có thể xem được. Ngày hôm đó, tôi lên pháp tọa. Vì tôi đang ốm nên thân thể rất yếu ớt, tôi thật sự đang chịu đựng nỗi đau đớn cực kì lớn. Tôi nói đầy tủi thân: "Diêu Trì Kim Mẫu của con ơi, ngài đã bỏ mặc con rồi!" Thế là tôi khóc! Trận khóc này đúng là kinh thiên động địa. Nước mắt đầm đìa. Tất cả các đệ tử đều khóc theo, giống như là một pháp hội mà tất cả đều khóc vậy. Có người mới quy y nói: "Ngày đầu tiên chúng tôi quy y là đến để nghe Lư Sư Tôn thuyết pháp, có phải đến để nghe Lư Sư Tôn khóc đâu." Chà! Cũng thật là…! Bạn đã từng nghe lão hòa thượng thuyết pháp mà từ đầu tới cuối đều khóc chưa? Vì thế, bạn nghe một lão hòa thượng khóc trên pháp tọa cũng là chuyện vô cùng kì lạ hiếm có đó. Như Thánh Nghiêm pháp sư, bà ấy bị bệnh rồi giấu kín luôn, cho đến khi niết bàn. Khi ấy mới công bố với đại chúng. Như Duy Giác pháp sư, ông ấy bị ốm, cũng giấu kín luôn, cũng cho tới khi niết bàn. Khi ấy mới công bố với đại chúng. Vân vân và vân vân. Còn cái kiểu bị ốm mà trực tiếp tuyên bố với đại chúng bệnh tình ra sao thế nào này, rất hiếm thấy. Cho nên, Lư Sư Tôn tôi trực tiếp nói rõ với tín chúng cũng có nghĩa là để nói rằng: Tôi không giả dối. Tâm tôi rất thẳng. Tôi không giấu giếm. Tôi trực tiếp bày tỏ tâm mình với đại chúng. Người khác cho rằng đại hòa thượng thì nên có điều bí mật, không thể đem ra bàn luận. Tôi thì khác. Tôi cho rằng đây là chuyện nhỏ nhặt không đáng kể, không quan trọng, tôi không phải kiểu người mà phân biệt cái gì có thể nói và cái gì phải giấu giếm. Tôi rất phóng khoáng. Có cái gì thì nói cái đó. Khi tôi khóc, tôi đã quên sự tồn tại của chính mình từ lâu rồi. Viết một bài thơ vậy!
Khóc trời "Chẳng bao giờ giấu giếm Chẳng bao giờ giả dối Rất thẳng thắn Khóc lóc với trời
Mặt trời buổi chiều muộn Đúng là mặt trời buổi chiều muộn Sau này Sẽ bay thẳng tới bờ bên kia
Cuộc đời của tôi Chưa bao giờ tính toán dài hay ngắn Hay là nhanh Hay là chậm
Tôi chỉ biết truyền thừa tiếp tục không ngừng Dựa vào điều này Mà tâm bất loạn."
02. Sư phụ của tôi đều đi rồi
Ngày hôm đó. Là như thế này, mỗi khi ăn cơm tại nhà ăn màu hồng ở Seattle Lôi Tạng Tự, sau khi ăn xong, tôi và các Thượng sư đều ngồi lại quanh bàn ăn một lát. Cũng không hẳn là muốn nói chuyện, mà là cứ ngồi thế thôi. Ngày hôm đó, tôi nói một câu rất cảm thán, tôi nói: "Sư phụ của tôi đều đi rồi!" Bao gồm các sư phụ Hiển giáo: Pháp sư Đạo An. Pháp sư Lạc Quả. Đạo sư Ấn Thuận.
Sư phụ Mật giáo: Thượng sư Phổ Phương. Liễu Minh Hòa Thượng. Thượng sư Sakya Chứng Không. Đại Bảo Pháp Vương Karmapa thứ 16. Thượng sư Thubten Dorjie.
Còn có các sư phụ thọ giới: Pháp sư Hiền Đốn. Pháp sư Huệ Tam. Pháp sư Giác Quang. Ngoài ra, vân vân và vân vân.
Tôi nói: "Tiếp theo là đến lượt tôi rồi!" Các Thượng sư khác đang ngồi đó lập tức nói với tôi, vị sư phụ của họ, rằng: "Không có đâu!" "Sư Tôn sống lâu khỏe mạnh, thường trụ thế gian, thường chuyển pháp luân." "Lư Sư Tôn, lão hòa thượng Hư Vân sống đến 120 tuổi, thầy cũng phải sống đến 120 tuổi." "Liên Hoa Sinh Đại Sĩ sống đến 800 tuổi, thậm chí còn nhiều hơn, Lư Sư Tôn cũng phải như thế."
Mọi người đều nhao nhao nói. Tôi vừa nghe vừa cười khổ, rồi đứng dậy, chỉ vào một đám mây trắng trên bầu trời. Tôi nói: "Đã nhìn thấy chưa?" Mọi người nói: "Đã thấy rồi!" Tôi nói: "Mây bay rất nhanh, loáng một cái đã biến mất rồi!" Tôi viết một bài thơ "Chẳng sống được mãi mãi", sau khi viết xong tiêu đề, tôi phát hiện ra hình như là một câu chửi, thế là tôi vội vã đổi tên:
Nhớ khuôn mặt "Trả nghiệp Đó là điều Đức Phật đã nói Cuộc đời là gì Câu nói này là đanh thép nhất
Mỗi một tin tức Ai đã đi rồi Mọi người đều sẽ thở than Ôi Nhưng chẳng mấy chốc là cũng quên
Tôi thường nghĩ Tôi đến nhân gian làm lao dịch Trong biển cả mênh mông Chỉ là một giọt nước
Biển mờ mịt ngăn trở Cho đến khi chẳng còn ai nói Chỉ mong vẫn còn có thể nhớ được khuôn mặt."
03. Cuối cùng cũng trèo lên trên đống sách
Phóng viên phỏng vấn tôi: "Lư Sư Tôn, làm sao mà ngài có thể viết được nhiều sách như vậy? Là có hứng thú sao?" Trong lòng tôi nghĩ: "Nói nhảm!" (Không có hứng thú thì làm sao viết chứ?) Phóng viên lại hỏi: "Lư Sư Tôn, ngài viết sách là viết ra từng chữ, từng chữ sao?" Trong lòng tôi nghĩ: "Nói nhảm!" (Thế không phải là viết ra từng chữ, từng chữ sao?) Phóng viên hỏi: "Lư Sư Tôn, ngài viết sách có cần có cảm hứng không?" Trong lòng tôi nghĩ: "Lại nói nhảm!" (Viết sách đương nhiên cần có cảm hứng rồi.) Phóng viên lại hỏi: "Lư Sư Tôn, cảm hứng của ngài đến từ đâu?" Lần này tôi đáp: "Giữa trời đất đều là cảm hứng, trong cảm hứng đã có trời đất." Phóng viên nói: "Không hiểu lắm." Tôi đáp: "Khắp nơi đều có cảm hứng, tựa như có tựa như không, thoắt ẩn thoắt hiện, đối với tôi mà nói thì giống như nhặt thóc vậy." Phóng viên hỏi đến đây thì không hỏi tiếp nữa, vội vội vàng vàng đi cùng với thợ chụp ảnh.
Lúc trước tôi nói: "Viết đến khi không thể viết được nữa mới dừng." Luật sư Chu Huệ Phương nói: "Viết một trăm cuốn sách đã ghê gớm lắm rồi, thầy đã viết hai trăm năm mươi lăm cuốn rồi đó!" Tôi nói: "Tôi là người đứng trên đống sách." Mọi người nghĩ xem: Trên đời này có thứ gì lưu truyền lâu nhất? Đáp án là: Sách. Tri thức của nhân loại, trí tuệ từ đâu tới? Đáp án là: Sách. Từ nhỏ đến lớn bạn phải làm gì? Đáp án là: Đọc sách. Viết một bài thơ vậy!
Người trèo lên đống sách "Cho dù dưới ngọn đèn Hay ban ngày sáng sủa Một dáng người cắm cúi Hình bóng luôn hao gầy
Cũng chẳng phải vì thành tựu này khác Chỉ e rằng Pháp lưu rò rỉ Chẳng thể quá đổi mới Cũng chẳng thể quá cố chấp
Linh cảm đến từ Thấy Nghe Ngửi
Bản thân tôi phải hiểu thật rõ Tôi sẽ bay Để những người chạy theo phía sau Gió đầy trong tay áo."
04. Vì sao ngài không có Facebook?
Đó là vào năm nay. Người hỏi: "Lư Sư Tôn, vì sao ngài không có Facebook cho mình?" Tôi đáp: "Tôi đây không có điện thoại di động, không có máy tính bảng, không có máy tính, ngay cả lên mạng tôi cũng không biết, đương nhiên là không có Facebook." Người hỏi: "Ngài có năm triệu đệ tử, cũng có nghĩa là ngài có quần chúng, chỉ cần ngài có Facebook thì mỗi ngày về cơ bản là có năm triệu khách hàng. Như thế chẳng phải là quá đáng tiếc sao?" "Có ích gì chứ?" Người đó nói: "Mỗi ngày một câu nói, một câu nói truyền cảm hứng, một câu nói khiến người ta tỉnh ngộ, một câu nói làm rung động lòng người, một bài kệ, một bài thơ, đột nhiên có cảm hứng mà thốt lên một câu nói, bảo đảm sẽ rất vang dội." Tôi nói: "Nói cái gì đây?" Người đó nói: "Cái gì cũng có thể nói được, chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, nội chính, xã hội… Không nhất định giới hạn ở tôn giáo, dựa vào phong cách viết văn của ngài, tuyệt đối sẽ tạo tiếng vang khắp trong nước và quốc tế." Tôi nói: "Chẳng phải Chân Phật Tông đã có trang web sao?" Người đó nói: "Đó là cách thức lạc hậu quá! Người hiện đại ai cũng dùng điện thoại di động, không thích cách thức cũ, đến lúc đó mọi người sẽ nhấn "thích" cho ngài, chỉ cần nói những điều trong tâm của mọi người, chạm đến lòng người, li kì cổ quái ra sao cũng đều được, ngài sẽ biến thành tiêu điểm của thế nhân!" Tôi nói: "Là như vậy sao?" "Đương nhiên!" Tôi nói: "Tôi đã đủ gây chấn động rồi, tôi không muốn gây chấn động thêm nữa, mặc dù ngày nào tôi cũng có ý tưởng sáng tạo, đủ để khiến người ta đập bàn khen hay, nhưng tôi cũng không muốn phát biểu." Người đó hỏi: "Vì sao vậy?" Tôi đáp: "Gây tiếng vang cũng là Không." Người đó hỏi: "Ngài không muốn trở thành Lư Thắng Ngạn trong con mắt của thế nhân sao?" Tôi đáp: "Thế nhân có một ngày vẫn sẽ quên luôn bạn, tôi chỉ muốn mỗi một ngày làm một việc có ý nghĩa, người ta biết cũng tốt, không biết cũng tốt, tôi không muốn làm con cá lấp lánh ánh vàng nhảy trên mặt nước." "..." Viết một bài thơ vậy!
Cá nhảy trên mặt nước "Nhìn kìa Có con cá đang nhảy trên mặt nước Chà Thật là đáng trầm trồ
Bên hồ Gió bỗng nổi lên Những người dạo bước quanh hồ Một chốc nữa mưa xuống Là tản đi hết
Dù cá có nhảy Có lẽ có nghìn nghìn vạn vạn người xem Nhưng bờ hồ này Cuối cùng cũng sẽ bị quên lãng."
05. Tôi muốn đi Tây Tạng
Có một bài hát là "Tôi muốn đi Tây Tạng". Trong lời ca có một đoạn thế này: "Tôi muốn đi Tây Tạng, tôi muốn đi Tây Tạng, ngắm nhìn vùng tuyết mênh mông, cảnh sắc tuyệt mĩ, sắc cỏ xanh xanh, khắp nơi đều là nơi nuôi dưỡng cho tâm hồn tôi. Tôi muốn đi Tây Tạng, tôi muốn đi Tây Tạng, ngắm nhìn sinh tử mênh mông, đã quen với những đêm tối cô độc dài dằng dặc, những bông hoa tuyết nở rộ nơi tâm phòng." Đoạn ca từ này đã đủ làm tôi mê mẩn rồi!
Tôi vẫn luôn do dự chần chừ. Hai vị thầy ở Tây Tạng của tôi là: Sakya Chứng Không Thượng sư. Đại Bảo Pháp Vương Karmapa thứ 16. Đều nói: "Đến Tây Tạng thử xem!" Thật sự đệ tử của tôi đã có rất nhiều người đi Tây Tạng, họ đều nói: "Đáng để đi xem!"
Đương nhiên tôi biết: Bây giờ đã có tàu hỏa có thể đi thẳng đến Tây Tạng. Ngồi máy bay có thể đến được sân bay Gonggar. Tôi muốn đi xem. Dòng sông Yarlung Tsangpo. Núi Tanggula. Núi Gangdise. Núi Đảng Hạng. Hồ Yamdrok. Hồ Lhamo Latso. Tôi muốn đi Chamdo, Ü-Tsang, Nagchu, vùng Kham, Guge, còn cả quê hương Shigatse của tôi. Ngắm những rặng núi cao cao, những đám mây lưng chừng, những ngọn cỏ xanh xanh, và bầu trời thăm thẳm, và tuyết trắng lấp lánh. Trời ơi! Tây Tạng trong giấc mơ của tôi, trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời tôi, khi nào tôi mới có thể lên đường đến đó? Có một buổi sáng sớm, tôi mở cánh cửa chính, một luồng không khí mát rượi phả vào mặt. Một vùng tuyết trắng mênh mông. Ngoài cửa, chẳng có cái gì cả. Chỉ có một vùng tuyết trắng mênh mông bát ngát. Lúc này, một kinh nghiệm tâm linh từ từ trỗi dậy, cuối cùng tôi dã hiểu: "Tâm của tôi và Tây Tạng từ lâu đã kết hợp thành một thể rồi." Tôi viết một bài thơ.
Hoa tuyết đầy tay áo "Có ai Có thể dùng niệm tưởng Và thực tế Mà kết hợp thành tựu
Có một người Đã đem Seattle và Tây Tạng Chuyển thành Hoa tuyết đầy tay áo
Ống tay áo dài của điệu múa kim cương Ống tay áo dài của điệu múa Tây Tạng Vẻ đẹp ấy Là sự bảo vệ lẫn nhau Không phải là khư khư cố chấp
Trăng soi sáng một vùng núi tuyết Cảnh tượng tuyệt đẹp Đúng vào lúc tôi mở cửa ra.
06. Đi thăm người bạn cũ
Thật sự, mùa hè năm nay đúng thật là quá lạnh! Vì nguyên nhân gì vậy? Bởi vì tôi đi thăm một người bạn cũ từ hồi còn trẻ. Tôi đáp một chuyến máy bay, xuống máy bay lại phải ngồi xe ô tô mấy tiếng đồng hồ nữa để đi đến một ngôi làng nhỏ yên bình ở ngoại ô thành phố lớn.
Tôi giới thiệu về người bạn cũ này trước: Ông ấy từng rất quan tâm đến tôi, thậm chí là bảo vệ tôi. Hai chúng tôi rất thân thiết với nhau. Ông ấy ủng hộ việc hoằng pháp của tôi. Chúng tôi nói với nhau mọi chuyện. Tôi tán thưởng ông ấy. Ông ấy tán thưởng tôi. Ông ấy từng treo một bức tranh của tôi ở nơi nhìn thấy đầu tiên nơi cửa ra vào, trân trọng giữ gìn những cuốn sách của tôi. Chuyện của ông ấy cũng là chuyện của tôi. Chuyện của tôi cũng là chuyện của ông ấy. Hai người quan tâm lẫn nhau. Sự đối đãi nhau như vậy đã rất đủ rồi! Tôi rất phấn khởi muốn đi thăm ông ấy. Thế nhưng, sau này chúng tôi sống quá cách xa nhau, thư từ thưa dần, tin tức ít dần, thậm chí sắp chẳng thư từ nữa rồi. Nhưng tôi vẫn thường nhớ đến ông ấy.
Lần này, vì có duyên mà tôi đã đến thành phố lớn ấy, tôi liền vội vã muốn đi thăm ông. Vừa bước vào cửa, ngay cái nhìn đầu tiên tôi đã không thấy tranh của tôi đâu nữa rồi! Tôi ngạc nhiên hỏi: "Tranh của tôi đâu rồi?" Ông ấy hỏi ngược lại tôi: "Tranh nào?" Tôi đưa cho ông tấm ảnh chụp chung hai chúng tôi mà tôi rất trân trọng giữ gìn. Ông ấy cũng không buồn nhìn thẳng, chỉ liếc bằng một con mắt. Ông ấy nói: "Tôi quên mất rồi!" Tôi nói: "Tôi lo lắng tình hình hiện tại của ông, bây giờ ông khỏe không?" Ông ấy hỏi một đằng đáp một nẻo: "Xem ra ông cũng già rồi, rất tiều tụy!" Một đứa bé chạy đến. Đứa bé đã lớn rồi, trước kia nó nhìn thấy tôi đến thì đều chạy tới ôm một cái. Tôi nói: "Con đã lớn thế này rồi!" Ông ấy bảo đứa con: "Mau ra ngoài chơi!" Khoảnh khắc này thật sự giống như một sự châm biếm, tôi giống như đi vào một ngôi nhà trống rỗng chẳng có thứ gì cả. Cảm giác lạnh như băng dâng lên trong lòng tôi, ngay cả hơi thở của tôi cũng đóng băng lại rồi. Bầu không khí yên ắng như tờ khiến tôi cảm thấy rất bất an. Tôi có thể nói gì đây chứ? Ông ấy nhìn tôi, nét mặt không có biểu hiện gì cả. Cuối cùng ông ấy nói một câu: "Tôi không còn là đệ tử của ông nữa!" Tôi gục gặc đầu, khẽ nói: "Tạm biệt!" Giống như người lạ, tôi đi ra cửa, tháo chạy khỏi cái không gian lạnh băng đó. Tôi rất sợ hãi.
Thơ:
Đổi thay "Tâm giống như tuyết Liên tục Rơi suốt đêm qua Sớm nay trời đã lại trong xanh
Chẳng có gì là vĩnh viễn Cuối cùng tôi đã hiểu Cái gọi là tình nơi thế gian này."
07. Người "thần kinh thông"
Cuộc đời này tôi rất thông hiểu linh giới. Tôi biết đủ kiểu các linh hồn (vô hình) lớn nhỏ, từ hơn bốn chục năm trước tôi đã giao tiếp với họ rồi. Về sau, cuối cùng tôi đã biết: "Thì ra linh giới cũng có những tập đoàn lừa đảo!" Vì thế, linh giác của tôi càng ngày càng tinh, tinh đến mức chỉ còn lại những vị Bồ Tát mà tôi thông thuộc biết rõ như lòng bàn tay.
Được rồi! Tôi kể cho mọi người nghe một chuyện. Có một số người tự xưng là người thông linh. Thật ra không phải là thần thông, mà là "thần kinh thông". Kiểu người thần kinh thông này, xung quanh họ thật ra đều là yêu ma, sẽ dẫn đến kết quả là: Họ giao tiếp với những linh cấp thấp. Trong miệng toàn là chuyện thần thông, nhưng thật ra đều là chuyện thần kinh, là tự thần kinh của họ bịa đặt mà ra. Lừa mình. Và lừa người. Đôi khi tôi nhìn họ, căn bản là chẳng hề thông linh mà cũng có thể tạo ra chuyện thông linh, không có thần thông mà cũng có thể tạo ra chuyện thần thông, hơn nữa còn càng ngày càng kì lạ. Họ dần dần rơi vào: "Thần kinh thông!" (Lừa bịp) Họ khoác lác rằng chỉ cần nói một câu, tất cả Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, La Hán, Kim Cang, Hộ Pháp, Không Hành, Chư Thiên trong hư không đều đứng dậy vỗ tay. Tiếng vỗ tay vang thập pháp giới. Tạng Ngã Như Lai hiển thần thông. Ai nghe xong cũng đều như say như si, lũ lượt mang tiền của tới giao nộp. Có ai biết không? Đương nhiên tôi biết. Tất cả các thần chân chính đều biết. Họ là những kẻ thần kinh thông. Hùa theo gu của chúng sinh, chỉ có những chúng sinh lầm lạc mới khúm núm quỳ mọp dưới ống quần kaki của họ. Ha ha! Tương lai, dưới địa ngục, sẽ có rất nhiều đầu lâu đội mũ Ngũ Phật thuyết pháp cho chúng sinh ở địa ngục. Thuyết về pháp thần kinh thông. Tôi viết một bài thơ vậy!
Ai biết "Có ai biết chứ Chính vì có ai biết chứ Cho nên Chỉ có bạn tự biết mà thôi
Đừng biến chúng sinh thành những con lợn Tự mình mê Lại khiến chúng sinh cùng mê Trên đường đạo tu hành đã đánh mất Chỗ nương dựa
Thượng sư Bổn tôn Hộ pháp Không thể coi thường
Chuyện thần thông hợp gu đại chúng Nghìn năm đều như thế Thử hỏi Khi nào mới tự tỉnh hết lạc đường."
08. Cảm giác ở Đài Loan của tôi
Khi ở Đài Loan, tôi thật sự rất ít đi ra ngoài, bởi vì bên ngoài đều là các hạt bụi mịn PM2.5. Núi mờ mịt. Chim mờ mịt. Người mờ mịt. Ngay cả những tòa nhà cao tầng cũng mờ mịt. Ngoài lúc đi ăn cơm, tôi ngồi trong xe kín, đến một phòng ăn kín, rồi lại trở về trong nhà kín. Ở nhà tôi chỉ có: Tu pháp. Viết văn. Dưới nhà tôi, ban ngày tiếng xe cộ ồn ào thỉnh thoảng lại rộ lên, tiếng rao hàng, tiếng còi của cảnh sát, tiếng xe cộ, xe ô tô, xe máy, người đi bộ. Tiếng phanh xe, két! Két! Két! Xịch! Xịch! Xịch! "Binh" một tiếng to. Tai nạn rồi! Người lăn xe lật! Mở ti vi lên thì ở đâu cũng có tai nạn giao thông, từ bắc tới nam, từ đông tới tây. Hại tôi suốt cả ngày niệm A Di Đà Phật. Nếu như không phải tai nạn giao thông thì sao đây? Thì lại là những tin tức về ẩm thực, cái gọi là tin tức kiểu "ăn xổi" đặc biệt nhiều. Các tiết mục có tính chính luận cũng rất kích thích thần kinh, đôi bên đối đáp, đấu đôi, đấu nhóm, đấu đơn, ai cũng nhao nhao nói, mồm năm miệng mười. Rất đáng sợ! Chà! Tổng thống Thái Tiểu Anh, người phụ nữ đứng vị trí mười bảy trong số một trăm phụ nữ quyền lực nhất đã xuất hiện rồi! Tôi chỉ cần nhìn thấy cái mũi của bà ấy là tôi lại tự lẩm bẩm: Tôi trở về đây làm gì chứ? Vì lễ Hộ Ma (hỏa cúng) vào mỗi thứ bảy, các đệ tử ở các nước Đông Nam Á vội vàng đến Đài Loan Lôi Tạng Tự. Pháp hội vạn người. Mỗi ngày thứ bảy đều như thế.
Tôi làm: Sự nghiệp hoằng pháp. Lúc này, tôi mới cảm thấy mình đang sống, bằng không, tôi thật sự sẽ chết ở Đài Loan. Ứng với câu nói: Sinh làm người Đài Loan. Chết làm ma Đài Loan. Mảnh đất Đài Loan này nhỏ bé quá, nhỏ đến nỗi người bình thường như tôi đây cũng có thể lên tin tức, lên truyền hình.
Viết một bài thơ:
Hoàng hôn ở Formosa "Ánh nắng hoàng hôn Đỏ ối Vẫn cứ Treo trên những lớp mành cửa sổ
Quán rượu đêm Rượu tiên ngon làm sao Những kẻ thử rượu Xếp hàng kín cả lan can
Lái xe sang Lượn vòng vèo như cầu vồng Bạn bè gặp nhau Tay bắt mặt mừng
Duy trì hiện trạng Để hòn đảo xinh đẹp mãi mãi được yêu mến."
09. Dự đoán về năm Khỉ
Năm 2016 là năm Khỉ, phóng viên phỏng vấn tôi hỏi: "Ngài cho năm con Khỉ bao nhiêu điểm?" Tôi đáp: "30 điểm." "Chà!" - Phóng viên sửng sốt: "Thấp như vậy ư, có chuyện gì vậy?" Tôi đáp: "Năm Hỏa Hầu là một năm động loạn, tôi nói, kinh tế Đài Loan biểu hiện không tốt. Các yếu tố đất, nước, lửa, gió đều tập trung, thế cục bất an, chỉ có thể cho 30 điểm."
Điều tôi nói không sai: Đất --- đã xảy ra trận động đất lớn ở Đài Nam, tương lai vẫn còn nữa… Nước --- sân bay Đào Viên bị ngập lụt lớn, tương lai vẫn còn nữa… Lửa --- căn buồng sắt ở Miêu Lật đã thiêu chết chín người, tương lai vẫn còn nữa… (Xe cháy khiến 26 người chết.) Gió --- cơn bão cuối tháng bảy… (Trận bão ở Đài Đông.) Kinh tế cho đến hiện tại: Tổng cộng có mười sáu phần tối. (Xuất khẩu)
Tôi tự dự đoán năm con Khỉ cho chính mình: hai nạn lớn, ba nạn nhỏ. Hai nạn lớn --- tôi đã bị ốm hai tháng, cũng có khả năng mất luôn tính mạng, thoát chết trong gang tấc. Chín đệ tử mất đi truyền thừa đã chết. Ba nạn nhỏ --- lần lượt từng việc phát sinh, không đáng để kể ra với người ngoài. Chao ôi! Chuẩn quá!
Mấy năm nay tôi dự đoán đều chuẩn xác không sai, phóng viên phỏng vấn nói: "Lư Sư Tôn, vào mỗi dịp đầu năm, thần toán của ngài luôn khiến người ta đập bàn kinh ngạc, không có lần nào là không chuẩn, đây là nguyên nhân gì?" Tôi đáp: "Người tính không bằng trời tính!" Phóng viên hỏi: "Không thể thay đổi sao?" Tôi đáp: "Cộng nghiệp." Phóng viên hỏi: "Hai nạn lớn, ba nạn nhỏ của ngài cũng không có cách nào cải vận sao?" Tôi đáp: "Là phúc thì chẳng phải họa, đã là họa trốn chẳng xong." Cải vận không dễ. Nhưng đương nhiên có thể thay đổi. Tình hình thế giới càng ngày càng căng thẳng, như năm con Khỉ, khí hậu thế giới sẽ rất khác thường kì dị!
Viết một bài thơ:
Tính toán "Lấy la bàn bày ra Thấy lòng se lạnh Cây kim nhỏ bé ấy Rung rung Tình hình thế giới Thiên lệch dị thường
Bấm ngón tay thần toán thấy rằng Tình hình chẳng hề sáng sủa Nói rằng tháng năm năm nay Tôi sẽ quy tiên
Vội vàng thắp lên một nén hương Cúng một thế thân Để ngăn chặn Bắc Đẩu Nam Đẩu chẳng còn ai quản Lúc này Nhân gian khắp nơi đều điên cuồng."
10. Bản thân kì dị
Xin hãy tin bản thân tôi. Cái bản thân này thật ra vô cùng xa lạ, ở trước tấm gương, dùng con mắt cá chết để mà nhìn bản thân, phải ghi nhớ cái khuôn mặt ở trong gương ấy. Nhưng bạn có tin không? Tôi mãi mãi không nhớ được khuôn mặt mình. Có thể quán tưởng Bổn tôn. Có thể quán tưởng Hộ pháp. Có thể quán tưởng Thượng sư. Có thể quán tưởng tình nhân. Nhưng lại không thể quán tưởng chính mình. Có lạ không? Cái người lạ này có phải người tốt không? Hay là kẻ xấu? Hay là không tốt cũng không xấu? Ý nghĩ thật vô cùng kì quặc. Ý nghĩ có mãi mãi là chính niệm không? Là thánh nhân sao? Không dám nói. Là ác nhân sao? Không nói được. Tôi từng hỏi chính mình, tôi cũng tự lẩm bẩm nói quanh co. Thuyết pháp kể chuyện cười. Còn cả biểu diễn tạp kĩ, bao gồm: Ca hát. Đánh quyền. Chống đẩy toàn thân. Cởi áo. Làm rất nhiều động tác kì quái. Chỉ khác là không có nhảy múa mà thôi. Khi vui thì cười lớn. Khi buồn thì khóc to. (Có người nói: "Xưa nay chưa từng thấy một lão pháp sư nào ngồi trên pháp tọa mà khóc từ đầu đến cuối.") Thế nhưng, Xin hãy tin tôi. Tôi thật sự có sức mạnh vô hình, biết rất nhiều về kiếp quá khứ, biết rất nhiều về kiếp tương lai. Biết xem bói. Có thể đánh đuổi rất nhiều ma quỷ! Tôi có thể thần hành. Có thể bay. Bản thân tôi biết trong lòng người khác đang nghĩ trò gì. Tôi có đại lực. Tôi biết thế giới này sẽ phát sinh chuyện gì. Tôi có thể đến Thiên giới, Địa giới, Thánh giới. Sức mạnh này khả năng là trời sinh, lại cộng thêm nỗ lực tu luyện của bản thân. Tôi cảm thấy bản thân mình cũng vô cùng kì dị, cuộc đời của tôi đều là những chuyện kì dị. Giờ đây tôi đột nhiên cảm thấy: Thật đáng chết! Tôi viết như vậy, chẳng phải là công khai thông tin của tôi sao?
Thơ: "Tôi vẫn luôn tự thương xót mình Nói không được cũng không được Nói được cũng được Cũng không hiểu rõ Được mà cũng không được
Tôi thuyết pháp rất thoải mái tự nhiên Còn người ta thuyết pháp Đầy giả dối
Nhưng thật sự có một nguồn sức mạnh Từ bản thân đến hư không Không diễn tả nổi."
11. Lừa đảo khắp nơi
Đó là khi tôi ở Đài Loan. "Reng…." Điện thoại trong nhà vang lên, tôi nhấc ống nghe lên. Đối phương nói: "Cháu của ông đang ở trong tay tôi…." - Đối phương truyền đi tiếng trẻ con khóc. Tôi hỏi: "Cháu tôi nói tiếng gì?" Đối phương nói: "Vớ vẩn, đương nhiên là tiếng Đài Loan!" Tôi nghe xong. "Cạch" một tiếng, tôi gác điện thoại. (Cháu tôi sinh ra ở Mỹ, chỉ biết nói tiếng Anh.)
Còn nữa: "Reng…." Đối phương nói: "Bạn chưa trả tiền điện thoại, chúng tôi sẽ cắt điện thoại của bạn." "Để kiểm tra, xin ấn số x, để trả phí xin ấn số x,…" Tôi quay qua hỏi Sư Mẫu: "Chúng ta chưa trả tiền điện thoại sao?" Sư Mẫu nói: "Chi phí của chúng ta đều do ngân hàng tự động trừ tiền, không có chuyện chưa trả, nhất định là tập đoàn lừa đảo rồi." Tôi "cạch" một tiếng, rồi lại gác điện thoại.
Còn nữa: "Reng…." Đối phương nói: "Ông rút thăm trúng thưởng, đã rút trúng một chiếc xe ô tô." Chà! Tôi rất vui mừng! Quả nhiên tôi cũng có thể rút thăm trúng thưởng lớn. Đối phương nói: "Xe hiện nay đang ở hải quan, cần trả thuế, khoảng xx tiền, và phí vận chuyển là xx tiền. Ông vẫn lời rất nhiều, xin hãy chuyển tiền trước, 9 giờ sáng thứ sáu chúng tôi sẽ giao xe đến." Tôi chợt bình tĩnh lại. Tôi hỏi: "Tôi rút thăm trúng thưởng ở đâu?" Đối phương đáp: "Bách hóa XX." Tôi nghĩ, tôi chưa từng đi đến bách hóa XX mà! "Cạch" một tiếng, gác điện thoại luôn.
Chà! Thật là, lừa đảo khắp nơi! Các tập đoàn lừa đảo ở Đài Loan thật là nhiều, những người bị lừa cũng có rất nhiều phần tử tri thức cao cấp. Như giáo sư. Như thẩm phán. Như quan chức chính phủ. Như nghệ sĩ. Hiện nay, Đài Loan là vương quốc lừa đảo, đã nổi danh toàn thế giới rồi, Kenya ở Châu Phi, Malaysia, Indonesia là các tập đoàn xuất ngoại lừa đảo. Tôi muốn trao giải thưởng cho Đài Loan, giải thưởng tên là "Giải siêu lừa đảo!"
Thơ:
Muốn tu hành "Ngẫm nghĩ về biến hóa vô thường Ngẫm nghĩ về cái Không Nhân gian Ai thật sự sống đến nghìn tuổi
Ngẫm nghĩ về danh dự chính mình Ngẫm nghĩ về nhân duyên quả báo Bạn tu Tôi tu Thật sự hối hận tội lỗi
Sám hối xong Thì mới không đọa lạc."
12. Mơ và hiện thực
Trong trận ốm này, vì đã tiêm rất nhiều thuốc, cho nên tôi mê man suốt hai mươi tư giờ, có thể nói là ngày ngày đều đang nằm mơ. Tỉnh cũng là mơ. Mơ cũng là mơ. Mơ thật. Mơ giả. Dường như là mơ mà chẳng phải mơ. Tôi rất biết ơn cơn mê man này, có thể nói đó là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất. Lão hòa thượng Hư Vân đã phá vỡ không gian, chìa tay ra gia trì cho lão Lư tôi. Ông ấy nói: "Đừng có tin phụ nữ!" Tôi nói: "Người nào cơ?" Ông ấy nói: "Tất cả." (Cá nhân tôi không hề phân biệt giới tính, nhưng mà lão hòa thượng Hư Vân thì lại phân biệt giới tính.) Phụ nữ muốn chửi thì hãy chửi Hư Vân ấy.
Còn nữa: Địa Mẫu Bồ Tát đưa cho tôi một cốc nước. Uống nước xong. Ngủ rất ngon. Là Diêu Trì Kim Mẫu bảo Địa Mẫu Bồ Tát đem đến cho tôi một cốc nước để uống.
Còn nữa: Mẹ tôi đã xuất hiện trong cơn mê man của tôi, tôi nhìn thấy rõ mồn một, bà cầm một hộp kim châm nhỏ, trên cánh tay trái của tôi, bà đã châm cứu cho tôi. Sau lần ấy, chân trái của tôi hình như không còn sưng phù nữa, chứng sưng phù cũng thuyên giảm rồi!
Những việc này đều là: Dường như mơ mà chẳng phải mơ. Dường như ngủ mà chẳng phải ngủ. Tôi nhận thức được rằng, mơ và hiện thực là giống hệt nhau. Trong cơn ngủ mê man, tôi nghe thấy một bài hát, rất hay rất đẹp, âm luật vô cùng hài hòa, ca từ cũng rất đặc biệt, tôi đã nghe rất nhiều lần, tôi muốn biết là ai hát. Ai đang hát? Bởi vì đó không phải là âm thanh của nhân gian, đó là tiếng hát từ hư không, nàng ở phía sau lưng tôi hát, tôi muốn trở mình, nhưng không quay người được, không thể nhìn thấy nàng. Đôi khi tôi quay người được rồi, nhưng trong sát-na, nàng lại ở sau lưng tôi. Tôi hỏi: "Nàng là ai đó?" Nàng ấy đáp: "Bạch muội." A! Tôi biết rồi, nàng ấy là Bạch Không Hành Mẫu.
Lời ca như sau: "Trăng đang tròn Ngủ đang ngon Chàng và ta chẳng hề xa cách
Một ở trời Một ở đất Cùng gặp nhau Ta chuẩn bị cho chàng bữa tiệc thần tiên
Lư vàng bồng bềnh thả trôi khói cát tường Thiên nữ gảy lên khúc nhạc kì diệu Chúc phúc Thọ miên man
Chàng đừng gọi mình là mặt trời đã ngả về tây Bởi chàng là thiên thượng nhân gian Đại Kim Tiên."
13. Đi vào bên trong cốt truyện
Tôi thích đọc sách. Tôi và sách không phải hai, mà là một. Điều này nghe có vẻ rất kì quái! Tôi cảm thấy điều này chẳng có gì cả! Bởi vì đi vào bên trong cuốn sách cũng chính là: Tình tiết văn tự trong sách biến thành bức tranh này lại đến bức tranh khác, tôi đi vào bên trong bức tranh. Tôi không phải là người quan sát. Tôi cũng không đọc văn tự. Tôi trở thành người chuyên chú. Dung nhập. Tôi và sách là một. Đôi khi, tôi sắm những vai khác nhau, vai nam chính, vai nữ chính, vai phụ, diễn viên tạm thời… Điều này khả năng là có liên quan đến việc tôi tu tập Mật giáo. Tập trung diễn hóa tất cả thân khẩu ý bí mật của Như Lai. Thân kết ấn. Khẩu tụng chú. Ý Bổn tôn. Khi ba thứ hợp làm một, tôi liền biến thành Bổn tôn, tôi không phải là Lư Thắng Ngạn, cũng không phải là Liên Sinh Hoạt Phật, càng không phải là con người, mà là Bổn tôn. Lúc thì là Diêu Trì Kim Mẫu. Lúc thì là A Di Đà Phật. Lúc thì là Địa Tạng Bồ Tát. Thậm chí là chư Tôn. Những điều này đều là nghiệm tướng. Tôi đã quán tu nhiều năm như vậy, sự chuyên chú quá mạnh, nên rất dễ: Hai hợp làm một. Ba hợp làm một. Nhiều hợp làm một. Hợp nhất tướng. Trời ơi! Tôi có thể bay, dưới chân tôi là những rặng núi lớn, là sông Trường Giang Hoàng Hà chảy êm đềm, là những sa mạc lớn cát vàng, là núi băng, là mặt đất tuyết phủ. Con người tôi biến hóa cùng những tình tiết trong sách. Trên mặt đất bao la. Trên những cơn đại hồng thủy. Trên những cuộc hỏa hoạn. Trên những trận cuồng phong. Hoặc là, tôi tiến nhập vào hư không, nhìn ngắm ánh sáng trắng của những vì sao treo trên màn trời đen thẫm. Lúc này là tĩnh hay là động, hoặc đều không phải tĩnh hay động, chỉ trong chốc lát, những văn tự đã hoàn toàn biến mất. Tôi thật sự đã đi xuyên vào, không biết là bao lâu sau mới có thể tỉnh lại. Đặt sách xuống! Viết một bài thơ vậy!
Nhập ngã ngã nhập "Bạn đã từng nghe chưa Cái gì cũng không thấy Phía đông hay phía tây Trở thành một mặt phẳng
Đôi khi như chim én Tung cánh Vụt lên phía trước Giống như một mũi tên
Tiến vào cõi sâu xa Tôi nhập vào lưu luyến Chẳng thể nào hình dung Tất cả đều biến hiện."
14. Leo núi Chẩm Đầu
Tại nhân gian, có một việc mà tôi thích nhất, đó chính là leo núi Chẩm Đầu. Thật ra, cái tên gọi núi Chẩm Đầu có nghĩa là "đi ngủ", tôi luôn cảm thấy đi ngủ thật là thích! [ ND: Chẩm đầu có nghĩa là cái gối. ] Tôi thường nghĩ: Vô phiền. Vô não. Quên hết. Vô khổ. Điều tối tối quan trọng là không bị ai làm phiền. Chà! Thật cừ quá!
Có một lần, ở Biệt Thự Cầu Vồng, tôi nói: "Tôi muốn đi leo núi Chẩm Đầu!" Có một người mới đến, là một em gái rất xinh đẹp nói: "Để tôi đi cùng Sư Tôn leo núi Chẩm Đầu!" Tôi nhìn cô ấy. Cô ấy thật sự rất xinh đẹp. Vấn đề là, cô ấy căn bản là không biết núi Chẩm Đầu là ngọn núi nào. Những đồng môn đã biết thì cười ầm cả lên, tôi cũng cười, còn bản thân cô ấy thì không hiểu gì. Sau đó, có đồng môn nói cho cô ấy biết, núi Chẩm Đầu chính là ý nói rằng Sư Tôn muốn đi ngủ đó. A! Cô ấy há hốc miệng, khuôn mặt ửng đỏ. Rất ngại ngùng. Thành thật mà nói, một em gái xinh đẹp như vậy muốn cùng tôi leo núi Chẩm Đầu thì tôi cũng sẵn lòng. Nhưng mà, tôi còn có thể ngủ được không? Cá nhân tôi đây ngủ một mình đã hơn bốn mươi năm rồi. Tôi uống thuốc "ngủ một mình", giờ có người ở bên cạnh, tôi sẽ không ngủ được. Tôi có thói quen niệm chú, nhanh chóng thư giãn, chỉ một lúc sau đã chìm vào trong mộng huyễn. Đó là thế giới không sợ không lo không sầu. Ở trong mơ, tôi: Rất mảnh. Chầm chậm. Rất dài. Cho dù vĩnh viễn không tỉnh lại, tôi cũng sẽ không hối hận, bởi vì vô sự, vô tâm là pháp mà tôi theo đuổi, là một cảnh giới cao nhất. Tôi yêu thích việc "ngủ một mình" của mình. Điều tối tối quan trọng là không ai có thể làm phiền tôi! Bạn có biết không? Đi ngủ chính là "bế quan" chân chính của Lư Thắng Ngạn tôi đây.
Thơ:
Núi Chẩm Đầu "Trăng thanh Gió nhẹ Thế là có hứng thú Đi ngủ
Đó tuyệt đối không phải là sa đọa Tôi sẽ tiến vào vùng xanh biếc Xa xăm Nếu bảo vẫn còn có việc Thì đều là giả Tôi có thể đang Nhặt lúa
Ngày dài tựa dòng nước Đó là bay Chẳng ai có thể hiểu được Điềm lành Thiên thiên tuế vạn vạn tuế."
15. Phá bỏ khuôn mẫu của cuộc đời
Tôi thường nghĩ: Có ai phá bỏ được khuôn mẫu của cuộc đời. Khuôn mẫu của cuộc đời là cái gì vậy? Bạn không cảm thấy sao? Sơ sinh - nhi đồng - thiếu niên - thanh niên - tráng niên - trung niên - lão niên - chết. Sinh ra - đi học - tiểu học - trung học - đại học - thạc sĩ - tiến sĩ - đi làm - kết hôn - sinh con - già - chết. Những cái này chính là khuôn mẫu. Những cái này chính là kiểu cách cố hữu. Cho dù….. Không đi học. Không kết hôn. Không sinh con cái. Thì cũng vẫn phải sinh - lão - bệnh - tử. Tôi rất thắc mắc là ai đã quy định phải sống như vậy? Tôi không thích những kì kiểm tra thời còn đi học. Nhưng vẫn cứ phải thi. Thi hàng tháng. Thi giữa kì. Thi cuối kì. Thi ………. (thố).
Bây giờ tôi cũng cảm thấy kết hôn rất mệt mỏi, vì sao phải kết hôn? Chẳng phải bạn đã đi ra khỏi một khuôn mẫu, rồi lại đi vào một khuôn mẫu khác sao? Con cái, trời ơi! Tự bạn tìm đến một đống phiền não, còn có cả một đống phiền não của cháu chắt nữa. Sợ, sợ, sợ. Khủng bố, khủng bố, khủng bố.
Mỗi một khuôn mẫu đều từng khiến tôi không biết phải làm sao, mỗi một khuôn mẫu đều là các bài thi, niềm vui ít, đau khổ nhiều, để sống sót trong cuộc đời này thật gian nan! Tôi đưa ra một lời thề: Tôi phải phá bỏ những khuôn mẫu của cuộc đời. Nhất định phải làm cho rõ nội dung của cuộc đời và những điều ảo diệu trong nó. Vì thế, tôi xuất gia. Nhưng rồi, tôi phát hiện ra, xuất gia cũng lại là rơi vào một cạm bẫy khác, cũng là một khuôn mẫu. Tôi tìm đáp án. Phát hiện ra sau mỗi một vấn đề vẫn còn liên tiếp các vấn đề khác. Bây giờ tôi đã biết rồi: Khổ. Không. Vô thường. Vô ngã. Vô sinh. Cho dù có đi hết cả cuộc đời này thì đến đời sau, đến đời sau nữa, bạn cũng không thoát ra khỏi khuôn mẫu của cuộc đời. Vì thế, vô sinh mới có thể vô tử. Đây là phát hiện vĩ đại nhất trong cuộc đời này của tôi.
Thơ:
Phát hiện "Tôi như con chim én Tôi như một mũi tên Bay đi Bắn đi Vẫn không ra khỏi giới hạn của khuôn mẫu
Năm tháng như hoa Rơi đầy vườn rêu xanh Tuổi già đến Vẫn không biết thế nào là chính kiến
Cuối cùng học Phật rồi Mới bắt đầu toàn diện."
16. Quá thấu hiểu nhân gian
Tôi có thể giúp chúng sinh thần toán, chủ yếu là "bấm ngón tay thần toán", vì thế, hơn bốn chục năm nay, tôi quá hiểu con người. Bấm ngón tay thần toán là để đoán về: Tiền tài. Con cái. Sức khỏe. Nhân duyên. Kiện tụng. Chức vị. Tuyển cử. Đủ loại nghi vấn khó xử lý. Có một số ít người hỏi về pháp, cầu pháp, quán đảnh và giải trừ tất cả nghiệp chướng. Đại bộ phận thì không tách rời ba chữ "tài, sắc, danh", đây chính là nhân gian.
Người hỏi về bệnh tật cũng không ít, dù sao thì cũng là sinh, lão, bệnh, tử, đều là những thứ này. Còn có gì nữa không? Tôi nghĩ, phạm vi hỏi việc của tôi đã đủ rộng rồi. Còn như vấn đề luân hồi, vấn đề nhân quả ba đời, vấn đề vãng sinh về nơi nào, cũng đều có người hỏi. Bây giờ, thịnh hành "làng toàn cầu", có một chút hiện tượng của "thế giới đại đồng". Nhưng tôi nghĩ: Con người đều muốn trèo lên trên, trở thành người ở trên người khác. Gia đình cũng thế. Cộng đồng cũng thế. Quốc gia cũng thế. Tôi đã hiểu rất rõ về sự vận hành và thao tác của con người, gia đình, cộng đồng, quốc gia. Giờ đây, vì đã quá hiểu rõ, lịch sử không ngừng tái hiện, các sự kiện không ngừng tái diễn, quốc gia, cộng đồng, gia đình, con người đều không ngừng tái diễn. Tôi đã thấy quá nhiều rồi! Tôi đã thấy quá rõ ràng rồi! Vì quá hiểu rõ, nên tôi hoàn toàn không có cảm hứng gì đối với nhân thế gian. Bởi vì nó không ngừng lặp lại. Giống như mấy câu nói trong tiểu thuyết lịch sử: "Chuyện kể rằng những chuyện đại sự trong thiên hạ, hợp lâu sẽ tan, tan lâu sẽ hợp." Ha ha ha! Chính là cái kiểu ấy! Tôi muốn hét lớn với xã hội loài người: "Bỏ mẹ chúng mày đi!" (Căn bản tôi không muốn ở lại nhân gian này.)
Thơ:
Luận tương đối "Ăn một bát đá Giảm bớt nóng nực Giữa trưa Mặt trời gay gắt Chỉ còn lại cơn buồn ngủ mơ màng
Mùa hè nóng quá Mặt đường nhựa cũng nóng bỏng chân Những đám cháy vô cớ Đã đốt cháy đại địa
Đến mùa đông Băng tuyết như bông liễu Ngoại trừ cảnh sắc đẹp Bao kì dị tiềm tàng Nhân gian Chính là như thế đó Thay đổi tới lui."
17. Nơi nào đẹp nhất?
Đệ tử đến từ khắp nơi trên thế giới đều hi vọng tôi đến đất nước của họ, họ đều nói rằng: "Ở đó đẹp lắm!" Nói thật lòng, đời này tôi đi du lịch cũng đã đủ rồi, tôi đã đi đến rất nhiều đất nước rồi. Những nơi có phong cảnh rất đẹp tôi đều đã nhìn đến no cả mắt rồi. Tôi nói: Cái mùi vị nguyên thủy của rừng rậm Amazon. Puerto Yamata, vùng biển của Ernest Hemingway. Bắc cực quang ở Alaska. Rặng núi Grand Canyon. Biển Aegean (Ái Cầm) ở Hy Lạp. Cây bồ đề ở trong rừng rậm Vienna. Rất nhiều thác nước ở New Zealand. Ngũ Đài Sơn (Thanh Lương Sơn) ở Trung Quốc. Tám Thánh địa lớn ở Ấn Độ. Cối xay gió ở Hà Lan. Chùa chiền ở Bangkok. Hoàng cung ở Brunei. Kênh đào Panama. Hồ nước ngọt rộng lớn ở Campuchia. Lâu đài Aizuwakamatsu ở Nhật Bản trong bài hát "Trăng ở thành đổ". Tượng Phật Dược Sư khổng lồ ở Hàn Quốc. Và còn… và còn… và còn…
Đệ tử ở Thụy Điển nói: "Sư Tôn đến Thụy Điển đi, sông núi ở đây như trinh nữ, đang đợi thầy đó!" Đệ tử ở Tây Ban Nha nói: "Lư Sư Tôn đến Tây Ban Nha đi, kiến trúc ở đây mang phong cách đặc biệt lắm!" Đệ tử ở Nga nói: "Lư Sư Tôn! Điện Kremlin đang đợi thầy đó!" Đệ tử ở Kuwait nói: "Thành phố này đã khác nhiều rồi." Đệ tử ở Dubai nói: "Con đưa thầy đi xem hoàng cung của đại công quốc Ả Rập." ……………
Ôi! Con người tôi đây đã đi du lịch hai phần ba trái đất rồi, nhưng vẫn còn một phần ba trái đất chưa tới xem. Phía trên nơi rộng nhất là Greenland, cho đến đảo Christmas ở phía dưới. Thế nào là nơi có phong cảnh đẹp nhất? Tôi ngẫm nghĩ, rồi lại ngẫm nghĩ, cứ nghĩ mãi, cứ nghĩ mãi, cuối cùng tôi rút ra được một manh mối: "Bồ đề tâm là đẹp nhất, người có bồ đề tâm là xinh đẹp nhất!"
Thơ:
Bồ đề tâm đẹp nhất "Chạy khắp nơi Cuộc đời chính là chuyến du lịch Đó là câu nói của Không Hải Đại Sư Nghĩ mà xem Cá nhân tôi thì nghĩ Dừng lại nghỉ Thì càng đẹp hơn
Nhìn ra ngoài Bao nhiêu phong cảnh vẫn còn chưa đi Cho dù đã từng đi Ai có thể nhớ được Vẫn là một khối lờ mờ Một trò chơi
Hay là đi xem bồ đề tâm của chính mình Ấy là chân đế."
18. Câu chuyện chuyển nhà
Thử tính một chút về lịch sử chuyển nhà của tôi đi! Kể từ khi tôi có thể tự mình "làm chủ", tôi đã chuyển nhà từ đường Tiến Hóa ở Đài Trung đến một con ngõ ở đường Tinh Võ, rồi lại từ đường Tinh Võ chuyển đến phường Nghi Hân. Tiếp theo, lại từ phường Nghi Hân chuyển đến cao ốc Lạc Quần. Rồi lại từ cao ốc Lạc Quần chuyển đến ngôi biệt thự ở đường Tinh Võ. Nguyên nhân của lần chuyển nhà đầu tiên là vì: "Tôi tạo lập gia đình nhỏ của mình." Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ hai là vì: "Bị người ta tố giác nhà tôi ồn ào quá, bởi vì tôi xem việc cho người ta khiến khắp nơi xôn xao." Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ ba là vì: "Mỗi lần trời mưa to nhà tôi lại bị ngập." Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ tư là vì: "Gặp phải hàng xóm xấu bụng."
Trong những lần chuyển nhà ở Đài Trung thì lần chuyển nhà thứ tư là kì diệu nhất, không ngờ là lại chuyển đến ngôi biệt thự kép, hàng xóm chính là Tinh Xá Hoa Vũ của Ấn Thuận Đạo Sư. Mồng một hoặc mười lăm hàng tháng, tôi bèn đến lễ Phật ở Tinh Xá Hoa Vũ, thăm hỏi vị thầy quy y của tôi là Ấn Thuận Đạo Sư. Sau đó, gia đình nhỏ này của chúng tôi lại chuyển nhà, từ biệt thự Tinh Võ chuyển đến Linh Tiên Các ở Seattle Hoa Kì. Đây là lần chuyển nhà thứ năm. Từ Đài Loan chuyển đến Mỹ.
Tôi, Liên Hương, Lư Phật Thanh, Lư Phật Kì, bốn tên "tiểu tử" rất dũng cảm đến một đất nước khác lập nghiệp, mỗi người chỉ đem theo một túi đồ, ngay cả hành lý cũng không có.
Ở Mỹ, chúng tôi trú tại quận Ballard, chính là Linh Tiên Các. Tiếp theo lại từ Linh Tiên Các chuyển đến Chân Phật Mật Uyển. Từ Chân Phật Mật Uyển chuyển đến hồ U Linh. Từ hồ U Linh chuyển đến tiểu Nam Sơn Nhã Xá. Từ tiểu Nam Sơn Nhã Xá chuyển đến đại Nam Sơn Nhã Xá.
Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ năm là: "Diêu Trì Kim Mẫu bảo tôi đi Mỹ!" Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ sáu là: "Chuyển đến ở cạnh chùa Tổ Lôi Tạng Tự." Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ bảy là: "Chân Phật Mật Uyển trở thành nơi làm việc của tôi." Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ tám là: "Diêu Trì Kim Mẫu nói, có pháp nạn, phải mau chuyển đi." Nguyên nhân của lần chuyển nhà thứ chín là: "Pháp nạn đã được giải trừ, hãy đến Nam Sơn Nhã Xá đi!" - Diêu Trì Kim Mẫu bảo vậy. Thế rồi tôi sống ở đây đến bây giờ. Trời ơi! Cuộc đời tôi đã chín lần chuyển nhà. Có còn chuyển nhà nữa không thì có trời mới biết! Tôi thử nghĩ, đại khái là, tôi chỉ nói đại khái, khả năng lần chuyển nhà thứ mười sẽ là đại viên mãn rồi. Tôi sẽ chuyển đến tây phương Cực Lạc thế giới, đến Ma Ha Song Liên Trì, khi ấy, tôi đã viên tịch rồi. Đây chính là cuộc đời chuyển nhà của tôi.
Thơ:
Chim nhạn phương nam "Có lẽ Tôi là con chim nhạn Thay đổi hoàn cảnh sống Để thân tâm an bình
Cảm thấy bản thân thật non nớt Có phần khốn đốn Chỉ muốn Chỉ muốn Chạy trốn
Đời người chỉ trong một tích tắc Chuyện cũ đã qua Đừng vướng bận trong lòng."
19. Tán thán: "Nước"
Còn nhớ không? Khi tôi đi học ở Tiểu học Đại Đồng Cao Hùng, bên trái trường học có một hồ bơi, đến giờ học bơi, thầy giáo đẩy tôi xuống nước. Lần đầu tiên xuống nước, tôi đã biết quạt tay đạp chân, hầy! Tôi tự nhiên đã biết bơi rồi. Chưa từng có ai dạy tôi bơi. Tôi tự nhiên biết bơi. Thật ra cũng không cần phải lấy làm lạ, ở trong thai mẹ, tôi sớm đã học bơi suốt mấy tháng rồi. Hơn nữa, khi tôi làm con tinh trùng, chẳng phải là tôi đã giành giải quán quân bơi lội mới có thể sinh ra chính tôi sao.
Về sau, phạm vi bơi lội của tôi đã trở nên rộng hơn: Hồ bơi. Suối. Sông. Hồ. Biển. Còn nhớ lúc nhỏ, tôi đến hồ bơi thành phố Cao Hùng để đi bơi, một hôm có cơn giông lớn, hồ bơi đóng cửa, tôi trèo hàng rào dây thép gai để vào, dưới trời mưa to, tôi vẫn bơi. Suối, sông, hồ đều có dấu chân của tôi, có điều mỗi khi trở về nhà, tôi đều bị bố mẹ đánh. Khi còn nhỏ, tôi đã đi bơi ở vịnh Tây Tử, tôi có thể bơi từ chỗ cạn đến đê chắn sóng, vượt ra khỏi bờ kè, nghĩa là bơi ra biển.
Còn nhớ một câu chuyện cười: Có một nhà thơ đến bên bờ biển, ca ngợi biển rằng: "Biển ơi, biển ơi, người là mẹ của ta." Đột nhiên, một đợt sóng lớn xô đến, nhà thơ bị ướt như chuột lột, nhà thơ nói: "Ôi! Thì ra người là mẹ kế!" Ha ha ha!
Tôi thật sự đã bơi ngoài đại dương, đó là ở ngoài khơi Puerto Yamata ở biển Mexico. Tôi là một thi nhân biển chân chính. Tôi nhặt vỏ sò. Tôi nhặt đá ở biển. Tôi lặn bắt tôm hùm. Tôi bắt cá ở vịnh Bành Hồ. Tôi thích ngắm biển. Tôi nghe tiếng rì rà rì rầm của biển. Tôi ở bên bờ biển ngắm mặt trời, từ từ chìm vào trong đại dương, nhìn mặt trời lặn của buổi chiều tà. Tịch dương hồng mấy độ. Tịch dương hồng mấy độ. Tịch dương hồng mấy độ. Tôi nghĩ: Tôi còn có bao nhiêu lần tịch dương hồng mấy độ nữa đây?
Thơ: "Tán dương nước Chăm chú ngắm biển Nước bằng phẳng Nước nhấp nhô Nước rốt cục vẫn là Tròn đầy
Nước rì rầm Tiếng nước Sóng thì thầm Tiếng đàn
Nghìn tuổi Vạn tuổi Vẫn là Hàng năm
Chưa từng thành sắc đỏ Một bữa tiệc vĩnh hằng Bày trước mắt thi nhân."
20. Tiếng vỗ tay của biển người
Tôi nhớ một bài hát tên gọi: "Tiếng vỗ tay vang vọng". Bài hát này rất giống với cuộc đời của tôi, nhưng cũng không hoàn toàn giống, người khác thì là ca hát, còn tôi thì thuyết pháp, nói Phật pháp. Ở Đài Loan Lôi Tạng Tự, tôi thuyết pháp, mỗi lần đều có trên vạn người đến nghe tôi thuyết pháp. Trên thực tế, đây chính là cuộc sống của tôi, một tuần một lần lên pháp tọa, cũng có thể nói rằng: "Lặp đi lặp lại." Người đến nghe pháp, quá nửa là đến từ Đài Loan, Đông Nam Á, cũng có người đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, đệ tử của tôi có ở khắp các nước trên thế giới. Họ ùn ùn kéo đến nghe pháp, tiếng vỗ tay không dừng dứt. Tôi không dám tự mình đề cao chính mình, ví dụ như: Thuyết pháp hay. Thuyết pháp giỏi. Thuyết pháp khéo. Thuyết pháp hài hước. Thuyết pháp không chê vào đâu được. Nhưng bất kể là thuyết thế nào thì luôn luôn là tiếng vỗ tay không ngớt vang lên.
Tôi thuyết pháp, tôi tự biết rằng: Lý lẽ viên dung thông suốt. Về phương diện pháp, tôi cũng là thực tu, có thể có được những nghiệm tướng và tương ứng rất cụ thể. Tôi không khoác lác! Tôi thật sự đã tu được những nghiệm tướng khiến người ta không dám tin, nói ra thì khiến người ta líu lưỡi không nói nên lời. Tôi thông hiểu tứ Thánh giới. Thông hiểu Thiên giới. Thông hiểu nhân giới. Thông hiểu quỷ giới. Tôi lặng lẽ hoằng dương Phật pháp, người tin tôi thì tự sẽ tin, người không tin tôi thì tự sẽ không tin, tin hay không tùy bạn.
Cuộc đời tôi có một nguyên tắc, tôi theo phái tự do dân chủ, đệ tử cứ đến rồi đi. Người đến tự họ đến. Người đi tự họ đi. Bản thân tôi hiểu rõ, dù tôi là người đã chứng ngộ, nhưng cũng không thể miễn cưỡng người khác nhất định phải tín nhiệm tôi làm Căn bản Thượng sư.
Đương nhiên tôi biết: Sẽ có rất nhiều người mượn Phật pháp để mà lừa gạt chúng sinh. Nhưng tôi cũng không tức giận! Bởi vì đây là vấn đề về cái duyên. Tôi quá may mắn rồi, mỗi lần pháp hội đều có trên vạn người, hơn nữa lần nào cũng vang lên tiếng vỗ tay không ngớt. Có một ngày, tôi cũng tự biết: Tôi sẽ được chôn cất, được mai táng dưới những tràng vỗ tay!
Thơ:
Chân thực "Vốn dĩ ở trong tứ Thánh giới Xuống cõi phàm nhơ đục Chí hướng đặt vào hoằng pháp lợi quần sinh
Điều tôi nói hoàn toàn là thật Chỉ mong con người có huệ nhãn Đi theo bậc trí giả Phúc huệ sẽ gia tăng
Chẳng phải vì những tràng vỗ tay Danh Lợi Chúng chỉ là những thế tục đế Điều tôi thật sự muốn Là báo đáp Phật ân."
21. Ngoài việc thỉnh Phật trụ thế
Mười lời nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát:
- Lễ kính chư Phật.
- Xưng tán Như Lai.
- Quảng tu cúng dường.
- Sám hối nghiệp chướng.
- Tùy hỉ công đức.
- Thỉnh truyền pháp luân.
- Thỉnh Phật trụ thế.
- Thường tùy Phật học.
- Hằng thuận chúng sinh.
- Phổ giai hồi hướng.
Năm 2016, sinh nhật của tôi ngày 18 tháng 5 âm lịch rơi vào ngày 22 tháng 6. Vì năm 2016 tôi bị một trận ốm nặng, cho nên các đệ tử đã bừng bừng khí thế "thỉnh Phật trụ thế". Thời gian này, dòng người từ các nơi đổ về để chúc thọ tôi và "thỉnh Phật trụ thế". Mỗi đệ tử gặp tôi đều nói: "Khỏe mạnh sống lâu, xin Phật trụ thế!" Tôi vui vẻ đồng ý. Các chùa, đường, hội đều làm pháp hội, đều là pháp hội "thỉnh Phật trụ thế". Có Lương Hoàng Bảo Sám. Có Liên Hoa Đồng Tử. Có pháp hội Trường Thọ Phật để "thỉnh Phật trụ thế", pháp hội Tôn Thắng Phật Mẫu, Bạch Độ Mẫu, đều là những pháp hội cầu kéo dài tuổi thọ. Có trì tâm chú. Có niệm Chân Phật Kinh. Có niệm Cao Vương Kinh. ... Những cái này đều không có gì đáng trách.
Nhưng, Cũng có một số người đã làm kinh doanh trên việc "thỉnh Phật trụ thế". Bán rượu sống thọ "thỉnh Phật trụ thế". Bán thuốc lá trường thọ "thỉnh Phật trụ thế". Bán hương trường thọ. Bán thuốc viên trường thọ. Bán hỏa cúng trường thọ. Bán giấy vàng mã trường thọ. Đều gắn lên cái biển hiệu "thỉnh Phật trụ thế". Tôi dám bảo đảm rằng họ vì việc "trụ thế" của tôi mà đã phải động não ghê lắm, rồi làm rất nhiều vụ kinh doanh, nhờ "thỉnh Phật trụ thế" mà kiếm được món hời lớn. Tôi thốt lên: "Vì tôi bị ốm mà thỉnh Phật trụ thế, nhờ đó mà kiếm bộn rồi!" Ôi! Tôi dạo bước bên hồ, gió thổi lên tôi mát rượi, tôi cảm thán: "Lão phu! Không thể ốm được!"
Thơ:
Thọ "Cúng hoa Mong cho khuôn mặt Đẹp Cúng hương Mong cho thân thể Khỏe Cúng đèn Mong cho ánh sáng Hiện Cúng trà Mong cho trường thọ Tiên Cúng quả Mong cho quả vị Tăng trưởng chứng đắc Phật bảo điện."
22. Xin đừng giới thiệu tôi ra bên ngoài
Tôi nói với đệ tử và những người khác: "Cho dù thế nào, xin đừng giới thiệu tôi ra bên ngoài!" Người ta hỏi lại rằng: "Chẳng phải ngài từng nói, nếu không tiêu thụ thì sẽ tiêu tùng sao. Vì sao lại không giới thiệu?" Tôi nói: "Tôi đã 72 tuổi rồi, xin để tôi dừng lại ở đây thôi!" "Sao lại không chứ?" - Người hỏi. Tôi nói: "Không còn trẻ nữa rồi!" Người hỏi: "Ngài muốn người ta quên ngài đi ư?" Tôi cười: "Đó là hiện tượng tự nhiên, con người trên đời, họ chỉ nhớ đến hiện tại. Quá khứ sẽ dần dần bị lãng quên, giống như Trường Giang sóng sau xô sóng trước, đợt sóng trước đã chết trên bãi cát rồi." Người nói: "Ngài sẽ không chết đâu!" Tôi nói: "Trên thế gian không có con người bất tử!" Người nói: "Đời người bảy chục mới bắt đầu mà." Tôi nói: "Bảy chục mới bắt đầu... rụng răng đó!" Người nói: "Ngài sẽ không đâu." Tôi nói: "Có chứ." Tôi nói: "Sẽ có một ngày, con người sẽ quên rằng từng có một người tên là Thánh Nghiêm. Cũng sẽ có một ngày, con người sẽ quên rằng từng có một người tên là Duy Giác. Cũng thế, sẽ có một ngày, con người sẽ quên rằng từng có một người tên là Lư Thắng Ngạn."
Giống như hôm nay, tôi hỏi một Phật tử: "Anh có biết trưởng lão Bạch Thánh không?" Phật tử đó đáp: "Bách tính sao có thể là trưởng lão được?" [Bạch Thánh, nghe như Bách tính] Phật tử đó nói: "Ý của ngài là mỗi một bách tính đều có Phật tính ư?"
Tôi không muốn nói gì nữa, Khổng thánh nhân ơi, bảy mươi ba tuổi đã đi rồi, con người bây giờ không còn Khổng Tử nói này, Khổng Tử nói nọ nữa đâu. Tô Đông Pha sáu mươi tuổi đã trả tự do cho thê thiếp, Tô Đông Pha có rất nhiều điều lưu truyền, nhưng con người ngày nay chỉ nhớ đến "thịt nấu đông" thôi. Ha ha! "Mọi người còn muốn giới thiệu tôi đến nơi nào nữa, giới thiệu đến Châu Phi sao?" Tôi không phải là: "Lu ủ mắm" đâu!
Thơ:
Quên "Quên mất rồi cái việc soi gương Bản thân tôi chẳng còn hay biết Mình béo hay gầy
Tên gọi ở thế gian Còn ai có thể nhớ được người xưa Những năm qua Tôi đã hiểu thấu rồi
Buổi sáng ngủ dậy Buổi trưa ngủ dậy Thậm chí tỉnh dậy sau khi chợp mắt Không ngờ quên sạch lúc nào ở đâu
Chỉ biết mặt trời mọc lặn vẫn y như cũ."
23. Cảm nhận sau trận ốm nặng
Sau trận ốm nặng, tôi ngồi trên pháp tọa, chỉ nói một câu: "Sức khỏe là quan trọng nhất, những cái khác đều không quan trọng. Còn nữa, trong tâm có ánh sáng là quan trọng nhất, những cái khác không còn nữa." Ý tôi muốn nói rằng: Tôi chỉ còn lại hai điều quan trọng:
- Sức khỏe. (nhập thế)
- Quang minh. (xuất thế)
Một đệ tử nữ bất ngờ nói với tôi: "Con không quan trọng sao?" Tôi nghe xong, cười khanh khách. Tôi nghe Bắc Triều Tiên thử bắn mấy tên lửa đạn đạo, có ý dọa dẫm. Tôi cười lớn ha ha ha. Tôi thấy Trung Quốc đối đầu với Mỹ, Nhật, Ấn Độ ở biển Nam Hải, bão táp Nam Hải hết sức căng thẳng. Tôi cười lớn ha ha ha. Tôi thấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan tranh chấp chủ quyền ở đảo Senkaku (quần đảo Tiêm Các). Tôi cười lớn ha ha ha. Tôi thấy giá dầu hỏa lên xuống, giá vàng lên xuống, giá cổ phiếu lên xuống. Tôi cười lớn ha ha ha. Tôi thấy có Thượng sư Chân Phật Tông xây Lôi Tạng Tự lớn nhất thế giới. Tôi cười lớn ha ha ha. Tôi thấy Thượng sư Chân Phật Tông muốn tậu đám đất rộng để phục vụ nhiều công năng, tiêu tốn một khoản tiền lớn. Tôi cười lớn ha ha ha. ...
Có đệ tử hỏi: "Lư Sư Tôn! Vì sao lại cười?" Tôi đáp: "Có gì quan trọng đâu!" Đệ tử hỏi: "Chẳng phải ngài muốn đập bỏ Chân Phật Mật Uyển, xây mới lại từ đầu một tòa nhà Chân Phật Mật Uyển ba tầng sao?" Tôi đáp: "Tôi đã không còn cái tâm ấy nữa rồi!" Đệ tử hỏi: "Trên thế gian này, ngài còn muốn làm gì nữa?" Tôi đáp: "Chẳng muốn làm gì cả!" Tôi lại nói: "Không muốn làm cái gì cả, nghĩa là vô tâm. Bởi vì trong lòng tôi, chẳng có cái gì là quan trọng nữa!"
Thơ:
Chẳng quan tâm "Từ lâu đã chẳng buồn xem bói Mặc kệ là hung ác Hay là cát tường
Tâm đã vỡ vụn từ lâu Phỉ báng cũng được Ca tụng cũng được Tôn sùng cũng được Vẫn cười như thường Mặc kệ Đê tiện hay cao quý
Hôm nay có rượu hôm nay say Cho dù chỉ là so sánh Nhưng Thật sự là thế Chỉ mong từ đây được ngủ dài."
24. Khúc hát bi thương của Bắc Cực
Một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới đã chuyển cây đàn dương cầm đến Bắc Cực ngập tràn băng tuyết. Tấu lên giai điệu: "Khúc hát bi thương của Bắc Cực"! Khắp xung quanh là tuyết trắng óng ánh. Lạnh căm căm. Không có một bóng người. Chỉ có tiếng đàn bay bổng trong không gian kì ảo, trở đi trở lại.
Nghe đâu: Trái đất nóng lên, những núi băng ở Bắc Cực đã tan mất hai phần ba rồi, chỉ còn lại một phần ba thôi. Bắc Cực đã không còn là Bắc Cực trước đây nữa. Kết quả của việc trái đất nóng lên là ngay cả những động vật ở Bắc Cực đều cực kì ít khả năng sống sót. Trái đất nóng lên, đương nhiên là ảnh hưởng đến toàn thế giới, khí hậu biến đổi, địa lý biến đổi, thời tiết biến đổi, núi sông đại địa đều biến đổi rồi. Đất. Nước. Lửa. Gió. Đều biến đổi. "Nóng chết mất!" Thật đó! Rất nhiều người đã chết vì nóng!
Tôi luôn có một cảm giác, tất cả mọi thứ vẫn luôn ở trong sự vô thường. Trên thực tế, thế giới này không hề là một trạng thái bình thường, mà là luôn luôn chuyển biến. Con người luôn luôn không tự ý thức được rằng, vũ trụ này, trái đất này, thế giới này, quốc gia này, gia đình này, con người này, đều đang biến đổi. Ngay cả tình yêu nhỏ bé ấy cũng đang biến đổi, lúc thì nóng, lúc thì lạnh, một chốc đã không còn, một chốc đã thành không. Tôi vẫn thường trở về Đài Loan qua mùa đông. Sau đó trở về Seattle qua mùa hè. (Bởi vì mùa hè ở Seattle giống như mùa đông ở Đài Loan vậy.) Nhưng mùa đông ở Đài Loan đã không còn lạnh nữa rồi. Mùa hè ở Seattle cũng không còn quá lạnh nữa. Tôi phải làm sao đây? Con người tôi rất sợ nóng, có muốn chuyển nhà đến Bắc Cực không nhỉ? Có đi nghe "khúc hát bi thương của Bắc Cực" không? Sẽ có một ngày. Bắc Cực không còn núi băng nữa, cũng không còn tuyết, bạn muốn tôi chuyển đến đâu? Trong lòng tôi gào lên: "Ông trời ơi! Ông trời ơi! Ông trời ơi!"
Thơ:
Bốn mùa "Xuân có hoa Hè có gió Thu có trăng Đông có tuyết Đó là khúc ca của bốn mùa!
Phong hoa tuyết nguyệt Thời gian đâu còn nhiều Nóng lên Mặt đất khắp nơi đầy khói bụi!
Bắc Cực Có người đánh đàn Hát lên khúc Phải làm sao!
Ngước nhìn ông trời A! A! A!"
25. Đứng trên đỉnh ngọn sóng
Tôi muốn viết ba bài thơ, tiêu đề là "Đứng trên đỉnh ngọn sóng". Vì sao lại là tiêu đề này, đáp án rất đơn giản.
- Tôi không phải sống, thì là chết.
- Tôi không phải nổi, thì là chìm.
- Tôi không phải lên, thì là xuống.
- Tôi không tiến lên, thì rơi rụng.
- Tôi không phải thần, thì là quỷ.
Bài thứ nhất: "Dường như chẳng có thời gian ngơi nghỉ Tôi giống như đang đi bước đều Tiến lên trước Bất kể là cành liễu rủ Bất kể là mầm cỏ xanh
Thời gian trong nháy mắt Chỉ khiến người ta luyến tiếc Con người đứng trên đỉnh ngọn sóng Là để chỉ Cái mơ màng
Đương nhiên tôi có kì ngộ Tôi không hoài nghi Nhưng chúng sinh Tặc lưỡi kinh ngạc
Cuộc đời vội vã hối hả như thế Nghìn dặm Vạn dặm Đôi khi ngoảnh đầu nhìn lại Khiến người ta thật nhớ nhung"
Bài thứ hai: "Tôi có ba cái siêng Viết văn Tu pháp Hoằng pháp Nhà ở Tây Thành
Hộ pháp thường ở bên Khẩu tụng chú Ý Bổn tôn Kết nên ấn triệu gọi Móc vào áng mây trôi
Linh nghiệm không tính xuể Chẳng phải dương Thì là âm Bát quái tùy thân chuyển Chư thiên nhậm ngã hành."
Bài thứ ba: "Ngồi thiền trong thâm nghiêm Cửu chuyển nhậm phi đằng Hơn ở nơi đỉnh sóng Không đâu Là không thần hành
Mở thiên môn Đóng địa hộ Bịt nhân đạo Chặn quỷ lộ Trước mắt hiện lên Cảnh Tây phương
Nếu hỏi tôi là loại người gì Xin thưa cứu độ chẳng nghỉ ngơi"
26. Đời sống tinh giản
Tôi từng nói: Ở Đài Loan, tôi chỉ mua nước. Ở Mỹ, tôi chỉ mua xăng. (Nước là nước suối đóng chai, xăng để chạy xe.) Những cái khác, tôi đều có cả. Bởi vì đệ tử của tôi năm triệu người, những thứ họ tặng tôi đã quá đủ để sống rồi. Những thứ ở Đài Loan, tôi không chuyển đến Mỹ. Những thứ ở Mỹ, tôi không chuyển đến Đài Loan. Hành lý khi đi ra khỏi nhà của tôi chỉ là một vali da nhỏ, giá trị chỉ có hai nghìn Đài tệ. Trong vali du lịch đựng: Hai bộ đồ lót. (Ở khách sạn tôi tự giặt.) Hai bộ quần áo Lama. Hai chiếc long bào. (Bàn chải và kem đánh răng, đồ tắm gội, dao cạo tóc.) Là như thế đó. Những lễ phẩm mà các đệ tử tặng tôi, cái gì có thể dùng, cái gì thiết thực, thì tôi giữ lại, cái gì không thể dùng, không thiết thực thì tôi tặng cho người khác. Việc ăn uống của tôi thì: Tuyệt đối không ăn linh tinh, không ăn vặt, không ăn nhiều. Ít muối. Ít đường. Ít dầu. Không dùng mì chính. Trang phục của tôi là: Quần áo Lama. Long bào. (Tinh giản nhất.) Nơi tôi sống: Ở Đài Loan, tôi sống ở chung cư. Mô tả bằng hai chữ: rộng và trống. Ở Mỹ, tôi ở Nam Sơn Nhã Xá. Cũng vẫn là hai chữ: rộng và trống. Ngăn nắp.
Tôi đi lại: Ở Đài Loan, có đệ tử lái xe. Tôi không dám tự lái xe. Ở Mỹ, tôi tự lái xe. Là xe Maserati do đệ tử cúng dường. Tất cả mọi thứ của tôi, nếu như có nhiều thì sẽ tặng lại. Những thứ dùng đã cũ thì vứt bỏ. Những thứ không thiết thực mà người khác có thể dùng thì đem tặng người khác. Còn những thứ không dùng thì: Vứt bỏ. Vứt bỏ. Vứt bỏ. Trong nhà không giữ lại những thứ rách nát gãy vỡ, những thứ có nhiều thì đem tặng người khác. Quen với cuộc sống tinh giản rồi thì cuộc sống sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều! Cũng không làm bản thân thêm nặng gánh. (Đến cuối cùng, ngay đến chính thân thể mình tôi cũng vứt bỏ, chỉ còn hai bàn tay trắng.)
Thơ:
Vứt bỏ "Chúng ta vốn dĩ là hai bàn tay trắng Hà tất Phải chất chồng thêm nữa Giản đơn chính là đẹp Cuộc đời nhẹ nhàng Thanh thản mà đi
Túi lớn túi nhỏ Chuyển tới chuyển lui Vì lý do gì Tất cả tinh giản Không còn phiền lo
Tất cả đều không thể đem đi Hà tất phải ưu sầu."
27. Đoạn đường cuối cùng
Ở Mỹ, tôi và Thượng sư Liên Hương đều đã viết một văn kiện tuyên bố, mục đích chính của văn kiện này là: Khi chúng tôi đi đến đoạn đường cuối cùng của mình: Không cắm ống hỗ trợ. Không phẫu thuật mở khí quản. Muốn được chết tự nhiên. Tuyên bố này có nghĩa là vào lúc hấp hối, không cần phải cấp cứu chúng tôi, không cần cắm ống thở, mở khí quản. Chúng tôi không muốn trì hoãn thời gian chết. Mặc dù cắm ống, mở khí quán, đôi khi có thể cứu sống và sống được thêm vài năm nữa. Nhưng chúng tôi không muốn. Mặc dù cắm ống, mở khí quản, có thể sống thoi thóp thêm một chút thời gian nữa. Nhưng, chúng tôi càng không muốn. Chỉ muốn khi thời gian đã đến thì được ra đi trang nghiêm một chút thôi! Toàn thân đều cắm ống lớn ống nhỏ thì khó coi lắm!
Có một lần. Tôi và Thượng sư Liên Hương cùng ngồi xuống, tán dóc về cuộc sống những năm cuối đời của chúng tôi. Khi tôi không thể tự do di chuyển, đương nhiên là Liên Hương sẽ chăm sóc tôi. Khi Liên Hương không thể tự do di chuyển, tôi có thể chăm sóc bà ấy. Vấn đề là, nếu cả hai chúng tôi đều không thể tự do di chuyển thì ai sẽ đến chăm sóc? Con cái chăm sóc ư? Tôi thật sự không muốn làm phiền con cái, bởi vì sẽ quấy rầy cuộc sống gia đình của chúng. (Mặc dù chúng đều nói rằng chúng sẽ chăm sóc chúng tôi.) Đệ tử chăm sóc ư? Tôi có rất nhiều đệ tử thành tâm, họ đều muốn chăm sóc những năm cuối đời của chúng tôi. Tôi khước từ và cảm tạ! Vì sao vậy? Tôi thật sự không muốn các đệ tử vì hai người già này mà hao phí những năm tháng tuổi trẻ của họ. Chăm sóc người già không dễ dàng, rất nhiều việc vụn vặt. Tôi và Thượng sư Liên Hương cho rằng vào viện dưỡng lão và viện cho người sắp chết là hay nhất. Miễn là chi phí không quá đắt. Để cho những người có kinh nghiệm chăm sóc thì sẽ tốt hơn! Thứ tự sẽ là: Viện dưỡng lão. Viện cho người sắp chết. Nơi an nghỉ cuối cùng. Đây cũng chính là trình tự của việc chết! (Tôi chưa từng nghĩ rằng muốn chết cũng đầy khó khăn như vậy. Tôi rất ngưỡng mộ những người nằm trên giường đi ngủ, sáng hôm sau đã đi rồi, thật sự là quá tốt, đúng là cái chết số một.)
Thơ:
Đoạn đường cuối cùng "Khi hai đóa hoa héo tàn Không thể đón sớm mai Thời tiết cuối thu Đầu cành chẳng bám trụ được bao lâu nữa
Chung quy cũng phải trở về Với đất Mong sao đến được Tây phương
Thường ngày lo người khác Kì thực nghĩ mà xem Mình sẽ có ngày này Rồi lặng lẽ hướng tới Đoạn đường cuối cùng."
28. Cả một đời hồ đồ
Ngẫm nghĩ về cuộc đời này, tôi đúng là một tên đại ngốc hồ đồ, đại đần độn. Thời đi học, hai môn mà tôi khổ sở nhất là: Anh văn. Toán học. Anh văn không tốt là vì tôi không thích học thuộc các từ đơn, học tới học lui vẫn lẫn lộn thì quá khứ, thì hiện tại, thì tương lai. Toán học không tốt là vì tôi không thích tính toán, tôi thích một câu nói thời thượng: Học hình học rồi thì thế nào? Không học hình học thì sẽ làm sao? Hình học làm sao? Cuộc đời thế nào? Tôi rất đau đầu với môn toán, tóm lại, tôi là một người cẩu thả lơ đễnh, là cái kiểu "rau cải xanh" (tiếng lóng ở Đài Loan).
Sau này lớn lên, câu cửa miệng của tôi là: Cũng tàm tạm! Không sao đâu! Tốt! Được! Không hề gì! Tùy ý! Đó đều là những câu nói mơ hồ, chính là vì cá tính của tôi, cho nên bất kì người nào cũng đều có thể mặc sức "lên kế hoạch" với tôi.
Muốn tôi kí tên, tôi cũng thoải mái ừ thì kí. Muốn tôi đáp ứng, thì tôi cũng ừ thì đáp ứng.
Đến khi xong xuôi rồi, tôi nói: "Không sao đâu! Không hề gì!" Khi phải trả giá đắt cho việc đó, tôi nói: "Chịu thiệt thòi là chiếm được món hời đó." Khi phải chịu khổ, tôi nói: "Chịu khổ cũng giống như được tẩm bổ đó." Khi tai họa giáng xuống đầu, tôi nói: "Là phúc chẳng phải họa, là họa tránh không xong." Người ta nói: "Ngài phải lanh lợi lên một chút!" Tôi nói: "Bệnh của tôi chính là cái tật hồ đồ đó!" Bất kì việc gì, tôi cũng đều cẩu thả lơ đễnh.
Thơ:
Tùy ý "Chúng sinh đều nói tôi nhẹ dạ Vô tâm Không mưu tính Tôi xem nhân gian Như một trò chơi
Từ trẻ tới già Từ già tới chết Tôi sẽ chẳng tính toán Tôi gìn giữ Sự ấm áp quang minh vĩnh hằng
Chẳng bận lòng những chuyện thế tục Trống không Trống rỗng Đó chính là nội hàm Tôi hồ đồ Thế nên mới nói học thiền."
29. Gương biến dạng
Có một công ty bách hóa, bên trong công ty có bày hai tấm gương, một tấm là gương lồi, một tấm là gương lõm. Tôi đứng trước tấm gương lồi, người tôi giống như được thổi phồng lên như quả khí cầu vậy. Người lồi ra. Bản thân tôi đã bị biến dạng trông như Trư Bát Giới trong Tây Du Kí vậy, tôi biết đây gọi là gương biến dạng. Còn nữa, tôi đứng trước tấm gương lõm, người tôi liền biến thành gầy như khỉ ho, lại giống như Bạch Cốt Tinh. Người lõm vào. Bạch Cốt Tinh cũng là một tình tiết trong Tây Du Kí. Nhắc đến Bạch Cốt Tinh, tôi nói, mỗi một người đều là Bạch Cốt Tinh. Bạn nhớ không? Nếu bạn đến khoa phóng xạ của bệnh viện lớn, chụp MRI toàn thân, hay là chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp gì đó, chẳng phải bạn là một bộ xương trắng thì là cái gì?
Còn nữa: Nếu bạn đã từng đến nơi hỏa táng, những thân xác vừa hỏa táng xong được đẩy ra, bạn không phải là Bạch Cốt Tinh thì là cái gì? Ở đây tôi phải giải thích trước một chút. Đời người rất kì diệu, có khi lồi, có khi lõm, có khi là Bạch Cốt Tinh. Còn nữa, bạn đã đọc cuốn sách Liêu Trai Chí Dị, có một chương gọi là "Họa bì" chưa? Có một con quỷ ăn thịt người. Nó có một bộ da của mỹ nữ. Con quỷ ăn thịt người chỉ cần khoác lên tấm da của mỹ nữ là sẽ biến thành một cô gái kiều diễm tuyệt sắc vô song. Thư sinh nhìn thấy thì đều quẳng sách của Khổng Thánh nhân qua một bên. Sau một cuộc chè chén, thư sinh chỉ còn là một đống xương trắng. Ha ha! Cái trò "họa bì" rất vui, nhưng bạn hãy để ý cẩn thận mà xem, những người ấy là quỷ ăn thịt người sao? Những người ấy cũng là thư sinh sao? Quân tử ở đâu? Thánh nhân ở đâu? Hiền nhân ở đâu? Trên thế giới này đầy ắp tham dục, có rất nhiều con quỷ ăn thịt người. Còn những thư sinh chết thảm đó thật ra cũng tràn đầy tham dục. Còn những người chưa chết thì sao? Đó là vì họ chưa gặp phải quỷ ăn thịt người mà thôi! Bạn biết những câu chuyện này kì thực cũng đều là những chuyện về gương biến dạng. Chỉ có hai chữ "biến dạng" là mô tả vi diệu nhất. Thế giới này thật: Dung tục. Còn bản thân Lư Sư Tôn thì sao? Tôi tự biết rằng, tôi đã hiểu chân tướng của con người là cái gì rồi!
Thơ:
Khúc hát biến dạng "Đời người chính là một trận cười Mặc dù cũng có đôi chút ấm áp Chẳng phải lồi Thì là lõm Có người lùn tịt Có người lêu đêu
Có người suốt đời chẳng có tiền đồ Giống như con rối gỗ điều khiển bằng tay Bị điều khiển phía sau sân khấu Giấu kín
Tôi hiểu chân tướng Dù là cỏ xanh Dù là hoa thơm Tôi chỉ ngồi trong rừng Ngày ngày ngắm tà dương."
30. Rất nhiều thế kỉ trước
Nghe nói: Rất nhiều thế kỉ trước, Lương Vũ Đế là một con giun, chỉ vì chỗ ở của nó là ở gần chùa Phật, nên sớm tối nó được nghe kinh, nhờ vậy đã gieo được Phật duyên. Đến hơn 1400 năm trước, không ngờ con giun ấy lại làm hoàng đế, vị hoàng đế này hộ trì Phật giáo, trở thành một vị Phật tâm thiên tử nổi tiếng. Cuối đời thì Lương Vũ Đế cũng chết đói tại Đài Thành. Nguyên nhân ông ấy bị chết đói là gì đây?
Còn nữa: Rất nhiều thế kỉ trước, Phật Đà cũng từng ở trong đạo súc sinh, hơn nữa còn chuyển thế nhiều lần thành: Vua Hươu. Vua Voi. ...
Trong đạo súc sinh, Phật Đà cũng thực hành Bồ Tát đạo. Nhờ có công đức nhiều như vậy mới có thể thành tựu thành Phật. Tuy nhiên, trước khi viên tịch, Phật Đà đã nhận cúng dường của người thợ rèn, ăn đồ ăn đã bị ôi thiu, vì thế mà mắc bệnh thổ tả, bị mất nước, thế rồi ngài viên tịch dưới gốc cây sa la trên đường trở về tăng đoàn. Đây là nhân quả gì vậy?
Còn nữa: Thượng sư của tôi ngài Karmapa thứ mười sáu Rangjung Rigpe Dorje (1924 - 1981) Thầy đã truyền thừa từ đời Karmapa thứ nhất từ thầy Dusum Khyenpa (1110 - 1193), cứ như thế truyền mười sáu lần, sự nghiệp Phật của thầy tôi vô cùng huy hoàng. Những phẩm hạnh và đạo nghĩa của thầy tôi tràn đầy thần thông tự tại, rất nhiều sự việc đã chứng thực thành tựu vĩ đại của ngài ấy. Ngài ấy đã thể hiện năng lực lãnh đạo của cá nhân, là người đại diện cho Phật Đà trong quãng thời gian huy hoàng nhất của ngài. Thượng sư cũng bị mắc bệnh ung thư dạ dày, điều này là nhân quả thế nào đây? Tại sao vị lãnh tụ tinh thần của chúng ta với khí chất của một vị vua lại qua đời sớm như vậy?
Còn bản thân tôi nữa. Đã trải qua rất nhiều thế kỉ, tôi trước kia, rất nhiều thế kỉ trước kia, tôi lần lượt tìm hiểu. Cuối cùng tôi đã biết: Tất cả là một giấc mộng. Bất kể bạn là nhân vật vĩ đại của thế kỉ nào hay là sinh vật thấp hèn, tất cả nghiệp đều không thể thay thế. Không có một ngoại lệ nào.
Thơ:
Chuyển thế "Bao nhiêu thế kỉ Nghìn năm vạn năm trước Bất kể ai là ai Thì cũng đều tàn lụi
Biết được chân tướng Một giọt nước Một cái nghiệp Nói ra thật cảm thương
Ha Đã hiểu rồi cuộc đời của ta Chớ cần kinh ngạc Không cần cưỡng ép
Chuyển thế chuyển thế lại chuyển thế Vô minh vô minh lại vô minh."
31. Họa Tam Võ
Chúng ta biết rằng Phật giáo có ba lần pháp nạn gọi là họa Tam Võ. Ngụy Thái Võ. Chu Võ Đế. Đường Võ Tông. Ba vị hoàng đế này đều phá hoại Phật giáo, sự đàn áp phá hoại Phật giáo ấy đều kinh thiên động địa. Không hề tầm thường. Cưỡng ép tăng ni hoàn tục. Hoặc giết hết không tha. Phá chùa. Diệt tượng Phật. Đốt kinh điển Phật giáo. Đem nung chảy tượng Phật bằng vàng, bạc, đồng để đúc thành tiền. Chôn sống tăng ni. ...
Nhìn chung mà nói, các tín đồ Phật giáo đều tràn đầy ác cảm đối với ba vị hoàng đế họ Võ, cho rằng họ đã chôn sống Phật giáo, chắc chắn tội lỗi tày trời, không thể được xá tội. Đương nhiên ba vị hoàng đế này nhất định sẽ có ác báo không tốt. Nhưng, bạn có biết không? Họa Tam Võ cũng có nội tình, chứ không phải là muốn diệt Phật là diệt Phật. Tôi thích nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, thì ra việc diệt Phật của ba vị hoàng đế này là có nhân tố cả.
- Thế lực Phật giáo quá lớn, gần như kéo theo cả lực lượng chính trị, thậm chí tôn giáo còn vượt lên trên cả chính trị, điều này đương nhiên khiến cho hoàng đế không thể chịu được.
- Những ưu đãi cho tăng ni quá lớn: được miễn nghĩa vụ quân sự, miễn thuế khóa, miễn tội. (Chỉ cần xuất gia thì tất cả tội đã phạm đều được xóa bỏ.)
- Bên trong các chùa miếu Phật giáo có giấu binh khí, thế lực quá lớn, tiềm ẩn nguy cơ mưu phản.
- Các chùa miếu Phật giáo giấu giếm những điều nhơ bẩn, hoang dâm vô độ với phụ nữ ở dân gian.
- Cao tăng có thể không cần lễ độ với hoàng đế.
- Tín đồ Phật giáo phạm tội có thể được giảm tội, tăng ni phạm tội có thể coi như vô tội.
- Chính trị và tôn giáo không tách rời, Phật giáo hưng thịnh thì trái lại, sức mạnh chính trị lại suy giảm. Đôi bên tranh đấu.
- Đạo giáo, Nho giáo phản đối. Tinh thần đấu tranh giữa các bên bắt đầu. Biết được những điều này rồi! Thì cần phải hiểu trung đạo.
Thơ:
Hát đôi "Thế giới này Vốn dĩ là hát đôi Một vở kịch Hà tất phải kinh động hội trường
Thịnh hành Đâu cần quá cuồng điên Cần phải nhớ Trăng thanh gió mát là đẹp nhất
Huống hồ lại còn khoa trương Ai cũng nên đừng quá ngang tàng Lư hương trong chùa cổ Như thế mới lâu dài
Hư và thực Đen và trắng Phật pháp hưng thịnh Phải kiêm cả quốc thái dân an."
32. Xác sống
Có một khoảng thời gian, điện ảnh Âu Mỹ được xem như là phim kinh dị! Họ diễn những phim về xác sống. Có nghĩa là thây ma sống lại. Xác sống này ở Trung Quốc cũng đã lan truyền rất lâu rồi. Phim điện ảnh về xác sống của Âu Mỹ thì những xác sống kia nhe răng trợn mắt, mặt không có chút hồng hào nào, giống như người uống rượu say vậy, đi đường thì loạng choạng xiêu vẹo. Thân người chúi về phía trước. Quai hàm ép xuống dưới. Xuất hiện một cách kì dị khó hiểu như vậy. Xác sống có thể ăn thịt người. Người bị ăn thịt thì lại biến thành xác sống. Những xác sống này sống thì cũng không hề có chút ý nghĩa nào, có khi thì là một hai con, có khi là hơn chục con, thậm chí là cả một bầy đàn.
Tình tiết trong phim: Có một người đi du lịch, đến ở trọ tại một ngôi làng nhỏ hoang vắng. Phát hiện ra bầu không khí của cả ngôi làng có gì đó bất thường. Rất kì dị! Chỉ có mấy người là người thật. Còn những người khác đều là xác sống. Còn người khách du lịch này làm sao cứu được những người thật đó, làm sao dũng cảm tiêu diệt xác sống. Những căng thẳng gây rúng động lòng người, gay cấn đến rùng mình, hơn nữa còn cả tâm trạng sợ bị xác sống ăn thịt. Ngoài ra, người khách du lịch này còn vận dụng trí tuệ khiến cho ngôi làng nhỏ có được ánh sáng, loại bỏ được sự thống trị một phía của bóng đen xác sống.
Sau khi xem xong bộ phim này, tôi sinh ra một cảm giác kì quái. Tôi cảm thấy nhân gian này dường như chính là một thế giới của xác sống, thật sự không có con người chân chính tồn tại. Đây là thế giới người ăn thịt người. Tràn đầy tham lam, dục vọng, thân tâm mất thăng bằng, tất cả đều lạc điệu. Biểu hiện bên ngoài thì đều là con người. Kì thực toàn là xác sống, lương tâm bại hoại. Cá lớn nuốt cá bé, đào thải tự nhiên, sinh tồn không có mục tiêu, mảy may một chút ý nghĩa cũng không có. Tranh danh. Tranh lợi. Tranh sắc. Tranh sản. Tất cả luân thường đều biến mất, tôi thấy thứ mà một bầy xác sống đang tranh nhau chính là vật chất nhân gian. Thế giới này, có mấy người, là con người chân chính?
Thơ:
Liên tưởng "Có lẽ Cuộc đời của tôi cũng như Thần Tiên Bởi lẽ tôi chẳng tranh giành Một ngày Cũng như một nghìn năm
Tôi nhìn con người Cảm thấy rất nực cười Tức cười Thứ họ tranh giành Lại chỉ là Những tờ tiền bằng giấy in
Danh à Lợi à Sắc à Sao biết được Chỉ là một làn khói bếp."
33. Có một Thượng sư nói như vậy
Thượng sư hỏi đường chủ: "Ông có muốn tham gia vào tập đoàn của tôi không?" Đường chủ ồ lên một tiếng: "Tập đoàn?" Thượng sư nói: "Nghĩa là Phật đường của ông thuộc về tôi đó." Đường chủ hỏi: "Tên hiệu của Phật đường mà Lư Sư Tôn ban cho là gì?" Thượng sư nói: "Rất nhiều Phật đường đã thuộc về tôi rồi!" Đường chủ: "Ồ!............" Tôi nghe đường chủ này thuật lại, tôi hoàn toàn không có một chút khởi tâm động niệm nào. Tôi đã già rồi! Thật sự cũng không còn muốn gây nên những đúng sai thị phi ở nhân gian nữa, điều tôi nghĩ là: Có được thứ trên mặt đất. Sẽ đánh mất thứ ở trên trời.
Tôi nhớ thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni: Phật Đà đã già. Vị đại vương tử thứ tám xuất gia là Đề Bà Đạt Đa: Mặc y phục của Phật Đà. Ngồi lên pháp tọa của Phật Đà. Đề Bà Đạt Đa từ lâu đã có dã tâm muốn lãnh đạo tăng đoàn, thế là ông ta nói với các đồng môn: "Anh có muốn tham gia vào tập đoàn của tôi không?" Đồng môn nói: "Đức Phật là đạo sư của chúng tôi!" Đề Bà Đạt Đa nói: "Ông ấy già rồi, lung lay rồi! Đi theo tôi mới là đúng đó!" Thế là: Rất nhiều đồng môn đã theo Đề Bà Đạt Đa. Địa bàn của Đề Bà Đạt Đa càng ngày càng nhiều, quyền thế đạt đến đỉnh cao nhất. Sau đó: Ông ta khiêu chiến với Phật Đà, công kích Phật Đà, đề ra: "Ngũ pháp tuyên ngôn." Cuối cùng, ông ta phân tách tăng đoàn, đem theo vô cùng nhiều, vô cùng nhiều đệ tử của Phật Đà. Đây là chuyện đáng tiếc nhất trong những năm cuối đời của Phật Đà.
Sự việc "nuôi ong tay áo" này từ xưa đến nay không ngừng tái diễn, chuyện giữa Phật và Ma cứ lặp đi lặp lại, giống như phát lại một bộ phim nhiều tập vậy. Vì sao vậy? Bởi vì đây là nhân gian, thật là cảm thán!
Thơ:
Đừng "Lòng người Lúc nào cũng kết Nghìn tơ Vạn sợi Sao không như tôi Lòng tôi là một vùng tuyết trắng
Nhân gian Càng thêm hỗn loạn Hoa bay lả tả Sao không học tôi Tu hành ngày qua ngày
Nhắn gửi các đệ tử trân trọng truyền thừa Vì sao phải theo ai."
34. Không thể không cáo biệt
Tôi nhớ bài hát "Bầu trời mãi xanh", và tôi cũng từng hát bài này, có người nói, tôi hát cũng không tệ. Đoạn sau phần ca từ có bốn câu: Tình là sâu. Ý là nông. Xa là khổ. Nhớ là không.
Tôi nhớ đến ba chữ "xa là khổ". Chữ "xa" này phạm vi quá rộng. Tôi học tiểu học, rời xa trường tiểu học; tôi học cấp hai, rời xa trường cấp hai; tôi học trung học, rời xa trường trung học; tôi học đại học, rời xa trường đại học. Có quá nhiều cái "xa". Quần áo cũ, xa rồi! Giày cũ, xa rồi! Nhà cũ, xa rồi! Bạn cũ, xa rồi! Thầy cũ, xa rồi! Đồng môn cũ, xa rồi! ...
Đương nhiên tôi biết, sẽ có một ngày, ngày này nhất định đang đến gần rồi. Viết văn, xa rồi! Vẽ tranh, xa rồi! Thuyết pháp, xa rồi! Tu pháp, xa rồi! Một chữ "xa" to nhất chính là xa rời thế giới Ta Bà, vãng sinh đến Phật quốc tịnh thổ để mà thành Phật tác Tổ! Đệ tử của tôi ngày ngày gào lên: "Xin Phật trụ thế, vĩnh viễn đừng nhập Niết Bàn!" Tôi cười cười: "Gào xót cả ruột!" Căn bản điều này là không thể, xin hỏi, có người nào vĩnh viễn ở tại thế giới Ta Bà, vĩnh viễn sống mãi được chứ? Giống như câu chuyện tình cảm này, đúng là chuyện nhỏ như hạt vừng, người đến, người đi, nhớ một chút về quãng thời gian đẹp đẽ của ngày xưa, nhưng đáng tiếc là chẳng là mãi mãi, ta không thể không vứt bỏ, quên đi. Trong thế giới tầm thường này, có một định luật vô hình, định luật này chính là: "Vô thường." Cho dù có là tâm giao thì cũng là: "Vô thường." Có biết không? Xa là khổ! Nhớ là không! Tôi đang nghĩ, mỗi một lần "xa", tôi đều chúc phúc, tôi chỉ có thể nói: "Tất cả đều là sự an bài tốt đẹp nhất!"
Thơ:
Vô sở đắc "Có một ngày Chúng ta đều sẽ già Lúc này đây Mọi người xếp thành hàng Không biết được Ai là người đi trước
Cho dù Chúng ta rất tốt Chúng ta rất khéo Chúng ta rất giỏi Có một ngày Sẽ cùng chung một điệu
Tất cả đều vô sở đắc Khi tất cả đều rời xa Chỉ còn lại tiếng gió vi vu trên cây cao."
35. Không có người thuyết pháp
Phật Đà thuyết pháp 49 năm, nhưng lại nói không hề thuyết pháp, ngay cả một chữ cũng chưa từng nói. Quái lạ! Tổ sư Đạt Ma lên pháp tọa, ngài đập bàn một cái, ngay cả một chữ cũng không nói, rồi xuống khỏi pháp tọa. Các đệ tử ngơ ngác. Đạt Ma nói: "Thuyết pháp xong rồi!" Còn nữa: Phật Đà sắp nhập Niết Bàn, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói với Phật Đà: "Xin hãy tiếp tục chuyển pháp luân!" Phật Đà hỏi ngược lại: "Ta có chuyển pháp luân sao?" Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nghe xong thì đã ngộ ra rồi!
Còn nữa: Có người hỏi tôi: "Cái gì là Chân Phật Tông?" Tôi đáp: "Căn bản chẳng có Chân Phật Tông!" Có người hỏi tôi: "Hẳn là có một người là Lư Thắng Ngạn nhỉ?" Tôi đáp: "Không có Lư Thắng Ngạn!" Có người hỏi tôi: "Lư Thắng Ngạn có năm triệu đệ tử, chắc cái này thì có nhỉ?" Tôi đáp: "Không có đệ tử, ngay cả nửa người cũng không không có. Vì đã không có Lư Thắng Ngạn nên cũng không có năm triệu đệ tử." Người kia hỏi: "Thế ông là ai?" Tôi đáp: "Ai là ai cơ?" Không có người thuyết pháp, không có người nghe pháp, càng không có cái gọi là pháp. Đó là "tam luận thể không". Người đó hỏi: "Cái này là không sao?" Tôi đáp: "Không cái đầu anh ấy!" Tôi muốn nói để mọi người biết, chân tướng chính là như vậy, cái gọi là độ chúng sinh chính là không có chúng sinh nào có thể độ, bởi vì không có chúng sinh nào có thể độ nên mới gọi là độ chúng sinh. Còn nữa: Cái gọi là Lư Thắng Ngạn chính là vì không có Lư Thắng Ngạn, vì thế mới gọi là Lư Thắng Ngạn.
Thơ:
Thuyết pháp "Không có người thuyết pháp Không có người nghe pháp Không có pháp Đây mới là thuyết pháp
Không có người bố thí Không có người nhận bố thí Không có vật bố thí Đây mới là bố thí
Biết Không biết Biết và không biết Vô tri
Chân tướng Mơ mơ hồ hồ."
36. Cùng sống với nhân quả ba đời
Rất nhiều người đến hỏi việc đều muốn hỏi về nhân quả ba đời, kiếp quá khứ thế nào ra sao, kiếp hiện tại thế nào ra sao, kiếp tương lai thế nào ra sao. Các vị thầy thành tựu thì nói: Quá khứ trồng nhân gì. Đó chính là hiện tại lúc này của bạn. (quả) Hiện tại lúc này bạn trồng nhân gì. Đó chính là quả tương lai của bạn. (Đây chính là nhân quả ba đời của bạn.) Thế nhưng, đông đảo chúng sinh vẫn muốn hỏi về nhân quả ba đời, đúng là quá không hiểu chuyện rồi.
Giáo pháp của Phật Đà là: Đời quá khứ không thể nắm. (đã qua rồi) Đời hiện tại không thể nắm. (rồi sẽ qua) Đời tương lai không thể nắm. (vẫn chưa đến) Vì thế, rất nhiều đại sư thành tựu biết chúng sinh không hiểu được những điều này, nên đề xuất một cách đơn giản là: "Nắm chắc hiện tại." Cho nên bây giờ rất nhiều người đều gào lên: "Nắm chắc hiện tại". Nhưng rất nhiều người vẫn mê hoặc vào nhân quả ba đời, không muốn đi vào tận cùng của vấn đề. Bởi vậy mới xuất hiện các thần côn: "Kiếp trước em chính là vợ tôi đó!" (lừa sắc) "Kiếp trước anh đã nợ tiền tôi, nếu không trả thì anh sẽ thê thảm đó!" (lừa tiền) "Kiếp trước anh người hầu của tôi, kiếp này cũng phải làm người hầu cho tôi!" (lừa người) "Kiếp trước anh đã đồng ý với tôi rồi… Kiếp này anh phải đi theo tôi mãi mãi! Thay tôi hoàn thành sứ mệnh!" (lừa tín chúng) Lừa lọc lừa lọc lừa lọc.
Nhân quả ba đời trở thành việc xem bói đoán mệnh, thành công cụ để lừa tài gạt sắc. Tôi rất muốn tặng cho cái thể loại thần côn đó một ống sáo trúc. Thần côn hỏi: "Vì sao tặng sáo trúc?" Tôi đáp: "Để tiếp tục thổi!" Tôi nói: "Nắm chắc hiện tại, nghĩa là hãy chăm chỉ tu hành, cùng sống với nhân quả ba đời của bạn."
Thơ:
Thời gian "Chim én bay đi Chim én bay đến Rồi hoa rụng Nhụy hoa lại nở ra
Mặt ao rêu xanh ba bốn chấm Lá rơi hoàng oanh thốt tiếng kêu Chẳng mấy chốc Bồng bềnh hoa tuyết bay
Đó là nguyên nhân gì Tôi đáp Phụ họa Người cũ đã đi Người mới lại đến Mặt đất lại một lần đổi thay."
37. Mày chỉ là thằng quỷ sứ
Mẹ tôi từng nói với tôi: "Lư Thắng Ngạn mày chỉ là một thằng quỷ sứ!" Mẹ tôi nói: "Đồ hèn nhát!" Mẹ tôi nói: "Cái tâm mày bé như vậy, làm sao mà phát đạt được chứ?" Tôi nói với mẹ rằng: "Con chỉ mong một cái tâm an thôi!" Mẹ tôi nói: "Thế giới bây giờ có ai giống như mày đâu, đúng là một thằng quỷ sứ!" (Đây là lời mẹ thường nói với tôi lúc còn sống.)
Nhưng, Tôi nhớ Liễu Minh Hòa Thượng, sau khi tôi hoàn thành xong việc học tập Phật pháp, thầy đã dặn dò tôi rất cẩn thận: "Dựa vào hoằng pháp mà duy trì pháp mạch, né tránh những ô nhiễm của quần chúng, cũng là khiến bản thân khỏi phải chịu tổn thương, con hoằng dương Phật pháp, trên phương diện tiền bạc, chỉ có hai chữ, chính là tùy ý."
- Tùy ý.
- Tuyệt đối không mở miệng đòi tiền người khác.
- Các chùa đường hội, tài chính, hành chính, nhân sự, tôi đều không quản.
- Hoàn toàn không chạm vào những đồng tiền nhạy cảm cực đoan.
Tôi đã 72 tuổi rồi. Đối với chuyện tiền bạc, tôi rất ít phiền phức. Bởi vì tôi chỉ có hai chữ "Tùy ý". Tôi cũng từng viết một chương sách: "Xin đừng cúng dường Lư Sư Tôn". Thế nhưng, các đệ tử của tôi thì khác, tôi thấy họ đều đang "tranh tiền", "moi tiền", với các chiêu trò khác nhau. Phương pháp "moi tiền" vô cùng thù thắng, tôi cũng tuyệt đối không vì thấy thế mà đỏ con mắt. Tôi chỉ thở than: "Quá đáng quá rồi!"
Các đệ tử của tôi không học theo thái độ tất cả đều tùy ý của tôi, mà họ lại khăng khăng muốn tiền. Có một số người không chỉ quy định bảng giá mà thậm chí có người còn muốn nhà cửa của người ta, muốn đất đai của người ta. Còn nữa, muốn cả "di sản" của người ta. Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Ngoan ngoãn mà xuống địa ngục đi! Thượng sư hoằng pháp chỉ là một cái bảng tên đẹp đẽ, "moi tiền" mới là mục đích của họ. Hôm nay tôi cảnh cáo những người hoằng pháp: "Đối với tiền bạc phàm tục, cần phải mang thái độ hờ hững và trong sáng."
Thơ:
Tâm trong sáng "Trăng tròn thì ít Trăng khuyết thì nhiều Đáng tiếc thay Cho sự âm u
Quá khứ xa xăm Tương lai cũng xa xăm Chữ tham Khi nào mới dừng dứt
Trăng sáng cần trong trẻo Gió mát cần sảng khoái Nước chảy cần trong veo Mong Mười châu ngập tràn ánh sáng."
38. Chân của thầy đã khỏi chưa?
Có một lần, trong lúc múa côn tại Đài Loan Lôi Tạng Tự, tôi tung cây côn ra rồi đuổi theo côn, không ngờ mặt đất không bằng phẳng nên tôi đã ngã lăn ra, toàn thân nằm sấp xuống đất. Thật may tôi không bị thương, tay không bị trầy xước, chân cũng không bị thương, tôi đứng dậy. Tôi lại tiếp tục múa gậy (Thiếu lâm côn). Sau đó không lâu, tất cả các loại thuốc bôi ngoài da cho vết thương do ngã từ khắp nơi trên thế giới ào ào gửi tới, chiếm hết cả tủ thuốc trong nhà tôi. Đệ tử gặp tôi liền hỏi: "Sư Tôn bị ngã sao?" "Sao Sư Tôn có thể bị ngã chứ?" "Lư Sư Tôn có bị thương không?" "Đã khỏi chưa?" "Có phải bị xung sát không?" "Vì nguyên nhân gì mà ngã vậy?" "Do quỷ thần đẩy Lư Sư Tôn sao?" "Đây là điềm báo gì vậy?" "Thế thân ư?" Tôi nghe các đệ tử trên thế giới hỏi thăm một hồi, tôi chỉ muốn nói một câu: "Lẽ nào mọi người không nhìn thấy Lư Sư Tôn đã lại đứng dậy và lại múa côn sao?" Sau đó nói: "Đã đủ chưa? Đó chẳng qua chỉ là một cú ngã bình thường thôi, có đáng truyền bá khắp thế giới không?"
Còn nữa: Chân trái của tôi bị sưng phù. Bác sĩ Trịnh Sâm Long và mấy vị bác sĩ hội chẩn cho tôi, tôi đã trải qua hai tháng khám chữa bệnh. Tôi nhập viện một tuần. Tôi tuyên bố: "Khỏi rồi!" Ba tháng sau. Pháp sư Liên Kí vẫn hỏi: "Chân của thầy khỏi chưa?" Ông Jodie hỏi: "Thật sự khỏi hẳn chưa?" Bác sĩ Tiểu Kiều hỏi: "Để con xem chân của thầy xem sao?" Càng nhiều người nữa hỏi: "Chân của thầy thật sự khỏi hẳn chưa?" Đó là ba tháng sau khi tôi đã tuyên bố "chân khỏi rồi" đó, thế mà họ vẫn còn hỏi. Tôi thật sự không chịu nổi nữa, tôi tin rằng cho dù có chụp ảnh hai chân của tôi đăng trên mạng thì mọi người vẫn sẽ hỏi: "Chân của thầy thật sự đã khỏi chưa?" Tôi biết, tôi không thể bị làm sao đó, cho dù chỉ ho một tiếng thì cũng lan truyền đi khắp thế giới. Tôi không cần phải bỏ công sức để đi xử lý "tin vịt", bởi vì đó chỉ lãng phí hơi sức thôi.
Thơ:
Chân Phật "Chân Phật nghĩa là thật Là nói đến Chân đế
Diệu cảnh ở Ma Ha Song Liên Trì Huyễn hóa của Liên Hoa Đồng Tử Ở nơi Phật Có thập địa
Thứ tự tu hành Mật pháp Chỉ cần tương ứng dung hòa Chứng nghiệm khi ấy khởi lên Phật Bồ Tát đến thọ kí."
39. Người xuất gia thật giả
Tôi ở New York Mỹ vào đúng ngày 4 tháng 7, là ngày quốc khánh của Mỹ. Buổi tối hôm đó có người cúng trai, địa điểm là ở Câu lạc bộ trên nước ở Mahattan [ ND: Water Ski Club ], bởi vì vào lúc 9 giờ tối ngày 4/7 có bắn pháo hoa, cho nên mấy đường phố đều bị phong tỏa, những dòng người đổ về để xem pháo hoa đều đi bộ. Chúng tôi là những người xuất gia mặc y phục Lama, phải đi bộ trên những con phố rất rất dài, qua những đường hầm vòng vèo quanh co mới đến được khu vực cửa cảng. Rất nhiều cảnh sát được phân bổ tại các trạm gác phong tỏa, lần lượt kiểm tra túi da, hành lý, vật tùy thân. (E sợ phần tử khủng bố thực hiện tấn công khủng bố.) Vì chúng tôi đến trước còn người cúng trai thì vẫn chưa đến, nên chúng tôi chỉ có thể chờ ở khu vực cửa cảng. Lúc này có nhiều cảnh sát đến. Hỏi: "Mấy người có thật là người xuất gia không?" Đáp: "Thật." Tôi hỏi có chuyện gì. Cảnh sát nói: "Ở New York đã xuất hiện rất nhiều người xuất gia giả, họ cạo đầu trọc, mặc áo cà sa, ngoại hình căn bản là người xuất gia, tay cầm bình bát đi hóa duyên. Những người giả xuất gia này cũng bán cả những bùa hộ thân nữa." Khi cảnh sát đến thì họ liền tản ra như chim. Trên báo nói, những người xuất gia này đều là giả, không có chùa chiền, không hỏi rõ được nguyên do. Chỉ là họ muốn xin tiền, muốn tiền. Cho nên, cảnh sát mới đến hỏi chúng tôi: "Các người là người xuất gia thật không?" Tôi nghĩ: Tôi đương nhiên là thật. Tôi có sư phụ cạo đầu cho tôi - là đại hòa thượng Quả Hiền. Tôi có chứng thư tăng nhân - do hội Phật giáo phát hành. Tôi có thẻ tu hành - chứng minh thư đã thọ giới. Tôi có chùa - là Lôi Tạng Tự. Nhưng, có người bảo tôi, những cái này đều có thể làm giả được, có thể in ra được, lừa đảo được. Thế giới này có cái thật thì nhất định sẽ có cái giả. Ví dụ: Tiền giả. Đá quý giả. Hộ chiếu giả. Thân phận giả. Bảng tên giả. ... Vậy thế nào là người xuất gia thật đây? Tôi đáp: "Tu hành thật!" Nếu không tu hành thật, cho dù bạn cái gì cũng có thì cũng vẫn là người xuất gia giả.
Thơ:
Quang minh "Mải miết nhìn Quang cảnh sông núi Phong cảnh của thế giới tự nhiên
Nghĩ mà xem Thánh hiền xưa nay suy bại Đời này Ai thật sự tu hành
Thật giả khó căn cứ Nếu trong lòng không có ánh sáng Chẳng phải càng cảm thương sao."
40. Tư tưởng vô vi
Chân Phật Tông có: 50 tòa Lôi Tạng Tự. Hơn 400 Phật đường và trung tâm đồng tu. 5 triệu đệ tử. (Có một đất nước đưa ra báo cáo điều tra của họ, nói rằng chỉ riêng ở đất nước đó đã có một triệu đệ tử Chân Phật Tông rồi.) Đây hoàn toàn không phải khoe khoang bản thân tôi giỏi thế nào, năng lực của tôi siêu thế nào mà độ được nhiều chúng sinh như vậy. Tôi thường nghĩ: Nhiều Lôi Tạng Tự như thế, nhưng tôi cũng chưa hề đi hết tất cả từng ngôi chùa, thậm chí chùa xây dựng xong đã nhiều năm, tôi cũng chưa từng đến khai quang, chưa từng đến thuyết pháp. Hơn 400 phân đường đó, thậm chí đến tên gọi của phân đường, tôi cũng không nhớ được. 5 triệu đệ tử đó thì cũng chỉ biết được một số rất ít. Nói thẳng ra, tôi muốn ghi nhớ họ tên và khuôn mặt của đệ tử thì cũng là nhiệm vụ không thể. Vậy làm sao tôi quản lý được? Câu trả lời thật sự là tôi cũng chưa bao giờ quản lý. Nhân sự. Chính trị. Tài chính. Hoằng pháp. Tôi chưa từng quản lý.
Có ba nơi mà tôi khá thường xuyên hoằng pháp là:
- Đài Loan Lôi Tạng Tự.
- Seattle Lôi Tạng Tự.
- Cầu Vồng Lôi Tạng Tự.
Cho dù hoằng pháp thì tôi cũng chưa từng hỏi về vấn đề nhân sự, chính trị, tài chính, hoằng pháp…. Thật sự là tôi chẳng hề quản việc gì cả. Nếu thật sự yêu cầu tôi quản thì thực tế là tôi cũng không quản nổi, tôi chỉ có hai quan niệm: "Thuận theo tự nhiên." "Tất cả đều là sự an bài hoàn hảo."
Cuộc đời này tôi chỉ làm mấy việc: Viết sách. Vẽ tranh. Tu pháp. Hoằng pháp. Triết học cuộc đời của tôi là: Sống một ngày, vui vẻ một ngày; sống một ngày, cảm ơn một ngày; sống một ngày, tu pháp một ngày. 5 triệu đệ tử, hãy tự mình thành Phật đi! Đệ tử thành Phật cũng được. Đệ tử thành ma cũng được. Đệ tử quy y rồi lại bỏ đi, cũng được. Đệ tử bỏ đi rồi lại quy y, cũng được. Tất cả đều tốt cả.
Thơ:
Tất cả đều tốt đẹp "Cuộc đời tôi chỉ có hai chữ Mà chẳng ai có thể nghĩ đến "Vô cầu"
Tôi chỉ thấy Trạm cuối của đời người Hết mô này đến mô khác Những nấm mồ
Cái gì có thể lưu giữ Bởi lẽ như thế Bạn lo nghĩ điều gì
Bao nhiêu mùa xuân thu Lại thêm bấy nhiều sầu Tôi cũng đều vứt bỏ Quẳng hết lại phía sau.
41. Tuyệt đối không phải nhân vật tiêu điểm
Phật giáo Đài Loan xướng tên Tứ Đại Sơn Đầu thông thường là để chỉ: Phật Quang Sơn, Tinh Vân Đại Sư là người sáng lập. Pháp Cổ Sơn, Thánh Nghiêm Pháp Sư là người sáng lập. Trung Đài Sơn, Duy Giác Pháp Sư là người sáng lập. Từ Tế, Chứng Nghiêm Pháp Sư là người sáng lập. Tứ Đại Sơn Đầu này đã thúc đẩy hoằng dương Phật giáo, vững như Thái Sơn, đồng thời cũng khiến cho Phật pháp tại nhân gian tỏa sáng rực rỡ. Trên phương diện giáo hóa tâm linh cũng có những cống hiến cực kì to lớn. Tứ Đại Sơn Đầu là tiêu điểm. Người trụ trì cũng là nhân vật tiêu điểm.
Vì thế, khi các phóng viên phỏng vấn tôi, tôi rất thẳng thắn nói với các phóng viên: "Tôi không phải là nhân vật tiêu điểm!" Không những tôi không phải là nhân vật tiêu điểm, nghiêm túc mà nói, tôi chỉ là một nhân vật nhỏ bé tu học Phật pháp mà thôi. Mặc dù tôi là người sáng lập tông phái, nhưng trên phương diện kiến thiết và tài lực thì có hơi căng, không được dồi dào như người ta.
Tôi cảm thấy: Tôi giống như gió mát. Tôi giống như mây trắng. Tôi giống như nước chảy.
Từ đầu tôi đã bàn giao rất rõ ràng rồi, tôi không dính vào quyền lực, trên phương diện hữu hình, bản thân tôi chẳng có thứ gì, chỉ có trên phương diện vô hình thì có thể xem tôi là một vị đạo sư tinh thần. Trên phương diện tiền bạc, tôi không dính vào, tôi không bị ô nhiễm bởi tiền bạc, chỉ có một câu "tùy ý". Không mở miệng ra đòi tiền người ta.
Tôi dùng phương pháp phân quyền, hơn nữa lại mạnh ai nấy làm, tôi lấy một ví dụ để minh họa cho rõ: Giống như tôi mở một công ty xe taxi, xe taxi tự mình vận hành, chẳng hề do tôi quản. Cách làm này cũng tương đối thời thượng. Cá nhân tôi rất hài lòng với việc tác pháp của mình, mặc dù không thịnh hành, nhưng tôi là một người theo chủ nghĩa thực tu, bản thân thực tu, người khác không thực tu thì tôi cũng không quản. Xem ra thì cũng là người theo chủ nghĩa lãng mạn.
Chân Phật Tông lớn, nhưng, vô thực. Đệ tử nhiều, nhưng, rời rạc. Trên thực tế là một đám người ô hợp, chia bè kết cánh, phân tách chứ không hề ngưng kết. Nó không hề có tư cách hình thành nên một tông phái tiêu điểm. Tôi không phải là nhân vật tiêu điểm. Tôi vĩnh viễn sẽ không là nhân vật chính, bởi vì đối với nhân gian này, tôi không có một chút quan tâm nào. Vấn đề chính là nằm ở đây: "Không quan tâm!" "Mặc kệ!" "Cái gì cũng bảo tốt cả!"
Thơ:
Tự nhiên "Đi một bước Tính một bước Bóng hình cô độc đến đến đi đi Cũng không biết Đêm nay trọ nơi nào
Nói ra cũng thật nực cười Đã qua bao mùa xuân thu như thế Đôi khi ngoảnh lại Nắng chiều đã sắp tắt rồi
Nói là muốn độ chúng sinh Phật pháp nghìn đầu vạn mối Cũng chẳng thực sự có nổi Một chốn an bài."
42. Atisha tôn giả
Atisha tôn giả, tác giả của Đạo Cự Luận, là một trong những bậc pandita mà tôi tôn kính. Ở Tây Tạng, đại tu hành giả khiến người ta tôn kính nhất ngoài Liên Hoa Sinh Đại Sĩ ra thì chính là Atisha tôn giả. Hai vị này đều là những đại sư hoằng pháp từ Ấn Độ vào Tây Tạng.
Lúc Atisha tôn giả chưa xuất gia thì đã nổi danh rồi. Trong một lần thiền quán, ngài đã đến Sắc cứu cánh thiên. Trông thấy Phật Thích Ca Mâu Ni ở trên pháp tọa cao nhất, hai bên có rất nhiều pháp tọa ngồi đầy các vị A La Hán, nhưng có một pháp tọa không có ai ngồi. Atisha tôn giả tiến nhanh đến ngồi. Phật Đà nhìn thấy hỏi: "Là ai?" Người bên cạnh trả lời: "Atisha tôn giả." Phật Đà quở trách: "Đây là pháp tọa cho A La Hán xuất gia, sao có thể cho phép cư sĩ tại gia ngồi lên?" Atisha tôn giả bị chỉ trích, ngoan ngoãn xuống khỏi pháp tọa. Vô cùng xấu hổ và hối lỗi, mặt đỏ tía tai. Sau khi xuất khỏi thiền quán, ngài bèn tìm đến Thượng Tọa Bộ [ ND: phái Theravada ] để xuất gia. Nhưng bị từ chối. Thế là ngài chỉ còn cách tìm đến Đại Chúng Bộ [ ND: phái Mahasanghika ] để xuất gia, xuất gia tượng trưng cho xuất ly tâm, là quy định nhà Phật của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật nói: Phật pháp đã đến thời mạt thế. Có cư sĩ tại gia (bạch y) ngồi trên ghế. Người xuất gia thì đảnh lễ người tại gia. Đây là Ma tướng. Khi ấy, ma mạnh pháp yếu, Phật pháp bị bỏ bê, giới luật Phật giáo mất hút. Tà sư dẫn dắt pháp sư xuất gia, cùng nhập ma đạo, vô cùng đáng sợ.
Gần đây, tôi thấy trong địa ngục đã xếp danh sách tên các tà sư. Thân là bộ xương người. Vẫn đội mũ Ngũ Phật. Tà sư vào địa ngục. Lòng tôi đầy bi thương. Tôi mong sao Chân Phật Tông hãy dựa theo chế độ của giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật. Để tránh phạm giới luật. Người xuất gia đảnh lễ người tại gia. Quả thật không thể chấp nhận được!
Thơ:
Mạt thế "Giới luật đã thật sự thất thủ Thời mạt thế Khi xa Phật càng xa Xuất hiện bao hiểm trở
Cõi Ta Bà xinh đẹp Làm sao để Ma không thể lộng hành Gió thu vẫn đẹp xinh
Bao nhiêu can qua thời mạt thế Hành giả lúc này Chỉ thở dài Thiên cổ khúc bi ai
Truyền bá bao lừa lọc Hoằng pháp háo lợi danh Bao nhiêu chuyện như thế Thật đáng để sầu thương."
43. Nói về điện thoại di động
Con người hiện đại là tay cầm điện thoại. Công năng của điện thoại di động không thể kể rõ ra được, bởi vì nó đã trở thành tất cả của cuộc sống rồi. Điện thoại di động có thể nghe và viết ra cùng lúc. Tín hiệu khác nhau vô cùng phức tạp. Ngôn ngữ khác nhau. Văn tự khác nhau. Tác dụng khác nhau. Lớn thì chuyện vũ trụ, quốc gia, nhỏ thì chuyện vặt vãnh của mỗi cá nhân, ăn mặc ở đi, v.v… Nhưng, Tôi thì không có điện thoại di động. (Ha ha ha! Tôi là người quái dị số một thiên hạ mà.)
Người ta nói: "Lư Sư Tôn là người nguyên thủy." Đúng vậy, tôi là một người học Phật, không có điện thoại di động, không có máy tính bảng, không có máy vi tính. Tôi chỉ là một con người, và một quả tim. Nói nghiêm túc, tôi cũng không phải là người, tôi cũng không có tim, đương nhiên tôi không cần điện thoại di động. (Lời khai ngộ.) Cái tôi nhìn là không có gì cả. Cái tôi nghe là không có âm thanh, cũng không có bất kì nhịp điệu nào, chỉ là một vùng tĩnh lặng. Vùng tĩnh lặng ấy vừa hay đã chứng minh tính Không tịch diệt, Phật tịch diệt, thiền tịch diệt, khoái lạc tịch diệt. Công năng của điện thoại di động càng ngày càng siêu, càng ngày càng phức tạp, cái gì cũng có. Quái lạ là: Người có điện thoại di động càng ngày càng bận. Còn tôi, càng ngày càng an nhàn. Càng quái lạ hơn là, có điện thoại di động rồi, giữa người với người càng ít hiểu về nhau, càng nhiều những lời nhục mạ lẫn nhau, càng nhiều sự kết bè kết phái, càng nhiều ý kiến, càng nhiều quan điểm khác nhau, sinh ra những mâu thuẫn cuộc sống càng phức tạp hơn. Đương nhiên. Những đệ tử nhiệt tình đều mua cho tôi điện thoại di động hàng mới nhất. Công năng tuyệt vời nhất. Nhưng mà, tôi đã cất nó vào trong két sắt. Xin lỗi, tôi đã cách quá xa thời đại hiện đại rồi, chúng là sự im lặng tuyệt đối. Cuộc đời này của tôi, cái tôi tìm thấy là sự tĩnh lặng. Chứ không phải là một đám ồn ào náo động.
Thơ:
Im ắng "Trên người tôi Chẳng hề có tiếng "tinh tinh tinh", "tang tang tang"
Bạn không thấy được Trên hai tai tôi Đã dán lên cơ linh vuông vắn
Như thế tôi lại càng quang minh Không tin tức Trên trời Dưới đất Đều quy về không
Không có nước mắt trong veo Vô sự Vô tâm Không có tình cảm quá nhiều
Tất cả quy về tịch tĩnh Không nghe Không nhìn Đông tây nam bắc tùy tôi đi."
44. Tất cả đều là giả ư?
Thượng sư Liên Khiết kể với tôi một chuyện: Pháp sư Hải Đào trong một buổi khai thị nói: Có một người vợ trở về nhà, nhìn thấy chồng và một người phụ nữ đang ở trên giường diễn cảnh giường chiếu. Người vợ đứng sững lại. Sau đó nhẹ nhàng khép cửa, rồi nhắm mắt lại, nghĩ rằng: "Tất cả những điều này đều là giả, tất cả điều này đều là giả, tất cả điều này đều là giả." (Là nghiệp chướng của con mắt mình nặng.) Tiếp đó, người vợ đi vào Phật đường, ngồi xuống, tu pháp, quán tưởng.
Còn nữa: Pháp sư Hải Đào trong khi khai thị nói: Nam nữ ngoại tình. Giống như tiền giấy. Tiền giấy mà bạn có không chắc đã là của bạn, cũng không chắc có người đã dùng qua, ai dùng trước, bạn dùng, người sau cũng dùng. Có nghĩa là: "Của công, mọi người đều dùng!"
Còn nữa: Pháp sư Hải Đào nói về chuyện ngoại tình: Người chồng ngoại tình với người phụ nữ bên ngoài, việc này nhất định có nhân duyên của nó, vào kiếp trước, người chồng và người phụ nữ bên ngoài nói không chừng lại là vợ chồng của nhau. Còn người vợ hiện tại thì lại là "tiểu tam".
Nghe nói: Những lời thuyết pháp của pháp sư Hải Đào đã khiến cho dân chúng trong xã hội tranh luận không ít. Pháp sư Hải Đào trở thành một pháp sư đầy tranh cãi, quần chúng xã hội thảo luận sôi nổi.
Được rồi! Trái lại, Lư Sư Tôn nghĩ như thế này, tất cả những lời thuyết pháp của pháp sư Hải Đào là có ngộ cảnh. Không cần phải lấy làm lạ. Người khai ngộ sẽ biết: Thế tục đế, vốn chính là mộng. Thế tục đế, vốn chính là huyễn. Thế tục đế, vốn chính là bào. Thế tục đế, vốn chính là ảnh. Tất cả thế gian là sự huyễn hóa nhất thời, như sương cũng như điện, điện quang đá lửa, sẽ biến mất. Vốn dĩ tất cả mọi thứ của thế gian chính là giả, là một trò chơi mà thôi, có cái nào là thật chứ? Căn bản đều là giả, giả, giả. Nói thế nào thì cũng đều là: "Giả."
Còn nữa: Trên phương diện luân hồi chuyển thế: Tất cả nhân duyên sinh. Tất cả nhân duyên diệt. "Không bám chấp" là quan trọng. "Của công" và "nhân duyên nhiều kiếp" ở đây đều nói rất đúng, pháp sư Hải Đào quả nhiên là có kiến địa. Chỉ là kiến địa kiểu này không thể khiến cho thế nhân tiếp nhận được mà thôi.
Tôi viết một bài thơ:
Tất cả đều là giả "Thế sự phong phú Tái hiện liên miên Lúc hãy còn như hoa như ngọc Thì ai cũng nhìn
Cả viện thơm nức Như đóa hoa nở ai nấy ngợi ca Vẻ yêu kiều chẳng ở đâu có
Quân tử cẩn thận mà phân biệt Liệu được bao ngày Tất cả đổi thay."
45. Khách đến hỏi chuyện
Có khách đến hỏi: "Vụ hỏa hoạn nhà sắt ở Miêu Lật thiêu chết chín người, ngài có cảm tưởng gì?" Tôi nói: "Tôi đưa anh đi xem chim!" Khách nói: "Vì sao lại muốn đưa tôi đi xem chim?" Tôi đáp: "Chuyện đó thì có liên quan quái gì đến tôi chứ!" Người khách sửng sốt: "Chín người ấy không phải là đệ tử của ngài sao?" Tôi đáp: "Nhà sắt đó là một đạo tràng giả, chín đệ tử đó là đệ tử giả, chân tướng chính là như vậy." Người khách hỏi: "Vì sao lại giả chứ?" Tôi đáp: "Nhà sắt đó là của một người là Lưu Huyền (Lưu X Hào) và một người là Kim Đa, chín người bị thiêu cháy đi theo hai người này." Người khách hỏi: "Như vậy là giả sao?" Tôi đáp: "Một cây đại thụ, chặt mất cành, cành này có còn thuộc về cái cây đại thụ không?"
Người khách nghĩ một lúc, cuối cùng đã hiểu ra, thì ra là hai người này đã lừa gạt đệ tử Chân Phật Tông, dựng lên một cái bếp mới, tự lập một gia đình mới. Tôi cười lớn ha ha ha. Người khách hỏi: "Ngài có giúp chín người này làm siêu độ tiếp dẫn không?" Tôi đáp: "Đương nhiên rồi." Người khách hỏi: "Chín người này đã không còn là đệ tử của ngài, vì sao ngài vẫn từ bi siêu độ tiếp dẫn họ chứ?" Tôi đáp: "Mặc dù là việc chết tiệt, nhưng, rốt cục thì cũng có một đoạn nhân duyên. Cho dù là người vô duyên thì cũng đều cần độ hóa, huống hồ vẫn có một đoạn nhân duyên thầy trò chứ!" Tôi nói: "Đây chính là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi." Người khách hỏi: "Lưu Huyền và Kim Đa kia sau khi sự việc xảy ra có đến gặp ngài không?" Tôi đáp: "Vẫn chưa." Khách hỏi: "Sao mà ngay cả đạo lý đối nhân xử thế cũng không hiểu chút nào vậy?" Tôi đáp: "Bát nước đã hắt đi, sao có thể lấy lại được? Suy cho cùng đây là nhân gian, nhân gian chính là đành vậy thôi!"
Thơ:
Đành vậy "Có một số chuyện luôn khiến tôi động lòng Bấm tay tính toán Nhận đệ tử Đuổi đệ tử Thế sự biến hóa vô thường Khiến lòng tôi Nặng trĩu Bạn cần nhìn cho thoáng Bất luận cười hay khóc Bất luận thật giả hư thực Thì cũng chẳng thể khác được Ai bảo tôi là Sư Tôn chứ Ai cùng ai Giấc mộng đau buồn Đành tiễn đưa."
46. Thoải mái
Tôi từng nói như thế này, cuộc đời tôi có bốn điều quan trọng:
- Viết sách.
- Vẽ tranh.
- Tu pháp.
- Hoằng pháp.
Tôi có thể nói một cách khẳng định rằng: Tôi là người có nỗ lực nhất, cũng là người có nghị lực nhất, lấy việc viết sách làm ví dụ. Từ cấp hai, cấp ba, tôi đã bắt đầu viết văn. Khi học đại học, tôi đã xuất bản bốn cuốn sách. Kể từ đó về sau, ngày ngày tôi viết sách, gần như không có ngày nào là không viết, viết liên tục cho đến khi 72 tuổi. Đến nay, tôi đã viết đến cuốn thứ 255 rồi.
Trước kia, tôi muốn trở thành nhà thơ, nhà văn. Cũng muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp, tất nhiên tôi cũng có hi vọng được người người biết đến. Sau này học Phật rồi, Hiển, Mật giáo, tôi biết, thì ra "xuất thế" mới quan trọng làm sao. Phương hướng sáng tác của tôi đã thay đổi rồi, trong "thế tục đế", tôi thêm vào cả "thắng nghĩa đế". Việc viết sách của tôi phần lớn là vào buổi sáng, mỗi ngày viết một chương. Mỗi buổi sáng tôi chỉ làm hai việc, tu pháp và viết sách, chỉ như thế thôi đã hết cả buổi sáng rồi. Tôi vẽ tranh vào buổi chiều. Hoằng pháp vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Cứ như vậy không hề gián đoạn, tôi đã đi đến tuổi 72.
Gần đây, tôi có hơi thay đổi một chút, tôi nghĩ: "Thoải mái" đi! Thế nào là thoải mái? Thoải mái không phải là lười nhác.
Ví dụ, tôi viết được nửa chương sách, đột nhiên tôi buồn ngủ, muốn đi ngủ, thế là tôi liền đặt bút xuống để mà đi ngủ. Chương sách chưa viết xong đó để đến hôm sau lại viết tiếp. Tôi đã buông bỏ sự bám chấp rồi, không nhất định cứ hai tháng là phải hoàn thành xong một cuốn sách nữa. Tôi muốn đi xa để hoằng pháp, vậy thì đi thôi! Tôi muốn đi xem phong cảnh, vậy thì đi thôi!
Cái cảm giác ấy đã lỡ nhịp với cuộc sống đều đều đơn điệu rồi, đương nhiên tu pháp không nhất định phải ở Phật đường, tôi có thể tu ở trên máy bay, ở trên thuyền, ở trong xe của mình, không bó buộc ở tại Phật đường.
Tôi duy trì: Mỗi ngày tu pháp, nhưng không định thời gian! Tôi muốn đi công viên Disney, thế là tôi đi chơi giống như một đứa trẻ con! Tôi muốn đi đến hãng phim Universal, vậy thì đi thôi! Tôi muốn đi đến thành phố casino [ND: Las Vegas], vậy thì đi! Tôi dần dần thoải mái hơn, tôi không muốn bị trói buộc, nhưng tôi vẫn không thể đi đến các câu lạc bộ đêm. Tôi hỏi chính mình: "Người 72 tuổi vẫn còn có thể đi câu lạc bộ đêm không?" Bây giờ, tôi là như vậy đó!
Thơ: Thoải mái "Bảy mươi hai tuổi đầu Giống như cả một đời đong đưa Con thuyền sáng tác nhỏ Đã mất đi mái chèo
Hướng đông hướng nam hướng tây hướng bắc Đã mất đi nhịp điệu Giờ đây Thêm một phần ồn ào
Biết sự đời là huyễn Đừng cố chấp khăng khăng Muốn nằm thì nằm Muốn ngủ thì ngủ Ở thế giới trong mơ Cớ gì không mỉm cười."
(Hết)