Tổ chức và cơ cấu các vị trí trong Chân Phật Tông
Tổ chức Chân Phật Tông (viết tắt là CPT)
Chân Phật Tông thế giới
Thành lập: Năm 1975. Tên gọi: Linh Tiên Chân Phật Tông, gọi tắt là Chân Phật Tông. Tên gọi này do Diêu Trì Kim Mẫu ban cho. Tông chủ: A Di Đà Phật của Tây phương Cực Lạc thế giới. Tôn chỉ thành lập: Tức thân thành Phật. Tổng đường: Ma Ha Song Liên Trì, tại Tây phương Cực Lạc thế giới.
Chân Phật Tông thế giới tông vụ ủy viên hội (gọi tắt là Tông Ủy Hội)
Thành lập: Ngày 1/1/1997 Mục đích: Hoằng dương Chân Phật Mật Pháp một cách có trật tự và suôn sẻ. Nhiệm vụ chủ yếu: Quản lí tất cả sự vụ của tông phái, trợ giúp các phân đường địa phương và Lôi Tạng Tự. Phạm vi quyền lợi: Hành chính, giới luật, nhân sự, tài chính, pháp vụ, tuyển cử, giáo dục, v.v… Nếu có phát sinh Thượng sư hoặc phân đường CPT không nghe theo chỉ đạo và góp ý của Tông Ủy Hội, nhóm nòng cốt của Tông Ủy sẽ đưa ra quyết định. Quyết định cao nhất là: Thượng sư đó hoặc nhóm hoằng pháp đó phải rút khỏi đội ngũ CPT và gửi thông báo đến toàn thế giới.
Tổng hội Mật giáo Chân Phật Tông
Liên Sinh Hoạt Phật từng nói: “CPT là một tông phái thực tu Mật giáo, nói một cách nghiêm khắc là, tôn chỉ chỉ có “tức thân thành Phật”. Thế nhưng tôn chỉ này quá cao, cần phải thành lập một tổ chức Mật giáo thống nhất chính thức. Vì thế, CPT Tông Ủy Hội thúc đẩy các nước trên thế giới tự thành lập Tổng hội Mật giáo.”
Hiện tại trên toàn thế giới chỉ có 3 Tổng hội Mật giáo CPT được chính thức công nhận:
- CPT Tổng hội Mật giáo Trung Quốc.
- CPT Tổng hội Mật giáo Malaysia.
- CPT Tổng hội Mật giáo Indonesia.
Lôi Tạng Tự
“Tiếng sấm rền vang thập pháp giới, Như Lai ẩn tạng hiển chân như”, đây là lời kệ mà Liên Sinh Hoạt Phật đề cho Lôi Tạng Tự. Hiện tại có gần 60 tòa Lôi Tạng Tự trên toàn thế giới.
Hiện tại, ở VN không có Lôi Tạng Tự của CPT.
Phân đường, hội đồng tu
Mục đích thành lập: cung cấp đạo tràng và các pháp bản (tài liệu tu tập) cho đồng môn, giúp đỡ chúng sinh quy y CPT, cùng tu Chân Phật Mật Pháp (viết tắt là CPMP), hoằng dương CPMP. Điều kiện thành lập: yêu cầu phải có từ 40 người trở lên, địa điểm lập phân đường và hội đồng tu phải thích hợp mới có thể xin phép thành lập. Tên của phân đường, tên của hội đồng tu cần thỉnh Căn bản Thượng sư Liên Sinh Hoạt Phật ban cho mới xem là có truyền thừa, và là một tổ chức hoằng pháp có trật tự. (Các điều kiện để xin thành lập đã được Tông Ủy Hội công bố cụ thể.)
Nghĩa vụ và trách nhiệm thành lập: Ba nguyên tắc trọng yếu nhất là hộ trì Căn bản Truyền thừa Thượng sư, truyền thừa của CPT, hộ trì CPMP, tuân thủ giới luật Mật tông.
Cơ cấu tổ chức từ trên xuống dưới
- Người sáng lập CPT Liên Sinh Hoạt Phật - cũng là Căn bản Truyền thừa Thượng sư.
- Sư Mẫu Liên Hương Kim cương Thượng sư.
- Nhóm nòng cốt Tông Ủy Hội.
- Tông Ủy Hội CPT thế giới.
- Tổng hội Mật giáo ở các nước.
- Tổ chức hợp pháp ở các nước được Tông Ủy Hội cho phép và công nhận. (Ở VN chưa có tổ chức CPT VN nào được Tông Ủy cho phép và công nhận.)
- Hội đồng tu ở các nước.
Cấp bậc và quy định trang phục trong CPT
Xuất gia chúng
Kim cương Thượng sư của CPT phải là người xuất gia, do chính Liên Sinh Hoạt Phật sắc phong và làm nghi thức xối nước quán đảnh Acharya (A-xà-lê).
Xuất gia chúng của CPT đầu tiên phải xuống tóc xuất gia, bắt đầu từ pháp sư trở đi phải trải qua kiểm tra sát hạch để lựa chọn người đạt yêu cầu.
Trang phục của các nhân viên hoằng pháp của CPT đều do Sư Tôn lập ra quy định, tất cả trang phục đều không được tự ý thay đổi. Muốn phân biệt đâu là nhân viên hoằng pháp thì hãy chú ý đến màu sắc ở cổ áo là được.
Thượng sư: trang phục Lama màu đỏ tía, cổ vàng. Trong CPT, chỉ có vị trí Thượng sư mới được phép đội mũ Ngũ Phật, và chỉ đội trong pháp hội và khi làm pháp. Thượng sư đã thọ giới xuất gia bình thường đều phải mặc trang phục Lama, không được mặc thường phục.
Giáo thọ sư: những người đã thông qua bài kiểm tra pháp sư mới được lựa chọn vào vị trí này, mặc áo lama đỏ tía cổ xanh lục.
Pháp sư: đệ tử tại gia của CPT khi xuất gia thì sẽ trở thành pháp sư của CPT, điều kiện phải trên 18 tuổi. Người xuất gia trong CPT đều do chính tay Sư Tôn xuống tóc hoặc do các Thượng sư khác thay mặt Sư Tôn cạo đầu. Pháp sư mặc trang phục Lama màu đỏ tía, cổ áo cùng màu.
Tại gia chúng
Giảng sư và trợ giảng: đệ tử tại gia muốn hỗ trợ hoằng pháp, có thể tham gia chương trình đào tạo và kì kiểm tra lựa chọn, đạt tiêu chuẩn sẽ được ủy nhiệm chức vụ trợ giảng. Trợ giảng sau một số năm giúp đỡ, đạt đến trình độ tu Mật pháp cao hơn, có phẩm đức hợp với giới luật của tông phái, năng lực độ chúng sinh biểu hiện xuất sắc, được Sư Mẫu tiến cử, và thông qua bài kiểm tra của Tông Ủy Hội, nếu đạt thì được thăng lên làm giảng sư. Giảng sư mặc áo đỏ cổ xanh lam, trợ giảng mặc áo đỏ cổ trắng.
Nhân viên hoằng pháp tại gia: có nhiệm kì hạn chế, và có thể gia hạn sau khi tham gia kì kiểm tra và đạt tiêu chuẩn, trừ trường hợp Sư Tôn trực tiếp chỉ thị cho một nhân viên hoằng pháp tại gia là có nhiệm kì vĩnh viễn, gọi là “nhân viên hoằng pháp tại gia cả đời”.
Trợ lí hoằng pháp: là người giúp đỡ các nhân viên hoằng pháp nói đến ở trên trong các công việc liên quan đến pháp vụ, giúp đỡ đồng môn, phạm vi nhiệm vụ rất hạn chế.