📕

Mười bốn đại giới căn bản của Mật giáo

image

Mười bốn đại giới căn bản của Mật giáo

Văn tập: 698 Giảng pháp: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Thời gian: 2000 Địa điểm: N/A Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Mở đầu: Thứ tự của giới luật và hỏi đáp

Bởi có người hỏi về vấn đề thứ tự của giới luật, cho nên hôm nay chúng ta sẽ nói một cách đơn giản về giới. Đương nhiên giới luật của Phật giáo lấy Ngũ giới làm cơ sở, chúng ta đều biết Ngũ giới chính là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu. Ngũ giới chính là giới luật căn bản nhất của Phật giáo, thật ra giới luật của bản thân Tiểu thừa cũng lấy Ngũ giới làm chủ yếu nhất.

Sau khi có giới của Tiểu thừa rồi thì tiến vào giới Đại thừa. Thật ra giới Bồ Tát nên là cao nhất, trong đó bao gồm giới Lục độ. Cái gọi là giới Lục độ chính là Lục độ mà bình thường chúng ta vẫn nói, tức là phải làm công tác lục độ, liên tục cho đến khi đạt đến Lục độ vạn hành. Lục độ vạn hành tức tương đương với Bồ Tát Đại thừa.

Tiến vào bên trong Mật giáo thì phải giữ “Sự sư pháp ngũ thập tụng” [50 quy tắc ứng xử giữa thầy trò]. Thật ra “Sự sư pháp ngũ thập tụng” trong Mật giáo gọi là Sự giới… tức là làm sao để thừa sự Thượng sư, làm sao để thừa sự Phật Bồ Tát, cái này thuộc về Sự pháp. Tiến thêm một bước nữa chính là 14 đại giới của Mật giáo, là thuộc về Hành bộ. Các giới này đặc biệt nói rằng ngoài phụng sự Phật, phụng sự thầy ra thì còn phải tu hành ra sao, làm thế nào đối diện với việc tu hành, vì thế gọi là Hành bộ. Cho nên 14 đại giới căn bản này cũng thuộc về giới luật của Hành bộ.

Đệ tử quy y của Chân Phật Tông nhất định phải giữ năm giới, đây là giới mà mọi hành giả Phật giáo đều phải giữ. Sau khi có được căn bản của năm giới rồi, tự mình muốn nhận thêm Bát quan trai giới hoặc Bồ Tát giới thì đó là chính bản thân bạn phát tâm Bồ Tát Đại thừa. Còn như tông phái chúng ta thuộc về Mật giáo, đầu tiên nên giữ hai giới, một là giới Sự bộ, tức là “Sự sư pháp ngũ thập tụng”, tức là làm thế nào để thừa sự thầy; tiếp đó là 14 đại giới Mật giáo, thuộc về giới Hành bộ, đây là giới thứ hai căn bản nhất của Mật giáo.

(Trích từ chương 012 - Thứ tự của giới luật, cuốn 667 “Chân Phật Tông Giới Luật Mật Thừa”.)

🌟

Hỏi: Cái gì là giới luật? Đáp: “Đại Thừa Nghĩa Chương” có viết: ”Gọi là sila, cái tên gọi này rất thanh mát, cũng gọi là giới. Tam nghiệp như lửa cháy thiêu đốt con người, các sự việc giống như lửa cháy, giới có thể phòng ngừa và ngăn chặn, vì thế mới nói là thanh mát, cái tên thanh mát, cũng có nghĩa là che lại, có thể phòng và chặn, do vậy gọi là giới.”

Giới luật chính là phòng ngừa và ngăn chặn tín đồ Phật giáo đi vào con đường sai trái tà ác.

Hỏi: Công dụng của giới luật là gì? Đáp: Trước tiên chúng ta hãy hiểu bốn tướng của giới luật: Giới pháp — Là luật pháp mà Như Lai đã chế định ra. Giới thể — lĩnh nạp giới pháp vào tâm, sinh ra công đức phòng tránh cái sai và ngăn chặn cái ác. Giới hành — cùng với giới thể mà hành động và làm việc như pháp gọi là giới hành. Giới tướng — sự khác biệt giữa hành vi cử chỉ, giới có năm giới, mười giới, thậm chí hai trăm năm mươi giới.

Từ đây, chúng ta có thể hiểu: công dụng của giới luật chính là công đức phòng tránh cái sai và ngăn chặn cái ác.

Liên Sinh Thánh Tôn cho rằng có ba công dụng: 1. Tránh xa mọi phi pháp tà ác. 2. Thu hút và tích lũy thiện phúc, chứng ngộ Như Lai. 3. Lợi lạc tất cả hữu tình.

Hỏi: Ba thứ giới-định-huệ có liên hệ thế nào? Đáp: Phòng và chặn ác là giới, ngừng nghĩ tịnh duyên là định, phá ác chứng chân là huệ. Từ giới mới sản sinh định, từ định mới sản sinh huệ. Đây chính là nhất giới, nhị định, tam huệ, tứ giải thoát, ngũ giải thoát tri kiến, đây là năm phần pháp thân.

(Trích từ chương 06 - Nghi quỹ giới luật, cuốn số 81 “Chân Phật Nghi Quỹ Kinh”.)

🌟

Hỏi: Chân Phật Tông là Mật thừa, Mật thừa lại có giới luật gì? Đáp: Mật thừa tổng cộng có 14 điều giới luật căn bản, bất kì điều nào cũng đều có thể phá hủy mối quan hệ thần thánh giữa hành giả Chân Phật và Liên Sinh Thánh Tôn, có nghĩa là khiến cho hành giả quy y quán đảnh chỉ có được hình thức quy y quán đảnh mà không có được lực gia trì của Thượng sư và Bổn tôn.

Hỏi: Giới luật học cũng là một môn học lớn, trong đó còn có quy tắc gì không? Đáp: Trong Phật môn có rất nhiều giới luật, đương nhiên cũng có rất nhiều quy tắc không nằm trong giới luật, đó là một dạng quy tắc được cùng quy ước khi tu học một tông phái, những quy tắc này được biến đổi từ đạo đức của giới mà ra.

Đệ tử Chân Phật Tông chúng ta cùng giữ các quy tắc này, như vậy quy tắc mới có thể trở thành tiêu chuẩn, hình thành nên một tông phái hoàn mỹ, một đoàn thể hoàn mỹ. Như vậy mới là: Nghiêm túc. Kính cẩn. Như pháp.

01. Giới thiệu vắn tắt về Liên Sinh Hoạt Phật

Người sáng lập Chân Phật Tông - Giới thiệu vắn tắt về Liên Sinh Hoạt Phật.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn thực tu dựa theo thứ tự Chân Phật Mật Pháp mà đạt được tức thân thành Phật. Bởi vì đã đích thân chứng thành tựu Phật quốc Tây phương Cực Lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, do vậy ngài đã phát lời nguyện to lớn, thề nguyện phân thân xả cốt độ chúng sinh. Ngài là một trong những đại thành tựu giả của Mật giáo đương đại.

Trong hành trình tu hành hơn 30 năm của mình [tính đến thời điểm năm 2024 là hơn 50 năm], Liên Sinh Hoạt Phật đã chỉnh lý và dung hợp những Mật pháp tu hành rất sâu thành những nghi quỹ Chân Phật Mật Pháp thuận lợi đáp ứng thời đại, thích hợp với người tu hành hiện đại. Cho đến năm 2024, ngài đã xuất bản số lượng khổng lồ với 300 cuốn sách Phật học để hoằng dương Phật pháp, dẫn độ những người hữu duyên.

Hiện tại đã có hơn 5 triệu người quy y [tính đến năm 2024, số đệ tử quy y Chân Phật Tông đã vượt xa 5 triệu, nhưng trong các văn bản suốt vài chục năm vẫn luôn ghi con số 5 triệu, có tính tượng trưng, với ý nghĩa là rất nhiều], phân bố ở khắp nơi trên thế giới, đã thành lập hơn 400 trung tâm hoằng pháp ở nhiều nơi. Rất nhiều Hoạt Phật Tây Tạng và đại pháp sư Hiển giáo cũng đều quy y dưới Phật môn của Liên Sinh Hoạt Phật, tu trì Chân Phật Mật Pháp.

Chân Phật Tông lấy việc hoằng dương Chân Phật Mật Pháp, chỉ dẫn chúng sinh y pháp tu hành, thực tu theo thứ tự từ Tứ gia hành, Thượng sư tương ứng, Bổn tôn pháp, Bảo bình khí, chuyết hỏa, thông trung mạch, mở ngũ luân, ngũ kim cương pháp, Vô thượng mật, Đại viên mãn mà đạt đến tôn chỉ “minh tâm kiến tính, tự chủ sinh tử”.

02. Ngũ giới

Ngũ giới:

1. Không sát sinh — từ tâm thương vật, không giết sinh vật. Càng tích cực phóng sinh.

2. Không uống rượu — không uống rượu ở đây là chỉ không say rượu, không vì rượu mà loạn nhân tính.

3. Không tà dâm — quan hệ tình dục ngoài vợ chồng chính là tà dâm.

4. Không hai lưỡi — không đâm bị thóc chọc bị gạo, phạm khẩu nghiệp, phỉ báng chính nhân chính pháp đều là phạm vào nghiệp này.

5. Không trộm cắp — không phải đồ của mình không được trộm cắp.

03. Giải thích Ngũ giới

Đệ tử Chân Phật Tông hiện tại đã có hơn một trăm nghìn người trên khắp thế giới, đệ tử quy y đến từ nhiều nước khác nhau, con số này tôi có được từ số lượng chứng thư quy y. [Con số 100.000 là tính tới thời điểm Sư Tôn thuyết giảng 14 giới luật này vài chục năm trước.] Mỗi ngày đều có người quy y, đích thân đến Mỹ nhận quán đảnh quy y, hoặc viết thư thỉnh cầu quán đảnh quy y từ xa. Tôi tin rằng trong vòng vài năm ngắn ngủi, con số này chắc chắn sẽ nhân lên gấp mười lần trăm lần.

Rất nhiều đệ tử Chân Phật Tông sau khi quy y hỏi tôi rằng Chân Phật Tông phải giữ giới luật gì? Trên chứng thư quy giới chúng tôi viết như thế này: “Từ đây hãy theo ý chỉ của Phật. Nhất tâm quy y Phật môn. Nhận lễ minh sư. Quy y Liên Sinh Pháp Vương. Nguyện cho đến hết thọ mạng phụng sự ý chỉ của Phật và hành thiện. Nguyện cho đến hết thọ mạng phụng sự pháp và giữ giới. Nguyện cho đến hết thọ mạng tận hiến với đất nước. Hiếu thuận cha mẹ. Lễ kính sư trưởng đồng môn. Một đời một kiếp. Phụng hành không khác. Đặc biệt chuẩn bị sớ văn này dâng biểu. Thiên thượng địa hạ chư Phật Bồ Tát cùng soi xét.”

Đầu tiên phải nói đến là giới luật Chân Phật Tông, cái gọi là “nguyện cho đến hết thọ mạng” tức là sẵn sàng dành hết tất cả sức lực và tuổi thọ của mình để phụng trì chính pháp, giữ nghiêm giới luật. Giới luật này chính là Ngũ giới của Phật pháp, Chân Phật Tông chúng ta là chính tông, là chính pháp của Phật pháp, cho nên phải giữ Ngũ giới của chính pháp. Ngũ giới này là:

1. Không sát sinh — từ tâm thương vật, không giết sinh vật. Càng tích cực phóng sinh.

2. Không uống rượu — không uống rượu ở đây là chỉ không say rượu, không vì rượu mà loạn nhân tính.

3. Không tà dâm — quan hệ tình dục ngoài vợ chồng chính là tà dâm.

4. Không hai lưỡi — không đâm bị thóc chọc bị gạo, phạm khẩu nghiệp, phỉ báng chính nhân chính pháp đều là phạm vào nghiệp này.

5. Không trộm cắp — không phải đồ của mình không được trộm cắp.

Đây là giới luật căn bản nhất của Chân Phật Tông, cũng là giới luật căn bản nhất của Phật pháp. Đệ tử Chân Phật cũng là đệ tử Phật, đương nhiên phải giữ năm giới này. Ngoài ra, tu hành chính pháp Phật môn, hiếu dưỡng cha mẹ, lễ kính sư trưởng, tôn kính đồng môn, đây là căn bản làm người, vậy đương nhiên phải làm được, ngay đến điều này mà không làm được thì xin tự động gửi trả lại chứng thư quy y cho Thượng sư. Bởi vì đệ tử không giữ giới luật như vậy là không như pháp, cho dù có quy y Chân Phật Tông nhưng chưa phụng pháp trì giới thì cũng không khác gì vô dụng, giữ lại một tờ giấy chứng thư quy y cũng chỉ như giấy loại mà thôi.

Phàm là đệ tử Chân Phật giữ năm giới làm mười điều thiện, tôi chúc phúc các đệ tử này, một là không có kẻ thù, rời xa tất cả bệnh tật, tuổi thọ kéo dài và cát tường an lạc. Hai là, người trong gia đình hòa hợp vui vẻ không tranh giành, rời xa mọi sự nịnh nọt, ai ai cũng nhận được sự kính trọng của người đời. Ba là, mọi đệ tử có trì giới hành thiện không ai gặp tai nạn ngoài ý muốn, không có cái chết đột ngột. Bốn là, phàm là người trì giới hành thiện, chư Thiên thường xuyên che chở bảo vệ, khiến các đệ tử quy kính Tam Bảo, đều nguyện tu tập hạnh bồ đề. Năm là, ruộng phúc viên mãn.

Do bởi thế nhân chưa hẳn toàn là Thánh hiền, vì thế tất nhiên sẽ có người phạm giới, người phạm giới nếu có tâm sám hối thì phải tu pháp sám hối. Phát nguyện các nghiệp tội đã làm trước kia, ở trước mặt chư Phật và Thượng sư phải thành tâm phát lộ sám hối.

Tội lỗi trong đời người rất nhiều, muốn kể ra cũng không thể kể hết, ví dụ rất nhiều người về cơ bản là không tin nhân quả, cũng không tin báo ứng, mở miệng ra là “Tôi không tin cái gì hết!”, những người mà cái gì cũng không tin này chính là những kẻ tự kiêu cao ngạo, rất dễ phóng dật [Phóng dật là lối sống buông thả phóng túng theo dục vọng, không có tiết độ, không biết tự giới hạn và kiềm chế bản thân, sống xả láng không cần biết ngày mai.], sẽ càng tạo thêm nghiệp ác.

Người đời ít Thánh hiền, lắm kẻ ngu, tất cả hành vi thường chịu sự trói buộc của vô minh, một khi kết giao với bạn xấu thì rất dễ theo duyên đó mà đi xuống, vì thế người đời giao kết bạn bè phải đặc biệt cẩn thận, bạn bè có rất nhiều tập khí xấu thì ít qua lại với họ, bởi vì một lần theo họ thì sẽ trồng cái gốc cho những lần tiếp theo thuận theo họ, như vậy thì cũng rất dễ tạo mọi ác nghiệp.

Lòng tham cũng là một trong những tập tính của nhân loại, chủng tử tham lam là sự mê hoặc số một ảnh hưởng con người đi về hướng nghiệp tội, ví dụ tham sắc, sắc đẹp thì ai ai cũng yêu thích, người không nên tham lam cũng muốn đi thử chạm một chút, chủng tử tham này sẽ gây phiền phức rầy rà cho người ta, hành giả tu trì phải dùng phương pháp quán không và bất tịnh để chuyển dời suy nghĩ tham sắc. Nếu không tu tập như vậy thì ngay cả lão hòa thượng, lão đạo sĩ cũng vẫn đêm đêm mộng giấc xuân như thường, đêm đêm “đi tiểu trộm”. Không tham hai chữ mỹ sắc này mới xem là người tu chân tồn đức, nếu có hành vi tham sắc, vậy thì đúng là tạo nghiệp tội lớn. Tham tiền cũng như vậy, con người vì tiền mà chết, chim vì tham ăn mà chết, ngoài những gì mà mình đáng được có ra thì tham tiền chính là chủng tử của phiền não, hành giả tu trì phải học tập “tri túc thường lạc”, có tri túc thường lạc rồi mới không có dục vọng tham tiền, đây chính là không tham lam vật phẩm tự mình sẽ là người thanh cao.

Lại vì đố kỵ mà đi nịnh bợ hãm hại người khác, trong lòng cũng thường phiền não.

Còn có nghiệp tội nghiêm trọng hơn là năm tội phản nghịch. Ví dụ phá hoại tháp Phật hoặc chùa Phật, đốt kinh điển sách thiện, phá hủy tượng Phật, lấy trộm tài vật của Tam Bảo. Phỉ báng Phật pháp, sỉ nhục Thánh giáo, bức hại người tu trì chính pháp. Giết hại cha mẹ, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, giết A La Hán. Không màng đến nhân quả, thường làm mười nghiệp bất thiện, đây chính là năm tội phản nghịch rất nghiêm trọng.

Những người phạm vào nghiệp tội này phải nhanh chóng sám hối, quảng thuyết chính pháp, lợi ích thiên hạ quần sinh, dùng chính pháp để hàng phục tâm ma của chính mình, chuyển đại pháp luân, dùng pháp sáu ba-la-mật để loại bỏ mười nghiệp đại bất thiện, hàng phục tham dục, sân dục, si dục, phiền não và mọi khổ đau đều sẽ được đẩy lùi, khiến tự tính tỏa sáng và đạt viên mãn.

Đệ tử Chân Phật Tông khi có được đại trí huệ túc mệnh, có thể nhớ lại được trăm nghìn kiếp, có thể ngày ngày tu trì chính pháp chính giáo mà Như Lai đã truyền xuống, làm mọi thiện nghiệp tùy duyên, phụng sự vị Thượng sư thù thắng nhất, rời xa tất cả mọi điều bất thiện, cứu giúp bảo vệ chúng sinh mang tội khổ, cấp tốc chứng vô thượng đại bồ đề.

Muốn tu pháp sám hối, có năm mục quan trọng:

1. Thỉnh Phật làm chứng:

Phải phụng thỉnh Vô Lượng Thọ Phật, Thắng Quang Phật, Diệu Quang Phật, A Súc Phật, Công Đức Thiện Quang Phật, Sư Tử Quang Minh Phật, Nhật Quang Minh Phật, Võng Quang Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Bảo Diễm Phật, Diễm Minh Phật, Diễm Thịnh Quang Minh Phật, Cát Tường Thượng Vương Phật, Vi Diệu Thanh Phật, Diệu Trang Nghiêm Phật, Pháp Tràng Phật, Thượng Thắng Thân Phật, Khả Ái Sắc Thân Phật, Quang Minh Biến Chiếu Phật, Phạn Tịnh Vương Phật, Thượng Tính Phật. Ở đây là thỉnh ba vị Phật ở phương Tây, năm vị Phật ở phương Đông, năm vị Phật ở phương Nam, tám vị Phật ở phương Bắc. 21 vị Phật này cùng phụng thỉnh và quán tưởng các vị đến và trụ trong không trung, trở thành những vị làm chứng cho việc sám hối của bạn.

2. Phóng quang tiêu chướng:

Uy lực của 21 vị Phật này có thể khiến người đã làm mọi ác nghiệp có thể diệt tội được phúc, đó là công đức chân thực của 21 vị Phật. Người tu trong lúc tĩnh lặng nhớ nghĩ đến 21 vị Phật đến trụ trong hư không, lần lượt từng vị Phật từ những lỗ chân lông trên người phóng ra vô lượng ánh sáng, có trăm nghìn loại màu sắc ánh sáng. Đầu tiên ánh sáng từ trong lỗ chân lông của các vị Phật phóng ra, sau đó tỏa sáng mạnh mẽ, sau đó đan xen thành vô lượng màu sắc. Khi ánh sáng chiếu ra thì các sát thổ của mười phương thế giới đều biến thành Phật quốc, còn bản thân cũng an trụ trong thế giới ánh sáng đó. Mọi ngũ trọc ác thế đều được Phật quang chiếu tới. 21 vị Phật này phóng ánh sáng chiếu khắp, hễ chiếu tới uế quốc thì sẽ hóa thành Phật quốc. Ánh sáng này chiếu tới mọi chúng sinh, khiến mười ác nghiệp của mọi chúng sinh, năm tội vô gián, người phỉ báng Tam Bảo, bất kính với thầy, bất hiếu với cha mẹ, lẽ ra phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì nay đều có được ánh sáng của 21 vị Phật mà được lộc giải thoát. Ánh sáng chiếu đến chính mình, khiến ác nghiệp của bản thân tiêu trừ, vì có được sức mạnh bao trùm của Phật quang mà đều được an lạc, đoan chính, đầy đủ mọi phúc huệ, trang nghiêm như Phật, được thấy tất cả chư Phật của thập phương tam thế.

3. Xưng danh trì chú:

Nếu người tu trì nhìn thấy ánh sáng thì phải thành tâm xưng niệm tên của 21 vị Phật hai lần, sau đó trì Thất Phật diệt tội chân ngôn: “Li-pô, li-pô-tê, ki-ô, ki-ô-tê, tô-lô-ni-tê, ni-a-la-tê, pi-li-ni-tê, mua-hưa-ki-a-tê, chân-linh, chiên-tê, sô-ha.” Trì chú này tổng cộng 108 biến đến 1080 biến.

4. Quán tưởng thủ ấn:

Tay trái nắm lại đặt tại eo. Tay phải mở ra, năm ngón tay đặt bằng nhau, giống như sáng sáng ngũ sắc đều tự nhiên phóng ra, bàn tay đặt ở giữa ngực.

5. Hồi hướng sám hối:

Nghiệp chướng mà mình đã tạo ra trong nhiều kiếp lẽ ra phải đọa vào trong ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hoặc cảnh giới atula, hoặc thậm chí ở tám nơi khó sống, đều vì con tu tập chính pháp hồi hướng, nên mọi nghiệp chướng đều được tiêu diệt, mọi ác báo sau này sẽ không phải chịu. Cũng như ngày xưa các đại Bồ Tát tu hạnh bồ đề, mọi nghiệp chướng đều sám hối toàn bộ, nghiệp chướng của con cũng đều phát lộ sám hối tất cả, không dám có điều gì che giấu không kể. Hiện tại toàn bộ tội được tiêu trừ, sau này những việc ác không dám tái phạm. Đặc biệt phụng thỉnh 21 vị Phật làm chứng.

Tu trì pháp này chính là pháp Linh Tiên căn bản sám hối, người tu trì pháp này cũng có được sự gia trì của pháp Tứ gia hành và Thượng sư tương ứng, tất cả làm theo nghi quỹ, tự nhiên có thể giải thoát tội chướng, được phúc vô lượng.

04. 14 đại giới căn bản của Mật giáo

14 điều vi phạm căn bản:

Điều 1: Thân khẩu ý không cung kính đối với Thượng sư.

Điều 2: Không tuân thủ quy tắc và lễ nghi Hiển-Mật.

Điều 3: Khởi tâm oán hận và tranh giành đối với anh em huynh đệ kim cương đồng tu.

Điều 4: Đánh mất lòng từ bi, đố kỵ với niềm vui của chúng sinh.

Điều 5: Ngại khó mà không độ chúng sinh, đánh mất bồ đề tâm.

Điều 6: Phỉ báng kinh điển Hiển-Mật không phải do Phật thuyết.

Điều 7: Dạy Mật pháp khi bản thân chưa được quán đảnh làm Thượng sư và chưa có đủ uy tín.

Điều 8: Làm tổn hại người khác, tự làm khổ bản thân là không như Phật.

Điều 9: Thiên vị giữa Không và Hữu, không học tâm Không.

Điều 10: Làm bạn bè với kẻ phỉ Phật phá pháp và làm hại chúng sinh.

Điều 11: Khoe khoang pháp thù thắng mà quên mất ý nghĩa sâu xa.

Điều 12: Không nói những điều gây trở ngại và phá hoại thiện căn tu Mật pháp chân thật của người khác.

Điều 13: Pháp khí và tài liệu Mật pháp không hoàn thành.

Điều 14: Phỉ báng tự tính trí huệ của nữ giới.

05. Giải thích về 14 đại giới căn bản của Mật giáo

Điều 1: Thân khẩu ý không cung kính đối với Thượng sư.

Giải thích: Vì Thượng sư thay Phật truyền pháp, là một thể Tam Bảo, Mật giáo lấy thầy làm quy y đầu tiên, bình thường phải xem thầy như Phật. Cho nên đệ tử trước khi quy y phải tìm hiểu kĩ về vị thầy, để tránh sau khi quy y xong thì hối hận, trở thành có thân khẩu ý bất kính đối với thầy. Một khi đã quy y rồi thì phải kính trọng thầy, như vậy mới có công đức, mới có thành tựu Phật pháp. Nếu phỉ báng thì sẽ phạm vào điều thứ nhất của 14 đại giới căn bản của Mật giáo, đọa vào địa ngục kim cang.

Nếu sau khi quy y thầy mà thật sự biết rằng đây là một vị thầy giả, không có hành vi tu hành Phật pháp chân chính, có thể cách xa người thầy này, sau đó quy y vị thầy chân chính, nhưng đối với người thầy ban đầu tốt nhất cũng không được phê bình phỉ báng, như vậy mới vẫn có thể xem là đệ tử Kim cương thừa.

Điều 2: Không tuân thủ quy tắc và lễ nghi Hiển-Mật.

Giải thích: Giới luật của Hiển giáo Mật giáo có rất nhiều, đó là các quy tắc để phóng tránh và ngăn chặn các tín đồ Phật giáo làm những hành vi tà ác, ví dụ ngũ giới, thập thiện, thậm chí là 250 giới đều có cả. Sức mạnh có được từ việc giữ giới chính là uy lực, đệ tử Mật giáo Kim cương thừa thì các quy tắc và lễ nghi Hiển-Mật đều phải giữ mới được.

Điều 3: Khởi tâm oán hận và tranh giành đối với anh em kim cương.

Giải thích: Giữa đồng môn với đồng môn, hoặc giữa đồng môn với môn đồ phái khác, đều là Kim cương thừa, không được khởi tâm oán ghét hoặc tranh đấu. Vì thế Chân Phật Tông có lễ kính đồng môn, tôn kính thượng sư, đặc biệt quan trọng.

Điều 4: Đánh mất lòng từ bi, đố kỵ với niềm vui của chúng sinh.

Giải thích: Đệ tử Kim cương thừa phải có tâm từ bi, không được đố kỵ.

Điều 5: Ngại khó mà không độ chúng sinh, đánh mất bồ đề tâm.

Giải thích: Dùng tâm từ bi để độ chúng sinh, cho dù người đại ác cũng đều phải độ hóa họ, không sợ khó khăn, không được rút lui, vì chúng sinh đều có Phật tính, hãy đi cảm động họ, không thể sợ khó khăn mà đánh mất chính niệm bồ đề, và phát tâm bồ đề chính là đại phát tâm độ hết chúng sinh.

Điều 6: Phỉ báng kinh điển Hiển-Mật không phải do Phật thuyết.

Giải thích: Xã hội ngày nay, có rất nhiều người phỉ báng kinh điển, nói rằng quyển này là kinh giả, quyển kia cũng là kinh giả, khi còn chưa biết rõ thì tốt nhất đừng bình luận ngông cuồng, bởi vì bình luận ngông cuồng chính là phỉ báng, cũng là phạm giới.

Điều 7: Dạy Mật pháp khi bản thân chưa được quán đảnh làm Thượng sư và chưa có đủ uy tín.

Giải thích: Người truyền thụ Mật pháp, chỉ có người có đủ tư cách làm Thượng sư mới có thể truyền thụ Mật pháp, tư cách Thượng sư là phải do Căn bản Thượng sư (vị thầy gốc) cho phép, và nhập vào Tỳ Lô tính hải được Bổn tôn cho phép. Nếu không có hai sự cho phép này, tự xưng là Thượng sư để truyền dạy Mật pháp, gọi là không đủ năng lực quán đảnh và uy tín. Không có quán đảnh, không có uy tín, chưa có được danh hiệu Thượng sư thật, thì không được truyền thụ Mật pháp.

Điều 8: Làm tổn hại người khác, tự làm khổ bản thân là không như Phật.

Giải thích: Kim cương Thượng sư giống như Phật, đệ tử Kim cương thừa chính là Phật tử, cũng là Pháp Vương tử, làm tổn hại người khác, gây đau khổ cho chính mình, tâm đầy ắp ngũ uẩn, đều không hợp với giới luật của Phật.

Điều 9: Thiên vị giữa Không và Hữu, không học tâm Không.

Giải thích: Không và Hữu phải coi trọng như nhau, “không tâm” tức là “vô tâm”, pháp môn này cũng phải tu chứng, không được thiên vị.

Điều 10: Làm bạn bè với kẻ phỉ Phật phá pháp và làm hại chúng sinh.

Giải thích: Điều này có vẻ xung đột với điều thứ năm, thật ra không phải. Chúng ta có thể đi độ hóa kẻ phỉ Phật phá pháp, độ hóa kẻ làm thương hại chúng sinh, nhưng không được đứng trên cùng một chiến tuyến với những kẻ phỉ Phật phá pháp và làm hại chúng sinh, không được giao kết bạn bè và chơi với nhau.

Điều 11: Khoe khoang pháp thù thắng mà quên mất ý nghĩa sâu xa.

Giải thích: Tự mình thường xuyên nhấn mạnh pháp lực của mình là số một, dùng pháp lực để phô trương, đánh mất ý nghĩa vốn có của việc bản thân tu Mật tông là để thành Phật, cứu chúng sinh, phát bồ đề tâm.

Điều 12: Không nói những điều gây trở ngại và phá hoại thiện căn tu Mật pháp chân thật của người khác.

Giải thích: Thượng sư chân chính phải truyền thụ Mật pháp chân chính, nếu không truyền thụ Mật pháp chân chính và không độ tất cả chúng sinh hữu duyên tức là cản trở và phá hoại thiện duyên, là phạm giới.

Điều 13: Pháp khí và tài liệu Mật pháp không hoàn thiện.

Giải thích: Tu mọi pháp, dùng mọi pháp khí, truyền mọi pháp, tài liệu phải đầy đủ, mới không phạm giới.

Điều 14: Phỉ báng tự tính trí huệ của nữ giới.

Giải thích: Đối với nữ giới học đạo, không được phá hoại huệ tính của họ, tức là ý nghĩa bình đẳng quan.

06. Làm sao để quy y Liên Sinh Hoạt Phật

Viết thư xin quy y:

Bởi vì người muốn quy y phân bố ở mọi ngóc ngách trên khắp thế giới, do vậy đích thân đến quy y không dễ dàng. Vì thế, đệ tử muốn quy y chỉ cần vào ngày mồng 1 hoặc ngày 15 âm lịch hàng tháng, vào lúc 7 giờ sáng, quay mặt về phía mặt trời mọc và chắp tay lại, cung kính đọc chú Tứ quy y: “Namo guru bei, namo buddha ye, namo dharma ye, namo sangha ye. Liên Sinh Hoạt Phật chỉ dẫn, quy y Chân Phật Tông.” Đọc 3 lần. Vái lạy 3 lần.

Đệ tử làm nghi thức tại nhà mình xong thì phải viết thư, ghi rõ họ tên, địa chỉ, tuổi thật của mình, tùy ý gửi kèm thêm một khoản phí cúng Phật, trong thư chú thích rõ là “Xin quán đảnh quy y”. Sau đó gửi đến Chân Phật Mật Uyển ở Mỹ.

Địa chỉ Chân Phật Mật Uyển - Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn:

Grand Master Sheng-yen Lu 17102 NE 40th Ct. Redmond, WA 98052, USA.

Tel: 425-885-7573 Fax: 425-883-2173

Bên phía Liên Sinh Hoạt Phật vào mỗi ngày mồng 1 hoặc 15, đều cử hành nghi thức quán đảnh cách không tại Chân Phật Mật Uyển để quán đảnh từ xa cho những đệ tử không thể tự mình đến. Sau đó sẽ gửi chứng thư quy y và một tấm ảnh pháp tướng của Thượng sư đến cho mọi người, đồng thời chỉ dẫn bắt đầu tu từ pháp nào. Như vậy là đã có được truyền thừa của Liên Sinh Hoạt Phật.

Tự mình đến quy y:

Trước tiên cần liên lạc để hẹn thời gian, có thể đến Chân Phật Mật Uyển tại thành phố Redmond Seattle ở Mỹ, hoặc các đơn vị hoằng pháp sở tại của Liên Sinh Hoạt Phật, để do chính Liên Sinh Hoạt Phật quán đảnh quy y, hoặc thỉnh cầu trợ giúp quy y từ các phân đường Chân Phật Tông ở địa phương. (Các phân đường Chân Phật Tông phân bố trên toàn thế giới.)

Hết.

Mục lục