📓

Hồng quang đại thành tựu - Tập 3

image

Hồng quang đại thành tựu - Tập 3

Địa điểm: Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ. Thời gian: Năm 1996 Quyển số: 624 Tác giả: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

089. Hữu tướng và vô tướng của Mật giáo

Hôm nay tôi nói về hữu tướng và vô tướng của Mật giáo. Có rất nhiều người đến đạo tràng Hiển giáo để xem, thấy đạo tràng Hiển giáo vô cùng thanh nhã, bố trí rất đơn giản, có đạo tràng chỉ có một vị Quan Âm màu trắng, những thứ khác đều rất thuần, đều trắng trơn. Họ cho rằng như thế này là vô tướng. Thế rồi đến đạo tràng Mật giáo để xem, chà, màu sắc sặc sỡ, màu sắc gì cũng có, nào là cờ Phật, màn che, ô lọng, cách bố đàn cũng rất nhiều màu sắc, họ hiểu nhầm rằng Mật giáo là hữu tướng.

Thật ra, nói chung Mật giáo có hữu tướng và cũng có vô tướng. Thế nào là hữu tướng? Đàn thành là hữu tướng, quá trình chúng ta tu hành cũng là hữu tướng, pháp cũng là hữu tướng. Mật giáo có bốn bộ: Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ, Vô thượng bộ, trong ba bộ đầu (Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ) đều là phạm vi của hữu tướng.

Khi chúng ta mới khởi đầu tu hành cũng cần phải bắt đầu từ hữu tướng. Nói một cách rất đơn giản, trước khi bạn tu pháp, đầu tiên phải triệu thỉnh, vỗ tay, bắt chéo tay và búng ngón tay, đây là để đánh thức, biểu thị bắt đầu tu pháp. Sau đó bạn kết thủ ấn câu triệu, chính là triệu thỉnh Phật Bồ Tát hạ giáng, bạn kết ấn xa luân, chính là để mời Phật Bồ Tát ngồi trên xe, ngồi trên Mercedes Benz, ngồi trên xe Rolls-Royce, bởi vì bạn kết ấn xa luân mà. Ấn xa luân này biểu thị rằng tôi đã lái xe tới đón các ngài. Những pháp này đều là hữu tướng.

Cuối cùng bạn tu xong pháp rồi còn phải “giải tán”, thế nào là giải tán? Tức là nói rằng đã tu pháp xong rồi, xin mời các vị trở về nhà nghỉ ngơi, về nhà đi ngủ. Bạn vỗ tay, bắt chéo tay rồi búng ngón tay, đây cũng là một loại ấn giải tán, tức là mời các vị trở về, đây đều là pháp hữu tướng. Đi triệu thỉnh các vị đến, dùng xe đi đón các vị đến, cuối cùng là tiễn các vị trở về, đây đều là phạm vi của Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ.

Đàn thành chính là hữu tướng, bạn quán tưởng làm một số pháp chính là hữu tướng. Nhưng đến Vô thượng mật bộ là lúc vô tướng, bạn thật sự tiến nhập vào trong cảnh giới cao nhất thì sẽ trở thành vô tướng. Lúc đó bạn chỉ cần có một ý niệm thì đó chính là đàn thành, căn bản không cần bày đàn thành. Một ý niệm chính là cúng dường, cho nên tôi nói bạn cầm một bông hoa, một ý niệm, bông hoa này chính là cúng dường mười phương Phật, mười phương pháp, mười phương tăng, cúng dường hết tất cả, chỉ dùng ý niệm để làm. Ở đây đã tiến vào vô tướng, cho nên đây gọi là Mật tông vô tướng.

Cảnh giới này đương nhiên là rất cao, mỗi người tu hành chúng ta trước tiên đều từ hữu tướng, sau đó tiến nhập vào cảnh giới vô tướng cao nhất. Cho nên chúng ta làm pháp, bạn xem ấn Cửu tự chân ngôn tứ tung ngũ hoành đó, tung ra thủ ấn này là thành một cái lưới, lưới tung ra tóm gọn lấy ma. Nhưng ở trong Mật tông vô tướng, một ý niệm của bạn đã có thể khiến hư không rơi xuống một cái lưới, căn bản là bạn không cần làm thủ ấn.

Cho nên khi thật sự đến được cảnh giới cao nhất rồi, đàn thành cũng không còn nữa, thời gian tu pháp cũng ngắn, có khi thậm chí ngay cả thủ ấn cũng không cần kết, chỉ một ý niệm phát khởi là cả một tấm lưới buông xuống, thế là thiên la địa võng trói chặt lấy ma rồi.

Giống như chúng ta vẽ phù, vẽ phù của Đạo gia chính là hữu tướng, dùng bút, nước, mực, nghiên mực đều phải niệm chú, sau đó giấy cũng phải niệm chú, sau khi vẽ xong thì còn phải gia trì. Khi bạn thật sự đến được vô tướng rồi, im lặng cũng là một tiếng sấm, một sự trầm mặc, một ý niệm, một lá phù đã phóng đi rồi.

Cho nên, bạn không cần phải ở đó vẽ một tấm Ngũ Lôi phù, chà, phải vẽ năm hình sấm. Kim, mộc, thủy, hỏa, vẽ phù Vương Ngũ Lôi mất cả nửa ngày, rồi còn phải hà khí, phải hét một tiếng chấn động, còn phải áp ấn, sau đó còn phải đốt phù, như vậy mới có thể đẩy phù đi. Im lặng cũng là một tiếng sấm, chỉ cần ngồi yên là sấm sẽ nổi lên, đây chính là vô tướng.

Vì thế, khi Phật Bồ Tát đến cảnh giới cao nhất thì thuộc về vô tướng. Thật ra khi thế giới này mới khởi đầu thì đều là vô tướng, sau đó dần dần biến thành hữu tướng. Chúng ta tu hành đầu tiên từ hữu tướng sau đó tu vô tướng. Cho nên có người phê bình Mật tông, nói Mật giáo đều là hữu tướng, đây là một sai lầm. Bởi vì ba bộ đầu của Mật pháp - Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ đều là hữu tướng, nhưng Vô thượng mật bộ thì là vô tướng.

Một khi tiến nhập vô tướng, cũng tức là tất cả đều thanh tịnh. Bởi vì đến cảnh giới đó ma cũng không thể sinh ra được tác dụng của ma, không có trò ma nữa. Bạn tiến vào cảnh giới vô tướng, làm gì còn ma chứ? Ma cũng là vô tướng mà. Đã không còn ma nữa rồi.

Bạn tiến nhập cảnh giới vô tướng, còn phải làm pháp gì chứ? Tất cả pháp đều là vô pháp, trống rỗng, quy về không! Bạn thật sự vận dụng được sức mạnh của tính Không thì sẽ có thể nhậm vận tất cả pháp hữu tướng, cảnh giới này đương nhiên là rất cao, rất cực kì, là thật sự vô thượng. Ý nghĩa của vô thượng cũng chính là không có pháp nào cao hơn.

Vì thế, bạn thật sự hiểu được điều này mới là Pháp Vương, bạn là Pháp Vương thì bạn phải hiểu Mật tông vô tướng. Bạn ở trong phạm vi của hữu tướng thì bạn vẫn chịu sự hạn chế, chỉ có tiến nhập vào trong phạm vi của vô tướng mới là thần thông nhậm vận, mới là khai ngộ chân chính, mới là vượt lên ba cõi, trải khắp mười phương. Theo chiều thẳng đứng thì vượt quá ba giới, theo chiều ngang thì trải khắp mười phương, khi bạn có thể lĩnh ngộ được cảnh giới này rồi thì mới gọi là khai ngộ.

Bạn đã khai ngộ rồi cũng tức là bạn có thể tùy ý đi tới bất kì nơi nào, tùy ý đi tới bất kì pháp giới nào, bạn tiến vào trong cảnh giới này mới là Phật chân chính, mới là viên mãn chân chính. Tất cả Rinpoche thấy bạn tiến vào cảnh giới này, họ sẽ tôn xưng bạn, bạn là Pháp Vương chân chính.

Hôm nay giảng đến đây. Om mani padme hum.

17/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

090. Nghi quỹ tu pháp phải chu toàn

Chúng ta lại nói về sự chu toàn của nghi quỹ tu pháp. Mật giáo có rất nhiều nghi quỹ tu pháp, nhưng nói một cách đại khái thì nghi quỹ tu hành không nằm ngoài sự phân tách thành Tiền hành, Chính hành, Hậu hành, tức là phân làm ba giai đoạn.

Thế còn nghi quỹ chu toàn tức là biểu thị trong quá trình bạn tu pháp không được bỏ sót các chi tiết liên quan đến phương diện niệm chú, phương diện quán tưởng, phương diện kết ấn, đều không được bỏ sót, hơn nữa còn phải rất tỉ mỉ. Nhưng bỏ sót rồi thì phải làm sao? Bỏ sót thì vẫn có một cách để sửa chữa. Chúng ta biết rằng khi bỏ sót thì phải niệm Kim Cang Tát Đỏa chân ngôn, chính là phải niệm 3 biến Kim Cang Tát Đỏa bách tự minh chân ngôn.

Vì sao chân ngôn Bách tự minh của Kim Cang Tát Đỏa này có thể bổ khuyết? Bởi vì nó hóa toàn bộ nghi quỹ thành tính Không, khi hóa tất cả thành tính Không thì bất kì một khiếm khuyết nào cũng đều có thể được sửa chữa. Cho nên có thể nói Bách tự minh chân ngôn chính là một tượng trưng của tính Không.

Chúng ta biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, thật ra kinh điển này cũng hoàn toàn là một chữ mà thôi, chữ này chính là “Không” - chữ Không. Cho nên trong số các kinh điển mà Phật đã giảng, cô đọng lại đến cuối cùng sẽ biến thành Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Tâm Kinh này nói về chữ Không. Thế còn Bách tự minh chân ngôn trong Mật giáo cũng nhấn mạnh vào chữ Không này, hóa tu hành của bạn thành Không, hóa pháp thành tính Không, trực tiếp dung nhập vào tính Không, thế là có thể sửa chữa cho bạn tất cả sai sót khi tu pháp, cho nên Bách tự minh rất quan trọng.

Chúng ta biết rằng phần Tiền hành trong Chân Phật Mật Pháp bao gồm đại lễ bái, đại cúng dường, tứ quy y, tứ vô lượng tâm. Chính hành thì nhấn mạnh vào ba mục: một là quán tưởng, một là trì chú, một là nhập tam ma địa. Mọi người biết, khi quán tưởng cũng phải kết thủ ấn, ở đây là tượng trưng cho sự thanh tịnh của ý niệm. Quán tưởng chính là sự thanh tịnh của ý niệm, kết thủ ấn đại diện cho sự thanh tịnh của thân, còn trì chú thì là sự thanh tịnh của khẩu. Nhập tam ma địa chính là sự thanh tịnh của tất cả hư không, cũng tức là tất cả thanh tịnh chính là tam ma địa, điều này rất ít người có thể nhận thấy được.

Khẩu thanh tịnh, thân thanh tịnh, ý thanh tịnh, còn phải tất cả thanh tịnh, tam ma địa chính là nói về nhập vào Không cảnh, có thể trụ trong trạng thái hư không hoàn toàn bất động thì tức là nhập tam ma địa.

Nghi quỹ tu hành phải chu toàn chính là như vậy, phải hiểu khẩu quyết thật sự của nó nằm ở đâu. Trong một pháp, bản thân nó có rất nhiều tâm yếu, hơn nữa có rất nhiều khẩu quyết. Bạn cho rằng tu hành rất đơn giản, cứ theo nghi quỹ mà làm một lần, trên thực tế bên trong có rất nhiều quán tưởng rất quan trọng, mỗi một phần đều phải quán tưởng.

Thế còn Hậu hành thì sao? Hậu hành chính là kệ tán thán, tán dương Bổn tôn trí huệ. Sau đó phải hồi hướng, hồi hướng tức là nói về hồi hướng công đức mà bản thân bạn có được khi tu pháp này. Còn có cầu nguyện, bạn tu pháp này, bạn có nguyện vọng gì, bạn đều phải nói ra. Phải cầu nguyện, phải hồi hướng, phải tụng kệ tán dương đó! Những mục này đều thuộc về phạm vi của Hậu hành.

Ví dụ trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta, mỗi ngày chúng ta đều tu pháp này, xấp xỉ nửa tiếng là tu xong một đàn pháp. Nhưng mà trong Tạng mật chân chính, tôi nghe nói phải mất hai tiếng, bởi vì kinh và chú mà họ niệm rất dài, hơn nữa nghi quỹ mà họ làm rất phức tạp, trùng lặp rất nhiều, cho nên họ tu một đàn pháp phải mất hai tiếng.

Chúng ta tu một đàn pháp, tôi đã tinh giản thành nửa tiếng, nhưng công hiệu thì cũng như thế. Vì sao tôi nói công hiệu vẫn như vậy? Bởi vì niệm chú, mọi người biết chú ngữ có chú dài, rất dài, có chú ngắn, tương đối ngắn hơn một chút, còn có cả tâm chú, tâm chú thì càng ngắn nữa. Vì dụ chú ngữ của chư Thiên, chú của 12 Thiên, chú ngữ của họ chỉ có một chữ. Bạn biết là chữ nào không? “Hum”, chú của tất cả các cõi trời chỉ có một chữ chính là chữ “Hum”. Nhưng chữ này có power [sức mạnh] rất lớn. Chú có chú dài, chú vừa, chú ngắn, còn có tâm chú.

Hiện tại nghi quỹ mà Chân Phật Mật Pháp dùng, có thể nói tu một đàn pháp chính là một tâm pháp. Chúng ta đã cô đọng nó thành một pháp rất trọng yếu, một tâm pháp không thể sai sót. Chúng ta dựa theo đó mà tu thì nghi quỹ đó sẽ chu toàn, chúng ta đều đã loại bỏ một số kinh văn rườm rà và những chú ngữ trùng lặp, chúng ta tu tinh hoa.

Vì thế trong nghi quỹ tu hành, quan trọng nhất là phải chu toàn, không được sai sót. Về quán tưởng có sai sót, về thủ ấn có sai sót, về niệm chú có sai sót, trên các mục của nghi quỹ đều có sai sót, thì phải niệm Bách tự minh chú để bổ khuyết cho nó.

Một khi bạn làm nghi quỹ chu toàn rồi, có thể nói là bạn sẽ sản sinh ra pháp lực, pháp lực của pháp này sẽ sản sinh ra. Nếu pháp lực xuất hiện, bạn tu hành tự nhiên sẽ có thành quả. Không có pháp lực này xuất hiện, pháp mà bạn tu cũng chẳng khác gì phí công vô ích. Cho nên mỗi lần bạn tu pháp đều có Bổn tôn trí huệ đến quán đảnh cho bạn, gia trì cho bạn, điều này vô cùng quan trọng.

Hôm nay tôi giảng nghi quỹ chu toàn, giảng tới đây thôi. Om mani padme hum.

18/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

091. Nội pháp của Mật giáo

Chúng ta lại nói một chút về Nội pháp của Mật giáo. Ngoại pháp chính là nói về thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh. Thế còn Nội pháp chính là tu khí, mạch và minh điểm.

Khí chủ yếu nhất là phải tu cho nó trở nên mạnh mẽ, tràn trề, thậm chí là khí của bạn và khí của vũ trụ chu thiên phải tương thông. Nói cách khác là, khí của bạn và khí của tiên thiên vũ trụ là thông với nhau. Ồ! Cái này rất cao sâu rồi, không chỉ là khí đủ mà thôi.

Còn nói về mạch của thân thể bạn, bản thân mạch phải thông, còn gì nữa? Chính là nguyên tố sinh mệnh của thân thể bạn, tức minh điểm, minh điểm này nhất định phải tu đến trình độ minh điểm vô lậu, những cái này chính là trọng điểm. Khí phải đủ, mạch phải thông, minh điểm phải không còn rò rỉ, đây chính là Tam Bảo mà trong Mật giáo phải quán tu. Ngoài thân khẩu ý thanh tịnh ra, quán tu khí, mạch, minh điểm của bạn nhất định phải tu thành.

Thật ra mà nói Mật giáo chính là tu một Ngoại pháp, một Nội pháp, sau đó lại tiến lên Vô thượng mật bộ, đến Đại viên mãn, nói ra thì có vẻ rất đơn giản, nhưng những điểm mấu chốt trong đó thì rất phức tạp, sự ứng dụng của nó cực kì vi diệu. Bạn biết khí đủ rồi, khí có thể vô cùng tràn trề ở trong thân thể, thân thể bạn mới có thể khỏe mạnh.

Bạn phải có khí này, minh điểm của bạn không thể để rò rỉ mất, ba thứ khí, mạch, minh điểm đều là mấu chốt, chính là nguyên tố sinh mệnh của thân thể bạn, đều không được thất thoát ra ngoài.

Trong Mật giáo, muốn tu được minh điểm vô lậu cũng không phải đơn giản, đó đều là khẩu quyết rất bí mật. Có thể nói, bạn phải hiểu rằng đó là bí pháp tổ truyền của bạn: bạn có thể bán được nghìn vàng, vạn vàng.

Pháp này đương nhiên là đại pháp, bản thân pháp vô lậu này là đại pháp, có thể nuôi dưỡng tinh khí thần của bạn dồi dào. Trong Đạo gia gọi là tu tinh khí thần. Thực ra Đạo gia có rất nhiều pháp rất giống với pháp minh điểm, Đạo gia cũng nói về vô lậu. Tinh của bạn chạy đi đâu thì phải thu hồi về từ đó. Trong kinh điển Đạo giáo đã nói rất rõ ràng, thủy có thể không chảy ra bên ngoài, có thể thu hồi, đây chính là đại đạo đảo ngược. Đại đạo có thể đảo ngược, bạn có thể chứng minh được điều này thì bạn chính là Thần Tiên.

Đạo gia nói tinh khí thần không được rò rỉ ra ngoài, tự nhiên bạn sẽ có thể trường sinh, có thể đắc đạo tự nhiên, bạn còn có thể thu hồi. Bản thân Mật giáo mà nói là thu hồi, nó không những không chảy ra ngoài mà còn phải thu hồi về, sau khi thu hồi mới phải hóa thành thần, hóa thành quang, chính là tịnh quang đó.

Vì thế, Mật giáo nói về đại lạc, chỉ có vô lậu chân chính mới là đại lạc. Các pháp hữu lậu khác toàn bộ đều là tiểu lạc thôi. Bên trong thân thể của bạn, khi thủy và hỏa tan vào nhau, vận khí đầy khắp toàn thân, khi đả thông mọi mạch, thì cái khoái lạc đó là vĩnh hằng. Nói chung điều này chỉ có Mật giáo mới có, Hiển giáo bình thường sẽ không có thứ này. Hiển giáo không có thứ này cho nên bạn muốn học vô lậu thì rất khó. Bởi vì đây là khẩu quyết vô cùng bí mật trong Mật giáo, có rất nhiều pháp bí mật ở trong đó.

Nếu mạch của bạn có thể thông, toàn thân sẽ hóa thành thân thể ánh sáng trong suốt. Nếu mạch không thông, khắp nơi đều có chướng ngại. Phiền não, lo lắng, đau khổ của bạn toàn bộ đều vì mạch không thông mà sinh ra. Bên trong thân thể có bệnh, toàn bộ đều là vì mạch không thông. Nếu mạch đều thông thoáng toàn bộ, huyết dịch tuần hoàn, khí tuần hoàn đều thông thoáng, thì căn bản sẽ không có bệnh. Ở đâu có tắc nghẽn thì ở đó có bệnh.

Vì thế, khẩu quyết của Mật giáo là khí nhất định phải đủ, mạch nhất định phải thông, minh điểm nhất định phải không còn rò rỉ, đây là vệ sinh sinh lý. Nói chung, rất nhiều người bảo rằng: “Ôi chao! Liệu tu bên trong thân thể có phải là tu pháp ngoại đạo không?” Căn bản không hề là ngoại đạo, chính là sinh lý của bạn thôi. Bạn là người tu hành cần phải biết sức khỏe thân thể của bạn chứ, đây là sinh lý học đó. Sinh lý học làm sao lại là ngoại đạo chứ? Tôi thấy là nội đạo chứ chẳng phải ngoại đạo. Bạn có cái vốn rồi, có được thân thể khỏe mạnh thì mới có thể tu hành, thân thể không khỏe thì tu hành cái gì chứ? Bạn không có vốn thì bạn tu cái hành gì chứ?

Cho nên, tu khí mạch minh điểm có thể từ thân thể của bạn mà ấn chứng đại pháp thành Phật. Bản thân tôi cho rằng, thân thể và tâm đều quan trọng như nhau, không thể chỉ có tu tâm, thân thể cũng phải tu, thân, tâm cùng tu mới là chính đạo, thiên lệch về bên nào cũng là ngoại đạo. Bạn chỉ mỗi tu tâm, bạn không có thân thể thì lấy đâu ra tâm? Chỉ có tu thân mà không trọng tu tâm thì cũng không được, tâm này của bạn bất chính thì cũng không tu thành được. Vì thế, thân, tâm nhất định phải coi trọng.

Nội pháp của Mật giáo chính là tu khí, mạch, minh điểm, sau đó chuyển hóa nó thành tịnh quang. Không chỉ có đại lạc mà còn có ánh sáng thanh tịnh, kết hợp cái này lại, sau đó nếu tiến nhập vào tính Không thì bạn sẽ thành Phật, thành Bồ Tát rồi. Cho nên mới nói Dục thiên chính là Lạc thiên, Sắc giới thiên chính là Tịnh thiên (cõi trời thanh tịnh), Vô sắc giới thiên chính là Không thiên, ba cái kết hợp lại chính là Phật thiên, tức là thành tựu tứ Thánh giới. Đây chính là bí mật của Mật giáo.

Om mani padme hum.

18/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

092. Nội nghĩa của quán đảnh

Hôm nay chúng ta nói một chút về nội nghĩa của quán đảnh. Quán đảnh của Mật giáo có nội nghĩa rất sâu, có người cho rằng quán đảnh chỉ là một nghi thức, giống như quy y vậy, quy y cũng chỉ là một nghi thức mà thôi. Trên thực tế không phải vậy, nó có nội nghĩa rất sâu ở bên trong.

Mỗi một vị Kim cương Thượng sư quán đảnh, trước khi muốn làm quán đảnh, nhất định phải tu pháp quán đảnh. Bạn quán đảnh pháp gì thì buộc phải tu pháp đó, phối hợp với nhau. Vị thầy quán đảnh nhất định phải dùng ý niệm để triệu thỉnh Bổn tôn ở trong hư không, sau đó Bổn tôn còn phải đi vào bên trong vị thầy quán đảnh, vị thầy quán đảnh sẽ biến thành Bổn tôn trí huệ.

Tiếp theo, pháp khí để quán đảnh nếu là bình kim cang thì vị thầy quán đảnh phải dùng ý niệm triệu thỉnh Bổn tôn trí huệ tiến vào bên trong bình, sau đó Bổn tôn trí huệ ở bên trong bình, từ các lỗ chân lông khắp toàn thân Bổn tôn chảy ra cam lộ. Sau khi chảy ra cam lộ thì biểu thị rằng thứ đựng bên trong bình này chính là cam lộ của Bổn tôn trí huệ, cái này mới có thể thực hành quán đảnh cho các đệ tử. Đây là nói về phía vị thầy quán đảnh.

Thế còn những đệ tử nhận quán đảnh cần phải biết là mình nhận quán đảnh gì. Trong miệng phải niệm chú của Bổn tôn trí huệ, tay phải kết thủ ấn của Bổn tôn trí huệ. Về phương diện quán tưởng tôi thường nói, phải quán tưởng Bổn tôn mà bạn muốn quán đảnh ngồi trên đỉnh đầu bạn, như vậy nhận quán đảnh sẽ rất có ý nghĩa, đây chính là nội nghĩa của quán đảnh.

Vị thầy quán đảnh phải làm đủ mọi triệu thỉnh bằng ý niệm, biến chính mình thành Bổn tôn, thậm chí dụng cụ quán đảnh cũng phải biến thành Bổn tôn. Đệ tử nhận quán đảnh phải biết niệm chú, phải quán tưởng Bổn tôn trụ đỉnh, còn phải kết thủ ấn nữa.

Rất nhiều đệ tử đến cầu Sư Tôn quán đảnh, họ nói muốn quán đảnh cái gì, tôi nói: “Được, vậy anh hãy niệm chú Bổn tôn đi!” Anh ta nói: “Con không biết niệm.” Thế thì không được rồi. Tôi nói anh kết thủ ấn đi! Anh ta nói muốn quán đảnh pháp Uy quang như ý, tôi nói: “Được, anh kết thủ ấn Uy quang như ý đi.” Anh ta nói: “Con không biết.” Tôi nói trước khi anh muốn nhận quán đảnh, anh phải thỉnh giáo chú ngữ này niệm thế nào, quán tưởng Bổn tôn ra sao, thủ ấn kết thế nào, tất cả đều phải rõ ràng, không phải là tùy tiện được.

Có một số đệ tử đến cầu quán đảnh, trên một tờ giấy viết ra mười quán đảnh cho một lần, tôi nói: “Toàn bộ mười quán đảnh này phải triệu thỉnh Bổn tôn trí huệ, anh dùng cái gì để triệu thỉnh?” Sư Tôn đương nhiên có thể dùng ý niệm để triệu thỉnh các vị đến, chẳng có vấn đề gì, bởi vì trước đó tôi đều cầu nguyện, trước đó tôi đều có cầu Phật Vương, Tiên Vương, Địa Vương - tam vương hộ trì. Sau đó ví dụ cầu Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát đến làm thân đàn thành, một khi triệu thỉnh thì rất nhanh chóng có thể triệu mời các vị đến. Nhưng là đệ tử thì phải có điều kiện nhận quán đảnh là: bạn có biết Bổn tôn, biết chú ngữ, biết thủ ấn không? Cái này chính là nội nghĩa của quán đảnh, rất quan trọng, nội nghĩa rất quan trọng của quán đảnh nằm ở đây.

Cho nên người nhận quán đảnh, vị thầy quán đảnh và pháp khí quán đảnh, ba thứ phải hợp nhất, bằng không quán đảnh này sẽ chẳng xuất hiện quán tướng gì. Nếu bạn có được ba thứ hợp nhất thì có thể sản sinh ra quán tướng của quán đảnh.

Nói đến quán tướng bên trong nội nghĩa của quán đảnh, rất nhiều người sau khi nhận quán đảnh, rất nhanh chóng nghiệp chướng của họ đã tiêu trừ. Vì thế, trước đây khi tôi làm quán đảnh rộng rãi cho cộng đồng, rất nhiều người xuất hiện kỳ tích. Vừa nhận quán đảnh xong là khối u trên đầu đã tiêu biến. Thân thể họ vốn dĩ có bệnh tật, vốn dĩ có bệnh lâu năm, vừa nhận quán đảnh xong thì những bệnh này không còn nữa, bệnh đã tiêu trừ rồi. Vừa nhận quán đảnh xong, nghiệp đen của người đó đã chảy đi, còn nghiệp thiện, nghiệp màu trắng liền tới. Dòng chảy pháp màu trắng, cam lộ màu trắng vừa tới thì nghiệp màu đen bị tiêu trừ hết, cho nên bệnh cũng không còn.

Ví dụ có sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang, bỗng dưng khi đi chụp X-quang lại không thấy nữa. Thân thể lưng đau hông mỏi, hôm nay nhận quán đảnh xong, đột nhiên toàn bộ đều không còn đau nữa, đây chính là một loại quán tướng.

Ngoài ra vẫn còn nữa. Ngày hôm nay bạn nhận quán đảnh, buổi tối đó liền mơ thấy giấc mơ cực kì cát tường. Phật Bồ Tát phóng quang gia trì cho bạn, bạn nhìn thấy Phật Bồ Tát, nhìn thấy Bổn tôn, thế rồi bạn đi du lịch ở thiên thượng giới, bạn có thể cưỡi gió phi hành, ở trong hư không bay vút lên không, ở trên không đi tới đi lui như thế này. Chà! Bạn biết bay rồi.

Bạn ăn những thứ màu trắng, nôn ra những thứ màu đen, những nghiệp chướng bên trong thân thể bạn đều tiêu trừ hết. Còn có người sau khi quán đảnh, họ mơ thấy mình chải đầu thì thấy sâu rơi đầy mặt đất, đây chính là quán tướng. Vốn dĩ người đó có bệnh đau đầu đã ba mươi mấy năm rồi, sau khi được quán đảnh thì ngày hôm sau, căn bệnh đó từ nay trở về sau đã khỏi luôn rồi, hoàn toàn bình phục rồi, đây chính là quán tướng.

Cho nên quán đảnh có cảm nhận rất hay, điểm này bạn phải hiểu rõ ràng. Bởi vì quán đảnh của Mật giáo có nội nghĩa rất sâu, biểu thị một sự gia trì của pháp lực. Một loại dòng chảy pháp màu trắng tiến vào trong thân thể bạn, khiến cho những nghiệp đen của bạn có thể tiêu trừ, chứ không chỉ là một dạng nghi thức. Tôn giáo bình thường cử hành nghi thức này, cứ thế làm nghi thức, bề ngoài xem như là đã quy y quán đảnh rồi. Nhưng trên thực tế, nội nghĩa thậm thâm chân chính là phải có dòng chảy pháp màu trắng tiến vào thân thể bạn, tiêu trừ nghiệp đen của bạn.

Hôm nay giảng tới đây thôi. Om mani padme hum.

19/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

093. Nghĩa rộng của quán đảnh

Chúng ta lại nói một chút về nghĩa rộng của quán đảnh. Quán đảnh có ý nghĩa nội tại, đương nhiên cũng có ý nghĩa rộng khắp ở trong đó. Tôi từng nói, khi bạn quy y thì sẽ phải nhận quán đảnh, loại quán đảnh đó gọi là quán đảnh kết duyên, cũng tức là quán đảnh đầu tiên giữa sư phụ và đệ tử, chính là thuộc về quán đảnh kết duyên, biểu thị sư phụ và bạn có duyên với nhau.

Sau khi kết nhân duyên, lại tiến thêm một bước quán đảnh nữa, có thể nói là quán đảnh học pháp, bạn bắt đầu phải học pháp rồi. Rồi lại tiến thêm một bước nữa thì gọi là quán đảnh minh pháp, bạn đã hiểu rõ pháp rồi thì gọi là quán đảnh minh pháp. Và tầng thứ tự cao nhất gọi là quán đảnh truyền pháp, còn gọi là quán đảnh Thượng sư, tức là quán đảnh Acharya (giáo thọ sư). Khi bạn đã có tư cách có thể truyền pháp rồi thì gọi là quán đảnh Kim cương Thượng sư, tức là quán đảnh Acharya [A-xà-lê].

Cho nên dựa theo tác dụng mà nói, có quán đảnh kết duyên, có quán đảnh học pháp, thế rồi có quán đảnh minh pháp, cuối cùng là quán đảnh Kim cương Acharya. Quán đảnh có ý nghĩa rộng khắp, có thứ tự ở bên trong.

Trong Chân Phật Mật Pháp có phân thành bốn cấp quán đảnh. Bạn theo đuổi học tập Mật pháp thì có quán đảnh Ngoại pháp, có quán đảnh Nội pháp, còn có quán đảnh Vô thượng mật bộ, và quán đảnh Đại viên mãn, tổng cộng phân thành bốn cấp như vậy. Đến được quán đảnh Đại viên mãn rồi thì cảnh giới này đã rất cao rồi.

Mật giáo thông thường gọi là Ngoại pháp, Nội pháp, Mật pháp, Bí mật pháp, cũng là phân thành bốn cấp. Rồi còn có rất nhiều quán đảnh chư tôn nữa. Quán đảnh chư tôn là gì? Chính là nói rằng bạn tu Bổn tôn nào thì bạn nhận quán đảnh Bổn tôn đó, đây chính là quán đảnh chư tôn.

Còn có năm hạng mục quán đảnh, năm loại quán đảnh pháp khí quan trọng, chính là quán đảnh chuông kim cang, quán đảnh chày kim cang, quán đảnh bảo bình, quán đảnh mũ miện, còn có một cái nữa là quán đảnh tên. Năm quán đảnh này là Mật giáo thông thường thường dùng.

Ngoài ra, trong quán đảnh chư tôn, ví dụ bạn tu Bổn tôn Quan Âm, vậy thì dùng tượng của Quan Âm để làm quán đảnh cho bạn. Bạn tu Bổn tôn Di Đà thì dùng tượng A Di Đà Phật làm quán đảnh cho bạn. Xem xem bạn tu Bổn tôn nào thì dùng tượng của Bổn tôn đó để làm quán đảnh.

Vì thế quán đảnh của Mật giáo có rất nhiều, nó có nội nghĩa, có nghĩa rộng, cho nên quán đảnh không phải là tùy tiện. Bạn thấy Kim cương Thượng sư đang làm quán đảnh, cảm thấy hình như ông ấy chẳng làm cái gì cả, thật ra ông ấy đang dùng ý niệm để làm, đó là cách dùng tâm lực - sức mạnh của tâm để biểu lộ.

Biểu hiện bên ngoài của quán đảnh rất đơn giản, dường như chỉ là cầm một thứ lên rồi đặt lên đầu, chấm một cái là xong. Thế thì các bạn trở về có thể giúp người ta làm quán đảnh rồi, những ai nghe được pháp xong đều có thể giúp người khác làm quán đảnh. Bố nghe pháp xong thì có thể làm quán đảnh cho con, chị nghe pháp xong là giúp làm quán đảnh cho em gái, có vẻ rất đơn giản. Giả sử bạn không có cách nào triệu thỉnh Bổn tôn trí huệ đến làm quán đảnh thì đều chẳng có tác dụng gì, quán đảnh kiểu đó thì chẳng thể nào sinh ra được công hiệu.

Trong Chân Phật Tông chúng ta có cái gọi là quán đảnh từ xa. Thế nào là quán đảnh từ xa? Tức là bạn viết thư đến cầu quán đảnh, bất luận là thời gian nào, địa điểm nào, người bạn ở tại đâu, ở trước pháp đàn, trước đàn thành, tôi vẫn phải làm triệu thỉnh, tôi phải đọc tên của bạn lên, đọc địa chỉ của bạn lên, thỉnh cầu Hộ Pháp Không Hành, Không Hành Mẫu, Không Hành Dũng Phụ, cầm nước quán đảnh bay đến chỗ của bạn để làm quán đảnh cho bạn. Kiểu quán đảnh này gọi là quán đảnh từ xa.

Tức là cự ly khoảng cách rất xa cũng có thể làm quán đảnh được. Ví dụ bạn sống ở châu Âu, còn bây giờ tôi ở châu Mỹ, ở Seattle nước Mỹ, tôi có thể làm quán đảnh cho bạn. Tôi chấm vào nước và búng ra, trong hư không có Hộ Pháp Không Hành lập tức nhận lấy nước này, sau đó bay đến nơi ở của bạn, vẩy nước lên đầu bạn. Cái này chính là quán đảnh từ xa, cũng sẽ sản sinh ra quán tướng.

Vậy người được làm quán đảnh từ xa, buổi sáng quay mặt về phía mặt trời mọc, niệm “namo guru bei, namo buddha ye, namo dharma ye, namo sangha ye”. Vừa niệm xong, anh ta nói: “Ôi! Vẫn còn sớm quá.” Thế là anh ta lại nằm xuống ngủ tiếp. Khi ngủ, anh ta liền nhìn thấy Không Hành Mẫu từ hư không trung đến thật sự vẩy nước lên đầu anh ta, anh ta cảm thấy toàn thân trở nên mát mẻ. Anh ta vốn dĩ thân thể có trăm bệnh phát tác, sau khi ngủ dậy thì cảm thấy vô cùng khỏe khoắn. Vốn dĩ là cụ già 70 tuổi, đột nhiên biến thành như người 30 tuổi, còn có thể nhảy xuống khỏi giường nữa. Việc này đều từng có.

Rất nhiều đệ tử gửi thư đến kể rằng đều sản sinh ra quán tướng, thậm chí là vào buổi sáng anh ta làm nghi thức quy y xong, nhận được quán đảnh từ xa, ngồi trên xe buýt đi làm, ngồi bên trong xe buýt, anh ta liền cảm thấy: “Ớ! Có gì đó khác khác!”, như có người ở trong không trung vẩy nước lên người anh ta, quần áo của anh ta đều bị ẩm rồi, “Trên xe buýt bị rò nước sao?” Đâu có, trời rất trong xanh. Trên người anh ta còn có giọt nước nữa, trên đầu cảm thấy rất mát mẻ. Đây là Không Hành Mẫu ở trong không trung vẩy nước quán đảnh cho anh ta, cái này chính là quán tướng.

Cho nên quán đảnh có nội nghĩa rất sâu, có thể nói quán đảnh chính là truyền bá dòng chảy pháp. Mỗi ngày chúng ta ngồi tại đàn thành tu pháp, giả sử bạn cho rằng không có cảm giác gì, vậy thì việc tu pháp của bạn cần phải cải tiến. Trong mỗi một đàn pháp, chỉ cần Bổn tôn trí huệ đến thì ngài đều sẽ gia trì cho bạn, quán đảnh cho bạn. Tu một đàn pháp tương đương với quán đảnh một lần. Bạn tu một đàn pháp thì tương đương Bổn tôn trí huệ, bản thân Thượng sư, Không Hành Hộ Pháp đều giáng lâm để quán đảnh cho bạn một lần.

Vì thế, trong Mật giáo nói rằng “dòng chảy pháp của quán đảnh vĩnh viễn không dứt”, ngày ngày nhận được quán đảnh, bạn đang tu pháp là đang nhận quán đảnh, nhận gia trì, tiêu trừ nghiệp đen của bạn, nghiệp trắng tăng trưởng, điều này rất quan trọng.

Bởi vậy, quán đảnh không phải là nghi thức biểu hiện bề ngoài mà thôi, bạn phải tu được dòng chảy pháp của Mật giáo ở trên người bạn, Bổn tôn và bạn hợp nhất, tiến hành quán đảnh sẽ có được power [sức mạnh].

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

19/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

094. Nói kĩ về Hộ Ma (1)

Hôm nay tôi nói kĩ với mọi người một chút về Hộ Ma. Trong Mật giáo, Hộ Ma chiếm một vị trí rất quan trọng. Pháp Hộ Ma này xét trên phương diện thành tựu thì được xếp vào một trong ba thành tựu. Trong Mật giáo có ba thành tựu lớn: một là thành tựu Trì minh, là thành tựu trên phương diện trì chú. Một cái nữa là thành tựu Tam ma địa, tức là định lực - thành tựu một loại sức mạnh sinh ra do thiền định. Còn có một thành tựu nữa chính là thành tựu Hộ Ma.

Hộ Ma là nói theo âm tiếng Phạn, trên thực tế nó chính là hỏa cúng. Trong Mật giáo nó là một thành tựu rất quan trọng, thuộc về thành tựu cúng dường.

Thành tựu đó với cá nhân tôi mà nói, tôi cảm thấy Hộ Ma hỏa cúng có thể thay đổi vận mệnh của một con người, không chỉ là thay đổi vận mệnh của một cá nhân mà khi thật sự làm Hộ Ma lớn, thậm chí có thể thay đổi vận mệnh của một đất nước. Mọi người thử nghĩ xem, vận mệnh của một đất nước, nếu dùng pháp lực Hộ Ma của Mật giáo mà còn có thể thay đổi được thì thành tựu pháp Hộ Ma này đúng là vô cùng vĩ đại và siêu thắng. Cho nên không thể coi thường Hộ Ma, cho rằng đây chỉ là một kiểu cúng dường, không phải đâu, nó cũng có nguyên lý rất cao sâu ở bên trong.

Từng có người làm Hộ Ma, dùng pháp Hộ Ma để thay đổi vận mệnh. Mọi người biết đại sư Không Hải, khi ngài xây dựng đập nước để ngăn nước lũ lan tràn, đã từng liên tục làm Hộ Ma, liên tục trì chú, khiến đập nước đó có thể hoàn thành đúng kỳ hạn, đây chính là sức mạnh của Hộ Ma.

Hộ Ma có thể cải biến vận mệnh, thậm chí có thể cải biến vận mệnh của quốc gia. Hộ Ma trong Mật giáo thật sự là khác biệt rất lớn với cúng dường thông thường. Vì thế, Hộ Ma trong Mật giáo không chỉ là một nghi thức, nó có nguyên lý rất cao sâu ở trong đó.

Hộ Ma có cái gọi là “ngoại Hộ Ma” và “nội Hộ Ma”. Cái gọi là “ngoại Hộ Ma” chính là đốt lửa cúng trời. Đốt những cúng phẩm, thức ăn, hoặc rất nhiều thứ khác đều có thể cho vào lò đốt để cúng dường chư Thiên, Phật Bồ Tát, Kim Cang Hộ Pháp. Cũng có cái gọi là “nội Hộ Ma”, thế nào là “nội Hộ Ma”? Chính là mượn lửa này để đốt hết phiền não và nghiệp chướng bên trong thân thể mình. Dùng lửa để tiêu trừ hết sạch sẽ phiền não và nghiệp chướng bên trong thân thể mình, cái này gọi là “nội Hộ Ma”.

“Nội Hộ Ma” thì rất cao sâu, nếu nghiệp chướng có thể tiêu trừ, phiền não có thể tiêu trừ, thì bạn chẳng khác gì thành Thánh, thành Bồ Tát, chẳng khác gì một hành giả vô cùng thanh tịnh, chẳng mấy chốc thân tâm bạn đều biến thành thanh tịnh rồi. Kiểu Hộ Ma này gọi là “nội Hộ Ma”.

“Ngoại Hộ Ma” chính là hỏa cúng, “nội Hộ Ma” chính là thanh tịnh nghiệp chướng của mình và phiền não của mình.

Tôi nhớ đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni đều có tu pháp Hỏa quang tam muội. Thật ra chính là phương pháp đốt lên ngọn lửa bên trong thân thể mình, để tiêu trừ phiền não và nghiệp chướng của mình. Kì thực nói ra nó chính là “nội Hộ Ma” của Mật giáo, gọi là Hỏa quang tam muội.

Bản thân Hộ Ma mà nói có “ngoại Hộ Ma”, đây là làm cúng dường. Có “nội Hộ Ma”, chính là Hỏa quang tam muội. Thời đại Phật Đà có rất nhiều hành giả tu thành tựu Hỏa quang tam muội, kiểu tu hành này thật sự là rất vĩ đại, cho nên không thể coi thường Hộ Ma, bởi vì nó thuộc về một trong ba thành tựu lớn.

Nói chung, đàn thành Hộ Ma của Mật giáo, ở khu Biệt thự Cầu Vồng có đàn thành Hộ Ma của Mật giáo, rất trang nghiêm, đó là Mật tông Nhật Bản, thuộc về đàn hỏa cúng của Đông mật. Cũng có đàn hỏa cúng của Tạng mật, đàn hỏa cúng của Tạng mật thì làm tương đối thô ráp, là một đàn cúng được quây bằng gạch.

Phương thức hỏa cúng của Đông mật và phương thức hỏa cúng của Tạng mật không giống nhau lắm. Bên Đông mật bố trí tương đối trang nghiêm, còn cách làm pháp của Tạng mật thì chú trọng vào cách làm của nội tâm. Đông mật chú trọng sự trang nghiêm của đàn thành, đàn thành được sắp đặt cực kì trang nghiêm và đẹp đẽ.

Hỏa cúng của Chân Phật Tông chúng ta thì chọn kết hợp cả Tạng mật và Đông mật. Đàn thành cực kì trang nghiêm, nhưng cũng dùng cả tâm lực của mình - dùng sức mạnh của tâm để làm, kết hợp cả hai lại. Cho nên hỏa cúng Hộ Ma trong Chân Phật Tông chúng ta cực kì hay, cảm ứng cực kì thần tốc.

Làm hỏa cúng thường có rất nhiều ứng nghiệm kỳ lạ! Kỳ lạ ở chỗ chính là vận mệnh không thể thay đổi lại có thể xoay chuyển được. Bởi vậy Lư Sư Tôn tôi thường nói với đệ tử, có tai nạn gì xảy đến, bạn phải làm nhiều hỏa cúng. Bởi vì tôi cảm thấy, trên phương diện triệu thỉnh Phật Bồ Tát thì làm hỏa cúng các vị đều sẽ giáng lâm, bởi vì bạn đang làm cúng dường mà! Cúng dường này tốt hơn rất nhiều so với cúng dường của Hiển giáo. Hiển giáo cúng dường chẳng qua chỉ là đặt cúng phẩm lên bàn thờ Phật, lạy một cái, thắp hương một cái là kết thúc.

Cúng dường của Mật giáo chúng ta có nghi quỹ rất dài, phải niệm chú, phải quán tưởng, phải kết thủ ấn, làm như vậy rất dễ khiến Phật Bồ Tát, chư Thiên đều giáng xuống. Nếu bạn có thể dễ dàng triệu thỉnh Phật Bồ Tát, chư Thiên hạ giáng thì cúng dường này của bạn sẽ biến thành một dạng sức mạnh, có pháp lực.

Hôm nay tôi giới thiệu trước đến đây. Om mani padme hum.

20/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

095. Nói kĩ về Hộ Ma (2)

Chúng ta lại nói về hỏa cúng, cũng tức là lại nói về Hộ Ma. Cá nhân tôi làm Hộ Ma, mỗi lần làm Hộ Ma xong đều cảm thấy hộ pháp gia tăng mười lần. Bạn thử nghĩ xem, làm một đàn Hộ Ma, làm một đàn hỏa cúng, chư Thiên lập tức giáng xuống vây xung quanh bạn. Tôi thường nói, giả sử bình thường bên cạnh tôi có mười Hộ pháp, thế thì làm xong một đàn Hộ Ma hỏa cúng sẽ biến thành một trăm Hộ pháp ở bên cạnh tôi, tức là tăng lên mười lần, lập tức gia tăng mười lần sức mạnh.

Tôi đều có thể cảm giác được, thân thể tôi đều có cảm ứng. Bởi vì bình thường khi tôi làm cúng dường, xung quanh có mười Hộ pháp đến tiếp nhận cúng dường. Hễ làm hỏa cúng xong, khi làm cúng dường, chà! Đã biến thành một trăm vị rồi, điều này biểu thị sức mạnh của Hộ pháp đã tăng lên mười lần. Vì thế, hỏa cúng có thể gia tăng pháp lực của bạn, sức mạnh của bạn sẽ sinh ra, lập tức tăng lên gấp mười lần, vì thế, hỏa cúng cực kì quan trọng.

Trong đó có ba nghi quỹ tương đối quan trọng. Khi làm hỏa cúng phải làm “chuyển châu minh”, thế nào là “chuyển châu minh”? Tức là thỉnh cầu Bổn tôn hỏa cúng phóng quang đến gia trì cho bạn. Gia trì là phải làm nghi thức, giống như chúng ta cầm chuỗi hạt lên để làm chuyển châu minh, đầu tiên tay phải cầm hạt Phật đầu, sau đó quấn một vòng vào tay trái, lại chuyển sang tay phải, sau đó xoay tròn, pháp luân thường chuyển. Sau đó thỉnh cầu Bổn tôn trí huệ gia trì cho chuỗi hạt. Tay nâng lên, mắt nhắm lại, nghĩ đến Bổn tôn trí huệ hiển hiện trong hư không, ngài phóng ánh sáng rực rỡ xoay tròn gia trì cho chuỗi hạt này, đây chính là thỉnh cầu gia trì chuỗi hạt.

Gia trì xong, cũng vẫn cầm chắc hạt Phật đầu, cũng quấn vào tay trái, sau đó chuyển sang tay phải, lại pháp luân thường chuyển, cái này để biểu thị điều gì? Chuỗi hạt này đã được Bổn tôn gia trì rồi, đã có tịnh quang ở trong đó rồi. Đầu tiên đặt vào tay trái, sau đó chuyển sang tay phải, biểu thị hai tay đều được tịnh quang gia trì rồi. Bởi vì làm Hộ Ma là phải dùng tay để làm mà! Sau đó lại chuyển sang tay trái, rồi lại xoay tròn, cũng là pháp luân thường chuyển. Tiếp theo là đeo lên người, đeo lên người có ý nghĩa gì? Chính là nói rằng, toàn thân bạn đều đã có được sự gia trì của Bổn tôn trí huệ. Hai tay đều được gia trì rồi, thân thể này cũng đã được gia trì rồi.

Khi bỏ những cúng phẩm vào lò, bạn cầm gỗ Hộ Ma lên, cọ một chút vào chuỗi hạt, biểu thị tịnh quang đã chuyển sang cúng phẩm, sau đó bỏ vào lò. Điều này đều rất có ý nghĩa, không phải là làm cho đẹp. Bạn nhìn Sư Tôn làm xong, cầm lên rồi niệm lầm rầm, không phải đâu, ở đây phải quán tưởng Bổn tôn trí huệ phóng ánh sáng mạnh mẽ gia trì cho chuỗi hạt. Thủ ấn này chính là thủ ấn gia trì chuỗi hạt (Sư Tôn thị phạm). Làm như thế này biểu thị Bổn tôn trí huệ có thể gia trì cho chuỗi hạt.

Giống như gậy kim cang kết giới, cái này rất quan trọng, gõ vào bốn phía, đông tây nam bắc đều phải gõ bảy lần. Gõ vào miệng lò bảy lần, tức là thỉnh Hỏa Thiên Thần khai khẩu [mở miệng]. Bốn phía đông tây nam bắc phải gõ bảy cái, âm thanh này vang lên, biểu thị rằng xung quanh đàn Hộ Ma đều đã được kết giới rồi. Tóm lại, gõ vào miệng lò bảy lần, biểu thị miệng của Hỏa Thiên Thần đã mở rồi, vì miệng của Hỏa Thiên Thần đại diện cho khẩu của Phật và khẩu của Bồ Tát, chư Thiên, bạn bỏ cúng phẩm vào cũng giống như bỏ vào trong miệng. Ở đây đều có ý nghĩa của nó.

Còn có gia trì bằng chuông chày nữa (Sư Tôn thị phạm dùng chuông chày gia trì). Chuông chày gia trì là như vậy. Khi lắc ở trên phải quán tưởng có cái ô ở phía trên, cái ô rất to che kín cả đàn hỏa cúng, cái này là kết giới. Gõ vào bốn góc chuông thế này cũng là kết giới, ở đây có sự gia trì tiêu tai, có sự gia trì tăng ích, có sự gia trì hàng phục, có sự gia trì kính ái. Đây là gia trì.

Vì thế làm Hộ Ma phải làm rất nhiều nghi thức, cách cúng dường này rất khác, không hề giống Hiển giáo. Hộ Ma của Mật giáo cực kì thù thắng, hơn nữa tất cả cùng niệm chú triệu thỉnh, sức mạnh sản sinh ra là cực kì lớn. Như cúng phẩm bỏ vào lò đều phải trải qua nghi thức, phải cọ một chút, phải chấm mật, vì sao phải chấm mật? Đó là một thứ đồ ngọt, biểu thị tăng ích, như vậy sẽ có thể thay đổi vận mệnh của bạn. Khúc gỗ này đại diện cho nghiệp chướng, chấm vào mật tức là tiêu trừ nghiệp chướng này, sau đó bỏ vào lò, biểu thị đã tiêu tai xong thì lại tăng ích, lại có được kính ái. Có các loại tác dụng ở trong đây, không phải là chỉ rất đơn giản, vì sao phải chấm mật? Không chấm mật cũng được, cứ thế bỏ vào hết.

Nghi quỹ Hộ Ma của Mật giáo cực kì trang nghiêm, âm thanh niệm chú phải chỉnh tề và hùng tráng, chư Thiên và Phật Bồ Tát nghe được thì đều rất hoan hỷ. Bạn bày đàn thành rất đẹp đẽ, sạch sẽ, lửa bốc lên rất mạnh, cúng phẩm lại cực kì thanh tịnh. Giả sử tôi là Phật Bồ Tát thì tôi cũng thích, quá tốt rồi. Nghi quỹ như vậy là rất chu toàn, chú âm lại đẹp đẽ vi diệu, mọi người cùng phát tâm, cầu nguyện, cực kì tốt, cho nên có thể thay đổi vận mệnh.

Hộ Ma không những có thể gia tăng pháp lực, thay đổi vận mệnh mà còn có thể tiêu trừ các nghiệp chướng, pháp này là cực kì tuyệt vời. Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

20/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

096. Nói kĩ về Hộ Ma (3)

Chúng ta nói về Hộ Ma tiết thứ ba. Chúng ta hiểu rằng Hộ Ma hỏa cúng trong Mật giáo vô cùng quan trọng. Khẩu quyết của nó chính là phải quán tưởng Bổn tôn trí huệ trong hư không đến bên trong lửa, hơn nữa sau khi bản thân bạn đã biến thành Bổn tôn trí huệ thì chính bạn cũng phải đi vào trong lửa.

Lửa, Bổn tôn và hành giả hợp nhất với nhau cùng làm cúng dường lửa, đây là khẩu quyết rất quan trọng. Thật ra khẩu quyết trọng yếu này không tách rời sự tập trung tinh thần. Trong quá trình tu pháp Mật giáo, bất kì một pháp nào, bất kì một quán tưởng nào, bất kì một câu chú nào, bất kì một thủ ấn nào, toàn bộ đều phải tập trung tinh thần. Nếu tập trung tinh thần để làm Hộ Ma hỏa cúng thì bạn sẽ rất nhanh chóng có thể cảm ứng được, có thể giao tiếp với ý thức vũ trụ, giao tiếp với Bổn tôn.

Rất nhiều người hỏi tôi về bí quyết, khẩu quyết tu hành là gì? Tôi đều nói với người đó: “Bạn nhất định phải tập trung tinh thần để làm việc này.” Tu một đàn pháp, tu một đàn Hộ Ma đều phải cần tập trung tinh thần để làm. Cảm nhận, cảm giác và sự giao cảm lúc này đều khác, tuyệt đối không giống.

Bởi vậy mỗi lần tôi làm Hộ Ma hỏa cúng, hoặc tu pháp, đều phải tập trung tư tưởng, tập trung tinh thần lại để quán tưởng, kết thủ ấn, trì chú. Khi làm việc này, chỉ cần tinh thần tập trung lại thì rất nhanh chóng Bổn tôn trí huệ trong hư không sẽ giáng xuống người bạn.

Tôi từng có ba lần trong trạng thái nhập định, trong ba lần nhập định đó, trong thời gian rất ngắn đã cảm thấy Bổn tôn từ hư không giáng xuống bên trong thân thể tôi, hợp nhất với tôi. Trạng thái trời người hợp nhất này rất thù thắng, cảm nhận đó rất phi phàm, cực kì quang vinh, cực kì khoan khoái, cực kì đặc biệt. Cảm nhận đó thật sự không giống với tu hành thông thường, đó chính là một dạng du già, du già chính là trạng thái hợp nhất, bạn đã cùng với Bổn tôn hợp lại rồi.

Triết học Trung Quốc thường nhắc đến trời người hợp nhất, trời người hợp nhất không phải là một khẩu hiệu, cũng không phải là một lý luận, mà là trên thực tế bạn và ý thức vũ trụ toàn bộ hợp lại, biến thành một kiểu trạng thái của “một”. Tôi nhận thấy làm Hộ Ma là dễ đạt được điều này nhất, giả sử bạn làm rất cẩn thận, rất tỉ mỉ phân tích, rất tỉ mỉ quán tưởng Bổn tôn đi vào trong lửa, quán tưởng chính bạn đi vào trong lửa, lửa, Bổn tôn và bạn ở trong trạng thái kết hợp với nhau thì tức là trời người hợp nhất.

Từ Mật giáo thực tiễn trời người hợp nhất là rất dễ. Bạn xem Hiển giáo thông thường, ở trong chùa, mọi người làm cúng dường, hương, hoa, đèn, trà, quả cúng dường, châm hương, cầm hương lạy một cái rồi đem cắm hương, sau đó lạy một cái, lạy xong thì cũng đi luôn. Có khi chẳng đi đâu cả, mấy phút sau thì vội vàng thu dọn đĩa, hương, hoa, đèn, trà, quả về. Bởi vì nếu bạn không thu dọn về, lát sau người khác sẽ lấy nhầm, lấy hết cúng phẩm của bạn đi mất, thế thì bạn sẽ ở đó khóc luôn.

Mật giáo không như thế. Mật giáo là đốt hết những cúng dường của bạn, cúng dường lửa này chính là bỏ cúng phẩm vào trong lửa, tức là trực tiếp đốt hết. Điều này tương đương với Phật, Bồ Tát đã tiếp nhận cúng dường của bạn, và không có chuyện thu về, không phải là lấy về rồi sau đó ăn. Hơn nữa, bạn cần phải tập trung tinh thần đi làm cúng dường như vậy, đây chính là chỗ mà Mật giáo khác với Hiển giáo. Nói về Hiển giáo thì cúng dường xong là đi, là thu về, thế rồi chẳng có gì khác nữa. Đây chính là điểm khác biệt.

Mỗi lần khi tôi làm hỏa cúng, chắc chắn sẽ có cảm nhận, tức là chắc chắn có cảm ứng, cảm nhận về trời người hợp nhất, mỗi lần đều xuất hiện. Hơn nữa còn nhập định ba hồi, Bổn tôn và bạn hợp nhất chính là ba hồi. Vì thế, tôi cảm thấy chúng ta làm hỏa cúng là cực kì quan trọng, đệ tử Chân Phật Tông từ sau khi pháp Hộ Ma được truyền đi, mọi người đều rất nỗ lực học làm hỏa cúng. Tu pháp Hộ Ma nhận quán đảnh, toàn bộ nghi quỹ bạn đều hiểu rõ rồi, tập trung tinh thần để làm, bạn sẽ có được hiện tượng tương ứng rất tốt.

Đương nhiên hỏa cúng có ý nghĩa của nó, có thể đốt sạch những phiền não và nghiệp chướng của thân thể bạn. Ví dụ gỗ Hộ Ma chấm vào mật chính là biến đắng thành ngọt, từ đắng hóa thành ngọt, ý nghĩa của chấm mật là ở đây. Gia tăng lợi ích, gia tăng phúc phần, gia tăng trí huệ, đều có ý nghĩa ở trong đó. Ở trong đây có rất nhiều chi tiết và rất nhiều khẩu quyết, bạn phải lần lượt hiểu rõ. Mỗi đệ tử đều phải làm hỏa cúng cho tốt, đều sẽ có được cảm nhận tốt giống như Sư Tôn xuất hiện. Ánh sáng của lửa sẽ nâng cao bản thân bạn, khiến bạn có phúc phần hơn, có trí huệ hơn, nghiệp chướng tiêu trừ. Đây là phương pháp tu hành cực kì tốt.

Tôi cho rằng tổ sư Tsongkhapa nói: “Thành tựu Trì minh, thành tựu Tam ma địa, thành tựu Hộ Ma là ba thành tựu lớn của Mật giáo, và pháp Hộ Ma chính là một trong ba thành tựu lớn đó.

Hôm nay nói tới đây thôi. Om mani padme hum.

23/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

097. Nói kĩ về Hộ Ma (4)

Tôi lại nói thêm với mọi người về Hộ Ma. Đây là tiết thứ tư nói về Hộ Ma rồi. Lửa Hộ Ma này bập bùng ở bên trong lò đốt đều có tính tượng trưng và ý nghĩa ở trong đó. Lửa đại diện cho cái gì? Nó đại diện cho ánh sáng. Vì lửa có thể tỏa ra nhiệt và quang rất mạnh, cho nên nó đại diện cho ánh sáng.

Và lửa cũng tượng trưng cho thanh tịnh. Mọi người biết rằng tu hành Mật giáo chính là thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh. Khi lửa đang cháy sẽ hóa tất cả mọi thứ thành tro tàn, tương đương với hư không. Lửa đốt hết sạch nghiệp chướng, tức là thanh tịnh.

Lửa cũng có thể nói là trí huệ. Bạn xem khi lửa bập bùng cũng tương đương với trí huệ đang nhảy nhót. Lửa cũng là niệm lực, bạn tập trung suy nghĩ của mình vào ngọn lửa, các trạng thái mà ngọn lửa sản sinh ra lúc này chính là niệm lực của bạn tạo thành, khiến lửa nhảy nhót trong lò Hộ Ma.

Lửa còn tượng trưng cho niết bàn. Bạn có biết thế nào gọi là niết bàn không? Niết bàn giống như là hỏa thiêu. Khi người xuất gia viên tịch, dùng lửa để thiêu, hóa thành không, quy về không. Họ đã tiến nhập tính Không, quy về ý thức vũ trụ, đến Tây phương Cực Lạc thế giới, họ đã bất động rồi. Hai chữ “bất động” này rất có ý nghĩa, họ đã bất động rồi. Quy về hư không chính là một trạng thái của niết bàn tịch tĩnh. Lửa cũng đại diện cho niết bàn, ý nghĩa của lửa có rất nhiều.

Nói đến phương diện thanh tịnh, tôi nói một chút về quán bạch cốt (xương trắng), quán bạch cốt chính là dùng lửa để tạo ra. Lợi dụng việc quán tưởng lửa để tu thành quán bạch cốt, tiến vào một trạng thái tịch diệt. Trước kia, Phật Đà dạy đệ tử, đối với người có dục vọng tương đối nặng, bảo họ phải tu quán bạch cốt. Tu pháp quán bạch cốt là như sau: đầu tiên quán tưởng ngón chân cái của mình thối rữa, chỉ còn lại một mẩu xương trắng. Thế rồi từng phân từng phân da thịt thối rữa ra. Tiếp theo là quán thân bất tịnh, quán tưởng thân thể mình chẳng hề sạch sẽ, bên trong toàn là phân niệu, tinh, huyết, thân thể của chính bạn không hề sạch sẽ.

Bạn xem xem, gỉ mắt, gỉ mũi, nước dãi, ráy tai, mồ hôi toát ra ở trên đầu. Nước tiểu, phân, máu dịch, máu tanh, các cơ quan, ngũ tạng, có thứ nào là sạch sẽ chứ? Sau đó, bạn quán khi thối rữa ra còn sinh dòi, toàn thân thối rữa sinh dòi, chẳng thể nào ưa thích nổi.

Bạn rất thích gái xinh, rất thích trai đẹp, một bộ xương người bày ra trước mặt bạn, bạn đi hôn nó, bạn chạy tới người đó và hôn. Thật ra thứ mà bạn hôn là lớp da thôi, bên trong là bộ xương rất đáng sợ. Nói ra chính là như vậy.

Bạn nói làn da này vừa trắng vừa mịn vừa mềm, thật ra bạn nên biết đó chỉ là một lớp da, lớp bề mặt này bạn phải quán tưởng nó không sạch sẽ, khi nó thành chảy mủ thì sẽ như thế nào, khi nó sinh ra dòi thì sẽ như thế nào.

Cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni dạy quán bạch cốt là bắt đầu thối rữa từ ngón chân, sau đó toàn thân thối rữa, da thịt toàn thân thối rữa biến thành một bộ xương trắng. Sau đó lại quán tưởng tất cả chúng sinh toàn bộ đều thối rữa ra, rữa ra chỉ còn lại một bộ xương trắng. Sau đó dẫn nội hỏa của chính mình, đốm lửa vốn có để thiêu đốt chính mình. Thiêu cháy toàn bộ xương cốt thành tro tàn, sau đó ngọn lửa này lại dẫn tới chúng sinh, lại thiêu rụi toàn bộ chúng sinh, biến thành tro, toàn bộ đều quy về hư không. Đây chính là quán bạch cốt.

Trước kia khi tôi thường xuyên xem phong thủy, giúp người ta “tiến kim”, tức là bày biện xương cốt của người rồi đặt vào trong đất. Bạn nhìn bộ xương trắng đó bạn có thích được không? Tôi nói với bạn chủ nhân của bộ xương trắng đó, khi còn sống là mỹ nữ tuyệt sắc, đôi khi trên tấm bia mộ còn có dán ảnh nữa. Chà! Xinh đẹp thế này, mái tóc dài đen óng ả, cặp mắt to long lanh. Bạn biết rằng khi những thứ này rơi rụng hết thì chỉ là một bộ xương trắng, rất đáng sợ.

Bạn thường xuyên quán tưởng mình thành một bộ xương trắng thì sẽ có thể dập tắt hết dục niệm, quán tưởng đối tượng của bạn thành xương trắng, bạn sẽ xuất gia đó. Quán tưởng tướng mạo tuyệt sắc của đối tượng mà bạn rất thích thành xương trắng, trong lòng sẽ cảm thấy đời người chẳng qua chỉ như thế này thôi, chính là một đống xương trắng.

Quán bạch cốt mà Phật Đà dạy là như thế này: quán tưởng chính mình thành xương trắng, quán tưởng chúng sinh thành xương trắng, nổi lửa lên là toàn bộ hóa thành tro tàn, cái gì cũng không còn.

Bởi vậy, đôi khi con người nghĩ về chính mình, đừng có luôn luôn nghĩ đến vẻ bề ngoài của mình, phải nghĩ đến tướng bên trong của mình, nghĩ đến tướng bên trong của chúng sinh, dập tắt dục vọng của chính mình. Người có dục vọng nặng phải tu quán bạch cốt. Thật ra chẳng hề có gì, thế giới này vốn dĩ chính là một hư không, bạn nghĩ như vậy thì dục vọng sẽ không còn nữa, tham niệm của bạn sẽ rơi rụng. Thường xuyên làm như vậy thì sẽ rất giúp ích cho việc tu hành của bạn.

Quán thân bất tịnh, quán tưởng thân thể mình không hề sạch sẽ, từ đó bạn sẽ biết ý nghĩa mà lửa Hộ Ma tượng trưng. Ánh sáng, trí huệ, thanh tịnh, niết bàn đều đại diện cho lửa.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

23/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

098. Nói kĩ về Hộ Ma (5)

Hôm nay chúng ta nói tiết thứ năm về Hộ Ma. Đàn Hộ Ma của Đông mật cực kì trang nghiêm, khi họ làm Hộ Ma thì sẽ kết những dải lụa màu, dụng cụ cúng đều dùng vàng bạc, có một số thứ thì mạ vàng, khi nhìn vào khiến tâm lý người ta cảm thấy vô cùng thích thú. Nói chung, chính vì thứ bạn thích và thứ mà Phật Bồ Tát thích sẽ hô ứng lẫn nhau. Đàn thành phải khiến cho chính bạn thích thú, thế thì trong lòng Phật Bồ Tát cũng sẽ ưa thích, như vậy là hô ứng với nhau. Du già chính là nói về sự cảm ứng lẫn nhau, đàn thành phải rất trang nghiêm, rất nghiêm túc, rất nho nhã, khi nhìn vào sẽ khiến tâm lý bạn thích thú, Phật Bồ Tát tự nhiên cũng sẽ ưa thích.

Tôi từng xem Hộ Ma của chùa Narita Đông mật ở Nhật Bản. Lò Hộ Ma của Đông mật được xây bằng gạch, dùng dải lụa màu để trang trí rất trang nghiêm. Về phía Tây Tạng, trước kia có một vị viện trưởng viện Phật học Tây Tạng là Ba Mễ Cường Ba Rinpoche, hiện tại ông ấy cũng là sư phụ của Panchen thứ 11, là một vị Hoạt Phật có địa vị cao nhất ở Tây Tạng, tôi từng cùng với ông ấy làm Hộ Ma.

Đàn Hộ Ma có quy tắc của nó, phải dùng màu sắc để bố đàn, như là dùng màu vàng, dùng màu trắng, dùng màu đỏ, màu đen. Bốn màu sắc này cũng có tính tượng trưng: màu trắng đại diện cho tiêu tai, màu vàng đại diện cho tăng ích, màu đỏ đại diện cho kính ái, màu đen đại diện cho hàng phục.

Ngoài ra, theo quy tắc thì đàn thành cũng có hình dạng khác nhau. Bạn muốn làm pháp hàng phục thì dùng đàn hình tam giác. Pháp tăng ích thì dùng đàn hình vuông. Pháp kính ái thì dùng đàn hình bán nguyệt. Tiêu tai thì dùng đàn hình tròn. Vì thế, đàn Hộ Ma trong Mật giáo cũng có sự phân biệt, đây là vì tác dụng tương ứng.

Cũng có đệ tử hỏi tôi là làm Hộ Ma ở Mỹ, ở bên ngoài đốt lửa không dễ. Lửa vừa bốc lên là xe cứu hỏa đến luôn, rất phiền phức. Hàng xóm cũng sẽ sang nói.

Có đệ tử nói: thế thì dùng lò sưởi của mình, fire place, rồi đốt Hộ Ma thì có được không? Theo quy tắc mà nói thì không được. Bởi vì làm Hộ Ma ở trong lò sưởi thì đương nhiên là tiện lợi, rất đơn giản, nhưng lại mất đi sự trang nghiêm. Vốn dĩ bạn đang làm hỏa cúng, phải thỉnh rất nhiều Phật, Bồ Tát giáng xuống, lẽ nào Phật, Bồ Tát lại từ ống khói đi xuống sao? Bạn đốt lò sưởi, rồi đốt một ít cúng phẩm trong lò sưởi, lửa sẽ bốc lên trên ống khói, vậy bạn muốn kêu Phật, Bồ Tát từ trong ống khói giáng xuống, biến thành đen sì sao. Hơn nữa lò sưởi có trang trí thế nào cũng không trang nghiêm, rất khó khởi lên tâm hoan hỷ. Đó là một điểm.

Ngoài ra còn có người phát minh ra lò Hộ Ma rất nhỏ, nhỏ chỉ bằng cái bát. Mọi người nghĩ xem, có một vấn đề rất đơn giản, gỗ Hộ Ma căn bản là không thể bỏ vào được. Khi bạn tĩnh tọa, vì lò Hộ Ma nhỏ, chẳng thể nào duy trì được ngọn lửa. Khi bạn nhập Tam ma địa thì ngọn lửa này đã tắt rồi, không còn dư ra nhiều thời gian để cho bạn nhập Tam ma địa. Lò Hộ Ma nhỏ, cho nên các vật để đốt ít, lửa không thể duy trì được lâu, làm sao bạn nhập Tam ma địa được? Có khi kết một cái thủ ấn, còn chưa kết xong thì lửa đã sắp tắt rồi, lại phải vội vàng ném thêm đồ vào. Cho nên cái này cũng không được.

Vì thế kích cỡ của một cái lò thông thường phải có quy tắc, nếu không sẽ mất đi sự trang nghiêm. Kích thước lớn nhỏ của lò Hộ Ma vẫn phải có quy tắc, chí ít là phải rộng bảy tấc [khoảng 70cm] thì mới có thể ném gỗ Hộ Ma vào được. Gỗ Hộ Ma cũng có quy tắc, độ dài của nó cũng có quy định, bạn không thể làm nhỏ như thế này.

Bạn phải cúng dường như biển mà, nói chung, cúng phẩm ví dụ như sữa cũng không thể chỉ bỏ vào một giọt. Vì thế, kích thước của lò Hộ Ma còn phải phù hợp với thân thể của con người. Bạn không thể nói là người tôi cao to thế này, còn lò Hộ Ma thì nhỏ thế này, chiếc lò bé tí đặt ở trước mặt bạn, nhỏ quá, Phật Bồ Tát nhìn thấy đều nói: “Làm trò gì thế này? Đại Phật ta đây giáng xuống, kết quả là nhìn thấy cái lò Hộ Ma bé xíu này.”

Bởi vậy lò cũng rất quan trọng, Chân Phật Tông chúng ta lựa chọn trung đạo, lò Hộ Ma không làm quá to, không cần to như cái hồ bơi, nhưng cũng không được nhỏ như cái bát. Hãy lấy thân thể người chúng ta để làm tỉ lệ mà làm lò Hộ Ma. Bởi vì lò Hộ Ma to quá thì tay cũng không với tới, nhỏ quá thì đụng bàn tay một cái là lật đổ luôn cái lò, thế thì cũng không được.

Tôi từng làm Hộ Ma cùng với Ba Mễ Cường Ba Lạc Châu, cũng từng làm Hộ Ma cùng với giáo chủ Hoa giáo là Đạt Khâm Rinpoche. Rất nhiều đại Hoạt Phật đã tham gia cùng với chúng ta, cùng dùng tâm lực của chúng ta để làm một số pháp sự, pháp vụ, mọi người cùng dùng tâm lực để hoàn thành chúng. Cho nên cứu độ chúng sinh, làm Hộ Ma là rất tốt, Hộ Ma sẽ sản sinh ra một loại pháp lực, Phật Bồ Tát sẽ giáng xuống, sẽ có cảm ứng đạo giao [sự tương giao giữa cảm của chúng sinh và ứng của Phật].

Hôm nay nói đến đây. Om mani padme hum.

24/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

099. Nói kĩ về Hộ Ma (6)

Hôm nay là tiết thứ sáu nói về Hộ Ma. Bản thân Hộ Ma có cúng phẩm, rất nhiều đệ tử hỏi Sư Tôn: “Cúng phẩm gì là tốt nhất?” Tôi nói một câu rằng: “Thứ bạn thích là tốt!” Điều này rất vi diệu. Tôi nói, bạn thích thì Phật Bồ Tát cũng sẽ thích. Cho nên liên quan tới cúng phẩm, rất nhiều người nói là phải xem Phật Bồ Tát thích gì. Vậy thì Phật Bồ Tát thích cái gì? Cái đó thì không chắc. Nhìn chung mà nói, một câu rất đơn giản, bản thân Phật là vô tâm, cảnh giới của Phật rất cao rồi, ngài chẳng hề ưa thích hoa quả mà bạn cúng, cũng không ưa thích quần áo mà bạn mặc, cũng không chắc đã thích xe cộ, nhà cửa của bạn, cho nên dựa theo đạo lý của Mật giáo thì hãy dựa theo thứ mà bạn thích để cúng dường là đúng.

Phật ở cảnh giới cao thật sự thì bản thân ngài chẳng có mong cầu gì, nhưng ngài muốn cảm ứng với bạn, tương ứng với bạn thì phải dựa vào thứ mà bạn thích nhất thì ngài sẽ sinh ra tâm hoan hỷ, đạo lý của Mật giáo là như vậy. Cho nên về phương diện cúng phẩm mà nói thì bạn hãy đem cúng dường thứ mà bạn thích nhất thì đó cũng sẽ là thứ mà Phật thích nhất.

Cúng phẩm của Hộ Ma, trong Mật giáo cũng có hai thứ rất đặc thù. Có người xem Chân Phật Tông chúng ta làm Hộ Ma có cúng rượu. Rượu không phải là một trong năm giới sao? Không được uống rượu là giới thứ năm, giới cấm thứ năm này là một giới tương đối nhẹ. Không sai! Bản thân Chân Phật Tông chúng ta mà nói thì cũng phải giữ năm giới, tốt nhất là bạn đừng uống rượu, nhưng giả sử bạn uống một chút xíu, uống một chút rượu thuốc, buổi tối trước khi đi ngủ uống một chút rượu thuốc, thì Sư Tôn cho rằng như vậy cũng có thể được.

Vì sao không được uống rượu? Bởi vì uống rượu có thể gây loạn tính, bạn sẽ đánh mất bản tính của mình, cho nên mới không được uống rượu. Giả sử bạn uống rượu là để thúc đẩy sự tuần hoàn máu và bạn không bị loạn tính thì bản thân điều này mà nói, bạn đã biến rượu thành cam lộ rồi.

Những việc trên đời này không thể vơ đũa cả nắm, uống một chút rượu có lợi với thân tâm thì đó là cam lộ, uống rượu quá độ thì đó là thuốc độc. Cho nên ngày xưa Phật Thích Ca Mâu Ni chế định ra giới luật này, giới cấm cuối cùng trong năm giới là không được uống rượu, đó là vì rất nhiều người vì uống rượu mà đánh mất bản tính.

Chúng ta cúng Kim Cang Thần phải cúng rượu, bởi vì rượu là cam lộ, Kim Cang Thần uống cam lộ xong thì tinh thần của ngài sẽ sục sôi, ngài hành tẩu rất nhanh, ngài sẽ làm việc với tốc độ rất nhanh. Cho nên mỗi lần chúng ta cúng dường rượu cho Kim Cang Hộ Pháp, Không Hành, cúng dường rượu là ra lệnh cho Kim Cang Hộ Pháp, Không Hành có thể nhanh chóng hoàn thành việc mà chúng ta thỉnh cầu, và như thế thì các vị rất nhanh chóng sẽ hoàn thành những sự việc pháp vụ này. Bởi vậy nguyên nhân mà chúng ta làm Hộ Ma cũng cúng rượu là ở đây, là để cúng dường Kim Cang Hộ Pháp, bởi vì sau khi các vị có được cam lộ này rồi thì tinh thần trở nên hừng hực, và rồi sẽ chạy thật nhanh để hoàn thành công việc.

Hành giả Chân Phật Tông chúng ta tốt nhất là đừng uống rượu, bạn muốn uống thì uống chút chút, lượng sức mình mà uống, bạn uống quá lượng thì sẽ phạm giới, nếu không uống quá lượng thì không xem là phạm giới. Giới luật của Chân Phật Tông chúng ta là như vậy. Có cái gọi là sự “hỗ trợ”, bởi vì bạn uống một chút rượu thuốc thì được, rượu thuốc thúc đẩy sự tuần hoàn máu, để cho các vị thuốc chạy đến khắp nơi trong thân thể, điều này được cho phép.

Rồi cúng nước hoa cũng vậy, rất nhiều người cảm thấy kỳ quái, sao chúng ta lại vẩy nước hoa? Mỗi lần Sư Tôn cúng nước hoa sẽ nói, dùng nước hoa này, lấy mùi thơm thanh tịnh này để cúng dường chư Thiên, Không Hành Mẫu, các thiên nữ, các vị sẽ sinh ra tâm hoan hỷ, vì nước hoa cũng khiến cho bạn sinh ra tâm hoan hỷ mà. Đôi khi nước hoa cũng khiến người ta cảm thấy vui thích, mà đã khiến cho con người cảm thấy vui thích thì cũng sẽ khiến cho chư Thiên cảm thấy vui thích, thế nên cũng cúng nước hoa.

Trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta có hai thứ rất đặc thù như vậy. Những thứ khác như cúng nước, cúng sữa, các sản phẩm từ sữa không trực tiếp bỏ vào lò, bởi vì đây là lửa, bạn bỏ quá nhiều sữa vào lò thì sẽ làm lửa tắt, cho nên sữa này đặt ở bên cạnh lò. Còn có cả đại mạch, tiểu mạch, hạt cải, hạt vừng, sữa bò, hương, hoa, đèn, trà, quả, đều có thể cúng dường, thậm chí là quần áo, vải bạn cũng có thể cúng dường, đó là thiên y, bạn thích những tấm vải này, bạn đem ra đốt, đây là cúng trời. Tuy là những thứ này có tính tượng trưng, nhưng bạn dùng tâm để cúng thì sẽ biến thành chân thực.

Cúng dường Phật, Bồ Tát, bởi vì bản thân bạn thích, cho nên Phật Bồ Tát cũng thích, điều này sẽ dẫn đến tương ứng. Cúng rượu — Kim Cang Hộ Pháp sẽ nhanh chóng đi hoàn thành pháp vụ. Cúng nước hoa — tượng trưng cho thanh tịnh. Cúng bột hương — đại diện cho trang nghiêm, có thể làm trang nghiêm Phật quốc. Cúng trà — đại diện cho pháp vị. Cúng bánh quy — đại diện cho tư lương, tư lương có thể khiến cho chúng sinh đều được no đủ.

Những thứ này đều có hai tầng ý nghĩa: cúng nước chính là để dập tai nạn, có thể thanh tịnh tâm chúng sinh; cúng gạo là để chúng sinh được no đủ; cúng trà là để chúng sinh có được pháp vị; cúng phấn thơm là để chúng sinh được thanh tịnh; cúng thiên y là để chúng sinh đều có quần áo mặc, chúng sinh đều được ăn mặc đủ đầy.

Những cúng dường này đều rất tốt, có hai tầng ý nghĩa ở trong đó. Cúng dường như vậy, bạn dùng tâm cúng, tâm bạn và tâm Phật Bồ Tát tương thông. Xoạch! Búng tay một cái là tương ứng lẫn nhau rồi, giữa bạn và Phật Bồ Tát đã cảm ứng đạo giao rồi.

Cho nên Hộ Ma là phương pháp tốt nhất để mời Phật, Bồ Tát giáng xuống. Hôm nay giảng tới đây thôi. Om mani padme hum.

24/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

100. Pháp môn an tâm

Lần này chúng ta nói về pháp môn an tâm.

Có đệ tử hỏi tôi: “Tu hành Chân Phật Mật Pháp là pháp thế nào?” Tôi bèn trả lời người đó rằng: “An tâm.”

Phạm vi của pháp môn an tâm rất rộng, tuy nhiên tôi cần phải giải thích rõ một ý nghĩa chủ yếu nhất của nó. Thế nào là an tâm? Làm sao để đạt đến an tâm? Nói đến làm sao để đạt đến an tâm, cái này rất thâm sâu ảo diệu.

Trước kia vào thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni, có một tì kheo ở trong rừng tĩnh tọa. Ông ấy đến nói với Phật Đà rằng tâm ông ấy không thể an, Phật Đà liền hỏi ông ấy: “Vì sao tâm ông không thể an?” Ông ấy nói khi ông ấy tĩnh tọa ở trong rừng, áo pháp của ông ấy bị rách, cho nên tâm không thể an được. Phật Đà lại hỏi ông ấy: “Trong rừng có lá cây rơi xuống không?” Ông ấy nói có. Phật Đà liền hỏi ông ấy: “Bây giờ tôi hỏi ông, lá cây này từ trên cây rơi xuống, tâm ông có an không?” Ông ấy nói có an. Phật Thích Ca Mâu Ni đã dùng cách đó để dạy tất cả các tì kheo, pháp môn an tâm chính là ở đây.

Vì sao áo pháp của mình bị rách thì tâm bạn không an? Vì sao khi bạn tĩnh tọa, ở bên cạnh lá cây rơi xuống thì tâm bạn có thể an? Điều này nằm ở một chữ “ngã”. Áo pháp khoác trên người ta thì có liên quan đến ta, có liên quan tới hình tượng của bạn, cho nên tâm bạn mới bất an. Lá cây rơi xuống chẳng hề liên quan gì đến bạn, cho nên tâm bạn có thể an, đây chính là vấn đề của ngã chấp. Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng vì sự việc như vậy mà dạy bảo các tì kheo.

Mọi người hãy dùng suy nghĩ của bạn mà ngẫm nghĩ một chút, bây giờ Sư Tôn đang mặc áo pháp này, chiếc áo pháp này chính là áo bào Pháp Vương, là áo mà Pháp Vương Ganden Tripa mặc, ngài ấy trao cho tôi để cho tôi mặc. Ồ, mặc chiếc áo này lên thì cảm giác khác hẳn, dường như chính mình đã biến thành Pháp Vương rồi, cảm giác chẳng hề giống bình thường. Chiếc áo này đích xác là của ngài ấy, pháp bào này đã rất cũ rồi, cũng có chỗ rách rồi, bên dưới cũng đã phải sửa rồi, tôi mặc vào cảm thấy kì kì, thế là nhờ pháp sư Bích Trân khâu lại, bên dưới đã phải khâu lại một chút. Tôi cũng nghĩ tới việc cầm đi giặt khô, bởi vì có khả năng nó đã được mặc mấy trăm năm rồi chưa giặt, đây là chiếc pháp bào Pháp Vương truyền thừa, đời này truyền cho đời khác, pháp bào truyền thừa từ đời này sang đời khác, nhưng tôi chưa giặt bao giờ. Chiếc áo bào này vẫn y nguyên là chiếc áo bào lấy từ chỗ của Ganden Tripa, cứ thế mặc trên người, đến bây giờ vẫn chưa từng giặt.

Phật Đà lấy ví dụ này nói với mọi người: “Việc không liên quan đến ta thì bỏ, việc liên quan đến ta thì loạn.” Người tu hành trước tiên đạt đến vô ngã, vô ngã là một điều kiện, là một trí huệ rất quan trọng, rất trọng yếu, rất cao thâm. Đó là pháp môn an tâm. Trên đời có phiền não chính là vì còn có cái chữ “ngã” này nên mới có phiền não. Khi cảnh giới tu hành của bạn cao rồi, thật sự có thể lĩnh hội được vô ngã, bạn sẽ không thể có phiền não nữa, đây gọi là an tâm, tâm bạn mới có thể an được.

Giống như Sư Tôn nhìn sinh lão bệnh tử của thế giới Ta Bà, đủ loại bệnh, đủ loại tai nạn, đủ kiểu ân ái tình thù, tôi chỉ cười xòa. Ngày hôm nay bạn để ở trong tâm thì chắc chắn sẽ có phiền não, hơn nữa chắc chắn không thoát được. Tôi nói một lời tương đối nghiêm trọng: hôm nay bạn tu hành, nếu bạn không loại bỏ được ngã chấp, bạn lúc cười lúc khóc, thì bạn sẽ dở khóc dở cười, bạn sẽ vĩnh viễn gánh chịu nghiệp chướng tích lũy nhiều kiếp, vĩnh viễn không có cách nào giải thoát được chính mình. Bởi vì bạn đều vì chính mình mà.

Mình được thì cười, mình mất thì khóc, hôm nay cười, ngày mai khóc, đúng là dở khóc dở cười. Trên thực tế chính là như vậy, đời người chẳng có gì đáng nói. Tiền, sắc, danh, ăn, ngủ, từ vợ chồng, hôn nhân, sự nghiệp, tình cảm, con cái, học hành, có được mấy thứ đâu, chỉ vài thứ này thôi, đã khiến tất cả mọi người đều mệt mỏi rồi.

Hôm nay bạn đi trên con đường tu hành Chân Phật Mật Pháp chính là vì an tâm. Vì sao bạn quan tâm đến tâm mình thì lại loạn, là việc của người khác thì tâm bạn có loạn không? Đương nhiên tâm bạn sẽ không loạn rồi, bởi vì không liên quan gì đến bạn mà. Đây vẫn là do một chữ “ngã” gây ra mà thôi.

Phật pháp rất thâm sâu ảo diệu. Hôm nay bạn muốn giải thoát phiền não, giải thoát đau khổ của bạn, phương pháp duy nhất là bạn phải có trí huệ vô ngã. Tôi nói với bạn nhé, bạn nói định lực của bạn rất cao, định lực rất mạnh, không sai, định lực chính là hòn đá đè cỏ, định lực của bạn giống như hòn đá, cỏ bị bạn đè bẹp, nhưng chẳng qua chỉ là miễn cưỡng đè phiền não xuống mà thôi. Hôm nay định lực của bạn mất đi thì cỏ lập tức sống lại, bạn lại có phiền não. Phải từ trong định lực đi thâm nhập trí huệ, sau khi có được trí huệ của vũ trụ đó, bạn mới có thể thật sự giải thoát phiền não, mới có thể thật sự an được tâm bạn.

Bạn vì chuyện tình cảm mà phiền não, vì hôn nhân mà phiền não, vì tên tuổi mà phiền não, vì lợi ích mà phiền não, vì con cái mà phiền não, vì sự nghiệp mà phiền não, đủ thứ phiền não, chỉ vì liên quan tới mình mà thôi. Hôm nay bạn coi mình thành vô tướng giống như hư không thì phiền não làm sao còn.

Hôm nay giảng tới đây thôi. Om mani padme hum.

25/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

101. Pháp giới an lập

Chúng ta nói về pháp giới an lập. Có thể nói toàn bộ ý thức vũ trụ đều là pháp giới. Trong Phật giáo nói đến pháp giới chính là mười pháp giới, bốn Thánh giới và sáu đạo, cộng lại chính là mười pháp giới.

Pháp giới an lập, trong Mật giáo, có hai đồ hình: một là Mandala Kim cương giới, một là Mandala Thai tạng giới. Trước kia tôi từng giảng, Kim cương giới biểu thị Phật Bồ Tát quả địa, Thai tạng giới biểu thị Phật Bồ Tát nhân địa. Khi mới bắt đầu tu hành, đó là Phật Bồ Tát nhân địa, đến khi đắc thành Phật Bồ Tát quả địa thì là Kim cương giới, đây là sự phân biệt Kim cương giới và Thai tạng giới.

Rất nhiều người hỏi tôi: Lư Sư Tôn dạy người ta quán tưởng hít thở thì phải hít vào ánh sáng trắng, thở ra khí đen. Hít vào phải hít ánh sáng trắng, khí đen phải thở ra. Vậy thì ánh sáng trắng từ đâu tới? Thật ra ánh sáng trắng đến từ ý thức vũ trụ, đến từ hư không, nhưng bạn chẳng có cách nào quán tưởng được. Rất nhiều nggười đều như vậy, nhất định phải có vật gì đó để họ nhìn thấy thì họ mới có thể nghĩ được là ồ, thì ra ánh sáng trắng là từ nơi đó đi vào trong mũi ta, sau đó lại thở ra khí đen, khí đen của toàn thân tiêu tan theo cách đó.

Rất nhiều người hỏi: “Thứ gì có thể tượng trưng cho ánh sáng trắng đó?” Trong Mật giáo chính là dùng mandala để làm vật tượng trưng cho ánh sáng. Bản thân Tsongkhapa giảng “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận”, hoàn toàn là đang xây dựng mandala — từ đầu đến cuối. Trong khi giảng bốn bộ pháp, hoàn toàn giảng bắt đầu từ kiến lập mandala, cũng chính là pháp giới an lập. Trước tiên là phân tích cực kì rõ ràng về pháp giới của toàn bộ ý thức vũ trụ.

Ý của ngài ấy là như thế này, mandala chính là đại diện cho sự an lập của pháp giới. Bên trong mỗi một mandala đều có chủ tôn, cũng tương đương là có Bổn tôn, bên cạnh Bổn tôn lại có quyến thuộc, bên cạnh quyến thuộc lại có Hộ pháp, pháp giới chính là an lập như vậy.

Tương lai mỗi hành giả Chân Phật khi tu hành có thể an lập một mandala, hoặc là một đàn thành, chính là tượng trưng ánh sáng trắng từ nơi đó đi vào. Khi bạn quán tưởng, nhắm mắt lại, ánh sáng trắng từ mandala đi vào lỗ mũi bạn, đi xuống xoay chuyển một vòng, bạn làm Cửu tiết Phật phong là thở ra khí màu đen, chính là nghiệp đen trên thân thể bạn, đẩy hết ra ngoài, hít vào ánh sáng của pháp giới - tịnh quang đi vào. Cho nên hít vào trắng thở ra đen chính là đang làm công việc tiêu trừ nghiệp chướng của bạn. Một khi nghiệp chướng tiêu trừ thì tâm bạn cũng sẽ có thể an. Nghiệp chướng chưa trừ thì tâm bạn vĩnh viễn bất an, tâm sẽ khó mà an được.

Trên thực tế chúng ta tu hành pháp môn an tâm, sau khi pháp giới an lập, bạn hãy chăm chỉ tu pháp môn an tâm của bạn.

Mandala Kim cương giới và Mandala Thai tạng giới, trong Mật giáo chính là hai bộ đại mandala. Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến mandala, có thuyết thì nói rằng hai bộ đều là do chính Long Thụ Bồ Tát sáng tạo ra, cũng có thuyết nói rằng Mandala Thai tạng giới là do Thiện Vô Úy tạo ra, còn Kim cương giới là do Kim Cương Trí sáng tạo ra. Cách nói thông thường là như vậy.

Như trong Mật giáo Tây Tạng có rất nhiều thangka, cái gọi là thangka thật ra chính là mandala, cũng có một vị, cũng bao gồm quyến thuộc, Hộ pháp. Những mandala lớn lại càng nhiều hơn, rất nhiều vị đều tập trung lại, đều gọi là đại mandala. Lại có cả pháp mandala, tức là dùng ký hiệu, mandala dùng ký hiệu để biểu thị. Cũng có văn tự mandala, tức là trên mandala chỉ có Phạn văn. Có rất nhiều loại mandala, cũng có tam muội mandala, đủ loại mandala đều có thể gọi là pháp giới an lập.

Vậy chúng ta tu hành phải dựa vào bạn có duyên với vị nào nhất thì lấy vị đó làm Bổn tôn, rồi thờ cúng đàn thành đó và loại mandala đó. Bởi vì bạn là vị đó, cho nên bản địa của bạn là ở đó, Hộ pháp của bạn là ai, quyến thuộc của bạn là ai, tất cả đều sẽ hiển hiện trong pháp giới.

Bởi vậy khi mới bắt đầu tu Mật giáo, phải lựa chọn Bổn tôn có duyên với mình nhất, có thể nói là tự mình lựa chọn pháp giới cho chính mình. Bạn cầm bông hoa, tung bông hoa, hoa rơi lên vị nào thì bạn hãy chọn vị đó làm Bổn tôn, tức là bạn có duyên với Bổn tôn đó, có duyên với quyến thuộc đó, có duyên với Hộ pháp đó, tất cả đều có rồi, lúc đó sẽ biến thành tam muội da của pháp giới, samaya được an lập sẽ sản sinh ra.

Pháp Vương Ganden Tripa đến Lôi Tạng Tự của chúng ta, ngài tung khăn khata dâng lên chư tôn. Khi tung ra, nói ra cũng lạ, mỗi chiếc khăn khata đều tung lên trên tay của mỗi vị. Ngài ấy nói rằng Phật Bồ Tát ở Seattle Lôi Tạng Tự và Cầu Vồng Lôi Tạng Tự đều rất linh, mỗi vị đều hiện ra dùng tay nhận lấy khăn khata của ngài ấy rồi móc lên cánh tay. Theo như họ kể thì trong số mười chiếc khăn khata tung lên, đại đa số trúng được ba chiếc khăn khata lên tay đã là cực kì rồi, không ngờ mười chiếc khăn tung lên, cả mười chiếc đều rơi trúng lên tay.

Thế nên các vị ở Seattle Lôi Tạng Tự và Cầu Vồng Lôi Tạng Tự đều rất “sống”, là Phật Bồ Tát sống, thật sự là Phật sống, đều là Rinpoche, cho nên khi Ganden Tripa tung khăn lên rơi trúng tay thì biểu thị là có duyên, đúng lúc Phật Bồ Tát dùng tay để bắt lấy, cực kì có duyên.

Bạn cũng phải lựa chọn Bổn tôn mà bạn có duyên nhất, bạn chăm chỉ tu là có thể an lập trong pháp giới, pháp giới tuy là hư không, nhưng cũng vẫn phải an lập.

Hôm nay nói đến đây. Om mani padme hum.

25/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

102. Pháp giới định ấn (1)

Hôm nay chúng ta sẽ nói về một thủ ấn, thủ ấn này chính là pháp giới định ấn. Đây là một thủ ấn rất phổ biến, mỗi người chúng ta đi đến chùa Phật, nhìn thấy thủ ấn mà A Di Đà Phật kết, đó chính là pháp giới định ấn, cũng chính là Di Đà định ấn. Định ấn kết như thế này (Sư Tôn thị phạm).

Có người hỏi tôi: “Vì sao pháp giới định ấn lại là tay phải ở trên, tay trái ở dưới?” Thế rồi cũng có người nói là lẽ ra phải là tay trái ở trên, tay phải ở dưới. Vậy rốt cục là thế nào? Bởi vậy hôm nay tôi giải thích với mọi người một chút về pháp giới định ấn.

Mười ngón tay của con người chúng ta đại diện cho mười pháp giới, cũng đại diện cho ý thức vũ trụ. Chúng ta biết rằng đây gọi là đất, nước, lửa, gió, không (thị phạm thủ ấn). Trong Mật giáo, đất, nước, lửa, gió, không gọi là ngũ đại, ý thức vũ trụ cũng chính là do ngũ đại tổ hợp lại, không tách rời đất nước lửa gió không.

Đất là sao? Rất đơn giản! Chính là mặt đất. Nước - là biển, hồ, sông. Lửa - là nhiệt độ, địa nhiệt, mặt trời, nóng lạnh. Gió - là không khí. Không - toàn bộ hư không giới phân bố khắp trong vũ trụ đều gọi là không. Chúng ta biết rằng bản thân vũ trụ có đất nước lửa gió không. Bản thân con người mà nói cũng có đất nước lửa gió không, da thịt chính là đất; nước chính là máu, mồ hôi, nước tiểu; lửa chính là nhiệt độ; gió là khí vận hành của sự hô hấp; không chính là ý thức sâu nhất của bản thân bạn. Con người có đất nước lửa gió không, vũ trụ cũng là đất nước lửa gió không, pháp giới định ấn này là sự kết hợp như vậy.

Trong Mật giáo, pháp giới định ấn là tay phải đè lên tay trái, ngón cái chạm vào nhau, ngón trỏ cong lại thành vòng tròn, đây chính là pháp giới định ấn (thị phạm). Vì sao tay phải đè lên tay trái? Trong Mật giáo nói thế này, tay phải là đại diện cho Phật, tay trái là đại diện cho chúng sinh, không được lầm lẫn trái phải.

Trước kia Sư Tôn thường nhầm lẫn trái phải, cho nên, trước đây có người dạy tôi là, khi người ta gọi anh, cái tay mà anh giơ lên chính là bên phải, cho nên người ta gọi tôi, “Có!”, cái tay này chính là tay phải, bây giờ nói chung tôi đã nhớ được rồi. Trước đây chúng tôi ở trong quân đội, mọi người xếp thành một hàng, người chỉ huy nói: "Bên phải, quay!” Mọi người quay sang bên phải, còn tôi thì quay sang bên trái, rồi bước đi, càng đi càng xa. Ở trong quân đội chúng tôi thường xuyên phải quay trái, quay phải, tôi thường xuyên nhầm lẫn không rõ là trái hay là phải, bây giờ cuối cùng tôi cũng đã làm rõ rồi, phải chính là cái tay này, quay bên phải chính là quay về bên này. Trước kia thì cứ quay về bên trái, rồi bước đi, thế là càng đi càng xa.

Mật giáo là tay phải đè lên tay trái, đặt Phật ở trên, chúng sinh ở dưới. Ngón cái này chạm vào nhau là ý nghĩa gì? Biểu thị Phật và chúng sinh tương thông. Cũng tức là Phật và chúng sinh liên kết lại với nhau, đó là tương thông. Ngũ đại của Phật và ngũ đại của chúng sinh chồng lên nhau và tương thông nhau, đây là định ấn, định tâm lại (thị phạm thủ ấn).

Ý nghĩa của nó cực kì rõ ràng, thật ra có rất nhiều Phật đến thế giới Ta Bà độ chúng sinh, đây là từ quả hướng về nhân, từ quả địa đi đến nhân địa để độ chúng sinh, đây là Phật Bồ Tát từ bi quay ngược con thuyền từ bi, đến thế giới Ta Bà để độ chúng sinh. Phật cũng sẽ biến thành chúng sinh, vậy chúng sinh chúng ta tu hành là đi từ nhân địa hướng đến quả địa, chính là đi lên trên, vì muốn thành Phật đắc quả vị, chính là từ nhân địa đi về phía quả địa.

Vì thế giữa chúng sinh và Phật không có sự phân biệt lẫn nhau, một đằng là tu lên trên, một đằng là đi xuống độ chúng sinh, rất nhiều Hoạt Phật (Rinpoche) đều đang độ chúng sinh, có rất nhiều Phật Bồ Tát cũng hóa hiện ở trong chúng sinh.

Có một truyền thuyết như thế này: bạn trai tăng (trai tăng tức là cúng dường tăng nhân), trong số năm trăm người xuất gia hoặc một nghìn người xuất gia mà bạn trai tăng thì sẽ có một La Hán đến hóa hiện. Vì vậy mà công đức trai tăng rất lớn. Bởi vì trong đó chắc chắn có một chân thân La Hán đến hóa hiện tiếp nhận cúng dường của bạn, cho nên cúng tăng, trai tăng vô cùng quan trọng.

Bây giờ mọi người đã hiểu thế nào là pháp giới định ấn rồi. Phật, chúng sinh tương thông với nhau, ngũ đại của Phật nối liền với ngũ đại của chúng sinh, hai bên là như nhau. Có một câu nói rằng, “tâm, Phật, chúng sinh không khác biệt”. Khi bạn thật sự đạt đến khai ngộ rồi, bạn sẽ chẳng có khác biệt gì, cho nên chúng sinh đừng coi thường chính mình, đừng đánh giá thấp chính mình, bởi vì bản thân bạn cũng là Phật, chỉ là bạn có phiền não, bạn có nghiệp chướng mà thôi. Bạn chỉ cần loại bỏ hết phiền não và nghiệp chướng, bạn và Phật căn bản là không có khác biệt gì. Tâm, Phật, chúng sinh không khác biệt, căn bản không có phân biệt. Phật và chúng sinh hợp lại với nhau, hơn nữa còn liên kết lại, liên kết lại cùng nhau, không chỉ là tương thông, mà còn liên kết lại với nhau.

Hôm nay giảng tới đây thôi. Om mani padme hum.

26/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

103. Pháp giới định ấn (2)

Chúng ta lại nói về pháp giới định ấn. Ở đây có một nghi vấn, có người hỏi: “Vì sao tay phải đè lên tay trái?” Cũng có người nói phải là tay trái đè lên tay phải. Rốt cục là thế nào?

Điều này lại có một cách giải thích khác như thế này. Chúng ta biết rằng trong cách so sánh nói tay phải biểu thị trí huệ, tay trái biểu thị thiền định, hai tay này mỗi tay đều có tính tượng trưng. Có hành giả chủ trương phải là tay trái đè lên tay phải, chủ trương này cho rằng thế này: bởi vì tay trái là thiền định, cho nên lấy thiền định đặt ở trên để đè những suy nghĩ vọng tưởng xuống, ý là như vậy, cho nên có người chủ trương tay trái đè tay phải.

Tôi nghĩ rằng cả hai cách nói này đều đúng, đều có thể thông qua, nói theo Mật giáo thì tay phải đè lên tay trái, thế còn một số người lại chủ trương tay trái đè lên tay phải, bởi vì tay trái đại diện cho định, định thì phải là ở trên, bạn kết pháp giới định ấn thì định phải ở trên đè tay phải xuống, cách nói này cũng tương đối đặc biệt một chút.

Tôi từng nói về định lực, rất nhiều hành giả, người tu hành đại bộ phận đều sẽ sản sinh ra định lực, bởi vì bạn học định thì sẽ sản sinh định lực, nhưng cũng có người nói định lực không đáng tin cậy. Định lực giống như tảng đá lớn đè cỏ, bạn có đủ định lực không sai, chính là tảng đá đè những cỏ dại xuống, đè những vọng tưởng xuống. Nhưng khi có một ngày bạn bỏ định lực này ra, cỏ dại sẽ mọc lên, cỏ lại sống lại. Vì thế, lửa hoang vẫn cháy mãi, gió xuân thổi lại bùng. Bạn chẳng thể nhổ hết được cỏ dại. Vọng niệm cũng giống như cỏ dại, tuy rằng bạn có tảng đá định lực to như vậy, đè lên cỏ dại, nhưng có một ngày tảng đá này bị cần cẩu cẩu đi thì sao? Những cỏ dại đó vẫn sẽ lại sống lại.

Cách nói này rất hay, bởi vậy trí huệ rất quan trọng. Tay phải còn đại diện cho trí huệ, bởi vì duy có trí huệ mới có thể hoàn toàn nhìn thấu được phiền não và nghiệp chướng. Người tu định chúng ta đều có định lực, các bạn biết rằng người tu chính định có định lực, ví dụ học thiền định của Như Lai, bạn sẽ sản sinh ra định lực, bạn học thiền định của ngoại đạo, giống như Đạo gia cũng có thiền định. Không phải tôi chỉ ngoại đạo là Đạo gia, tuyệt đối đừng hiểu lầm. Nói cách khác là một dạng thiền định để thỉnh cầu cái khác, theo đuổi cái khác, không phải là dạng thiền định rốt ráo, cũng sẽ sản sinh ra định lực, hơn nữa định lực cũng rất sâu. Rất nhiều đại tu hành giả, bạn đừng thấy họ học tập thiền định khác, công phu thiền định đó cũng sẽ sản sinh ra, định lực rất cao rất sâu cũng sẽ sản sinh ra, nhưng định lực sản sinh ra không hề biểu thị rằng họ đã đạt đến thành quả cuối cùng.

Cho nên mới có tam học giới-định-huệ. Bạn cần phải giữ giới, giữ năm giới và làm mười điều thiện, sau đó lại học tập định lực, sau khi có định lực rồi thì bạn sẽ cảm giác phiền não, nghiệp chướng hình như đã giải thoát rồi. Trên thực tế đôi khi định lực của bạn mất đi, phiền não của bạn sẽ lại một lần nữa khởi lên. Cuối cùng, thứ thâm sâu nhất chính là bát nhã, bạn tiến vào bên trong bát nhã, dùng bát nhã để nhìn thấu phiền não và nghiệp chướng. Trên thực tế, định lực chỉ là đè nghiệp chướng và phiền não của bạn xuống, bạn vẫn còn có chúng. Chỉ có dùng trí huệ mới có thể hóa giải hoàn toàn nghiệp chướng và phiền não.

Bởi vậy có rất nhiều đệ tử đến chỗ tôi, họ nói với Lư Sư Tôn: “Seattle ở Mỹ thật tốt quá! Không khí tốt, cỏ cây tốt, hồ nước đẹp, cái gì cũng tốt, hoàn cảnh sống cũng tốt.” Nhưng họ sống ở Seattle Lôi Tạng Tự một khoảng thời gian thì bảo: “Tôi phải đi đây.” “Vì sao?” Anh ta nói: “Là vì việc người không tốt. Có người, có chuyện, rất nhiều người cứ “cạp cạp” nói chuyện thị phi, như vậy không tốt.”

Tôi nói với đệ tử đó: “Nơi nào có người thì sẽ có thị phi, trên thế giới này anh không tìm được cõi vui thanh tịnh đâu, không có đâu! Bất kì đoàn thể nào cũng đều có thị phi, tôi chưa từng thấy đoàn thể nào không có thị phi.”

Anh nói Seattle không tốt. Được thôi! Anh đi đi, anh đi tới Vancouver, cũng có người từ Vancouver đến, sau đó anh đến Los Angeles, Los Angeles cũng có phiền não! Anh đến New York, New York cũng có phiền não. Bạn đến Đài Loan, Đài Loan cũng có phiền não. Singapore có phiền não của Singapore. Indonesia có phiền não của Indonesia. Đến Philippines, đến châu Âu, đến Thụy Sĩ xem núi tuyết. Chà! Đây là núi tuyết, bạn ở đó thiền định, lạnh muốn chết, cũng có phiền não. Bạn đến Ấn Độ, đến Nepal, đến Tây Tạng, cũng thế thôi! Bạn đến Nhật Bản, cũng thế. Được rồi! Bây giờ bạn đến Điếu Ngư Đài vậy! [Điếu Ngư Đài là khu nhà khách chính phủ của Trung Quốc, nơi tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia các nước.] Thế thì phiền phức càng lớn rồi, nơi không có người thì phiền phức càng nhiều. Tôi nói với bạn nhé. Chỗ an tâm thật sự nằm ở trí huệ của nội tâm, trí huệ của tâm bạn sinh ra thì bạn mới có thể an tâm, phiền não, nghiệp chướng mới có thể giải thoát, không có một nơi nào là không có thị phi.

Có đệ tử chạy khắp các đạo tràng các nơi, cho rằng Chân Phật Tông không tốt, tôi đi sang tông phái khác đây, ở trong tông phái khác anh ta lại lăn đi, bởi vì vẫn có thị phi. Anh ta đã chạy tới rất nhiều nơi, mỗi đạo tràng đều đã chạy tới, sau đó lại trở về, bởi vì đều như nhau cả. Thế giới này chỗ nào cũng thế.

Bạn thật sự tu được định lực, từ trong định có được bát nhã, bạn dựa vào phương pháp của bát nhã để nhìn thấu nghiệp chướng, phiền não vốn dĩ luôn có, nhưng bạn phải làm sao để chúng không động tới chân tâm của bạn, tâm của bạn mới là chỗ để bạn an tâm, đây mới là pháp môn an tâm chân chính.

Bạn chạy khắp các đạo tràng, chạy khắp thế giới, tu đủ loại pháp, đều không thể an được tâm bạn, chỉ có sau khi bạn thật sự có được bát nhã, bởi vì tất cả nghiệp chướng, phiền não vốn dĩ luôn có, nhưng nó không cách nào quấy rầy bát nhã của bạn, tâm của bạn được. Lúc này tâm của bạn, Phật tính mới thật sự hiển hiện.

Bởi vậy tôi nói là nhìn thấu, tất cả nghiệp chướng, phiền não duy có dùng bát nhã để nhìn thấu, bạn phá được nghiệp chướng, phiền não thì cũng giống như là không còn nghiệp chướng, phiền não. Thật ra nghiệp chướng, phiền não này vẫn ở đó, chỉ là vì bạn đã nhìn thấu rồi, đây là pháp môn an tâm chân chính.

Om mani padme hum.

26/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

104. Bí quyết tu pháp (1)

Hôm nay nói về bí quyết tu pháp.

Pháp của Mật giáo có đủ loại bí quyết, bí quyết mà tôi sẽ nói đến ở đây chẳng qua chỉ là một trong số đó. Giải thích bí quyết như thế nào đây? Tôi đã nghĩ rất lâu rồi, có một so sánh, tôi so sánh như thế này: giống như là thân thể chúng ta ngứa ở chỗ nào thì bạn sẽ cảm thấy được, bạn đưa tay ra gãi, vừa khéo gãi vào đúng chỗ ngứa đó, đây chính là bí quyết.

Cái gọi là bí quyết chính là nói rằng bạn đưa tay ra là gãi được chỗ ngứa. Vậy giả sử bạn nói, đầu tôi đang ngứa, nhưng bạn đưa tay ra lại gãi cái chân, vậy thì chẳng thể nào hết ngứa được, như vậy tức là không nắm được bí quyết. Đây là so sánh mà cá nhân tôi nói ra. Chân bạn đang ngứa, bạn lại gãi vào mông, vậy thì về cơ bản là bạn đang tu pháp có vấn đề.

Cái gọi là bí quyết chính là vừa khéo, chính là bí quyết.

Trong Chân Phật Mật Pháp có rất nhiều khẩu quyết, khẩu quyết này chính là bạn túm được cái chỗ tài tình. Như thế thì bạn tu pháp sẽ rất dễ cảm ứng, rất dễ tương ứng với Phật Bồ Tát. Bí quyết này nhất định cần có sư phụ dạy, bởi vì bản thân sư phụ đã hiểu được một tâm yếu đặc biệt quan trọng trong tu hành, bạn có thể trực tiếp đi thẳng vào, lập tức có thể ấn chứng, đây chính là bí quyết.

Vì thế, tu hành đôi khi tự bạn đi mò mẫm. Ôi! Tôi chẳng cần bái sư phụ, tôi không cần bái thầy, tôi tự mình đi mò mẫm. Nói chung thì có sư phụ dạy, bạn sẽ nhanh chóng có thể nắm bắt được bí quyết. Thế không có sư phụ dạy thì sao? Có lẽ lần mò 20 năm, 50 năm bạn vẫn không biết được khẩu quyết nằm ở đâu. Vì thế chạm đúng chỗ ngứa, vừa khéo, chính là một bí quyết.

Trước đây khi tôi thuyết pháp thường nói, tại âm gian địa ngục tạo ra một “địa ngục ngứa ngáy”. Ý của tôi là thế này, ở âm gian, giả sử có một địa ngục khiến những chúng sinh u minh phạm tội phải đến âm gian toàn thân ngứa ngáy, không cần phải toàn thân ngứa, chỉ cần một chỗ ngứa là được rồi, nhưng tay họ lại không chạm tới được, tay chẳng có cách nào gãi được chỗ ngứa đó, như thế là cũng chịu đủ khổ rồi.

Tự bạn thử nghĩ xem: buổi tối bạn đi ngủ, nằm trên giường ngủ, lưng bạn ngứa, lưng rất ngứa rất ngứa, nhưng tay bạn không thể nào gãi được cái chỗ ngứa đó, tay không đủ dài, vậy phải làm sao? Lúc đó thì rất đau khổ. Tôi cảm thấy trong địa ngục nên phát minh ra một “địa ngục ngứa ngáy”, địa ngục này chuyên môn phạt phạm nhân khiến cho phạm nhân vào đó thì ngứa muốn chết, hình phạt này cũng đủ lợi hại rồi, so với chặt đầu, lột da thì cũng không thua kém gì! Tôi cảm thấy khi một người không gãi được chỗ ngứa thì cũng rất đau khổ.

Vậy bí quyết tu pháp rốt cục nằm ở đâu? Nói chung thì có lẽ bạn cần chú ý một chút đến hoằng nguyện của Phật Bồ Tát Bổn tôn. Mỗi một vị Phật Bồ Tát đều có phát nguyện, đều đưa ra nguyện vọng. Vậy khi bạn tu Bổn tôn của mình, bạn tu vị Phật nào, vị Bồ Tát nào, bạn phải dựa theo lời nguyện của vị Phật, vị Bồ Tát đó để làm, để thực hành, sẽ trở thành hành nguyện. Làm được như vậy thì rất dễ tương ứng. Vì thế, bạn tu Bổn tôn Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Hiền có mười lời nguyện, mỗi ngày bạn đều phải niệm Phổ Hiền thập nguyện, dựa theo các nguyện vọng của mười lời nguyện Phổ Hiền này để mà làm thì tức là bạn đang tu Bổn tôn.

Hoằng nguyện rất quan trọng. Bạn xem A Di Đà Phật có 48 đại nguyện, bạn tu A Di Đà Phật thì bạn phải dựa theo 48 đại nguyện của A Di Đà Phật để mà tu, cho nên hoằng nguyện chính là như vậy.

Nói một cách rất đơn giản, bạn muốn vào Hoa Tạng thế giới, bạn dựa vào cái gì để vào được Hoa Tạng thế giới? Dựa theo kinh Hoa Nghiêm để tu thì bạn có thể vào được Hoa Tạng thế giới.

Thế còn bạn tu chư Thiên, bạn tu Dục giới thiên, Sắc giới thiên, Vô sắc giới thiên, bạn dựa vào cái gì để tu? Bạn dựa vào kinh A Hàm để tu thì bạn có thể tiến vào trong các cõi trời.

Cho nên bạn đọc các kinh điển mà bản thân Phật Đà đã giảng, có thể nói là nghìn kinh vạn điển, rất nhiều kinh điển, mỗi quyển trong đó đều có nguyện lực chân chính của nó, nguyện lực chân chính của nó nằm ở đâu? Cảnh giới của nó nằm ở đâu, bạn phải nắm bắt được, rồi bạn tu theo như thế, rất dễ tương ứng.

Nguyện vọng của mỗi vị Phật Bồ Tát Bổn tôn, chính bạn phải biết. Biết được nguyện vọng của Phật Bồ Tát Bổn tôn rồi, bạn đi theo nguyện vọng đó, đây chính là một bí quyết. Bạn tu Quan Thế Âm Bồ Tát, bạn phải biết Quan Thế Âm Bồ Tát rất từ bi, vậy bạn phải học tập lòng từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát! Bạn không thể lúc nào cũng rất hà khắc, rất hẹp hòi. Bạn vừa hẹp hòi, vừa hà khắc, vừa không từ bi, bạn tu Bổn tôn Quan Thế Âm Bồ Tát làm sao mà tương ứng được?

Vì thế, chỉ cần là bạn tu Quan Thế Âm Bồ Tát thì bạn cúng dường phải hào phóng. Vì ngài từ bi mà! Ngài cũng bố thí mà! Tâm lượng của bạn phải mở rộng ra. Tâm phải rộng rãi.

Quan Thế Âm Bồ Tát là từ bi nhất, tâm lượng của ngài cũng quảng đại nhất. Bạn là Quan Thế Âm Bồ Tát, nhưng tâm lượng của bạn rất nhỏ, làm sao có thể là Quan Thế Âm Bồ Tát được? Quan Thế Âm Bồ Tát làm gì có vị nào gọi là “tiểu lượng Quan Thế Âm” đâu? Quan Thế Âm Bồ Tát nhất định phải là đại lượng Quan Thế Âm, làm gì có tiểu lượng Quan Thế Âm chứ?

Vì thế phải hiểu hoằng nguyện của bản thân Phật Bồ Tát. Quan Thế Âm Bồ Tát xả tất cả, hỷ tất cả, từ tất cả, bi tất cả, từ bi hỷ xả đều vô lượng.

Bạn biết hoằng nguyện của bản thân mỗi vị Phật, Bồ Tát, Bổn tôn, bạn nắm chắc hoằng nguyện này thì nhất định có thể tương ứng với Bổn tôn, Phật, Bồ Tát. Điều này vô cùng quan trọng.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

27/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

105. Bí quyết tu pháp (2)

Chúng ta lại nói về bí quyết tu pháp. Trong Mật giáo, không chỉ là tu Phật, Bồ Tát, mà còn tất cả tứ Thánh giới, chư thiên giới, thiên long bát bộ đều tu, bởi vì chủ yếu là các vị phải hộ trì chúng sinh.

Mật giáo làm cúng dường, đó không chỉ là cúng Phật, cúng Bồ Tát, cúng Hộ Pháp, cúng thiên long bát bộ, không chỉ là như vậy mà thôi. Khi bạn tu đại pháp, tất cả thổ địa, thần núi, thần đất, thần nước, thần cây, thần mùa màng ở trong vùng, tất cả chư thiên, bạn đều phải cúng dường.

Không chỉ cúng dường có vậy, còn phải cúng dường tổ sư các đời, cúng dường các A La Hán trụ thế vẫn còn ở thế giới Ta Bà, cúng dường các hành giả thanh tịnh sống ở nơi núi sâu sông lớn, tất cả đều phải triệu thỉnh đến để cúng dường, còn phải cúng dường tổ sư các đời, còn phải cúng dường Căn bản Thượng sư của chính bạn.

Cúng dường này tổng cộng có tám loại, thứ nhất là đem cúng phẩm ra, liên tục cúng, cúng Phật, cúng Bồ Tát, cúng chư Thiên, cúng Hộ Pháp, cúng Không Hành Mẫu, cúng Không Hành Dũng Phụ, cúng thần núi, thần đất, thần nước, thần mùa màng, tất cả Hộ Pháp, toàn bộ đều phải cúng, cúng Thượng sư, cúng tổ sư các đời. Cúng dường của Mật giáo rất nhiều.

Trong khi chúng ta tu pháp, cũng có tu thiên long bát bộ, tu Hộ Pháp Thần. Vậy bạn tu Long Thần, trong thiên long bát bộ có Thiên Long, chư Thiên và Long Vương đều có trong số đó. Bạn tu pháp Long Vương bảo bình thì phải biết khẩu quyết của ngài. Long Vương một lòng muốn thành Phật, cho nên khi bạn tu pháp Long Vương bảo bình, bạn phải khuyên thỉnh Long Vương thành Phật, phải quán tưởng Long Vương được thăng lên trở thành Thượng tôn Long Vương Phật.

Quán tưởng ngài thành Phật thì tâm rồng của ngài sẽ rất vui mừng, tâm rồng sẽ rất hoan hỷ, vì bạn quán tưởng ngài thành Phật mà. Khuyên thỉnh ngài thành Phật, đây chính là điều mà trong lòng ngài muốn, là điều ngài thích nhất, ngài sẽ ban cho bạn tài phúc. Bởi vì bạn đã nói trúng tâm ngài, bạn nói đến điều mà ngài thích, cho nên đương nhiên ngài sẽ ban tặng tài phúc cho bạn, bí quyết quan trọng của tu pháp cũng nằm ở đây.

Bạn tu pháp Long Vương bảo bình, tu pháp Long Vương thì nhất định phải khuyên thỉnh Long Vương thành Phật. Thế còn bạn tu Đa Văn Thiên Vương Hoàng Tài Thần, mọi người biết ngón chân cái của ngài thường xuyên rất đau, tôi cũng không biết vì sao ngón chân cái của ngài lại thường xuyên đau. Thế nhưng đối với Đa Văn Thiên Vương thì điều khổ não duy nhất của ngài chính là đây. Vậy thì bạn cần thỉnh Ngũ Phật trụ tại đỉnh đầu của Hoàng Tài Thần, phóng ánh sáng ngũ sắc gia trì cho ngón chân cái của Hoàng Tài Thần, ngón chân cái này sẽ bớt sưng, tự nhiên tất cả phiền não của ngài được giải trừ, đương nhiên ngài sẽ ban tặng tài phúc cho bạn rồi.

Tu Hoàng Tài Thần phải biết bí quyết của ngài - Ngũ Phật phóng quang gia trì, khiến ngón chân cái của Hoàng Tài Thần hết sưng, đây chính là bí quyết của ngài.

Mọi người biết Kỵ Long Bạch Tài Thần, trong Mật giáo, tiếng tăm của Bạch Tài Thần rất lớn. Ngài thích nhất thứ gì thì bạn hãy dùng thứ đó để cúng dường. Bạch Tài Thần vì sao gọi là Bạch Tài Thần? Khả năng là vì ngài thích tắm, tắm đến mức da dẻ rất trắng, cho nên mới gọi là Bạch Tài Thần. Bạn cúng dường Bạch Tài Thần thì nhất định phải dùng nước tắm, bởi vì ngài thích mà. Để cho ngài đi vào trong nước tắm đó, bạn chấm vào nước tắm, còn phải liếm một cái nữa, rồi phải búng tay, búng đi, quán tưởng tất cả tài bảo từ trong hư không rơi xuống. Đây chính là chỗ thần kỳ của pháp Mật giáo.

Thần, chư Thiên đều có thứ mà họ thích. Bạn phải cúng dường thứ mà họ thích. Bạch Tài Thần thích tắm, bạn cúng dường nước tắm, bí quyết chính là nằm ở đây.

Thế còn Hồng Tài Thần (Thần Tài Đầu Voi), ngài có một lời thề, ngài cũng muốn ban tài bảo cho mọi người. Thần Tài Đầu Voi thì bạn phải quán tưởng chày kim cang hoặc trực tiếp cầm chày kim cang đè lên đầu ngài, ấn một cái, đừng ấn mạnh quá, dùng chày kim cang ấn lên đỉnh đầu ngài, ngài sẽ ban tài bảo.

Bởi vì Hồng Tài Thần từng nói rằng: “Chỉ cần chày kim cang của Kim Cang Tát Đỏa để lên đỉnh đầu tôi, nguyện vọng của tôi là sẽ ban phúc cho chúng sinh.” Ngài có lời thề như vậy đó! Cho nên khi bạn tu Hồng Tài Thần, tuyệt đối phải ghi nhớ, đặt chày kim cang lên đầu của Hồng Tài Thần, ngài sẽ ban tài bảo cho bạn. Có hiệu quả hay không chính là nằm ở đây, chày kim cang của bạn không đặt lên đầu ngài thì làm sao ngài ban tài bảo cho bạn được? Cái này chính là bí quyết tu pháp.

Hôm nay nói bí quyết này, có một số thứ là bản thân các vị Tài Thần ưa thích, có một số thứ cũng là nguyện vọng của bản thân các ngài.

Bạn nói tu pháp hàng phục, vậy thì rất bí mật. Đầu nhọn của hình tam giác trong pháp hàng phục nhất định phải chĩa về phía đối phương (dùng cách thức quán tưởng), hơn nữa hình tam giác này phải sinh ra lửa phẫn nộ, đây là một bí mật rất lớn của pháp hàng phục. (Ý nghĩa của hàng phục là hàng phục tham niệm, sân niệm, si niệm, chuyển thành ý niệm thanh tịnh). Bởi vậy đây cũng là khẩu quyết. Có một số người tu pháp hàng phục, dùng hình tam giác phẳng đè lên tim của đối phương, giống như đắp chăn bông vậy, chẳng có cảm giác gì, lấy đâu ra hiệu quả? Cái này phải biết khẩu quyết, khẩu quyết chính là ở đây.

Trong Chân Phật Mật Pháp có rất nhiều mật pháp, muốn tu trì tương ứng, bạn phải tu trì khẩu quyết tương ứng. Bạn tu tiêu tai, trừ bỏ hết tai nạn, chúng ta thỉnh Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, bởi vì Quan Thế Âm Bồ Tát là từ bi nhất, ngài dùng cành dương liễu tịnh thủy sẽ chảy ra cam lộ, loại trừ hết mọi nghiệp chướng và tai nạn của bạn.

Pháp tiêu tai, chúng ta phụng thỉnh Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Thế còn siêu độ thì sao? Bạn muốn độ vong, chúng ta phụng thỉnh Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát trong số tám đại Bổn tôn, bởi vì chúng sinh u minh, thập điện Diêm Vương đều là Địa Tạng Bồ Tát quản. Vậy thì lấy Địa Tạng Vương Bồ Tát để độ chúng sinh u minh là rất tốt, chúng ta làm siêu độ thì phụng thỉnh Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Quan hệ của bạn cần phải tìm đúng người chứ! Trực tiếp tìm Địa Tạng Vương Bồ Tát là được rồi, bạn tìm Quan Thế Âm Bồ Tát cũng được, nhưng Quan Thế Âm Bồ Tát lại phải đi tìm Địa Tạng Vương Bồ Tát đúng không? Như thế thì khá phiền toái, chúng ta trực tiếp tìm đúng người, bí quyết thật sự của tu pháp nằm ở đây.

Làm hàng phục thì thỉnh Đại Uy Đức Kim Cang, làm kính ái thì thỉnh Kurukulle Phật Mẫu, đúng không? Bí quyết tu pháp thật sự có thể tương ứng nằm ở đây.

Om mani padme hum.

27/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

106. Làm pháp của Mật giáo

Hôm nay chúng ta nói một chút về làm pháp của Mật giáo. Nhìn chung mà nói, trong Phật giáo nếu có làm pháp thì chỉ có Mật giáo, Hiển giáo thông thường không nói làm pháp này pháp kia, tương đối ít nghe thấy, nhưng bản thân Mật giáo thì thật sự có làm pháp.

Làm pháp cần có điều kiện, chúng ta làm pháp nhất định cần phải làm pháp sao cho viên mãn, pháp có thể có thành tựu, pháp làm ra phải có ứng nghiệm, điểm này rất quan trọng. Mọi người đều biết trong Mật giáo có làm rất nhiều pháp, giả sử làm pháp không có cảm ứng, không có ứng nghiệm, thế thì làm cũng như không, chi bằng không làm.

Cho nên làm pháp muốn ứng nghiệm, muốn có cảm ứng, chắc chắn có điều kiện ở trong đó. Trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta có làm pháp rất nhiều, mỗi người tu pháp khi làm pháp, điều kiện đầu tiên là đòi hỏi bản thân phải có công đức. Nói một cách rất đơn giản, nếu cơ bản là bạn không có một chút công đức nào, thế thì làm sao bạn làm pháp được? Bắt buộc chính mình phải có công đức.

Giống như là có rất nhiều đệ tử đến hỏi: “Tôi có thể giúp người ta làm Hộ Ma hỏa cúng không?” Vậy trước tiên đừng hỏi Sư Tôn, trước tiên phải hỏi chính các bạn, tự mình nghĩ xem bạn có đủ điều kiện không? Bạn cho rằng mình đã tu hành rất thanh tịnh rồi, tôi đã tương ứng với Phật Bồ Tát rồi, tôi cho rằng bản thân mình đã làm rất nhiều việc thiện rồi, rất có công đức rồi, bản thân đã rất từ bi rồi, vậy thì đương nhiên bạn có thể làm pháp. Giả sử nghiệp chướng của bạn rất nặng, tự mình còn chưa thể cứu được mình, bạn bán mạng đi làm pháp cho người ta, tự bạn nghĩ thử xem! Bản thân bạn còn chưa tương ứng, làm sao bạn giúp người ta làm pháp chứ?

Vì thế, muốn giúp người ta làm pháp, trước tiên tự hỏi chính mình, đừng hỏi Sư Tôn. Bạn hỏi chính mình xem liệu đã có công đức chưa, xem liệu nghiệp chướng của chính mình đã hết chưa, liệu bạn đã tu hành thanh tịnh chưa, đây chính là điều kiện.

Thật ra, bản thân việc làm pháp phải có sự chuẩn bị đầy đủ, thứ nhất là bản thân hành giả đã có năng lực tương ứng; thứ hai, bởi vì có năng lực tương ứng, bạn có thể triệu thỉnh được Bổn tôn, Hộ pháp, Thượng sư đến, Bổn tôn đến phóng quang gia trì cho bạn, Hộ pháp đến phóng quang gia trì cho bạn, Thượng sư có thể đến gia trì cho bạn, lúc này bạn mới có thể sản sinh ra sức mạnh, mới có pháp lực. Nếu pháp lực của bạn sản sinh ra thì việc làm pháp này của bạn mới có thể ứng nghiệm. Đạo lý này nằm ở đây.

Không sai! Hành giả Mật giáo chúng ta khi làm pháp dựa vào hai loại sức mạnh: một là chú lực, niệm chú, bạn phải trì chú, trong lúc làm pháp liên tục trì chú; hai là cầu nguyện lực, bạn cầu khẩn, cầu nguyện là có sức mạnh. Bạn xem, những người theo Cơ Đốc giáo chính là dựa vào sức mạnh cầu nguyện. Họ phải cầu nguyện, tức là cầu khẩn thiên đường, cầu Thiên Chúa, Jehovah, và Jesus. Họ dựa vào một dạng sức mạnh cầu nguyện.

Trong Mật giáo, ngoài niệm chú ra, bạn cần dựa vào văn thỉnh cầu, chính là sức mạnh của cầu nguyện, là một nghi quỹ cầu khẩn. Ngoài ra, nghi quỹ đó phải chu toàn, mọi nghi quỹ làm pháp cần thiết phải chu toàn. Tất cả dụng cụ phải chu toàn, nghi quỹ từ khi bắt đầu cầu nguyện cho đến khi kết thúc, Tiền hành, Chính hành, Hậu hành, nghi quỹ phải chu toàn. Ngoài ra, chính là bản thân bạn phải có đầy đủ điều kiện, tức là bạn là một hành giả thanh tịnh, quan trọng nhất chính là sức mạnh tương ứng, sức mạnh tương ứng này chính là bạn cầu nguyện chư Thiên giúp đỡ bạn, rồi chư Thiên giáng xuống ban ánh sáng cho bạn, vậy thì pháp này sẽ có pháp lực. Khi bạn thỉnh cầu Phật hạ giáng, Phật đã đến rồi, ngài sẽ phóng quang cho bạn, thế thì pháp đó sẽ có sức mạnh. Khi bạn thỉnh Bồ Tát đến, vị Bồ Tát này hạ giáng phóng quang bao trùm, vậy thì pháp này sẽ có sức mạnh. Vậy thỉnh Hộ pháp tới, thiên long bát bộ đều đến, thiên long bát bộ dùng pháp lực rất lớn giúp bạn, vậy thì pháp này của bạn sẽ sinh ra sức mạnh, việc làm pháp đó sẽ có cảm ứng, sẽ ứng nghiệm.

Làm pháp Mật giáo, điều kiện duy nhất chính là Phật, Bồ Tát, chư Thiên, Hộ pháp giáng xuống để giúp bạn, thế là bạn thành công. Ngày hôm nay, ví dụ tôi làm pháp, tôi đã làm rồi, y theo nghi quỹ, cái gì cũng làm hết, điều kiện gì cũng đều có đủ, cúng phẩm cũng đủ, cái gì cũng tốt, tất cả đều bày ra toàn bộ, bạn cũng bắt đầu tu pháp, cũng niệm chú, cũng cầu nguyện, chỉ có một mình bạn làm. Thế nhưng mà Phật Bồ Tát chư Thiên, Hộ pháp, tất cả đều không đến, vậy thì pháp này đương nhiên không hề có hiệu quả. Vì sao các vị không đến? Bởi vì bản thân bạn rất bẩn, bạn không phát bồ đề tâm, bạn không phải là một hành giả thanh tịnh, bạn không có công đức, toàn thân bạn đều là nghiệp chướng, làm sao Phật Bồ Tát cảm ứng với bạn được chứ? Ngài không xuống, vì sao không xuống? Bởi vì bạn rất bẩn, you are dirty too, bạn là một người bẩn, vậy thì hết cách.

Bởi vậy làm một hành giả Mật giáo, đầu tiên phải thanh tịnh chính mình, cũng chính là trước tiên tự mình có thể loại bỏ hết nghiệp chướng của mình, tự mình đã sinh ra ánh sáng, tự nhiên có thể triệu thỉnh ánh sáng của vũ trụ giáng xuống. Cho nên khi bạn làm pháp, chà, nhất hô bách ứng [hô một tiếng là trăm người làm theo]. Bạn thỉnh vị nào thì vị đó đến. Thiên long bát bộ cũng đến, Không Hành Mẫu cũng đến, Bồ Tát cũng đến, thỉnh Phật Phật cũng đến, chư Thiên đều giáng xuống, các vị rất vui mừng đến phụ họa. Thế thì bạn thỉnh cầu cái gì, cầu khẩn điều gì sẽ đều ứng nghiệm. Đây chính là một điều kiện thật sự của việc làm pháp. Điều kiện quan trọng nhất chính là ở đây.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

30/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

107. Chịu thay khi làm pháp

Chịu thay khi làm pháp, vấn đề này rất nhiều người đến hỏi tôi. Chúng ta biết rằng Mật giáo làm pháp là để giúp chính mình tiêu tai, cũng giúp người khác tiêu tai. Chính mình tăng ích, cũng giúp người khác tăng ích, gia tăng lợi ích. Chính mình tu kính ái, cũng giúp người ta tu gia đình viên mãn. Chính mình hàng phục tham sân si của mình, cũng giúp người khác hàng phục tham sân si của người khác. Tu pháp hàng phục có thể giúp người khác giải quyết rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng ở đây lại phát sinh một vấn đề, chính là sau khi giúp người khác làm pháp xong, tai nạn của người ta đã được giải trừ rồi, kết quả là tai nạn của mình lại tăng lên, vấn đề này gặp rất nhiều. Rất nhiều hành giả giúp người ta chữa bệnh, kết quả là bệnh của người khác thì khỏi rồi, nhưng chính mình thì toàn thân lại có bệnh. Giúp người ta giải trừ được kiện cáo nhưng lại dẫn đến rất nhiều việc kiện cáo cho bản thân. Giúp người ta giải trừ rất nhiều tai nạn, nhưng bản thân lại phát sinh rất nhiều tai nạn. Chuyện này là thế nào? Cho nên rất nhiều đệ tử hỏi tôi điều này. Đó là chịu thay.

Chịu thay khổ của chúng sinh, chịu thay vẫn là tốt, vốn dĩ chẳng có gì, hành giả vốn dĩ là nên chịu thay mà! Chịu thay khổ của chúng sinh, có gì chứ? Nhưng tai nạn này, có đôi khi lại rất đau khổ, bản thân bạn cũng không thể chịu nổi. Nhất là những bệnh quỷ thần, có linh ám trên thân người bệnh, là một u linh sống trên người đó. Được thôi, bạn giúp người ta tiêu tai, mời cái linh đó đi, kết quả là cái linh đó chạy lên người bạn, nó không đi! Nó rời khỏi thân thể của người bệnh kia, người ta khỏi bệnh, nhưng kết quả là cái linh chạy lên người bạn, pháp lực của bạn không đủ mà! Ngày ngày vướng víu với cái linh đó, chính bạn sẽ có phiền phức, đây là chịu thay.

Vậy làm sao để giải quyết vấn đề chịu thay khi làm pháp? Theo như sư phụ dạy tôi trước đây thì có hai phương pháp. Một là phóng thích. Chúng ta có ấn phóng thích, ấn phóng thích tức là vỗ tay, búng ngón tay (Sư Tôn thị phạm: vỗ tay hai lần, sau đó búng ngón tay một lần). Đây là một kiểu phóng thích. Triệu thỉnh cũng như thế này, phóng thích cũng thế. Ngoài ra một cách nữa là độ hóa. Dùng cửu phẩm liên hoa hóa thành thuyền pháp để độ hóa u linh này. Hai phương pháp này là tốt nhất: một là phóng thích, một là độ hóa.

Nhưng đôi khi, năng lực phóng thích của bạn không đủ, tự mình phải tu hành, phải tu pháp, chính là nói rằng sau khi giúp người khác giải trừ nghiệp chướng xong, bạn phải đem công đức giải trừ trả về hư không, trong khi tu pháp, khi Bổn tôn giáng xuống bạn phải nói với Bổn tôn: “Thỉnh cầu Bổn tôn giúp tiếp dẫn nghiệp linh bám trên thân của người bệnh, trả về hư không.” Đây chính là phóng thích.

Vì thế nhất định phải tu pháp, bạn giúp người ta làm pháp xong, buổi tối khi bản thân bạn thiền định, thỉnh cầu Bổn tôn trụ đỉnh, đưa những nghiệp linh mà bạn đã thu nhận tiến nhập vào trong thân của Bổn tôn, trả về hư không, vậy thì bạn sẽ không phải chịu thay, trở thành Bổn tôn chịu thay. Nhưng Bổn tôn là hư không mà, cho nên hễ nhập vào hư không thì nghiệp chướng của bạn cũng không còn, nghiệp chướng của người khác cũng không còn. Cho nên điểm này rất quan trọng.

Hành giả Chân Phật chúng ta giúp người khác làm pháp, nhất định phải đem những nghiệp đen mà chúng ta đã thu nhận trả về cho Bổn tôn, tiến nhập vào trong hư không. Đây chính là trao trả. Nếu không thì bạn làm pháp siêu độ cho những linh hồn có nghiệp chướng này, tu pháp siêu độ cửu phẩm liên hoa sinh, cửu phẩm có thượng phẩm thượng sinh, trung phẩm trung sinh, hạ phẩm hạ sinh… Những cái này đều có thủ ấn, dùng thủ ấn cửu phẩm liên hoa hoặc dùng ấn đại hải siêu độ hóa thành thuyền pháp để đưa họ đi, siêu độ những nghiệp linh này, những linh hồn có nghiệp chướng này đều sẽ đi hết.

Rất nhiều người hỏi, nếu chịu thay rồi thì phải làm sao? Chịu thay rồi, vậy tôi sẽ dạy bạn một phương pháp, nếu bạn không muốn chịu thay, trong Mật giáo có tu pháp, dùng một chữ giếng, quán tưởng những nghiệp linh này đi vào trong giếng, sau đó bạn liên tục niệm chú, liên tục phóng quang gia trì cho những linh này, để những nghiệp linh này sản sinh tâm từ bi, cuối cùng bạn loại bỏ cái giếng này đi, những nghiệp linh đó sẽ tự bỏ đi. Bởi vì chỉ cần họ sinh ra tâm từ bi, họ sẽ không tìm đến bạn nữa, cũng sẽ không tìm đến người bệnh ban đầu, họ sẽ tự động rời đi, đây là tác dụng của giáo hóa.

Bạn dạy dỗ những nghiệp linh này, bạn đi độ những nghiệp linh này, dùng chày kim cang vẽ thành chữ giếng [井], phải vẽ chữ giếng này trong hư không, sau đó bạn quán tưởng những nghiệp linh này toàn bộ đều tập trung ở trong giếng, không đi đâu cả, không bỏ đi. Sau đó, bạn trì chú cho họ, lệnh cho họ phát bồ đề tâm, sau đó hóa giải chữ giếng này, để họ đi. Đây cũng là một phương pháp, đây là một cách giáo hóa.

Ngoài trao trả và phải siêu độ ra, còn phải giáo hóa những nghiệp linh này, giống như trong lúc chúng ta làm pháp cũng có làm như vậy, tập trung những linh này lại, rồi niệm kinh cho họ nghe, rồi khai thị cho họ nghe, sau đó lại cho họ ăn một bữa cơm, tiếp đó là phóng thích, rồi mời họ rời đi, lệnh cho họ quy y, quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng, quy y Kim cương Thượng sư, họ cũng là đệ tử Phật thọ giới, đó là giới u minh, chúng ta cũng có cách làm như vậy.

Bởi vậy trong toàn bộ vũ trụ đều có rất nhiều pháp bí mật, những linh này có thể được dạy dỗ, bạn hãy dạy họ tứ quy y. Vậy giả sử những linh này không chịu sự dạy dỗ, bạn hãy trao trả cho Bổn tôn. Vẫn không được thì sao? Dùng pháp siêu độ của Mật giáo để siêu độ họ, để ánh sáng thanh tịnh chiếu đến họ, khiến nghiệp chướng của họ tiêu trừ.

Những pháp này đều rất tốt, vì thế trong Chân Phật Mật Pháp của chúng ta, bản thân bạn hiểu pháp thì sẽ không phải chịu thay, bạn không hiểu pháp thì sẽ bị chịu thay. Cho nên pháp của Mật giáo chúng ta vô cùng thù thắng, có thể không phải chịu thay.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

30/09/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

108. Tự tâm bộc lộ (1)

Hôm nay chúng ta nói một chút về tự tâm bộc lộ. Tự tâm bộc lộ có mối liên hệ hệ với thiên nhãn thông. Chúng ta học Phật vốn chính là đang tu tâm, bạn toàn tâm toàn ý học Phật, tâm quang của bạn sẽ phát lộ, khi tâm quang của bạn phát lộ thì cũng chính là khi tự tâm bộc lộ.

Trong Mật giáo, chúng ta tu hành không chỉ là tu cái tâm vô hình, từ mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp, liên tục cho đến a-lại-da thức, am-ma-la thức sâu nhất, không chỉ tu cái tâm của ý thức vô hình này mà còn phải tu cái tâm hữu hình.

Tâm hữu hình là tâm thế nào? Có thể nói đó là quả tim thịt ở bên trong vùng tim trung mạch của bạn, tuy rằng quả tim này hữu hình, nhưng trên thực tế nó cũng là một cái tâm hoa sen vô hình. Ở trong cái tâm hoa sen này, có một phong mạch ánh sáng. Tâm mạch ngũ sắc này, nó sẽ phóng ra một dạng tịnh quang, điều này lúc trước tôi giảng “Hồng quang đại thành tựu” đã từng đề cập đến.

Mắt của bạn không nhất định là hướng ra ngoài nhìn ánh sáng, còn phải nhìn vào bên trong, đây gọi là pháp Nội thị, phải hướng vào bên trong thân thể bạn để nhìn tịnh quang. Khi tịnh thổ bên trong phong mạch ánh sáng (tâm mạch ngũ sắc) của bạn hiển hiện, bạn sẽ nhìn thấy thể ánh sáng, cái này chính là minh thể. Lúc này, mắt bạn nhắm lại, nhìn vào bên trong, nhìn thấy bên trong có những chấm sáng, chúng ta gọi là minh thể.

Nhìn thấy những minh thể nhỏ này liên kết thành sợi, từng sợi từng sợi, nhìn xem có mấy sợi, có sợi ngang, có sợi dọc, sau đó sẽ biến thành một sợi xích ánh sáng, chính là xích kim cang. Xích kim cang màu trắng này sẽ hiển hiện bên trong thân thể bạn, xích không ở bên trong cũng không ở bên ngoài, nó là vô hình.

Từ trong sợi xích kim cang này, bạn có thể hiển hiện cảnh tượng, cái này chính là thiên nhãn thông. Rất nhiều người không biết thiên nhãn thông là gì, thiên nhãn thông tu thế nào. Rất nhiều người nói, tôi tập trung ý thức tinh thần đến con mắt nhìn ra ngoài là nhìn thấy. Căn bản là anh ta không biết đây là pháp Nội thị, là phải nhìn vào bên trong.

Tu hành Mật giáo chân chính là tìm cầu ở bên trong, cho nên Phật pháp không phải là tìm cầu ở bên ngoài, Phật pháp là tìm cầu ở bên trong, tìm cầu ở bên trong tự tâm bạn, không hướng ra ngoài để đi tìm cầu. Không phải là như các bà già đi tới chùa lạy lạy, đi cầu phúc cầu thọ, cầu con trai con gái, cầu cha cầu mẹ đâu. Mà là tìm cầu bên trong, Phật pháp chân chính là tìm cầu ở bên trong nội tâm của chính bạn.

Hoa sen trong tâm bạn chỉ cần nở ra thì sẽ có tịnh quang sản sinh, bạn sẽ nhìn thấy minh thể, từng chấm từng chấm minh điểm liên kết thành sợi, biến thành một mặt ánh sáng, ý niệm của bạn đặt ở trong đó sẽ hiển hiện ra ở trong ánh sáng, đây chính là thiên nhãn thông.

Cho nên ở bên ngoài nói luyện thiên nhãn thông cái gì đó, cái gì mà nhìn ra ngoài, hoặc là nhìn thế nào đó, những điều đó có thể nói đều là ngoại đạo. Chỉ có hướng vào bên trong nhìn ánh sáng, ánh sáng này không ở trong không ở ngoài, là vô hình, mới là chính đạo.

Cái này cũng rất có liên quan đến truyền hình của chúng ta. Bạn biết truyền hình là dùng điểm ánh sáng liên kết thành sợi, sau đó dùng sợi ánh sáng này dệt thành một mặt phẳng ánh sáng, vì thế ở đây rất hợp với khoa học. Truyền hình chẳng phải là do các điểm ánh sáng tổ hợp thành sao? Bạn mở ti vi lên, lúc hình ảnh chưa hiện lên, đầu tiên sẽ sản sinh ra từng điểm từng điểm ánh sáng, cái đó chính là điểm sáng. Còn gì nữa? Bản thân truyền hình là do huyễn ảnh tổ hợp thành, từ những sợi dọc, những sợi ngang tổ hợp thành, tạo nên một mặt phẳng ánh sáng, hoàn toàn là sự tổ hợp của bản thân điểm, sợi và mặt phẳng.

Trong Mật giáo, bạn xem, cũng hợp với khoa học, đầu tiên có điểm minh thể, sau đó có chuỗi kim cang, sau đó có mặt phẳng ánh sáng, bạn sẽ có được thiên nhãn thông. Bạn muốn nhìn cái gì, nhìn vào bên trong, ý niệm hiển hiện ra thì trong ánh sáng sẽ hiện ảnh, bạn muốn đen trắng, có ảnh đen trắng, bạn muốn nhìn màu sắc, tiết mục tổng hợp, bên trong đều có cả, bên trong nội tâm của bạn sẽ có. Đây chính là tự tâm bộc lộ.

Thế nên, thiên nhãn thông luyện thế nào? Quan trọng nhất là hoa sen trong tâm của trung mạch nở ra, sản sinh tịnh quang thì bạn sẽ có thể luyện được thiên nhãn thông, bạn sẽ có thể tự tâm bộc lộ.

Chân Phật Kinh làm sao mà có? Chính là hoa sen trong tâm tôi nở ra, từ màn hình ti vi ở trong tâm tuôn chảy ra những con chữ, từng chữ từng chữ hiển hiện ở bên trong cái màn hình ti vi trong hoa sen tâm đó. Vì thế mà tôi liền viết ra Chân Phật Kinh. Chân Phật Kinh được viết ra như vậy thì gọi là Chân Phật Kinh tự tâm bộc lộ. Mọi người nghe xong thì hiểu ra ngay, ồ, hóa ra thiên nhãn thông là như thế này, tự tâm bộc lộ là như thế này.

Khi bạn tu hành cũng phải tập trung tinh thần. Bởi vì tập trung tinh thần, dồn toàn bộ tâm trí thì bạn mới có thể tu được tự tâm bộc lộ. Bạn không có sự tập trung tinh thần, bạn không dốc hết toàn bộ tâm lực của mình vào trong đó thì bạn không có cách nào có được thiên nhãn thông, bạn cũng không có cách nào Nội thị. Nội thị tức là nhìn vào bên trong, nhìn tâm của chính mình. Bạn nghĩ rằng nhìn vào bên trong, thế thì nhìn vào bên trong, chẳng nhìn thấy cái gì, tối tăm mù mịt.

Vì thế Mật giáo tu khí, mạch, minh điểm, mạch của bạn thông rồi, hoa sen nở ra rồi, tịnh quang sản sinh ra thì nhất định đắc được tự tâm bộc lộ.

Hôm nay nói tới đây thôi. Om mani padme hum.

01/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

109. Tự tâm bộc lộ (2)

Chúng ta lại nói tiếp về tự tâm bộc lộ. Tự tâm bộc lộ đúng là vô cùng vi diệu. Chúng ta tu hành hoàn toàn nằm ở dùng tâm và không dùng tâm. Trên thực tế, bạn tu pháp đếm hơi thở, đếm hít thở của chính mình, hít vào, sau đó thở ra, như vậy là một lần. Rồi lại hít vào, lại thở ra, như thế là hai lần. Bạn còn phải chú ý hơi thở của bạn lúc thở ra thì đi bao xa, lúc hít vào thì dài bao nhiêu. Bạn luyện pháp đếm hơi thở, tác dụng của nó chính là nằm ở sự tập trung tinh thần, phải dùng tâm. Tức là phải dùng tâm lực của chính bản thân bạn.

Nếu bình thường không chú ý việc hít thở, bạn không biết chính bạn đang hít thở. Bình thường bạn có rất nhiều vọng niệm, suy nghĩ lung tung rất nhiều, bạn không chú ý thấy vọng niệm của mình rất nhiều, nhưng khi bạn đếm hơi thở, bạn sẽ biết ngay. Có khi bạn đang đếm hơi thở, đếm một, hai, ba, bốn, đếm tới mười mấy thì đột nhiên có một ý nghĩ xen vào, thế là loạn hết cả việc đếm hơi thở này.

Cho nên bạn có thể đếm đến bao nhiêu đều không phải là rất đơn giản đâu. Thật sự nếu bạn có thể tĩnh lại và đếm hơi thở đến một trăm đã là rất không đơn giản rồi. Bởi vì khả năng khi bạn đếm tới bốn mươi chín thì bỗng dưng có một vọng niệm xen vào, bạn liền quên luôn, ơ, vừa nãy đếm tới đâu rồi nhỉ? Không đúng rồi. Con số này đã bị ngắt quãng rồi, ý nghĩ rất lợi hại đó, lập tức giống như là truyền hình bị ngắt quãng, có thứ khác đã chiếm mất đường truyền, không có cách nào truyền được xong hoàn toàn. Bởi vậy nói chung bản thân con người, dùng tâm và không dùng tâm rất quan trọng. Bạn phải tu đến khi hoàn toàn chuyên tâm nhất trí, tự tâm bộc lộ là cực kì không dễ dàng.

Tôi lấy một ví dụ để chứng minh cho việc dùng tâm và không dùng tâm khi tu hành. Giống như là bây giờ niệm Phật rất tiện, miệng niệm niệm “Nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật” rất hay, bạn có dùng tâm để niệm không? Dùng tâm, hai câu tôi vừa mới niệm là dùng tâm, “Nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật” là tôi dùng tâm để niệm, từng chữ từng chữ đi qua tai tôi vào bên trong, in vào trong tâm, tôi dùng tâm để niệm, niệm Phật như thế này thì có hiệu quả. Rất nhiều người ở trong nhà mở băng nhạc, bốn chữ Phật, sáu chữ Phật, chà, băng nhạc niệm rất hay. “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, chà, niệm hay quá, nghe rất thoải mái, tinh thần dễ chịu. Nghe hồi lâu, bạn không dùng tâm, bạn không có tâm, cảm thấy có nghe hay không nghe đều giống như nhau. Bạn lắng nghe thì là có dùng tâm. Băng nhạc ở đằng kia mở lên, còn bạn đang ăn cơm, bạn không đặt tâm trên băng nhạc đó, băng nhạc đó niệm mấy trăm tiếng Phật, mấy vạn tiếng Phật nhưng đều chẳng có tâm.

Chúng ta niệm Phật, dùng tâm của mình để niệm thì sẽ sinh ra tâm lực, sức mạnh của tâm sẽ sản sinh ra. Băng nhạc của bạn bật lên ở đó, niệm mấy nghìn tiếng Phật, mấy vạn tiếng Phật, vô ích, cái đó không xem là công đức. Vì thế khi hỏi: “Hôm nay anh có làm công khóa không?” “Có chứ! Tôi có niệm Phật đó!” “Anh niệm thế nào?” “Tôi mở một băng nhạc, nó niệm Phật từ sáng tới tối.” Mọi người đều biết cái này không có công đức, bởi vì không có tâm lực.

Bởi vậy đặt tâm lực vào đó, bạn đi niệm Phật, niệm kinh thì sẽ có công đức. Bạn không đặt tâm lực vào đó thì không có công đức, không có sức mạnh, không có pháp lực có thể sản sinh ra. Hôm nay giả sử chỉ cần có âm thanh, không cần dùng tâm lực để niệm Phật, thế thì tôi mua một băng nhạc về mở mỗi ngày, thế là tôi đang tu hành rồi. Mọi người thử nghĩ xem là có thể hiểu được thôi.

Ngoài ra có một số người nói, kinh A Di Đà có công đức rất lớn, kinh Kim Cang có công đức rất lớn, kinh Bát Nhã có công đức rất lớn, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có công đức rất lớn, Cao Vương Kinh có công đức rất lớn, kinh Hoa Nghiêm có công đức rất lớn, kinh Lăng Nghiêm có công đức rất lớn, những bộ Đại Tạng Kinh của Phật giáo này bạn đều mua về hết, bày ở trên tủ sách, xem xem nó có công đức gì, mỗi ngày đều đi nhìn xem công đức của nó đã xuất hiện hay chưa. Sẽ chẳng có công đức đâu! Bạn đừng cho rằng mua một bộ Đại Tạng Kinh về đặt ở trên tủ sách là sẽ có công đức.

Kinh Lăng Nghiêm có pháp lực, kinh Hoa Nghiêm có pháp lực, kinh Bát Nhã có pháp lực, Đại Trí Độ Luận có pháp lực, Cao Vương Kinh có pháp lực, bạn liền đặt chúng trên tủ sách, mỗi ngày đều đi tới xem nó khi nào mới hiển hiện pháp lực. Không có đâu, tất cả như nhau, hoàn toàn không có pháp lực. Có pháp lực là bạn dùng tâm để niệm, dùng tâm để niệm mới có pháp lực đó. Bạn cầm kinh điển đó lên, bạn đọc, bạn niệm kinh A Di Đà, khi bạn niệm thì tập trung tinh thần, dùng tâm của bạn để hiểu ý nghĩa của kinh, và đi làm ước nguyện đó, thực hành bốn mươi tám nguyện của Di Đà, dùng tâm lực đi làm những ý nguyện đó. Mỗi một bộ kinh bạn lấy ra để tụng niệm, bạn sao chép, sao chép cũng tốt, niệm cũng tốt, bạn dùng tâm lực để làm, như vậy mới sản sinh ra pháp lực.

Cho nên có khi bạn niệm kinh, không dùng tâm lực của bạn để niệm, niệm thế này… “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, “Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm”… cứ thế niệm niệm niệm… cứ thế niệm từ đầu cho đến cuối. Niệm cái gì vậy? Tôi niệm xong rồi nhưng quên mất rồi. Đó là vì bạn không hề dùng tâm lực để niệm. Giống hệt như một cái máy photocopy, trong nhà bày một chiếc máy photocopy, bạn liền copy kinh điển này qua, nhưng bạn không hề thâm nhập kinh tạng, trọng điểm nằm ở thâm nhập. Bạn không hề thâm nhập để hiểu sức mạnh của bộ kinh, cho thấy bạn không hề dùng tâm lực. Mà nếu đã không dùng tâm lực thì sẽ không có tâm lực, không có tâm lực thì không có pháp lực, việc niệm này cũng như không.

Hôm nay chúng ta tu Mật pháp, quan trọng nhất là dùng tâm lực của bạn, bạn bỏ tâm lực vào đó, tinh thần bạn thống nhất, bạn sẽ sản sinh ra pháp lực, bạn sẽ cảm ứng đạo giao đó! Cùng với các cao linh trong vũ trụ có cảm ứng đạo giao, có tương ứng rồi. Tôi nói tương ứng này là quan trọng nhất, chính là yoga (du già), tương ứng là quan trọng nhất, trong Mật giáo nói về tương ứng, bởi vì bạn dùng tâm lực của bạn, thế rồi tâm của vũ trụ và tâm của cá nhân bạn tương thông lẫn nhau. Bất kể bạn trì chú cũng được, niệm kinh cũng được, niệm danh hiệu Phật cũng được, một khi tương ứng rồi thì chính là tự tâm bộc lộ.

Bởi vậy tôi giải thích tự tâm bộc lộ là cực kì quan trọng. Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

01/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

110. Thuần mật và tạp mật (1)

Hôm nay chúng ta giảng về tạp mật. Từ tên đoán ý, ngược lại của tạp mật chính là thuần mật. Làm sao để phân biệt đây? Thuần mật có thể nói là Mật pháp tu hành thanh tịnh thì gọi là thuần mật, tức là Mật tông đơn thuần. Tạp mật tức là tương đối phức tạp, tương đối mang phương diện nhập thế thì gọi là tạp mật.

Tôi lấy một ví dụ để nói. Trong Mật giáo có rất nhiều pháp thuộc về pháp thế gian, phổ biến dùng tại thế gian, không có quan hệ gì với tu hành cả. Ví dụ niệm kinh Cầu Mưa để cầu mưa, bởi vì rất lâu rồi trời không mưa cho nên tập hợp tất cả các Lama lại cùng nhau niệm kinh Cầu Mưa, kết thủ ấn, quán tưởng, niệm chú cầu mưa thì trời sẽ đổ mưa. Chà! Thật sự là mưa rồi. Đây chính là tạp mật. Cái này không có quan hệ gì với tu hành. Không có liên quan gì đến bạn tu hành thanh tịnh cả, bởi vì kinh mà bạn niệm, chú mà bạn niệm, thủ ấn mà bạn kết là cho mục đích cầu mưa, kết quả là trời thật sự đã mưa. Đây chính là tạp mật.

Tuyết rơi rất dày. Chà! Rơi mãi không ngừng. Sắp sửa thành tai họa rồi. Vậy thì trong Mật giáo cũng có kinh Dừng Tuyết để khiến cho tuyết ngừng rơi, kết một thủ ấn, thế là tuyết dừng, hơn nữa còn phải niệm kinh, còn phải trì chú, đây cũng là tạp mật.

Tổ sư của Bạch giáo có Tilopa, Naropa, Marpa, truyền đến Milarepa, Milarepa lại truyền cho Gampopa. Tổ sư Milarepa rất nổi tiếng, trước khi ngài thật sự học thuần mật thì ngài cũng học tạp mật, cho nên tổ sư của ngài gọi ngài là Đại Lực, tức là ngài có sức mạnh rất lớn. Đại lực là làm cái gì vậy? Ngài có thể cầu mưa đá. Mưa đá ư? Quái lạ, mưa đá để làm gì? Cái này nhất định là không tốt rồi, mưa đá sẽ đánh trúng người ta, sẽ đánh trúng động vật, sẽ đánh chết thực vật.

Khi Milarepa còn chưa học thuần mật, ngài từng học tạp mật. Ví dụ như là người ở ngôi làng kia không thích ngài, đuổi ngài đi, Milarepa rất tức giận bèn tu thuật giáng mưa đá, vừa tu một cái thì trên trời đều trút mưa đá. Ôi chao, nào là lúa mạch, nào là cây nông nghiệp, tất cả đều bị phá nát, thế là người ta không thể nào thu hoạch được. Có loại pháp như thế, loại pháp này gọi là tạp mật.

Ngoài ra ở đây còn có pháp tương đối sai khác, pháp không tốt cũng có, đó thuộc về phạm vi của tạp mật. Milarepa cũng từng tu loại pháp này. Người thân thích của ngài chiếm mất tài sản của Milarepa, Milarepa liền ở trong hang động tu tạp mật, đây thuộc về một loại của pháp hàng phục. Người thân của ngài đang làm hôn lễ, Milarepa tu pháp, đương nhiên là thỉnh các quỷ thần có sức mạnh lớn đến, bọn họ liền đi. Người ta đang ở trong nhà cử hành hôn lễ, đột nhiên, các cột trụ trong nhà gãy luôn, ngôi nhà sụp xuống, đè chết mấy người. Mọi người đọc Truyện Milarepa là có thể đọc được thôi.

Thật ra ngài tu pháp hàng phục cũng sẽ làm bị thương người khác, Milarepa trước khi tu pháp thanh tịnh, ngài đã tạo ra không hề ít nghiệp đen, sau này tu mật pháp thanh tịnh thì biến thành nghiệp trắng. Nghiệp trắng đã bù đắp cho nghiệp đen.

Trong khi chúng ta tu pháp, hành giả Mật giáo có phải là cần tu tạp mật không? Về phương diện nhập thế, chúng ta cũng có thể giúp người. Ví dụ cầu trời mưa, nếu bạn biết pháp đó có thể giúp người. Dừng tuyết rơi nhiều cũng có thể giúp người. Người ta gặp mưa đá, bạn có thể dừng mưa đá, khiến mưa đá ngừng lại. Mật giáo chính phái của chúng ta tuy rằng tu tạp mật, nhưng chúng ta tu là để giúp người thì nói chung là được, cái này thuộc về phạm vi của tạp mật.

Tạp mật cũng có thể cầu gió, bạn có biết pháp cầu gió không? Trung Quốc chúng ta có bát quái, thiên, địa, lôi, phong, trạch, thủy, hỏa, sơn. Bạn ở phương vị của gió, bạn biết nơi nào là phương vị của gió, bạn hít vào một hơi khí, thổi về bên đó, thổi đi, sẽ có một trận gió lớn nổi lên. Nhưng mà bạn nhất định phải kết ấn, kết ấn thỉnh cầu Thần Gió đến. Hướng về phương vị của gió hít vào một hơi khí, sau đó phả khí ra thì sẽ nổi lên một trận gió lớn. Cái này trên phương diện tạp mật cũng có.

Trong tạp mật cũng có pháp chữa bệnh, cũng có pháp tử vi, cắt lành dữ của con người, có phong thủy, giúp người ta giải trừ tai nạn, những cái này đều là tạp mật. Cũng có pháp chuyên môn giải độc, có người bị rắn độc cắn thì phải làm sao? Mau chóng niệm kinh, niệm kinh giải độc. Có kinh Giải Độc, chú giải độc, còn có ấn giải độc, uống viên cam lộ. Ớ! Độc tố đó chẳng hề gì nữa. Chúng ta biết Khổng Tước Minh Vương có thể giải độc, cũng có kinh Giải Độc, chú giải độc. Cũng có pháp chuyên môn chữa bệnh. Những cái này đều là phạm vi của tạp mật.

Tôi cảm thấy pháp nhập thế tạp mật tương đối nhiều, chúng ta học pháp nhập thế chủ yếu là muốn giúp đỡ chúng sinh. Tôi cho rằng sự phân biệt giữa nhập thế và xuất thế là, xuất thế tức là tu hành thanh tịnh. Còn nhập thế có rất nhiều bộ phận thuộc về tạp mật. Vậy thì giữa nhập thế và xuất thế tuy rằng có sự phân biệt, nhưng tôi cho rằng nên bình đẳng. Muốn cứu độ chúng sinh thì nên dùng pháp nhập thế, đợi đến khi họ nhập thế thành thục rồi, họ lại tu Phạm hạnh xuất thế thanh tịnh.

Bởi vậy trước tiên cần có thứ tự sinh khởi, sau đó mới có thứ tự viên mãn. Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

02/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

111. Thuần mật và tạp mật (2)

Chúng ta lại nói về tạp mật. Tạp mật có đôi khi cũng rất thú vị. Tuy rằng là pháp nhập thế, bạn học rồi cũng có lợi ích.

Tôi nhớ có một câu chuyện như thế này. Có một Lama đạo hạnh rất cao, khi ông ấy đi qua Đường Cổ Lạt Sơn (Đường Cổ Lạt Sơn là một ngọn núi thần rất nổi tiếng ở vùng phụ cận Tây Tạng), đột nhiên mặt đất nổi cuồng phong. Chà! Cuồng phong thổi qua, ban đầu có đội mũ, mặc áo choàng, chà, cái áo choàng này bị thổi bay mất, mũ cũng bị thổi bay mất. Suy cho cùng, ông ấy cũng là một cao tăng có đạo hạnh, ông ấy lập tức nhắm mắt lại và quan sát thì biết Thần Núi cố ý đến trêu chọc ông ấy. Thần Núi thỉnh thoảng thổi một hơi khí, thổi một hơi khí thì mặt đất liền nổi cuồng phong, thổi cho Lama có đạo đó lảo đảo xiêu vẹo. Lama lập tức kết ấn dừng gió, niệm chú dừng gió, nhưng cũng không có hiệu quả, bởi vì đây là do Thần Núi làm. Ông ấy biết là Thần Núi đang trêu mình, thế là liền cầm một ít bánh tsamba mang theo mình, ấn một cái vào trán để lập tức làm cúng dường, cúng dường cho Thần Núi Đường Cổ Lạt Sơn. Vừa cúng dường một cái thì Thần Núi liền cười vang ha ha, gió lập tức dừng lại. Có đôi khi pháp nhập thế cũng rất hiệu quả.

Hôm nay khi chúng ta đồng tu, tôi hỏi: “Hôm nay các bạn cúng dường cái gì?” “Cúng dường bánh bao.” Bánh bao rất giống bánh tsamba của họ, cũng dùng bột mì để làm. Kể ra cũng lạ. Hôm nay khi kết thủ ấn cúng dường để làm cúng dường, tôi biến hóa bánh bao thành một đống bánh bao giống như ngọn núi, xếp thành một hàng, biến thành một mặt phẳng, đầy ắp cả hư không. Biến hóa xong thì lập tức phát hiện ra trong hư không có rất nhiều cánh tay, tay vừa thò ra thì bánh bao đều bị tranh giành hết sạch. Không biết ai đã cúng bánh bao, hôm nay rất có phúc đấy.

Tôi phát hiện ra việc cúng dường này khiến chư Thiên hoan hỷ, họ vô cùng hoan hỷ tiếp nhận cúng dường bánh bao, và cũng đã lấy hết toàn bộ. Cảm ứng hôm nay vô cùng thù thắng, rất khó gặp, bởi vì chư thiên đã lấy hết sạch bánh bao đi rồi.

Trong Mật giáo, cúng dường là cực kì quan trọng. Chư Thiên, Hộ pháp tiếp nhận cúng dường thì cảm ứng của bạn sẽ rất nhanh chóng. Giống như Lama có đạo kia, làm cúng dường một cái là gió lập tức ngừng thổi, đây chính là hiện tượng cảm ứng rất nhanh. Thần Núi của Đường Cổ Lạt Sơn tiếp nhận cúng dường của ông ấy, Thần Núi chẳng qua chỉ là thổi một trận gió để trêu đùa Lama có đạo kia mà thôi.

Nói đến nhập thế và xuất thế, trong tạp mật, pháp nhập thế là tạp mật tương đối nhiều. Nhưng chúng ta vì độ chúng sinh, cho nên bạn cũng cần tu tạp mật, cũng cần hiểu, cũng cần biết, đây là một dạng phương tiện. Tu hành chân chính đến cảnh giới cao nhất hoàn toàn là tâm xuất ly. Có tâm xuất ly rồi bạn mới có thể thoát ly khỏi thế gian này, mới có thể phát hiện ra pháp nhập thế và thế giới Ta Bà chẳng qua chỉ là mộng huyễn bào ảnh, như sương cũng như điện, chỉ trong khoảng thời gian điện quang đá lửa, trong giây lát đã không còn gì nữa.

Cho nên đối với pháp nhập thế, bạn đừng quá bám chấp, bạn phải học, bạn phải biết, nhưng bạn không thể cả đời tu pháp nhập thế, bạn phải hiểu pháp xuất thế, tu thứ tự viên mãn, điểm này cũng rất quan trọng. Bởi vì linh mà pháp nhập thế thỉnh đến, thứ bậc của họ không chắc là rất cao. Khi bạn đến được pháp xuất thế, Phật Bồ Tát và cao linh chân chính sẽ giáng xuống để giúp bạn tu hành. Khi bạn ở trong giai đoạn của pháp nhập thế thì đều là một vài chư Thiên, chư Thiên giáng xuống để giúp bạn thì cũng là rất cao rồi, có một số chỉ là la sát, hoặc là thần núi, thần nước, thần cây, thần mầm mạ, thần cửa, bao gồm cả thần giường, tuy rằng là tiểu thần nhưng cũng có linh lực.

Vì thế trong khi chúng ta tu hành, nếu quá chấp mê vào pháp nhập thế, cấp độ linh giới của bạn sẽ không cao lắm, bạn tu hành sẽ không có được chứng quả gì. Có đôi khi bạn còn đi vào trong bàng môn rồi mà bản thân cũng không biết. Vì thế, Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng: tử vi, chiêm bốc đều thuộc ngoại pháp, đều thuộc bàng môn, không phải là chính đạo. Thật ra chính đạo chân chính là tu thứ tự viên mãn và có đủ tâm xuất ly. Ngày xưa Phật Đà xuất gia tu hành chính là sinh tâm xuất ly thế giới Ta Bà.

Thật ra thọ mạng của con người rất ngắn ngủi, hiện nay thọ mạng trung bình là bảy mươi, tám mươi tuổi thì xem là tốt rồi, chỉ trong khoảng thời gian điện quang đá lửa mà thôi, như “kính trung ảnh”, như bóng ảnh bên trong chiếc gương, như “thủy trung nguyệt”, giống như mặt trăng trong nước, đều là mộng huyễn bóng ảnh, rất nhanh chóng sẽ qua đi. Nhi đồng, thanh niên, tráng niên, tiếp sau đó là lão niên, sau đó là cái chết. Từ lúc nhỏ cho đến khi già, thời gian rất nhanh. Vì thế pháp nhập thế không được quá bám chấp, chúng ta vẫn phải tu pháp xuất thế làm trọng.

Hiện nay có người chủ trương Phật giáo nhân gian, chủ trương xây dựng thế giới Cực Lạc tại nhân gian, truyền bá Phật pháp tại nhân gian. Thứ truyền tại nhân gian là Phật giáo Nhân thừa, cái này thì hơi đi chệch rồi. Bởi vì chúng ta biết rằng nhân gian như mộng, mộng huyễn bào ảnh, những công đức làm được chẳng qua là công đức trong mộng mà thôi. Thế giới Ta Bà giống như mộng huyễn, cho nên Phật Đà muốn chúng ta có tâm xuất ly.

Tuy rằng nhập thế và xuất thế, hai cái đều quan trọng như nhau, nhưng khi chúng ta thật sự đến được cảnh giới cao nhất, nhất định phải đi về hướng xuất thế, phải có tâm xuất ly. Nhất định phải thật sự rời xa thế gian, Phật giáo nhân gian chỉ là một cái tên đẹp đẽ thôi, công đức mộng huyễn mà thôi.

Tâm xuất ly đối với một người tu hành là rất quan trọng. Những người chúng ta hiện đang ngồi đây phần lớn là người xuất gia, mọi người đều có tâm xuất ly cho nên bản thân mới xuất gia. Vì thế đối với thứ tự sinh khởi, trên phương diện pháp nhập thế, tạp mật cần tu, nhưng quan trọng nhất, sau cùng, chung kết nhất, vẫn là phải tu pháp xuất thế - thứ tự viên mãn, phải tu thuần mật.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

02/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

112. Nói về đại sư Hoằng Pháp

Trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải nói về “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp (Không Hải) của Nhật Bản. Vì sao phải giảng “Thập Trụ Tâm Luận”? Bởi vì tôi cho rằng mười loại tâm mà đại sư Hoằng Pháp nói có liên quan đến thứ tự tu hành của đại thành tựu cầu vồng của chúng ta. Cũng có thể nói là thứ tự của triệu thỉnh, và thứ tự của Bổn tôn, cho nên phải giảng “Thập Trụ Tâm Luận”.

Trước khi giảng về phần đó, chúng ta nói về đại sư Hoằng Pháp trước. Thật ra ngọn nguồn của Đông mật là do đại sư Hoằng Pháp khai mở. Nguồn gốc sớm nhất của Mật giáo là ở Ấn Độ - Thiên Trúc, nó lưu truyền đến Tây Tạng thì trở thành Tạng mật, truyền đến Trung Quốc thì biến thành Trung mật, truyền đến Nhật Bản thì thành Đông mật. Tổ sư cao nhất của Đông mật cũng chính là đại sư Hoằng Pháp - Không Hải. Ngài là tổ sư cao nhất của Mật tông Nhật Bản. Mật giáo Nhật Bản là từ bên Trung Quốc, Mật giáo của Trung Quốc lại là từ Ấn Độ (Thiên Trúc), Mật giáo Tây Tạng cũng là đến từ Ấn Độ Thiên Trúc.

Đại sư Hoằng Pháp sáng lập Mật giáo Chân Ngôn Tông, hiện nay tại Nhật Bản vẫn rất thịnh hành. Tại Nhật Bản có rất nhiều dòng phái, ví dụ phái Narita, phái Joenji, phái Koyasan đều là dòng phái của Mật giáo Nhật Bản. Mọi người xem ảnh của đại sư Hoằng Pháp (Không Hải) đều biết ngài đã đến chùa Thanh Long ở Tây An, Trung Quốc để bái kiến hòa thượng Huệ Quả, ngài ở bên đó học tập Mật giáo. Bản thân Sư Tôn cũng đã đến chùa Thanh Long, cũng đã lên tháp Vọng Hải, đó chính là ngọn tháp nhìn ra biển mà hòa thượng Huệ Quả và các hòa thượng khác đã xây dựng để sau này tưởng nhớ Không Hải. Kì thực tại Tây An thì không thể nhìn ra biển được, cho nên tên gọi Vọng Hải là một nguồn gốc, ý nghĩa là nhìn “Không Hải”.

Lão hòa thượng Huệ Quả truyền pháp cho đại sư Hoằng Pháp xong, Mật giáo Trung Quốc không còn nữa. Truyền thừa của lão hòa thượng Huệ Quả lẽ ra là thuộc về tăng nhân Thiên Trúc là Kim Cang Trí, Thiện Vô Úy, Bất Không, ba người họ truyền thừa xuống.

Thế còn khi tôi đến chùa Thanh Long chính là nơi Không Hải học tập Mật giáo. Sau khi Không Hải trở về Nhật Bản, tại nơi lên bờ đầu tiên, ngài đã xây lên một ngôi chùa, tôi cũng đã đến đó, chính là Thiền Môn của tỉnh Yamaguchi. Chân Phật Tông của chúng ta có một phân đường ở đó, gọi là Đạt Kiến Đường - Darumi. Tôi từng đi tới đó thăm ngôi chùa đầu tiên mà Không Hải xây dựng. Tôi cũng đã đến Koyasan nơi mai táng Không Hải. Khi đến Koyasan, ở đó tôi cũng cảm ứng thấy giữa tôi và Không Hải có một cảm ứng rất sâu rất sâu, tôi đã từng viết trong sách.

Sau khi Không Hải qua đời, ngài có một đặc trưng, điều này được lưu truyền rộng rãi tại Nhật Bản, bạn chỉ cần có một chút xíu tóc (xá lợi tóc) của Không Hải, tóc đó sẽ dài ra, hơn nữa còn nhiều lên.

Điều này rất ít người biết, tóc của Không Hải sau khi ngài viên tịch có thể sinh trưởng, còn có thể tăng thêm, đây là điểm mà tôi và ngài giống nhau. Hôm nay Lư Sư Tôn còn ngồi đây thuyết pháp, nhưng bạn thỉnh xá lợi tóc của tôi về, niệm chú xá lợi tóc, niệm chú xá lợi tử, tóc đó sẽ dài ra và sẽ nhiều thêm. Còn có rất nhiều đệ tử thỉnh xá lợi tóc của Sư Tôn về thờ cúng, ban đầu chỉ có mấy sợi bé xíu mà thôi, sau đó toàn bộ tháp xá lợi đều đầy. Đây là điểm giống nhau giữa đại sư Không Hải và Sư Tôn. Tóc của ngài sau khi chết có thể dài ra, có thể tăng thêm. Khi tôi còn sống, người ta lưu giữ tóc của tôi, tóc của tôi cũng mọc dài ra, có thể tăng thêm.

Còn có người nhìn thấy đại sư Không Hải dẫn họ đến trong hư không, rất cao, ở trên tầng trời thứ chín, đột nhiên, bản thân Không Hải biến thành mặt của Sư Tôn, còn lấy cả trang phục Lama của Chân Phật Tông đưa cho họ mặc, có chuyện như vậy.

Cho nên những tin lan truyền hiện tại, chúng chỉ là những tin đồn, tức là nói rằng giữa Sư Tôn và Không Hải có một mối quan hệ thân mật, mối quan hệ thân mật này không phải là mối quan hệ xấu xa mờ ám, tóm lại có quan hệ tức là có quan hệ.

Bởi vì kỳ lạ lắm! Tóc của Không Hải sau khi chết có thể dài ra. Có thể biến thành nhiều! Khi Sư Tôn tại thế, tức là ngay tại thời điểm hiện tại này, tóc của tôi có thể dài ra, cũng có thể biến thành nhiều, đây chính là điểm giống nhau.

Nhưng trên thực tế, rất nhiều người nhìn thấy mặt của Không Hải biến thành mặt của Sư Tôn. Trong ký ức của tôi, tôi từng có một kiếp chuyển sinh tại Nhật Bản, nhưng tôi có phải là đại sư Không Hải không? Tôi thật không dám nói, cũng không thể nói, cho nên dứt khoát là không nói. Chính là nhân duyên này. Hôm nay nói tới đây. Om mani padme hum.

03/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

113. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm của động vật (1)

Chúng ta lại nói về “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp. Trong quá khứ khi tôi ở trong rất nhiều đạo tràng Mật giáo của Chân Ngôn Tông Nhật Bản, tôi phát hiện ra có một hiện tượng rất đặc biệt. Bên cạnh mỗi ngôi chùa của họ đều có một đàn thành rất nhỏ rất nhỏ, bên trong đàn thành và xung quanh đàn thành đều có cúng rất nhiều con hồ ly nhỏ bằng sứ. Điều này sẽ khiến người ta sinh ra tâm tò mò.

Vì sao bên trong rất nhiều đạo tràng Chân Ngôn Tông của Nhật Bản đều cúng hồ ly? Ở miền Bắc Trung Quốc Đại Lục, nghe nói cũng có hồ tiên, cũng thờ hồ ly, lẽ nào người Nhật Bản cũng thờ hồ tiên sao? Điều này rất kỳ lạ.

Lời đồn là như thế này. Đại sư Hoằng Pháp trong khi hoằng pháp từng đi vào trong núi sâu để tìm đạo tràng. Vào núi thì thường xuyên có thể lạc đường. Chúng ta biết rằng đi vào trong núi thì không có la bàn, bạn đi vào trong đó thì không ra được nữa, hơn nữa trời cũng đã tối rồi, vừa đói vừa rét. Lúc này, đột nhiên, trước mặt xuất hiện hai ánh sáng xanh lục, trong ánh sáng có hai con hồ ly, đại sư Hoằng Pháp nhìn thấy là hồ ly hiển hiện hai vầng ánh sáng xanh lục, thế rồi ánh sáng xanh lục đi ở phía trước, đại sư Hoằng Pháp đi theo ánh sáng xanh lục ở phía sau.

Kết quả là nhờ có hai ánh sáng hồ ly xanh này mà đại sư Hoằng Pháp được dẫn ra khỏi núi, đến một nơi có dân cư. Sau đó, đại sư Hoằng Pháp rất cảm kích hai con hồ ly này, vì thế trong đạo tràng Chân Ngôn Tông của ngài có thờ hồ ly. Lời đồn đại tôi nghe được là như vậy.

Rất nhiều đạo tràng ở Nhật Bản thờ hồ ly, bản thân hồ ly vì sao lại có năng lực? Vì sao lại có sức mạnh của linh? Trong con mắt của tôi, bản thân linh của tất cả động vật đã chết đều có năng lực. Mọi người đừng coi thường linh động vật, bởi vì tôi phát hiện ra trong vũ trụ này, linh động vật chiếm tỉ lệ tương đối cao.

Trong con mắt nhìn của Lư Sư Tôn, đừng cho rằng chỉ có linh của Phật Bồ Tát, Kim Cang, Hộ Pháp, Không Hành, đừng chỉ có nhìn thấy linh của chư Thiên, của Thần, thật ra còn có rất nhiều linh động vật.

Cho nên trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp, nhắc đến đầu tiên chính là tâm của động vật. Chúng ta đừng cho rằng động vật thì toàn bộ đều xấu, đều là không tốt, đương nhiên có loài xấu, có loài trung tính, có loài lương thiện.

Tôi lấy ba ví dụ. Loài xấu, lấy rắn làm đại diện, chúng ta nhìn thấy đều sợ, đây là loài động vật tương đối xấu, chúng có thể làm hại các động vật khác, lại còn có thể hại người. Loài trung tính, tương đối tốt một chút, lấy cái gì làm đại diện nhỉ? Lấy chim bồ câu làm đại diện đi. Động vật tốt thì sao? Lấy mèo, chó làm đại diện. Loài chó đôi khi rất có nghĩa khí, có chuyện chó trung thành cứu chủ, chúng giúp người, giúp bạn trông nhà, còn giúp tìm kiếm bọn buôn lậu… Giống như ở hải quan dùng cái mũi nhạy bén của chó để giúp nhân viên hải quan, nó có thể bảo vệ nữa. Có rất nhiều sự việc về những con chó trung thành. Trong số linh động vật, không nhất định tất cả đều là xấu.

“Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp nhắc đến đầu tiên chính là tâm của động vật. Trong đó ngài nói rằng, bạn có thể chiêu cảm linh của động vật, bạn chỉ cần cúng dường thức ăn cho động vật, bạn chỉ cần học một cách cúng dường là bạn có thể triệu thỉnh được linh động vật. Bởi vì động vật chỉ có hai thứ gần như là cực kì đặc trưng của chúng: thứ nhất chính là thực - ăn, thứ hai chính là sắc - dâm, hai thứ này có thể rất nhanh chóng chiêu cảm linh động vật. Cho nên bạn chỉ cần học cách cúng dường, bạn không cần học gì khác, bạn vẫn có thể triệu thỉnh được linh động vật.

Trên thế giới này, Khổng Phu Tử nói rồi: “Thực, sắc, tính.” Đó là chỉ con người, bản thân con người mà nói cũng thuộc một trong số động vật. Nhưng linh tính của bản thân con người chúng ta thì tương đối cao một chút, cho nên trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp nhắc đến tâm động vật đầu tiên, chứ không phải là nhắc tới con người. Ngài chỉ nhắc đến động vật.

Bạn chỉ cần học được cách cúng dường, bạn chắc chắn có thể triệu thỉnh được linh động vật. Giả sử linh động vật này đến nhà bạn, đàn thành trong nhà bạn toàn bộ đều là động vật. Vậy giả sử bạn không biết, rồi nếu cứ thế tu tiếp, vậy thì hai thứ kia của bạn cũng sẽ tăng trưởng, thứ nhất là ăn, thứ hai là sắc.

Điểm đặc thù của linh động vật là ăn và sắc, là hai thứ này. Ngoài ra còn có giết chóc nữa, có nghĩa là tâm địa của chúng không phải là rất tốt, bạn tu tâm của động vật thì sẽ không tốt đâu.

Bạn xem lũ động vật đó, thường xuyên tàn sát lẫn nhau, tàn sát tới tàn sát lui. Và động vật thì ưa thích ăn, dâm và giết mà thôi. Thế giới của linh động vật thuộc về ba đặc trưng này. Hôm nay tôi giảng tới đây. Om mani padme hum.

03/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

114. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm của động vật (2)

Chúng ta lại tiếp tục nói về “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp.

“Thập Trụ Tâm Luận” này nhìn chung là cũng đang nói về một dạng tương ứng, tức là nói bản thân bạn thuộc về cái trụ tâm nào thì bạn sẽ chiêu cảm cái dạng linh đó. Giả sử bạn thuộc về tâm của động vật, thế thì linh mà bạn triệu thỉnh đến chính là linh của động vật.

“Thập Trụ Tâm Luận” này không chỉ là chỉ cái hữu hình. Về hữu hình, bản thân con người chúng ta có thể tu hành mười pháp giới, tâm của mười pháp giới con người đều có thể biến tới biến lui. Phật giáo nói “tất cả do tâm tạo”, đại sư Hoằng Pháp nói “Thập Trụ Tâm Luận”, chính là nói tâm của chính bạn có thể biến thành một loại tâm bất kì, sau đó nếu dùng cái loại tâm này của bạn để triệu thỉnh, để tu pháp tu luyện, thì rất có khả năng linh đến chính là cái linh tương ứng với bạn đó. Cái này dựa theo mười trụ tâm này để mà phân biệt. Đạo lý “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp là ở đây, đạo lý này cũng chính là vật họp theo loài.

Hôm qua chúng ta nói về tâm của động vật có hai đặc trưng, một cái là thực, một cái là sắc. Vì thế nói chung, chúng ta muốn triệu thỉnh linh của động vật thì cực kì đơn giản, mọi lúc mọi nơi đều có thể triệu thỉnh. Bạn xem, khi chúng ta còn nhỏ chơi trò triệu thỉnh thần ếch. Lúc nhỏ tôi cũng từng chơi, tức là mấy đứa trẻ con quây lại với nhau, sau đó thắp hương. Vào ngày nào là tốt nhất? Vào ngày 15, ví dụ ngày 15 tháng 8 là tốt nhất, bởi vì trăng tròn nhất, tất cả các linh đều đi ra để ngắm trăng.

Khi đó tất cả lũ trẻ con đều thắp hương, khi đó chưa hiểu chuyện, học theo người ta, bảo bạn niệm cái gì, dùng Đài ngữ để niệm, cầm hương lên rồi lắc lư: “Thần bốn chân, linh linh linh, thỉnh thần 15 tháng 8 đến đây!” Chính là như vậy, vừa hát vừa lắc, một đứa trẻ trong số đó nằm phục trên mặt đất giả vờ là ếch, đầu của nó chúi thấp xuống mặt đất, mông thì chổng lên cao cao, giả vờ bộ dạng của con ếch. Những đứa trẻ khác ở bên cạnh thì cùng nhau hát: “Thần bốn chân, linh linh linh, thỉnh thần 15 tháng 8 đến đây! Thần bốn chân,…”

Bạn đừng coi thường trò này nhé! Đây chính là triệu thỉnh linh động vật. Bạn cứ tiếp tục hát liên tục hát như thế, tinh thần sẽ chiêu cảm con ếch, linh của con ếch sẽ “chíuuu…”, thế là sẽ nhập vào người đứa bé kia. Lập tức đứa bé kia sẽ bị thần trí hôn mê, sẽ nhảy tưng tưng, sẽ bắt đầu nhảy kiểu ếch, còn kêu tiếng ếch nữa.

Ếch kêu âm thanh thế nào? Tóm lại là đứa bé sẽ kêu tiếng ếch, rồi còn biết nhảy kiểu ếch, nhảy không ngừng, rồi sẽ bị ốm. Đôi khi nếu linh nhập vào không đi thì thật sự sẽ sinh bệnh đó! Đây chính là triệu thỉnh linh của động vật.

Bạn đừng cho rằng trẻ con chúng tôi chơi như vậy thì mới có thể thỉnh được linh động vật, thật ra rất nhiều người lớn cũng thỉnh linh động vật. Ví dụ người thổ dân da đỏ, họ thích nhất là thỉnh linh động vật, thỉnh linh của một số loài rắn, chim ưng là họ thích thỉnh nhất. Bạn xem những vật tổ mà họ điêu khắc, khắc lên cái cột nhà, miệng diều hâu, mắt diều hâu, hình cáo, hình rắn, đều khắc trên các vật tổ. Vì sao vậy? Bởi vì họ chiêu cảm.

Khi làm cúng dường, họ thỉnh đến rất nhiều linh của các động vật ở trong rừng sâu, vì thế, bạn xem họ điêu khắc, cứ khắc ra thì sẽ là chim ưng, rắn, cáo, những động vật như thế, khắc ở trên vật tổ. Bọn chúng không phải là không có pháp lực, linh động vật cũng có pháp lực, cho nên thầy phù thủy của thổ dân da đỏ, đừng cho là họ không có pháp lực, thật ra cũng có pháp lực đó, bởi vì linh mà họ chiêu cảm chính là linh động vật.

Rồi cả tượng nhân sư của Ai Cập, đạo Shaman của châu Phi nữa, những linh thỉnh đến phần nhiều đều là linh động vật. Giống như lúc nhỏ chúng ta chơi trò tiên đĩa, linh động vật cũng sẽ đến. Bạn xem cái đĩa kia ở đó tự nó chạy rồi chạy. Thật ra chẳng làm gì nó cả, chỉ có nói: “Xin mời đến!” “Thỉnh tiên đĩa đến!” Ba người vịn vào, im lặng thỉnh tiên đĩa đến. Đến rồi thì cũng không có mời gì, bảo họ uống một cốc nước, họ liền chạy đến nước để uống nước. Bảo họ ăn một viên đường, họ liền chạy đến chỗ viên đường ăn một viên. Đây cũng rất có khả năng là linh của động vật, cũng có khả năng không phải, cái này phải xem tâm tính của hành giả. Bạn là hành giả mà không có gì cả, lại còn ham ăn, háo sắc, thói xấu này không sửa, thế thì vĩnh viễn bạn chỉ thỉnh được linh động vật.

“Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp nói rằng con người sẽ đọa lạc vào trong tam ác đạo là bởi vì mười điều ác nên mới đọa lạc, mười ác cũng chính là giết, cướp, dâm, nói dối, ác khẩu, hai lưỡi, nói lời tục tĩu, tham, sân, si. Bạn phạm vào mười ác này thì bạn sẽ trụ tâm ở bên trong động vật. Kiếp sau chuyển thế, chẳng có gì để nói, bạn sẽ biến thành động vật.

Cho nên ở đây phải xem trụ tâm của bạn, mười trụ tâm của đại sư Hoằng Pháp cũng tương đương với mười pháp giới. Bạn đọa lạc đến tam ác đạo, đó là vì sao? Bởi vì bạn phạm vào mười điều ác này, thế thì đương nhiên bạn sẽ đọa lạc đến tam ác đạo. Bạn học pháp mà không tu tâm, đương nhiên bạn sẽ triệu thỉnh được linh động vật.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

03/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

115. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm của con người

Chúng ta lại giảng “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp.

Bây giờ đi vào loại tâm thứ hai - tâm của con người. Tâm của động vật đã giảng xong rồi, bây giờ nói về tâm của con người. Rời khỏi tâm động vật này, tâm của con người cao cấp hơn tâm động vật một chút. Bạn sinh ra làm một con người, bản thân bạn đã là không tệ rồi, xem ra cũng là tốt rồi.

Con người là linh của vạn vật, căn cứ theo điều nói đến trong kinh Phật, bạn muốn chuyển thế làm một con người cũng không đơn giản, cho nên chí ít, bạn cần hiểu về luân lý làm người. Luân lý làm người là cái gì? Chính là tam cương ngũ thường mà trước đây chúng ta vẫn nói. Tam cương là nói về mối quan hệ vua tôi, quan hệ cha con, quan hệ vợ chồng. Bạn xem trong các loài động vật, quan hệ vợ chồng của bản thân con người tương đối nghiêm một chút. Những động vật bình thường đương nhiên cũng có kiểu quan hệ vợ chồng này, nhưng quan hệ vợ chồng của chúng tương đối nông cạn, quan hệ giữa vợ chồng của con người thì tương đối chặt chẽ. Vua tôi, cha con là một loại quan niệm luân lý, cái này ở con người mới có. Cho nên bản thân con người là linh của vạn vật, nguyên nhân chính là ở đây.

Thế còn ngũ thường? Chính là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Có thể nói là con người hay nói đạo lý, còn biết nói một vài lý lẽ. Động vật thì chẳng có cái lý gì để mà nói, hoàn toàn mạnh hiếp yếu. Sư Tôn từng xem một bộ phim về đáy biển, tôi từng nghĩ là: “Hầy! Làm cá cũng không tệ nhỉ! Cá thật tự do, thật tiêu dao!” Nhưng mà sau khi xem xong bộ phim về đáy biển đó thì tôi: "Thôi, không muốn làm cá.”

Ở dưới biển, những con cá mập rất lợi hại, còn có rất nhiều loại cá đều tàn sát lẫn nhau. Ví dụ chúng ta nói cá ngừ đại dương, hình như gọi là tuna, tiếng Anh hình như nói là tuna, con tuna đó đang bơi dưới biển, cá mập xuất hiện, nó thích nhất là ăn tuna. Đột nhiên bơi đến, liền “oa” lên, cắn một cái, con tuna lập tức biến thành hai nửa, máu chảy ra, cả đáy biển đều nhuộm màu đỏ. Vì thế, đây là thế giới mà cá lớn nuốt cá bé rất khủng bố.

Bởi vậy đó là thế giới của động vật, hầu hết với động vật mà nói thì chúng chẳng nói đạo lý, chúng chỉ nói về kẻ mạnh và kẻ yếu. Cho nên sinh tồn dưới đáy đại dương không dễ dàng. Trước kia tôi nghĩ: làm cá là tự do nhất! Tự do tự tại bơi lội dưới biển, tốt biết bao! Không ngờ thế giới dưới đáy biển cũng rất hung tàn, rất tàn nhẫn.

Lại xem thế giới không trung. “Í, làm chim thật tốt! Rất tự do, còn có thể bay nữa, có thể bay thật tốt!” Không ngờ thế giới không trung này cũng thế. Có con chim ưng, nó nhìn thấy kẻ yếu thì cũng như thế. Bạn nói xem, những động vật bò trên mặt đất chúng ta thì lại càng giống như thế.

Vì thế mới nói, con người mới là linh của vạn vật. Vì sao là linh của vạn vật? Bởi vì con người vẫn còn có lý tính nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Có thể nói bản thân con người vẫn còn nói đạo lý, vẫn còn muốn nói một chút đạo lý, cho nên có cái lý tính này. Bởi vì có lý tính, có giữ luân lý làm người, nên mới trở thành con người.

Chúng ta làm một con người, giả sử nói là bạn giữ tam cương ngũ thường, hơn nữa không phá hoại quy tắc của con người thì tương lai bạn chuyển thế vẫn có thể làm người. Bạn làm trái tam cương ngũ thường thì bạn sẽ tiến vào tâm động vật. Nếu bạn làm mười ác, giết, cướp, dâm, nói dối, ác khẩu, hai lưỡi, nói lời tục tĩu, tham, sân, si, thì sẽ đọa vào tâm động vật thấp kém. Vậy bạn giữ tam cương ngũ thường thì bạn có thể nói là chính nhân quân tử, đời sau bạn chuyển thế cũng sẽ không luân hồi đến nơi không tốt là tam ác đạo, chí ít bạn còn là một con người.

Bởi vì bạn là một con người, cho nên nếu bạn dùng tâm của người để làm triệu thỉnh, bạn có thể triệu thỉnh được ma, cũng tức là triệu thỉnh được người đó. Nhưng mà người này là vô hình, đây gọi là “phi nhân”. Trong kinh Phật chúng ta thường nhắc đến phi nhân, nhân phi nhân, ý nghĩa chính là nói về người vô hình. Trong tâm bạn nghĩ, dùng tâm của con người để triệu thỉnh thì bạn sẽ cảm ứng được phi nhân.

Trước đây, trong cuốn sách “Pháp thuật của Mật giáo” tôi có viết rồi, có pháp gọi là Linh đồng nhĩ báo, pháp thuật này có thể triệu thỉnh được linh đồng nhĩ báo, năng lực của họ cũng rất lớn.

Bạn chỉ cần cúng tiểu đồng tử, dùng vật chất tinh thần trên thân của đứa bé đó, biết ngày mất của đứa bé đó, sau đó bạn niệm chú triệu thỉnh, cúng dường, chỉ cần linh của đứa bé đó đến, sau khi tiếp nhận cúng dường của bạn, bạn sẽ trở nên rất linh. Đứa bé đó là vô hình, sẽ thường xuyên nói chuyện với bạn ở bên tai bạn.

Người làm pháp sư thường xuyên làm pháp Linh đồng nhĩ báo hoặc tu pháp này, ở Đông Nam Á cũng rất nhiều, pháp này gọi là nuôi quỷ, tức là nuôi linh của trẻ con. Vậy nuôi linh trẻ con có lợi ích gì? Bởi vì chúng có thể giúp đỡ pháp sư, có thể dự đoán, có thể giúp người ta đoán mệnh, có thể dự đoán lành dữ, nhưng linh lực của chúng vẫn là có hạn.

Nếu dùng tâm của con người để tu pháp có thể triệu thỉnh được nhân phi nhân, đây chính là một đạo lý tương ứng. Vì thế, đại sư Hoằng Pháp giảng “Thập Trụ Tâm Luận”, thật ra chính là đang nói về yoga, cũng chính là nói về tương ứng, bởi vì bạn là một con người, cho nên bạn cũng sẽ triệu thỉnh được con người.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

04/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

116. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm động vật và tâm người (1)

Hôm nay chúng ta tiếp tục giảng “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp. Chúng ta đã biết trụ tâm thứ nhất là tâm động vật, trụ tâm thứ hai là tâm con người. Hai trụ tâm này muốn triệu thỉnh linh động vật và phi nhân thì đều rất đơn giản.

Mọi người biết rằng ở thế giới phương Tây có những “nhà ngoại cảm”, họ muốn triệu thỉnh người đã chết đến, rất đơn giản, họ duỗi tay ra như thế này, mấy người ở bên cạnh ngồi thành vòng tròn, nắm lấy tay nhau, cùng nghĩ về người này, miệng thì niệm tên của người này là được.

Vì sao phải nắm tay nhau? Ở đây có một mấu chốt, bản thân tôi phát hiện ra rằng, vì bản thân mỗi cá nhân đều có linh thể, vậy chỉ cần tập hợp linh thể của vài người tập hợp lại với nhau thì sẽ sản sinh ra một dạng sức mạnh. Nhờ vào dạng sức mạnh này, rất nhanh chóng có thể tiến vào linh giới, linh giới lập tức sẽ biết ngay là có mấy người đang triệu thỉnh một linh nào đó, linh đó nhanh chóng sẽ đến, đây là cách làm pháp của nhà ngoại cảm ở nhân gian.

Tay của họ như thế này, đặt chéo nhau và nắm lấy tay của người bên cạnh, tạo thành một vòng tròn, sau đó nghĩ đến một người, niệm tên của họ. Chà! Người đó rất nhanh chóng xuất hiện, trên thực tế là thật sự xuất hiện.

Trước kia ở Đài Loan rất thịnh hành trò bói đĩa, ba người vịn vào cái đĩa, thật ra chỉ cần tĩnh tâm lại, linh khí này sẽ thông qua ngón tay tiến vào bên trong cái đĩa, bản thân cái đĩa sẽ phát ra một dạng sức mạnh. Chỉ cần linh khí sinh ra trên cái đĩa này, linh giới xung quanh biết được thì sẽ nhập vào cái đĩa, nó sẽ có thể di động, đây chính là tiên đĩa.

Ví dụ như tôi mà nói, giả sử tôi muốn vịn vào thứ này, tôi không cần ba người, một mình tôi là có thể vịn được rồi. Một người sờ vào vành của đĩa, chuyên tâm nhất trí, đợi một lát nó sẽ tự chạy, sẽ chuyển động. Cũng có người chơi trò bói tiền, bói tiền tức là một đồng tiền mà thôi, tay chạm vào mặt trên của đồng tiền, tự nó sẽ di động, nhưng liệu có linh cảm không? Chính vì linh tại linh giới chỉ là linh động vật, phi nhân, chỉ là ma, cho nên linh lực của chúng không phải là rất lớn. Bạn hỏi họ sự việc, họ cũng có thể tùy tiện trả lời. Cho nên chuẩn hay không chuẩn, đó lại là một chuyện khác.

Nếu thỉnh linh động vật và phi nhân đến, thật sự là quá đơn giản, chỉ cần bạn dùng ý niệm để thỉnh, cúng dường một chút đồ, chuyên tâm nhất trí, tĩnh tâm lại là có thể thỉnh được.

Tôi nhớ lúc trước tôi học cấp ba cũng chơi trò bói đĩa, chúng tôi rất dễ dàng thỉnh được phi nhân đến. Ba người vừa chạm vào, tập trung tinh thần một cái là linh giới lập tức biết được. Họ đến rồi thì rất kỳ lạ. Hỏi họ: “Từ đâu đến?” Họ liền chạy chạy chạy, đáp án: “Hồ Nhật Nguyệt.”

Sau đó lại hỏi: “Vì sao lại ở hồ Nhật Nguyệt?” Họ lại chạy chạy chạy, đáp án: “Tự sát.” Thì ra là nhảy hồ Nhật Nguyệt tự sát. “Thế vì sao mà tự sát?” Họ nói: “Khốn đốn vì tình.” Khốn đốn vì tình thì đúng là rất đau khổ rồi! Vì thế họ đi nhảy hồ Nhật Nguyệt tự sát. Họ đến thật đó! Chúng tôi không hề có ý đi thỉnh linh tự sát ở hồ Nhật Nguyệt đến, nhưng thật sự họ đã đến rồi! Sau đó chúng tôi hỏi họ: “Thế đến đây, có yêu cầu gì không?” Họ lại chạy chạy chạy, đáp án: “Tìm người kết hôn.” Họ muốn cưới! Bạn có biết không? Họ muốn kết hôn đó! Chúng tôi hỏi: “Tìm ai?” Họ nói: “Tìm cậu đó!” Úi! Chúng tôi đều không dám chơi nữa. Rất nhiều sự việc thật sự là như vậy.

Bạn có biết không, chơi trò bói đĩa cũng sẽ sinh bệnh đó. Trước kia, khi tôi ở Đài Loan giúp người ta hỏi chuyện, có một cô gái tinh thần rất hoảng hốt, một cánh tay thì như thế này (Sư Tôn làm bộ dạng chơi bói đĩa). Bố mẹ cô đưa cô đến hỏi: “Vì sao lại như vậy?” Chính là do cô ấy chơi bói đĩa, linh mà cô ấy triệu thỉnh tới đã kết hôn với cô gái rồi, kết quả là biến thành hiện tượng này.

Cho nên bản thân linh có thể quấy nhiễu, có thể chiếm nhà. Cái gọi là chiếm nhà tức là đi vào bên trong thân thể của một người. Nếu linh đi vào bên trong thân thể của người đó thì sẽ biến thành “vật trung gian của linh”. Ở Đài Loan gọi là kê đồng. Đôi khi bạn sẽ bị phi nhân chiếm nhà, nghiêm trọng một chút là bạn sẽ biến thành crazy [điên], sẽ phải vào bệnh viện tâm thần.

Cho nên nếu linh động vật và linh của phi nhân quấy nhiễu, thân thể con người bị chiếm đoạt, người đó sẽ biến thành hai dạng nhân cách. Đàn ông khi nói chuyện đột nhiên biến thành giọng nữ, phụ nữ khi nói chuyện đột nhiên biến thành giọng nam. Cô gái còn rất trẻ đột nhiên biến thành giọng của người già, đó chính là bị phi nhân chiếm nhà. Hiện tượng này rất nhiều. Vì thế nói chung, tu hành trong linh giới phải tránh linh động vật và linh của phi nhân đi vào quấy rối bạn.

Bản thân Sư Tôn mà nói, trên phương diện triệu thỉnh linh, tôi có năng lực rất cao. Chỉ cần một ý niệm là tôi đã có thể triệu thỉnh đến, chỉ cần một ý niệm là tôi làm xong rồi. Còn nữa, tôi còn có một năng lực, hôm nay tôi muốn mơ thấy ai, buổi tối hôm đó tôi liền có thể mơ thấy người đó. Bạn cũng không chắc có thể làm được là ban ngày nghĩ gì thì tối mơ thấy cái đó.

Hay! Nói hay lắm! Hôm nay tôi nghĩ, nghĩ, nghĩ đến người đó, nhưng khi bạn đi ngủ, bạn chưa chắc đã mơ thấy người đó đâu. Nhưng hôm nay tôi có năng lực này, Sư Tôn thật sự có bản lĩnh này! Muốn mơ thấy người đó là liền mơ thấy người đó.

Tôi cũng có thuật cầu nguyện của tôi, tôi có phương pháp của tôi để nhiếp triệu người này đi vào trong giấc mơ của tôi, thế là buổi tối tôi có thể mơ thấy. Đây cũng là một dạng công lực tu hành. Giả sử ý niệm của bạn rất mạnh, bạn sẽ có thể nhiếp triệu được phi nhân. Thậm chí người còn sống ở dương thế cũng có thể đi vào trong giấc mơ của bạn.

Vì thế tu hành, bạn phải tu đến một cảnh giới nào đó, khi năng lực của bạn rất cao, chỉ cần nghĩ đến là tất cả mọi việc đều có thể làm được. Ví dụ tôi nghĩ đến một người ở nơi rất xa cũng được. Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

07/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

117. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm động vật và tâm người (2)

Chúng ta lại nói về “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp, trong đó nói đến triệu thỉnh chư Thiên, Phật, Bồ Tát. Quan trọng nhất tức là nói rằng cảnh giới tu hành của chính bạn càng cao thì cao linh mà bạn triệu thỉnh càng cao, cảnh giới của bạn càng thấp thì linh triệu thỉnh đến càng thấp. Cho nên mới nói linh động vật và phi nhân đều cực kì dễ triệu thỉnh.

Có một số đứa trẻ tùy tiện nặn mấy hình người bằng đất, học người lớn bái thần, trẻ con chơi trò gia đình, dùng những người đất này làm người, thế rồi mấy đứa bé cũng bái lạy. Học theo mẹ của chúng, học theo dì của chúng lạy thần. Bạn đừng coi thường trò này nhé. Lạy một cái là lập tức có linh nhập vào thân. Mấy đứa bé này nhìn thấy thì cảm thấy rất lạ lùng kì quái: “Sao lại thế? Làm sao mà nhập vào thân được?”

Thật ra muốn nhập vào thân rất đơn giản, bạn gõ trống: “Tùng, tùng tùng! Tùng, tùng tùng!” Bạn thử liên tục gõ trống mà xem, tiếng gõ trống này vang lên, nhịp trống đều nhau sẽ đi vào trong linh giới, linh giới lập tức biết được có người gõ trống triệu linh, linh thật sự sẽ đến. Cả một đám, cả một bầy, tất cả kê đồng đều nhảy nhót, đều đứng dậy hết.

Sư Tôn khi triệu thỉnh thì rất nhanh, tôi mà biểu diễn thì nhanh lắm. Tôi cầm một cây gậy lên, hát một bài kệ triệu thỉnh, trước đây tôi từng hát rồi: “Các nội cảnh trong người, ba vạn sáu nghìn thần, nguyện thân ta tự tại, thường trụ trong Tam Bảo.” Thần lập tức có thể viết chữ trên bàn, lập tức linh động. Việc triệu thỉnh này của tôi rất nhanh, một ý niệm xuất hiện, vừa nãy ngài viết gì thế? Tôi không nhìn rõ.

Nhưng ở trên bàn cát có thể hiển chữ: Tôi là người nào, hoặc tôi là thần nào, lập tức sẽ đến. Đây không phải là tôi dọa bạn đâu, không phải là tôi đang ở đây kể chuyện cười, không phải là mở miệng ra nói bừa, mà là nói căn cứ theo những gì được nói trong sách, nói trong kinh điển. Hát một bài hát triệu thỉnh, thần lập tức giáng xuống. Thế là xuống rồi, không phải là nói đùa đâu, linh cũng như thế. Linh giới và bản thân con người chúng ta là tương thông.

Giống như tôi và linh giới căn bản là thông. Tôi chỉ cần một suy nghĩ, linh đó sẽ đến. Cho nên mọi người xem Sư Tôn hỏi việc, làm thế nào vậy? Tôi còn chưa hỏi, họ đã nói rồi. Còn chưa hỏi đã trả lời rồi. Nhanh lắm. Rất nhanh, rất nguy hiểm! Căn bản là có đôi khi, tôi không cần hát bài hát triệu thỉnh đó, ví dụ vừa nãy cái bài hát triệu thỉnh đó mới hát được một nửa thì linh đã đến rồi, linh đã biết tôi muốn biểu diễn rồi! Trên thực tế chính là như vậy, linh luôn ở xung quanh.

Bởi vậy, bạn là một người thông linh chân chính thì linh giới của bản thân bạn sẽ ở xung quanh bạn, rất nhanh chóng có thể mở ra cánh cửa tâm linh, có thể giao tiếp với nhau. Vừa rồi tôi làm như thế chính là lên đồng viết chữ, hát một bài, triệu thỉnh, nhanh chóng cầm bút lên, lập tức sẽ viết chữ trên cát. Đương nhiên, tôi cũng sẽ bị nhập. Tôi cũng có thể bị nhập lên người. Tôi chắp tay một cái là linh cũng giáng xuống, lập tức sẽ biến thành một âm thanh, lập tức tạo thành một tư thế, nói: “Tôi là cái gì đến đây.” Sau đó lập tức kết thủ ấn, thế là đến.

Là một người thông linh thì bạn sẽ có được năng lực này để đi làm các việc. Vì thế, cảnh giới bạn tu mà càng cao thì linh đến sẽ càng cao, cảnh giới của bạn thấp, gần như về cơ bản bạn không có tu hành gì, thì ma bình thường sẽ đến nhập vào người bạn. Ma cũng có ngũ thông mà. Họ cũng có thần thông, không phải là không có, họ là vô hình, hơn nữa họ đến đi rất nhanh. Linh động vật cũng rất lợi hại, bạn xem những người thổ dân da đỏ đó, một đám người quây quanh đám lửa và nhảy, nhảy một cái là mỗi người đều bị nhập. Đạo Shaman ở châu Phi, mọi người nhảy múa, đánh một loại trống, thế là có thể tiến vào linh giới. Nhịp trống đó vang lên là linh giới sẽ biết, toàn bộ đều đến, toàn bộ đều nhập vào thân.

Kê đồng của Đài Loan, gõ trống, liên tục “tùng tùng, keng… tùng tùng, keng.” Liên tục gõ liên tục gõ, linh lập tức sẽ đến. Vì thế, hành giả chúng ta phải chú ý, linh bạn triệu thỉnh nhất định phải là thế giới thượng tầng (thiên thượng giới), đừng để bị phi nhân và linh động vật lợi dụng.

Hôm nay giảng “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp, quan trọng nhất chính là nói rằng, bạn tu hành phải hiểu cách tránh được linh động vật và linh của phi nhân. Nói chung, trong bệnh viện tâm thần có rất nhiều người có hai loại nhân cách, những người này thật sự là bị phi nhân và linh động vật chiếm thân rồi. Họ cứ một lúc thì tỉnh táo, con người rất tốt, đối với người khác rất lịch sự, một lát sau nếu linh nhập tỉnh dậy thì, vốn là một cô gái thôi, nhưng mà năm, sáu người đàn ông cũng không bắt được cô ấy, cô ấy cực kì khỏe. Cơ bản là cô ấy đã bị linh nhập, linh đó là linh gì? Là crazy cow, con bò điên đó. Chà, thảm rồi, linh của bò điên nhập lên người đó.

Bởi vậy hôm nay giảng “Thập Trụ Tâm Luận”, quan trọng nhất là chúng ta tuy thông linh, nhưng phải biết phân biệt mười loại trụ tâm. Bản thân bạn phải giữ năm giới, làm mười thiện, tự mình phải biết tu tâm, tâm mình biến thành tâm của cõi trên, thế thì bạn sẽ triệu thỉnh được linh của cõi trên. Tâm của bạn chảy xuống tầng thấp thì sẽ giống tâm của động vật, tức là có hai đặc trưng thực, sắc.

Giống tâm con người chính là tam cương ngũ thường, đó là tâm con người. Giả sử bạn không tu hành, thế thì bạn chẳng qua là ở giữa hai cảnh giới mà thôi. Bạn có tu hành, sắp tới tôi sẽ nói về tâm cao hơn, sâu hơn một chút, bạn sẽ có thể triệu thỉnh được Phật Bồ Tát.

Vì thế tâm của Phật Bồ Tát là quảng đại vô biên, không phải là keo kiệt hẹp hòi. Quan Thế Âm Bồ Tát đó, không có Quan Thế Âm nhỏ mọn, làm gì có Nam mô nhỏ mọn Quan Thế Âm chứ? Tâm lượng rất nhỏ hẹp thì làm sao làm Quan Thế Âm Bồ Tát được? Quan Thế Âm Bồ Tát là đại từ đại bi mà.

Cho nên chúng ta làm một con người, tuyệt đối không thể hẹp hòi, cũng không thể nhỏ mọn. Tấm lòng phải rộng lớn, bạn sẽ có thể triệu thỉnh được thiên thượng giới. Tâm lượng bạn hẹp hòi, thôi xong! Bạn tuyệt đối không triệu thỉnh được thiên thượng giới đâu, bởi vì linh động vật chính là nhỏ hẹp. Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

07/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

118. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm Atula (1)

Chúng ta lại giảng “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp. Hôm nay chúng ta giảng tâm thứ ba là tâm của Atula. Trong Phật giáo có nhắc đến Atula, bản thân Atula mà nói, so với lực của con người thì cao hơn (lực ở đây là chỉ một dạng pháp lực).

Ở bên trong cảnh giới của Atula, họ đã biết tu hành, trong cảnh giới của con người thì vẫn chưa biết tu hành, chỉ giữ luân lý làm người bình thường mà thôi. Bản thân Atula có tu hành, nhưng vì sao lại biến thành Atula?

Chính là vì cảnh giới tu hành của bản thân họ vẫn chưa thể mở cái tâm ra, vẫn chưa thể hoàn toàn biến tâm thành rất quảng đại, chỉ là một dạng tu hành rất nhỏ hẹp, rất hẹp hòi. Chúng ta biết rằng, Atula từng cùng với Đế Thích Thiên thường xuyên có chiến tranh. Trong linh giới, chư Thiên cùng Atula Vương từng có chiến tranh, có hai truyền thuyết:

Truyền thuyết thứ nhất là nói rằng, Thiên Đế chính là Đế Thích Thiên (Nhân Đà La, Thích Đề Hoàn Nhân), ngài lấy công chúa của Atula làm vợ, ở trong cõi Dục giới vẫn có quan hệ vợ chồng. Vì thế, Nhân Đà La Thiên Đế đã lấy công chúa của Atula.

Công chúa Atula của Thiên Đế rất xinh đẹp, nhưng xinh đẹp cũng không phải là mãi mãi, bất kì thứ gì nhìn lâu thì cũng giống như gặm cây mía vậy, ban đầu thì ngọt, sau cùng chỉ còn lại bã mía thôi! Vì thế, xinh đẹp cũng không phải là vĩnh viễn. Giống như ăn kẹo cao su vậy, ban đầu thì ngọt, sau cùng thì chỉ còn lại bã kẹo cao su, tương tự chỉ muốn nhổ đi.

Cho nên Thiên Đế đó, đại khái là Dục giới thiên cũng có kiểu tâm lý này, công chúa của Atula Vương tuy rằng rất xinh đẹp, nhưng lâu ngày thì cũng không còn cảm giác nữa. Thiên Đế ở trong vườn hoa lại để mắt đến người khác, Atula Vương liền rất tức giận, xuất binh đánh nhau với Đế Thích Thiên. Đây là truyền thuyết thứ nhất.

Truyền thuyết thứ hai là nói rằng, Thiên Đế đi chơi, Đế Thích Thiên dẫn đầu tất cả quyến thuộc đi trong hư không. Atula Vương đang ở dưới đáy biển mở party [tiệc], chắc là birthday [sinh nhật] của Atula Vương, ông ta đang ở đó mở tiệc. Đột nhiên ngẩng đầu lên nhìn, chà! Đế Thích Thiên dẫn đầu quyến thuộc, xe ngựa như vậy đi qua trên đầu ông ấy. Ông ấy nhìn thấy thế thì nghĩ… Ta đang mở party, ông lại bay qua trên đầu ta, đúng là bất kính với lão già ta, vì thế xuất binh tấn công Đế Thích Thiên.

Đây là một truyền thuyết nữa giữa Atula Vương và Thích Đề Hoàn Nhân. Vì sao giữa hai người Atula Vương và Đế Thích Thiên lại sứt mẻ tình cảm, tấn công lẫn nhau? Muốn tu thành Atula, không phải là tôi dạy mọi người tu thành Atula đâu, ý tôi muốn nói là rất nhiều người tu hành đều tu thành Atula. Là nguyên nhân gì mà lại tu thành Atula? Chính là vì tâm lượng của bản thân bạn không rộng mở.

Tâm lượng của một hành giả không rộng mở, thì cho dù pháp lực của anh ta có mạnh, cũng chẳng qua chỉ là Atula thôi. Bởi vì tâm lượng của anh ta rất hẹp hòi. Atula có hai đặc trưng: một là đố kỵ, hai là tranh đấu. Đố kỵ và tranh đấu sẽ khiến bản thân bạn biến thành Atula. Ngoài ra, Atula Vương còn có một biểu hiện bề ngoài nữa, chính là tự cao ngạo mạn. Hiện nay rất nhiều người tu hành đều như vậy.

Trước kia nhóm múa rối Hoàng Tuấn Hùng, trong vở múa rối của họ có lão hòa thượng Lục Nguyên, cuộc nói chuyện của họ đầy ý vị thiền. Có người nói ông ấy: “Ôi chao! Võ công của ông là số một!” Lão hòa thượng Lục Nguyên liền nói: “Đến giờ mới biết à!” Thế rồi một người khác lại nói: “Chẳng ai bằng được ông!” Hòa thượng Lục Nguyên nói thế này: “Đúng là chẳng ai bì được với tôi.”

Tôi nói với bạn nhé, người tu hành ngày nay chính là như vậy. Không ai bì nổi với họ, võ công của họ là cao cường số một. Gần như mỗi người đều như vậy, bạn nói: “Ai đọ ai? Ai sợ ai chứ? Rùa sợ dùi sắt, gián sợ giầy rơm.” Ai cũng đều đang so bì cao thấp. Giống như tiểu thuyết võ hiệp, cũng đều là so bì cao thấp.

Làm một người tu hành, không nên giống những nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp, toàn là so bì cao thấp. So bì cao thấp sẽ tu thành Atula, bạn là người võ công cao nhất sẽ biến thành Atula Vương, còn phổ thông thì sẽ biến thành Atula quyến thuộc. Rất đơn giản, bạn đi vào trong cái tâm hẹp hòi này thì sẽ biến thành Atula. Tâm lượng đó rất nhỏ, cho nên khi cái tâm tranh đấu này sinh ra, bản thân hành giả phải tự mình cảnh giác, không được có cái tâm này.

Một khi cái tâm tranh đấu này sinh ra, hành giả cũng phải cảnh giác, không thể có tâm tranh đấu, phải có tâm rộng lượng. Người có tâm lượng hẹp hòi thì đừng nói tu hành! Có những người đôi khi tâm lượng thật sự là quá nhỏ hẹp, quá “tiểu lượng”, tính toán chi li, cho dù một cái kim cũng không bỏ qua. Thậm chí một câu nói, thế là không ra gì! Một cái nhìn, thế là không ra gì! Vì thế, đôi khi giống như những sự việc gây thị phi kia, chỉ một cái nhìn thôi thế là be bét!

Tôi thường đọc trên báo thấy nói, ví dụ ở trong nhà hàng ăn cơm, một người vô ý ngẩng đầu lên nhìn người khác một cái, người kia liền cảm thấy không thoải mái, gây ra họa giết người. Chỉ vì một cái nhìn, thế là thôi, giống như thế thì chính là Atula.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

08/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

119. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm Atula (2)

Một người tu hành, không thể tu thành cái tâm Atula trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp. Nhưng vẫn cứ có rất nhiều hành giả đi vào con đường này, trong con mắt của người thông linh thì rất dễ có thể nhìn ra.

Chúng ta rất dễ nhìn ra bản thân người này có phải là Atula không, bởi vì ở xung quanh người này, Hộ pháp mà họ thu hút tới nhất định là Atula ở xung quanh họ. Bạn nhìn một cái, nhìn thấy những Atula này là biết ngay, a, người này đã tu vào đạo Atula rồi, cũng tức là đã đi vào bên trong con đường tự cao ngạo mạn, đố kỵ, tranh đấu rồi.

Điều này là phải tránh, mỗi một hành giả chúng ta đều phải tránh, bạn nhìn một người tu hành, một người tu hành chân chính đều mang theo một sự biết ơn, vì thế chúng ta thường nói “trên báo bốn ơn sâu, dưới cứu ba đường khổ”. “Trên báo bốn ơn sâu” tức là phải báo ơn, bất kì một hành giả nào đều phải báo ơn, đều phải có cái tâm biết ơn. Ơn chúng sinh cũng là một trong số đó. Vì thế không thể tự cao ngạo mạn.

Ví dụ lấy Sư Tôn để nói, trước kia tôi… bây giờ cũng như thế, tôi cho rằng người lớn tuổi hơn tôi, người tu hành lâu hơn tôi, hoặc là chúng sinh, tôi đều có thể đảnh lễ họ. Tôi cũng có thể đảnh lễ trước mọi người, có thể đảnh lễ tất cả chúng sinh, bởi vì đều có ơn.

Nếu nói về ơn thì gần như mỗi một đệ tử đều là tư lương chủ của bản thân Sư Tôn. Sao lại nói như vậy? Tư lương chủ tức là nói rằng, tư lương của bản thân Sư Tôn đều đến từ đệ tử, bình thường họ cúng dường Sư Tôn, bất kể là hai đồng tiền Malay cũng tốt, hai đồng tiền Canada cũng tốt, một đồng đô-la Mỹ cũng tốt, nhiều và ít là như nhau, không có phân biệt, đều là tư lương chủ. Vì thế đối với chúng sinh cũng cần cảm ơn, đối với bản thân đệ tử cũng cần cảm ơn.

Trước đây tôi đi gặp một số đại hòa thượng, hoặc gặp sư phụ của mình, tôi đều đảnh lễ các vị. Tôi nhìn thấy sư phụ của mình tôi cũng đảnh lễ, nhìn thấy trưởng bối cũng đảnh lễ, không hề vì bản thân mình đã tu trì, đã thông linh rồi, đã có tư cách của Phật rồi, có tư cách của Bồ Tát rồi, đã đều có thể xuất nhập mười phương pháp giới rồi mà có thể vứt đi cái tâm biết ơn này.

Nhưng bây giờ mọi người hãy mở mắt ra nhìn xem, người kia đã tự cho rằng mình là đại sư rồi, mà đã là đại sư thì anh ta có còn đảnh lễ chúng sinh không? Thế thì có vấn đề mất, bởi vì anh ta đã rất to rồi, cho nên không thể nào đảnh lễ được. Bạn nói xem, có khi anh ta tự xưng là thượng nhân, thượng nhân thì tức là đã ở trên người khác rồi, có thể nào anh ta lại biến thành “hạ nhân” sao? Không thể nào. Vì thế, anh ta sẽ không đảnh lễ chúng sinh. Bạn nói xem, là đại sư thì anh ta đã rất to rồi, anh ta có thể biến thành “tiểu sư” sao? Không thể nào có chuyện đó, anh ta cũng sẽ không đảnh lễ chúng sinh.

Hành giả ngày nay phải biết, tâm phải mềm mại, phải có tâm từ bi, phải tự hạ mình xuống mới là một hành giả chân chính. Vì thế, tự cao ngạo mạn rất dễ đi vào đạo Atula, vậy thì sẽ không tốt.

Đạo Atula cũng sẽ thường xuyên đấu tranh với người ta, chúng ta là một người thông linh chân chính, khi ta nhìn thấy xung quanh hành giả này, Hộ pháp của người đó đều là Atula, chúng ta liền biết ngay, không cần nói gì cả, cũng không cần thảo luận gì với người đó, chắc chắn họ tự coi mình là trung tâm, không thể chấp nhận người nào khác, ngôn luận của bất kì người nào cũng không có cách nào đi vào trong họ, họ cũng không thể thay đổi được hành vi của mình, loại người này đã đi vào bên trong thế giới của đạo Atula.

Bản thân Atula mà nói, đương nhiên họ cao hơn linh động vật, cao hơn linh của phi nhân, bởi vì bản thân họ mà nói, họ cũng biết hành thiện, họ cũng giữ năm giới, làm mười thiện, họ cũng tu pháp, chỉ là tâm lượng của họ không rộng mở mà thôi, bởi vì tâm lượng không rộng mở cho nên mới đi vào đạo Atula.

Hôm nay không chỉ là con người đi vào đạo Atula, không chỉ là hành giả đi vào đạo Atula, rất nhiều tôn giáo cũng có hành vi của Atula. Bạn xem các tôn giáo trên thế giới hiện tại bây giờ, tôn giáo nào không nói họ là tốt nhất, trừ tôi là chính ra thì các phái khác đều là tà. Trừ họ là chính giáo ra thì các giáo phái khác đều là tà. Tôi không dám nói là tôn giáo nào, dù sao trừ thần của tôi ra, các thần khác đều là ma quỷ. Tương tự thế, những người khác cũng thế, ngoài tôi ra, những người khác đều là ma quỷ, vậy rốt cục ai là ma quỷ đây?

Ở đây đại sư Hoằng Pháp chỉ là đang luận bàn về tâm, nếu bạn có cái tâm đố kỵ, tranh đấu và tự cao ngạo mạn, đó chính là Atula, người có tâm lượng nhỏ hẹp chính là Atula. Phật chân chính, tâm lượng rất quảng đại, có thể dung nạp tất cả tôn giáo, có thể dung nạp tất cả chúng sinh, toàn bộ đều có thể bao dung hết, vậy mới gọi là Phật. Giả sử dùng quan niệm hẹp hòi, nhỏ mọn mà nói thì rất nhiều tông phái đều nằm bên trong thế giới Atula, không hề thoát ra khỏi tâm của Atula. Cho nên sau này mọi người phải nhớ, nhất định phải bồi dưỡng tấm lòng rộng lượng.

Cái “ngã” này tuyệt đối không phải là cái “tiểu ngã” ngạo mạn, mà là cái “đại ngã” của không gian vũ trụ. Tuy rằng bạn làm đại sư, hoặc là thượng nhân, bạn phải có thể đặt mình xuống thấp, cũng không phải bảo bạn làm tiểu nhân, mà là làm tiểu sư, bạn cũng có thể làm tiểu sư, cũng có thể làm đại sư. Đại sư chân chính là người hợp với đạo là lớn, nếu bạn hợp với chân lý vũ trụ, bạn mới là lớn, những cái khác không thể xem là lớn.

Hôm nay giảng đến đây. Om mani padme hum.

08/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

120. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm duy uẩn vô ngã (1)

Chúng ta lại nói về “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp - tâm thứ tư: tâm duy uẩn vô ngã.

Có thể nói loại tâm này đã dần dần tiến vào cửa Phật rồi, đã mở cánh cửa Phật rồi, tiến vào trong tâm này thì tương đối có mùi vị triết học và Phật học ở trong đó rồi.

Tâm Atula chưa có cái này, bản thân tâm Atula là tâm lượng nhỏ, đố kỵ, tranh đấu, cái này thuộc về tính cách của động vật thông thường.

Tiến vào tâm duy uẩn vô ngã có thể nói là mở cánh cửa Phật, đây là loại tâm thứ tư. “Uẩn” là chỉ ngũ uẩn, là như trong Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh của Quan Thế Âm Bồ Tát đã viết: “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Ngũ uẩn này chính là tâm duy uẩn vô ngã ở đây.

Ngũ uẩn là cái gì? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức chính là ngũ uẩn. Mọi người đừng coi thường Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, đó là một chân ngôn khai ngộ, là pháp khai ngộ, là một bản kinh khai ngộ thật sự. Trước kia tôi nói: kinh Đại Bát Nhã rút gọn lại một chút là biến thành kinh Kim Cang, kinh Kim Cang lại rút gọn một chút chính là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, kinh Tâm thật ra là tâm chân ngôn, cũng có thể nói là chân ngôn khai ngộ.

Điều đầu tiên nói đến là năm uẩn đều không: sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là không. Tôi nói với mọi người về sắc, sắc được nói đến ở đây, mọi người nghe xong đừng cho rằng là sắc trong từ háo sắc, sắc nói đến ở đây là chỉ vật chất, tất cả vật chất có hình tướng đều gọi là sắc. Bởi vì có cái sắc đó nên mắt bạn có thể nhìn thấy được, cho nên mới gọi là sắc. Vật chất hữu hình đều gọi là sắc.

Sắc là cái gì? Chính là giống như bong bóng, thật ra thế giới vật chất đều sẽ hư hoại. Bạn nói xây một ngôi nhà rất kiên cố. Tôi từng đi xem một ngôi nhà rất kiên cố, rất đẹp đẽ, khi người ta giới thiệu ngôi nhà đó nói, vật liệu xây dựng ngôi nhà này có thể trụ được hai trăm năm. Chà! Thật vững chắc, có thể trụ được hai trăm năm. Người mua nhà nghe xong, chà! Hai trăm năm là rất dài, nhưng sau hai trăm năm thì sao? Vẫn sẽ hư hoại.

Giữa trời đất này, những thứ vật chất đều sẽ hư hoại, cho nên gọi là bong bóng, là những bọt xà phòng tụ lại mà thôi. Chỉ cần là những thứ có hình tượng, những thứ vật chất, có thứ nào sẽ không hư hoại chứ? Đều sẽ hư hoại cả.

Chúng ta biết rằng đậu phụ là dễ hỏng nhất, đậu phụ không bỏ vào trong tủ lạnh để giữ lạnh mà để ở ngoài, một lát sau sẽ hỏng, hỏng rất nhanh. Con người chúng ta cũng có hình tượng, cũng sẽ hư hoại. Tất cả động vật đều có tuổi thọ, đều sẽ hoại diệt, vật sống đều sẽ hoại diệt, vật không sống đều sẽ hoại diệt, như nhau. Cây cũng thế, sẽ có một ngày nó già, sẽ chết. Những thứ có sinh mệnh đều sẽ hoại diệt, kể cả những thứ không có sinh mệnh cũng sẽ hoại diệt, ngay cả đá cũng sẽ bị gió bào mòn, cũng hoại diệt. Sắc là chỉ sự dài ngắn của thọ mệnh, giống như bong bóng, sẽ hoại diệt bất kì lúc nào.

Lại nói về giác thọ, cảm giác chính là giác thọ, tôi hỏi bạn: “Hôm nay are you happy?” [Bạn có vui không?] Bạn nói: “Happy!” Tốt. Bạn happy, thế happy ra sao? Vui như thế nào? Bạn nói với tôi xem bạn vui như thế nào? Không nói được! Đó chính là một loại cảm giác: về mặt cảm giác thì tôi thấy rất tốt, nhưng anh bảo tôi nói ra, tôi không nói được, đây chính là một loại cảm nhận. Cảm nhận cũng giống như bong bóng, giống như bóng nước ở trên mặt nước, nổi lên trên bề mặt, chính là cảm nhận.

Đôi khi người ta nói: “Ui chao! Tôi thật sự vui quá!” “Tốt rồi! Anh vui thế nào?” Không nói ra được, bạn thật sự không nói ra được, không phải là bạn nói dối, mà bởi vì cái thứ “vui vẻ” này không thể lấy ra được như một thứ trên thực tế, chỉ là một loại cảm giác được biểu hiện ra bề ngoài, đây chính là “thọ”.

Tiếp theo là “tưởng” đầy mùi vị triết học, tưởng trong ngũ uẩn chính là ý nghĩ của bạn, ý nghĩ của con người giống như con ngựa hoang nhảy tưng tưng. Bạn đọc kinh, bạn nói tôi đọc kinh Kim Cang, đọc từ đầu đến cuối. Phật Bồ Tát kiểm tra bạn, bạn chỉ đọc được một phần ba, bởi vì hai phần ba khi bạn đọc, ý nghĩ của bạn không đặt vào trong kinh Kim Cang.

Tôi tuyệt đối không lừa bạn đâu. Bạn đọc một bộ kinh Kim Cang, nói rằng ý nghĩ của bạn liên tục đặt vào trong việc niệm kinh Kim Cang, đây là chuyện không thể nào, bởi vì sẽ rất nhanh chóng có ý nghĩ khác xen vào, rất nhanh chóng chiếm chỗ ý nghĩ đang đọc kinh Kim Cang của bạn. Ý nghĩ giống như con ngựa hoang, trong nháy mắt sinh ra, trong nháy mắt biến mất. Đọc một bộ kinh điển ngắn ngủn bạn đã không thể đọc nổi rồi, cái uẩn thứ ba trong số năm uẩn, đó là ý nghĩ một chốc sinh ra, một chốc lại mất đi.

Tiếp theo nói về hành vi, hành vi giống cái gì? Giống quả chuối hột. Trong kinh Phật nói, hành vi giống quả chuối hột, chuối hột là cái gì? Ở giữa quả chuối hột là rỗng. Thấy cảnh là khởi lên hành vi tham sân si, tất cả đều là những hành vi rỗng.

Cuối cùng trong số năm uẩn là nói đến thức, thức trong từ ý thức. Thức trong từ ý thức là cái gì? Là huyễn. Ý thức sâu nhất nằm ở đâu? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạt-na thức, a-lại-da thức (chú thích: mạt-na có nghĩa là ngã chấp, chấp vào cái tôi; còn a-lại-da tức là cái mà mạt-na chấp vào cho rằng là tôi, ý nghĩa của nó là tạng, có thể ẩn giấu tất cả pháp), còn có am-ma-la thức (chú thích: am-ma-la thức còn gọi là thức thanh tịnh, thức vô cấu, thức chân như, Kinh Kim Cang Tam Muội nói: “Chư Phật Như Lai thường lấy một giác mà chuyển thành các thức, nhập vào am-ma-la thức. Bạn có thể lấy ra được ý thức sâu nhất không? Đó chỉ là một dạng huyễn, biến huyễn rất nhanh chóng, là không, chỉ là một dạng huyễn cảnh.

Chúng ta nói về ngũ uẩn, nói tới đây thôi. Om mani padme hum.

09/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

121. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm duy uẩn vô ngã (2)

Chúng ta lại nói về tâm duy uẩn vô ngã. Đây là loại tâm thứ tư trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp. Loại tâm thứ tư này đã có mùi vị Phật pháp ở trong đó rồi.

Bạn tu hành nhìn từ ngũ uẩn, bạn sẽ phát hiện ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hiện tượng sinh khởi và tịch diệt của chúng là cực kì rõ ràng hiển nhiên. Từ đây bạn sẽ hiểu được làm sao để vận dụng, làm sao để thích ứng, làm sao để từ ngũ uẩn này mà tu, từ trong ngũ uẩn này mà lĩnh hội tính Không.

Chúng ta tu trì đại thành tựu cầu vồng cũng có thể dùng các phương pháp để tu.

Ở đây nói đến vô ngã, đây là một lập luận của bản thân Phật, là một trong ba pháp ấn. Bây giờ nói về vô ngã, lấy một người làm đại diện, người này là “tôi”. Ok! Được rồi! “Tôi” ở đâu? Bạn phải nghĩ cái “tôi” này ở đâu? “Tôi” đương nhiên là ở đây rồi, nhưng “tôi” có phải là ở đầu không? Không phải ở đầu. Bởi vì còn có sự tồn tại của cái thân. ”Tôi” ở trong thân sao? Cũng không đúng. Ở tay à? Ở chân à? Phân tách đầu, tay, chân, thân thể của bạn ra, hỏi bạn, “tôi” ở đâu? Rốt cục ở đầu, ở thân, ở chân, hay ở tay? So sánh như vậy mọi người đều có thể biết được rằng bản thân cái “tôi” này mà nói, căn bản chính là một dạng không huyễn, khi bạn phân tách đầu, tay, thân, chân ra, rốt cục “tôi” ở đâu? Không có.

Trước kia Thiền tông nói, một con giun, chặt ra, biến nó thành hai nửa, nửa bên này cũng ngọ nguậy, nửa bên này cũng ngọ nguậy, sư phụ liền hỏi: “Sinh mạng của con giun này ở đâu? Ở bên nào?” Đây chính là một triết học rất vi diệu, để bạn suy nghĩ sinh mệnh ở đâu.

Vốn dĩ sau khi phân tách cái “tôi” này ra thì cái gì cũng không có, bản thân cái “tôi” này không còn nữa, đây chính là “vô ngã” mà Phật Đà đã đưa ra, đây chính là pháp ấn thứ nhất. Mà nếu đã vô ngã rồi thì ngay cả bạn cũng không có, không có người ta, sau đó phát triển đến cuối cùng thì không có chúng sinh, chúng sinh làm gì có chứ? Đều là một hiện tượng sinh diệt mà thôi. Khi bạn đến được bước này rồi thì hoàn toàn giải thoát khỏi phiền não, đây chính là tâm duy uẩn vô ngã. Tiến vào bên trong tâm này, phiền não giải thoát, bạn chính là đang trụ tâm vào tâm duy uẩn vô ngã.

Vì sao phiền não của bạn có thể giải thoát? Bởi vì phiền não của chúng sinh đều là do cái “tôi” sinh ra, do cái “tôi” so sánh với người khác thì sẽ sản sinh ra phiền não, do cái “tôi” đi tranh đấu, đi đố kỵ, do cái “tôi” mà sản sinh ra đủ loại tâm, như vậy sẽ sinh ra đủ loại phiền não. Bạn không có cái “tôi” này, thế thì tất cả tâm đều không có, lấy đâu ra phiền não? Vì thế lúc này sẽ sinh ra tâm quảng đại vô lượng, lúc này bạn có thể buông bỏ, có thể bố thí.

Chúng ta muốn bố thí, muốn buông bỏ, trước tiên đều phải mở cái “tôi” ra, nghĩ cái này là của tôi thì sẽ sinh ra phiền não. Hôm nay giả sử nói cái này không phải của tôi, là của chúng sinh, thế thì không có phiền não. Bạn còn có “của tôi” thì chắc chắn còn có phiền não, bởi vì bạn cứ giữ chặt lấy cái “tôi” này. Giả sử bạn vì chúng sinh, không vì cái tôi này, vậy phiền não ở đâu? Bởi vậy muốn loại trừ phiền não thì phải loại trừ ngã chấp, nhất định phải loại bỏ chấp vào cái tôi, thế thì phiền não tuyệt đối không còn nữa. Vì thế có thể tiến vào cái tâm thứ tư này, tôi cảm thấy đã là rất vĩ đại rồi. Ngày nay muốn làm được điều này đã là rất khó rồi.

Bạn có tình yêu, vì cái tình yêu này thì đã có phiền não rồi, bạn có thể buông bỏ cái tình yêu này thì căn bản sẽ không có phiền não, không có sự tồn tại của ngã chấp thì làm gì còn phiền não gì!

Vì thế, tông phái Chân Phật Tông rất lớn, phân đường rất nhiều, Lôi Tạng Tự rất nhiều, phân đường này có vấn đề, ngôi chùa này có vấn đề, bất kể là vấn đề gì thì đều là vấn đề của “ngã chấp”, bạn vì chúng sinh thì bạn tuyệt đối sẽ không có cái phiền não này, bạn vì chính mình thì chắc chắn sẽ có phiền não.

Sau khi tiến vào cái tâm này, bạn sẽ biến thành một cái tâm quảng đại, hoàn toàn tương phản với cái tâm của Atula. Mỗi một người đều cần loại bỏ ngã chấp.

Bạn đừng cho rằng Sư Tôn vĩnh viễn trông như thế này, khi tôi già đi có khả năng vừa xấu vừa khó coi. Bạn đừng cho rằng chồng bạn mãi mãi trẻ trung như vậy, cũng đừng cho rằng vợ bạn mãi mãi xinh đẹp trẻ trung như vậy, trải qua một cơn bệnh, tất cả đều biến thành bong bóng, giống như bong bóng xà phòng nổi lên, chỉ là thứ bề ngoài mà thôi.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thật ra đều là không huyễn, đều là bóng ảnh, cái “tôi” này cũng là một bóng ảnh. Rất nhiều người muốn lấy ảnh của Sư Tôn, đều bảo là lúc này trông tuyệt nhất. Tôi nói: “Làm gì có chuyện lúc này là tuyệt nhất? Khi tôi còn trẻ mới phong độ nhất đó!” Đúng thế không?

Khi tôi còn trẻ hai mươi mấy ba mươi tuổi, chính là lúc trông đẹp trai nhất, khi ấy trông hơi ngốc một chút. Khi còn trẻ tôi chụp một bức ảnh rất đẹp trai, giống như minh tinh điện ảnh vậy, tiếc là bức ảnh đó mất rồi, bức ảnh không còn nữa, tấm phim cũng không còn nữa, bởi vì bức ảnh đó có người ở bên cạnh, cho nên bức ảnh đó không còn nữa. Tôi cho rằng bức ảnh đó là đẹp nhất. Các bạn chụp ảnh Sư Tôn, sao không lấy bức ảnh lúc tôi còn trẻ đó, hoặc là bức ảnh khi tôi mới ra đời không mặc quần đó? Bức ảnh đó cũng không tệ đâu! Trông mũm mĩm.

Con người sẽ biến đổi, càng già chắc chắn là càng xấu. Tôi hy vọng càng già càng từ bi, nhìn trông hiền từ là được, khi già không thể nói là đẹp trai ngời ngời được, không thể nói như vậy, nhất định phải là hiền từ.

Bởi vậy thân thể của con người giống như bong bóng, đều là bề ngoài. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng toàn là bề ngoài, là hư huyễn, cái “tôi” này của bạn cũng sẽ biến đổi, đến khi phân tách ra thì đều là vô ngã, không có tôi, không có anh, không có người khác, không có chúng sinh, phiền não tự nhiên sẽ giải thoát.

Hành giả chúng ta tu từ ngũ uẩn, tiến vào tâm duy uẩn vô ngã, đây là một cái tâm rất quảng đại vô lượng, lúc này có thể rộng rãi làm việc bố thí, có thể xả bỏ tất cả.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

09/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

122. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp (1)

Hôm nay chúng ta giảng tâm thứ năm trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp - tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp.

Trước kia có người nói “nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người khi mới sinh ra là tính thiện. Cũng có người nói “nhân chi sơ, tính bản ác”, khi con người sinh ra, bản tính của họ là ác. Thế là có người đến hỏi Sư Tôn: “Rốt cuộc người nào nói đúng?” Câu trả lời của tôi là như thế này: “Nhân chi sơ, sau đó là một dấu chấm hỏi.” Nói cách khác là, căn bản không có câu trả lời. Vì sao? Bởi vì mỗi người đều khác nhau, không thể dùng một kiểu chung để nói được.

Đạo lý này rất đơn giản. Khi bạn sinh ra, ngũ quan của bạn trông như thế nào, có phải là mỗi người đều giống nhau không? Trên thực tế là mỗi người đều khác nhau. Khi sinh ra, bạn sẽ nặng mấy cân, nặng bao nhiêu, mỗi người đều khác nhau.

Dựa theo đạo lý này mà suy ra, có nghĩa là khi sinh ra, bạn thuộc về bản tính thiện hay là bản tính ác thì cũng là mỗi người đều khác nhau. Con người tuy là nói tổng quát về một người, trên thực tế, người người đều khác nhau. Tương tự, bề ngoài khác nhau, bản thân nội tại cũng khác nhau. Nội tại là con người này sinh ra khá thông minh hay là khá ngu độn, xinh đẹp hay là xấu xí, cá tính đều khác nhau, không có người nào giống nhau.

Bởi vậy không thể nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, cũng không thể nói “nhân chi sơ tính bản ác”, thiện ác hoàn toàn dựa vào nghiệp duyên mà ra. Tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp mà đại sư Hoằng Pháp nói chính là dựa theo điều mà tôi vừa mới nói.

Dựa theo nhân nghiệp của chính bạn, sau đó tạo thành quả của đời này, ở đây nói về nhân quả, nói về nhân duyên. Nói cách khác là nhân kiếp trước của bạn chính là quả của kiếp này, quả của kiếp này lại là nhân của kiếp sau, nhân quả ba đời như vậy. Đây chính là bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cây bồ đề đã thiền định, suy ngẫm về mười hai nhân duyên, từ mười hai nhân duyên này mà đạt đến ngộ cảnh gọi là “duyên giác”. Trước đây gọi đó là cảnh giới của Bích Chi Phật, chính là nhờ thiền định về mười hai nhân duyên mà đạt đến khai ngộ Duyên Giác.

Ở dưới cây bồ đề, Phật Thích Ca Mâu Ni liên tục nghĩ về đạo lý của nhân duyên, cho nên khi con người sinh ra, nghiệp chướng mà bạn mang theo bao nhiêu, phúc báo mang theo bao nhiêu, trí huệ mang theo bao nhiêu, có thể nói là từ kiếp trước mà có, Phật giáo mới có thể giải thích rõ ràng, người bình thường không có cách nào hiểu được. Người bình thường cho rằng lúc ban đầu mọi người đều có xuất phát điểm bình đẳng, nhưng bạn không biết rằng trong con mắt của Phật, đây căn bản chính là do nghiệp chướng mà chuyển kiếp.

Bởi vậy thấy là, có người là ma quỷ đến chuyển thế, có người là thiên ma chuyển thế, có người là Atula chuyển thế. Người đó mang theo nghiệp chướng kiếp trước đến. Phải hiểu đạo lý này, muốn nhổ bỏ nghiệp này, nhổ bỏ nhân này, nhổ bỏ hạt giống này, loại tâm này gọi là trụ tâm trong cái tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp.

Cái này là đã tiến vào tương đối cao sâu rồi, nói đến kiếp trước, hiện tại, vị lai, đã có ba đời, đã luận bàn về thời gian rồi. Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cây bồ đề nghĩ đến vô minh, chúng ta nói đến vô thủy vô minh, cái gọi là vô thủy vô minh chính là tổng hợp của tất cả nghiệp chướng kiếp trước, khiến bạn về cơ bản không cách nào hiểu được đủ loại nghiệp chướng rất sâu.

Tiếp theo, cái thứ hai chính là hành, hành là cái gì? Dựa theo nghiệp thiện ác của quá khứ, tương lai con đường mà bạn đi ra sao đều do bạn tự trải. Nghiệp thiện ác của quá khứ tạo thành hành động của bản thân bạn.

Cái thứ ba là thức, cũng chính là chủng tử của đủ loại sự việc mà bạn làm trong đời quá khứ, các hạt giống của bạn, bản thân bạn mang hạt giống gì. Cho nên đôi khi Sư Tôn nhìn thấy người này phúc báo rất lớn, phúc báo mà họ hiện ra rất lớn, người này trí huệ rất cao, họ hiện ra trí huệ rất cao. Đôi khi nhìn một đứa trẻ, ôi là nghiệp chướng đến, thảm rồi. Chính là những nhân quả này, đây chính là thức (hạt giống), trên người bạn vốn dĩ đã có những hạt giống này rồi.

Sắc chính là hình tượng, bạn dựa theo hạt giống của đời quá khứ mà biến thành hình tượng của bạn, bạn nói xem, có người nào khuôn mặt giống nhau? Bây giờ người nào có khuôn mặt giống nhau? Khuôn mặt mỗi người đều khác nhau. Cùng là con người, cùng có ngũ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), đều có lông mày, đôi mắt, cái mũi, miệng, tai, do những thứ này tổ hợp lại mà thành, chỉ có mấy thứ này thôi. Thế mà trên đời này làm gì có người nào giống nhau hoàn toàn. Bạn thấy con người đều khác nhau, đây là cái gì? Chính là sắc, cũng tức là hình tượng. Sắc là do cái gì tạo thành? Là do đời quá khứ tạo thành.

Tiếp theo là lục xúc, tức là lục căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi mới sinh ra, bạn chưa hiểu mọi thứ là thế nào, chỉ có thể dùng cách sờ để cảm nhận, đây chính là xúc. Bởi vậy Phật Thích Ca Mâu Ni cho rằng lúc hai tuổi, ba tuổi là dùng tay để sờ, để cảm nhận.

Thọ, lúc 6 đến 7 tuổi thì đã có cảm nhận rồi, đây là điều Phật Đà nói, không phải tôi nói. Điều mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã thiền định là: khi còn nhỏ thì dùng cách tiếp xúc để cảm nhận, được mẹ ôm ấp trong lòng thì cảm giác rất ấm áp, người khác mà ôm thì lại không được, bởi vì cảm nhận về sự tiếp xúc đó khác nhau. Khi bạn 6, 7 tuổi thì bạn có cảm giác về sự cảm nhận.

Ở Ấn Độ, 14 đến 15 tuổi là đã bắt đầu có cảm giác yêu, bởi vì người Ấn Độ trưởng thành sớm, có những cô gái 14 tuổi đã gả cho người ta rồi, đã kết hôn rồi. Đây là nói đến ở Ấn Độ, bởi vì Phật Đà sống ở Ấn Độ mà! Cho nên ngài cũng có cảm giác thấy, 14 tuổi, 15 tuổi là đã có dục vọng rồi.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

10/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

123. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp (2)

Chúng ta lại nói về tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp, đây là loại tâm thứ năm trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp.

Chúng ta lại nói đến “thủ” trong số mười hai nhân duyên, thủ này tức là sau khi con người thành niên, lớn lên rồi, 14 tuổi, 15 tuổi thì đã có dục vọng. Sau đó lớn lên thêm chút nữa thì bắt đầu có cái tâm ham muốn đối với danh phận, địa vị, tiền bạc, gia đình. Hy vọng có danh, hy vọng có lợi, hy vọng có gia đình tốt, hy vọng có được cái gì đó, đây chính là “thủ”.

Sau khi sinh ra cái tâm “thủ” này thì tiếp theo là “hữu”. Hữu là cái gì? Hữu là vì bạn đã sinh ra cái tâm “thủ” này rồi, đã có hành vi muốn có được đó rồi, cho nên mới có cái “hữu” này xuất hiện.

Khi bạn đi giành lấy những thứ này, các loại tâm mà bạn dùng có phải là thuộc về những cái tâm tham, sân, si để mà giành được không? Bạn lại có được cái gì? Là lại có được nghiệp chướng, lại tạo nghiệp.

Cái “hữu” này đại diện rằng bạn lại tạo nghiệp rồi, sau đó sẽ như thế nào đây? Sẽ lại “thọ sinh”, tiếp theo lại là một sự sinh ra, sau khi bạn có cái nghiệp chướng này rồi, tập hợp lại thì lại thọ sinh, lại sinh ra, nghiệp chướng này đã lại hiện ra rồi.

Cái cuối cùng trong mười hai nhân duyên là “lão tử”, lão tử tức là già rồi, là chết rồi, rồi lại biến thành kiếp sau, khi đến kiếp sau thì lại phải già, phải chết, mười hai nhân duyên chính là cứ liên tục luân hồi như thế.

Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây bồ đề thiền định chính là nghĩ về kiếp trước, kiếp này, rồi già và chết, rồi lại sinh ra.

Chính vì bạn muốn yêu, muốn giành được, bạn lại sinh ra rất nhiều nghiệp chướng. Nghiệp chướng lại một lần nữa đi vào thức thứ hai, lại có sinh ra lại có già chết. Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cây bồ đề cứ liên tục suy tưởng như vậy, nghĩ làm sao để giải thoát mười hai nhân duyên này đây? Những nhân duyên này phải làm sao đây? Vô thủy vô minh phải làm sao đây? Thế rồi Phật Đà liền nghĩ ra bốn chữ, cũng chính là bốn chân đế, tứ Thánh đế cũng là do ngài nghĩ ra, đó tức là khổ-tập-diệt-đạo, bốn Thánh đế.

Trên nguyên tắc mà nói, mười hai nhân duyên đều là khổ. Bạn xem thế giới hữu hình, đủ loại phiền não của chúng sinh đều là khổ, cho nên ngài cho rằng chúng sinh đều là khổ, tất cả hành vi đều là không, tất cả hiện tượng đều là vô thường, rồi biến thành khổ, không, vô thường.

Bởi vì bạn tập hợp lại nguyên nhân của khổ, nghiệp của khổ, tập hợp mọi khổ, những nghiệp này tập hợp lại tạo thành mọi khổ, vậy phải làm thế nào? Phải nghĩ cách để “diệt”. Diệt cái gì? Chính là diệt mọi nghiệp, khiến cho những nhân nghiệp không còn nữa, đi trên con đường giải thoát. Dùng phương pháp giải thoát phiền não chân chính chính là “đạo”, để mà diệt hết các loại nghiệp. Đây chính là hàm nghĩa quan trọng của bốn chữ khổ-tập-diệt-đạo này. Có thể nói, bốn chữ này đều là chân lý.

Khổ chính là chân lý, bởi vì chúng sinh đều là khổ. Tập, vì sao có khổ? Chính là tập hợp các nghiệp lại mới có khổ, cho nên tập cũng là một chân lý. Diệt, bạn phải diệt toàn bộ mọi nghiệp thì bạn mới có thể đạt đến đạo của sự giải thoát. Cái này cũng là chân lý, cái này chính là điều mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói, đạo lý của khổ-tập-diệt-đạo chính là ở đây.

Trong quá trình bạn tu hành, bạn có thể hiểu được cách nhổ bỏ hạt giống nghiệp, nhổ bỏ nghiệp chướng, nhổ bỏ nhân, nhổ bỏ cái hạt giống này, cái thức này, trụ tâm ở đây thì gọi là tâm nhổ bỏ hạt giống nghiệp. Như vậy mọi người đại khái có thể hiểu được trụ tâm thứ năm, chính là phải loại trừ sạch sẽ tất cả nhân, thức và nghiệp.

Giống như Mật giáo chúng ta tu thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, có thể nói là đang nhổ bỏ nghiệp, nhổ bỏ nhân, nhổ bỏ thức, tiêu trừ hết các hạt giống của nghiệp chướng. Chúng ta mỗi ngày tu một đàn pháp là làm cái gì? Không phải là cứ ngồi không ở đó, làm công khóa xong là xong, không phải đâu! Là bạn đang nhổ bỏ nghiệp chướng của bạn, đang tiêu trừ hết nghiệp chướng của bạn đó.

Chúng ta làm Hộ Ma để đốt tâm phiền não, chính là phải tiêu trừ hết phiền não. Khi bạn thật sự đến được cảnh giới rất cao, nghiệp chướng của bạn càng nhẹ, quả phẩm của bạn, phẩm vị của bạn sẽ càng cao. Nghiệp chướng tiêu trừ thì bạn sẽ càng lên tầng cao, tâm linh sẽ thăng hoa, bay lên trên cao. Nghiệp của bạn càng nặng thì bạn sẽ rơi vào tam ác đạo, đến đạo súc sinh, đạo ác quỷ, đạo địa ngục. Càng không có nghiệp, nghiệp hoàn toàn thanh tịnh rồi thì tức là thành tựu rồi.

Bởi vậy hôm nay chúng ta tu hành, chủ yếu nhất chính là tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu trừ phiền não, tiêu trừ chủng tử thức, bởi vì bạn vô thủy vô minh để lại rất nhiều chủng tử thức, bạn đừng cho rằng không có, vừa sinh ra là đã có rồi, ở ngay trên người bạn đó. Trên thực tế mỗi người đều khác nhau, có một số người khi vừa sinh ra nghiệp chướng đã hiển hiện ngay trên thân họ rồi. Cho nên điếc, tàn tật, câm, có người sinh ra tai đã không nghe được, có người sinh ra mắt đã không nhìn thấy được, đã bị tàn tật rồi. Vì thế sinh ra cũng không thể xem là bình đẳng.

Bởi vì dựa theo Phật giáo mà nói, đó chính là nhân của kiếp trước, quả của kiếp này lại là nhân của kiếp sau, lại là quả của kiếp sau, cứ như vậy mà nhân quả ba đời luân hồi.

Phật Đà ở dưới cây bồ đề sau khi ngộ được những chân lý này, ngài liền mở thiên nhãn, nhìn thấy những ngôi sao trên trời, thật ra những ngôi sao mà ngài nhìn thấy chính là thể ánh sáng, lúc này ngài đã giác ngộ rồi.

Cho nên chúng ta cũng có thể tu từ mười hai nhân duyên. Om mani padme hum.

10/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

124. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm tha duyên Đại thừa (1)

Hôm nay chúng ta nói về cái tâm thứ sáu - tâm tha duyên Đại thừa trong “Thập Trụ Tâm Luận” của đại sư Hoằng Pháp.

Tâm tha duyên Đại thừa, thật ra hai chữ “tha duyên” này có thể nói là “vô duyên”. Vô duyên theo cách giải thích thông thường khác với cách giải thích trong kinh Phật. Ở trong kinh Phật thì giải thích vô duyên tức là những chúng sinh không có quan hệ gì với bạn.

Trong kinh Phật có một câu là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Ý nghĩa của “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” là nói rằng, tuy những chúng sinh này không có quan hệ gì với bạn, nhưng bạn vẫn từ bi những chúng sinh này, đây gọi là vô duyên đại từ. Cảnh giới này đã là một cảnh giới rất cao rồi, vì thế gọi là tâm Đại thừa. Lập tâm ở đây đã là phát tâm bồ đề rồi.

Những tâm đã nói ở trước là thuộc về tâm Tiểu thừa, còn tâm nói đến bây giờ là tiến vào Đại thừa rồi.

Trong Phật giáo phân thành Tiểu thừa, Đại thừa, còn có Kim cương thừa. Mọi người biết rằng trước đây tôi từng nói về Tiểu thừa, ý nghĩa của chữ “thừa” chính là cỗ xe, cho nên ở đây là cỗ xe nhỏ, cỗ xe lớn, cỗ xe kim cương. Ý nghĩa của cỗ xe nhỏ là nói rằng người mà bản thân họ độ được là tương đối ít. Người mà Đại thừa độ là tương đối nhiều, còn người mà Kim cương thừa độ được thì tương đối nhanh chóng thành Phật rồi, vì thế mà gọi là Kim cương thừa. Ba thừa nói đến trong Phật giáo là như vậy.

Đại bộ phận Tiểu thừa đều là chỉ lo thân mình, tự mình tu cho mình. Đại thừa không những tu cho mình mà còn độ rất nhiều người tu.

Tâm tha duyên Đại thừa nói đến ở đây chính là phát bồ đề tâm, muốn đi độ chúng sinh rộng lớn. Lập tâm tại đây thì tâm địa đã rất quảng đại vô lượng rồi.

Thật ra tăng nhân Tiểu thừa trong Phật giáo tuy là chú trọng tự mình tu hành, nhưng họ vẫn có tâm độ chúng sinh, không phải là hoàn toàn không có, chỉ là họ thiên về tự độ và độ người khác thì tương đối ít. Trên thực tế cũng có, có một số người là như vậy, trước tiên tự độ có thể thoát sinh tử, sau đó lại độ người khác.

Trước kia Phật giáo trong thời đại của Phật Đà, đại bộ phận chú trọng vào Thanh Văn thừa, tức là Tiểu thừa. Các quốc gia Đông Nam Á hiện nay cũng thịnh hành Tiểu thừa, ví dụ Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Cambodia, Lào, những quốc gia này đại bộ phận đều là Tiểu thừa, tăng nhân tương đối nhiều, còn Đại thừa thì tương đối ít.

Trước đây vào thời đại Phật Đà có Tân Đầu Lư Phả La Đọa (Pindolabharadvaja) rất nổi tiếng, ngài ấy cũng là Thanh Văn, nhưng cũng phát tâm bồ đề quảng đại muốn độ chúng sinh. Đại thừa độ chúng sinh có thể nói là lấy Tiểu thừa làm cơ sở, sau đó phát bồ đề tâm quảng độ chúng sinh, cho nên chúng ta học Phật không phải là chỉ chú trọng vào Đại thừa, bản thân chúng ta cũng phải tự độ, tự mình không tu hành thì bạn làm sao mà đi độ hóa người khác được chứ? Cho nên Tiểu thừa là một cơ sở, sau đó phát bồ đề tâm đi quảng độ chúng sinh.

Chúng ta đối với Tiểu thừa, Đại thừa, Kim cương thừa không khởi tâm phân biệt. Tâm tha duyên Đại thừa có thể nói là phát tâm bồ đề, loại tâm này, về phương diện triệu thỉnh Phật Bồ Tát mà nói, Phật Bồ Tát của tứ Thánh giới đều sẽ hạ giáng, bởi vì loại tâm này là bình đẳng nhất, có thể nói bạn và tôi là những người không có duyên, nhưng tôi vẫn từ bi bạn, chính là không có tâm phân biệt, phát loại tâm bồ đề này là quảng đại vô biên, là vĩ đại nhất. Giống như Địa Tạng Bồ Tát, “địa ngục chưa trống thề không thành Phật”, ngài lập tâm ở trong địa ngục, đây chính là tâm tha duyên Đại thừa.

Địa Tạng Bồ Tát và chúng sinh địa ngục có quan hệ thân thích gì không? Không có! Phần lớn chúng ta, tâm cứu người của mỗi người đều là cứu người thân của mình trước, cha mẹ, vợ con là cứu trước, sau đó là cứu người thân, sau đó mới là cứu hàng xóm, sau đó nữa mới là cứu ông chủ của mình, sau đó là cứu đất nước của mình. Ở trong tâm tha duyên Đại thừa thì không như thế, nhất luật bình đẳng, gặp ai trước thì cứu người đó trước. Địa Tạng Bồ Tát phát tâm chính là tâm tha duyên Đại thừa này, chúng sinh trong địa ngục và Địa Tạng Bồ Tát chẳng hề có một chút quan hệ nào, một số về cơ bản là chẳng hề có liên quan gì, nhưng ngài đều muốn độ hóa họ thành Phật hết, sau đó chính mình mới thành Phật.

Giống như bản thân tôi phát nguyện cũng là tâm tha duyên Đại thừa, “không bỏ rơi một chúng sinh nào” chính là tâm tha duyên Đại thừa, tôi đã lập tâm tại đây. Thật ra chúng sinh này và bạn có quan hệ gì, họ cũng chẳng phải là chú của bạn, chẳng phải là bác của bạn, cũng chẳng phải là mẹ nuôi của bạn, cũng chẳng phải là bố nuôi của bạn, chẳng là gì cả. Không bỏ rơi một chúng sinh nào tức là đối với người phỉ báng bạn, người rất căm thù bạn, người ghét bạn đến tận xương tủy, thì vẫn đều cần độ hóa họ.

Lập tâm tại đây chính là vĩ đại nhất. Đối với chúng sinh không ghét, chỉ có từ bi, không thể sinh ra một chút gì ý không ưa, chỉ có tâm từ bi bộc lộ ra. Người hoàn toàn không có duyên gì với bạn, bạn cũng vẫn từ bi họ, cũng đi độ hóa họ. Thậm chí họ phỉ báng bạn, căm thù bạn, muốn làm hại bạn, chúng ta đều cần từ bi họ, đây mới là không bỏ rơi một chúng sinh nào. Lập tâm như thế này thì gọi là tâm tha duyên Đại thừa.

Om mani padme hum.

Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

125. Thập Trụ Tâm Luận - Tâm tha duyên Đại thừa (2)

Trước kia tôi từng nói về một câu nói của Mạnh Tử: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu.” Ý nghĩa của câu nói này tức là trước tiên chăm sóc tốt cho người thân của mình, sau đó mở rộng ra chăm sóc người thân của người khác, trước tiên chăm sóc tốt cho con cái của mình, sau đó mở rộng ra chăm sóc con cái của người khác. Nhưng cái này không phải là tâm tha duyên Đại thừa, đây có thể nói là tâm “hữu duyên Đại thừa”, trước tiên chăm sóc tốt người có duyên với ta, sau đó là giúp đỡ những người không có duyên.

Tôi nói về tâm tha duyên Đại thừa là: “Tôn kính người thân của ta, không phân biệt người thân của ta, không phân biệt người thân của người khác. Nuôi dưỡng con trẻ, không phân biệt con trẻ của ta, không phân biệt con trẻ của người khác.” Cái tâm không phân biệt này mới là tâm tha duyên Đại thừa, sự khác biệt nằm ở đây, khác với “hữu duyên Đại thừa”, không giống nhau.

Ví dụ rất đơn giản, trẻ A đánh trẻ B, trẻ B chắc chắn sẽ tức giận. Nhưng cha mẹ của trẻ C nói chẳng có liên quan gì tới tôi, bởi vì người ta không hề đánh con của mình, đây chính là một vấn đề giữa duyên và duyên. Giả sử trẻ A đánh trẻ C, thế thì cha mẹ của C chắc chắn sẽ đứng ra, cái duyên là như vậy.

Nhưng trong tâm Đại thừa của Phật giáo thì không phân biệt như vậy, đều yêu thương như nhau, trẻ A đánh trẻ B, cha mẹ của C vẫn đứng ra, vẫn phải giảng giải cho trẻ A, vì sao? Bởi vì thật sự là trẻ đó đã sai rồi, cái tâm này là không phân biệt.

Thông thường mà nói, ai đánh con ta, ta nhất định sẽ tức giận. Nhưng không phải vậy, ở đây dùng lý lẽ để phân tích, sau khi phân tích xong còn phải thấy là trẻ A làm như vậy là tốt. Trẻ A đánh con mình mà vẫn cảm thấy như vậy là tốt. Cha mẹ bình thường không như vậy. Vì thế, mọi người hãy suy nghĩ một chút, cái gọi là tâm tha duyên Đại thừa làm sao để tu được? Tôi thường nói bạn muốn tu tâm quảng đại vô lượng, bạn hãy đi ngắm sông núi nhiều hơn. Con người đứng trước ngọn núi sẽ cảm giác thấy ngọn núi vô cùng rộng lớn, có thể bồi dưỡng tâm linh của bạn trở nên rộng mở. Hãy ngắm biển nhiều hơn, con người ở trước biển sẽ cảm thấy con người vô cùng nhỏ bé, biển thì vô cùng rộng lớn, đây cũng có thể bồi dưỡng tâm linh bạn trở nên phóng khoáng.

Bạn có thể nghĩ thử: “Chúng sinh vô lượng, tính cho đến hôm nay có bao nhiêu chúng sinh? Vô số vô lượng, quảng đại vô lượng chúng sinh, chúng ta tính toán cái gì chứ?” “Không cần đi so đo!” Trung Quốc có văn hóa năm nghìn năm, có người nào có được cái gì, có người nào mất đi cái gì? “Vạn lý trường thành nay còn đó, Tần Thủy Hoàng xưa có thấy chăng?” Tần Thủy Hoàng có được cái gì? Mất đi cái gì? Các thời đại vương triều có được cái gì? Và cũng mất đi cái gì chứ?

Chúng ta có thể lấy ví dụ về con người thời cận đại. Bạn nói xem Mao Trạch Đông có được cái gì? Ông ấy mất đi cái gì? Tưởng Giới Thạch có được cái gì? Ông ấy mất đi cái gì? Từ đó khi nghĩ về chính mình, bạn có được cái gì? Bạn từng mất đi cái gì? Suy nghĩ như vậy có thể bồi dưỡng tâm quảng đại vô biên của bạn, tấm lòng bạn sẽ rộng mở, quảng đại.

Trung Quốc đã trải qua năm nghìn năm lịch sử lưu truyền tới nay, người nào có được cái gì? Người nào mất đi cái gì? Thời gian vô lượng, còn có vô lượng lớn hơn nữa, bạn biết thời gian dài bao lâu không? Dựa theo nghiên cứu của các nhà khoa học mà nói thì sự hình thành của toàn bộ vũ trụ đã có mấy trăm triệu năm rồi, trái đất không biết đã thành trụ hoại không mấy lần rồi, bao nhiêu lần diệt xong rồi lại sinh, sinh xong rồi lại diệt. Có người nào có được cái gì chứ? Nghĩ đến đây, tấm lòng bạn tự nhiên sẽ rộng mở, cho nên phải thường xuyên nghĩ như vậy.

Bạn tranh giành một bức tường với hàng xóm, bức tường nhà anh chiếm đất nhà tôi một thước, tôi sẽ tranh, tranh đến cùng. Đưa ra tòa, kiện kiện kiện, kiện đến tòa án cao nhất, bởi vì bức tường của anh ta đã lấn chiếm một thước vào đất nhà tôi, tranh tranh tranh, sao bạn không đến mặt trăng mà tranh? Bạn có thể dựa vào trí tưởng tượng của bạn mà nói, mặt trăng là của tôi, tôi nói sao Hỏa là của tôi, cho anh sao Diêm Vương, cho người kia sao Hải Vương, bạn tranh cái gì mà tranh?

Vũ trụ rộng lớn như vậy, không gian rộng lớn như vậy, ấy thế mà bạn lại đi tranh bức tường của nhà bạn! Không cần phải tranh! Đều không phải là của ai, trái đất chính là của trái đất, sao Hỏa chính là của sao Hỏa, mặt trăng chính là của mặt trăng, bạn nghĩ được như vậy thì tấm lòng bạn sẽ rộng mở, bạn tranh cái gì đây, bởi vì chẳng ai có được cái gì, cũng không ai mất đi cái gì.

Hôm nay mọi người vẫn đang tranh nhau, bạn xem tin tức, ngày nào cũng tranh nhau, tôi không dám nói tranh cái gì, nhưng tóm lại là ngày ngày đang tranh giành cái này cái kia. Cái gì là của nhà họ chứ, là của trái đất đó! Trái đất khi chưa có nhân loại, rốt cục nó là của ai? Bởi vậy tấm lòng phải rộng mở, trên thế giới ngày nay, giữa quốc gia và quốc gia tấm lòng rất nhỏ hẹp, còn con người thì càng hẹp hòi hơn.

Cho nên lập trường của bạn khi tu hành là tâm tha duyên Đại thừa, bạn đứng trên lập trường này thì bạn đã là Bồ Tát rồi, đã rất vĩ đại rồi, trụ tâm thứ sáu đã là rất vĩ đại rồi.

Phật Bồ Tát độ chúng sinh là đứng trên lập trường của tâm tha duyên Đại thừa. Miệng nói ra thì rất dễ, tôi không từ bỏ một chúng sinh nào, tôi phải phát bồ đề tâm. Nhưng đến khi tranh chấp, bạn lại là “Tiểu lượng Quan Thế Âm”, bạn làm gì có đại lượng, lòng từ bi của bạn đã chạy đi đâu mất rồi?

Bình thường chúng ta phải nghĩ như vậy, tôi nói với mọi người một phương pháp suy nghĩ, chính là nghĩ như thế này, thời gian vô lượng, không gian vô lượng, chúng sinh vô lượng, không được không mất, bạn nghĩ như vậy thì tấm lòng bạn tự nhiên sẽ rộng mở, và cũng sẽ đứng trên lập trường của tâm tha duyên Đại thừa.

Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

11/10/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

(Hết quyển 3)

Mục lục