📓

Hồng quang đại thành tựu - Tập 5

image

Hồng quang đại thành tựu

Địa điểm: Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ. Thời gian: Năm 1996 Quyển số: 626 Tác giả: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

168. Thường lạc ngã tịnh (1)

Hôm nay chúng ta nói về “thường lạc ngã tịnh”. Mỗi lần chúng ta tu Chân Phật Mật Pháp, trong mỗi pháp Bổn tôn, chúng ta đều niệm thêm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, trong kinh văn có bốn chữ, bốn chữ này chính là “thường lạc ngã tịnh”, lần nào cũng đọc bốn chữ này. ”Thường lạc ngã tịnh” có ý nghĩa gì? Có thể nói đó là một cảnh giới rất cao siêu, cảnh giới này đòi hỏi phải tu đến một trình độ nhất định mới có thể thật sự tiến vào “thường lạc ngã tịnh”.

Trong Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh có bốn chữ này, có thể thấy bộ kinh này đã đạt đến cảnh giới “thường lạc ngã tịnh” rồi. Chúng ta đọc kinh điển thì phải thâm nhập kinh tạng, biết ý nghĩa của bản thân từng chữ.

Tiếp theo chúng ta nói đến ba phương pháp của “thường lạc ngã tịnh”. Thật ra trong Mật giáo cũng dạy ba phương pháp này, hôm qua chúng ta cũng nói đến ba phương pháp. Thứ nhất là dừng — ý nghĩa của dừng chính là dừng dứt những suy nghĩ không tốt, thậm chí cũng đều phải dừng dứt tất cả những hành vi không thỏa đáng của bạn. Đây là một phương pháp tu hành.

Thứ hai là chuyển — tức là chuyển hóa hết những suy nghĩ không tốt.

Thứ ba là đi theo — thế nào gọi là đi theo? Có một ví dụ rất hay, chính là trẻ em xem tranh. Trẻ em đi đến thư viện hoặc viện bảo tàng để xem tranh, rất nhiều bức tranh, chúng chỉ đi qua nhìn những bức tranh đó, trong lòng không có suy nghĩ gì khác, vì thế nói trẻ em xem tranh tức là đi theo.

Giống như chúng ta nhìn dòng sông đang chảy, dòng chảy của nước sông đang chảy đó đại diện cho đủ thứ vọng niệm, bản thân bạn ở bên ngoài dòng chảy, bạn nhìn nó, còn vọng niệm thì đang chảy ở phía trước, đây cũng là đi theo. Cách đi theo này rất cao siêu, tôi đã nói rồi, pháp Đại viên mãn chính là pháp đi theo, Thiền tông chính là pháp đi theo.

Bạn có thể nhìn rõ ràng vọng niệm đang chảy ở trước mặt mà không đi sâu vào trong đó, đây chính là đốn siêu, vượt qua mọi vọng niệm và phiền não. Muốn đạt đến cảnh giới “thường lạc ngã tịnh”, có thể dùng cách dừng, khi bạn biết dừng hết vọng niệm và phiền não thì sẽ sinh ra cảnh giới như thế nào? Cảnh giới này gọi là Không — cảnh giới trống rỗng, hễ dừng lại là không còn. Vọng niệm dừng lại chẳng phải biến thành không sao? Từ trong hư không này mới có thể sản sinh ra một dạng khoái lạc, đây là một phương pháp tu hành.

Ngoài ra còn có một phương pháp chuyển, trong Mật giáo dạy bạn dùng quán tưởng, chính là chuyển hóa, trước kia tôi từng nói lấy niệm để dừng niệm, lấy chính niệm thay thế cho vọng niệm của bạn, đây chính là chuyển.

Vì thế hành giả chúng ta đôi khi phải đi ngắm núi, ngắm sông, đưa các bạn đi ra ngoại ô chơi, không phải bảo các bạn đi barbecue, đi dã ngoại, đi chơi, là muốn chuyển hóa tâm hồn bị giam cầm của bạn. Ngắm núi non hùng vĩ, ngắm rừng cây xanh thẳm, ngắm dòng nước sông xanh biếc, ngắm gió thổi tung tay áo, non xanh nước biếc có thể gột rửa tâm linh của con người, đây chính là một dạng chuyển hóa, có tác dụng thay đổi một cách vô thức. Bạn đi ngắm biển sẽ nhìn thấy tấm lòng của trái đất, tấm lòng của bạn cũng sẽ rộng mở; ngắm núi, đi học tập chí lớn của núi, đó là một ý chí vĩ đại; bạn nhìn hư không, tự nhiên sẽ tiến vào Không cảnh.

Vì thế, tu Đại viên mãn, đôi khi phải đi vào nơi núi sâu đỉnh cao, ngồi dưới một bầu trời xanh ngắt, bạn sẽ biến thành một cái chấm. Lúc này, bạn chú ý đến hư không, hòa nhập vào hư không, dừng hết mọi vọng niệm, tất cả phiền não đều sẽ tiêu trừ, đây là một phương pháp tu hành.

Vì sao chúng ta phải đi đến nơi núi sâu đỉnh cao để tu Đại viên mãn? Bởi vì ở trong hoàn cảnh đó, bạn có thể biết thế nào là đại viên mãn, bên dưới cả bầu trời xanh chỉ còn lại bạn là một cái chấm, mọi lo lắng thế tục đều ở dưới núi, rặng núi mênh mông bát ngát, bầu trời mênh mông bát ngát, lúc này bạn muốn dừng mọi lo âu thế tục thì tương đối đơn giản, đây là một phương pháp. Bởi vậy tu pháp Đại viên mãn là phải ở nơi núi sâu đỉnh cao, tách biệt khỏi mọi lo lắng thế tục, ý nghĩa của nó chính là ở đây.

Quán tức là chuyển hóa, bình thường chúng ta ở trong nhà tu, chỉ có thể dùng phương pháp quán tưởng để làm. Vậy thì dừng và quán tưởng có lợi ích gì? Phiền não trên thế giới đều đến từ sự tương đối, còn trong sự tuyệt đối thì chỉ có bốn chữ “thường lạc ngã tịnh”. Thanh tịnh nhất là cái gì? Không. Hư không là thanh tịnh nhất, từ trong sự thanh tịnh bạn mới có thể trải nghiệm được niềm vui vĩnh viễn, muốn đạt đến cảnh giới này thì phải hiểu chân lý là tuyệt đối chứ không phải tương đối.

Vì thế, ở trong cảnh giới “thường lạc ngã tịnh”, không có đúng sai, không có tốt xấu. Nếu bạn có quan niệm tốt xấu, có quan niệm đúng sai, có quan niệm thiện ác sinh ra thì bạn chắc chắn sẽ có phiền não. Khi bạn tiến vào hư không tuyệt đối, khi lĩnh hội được trí huệ đại viên mãn của Phật Bồ Tát, khi ấy mới là “thường lạc ngã tịnh” đại viên mãn.

“Thường lạc ngã tịnh” khiến bạn cảm giác giống như là một lý luận, nhưng bạn cũng có thể tu đạt đến như vậy, mỗi người đều có thể tu đến cảnh giới “thường lạc ngã tịnh” này, cảnh giới này vô cùng vi diệu. Hôm nay nói đến đây. Om mani padme hum.

06/12/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

169. Thường lạc ngã tịnh (2)

Chúng ta lại nói về “thường lạc ngã tịnh”. ”Thường lạc ngã tịnh” cũng có thể có phương pháp thực tu, không chỉ là lý luận mà thôi.

Tôi sẽ nói về chính bản thân tôi làm sao để dừng, làm sao để chuyển, làm sao để đi theo. Ví dụ tôi nghe thấy một tin tức nói rằng đệ tử của tôi tự lập phái riêng, tự lập phái riêng là ý gì? Tức là anh ta muốn độc lập, anh ta muốn rời khỏi đất nước của chúng ta, anh ta muốn thành lập một đất nước nhỏ, anh ta muốn đứng riêng một mình.

Độc lập ư? Độc lập ư? Chúng ta liền nghĩ, chà, sao cơ? Đệ tử lại muốn rời bỏ, muốn sáng lập đất nước của riêng mình, vì sao muốn làm như vậy nhỉ? Chúng ta chẳng phải rất tốt sao? Tu hành như vậy không phải rất tốt sao? Mọi người phải biết, thương trường cạnh tranh luôn luôn là như vậy, người làm thuê học được kỹ thuật của chủ rồi sẽ mở một cửa hàng ở đối diện, sau đó kéo tất cả khách hàng của ông chủ về chỗ mình, đây là việc thường thấy. Chúng ta cứ nghĩ đây là việc rất bình thường, anh ta muốn độc lập thì cũng là việc bình thường thôi.

Sau đó, ngẫm nghĩ lại, trước kia khi tôi xuất đạo, ngay cả một đệ tử cũng không có, bây giờ có nhiều đệ tử như vậy, cũng nên hài lòng thỏa mãn rồi, mấy người bỏ đi cũng chẳng sao cả, nghĩ đến “Tái Ông mất ngựa, sao biết chẳng phải là phúc”, thế là tâm lý yên ổn.

Khi bạn còn chưa yên ổn, bạn có thể nghĩ lại, quán lại. Tôi lại nghe thấy một đệ tử ngày mai phải mổ tim, nghe nói ngày mai phải mổ, hôm nay tôi liền cảm thấy phiền não, tôi lại nghĩ, tôi sẽ dùng phương pháp quán, quán tưởng đệ tử đó thành chính mình, ngày mai tôi phải mổ tim, vậy thì bạn có còn phiền não chuyện đệ tử muốn độc lập không? Sẽ chẳng còn phiền não, việc của ngày mai quan trọng hơn, ngày mai phải mổ tim quan trọng hơn.

Tôi vừa nghĩ đến đệ tử ngày mai phải mổ tim, tôi cầu nguyện cho anh ta, cũng nghĩ đến đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, tôi biến thành anh ta, ngày mai tôi phải mổ tim rồi, thế thì có còn phiền muộn chuyện đệ tử muốn độc lập không? Đương nhiên là không rồi. Vì thế, tôi liền yên tâm thoải mái cảm thấy: “Ôi dào, có gì đâu!”

Thật ra khi bạn nghĩ về chuyện trước đây, bạn có thể trở về trước đây, cái lúc về cơ bản ngay cả một đệ tử cũng không có, bạn sẽ không có tâm được mất, tâm được mất này sẽ không có nữa. Một khi không còn tâm được mất thì sẽ “thường lạc ngã tịnh”. Muốn như vậy, tôi nói với bạn đây chính là phương pháp thực tu, phương pháp chuyển hóa, rất vi diệu.

Bạn có thể thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác như vậy mà nghĩ cho họ, luôn luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà chuyển hóa, bạn có thể đạt đến “thường lạc ngã tịnh”. “Thường lạc ngã tịnh” có thể căn cứ vào lý luận để đi làm nó, có thể dùng phương pháp quán tưởng để chuyển hóa, không có được mất gì cả, không có tốt xấu gì cả, tuyệt đối “thường lạc ngã tịnh”.

Nói đến Mục Liên Thượng Nhân - người sáng lập Mục Liên tông, trong cuốn “Ngự Bổn Tôn” của ông ấy có viết về Phật Thích Ca Mâu Ni, viết về Đề Bà Đạt Đa, có người cho rằng: “Ôi, sao lại đặt Phật Thích Ca Mâu Ni ngang hàng với Đề Bà Đạt Đa chứ?” Tôi cho rằng quan niệm của ông ấy chính là không có tốt và xấu.

Bạn có biết bên trong cuốn “Ngự Bổn Tôn” còn viết cái gì không? Ngoài Phật ra, ông ấy còn viết về Thiên Vương thứ sáu - Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương, tức là Ma. Trong “Ngự Bổn Tôn” sao lại có ma chứ? Sao lại có Đề Bà Đạt Đa? Tôi cho rằng đây chính là cảnh giới của Mục Liên Thượng Nhân.

Người bình thường chúng ta cho rằng đây là không phân biệt tốt xấu, Phật và Đề Bà Đạt Đa sao có thể ở cùng nhau? Nhưng bạn có biết không, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đạt đến cảnh giới này. Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thọ ký Đề Bà Đạt Đa thành Phật, nói sau này ông ta sẽ thành Phật, Phật hiệu của ông ta là Thiên Vương Như Lai, cho ông ta một tên hiệu, gọi là Thiên Vương Phật, Thiên Vương Như Lai, là Đề Bà Đạt Đa đó!

Hôm nay viết tên của Đề Bà Đạt Đa, mặc dù ông ta là đệ tử hãm hại Phật, nhưng tương lai ông ta thành Phật, gọi là Thiên Vương Như Lai, đây chính là cảnh giới “thường lạc ngã tịnh” của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Mục Liên Thượng Nhân viết tên của Thiên Ma trong cuốn “Ngự Bổn Tôn”, đây chính là cảnh giới “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, ma là đến khảo nghiệm bạn, là giáo viên kiểm tra việc bạn thành Phật. Điều này nói một cách đơn giản, trong cảnh giới nhất như, hoàn toàn là đại viên mãn, Lục Tổ nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì bạn có thể thành Phật.” Đây là Lục Tổ của Thiền tông nói, đạo lý chính là ở đây, là cảnh giới nhất như, tuyệt đối không phải nhị như.

Cho nên trước kia có người nói, Lư Thắng Ngạn không được, người này là xấu, người này là ma đó, vậy thì bản thân họ chính là nhị như rồi, người này đã rơi vào nhị như rồi! Nhất như chân chính là đại viên mãn. Đây là cảnh giới rất cao, vì thế hôm nay dạy mọi người “thường lạc ngã tịnh”, bạn phải chăm chỉ đi thực tu, đi trải nghiệm, đi rèn luyện. Chăm chỉ trải nghiệm lời tôi nói, sau đó đi rèn luyện, tự bạn tôi luyện chính mình trở thành đại viên mãn, biến thành nhất như.

Bạn đọc trong cuốn “Ngự Bổn Tôn”, Đại Tự Tại Thiên Ma đặt cùng với tất cả Phật hiệu, Phật Thích Ca Mâu Ni đặt cùng với Đề Bà Đạt Đa, đây chính là cảnh giới “thường lạc ngã tịnh” của Mục Liên Thượng Nhân. Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa là Thiên Vương Như Lai, đây chính là “thường lạc ngã tịnh”.

Hôm nay tôi xem tất cả chúng sinh là chính mình, cho dù bạn rời khỏi Chân Phật Tông, rời khỏi Sư Tôn, cũng là chính mình, đệ tử không hiểu tâm của Sư Tôn, nhưng Sư Tôn hiểu tâm của chúng sinh, đây chính là nhất như, bởi vì đệ tử không biết, cho nên bạn là nhị như, còn bản thân Sư Tôn là nhất như. Lời giảng ngày hôm nay, mọi người phải nhận thức cho cẩn thận. Om mani padme hum.

06/12/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

170. Pháp giới nhất như (1)

Hôm nay chúng ta nói về pháp giới nhất như. Người học Phật đều biết danh từ: pháp giới nhất như, mặc dù mọi người đều biết pháp giới nhất như nhưng chưa chắc đã thâm nhập cảnh giới này, cũng không có cách nào thâm nhập vào trong ý nghĩa của bản thân nó.

Lần này tôi đến Ấn Độ và Nepal, tại Dharamshala ở Ấn Độ, trong cuộc đối đáp giữa tôi và Dalai Lama, Dalai Lama có nhắc đến vấn đề “sắc” và “không”.

Chúng ta biết rằng vấn đề sắc, không, trong kinh Đại Bát Nhã, kinh Kim Cang và kinh Tâm đều nhắc đến. Rất nhiều người đều biết đọc “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”, đây chính là “sắc không bất nhị”, cũng tức là “sắc không nhất như”, sắc chính là không, không chính là sắc, sắc không khác không, không không khác sắc, mọi người đều biết.

Nhưng điều mà Dalai Lama hỏi, ngoài kinh Kim Cang, kinh Tâm có giải thích sắc, không ra, trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục” đã nói sắc và không như thế nào? Có cách giải thích khác nhau, cách giảng giải khác nhau. Geshe Thiên Thanh thì nói, quán tưởng Bổn tôn trí huệ ở trong hư không, do Bổn tôn trí huệ Thời Luân Kim Cang tiến vào trong tâm hành giả, hóa nghiệp chướng của hành giả thành nước đen chảy ra, tự thân hành giả biến hóa thành Thời Luân Kim Cang, đây chính là sắc không bất nhị, đây là câu trả lời của Geshe Thiên Thanh.

Nhưng tôi cảm thấy câu trả lời này không đủ thấu triệt, tôi trả lời Dalai Lama, tôi chỉ nói hai chữ “song vận”. Ý nghĩa song vận mà tôi nói nằm ở đâu? Ý nghĩa tôi nói song vận chính là nói rằng “sắc và không là song vận, song vận tức là trở thành nhất như”. Bạn phải biết rằng bồ đề tâm nguyệt dịch trong thân thể người khi rơi xuống sẽ đi qua năm luân xa, trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục” có nói, đi qua năm luân xa sẽ có hiện tượng Tứ hỷ sinh ra. Sơ hỷ, thắng hỷ, ly hỷ, câu sinh hỷ, hiện tượng Tứ hỷ sinh ra, Tứ hỷ này chuyển hóa thành Tứ không. Bồ đề tâm nguyệt dịch rơi xuống, đi qua năm luân xa sẽ sản sinh ra Tứ hỷ, Tứ hỷ ban đầu chính là Tứ không, chuyển hóa thành Không cảnh.

Mỗi cá nhân chúng ta đều là thân thể vật chất, sau khi tu song vận dần dần sẽ hóa hết vật chất, hóa đến sau cùng, ngay cả bạch bồ đề và hồng bồ đề cũng không còn, đều hóa thành không. Sau khi hóa thành không thì hiện tượng vật chất đều không còn, biến thành một dải cầu vồng, chính là đại thành tựu cầu vồng.

Tôi nói cái này có trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục”, là một cách giải thích hóa sắc thành không, một cách giảng giải, không phải là Bổn tôn trí huệ đi vào bên trong thân thể bạn, nghiệp chướng của bản thân con người tiêu trừ, chính mình biến thành Bổn tôn trí huệ, như vậy chính là sắc không bất nhị, chính là sắc không.

Sắc, không chân chính, thật ra là trong pháp tướng của Thời Luân Kim Cang, cái hiển hiện ra chính là sắc và không, chính là song vận. Vậy thì vì sao song vận gọi là sắc không? Giải thích thế nào đây? Chính là điều tôi vừa mới nói, bởi vì sẽ sản sinh Tứ hỷ, rồi Tứ hỷ đó chuyển hóa thành Tứ không.

Tứ hỷ chính là sắc, còn Tứ không thì sao? Chính là không đó! Kết quả cuối cùng là vật chất đều hóa hết, bạch bồ đề, hồng bồ đề toàn bộ hóa hết, biến thành một dải cầu vồng, chính là đại thành tựu cầu vồng, đây chính là cách giải thích về sắc và không được nói đến trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục”.

Câu hỏi của Dalai Lama, chúng ta ở đây trong chốc lát đã giải quyết được nó rồi, đây là một giải thích đúng đắn. Bổn tôn trí huệ đi vào trong tâm, nghiệp chướng của hành giả tiêu trừ, chính mình biến thành Thời Luân Kim Cang, đây là sắc không bất nhị. Điều này trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục” tuy rằng có nói, nhưng pháp Bổn tôn thông thường cũng tu như vậy, đây chính là một dạng quán tưởng Nhập ngã - Ngã nhập, rất quan trọng.

Nhưng quán Nhập ngã - Ngã nhập không thể thay thế cho sắc, không trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục”, mà phải dựa vào điều mà bản thân Sư Tôn đã nói. Sắc, không trong “Thời Luân Kim Cang Bản Tục” cần phải là chuyển hóa toàn bộ sắc vật chất thành một dạng sắc không rỗng hết thì mới là sắc không của “Thời Luân Kim Cang Bản Tục”. Nói như vậy là mọi người hiểu được rồi.

Từ đây có thể ấn chứng pháp giới nhất như, pháp giới nhất như là gì? Sắc không nhất như cũng chính là pháp giới nhất như. Từ sắc, không có thể ấn chứng pháp giới, sắc chính là không, không chính là sắc, sắc không khác không, không không khác sắc, thật ra điều này chính là nói đến nhất như.

Hình tượng của tất cả vật chất thật ra toàn bộ đều quy về không, hiện tượng của tất cả vật chất cũng từ trong không mà sinh ra, cái này gọi là pháp giới nhất như. Vì thế tất cả hiện tượng vốn dĩ không có hiện tượng, tất cả hiện tượng là từ ban đầu không có đến hiện tượng sinh ra, cho nên Tây phương Cực Lạc thế giới có bốn cõi, cõi tịnh thổ cao nhất gọi là Thường Tịch Quang, đó chính là cảnh giới của cầu vồng.

Cõi Phàm Thánh Đồng Cư vẫn còn có hiện tượng vật chất, cái đó là hóa sinh, còn tịnh thổ chân chính vẫn là ở cõi Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang cũng chính là đại thành tựu cầu vồng. Hôm nay giảng đến đây. Om mani padme hum.

09/12/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

171. Pháp giới nhất như (2)

Chúng ta lại nói về pháp giới nhất như. Tôi thường nhắc đến chúng ta học Phật là đang phá trừ phiền não, trên thực tế, tại thế giới Ta Bà của chúng ta có rất nhiều phiền não, đếm cũng không đếm xuể, mỗi chúng sinh đều có phiền não. Rồi tôi cũng từng nói một câu, muốn phá trừ phiền não, bạn phải tu đến vô ngã, vô ngã mới có thể phá trừ phiền não.

Giả sử đã đến cảnh giới vô ngã rồi, vậy đó là cảnh giới như thế nào? Thật ra chính là lúc pháp giới nhất như mới có thể thật sự phá trừ phiền não, không đến được cảnh giới pháp giới nhất như thì không cách nào phá trừ được phiền não.

Bởi vậy có rất nhiều hành giả nói, tôi đã không còn phiền não, trên thực tế là vẫn còn hay là không còn? Có lẽ là vẫn còn, vẫn có một chút chút, một xíu xíu, so với người khác thì bạn đã vô tư rồi, nhưng vẫn có những lúc chưa hoàn toàn vô tư, vì thế vẫn còn một chút chút.

Phiền não giống như nước chảy, cứ chảy đi như vậy. Trong dòng nước chảy vẫn còn vài thứ không chảy, ví dụ như bị tảng đá chặn lại, hoặc là chảy đến nơi dòng chảy không được nhanh lắm, nước sẽ hơi đọng lại ở đó một chút, vẫn là bị dừng lại. Thật sự khi đạt đến pháp giới nhất như thì mới có thể hoàn toàn không có phiền não.

Đây là điều tôi đặc biệt chỉ rõ, thật sự muốn phá trừ phiền não thì chỉ có đạt đến cảnh giới nhất như mới có thể phá trừ phiền não. Bạn thật sự có thể trải nghiệm được “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” không? Giả sử khi hiện tượng sắc không là như nhau sản sinh ra, phiền não của bạn tự nhiên sẽ không còn nữa, đây chính là nhất như được nói đến trong kinh Kim Cang. Chỉ có nhất như mới có thể thật sự phá trừ phiền não, cái này thuộc về một dạng trí huệ Phật cao nhất.

Chúng ta biết rằng ma là đến để quấy nhiễu người tu hành, ma đem đến cho bạn rất nhiều đau khổ, ví dụ như đau khổ vì bệnh tật, đau khổ vì tiền bạc, đau khổ vì địa vị, đau khổ vì tình cảm, đau khổ vì gia đình, đau khổ vì con cái, đau khổ vì việc người, đủ loại đau khổ đều đổ lên đầu bạn, dùng đủ mọi cách thức để phá hoại việc tu hành của hành giả. Nhưng bạn phải nhìn thấu những điều này, bạn phải dùng phương pháp vô ngã để nhìn thấu, sau đó nếu đạt đến nhất như thì đó mới có thể phá trừ phiền não thật sự.

Vậy thì ma là cái gì? Ma chân chính là ở trong cảnh giới của Bồ Tát địa rất sâu. Bạn nói nhất như đúng không, pháp giới nhất như, ma cũng ở trong nhất như, bạn muốn có thể đạt đến Không cảnh, khi hiểu rõ được tính Không, bạn mới có thể nhận thức được ma.

Một khi đạt đến cảnh giới này rồi thì bạn mới có thể tháo gỡ toàn bộ, bằng không bạn vẫn có một loại tâm đối địch nhau. Cái tâm đối địch lẫn nhau đó vẫn còn, cho thấy rằng phiền não của bạn vẫn chưa giải trừ. Còn có quan niệm kẻ thù và ta thì phiền não vẫn chưa được giải trừ, còn có quan niệm yêu và ghét thì phiền não vẫn chưa được giải trừ, còn có quan niệm nhiều và ít thì phiền não cũng vẫn chưa được giải trừ, còn có quan niệm giàu và nghèo thì phiền não vẫn chưa được giải trừ, nếu còn có quan niệm về cao và thấp thì phiền não cũng chưa được giải trừ. Điều này rất đơn giản.

Vì thế, phải phá trừ những quan niệm tương quan tốt, xấu, đúng, sai, thiện, ác, phải, trái,… biến thành hiện tượng nhất như thì phiền não mới có thể thật sự lắng xuống. Đương nhiên đây là trí huệ Như Lai tương đối cao sâu, nhưng giả sử bạn có thể tu từ từ, phá trừ các loại vô minh, thật sự có thể sắc không bất nhị thì bạn có thể tự tại nhậm vận.

Tự tại chính là ở trong một tâm trạng rất cân bằng, có thể sâu sắc hiểu rõ tính Không, nếu từ đầu tới cuối bạn đều sống trong tính Không, bạn có thể tự tại nhậm vận, bạn có thể đạt đến trí huệ của Như Lai, cảnh giới này chính là cảnh giới được gọi là pháp giới nhất như.

Đương nhiên nếu có thể ở trong tu pháp tiến vào bên trong cảnh giới pháp giới nhất như thì bạn có thể thật sự ở trong Tam ma địa sâu nhất, rất sâu mà đắc được định. Pháp này là ý thức rất sâu, chúng ta nói các cấp địa của Bồ Tát, những cảnh giới này có thể phân thành mười địa, thậm chí là mười ba địa, mười sáu địa. Khi bạn có thể tiến vào pháp giới nhất như, có thể nói bạn chính là địa thứ mười sáu, thật sự có thể hiểu rõ trí huệ của Như Lai, thế thì bạn chính là Phật rồi.

Tất cả những thứ khác đều thuộc về nhánh bên, những thứ bên cạnh. Tất cả việc tu pháp đến được đây thì chính là đại viên mãn chân chính, vậy thì đã là một dạng siêu việt rồi, vì thế gọi là đốn siêu. Trong chốc lát bạn đã siêu việt rồi, đạt đến cảnh giới cao nhất viên mãn nhất, chính là cảnh giới như một. Cái này rất sâu, cũng rất vi diệu, rất khó tưởng tượng, cũng là không thể tưởng tượng được. Phật chính là ở bên trong cảnh giới này.

Như Lai chính là ở bên trong cảnh giới này, tất cả các cấp địa Bồ Tát còn chưa đến được đây, muốn thành Phật thì nhất định phải đến được bên trong cảnh giới nhất như, vì thế đây cũng là một xưng hiệu khác của Phật, xưng hiệu khác này chính là Chân Như.

Chân Như chính là tính Không, tính Không cũng chính là Phật, đều là một biệt danh của Phật. Thế còn nhất như thì sao? Cũng chính là Chân Như. Hôm nay giảng tới đây. Om mani padme hum.

09/12/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

172. Nói về “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” (1)

Hôm nay chúng ta nói về “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”. Hình như trước kia tôi cũng đã từng nói về “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” rồi, đây là câu nói của Thiền tông Lục Tổ. Muốn thành Phật, ngài ấy có một khẩu quyết, khẩu quyết này chính là “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”.

Hồi đầu khi tôi đọc được khẩu quyết này thì rất ngạc nhiên, “không nghĩ thiện” ư? Bảo chúng ta đừng nghĩ về điều thiện, vậy thì nói ngược lại tức là bảo chúng ta nghĩ về điều ác rồi! Nhưng vế sau ngài ấy lại bổ sung một câu nữa là “không nghĩ ác”, tức là ngay cả điều ác cũng không nghĩ về nó, đây chính là một triết lý rất vi diệu, rất cao sâu: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”.

Chúng ta nói một chút về Thiền tông Ngũ Tổ, ngài nói một bài kệ trong kinh Kim Cang, chính là không có bốn tướng, bỏ hết bốn tướng: vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng, không có tôi, không có bạn, không có chúng sinh, không có thọ giả (tức là phá bỏ quan niệm về thời gian).

Thế thì tới lượt tôi, Ngũ Tổ cũng nói, Lục Tổ cũng nói, bây giờ tới lượt Thất Tổ, thật ra Thiền tông không có Thất Tổ, bởi vì sau Lục Tổ thì Thiền tông đã phân thành mấy tông khác nhau, một hoa nở năm cánh, tức là đã phân nhánh rồi, phân thành rất nhiều tông phái, nên không còn có Thất Tổ nữa. Chỉ là tôi cũng nói hai chữ “bỏ chấp”, loại bỏ bám chấp, là hai chữ “bỏ chấp”.

Muốn thành Phật, phải bỏ chấp. Lục Tổ nói “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, bài kệ trong kinh Kim Cang, Ngũ Tổ nói: “Vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả.” Những cái này đều là một dạng triết lý rất thâm sâu, rất ảo diệu.

Mật giáo dạy chúng ta cảnh giới huyền diệu bất khả tư nghì cao nhất sâu nhất chân chính là cảnh giới gì? Chân Phật Tông chúng ta có các quyền pháp như là pháp Kim cang quyền, Hợi Mẫu quyền, kỹ xảo Đại lạc,… Bạn luyện Kim cang quyền, sau cùng đều có một mục đó là “tâm khế bản nhiên”, tức là tâm phải trụ trong cái ban đầu, ở trong trạng thái tự nhiên vốn có thì chính là tâm khế bản nhiên.

Cảnh giới này là cảnh giới gì? Lúc này, thân thể của bạn giải thích thế nào đây? Tổ sư Mật giáo nói, con người vốn dĩ bị trói buộc, bị dây thừng trói chặt, khi bạn thật sự tâm khế bản nhiên thì những sợi dây thừng này không thấy nữa, đây là một công phu, thân thể của bạn không còn thứ gì trói buộc bạn nữa.

Khẩu thì sao? Miệng của bạn thì sao? Thì giống như dây đàn đứt, dây đàn đã đứt rồi, không còn âm thanh. Miệng không có âm thanh, đây là ngôn ngữ đạo đoạn của Thiền tông. Thân thể không có dây thừng trói buộc bạn, dây đàn của miệng đã đứt rồi, giống như dây đàn đứt, không phát ra âm thanh, ngôn ngữ đạo đoạn.

Thế còn ý thì sao? Ý ở đâu? Vô niệm, vô tâm, không còn tâm, tâm không ở ngoài, cũng không ở trong, không ở bất kì nơi nào, ở trong trạng thái hoàn toàn vô niệm gọi là tâm khế bản nhiên.

Giả sử bạn đã học được thân khẩu ý như vậy, thân thể không có thứ gì trói buộc bạn, khẩu cũng giống như dây đàn đã đứt, ý niệm cũng là vô niệm vô tâm, đây gọi là tâm khế bản nhiên, hoàn toàn tâm trụ trong một trạng thái tự nhiên vốn có. Giả sử bạn học được trạng thái này tức là đã khế hợp với điều mà Ngũ Tổ, Lục Tổ và Sư Tôn nói đến - bỏ chấp, không còn bám chấp.

Bản thân con người chúng ta rất bám chấp, nói rằng tôi hoàn toàn không còn bám chấp, sau cùng lại bổ sung thêm một điểm, tôi chính là chấp vào cái này, rất nhiều người đều nói như vậy. Tôi đã tu cũng ổn rồi, chỉ còn lại cái này, cái này chính là bám chấp. Vì thế trước kia có người thường xuyên nói “người tranh một hơi thở, Phật tranh một que hương”, đây chính là bám chấp, thật ra là bạn đang tranh hơi thở này. Rất nhiều người nói, mọi thứ tôi đều nhìn thấu rồi, nhưng tôi lại tranh một hơi thở này, thật ra chính là một hơi thở này vẫn còn chưa nhìn thấu, bạn tranh một hơi thở chính là bám chấp.

Vì thế chúng ta nghĩ, lão tổ sư viết một chữ “tử” ở đầu giường, đây là để nhắc nhở chính mình, cảnh giác chính mình, chữ “tử” ở phía trước, phải bỏ chấp đi! Bỏ hết mọi bám chấp, bạn còn chấp cái gì chứ?

Đôi khi, chính tôi cũng nghĩ, đệ tử này có bệnh, lấy bệnh đó ra để cho sư phụ đảm đương, vậy thì sự bám chấp của tôi sẽ rất dễ loại bỏ, vì sao? Đây là cách rất hay để bỏ chấp. Khi bạn bỏ được chấp rồi, hoàn toàn không còn bám chấp nữa, tâm khế bản nhiên sẽ xuất hiện, một cách tự nhiên bạn có thể nhập định, nhập Tam ma địa, bạn có thể trở về hư không.

Điều này thật sự là số một, không phải số hai, là số một, cảnh giới cao nhất là như vậy. Vì thế tôi lĩnh hội được lời của Lục Tổ nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”. Cuối cùng đã hiểu rồi, thế nào là không nghĩ thiện, thế nào là không nghĩ ác. Om mani padme hum.

10/12/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

173. Nói về “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” (2)

Chúng ta lại nói về “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, đây là lời Lục Tổ nói. Khi tôi học Phật đã có người tặng tôi một cuốn kinh Lục Tổ Đàn, tôi đọc xong không hiểu lắm, đặc biệt là đối với câu “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” này thì càng không hiểu.

Tôi nói, ác thì đương nhiên không nghĩ đến rồi, bởi vì là ác mà, thế nhưng thiện thì sao? Sao lại có thể không nghĩ chứ? Điều này chẳng có lý, như thế là bảo chúng ta làm gì? “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”? Bảo chúng ta nghĩ cái gì đây?

Ngày xưa khi tôi đọc xong kinh Lục Tổ Đàn, tôi cảm thấy điều này có vấn đề, nhất định phải nói rõ ràng với sư phụ của mình, vì sao cần có câu này, bảo chúng ta không nghĩ thiện, thế thì không đúng rồi, phải là cần nghĩ thiện. Chính vì vấn đề này mà hôm nay tôi sẽ nói về “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”.

Ý của nó là như thế này, giả sử bạn còn chấp vào mỗi sự việc thì bạn sẽ không có cách nào nhập định, không có cách nào thâm nhập vào trong đó, cũng không có cách nào đạt đến chân lý tối cao, bạn sẽ chỉ rơi vào một bên.

Vì thế Phật pháp là không rơi vào hai bên, là tự nhiên nhậm vận. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác chính là tự nhiên nhậm vận. Trong sách tôi đã viết, giống như con người sống trong không khí, không khí vốn dĩ luôn tồn tại, nhưng bạn sẽ không cảm thấy không khí tồn tại. Bạn không sai đâu! Ngày ngày bạn làm việc thiện, mỗi ngày đều làm việc thiện, nhưng bạn đừng chấp rằng những việc tôi làm đều là việc thiện, tôi rất có công đức, đừng chấp vào đó. Nếu bạn không chấp thì sẽ rất dễ định lại, ý của Lục Tổ nói chính là như vậy.

Giống như cá và nước, nước đối với cá mà nói thì là thiện, không khí đối với chúng ta mà nói thì là thiện. Nhưng bạn đừng đi cảm giác về sự tồn tại của thiện, đừng đi nghĩ về nó, đừng đi tóm lấy nó. Nếu coi nó như một sự tự nhiên mà vậy thì bạn có thể thâm nhập vào trong đó.

Thiền tông cũng nói ngôn ngữ đạo đoạn, đó là khẩu mật, trong Mật giáo gọi là bí mật của khẩu. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng thường nói “bất khả thuyết, không thể nói”, vì sao lại không thể nói đây? Bởi vì nói ra thì sẽ rơi vào một bên, bạn chỉ cần nói ra thì sẽ rơi vào một bên. Bất khả thuyết! Chính là ở giữa, chính là trung đạo, đây là sâu không thể đo lường.

Hôm nay rất nhiều hành giả, giả sử để lộ dấu vết, để lộ ra dấu vết hành động, hoặc nếu chấp vào việc phải xây một ngôi chùa rất to, thì đây cũng là bám chấp! Bạn chấp rằng tôi phải đi cứu bao nhiêu người, đi cứu độ bao nhiêu chúng sinh, cái này là chấp. Bạn chấp rằng tôi phải làm ba nghìn việc thiện (ba nghìn công hành), đây là chấp. Bạn đi làm các thứ thì không sao cả, nhưng đừng nghĩ bao nhiêu nghìn công hành, bao nhiêu vạn công đức, đừng nghĩ về nó, tất cả đều không được nghĩ.

Khi bạn không bám chấp thì sẽ không để lộ dấu tích, thật ra cái này chính là cảnh giới bất khả thuyết. Phật Thích Ca Mâu Ni nói bất khả thuyết chính là cái này.

Thật ra vẫn không thể bao hàm toàn bộ, tôi nói hai chữ “bỏ chấp”, đừng bám chấp thì có thể lập tức giải thoát, lập tức thành Phật, giải thoát tức thì, thành Phật tức thì. Tôi nói chữ “tử”, trên thực tế là như thế này, tử thì không chấp vào cái gì, chữ “tử” đó là để bảo bạn đừng chấp đó! Bạn xem, lão tổ sư viết một chữ “tử” dán trên đầu giường mình là để dạy mình hai chữ “không chấp”.

Đừng bám chấp, người ta phê bình bạn cái gì, bạn nói ngày mai tôi chết rồi, mặc kệ anh phê bình tôi! Người ta chửi bạn cái gì, người ta cướp đi của bạn cái gì, lấy trộm của bạn cái gì, làm hại bạn cái gì, ngày mai đều phải chết rồi, bạn còn quan tâm đến họ ư, đừng chấp! Người ta lấy trộm đồ của bạn, cướp đồ của bạn, vốn dĩ rất xúc phạm bạn, danh dự cũng chịu tổn thất, nhưng bạn nghĩ đến ngày mai là chết rồi, bạn còn chấp không?

Chết là rất tốt, thật ra chết chính là muốn dạy bạn hai chữ “không chấp”, chính là “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” mà Lục Tổ nói, chính là không chấp, chính là “vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả” mà Ngũ Tổ nói.

Hôm nay tôi có thể nói, cảnh giới tu hành của Lư Thắng Ngạn có cần nói ra không? Vẫn là không cần nói ra, bất khả thuyết! Vẫn là không thể nói. Không thể nói tức là sâu không thể đo lường, bạn nói tôi đã tu đến tầng trời thứ mấy rồi, hay là Vô sắc giới thiên, hay là tu đến đâu rồi, như thế vẫn là còn thấp, đều vẫn còn chấp vào cõi trời đó, vẫn chưa đến điểm tận cùng đâu!

Bạn nói ra thì bạn đã để lộ dấu vết, bạn nói một câu bất khả thuyết, tức là sâu không thể đo lường, không ai có thể biết được lý lịch của bạn, bạn cũng là vô tận. Kho tàng vô tận là kho tàng hư không, kho tàng hư không là cái gì? Chính là kho tàng vô tận. Đảo qua đảo lại thì vẫn đều không thể nói, kho tàng hư không là bất khả thuyết, kho tàng vô tận cũng là bất khả thuyết, ý vô tận cũng là bất khả thuyết, toàn bộ đều là bất khả thuyết.

Vì thế, Phật Đà đã khai ngộ điều gì? “Bất khả thuyết!” Ngày nay điều Lục Tổ nói, Ngũ Tổ nói, tôi nói, tôi không phải là Thất Tổ, bởi vì sau Lục Tổ thì không có ai nữa. Phải chú ý, thân thể giống như không có dây thừng trói buộc bạn, miệng phải giống như dây đàn đứt, tâm quy về bản nhiên, ý niệm phải ở trong trạng thái vô niệm vô trụ, đây chính là thiền định. Một khẩu quyết hay nhất khiến bạn có thể định được, phương pháp của nó chính là như thế này.

Bạn có thể định, trí huệ Phật tự nhiên sẽ sinh ra, bạn sẽ có thể khai ngộ, một khi bạn khai ngộ thì: phiền não giải thoát, sinh tử thành tựu rồi. Hôm nay nói đến đây. Om mani padme hum.

10/12/1996 - Chân Phật Mật Uyển - Seattle - Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

Mục lục