📙

Kim Cang Kinh

Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật

Xuất bản năm: N/A Xuất xứ: Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Đời Hậu Tần, Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch

Phần 01. Nguyên do của pháp hội

Tôi nghe như vầy. Một thời, Đức Phật ở thành Xá Vệ trong vườn Kì Thụ Cấp Cô Độc cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại tì kheo. Hôm ấy, gần đến giờ thọ trai, Thế Tôn đắp y cầm bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Ở trong thành, ngài lần lượt khất thực rồi trở về nơi ở của mình. Ăn xong, ngài thu dọn y bát, rửa chân rồi bày chỗ để ngồi.

Phần 02. Thiện Hiện thưa hỏi

Khi ấy, trưởng lão Tu Bồ Đề ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, để lộ vai phải, đầu gối phải chạm đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: "Thật hiếm có! Thế Tôn! Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ Tát, khéo dặn dò chư Bồ Tát. Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề thì nên sống ra sao? Nên hàng phục tâm ra sao?" Phật nói: "Lành thay, lành thay. Tu Bồ Đề! Đúng như ông vừa nói. Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát. Nay hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói thiện nam, thiện nữ phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề nên sống thế nào, nên hàng phục tâm ra sao." "Vâng thưa Thế Tôn! Con nguyện được lắng nghe."

Phần 03. Đại thừa chính tông

Phật bảo Tu Bồ Đề: "Chư Bồ Tát Ma Ha Tát nên hàng phục tâm như thế này! Cần nghĩ tất cả các loài chúng sinh hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ bào thai, hoặc sinh nơi ẩm thấp, hoặc biến hóa mà sinh ra, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc hữu tưởng, hoặc vô tưởng, hoặc không phải hữu tưởng không phải vô tưởng, ta đều cho vào Vô dư niết bàn mà diệt độ. Như vậy, diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được diệt độ. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, thì không phải là Bồ Tát.

Phần 04. Diệu hạnh vô trụ

"Tiếp nữa, Tu Bồ Đề! Trong pháp, Bồ Tát nên vô sở trụ mà làm việc bố thí, gọi là không bám vào sắc tướng mà bố thí, không bám vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên bố thí như vậy, đừng trụ vào tướng. Vì sao như vậy? Nếu Bồ Tát không trụ vào tướng mà bố thí thì phúc đức ấy bất khả tư lượng." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Hư không phương đông có thể đoán chừng được không?" "Không thể, thưa Thế Tôn!" "Tu Bồ Đề! Hư không phương nam, tây, bắc, bốn phương phụ, phương trên phương dưới có thể đoán chừng được không?" "Không thể, thưa Thế Tôn!" "Tu Bồ Đề! Bồ Tát bố thí mà không bám trụ vào tướng thì phúc đức cũng bất khả tư lượng như vậy. Tu Bồ Đề! Bồ Tát chỉ nên trụ tâm theo như điều đã dạy."

Phần 05. Thấy lẽ thật đúng lí

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể dựa vào thân tướng mà thấy Như Lai không?" "Không thể, thưa Thế Tôn! Không thể dựa vào thân tướng mà thấy được Như Lai. Là vì sao? Thân tướng mà Như Lai nói đến cũng tức không phải thân tướng." Phật nói với Tu Bồ Đề: "Phàm tất cả mọi tướng đều là hư vọng. Nếu thấy mọi tướng không phải tướng tức là thấy Như Lai."

Phần 06. Hiếm người có được chính tín

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thưa Thế Tôn, liệu có chúng sinh nào nghe được những lời dạy này mà sinh lòng tin thật sự không?" Phật bảo Tu Bồ Đề: "Đừng nói như vậy. Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người giữ giới tu phúc, với những lời dạy này có thể sinh tín tâm, coi những lời này là chân thật, nên biết là người ấy không chỉ gieo thiện căn ở một vị Phật, hai vị Phật, ba bốn năm vị Phật, mà là đã gieo thiện căn ở vô lượng nghìn vạn vị Phật. Thậm chí là người nghe được những lời này chỉ một niệm cũng sinh niềm tin thanh tịnh thì Tu Bồ Đề, Như Lai đều biết đều thấy rằng những chúng sinh ấy có được vô lượng phúc đức. Vì sao vậy? Vì các chúng sinh ấy không còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng." "Không còn pháp tướng, cũng không còn phi pháp tướng, là cớ vì sao? Vì các chúng sinh nếu tâm bám vào tướng thì tức là mắc vào ngã - nhân - chúng sinh - thọ giả." "Nếu còn bám vào pháp tướng, tức là chấp vào ngã - nhân - chúng sinh - thọ giả. Là vì sao? Nếu còn bám vào phi pháp tướng, tức là chấp vào ngã - nhân - chúng sinh - thọ giả. Vì thế, đừng nên chấp pháp, đừng nên chấp phi pháp. Vì ý nghĩa này, Như Lai thường nói: tì kheo các ông nên biết pháp mà ta thuyết giảng như cái bè trên sông, pháp còn nên bỏ, huống hồ không phải là pháp."

Phần 07. Vô đắc vô thuyết

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề chăng? Như Lai có thuyết pháp chăng?" Tu Bồ Đề nói: "Như con hiểu ý nghĩa mà Phật nói, không có pháp nhất định gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cũng không có pháp nhất định mà Như Lai có thể nói. Là vì sao? Là vì pháp mà Như Lai nói đều không thể lấy, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì sao như thế? Vì tất cả Thánh Hiền đều dựa vào pháp vô vi mà có sự khác biệt."

Phần 08. Y pháp xuất sinh

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Nếu có người dùng thất bảo đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, thì phúc đức người đó được nhiều không?" Tu Bồ Đề nói: "Thưa Thế Tôn, rất nhiều! Là vì sao? Vì phúc đức ấy cũng tức không phải tính phúc đức, do đó Như Lai nói là phúc đức nhiều." "Nếu lại có người, nếu thọ trì kinh này, cho dù chỉ bốn câu kệ, vì người khác mà thuyết giảng, thì phúc của người này còn hơn cả bố thí. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Hết thảy chư Phật và pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề của chư Phật đều từ kinh này mà ra. Tu Bồ Đề! Cái gọi là Phật, pháp, cũng tức không phải Phật, pháp."

Phần 09. Nhất tướng vô tướng

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Một vị Tu Đà Hoàn có thể có suy nghĩ "Ta đã đắc quả Tu Đà Hoàn" không?" Tu Bồ Đề nói: "Không thể, thưa Thế Tôn! Là vì sao? Tu Đà Hoàn còn được gọi là Nhập Lưu, nhưng không có chỗ nào mà nhập vào, không nhập vào sắc - thanh - hương - vị - xúc - pháp thì gọi là Tu Đà Hoàn." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Một vị Tư Đà Hàm có thể có suy nghĩ "Ta đã đắc quả Tư Đà Hàm" không?" Tu Bồ Đề nói: "Không thể, thưa Thế Tôn! Là vì sao? Tư Đà Hàm còn gọi là Nhất Vãng Lai, nhưng thật ra không hề có sự đến đi, thì gọi là Tư Đà Hàm." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Một vị A Na Hàm có thể có suy nghĩ "Ta đã đắc quả A Na Hàm" không?" Tu Bồ Đề nói: "Không thể, thưa Thế Tôn! Là vì sao? A Na Hàm còn gọi là Bất Lai, mà thật sự không có không đến thì gọi là A Na Hàm." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Một vị A La Hán có thể có suy nghĩ "Ta đã đắc đạo A La Hán" không?" Tu Bồ Đề nói: "Không thể, thưa Thế Tôn! Là vì sao? Thật ra không có pháp danh là A La Hán. Thưa Thế Tôn! Nếu A La Hán có suy nghĩ: "Ta đã đắc đạo A La Hán", tức là đã chấp vào ngã - nhân - chúng sinh - thọ giả. Thế Tôn! Phật nói con đã đắc Vô Tránh Tam Muội, là đệ nhất trong số con người, là A La Hán bậc nhất đã lìa bỏ tham dục. Thưa Thế Tôn! Con không khởi suy nghĩ "Ta đã đắc đạo A La Hán". Thế Tôn! Nếu con khởi suy nghĩ "Ta đã đắc đạo A La Hán" thì Thế Tôn đã chẳng nói rằng Tu Bồ Đề là hành giả ưa thích hạnh A Lan Na. Do Tu Bồ Đề thật sự vô sở hạnh, nên nói là Tu Bồ Đề ưa thích hạnh A Lan Na." [ND: A Lan Na chỉ nơi yên tĩnh, thanh tịnh cho tì kheo sống để chuyên tâm tu tập.]

Phần 10. Tịnh thổ trang nghiêm

Phật hỏi Tu Bồ Đề: "Ý ông thế nào? Xưa kia Như Lai ở chỗ của Phật Nhiên Đăng, có đạt được điều gì về pháp không?" "Không có, thưa Thế Tôn! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng thật không đạt được điều gì về pháp." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Bồ Tát có làm trang nghiêm Phật thổ không?" "Không có, thưa Thế Tôn! Là vì sao? Người làm trang nghiêm cõi Phật tức không trang nghiêm, thì gọi là trang nghiêm." "Vì thế Tu Bồ Đề, các Bồ Tát Ma Ha Tát nên như thế mà sinh tâm thanh tịnh, không nên trụ vào sắc mà sinh tâm, không nên trụ vào thanh - hương - vị - xúc - pháp mà sinh tâm, nên không có chỗ trụ mà sinh tâm ấy." "Tu Bồ Đề! Ví như có người, thân to như núi Tu Di, ý ông thế nào, là thân ấy rất to lớn chăng?" Tu Bồ Đề nói: "Rất lớn, thưa Thế Tôn! Là vì sao? Phật nói không phải thân, thì gọi là thân lớn."

Phần 11. Phúc vô vi là hơn hết

"Tu Bồ Đề! Giống như tất cả số cát có trong sông Hằng, bao nhiêu hạt cát là bấy nhiêu sông Hằng, ý ông thế nào, số cát trong tất cả số sông Hằng ấy có nhiều không?" Tu Bồ Đề nói: "Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Chỉ riêng số sông Hằng đã nhiều vô số huống chi là cát!" "Tu Bồ Đề! Nay ta nói lời thật cho ông nghe: nếu có thiện nam, thiện nữ, dùng thất bảo nhiều bằng tất cả số cát sông Hằng trong tam thiên đại thiên thế giới để bố thí thì phúc ấy có nhiều không?" Tu Bồ Đề nói: "Rất nhiều, thưa Thế Tôn!" Phật bảo Tu Bồ Đề: "Nếu có thiện nam, thiện nữ, cho dù chỉ niệm bốn câu kệ trong kinh này, vì người khác mà thuyết giảng, thì phúc đức ấy còn hơn cả phúc đức nói ở trên."

Phần 12. Tôn trọng chính giáo

"Lại nữa, Tu Bồ Đề, nói theo kinh này, cho dù chỉ bốn câu kệ, nên biết nơi này, tất cả thế gian, Trời, Người, Atula, đều nên cúng dường, ví như chùa tháp Phật, huống hồ có người hết sức thọ trì đọc tụng. Tu Bồ Đề! Nên biết rằng người này thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hi hữu. Những nơi nào có kinh điển này thì xem như có Phật hoặc đệ tử đáng tôn trọng."

Phần 13. Thọ trì đúng như pháp

Lúc này, Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì? Chúng con phụng trì ra sao?" Phật bảo Tu Bồ Đề: "Kinh này tên gọi là "Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật", các ông nên dựa vào tên này mà phụng trì. Vì sao như vậy? Tu Bồ Đề! Phật nói Bát Nhã Ba La Mật, tức chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật, nên gọi là Bát Nhã Ba La Mật. Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có từng thuyết pháp không?" Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Như Lai không thuyết pháp." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Tất cả vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều không?" Tu Bồ Đề nói: "Rất nhiều, thưa Thế Tôn!" "Tu Bồ Đề! Các vi trần ấy, Như Lai nói rằng chẳng phải vi trần, thì gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới chẳng phải là thế giới thì gọi là thế giới." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể dựa vào ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai không?" "Không thể, thưa Thế Tôn! Không thể dựa vào ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Là vì sao? Như Lai nói: ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, do vậy gọi là ba mươi hai tướng." "Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ, dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, nếu lại có người cho dù chỉ thọ trì bốn câu kệ trong kinh này, vì người khác mà giảng thuyết, thì phúc ấy rất nhiều!"

Phần 14. Lìa tướng tịch diệt

Khi ấy, Tu Bồ Đề đã nghe giảng kinh này, hiểu sâu ý nghĩa, rớt nước mắt mà bạch Phật rằng: "Thật hiếm có, thưa Thế Tôn! Phật nói kinh điển thâm sâu như vậy, huệ nhãn của con từ xưa tới nay chưa từng thấy kinh điển như vậy. Thế Tôn! Nếu lại có người nghe được kinh này, tín tâm thanh tịnh, liền sinh thực tướng, nên biết người này thành tựu công đức hi hữu đệ nhất. Thế Tôn! Thực tướng ấy tức chẳng phải tướng, vì thế Như Lai nói là thực tướng. Thưa Thế Tôn! Nay con nghe được kinh điển này, tin hiểu thọ trì cũng không khó gì. Nhưng nếu đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sinh nghe được kinh này mà tin hiểu thọ trì, thì người ấy cũng là bậc nhất hiếm có. Là vì sao? Vì người này vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Thế rồi thì sao? Ngã tướng tức chẳng phải tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng tức chẳng phải tướng. Là vì sao? Lìa bỏ tất cả mọi tướng thì gọi là chư Phật." Phật bảo Tu Bồ Đề: "Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu lại có người, nghe được kinh này, không kinh, không hãi, không sợ, nên biết rằng người này rất hiếm có. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Như Lai nói: đệ nhất Ba la mật, tức chẳng phải đệ nhất Ba la mật, thì gọi là đệ nhất Ba la mật. Tu Bồ Đề! Nhẫn nhục Ba la mật, Như Lai nói chẳng phải là nhẫn nhục Ba la mật, thì gọi là nhẫn nhục Ba la mật. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Như khi xưa ta bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể, ta khi ấy vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Là vì sao? Ngày xưa khi ta bị cắt ra từng phần, nếu có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, thì ắt sinh lòng sân hận. Tu Bồ Đề! Lại nhớ năm trăm kiếp quá khứ ta làm tiên nhân nhẫn nhục, vào thời ấy, không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng. Thế nên, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên lìa bỏ tất cả mọi tướng, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, không nên trụ trong sắc mà sinh tâm, không nên trụ trong thanh hương vị xúc pháp mà sinh tâm, nên sinh tâm vô sở trụ. Nếu tâm có nơi trụ cũng tức là không phải trụ." "Thế nên Phật nói: tâm Bồ Tát không nên trụ trong sắc mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên vì lợi ích của tất cả chúng sinh mà bố thí như vậy. Như Lai nói: tất cả mọi tướng tức chẳng phải tướng. Lại nói: tất cả chúng sinh tức chẳng phải chúng sinh. Tu Bồ Đề! Như Lai nói lời chân chính, đúng thật, như nghĩa, không nói dối, không nói lời sai khác." "Tu Bồ Đề! Pháp mà Như Lai có được, pháp này không thực không hư. Tu Bồ Đề! Nếu tâm Bồ Tát trụ vào pháp mà làm việc bố thí, thì giống như người đi vào chỗ tối, cũng chẳng thấy gì. Nếu tâm Bồ Tát không trụ vào pháp mà làm việc bố thí thì giống như người có mắt, nhờ ánh sáng chiếu soi mà thấy đủ mọi sắc tướng." "Tu Bồ Đề! Vào các đời sau, nếu có thiện nam, thiện nữ có thể thọ trì đọc tụng kinh này thì xem như Như Lai dùng trí huệ Phật mà đều biết người ấy, đều thấy người ấy đều đạt thành tựu công đức vô lượng vô biên."

Phần 15. Công đức trì kinh

"Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ vào đầu ngày mới dùng thân nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí, vào giữa ngày dùng thân nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí, vào cuối ngày dùng thân nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí, cứ như thế trong vô lượng trăm nghìn vạn ức kiếp dùng thân mà bố thí; nếu lại có người nghe kinh điển này, tín tâm thuận theo, thì phúc còn hơn cả công đức bố thí kia, huống chi là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà giảng thuyết." "Tu Bồ Đề! Lời quan trọng nhất là kinh này có công đức vô biên bất khả tư nghì, không thể đo lường. Như Lai vì những người phát tâm Đại thừa mà nói, vì những người phát tâm Tối thượng thừa mà nói. Nếu có người có thể thọ trì đọc tụng, vì người khác mà rộng rãi giảng thuyết, thì Như Lai đều biết người này, đều thấy người này đạt thành tựu công đức không thể đo lường, không thể cân tính, không có biên giới, không thể nghĩ bàn. Những người như thế tức là gánh vác A nậu đa la tam miệu tam bồ đề của Như Lai. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Nếu người nào yêu thích pháp nhỏ, chấp vào ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, thì đối với kinh này không thể nghe, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà giảng thuyết." "Tu Bồ Đề! Bất kì nơi nào có kinh này, thì tất cả thế gian, Trời, Người, Atula, đều nên cúng dường, nên biết nơi này tức là tháp, đều nên cung kính, làm lễ nhiễu quanh, dùng mọi hoa thơm mà rải khắp nơi ấy."

Phần 16. Có thể làm sạch nghiệp chướng

"Tiếp nữa, Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khác khinh chê, thì người này do nghiệp kiếp trước đáng lẽ phải đọa ác đạo, thì đời này do bị người khinh chê mà nghiệp tội kiếp trước bị tiêu diệt, sẽ đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề." "Tu Bồ Đề! Ta nhớ quá khứ vô lượng a-tăng-kì kiếp trước thời Đức Phật Nhiên Đăng, ta được gặp tám trăm bốn nghìn vạn ức na-do-tha chư Phật, ta đều cúng dường cung kính phụng sự không bỏ sót vị nào. Nếu lại có người, vào thời mạt pháp sau này, có thể thọ trì đọc tụng kinh này, thì công đức người ấy có được so với công đức cúng dường chư Phật của ta nhiều hơn bội phần, trăm phần ta không bằng một phần họ, nghìn vạn ức phần, thậm chí tính toán tỉ dụ thì cũng không thể so bì được." "Tu Bồ Đề! Nếu thiện nam, thiện nữ vào thời mạt pháp, có thọ trì đọc tụng kinh này thì công đức người đó có được, dù ta nói ra đầy đủ thì có lẽ có người nghe thấy tâm sẽ cuồng loạn, nghi ngờ không tin. Tu Bồ Đề! Nên biết nghĩa kinh này bất khả tư nghì, quả báo cũng bất khả tư nghì."

Phần 17. Vô ngã tột cùng

Khi ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề nên trụ tâm thế nào? Làm sao hàng phục tâm ấy?" Phật bảo Tu Bồ Đề: "Thiện nam, thiện nữ phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề nên sinh tâm thế này: ta nên diệt độ tất cả chúng sinh, diệt độ hết thảy chúng sinh rồi nhưng không có một chúng sinh nào thật sự diệt độ. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, tức chẳng phải Bồ Tát. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Vì thật không có pháp phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có được pháp phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề không?" "Không có, thưa Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật nói, Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có được pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề." Phật nói: "Đúng thế, đúng thế. Tu Bồ Đề! Thật không có pháp Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề! Nếu có pháp Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề thì Phật Nhiên Đăng ắt không thọ kí cho ta rằng: "Vào đời sau sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni." Vì thật không có pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, nên Phật Nhiên Đăng mới thọ kí cho ta mà nói rằng: "Vào đời sau sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni." Là vì sao? Vì Như Lai tức là mọi pháp đều như nghĩa." "Nếu có người nói: Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề! Thật không có pháp Phật đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề! A nậu đa la tam miệu tam bồ đề mà Như Lai có được trong ấy không thật không hư. Vì thế Như Lai nói: tất cả mọi pháp đều là Phật pháp. Tu Bồ Đề! Nói là tất cả mọi pháp tức chẳng phải tất cả mọi pháp, thế nên gọi là tất cả mọi pháp." "Tu Bồ Đề! Ví dụ như nói thân người cao lớn." Tu Bồ Đề nói: "Thế Tôn! Như Lai nói: thân người cao lớn tức chẳng phải thân lớn, thì gọi là thân lớn." "Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng như thế. Nếu nói rằng "Ta đang diệt độ vô lượng chúng sinh" thì không gọi là Bồ Tát. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Thật không có pháp gọi là Bồ Tát. Thế nên Phật nói: mọi pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát nói rằng "Ta đang làm trang nghiêm cõi Phật" thì không gọi là Bồ Tát. Là vì sao? Như Lai nói: trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, thì gọi là trang nghiêm. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát thông đạt pháp vô ngã thì Như Lai nói đó đúng là Bồ Tát."

Phần 18. Nhất thể đồng quán

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có nhục nhãn không?" "Thưa Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai có nhục nhãn." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có thiên nhãn không?" "Thưa Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai có thiên nhãn." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có huệ nhãn không?" "Thưa Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai có huệ nhãn." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có pháp nhãn không?" "Thưa Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai có pháp nhãn." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như Lai có Phật nhãn không?" "Thưa Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai có Phật nhãn." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như cát có trong sông Hằng, Phật nói đó là cát chăng?" "Thưa Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai nói là cát." "Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như trong một con sông Hằng có bao nhiêu cát lại có bấy nhiêu sông Hằng nhiều bằng số cát ấy, lại có số cõi Phật nhiều bằng tất cả cát của tất cả sông Hằng ấy, như thế có nhiều không?" "Rất nhiều, thưa Thế Tôn!" Phật bảo Tu Bồ Đề: "Trong tất cả quốc thổ ấy, tất cả chúng sinh có bao nhiêu loại tâm, Như Lai đều biết. Là vì sao? Như Lai nói: mọi tâm đều chẳng phải tâm, thì gọi là tâm. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Tâm quá khứ không thể đắc, tâm hiện tại không thể đắc, tâm vị lai không thể đắc."

Phần 19. Pháp giới thông suốt không ngăn trở

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Nếu có người dùng thất bảo tràn đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy vì nhân duyên này có được phúc nhiều không?" "Đúng thế, thưa Thế Tôn! Người này do nhân duyên ấy mà có phúc rất nhiều." "Tu Bồ Đề! Nếu phúc đức có thật, Như Lai không nói có được phúc đức nhiều, vì phúc đức là không, nên Như Lai nói có được phúc đức nhiều."

Phần 20. Lìa sắc lìa tướng

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể dựa vào sắc thân đầy đủ mà thấy Phật không?" "Không được, thưa Thế Tôn! Không nên dựa vào sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai. Là vì sao? Như Lai nói: mọi tướng đầy đủ tức chẳng đầy đủ, thì gọi là mọi tướng đầy đủ."

Phần 21. Không nói điều đã nói

"Tu Bồ Đề! Ông đừng bảo rằng Như Lai có ý nói "Ta đang thuyết pháp ở mức độ nào đó". Đừng nghĩ như thế, là vì sao? Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp ở mức độ nào đó thì tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu được điều ta nói. Tu Bồ Đề! Thuyết pháp đó, không có pháp nào có thể thuyết, thì gọi là thuyết pháp." Khi ấy, Huệ Mệnh Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Sẽ lại có chúng sinh ở đời vị lai nghe pháp này mà sinh tín tâm sao?" Phật nói: "Tu Bồ Đề! Đó chẳng phải chúng sinh, chẳng phải không phải chúng sinh. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Chúng sinh đó, Như Lai nói không phải chúng sinh, thì gọi là chúng sinh."

Phần 22. Không pháp nào có thể đắc

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Phật đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề là không phải có được sao?" Phật nói: "Đúng thế, đúng thế. Tu Bồ Đề! Ta đối với A nậu đa la tam miệu tam bồ đề thậm chí không có một chút pháp nào có thể có được, nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề."

Phần 23. Tịnh tâm hành thiện

"Tiếp nữa, Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng, không có cao thấp, thì gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Nhờ vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu tất cả pháp thiện, tức là đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề! Pháp thiện đã nói đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp thiện, thì gọi là pháp thiện."

Phần 24. Phúc trí không gì sánh bằng

"Tu Bồ Đề! Nếu tất cả các núi Tu Di chứa trong tam thiên đại thiên thế giới, có người dùng thất bảo tích tụ nhiều như số núi ấy mà bố thí, hoặc có người thọ trì đọc tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật này cho dù chỉ bốn câu kệ, vì người khác mà giảng thuyết, thì phúc đức của người bố thí so với người trì kinh trăm phần không bằng một phần, trăm nghìn vạn ức phần, thậm chí tính toán tỉ dụ thì cũng không thể so bì được."

Phần 25. Hóa vô sở hóa

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Các ông đừng bảo rằng Như Lai có ý nói: "Ta đang độ chúng sinh". Tu Bồ Đề! Đừng nghĩ như thế. Là vì sao? Thật không có chúng sinh nào được Như Lai độ. Nếu có chúng sinh nào được Như Lai độ thì Như Lai ắt có ngã - nhân - chúng sinh - thọ giả. Tu Bồ Đề! Như Lai nói: "Có ngã, tức chẳng phải có ngã, nhưng kẻ phàm phu cho là có ngã." Tu Bồ Đề! Phàm phu đó Như Lai nói tức chẳng phải phàm phu, thì gọi là phàm phu."

Phần 26. Pháp thân phi tướng

"Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể dựa vào ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai không?" Tu Bồ Đề nói: "Đúng thế! Đúng thế! Dựa vào ba mươi hai tướng mà quán Như Lai." Phật nói: "Tu Bồ Đề! Nếu dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai." Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa Phật nói, không nên dựa vào ba mươi hai tướng mà quán Như Lai." Khi ấy, Thế Tôn bèn nói bài kệ: Nếu do sắc thấy ta Do âm thanh cầu ta Người ấy hành tà đạo Không thể thấy Như Lai.

Phần 27. Không đoạn không diệt

"Tu Bồ Đề! Nếu ông nghĩ rằng: vì Như Lai chẳng dựa vào các tướng đầy đủ mà đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề! Chớ nghĩ rằng: Như Lai chẳng dựa vào các tướng đầy đủ mà đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề." "Tu Bồ Đề! Nếu ông nghĩ rằng, người phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề nói mọi pháp đoạn diệt. Đừng nghĩ như vậy! Là vì sao? Người phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề đối với pháp không nói tướng đoạn diệt."

Phần 28. Không thọ không tham

"Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát đem thất bảo đầy trong thế giới nhiều như số cát sông Hằng để bố thí, nếu lại có người biết tất cả pháp là vô ngã nên thành tựu pháp nhẫn, thì công đức của Bồ Tát này có được còn hơn cả công đức của Bồ Tát trước. Là vì sao? Tu Bồ Đề! Là vì các Bồ Tát không nhận phúc đức." Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Vì sao nói Bồ Tát không nhận phúc đức?" "Tu Bồ Đề! Bồ Tát không nên tham chấp vào phúc đức có được nên mới nói là không nhận phúc đức."

Phần 29. Uy nghi tịch tĩnh

"Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: Như Lai hoặc đến hoặc đi, hoặc ngồi hoặc nằm, thì người đó không hiểu nghĩa ta nói. Là vì sao? Vì Như Lai đó chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai."

Phần 30. Lí lẽ về một hợp tướng

"Tu Bồ Đề! Nếu thiện nam, thiện nữ nghiền nát tam thiên đại thiên thế giới thành vi trần, ý ông thế nào? Vi trần ấy có nhiều không?" Tu Bồ Đề nói: "Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Là vì sao? Nếu những vi trần là thật có thì Phật ắt không nói là vi trần. Vì sao như thế? Phật nói: vi trần tức chẳng phải vi trần, thì gọi là vi trần. Thế Tôn! Như Lai nói tam thiên đại thiên thế giới tức chẳng phải thế giới, thì gọi là thế giới. Là vì sao? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói: một hợp tướng, tức chẳng phải một hợp tướng, thì gọi là một hợp tướng." "Tu Bồ Đề! Một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ có người phàm phu tham chấp vào việc đó."

Phần 31. Tri kiến chẳng sinh

"Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến. Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Người đó có hiểu nghĩa ta nói không?" "Không hiểu, thưa Thế Tôn! Là người ấy không hiểu nghĩa Như Lai nói. Là vì sao? Thế Tôn nói: ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, thì gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến." "Tu Bồ Đề! Người phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đối với tất cả các pháp, nên biết như vậy, nên thấy như vậy, nên tin hiểu như vậy, không sinh pháp tướng. Tu Bồ Đề! Pháp tướng đã nói đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, thì gọi là pháp tướng."

Phần 32. Ứng hóa không phải thật

"Tu Bồ Đề! Nếu có người dùng thất bảo đầy khắp vô lượng a-tăng-kỳ thế giới để bố thí, nếu có thiện nam, thiện nữ phát tâm bồ đề, trì bản kinh này cho dù chỉ bốn câu kệ, thọ trì đọc tụng, vì người khác mà giảng thuyết rộng rãi, thì phúc của người này còn hơn cả người cúng dường kia. Thế nào gọi là người diễn thuyết? Không giữ vào tướng, như như bất động. Là vì sao?"

"Tất cả pháp hữu vi Như mộng huyễn bào ảnh Như sương cũng như điện Nên quán thấy như vậy." Phật nói kinh đã xong, trưởng lão Tu Bồ Đề và các tì kheo, tì kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, tất cả thế giới, Trời, Người, Atula nghe điều Phật nói đều vô cùng hoan hỉ, tín thọ phụng hành.

(Hết.)