Đại Phạm Thiên Vương tôn quý pháp
Giảng pháp: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Thời gian: N/A Địa điểm: N/A Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam
Chú ý: Chưa nhận quán đảnh, xin đừng tu pháp! Pháp cần được Liên Sinh Hoạt Phật quán đảnh và truyền pháp trực tiếp.
Chú ngữ
Ôm. Ma-la. Han. Mô-ni. Sô-ha.
Thủ ấn và chủng tử tự
Tay trái: ngón trỏ và ngón cái tạo thành vòng tròn, kẹp một chiếc lông ngỗng màu trắng, các ngón tay khác dựng thẳng, để tay cao quá vai mình, lòng bàn tay hướng ra ngoài.
Công đức của pháp
Chủ ý của Đại Phạm Thiên là thanh tịnh, ngài là chủ thần trong Bà-la-môn giáo, cũng là chúa tể sáng tạo ra trời đất.
Nói chung, Đại Phạm Thiên là chủ của thiên giới, có thể nói là cha của chúng sinh, khi vị trời này vui, thế giới loài người sẽ cực kì yên ổn, khi vị trời này tức giận, thế giới sẽ có rối loạn, chúng sinh cũng sẽ không yên. Nghe nói Đại Phạm Thiên Vương lúc vui lúc giận chi phối những biến động và tai nạn lớn của đời người.
Trong kinh Đại Nhật có ghi chép pháp tướng của ngài là: “Đại Phạm Thiên Vương đội mũ miện, ngồi trên bảy cỗ xe, bốn mặt bốn tay. Tay phải thứ nhất cầm hoa sen, tay phải thứ hai cầm chuỗi hạt, tay trái thứ nhất cầm gậy, tay trái thứ hai làm ấn chữ Om (tức là ấn cát tường).”
Ấn Độ giáo có ba vị chủ thần: Thần Sáng Tạo - Brahma — Đại Phạm Thiên. Thần Hủy Diệt - Shiva — Tự Tại Thiên. Thần Bảo Hộ - Vishnu — Biến Tịnh Thiên.
Thần Sáng Tạo Đại Phạm Thiên (Brahma) trong kinh Vệ Đà có định nghĩa và giải thích về ngài như sau:
Tất cả bà-la-môn, tăng lữ, thầy tế, được sinh ra từ trong miệng của Đại Phạm Thiên. Tất cả sát-đế-lợi, hoàng tộc, chiến sĩ, được sinh ra từ cánh tay của Đại Phạm Thiên. Tất cả phệ-xá, thợ thủ công, thương nhân, được sinh ra từ bắp đùi của Đại Phạm Thiên. Tất cả thủ-đà-la, nông dân và nô lệ được sinh ra từ lòng bàn chân của Đại Phạm Thiên.
Tóm lại, Đại Phạm Thiên là thần Sáng Tạo của Ấn Độ giáo, tất cả mọi thứ đều là do ngài sáng tạo ra.
Tu pháp Đại Phạm Thiên Vương chủ yếu nhất chính là phải bày biện bảy chiếc lông ngỗng trắng, cắm xung quanh Đại Phạm Thiên Vương. Bảy chiếc lông ngỗng trắng này đại diện cho một tuần lễ, từ thứ hai tới chủ nhật. Mỗi lần tu pháp, khi trì chú thì cầm lên một chiếc lông ngỗng trì chú 108 biến. Khi tu pháp đến lúc tương ứng rồi thì mang lông ngỗng theo người sẽ vô cùng cát tường.
Tâm chú của Đại Phạm Thiên Vương là: Ôm. Ma-la. Han. Mô-ni. Sô-ha.
Đại Phạm Thiên Vương là chí cao vô thượng. Chỉ cần nhận được quán đảnh Đại Phạm Thiên Vương, tu pháp tương ứng rồi thì Đại Phạm Thiên Vương: thứ nhất, tương lai bạn sẽ có danh lợi; thứ hai, bạn sẽ cực kì tôn quý; thứ ba, bạn sẽ cực kì giàu có. Cho nên sự tôn quý của pháp Đại Phạm Thiên Vương là, thành tựu chắc chắn là vua của nhân gian.
Nghi quỹ
Trước tiên, thỉnh cầu Căn bản Thượng sư gia trì:
Đầu tiên quán không, sau đó quán tưởng Căn bản Truyền thừa Thượng sư Liên Sinh Hoạt Phật trụ ở đỉnh đầu phóng quang gia trì. Trì tâm chú Liên Hoa Đồng Tử 7 biến, cầu nguyện tu pháp viên mãn.
Tiếp theo, làm quán tưởng tứ vô lượng tâm. Làm thủ ấn đánh thức (vỗ tay hai lần, bắt chéo hay tai, búng ngón tay).
- Chú thanh tịnh.
- Chú triệu thỉnh.
- Đại lễ bái.
- Đại cúng dường.
- Tứ quy y.
- Mặc bia giáp hộ thân.
- Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh (1 biến)
- Chú vãng sinh (7 biến)
- Căn bản Truyền thừa Thượng sư tâm chú Om guru liansheng siddhi hum. (108 biến)
- Kết ấn và quán tưởng: Kết ấn: thủ ấn Đại Phạm Thiên Vương. Tay trái: ngón trỏ và ngón cái tạo thành vòng tròn, kẹp một chiếc lông ngỗng màu trắng, các ngón tay khác dựng thẳng, để tay cao quá vai mình, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Quán tưởng: Đầu tiên quán không, niệm chú quán không: Ôm sư-pa-wa su-ta sa-ơ-wa ta-ơ-ma sư-pa-wa su-tô hằng. (3 biến) (1) Trên mặt biển lớn, trời trong vạn dặm không mây, nguyệt luân từ mặt biển nhô lên, trong nguyệt luân có chủng tử chữ “Brah” màu xanh lam. (Cũng có thể quán tưởng chủng tử chữ “Vi”, phần sau tự suy ra.) (2) Trong nguyệt luân, chữ Brah xoay tròn, hóa thành Đại Phạm Thiên Vương, bốn mặt tám tay. Tay phải từ trước ra sau theo thứ tự là áp vào ngực, cầm ấm nước, cầm gậy, cầm minh luân. Tay trái từ trước ra sau cầm chuỗi hạt, pháp loa, kinh Phật, cờ lệnh, an trụ trong hư không trước mặt. (Cũng có thể quán tưởng Đại Phạm Thiên Vương bốn mặt bốn tay, tay phải thứ nhất kết ấn ban nguyện, tay phải thứ hai cầm mác, tay trái thứ nhất cầm hoa sen, tay trái thứ hai cầm bình nước; hoặc tay phải thứ nhất cầm hoa sen, tay phải thứ hai cầm chuỗi hạt, tay trái thứ nhất cầm gậy (hoặc bình nước), tay trái thứ hai kết ấn chữ Om (tức ấn cát tường).) (3) Quán tưởng thiên tâm của Đại Phạm Thiên Vương phóng ra một vệt ánh sáng trắng chiếu thẳng đến thiên tâm của hành giả. Từ họng ngài phóng ra một vệt ánh sáng đỏ chiếu thẳng đến họng của hành giả. Tâm luân của ngài phóng ra một vệt ánh sáng xanh lam chiếu thẳng đến tâm luân của hành giả. Ba ánh sáng trắng, đỏ, lam tan vào thân tâm của hành giả.
- Trì tâm chú Đại Phạm Thiên Vương:
- Cửu tiết Phật phong, nhập Tam ma địa.
- Xuất định.
- Trì thêm những tâm chú khác.
- Niệm Phật. Nam mô 36 vạn tỉ 11 vạn 9 nghìn 5 trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật. (3 biến)
- Hồi hướng.
- Niệm Bách tự minh chú 3 biến.
- Đại lễ bái.
- Chú viên mãn.
Ôm. Ma-la. Han. Mô-ni. Sô-ha. (108 biến) (Khi trì chú, tay trái kết thủ ấn Đại Phạm Thiên Vương, cầm một chiếc lông ngỗng màu trắng, tay phải cầm chuỗi hạt.)
Ôm bu-lin. (3 biến) Ôm ma-ni pê-mi hùm.
Làm thủ ấn giải tán: vỗ tay hai lần, bắt chéo tay, búng ngón tay. Tu pháp viên mãn. Như ý cát tường.
Chú ý:
(1) Bố đàn: trong tròn ngoài vuông. Chủ tôn ở trung tâm là Đại Phạm Thiên Vương, xung quanh cắm bảy chiếc lông ngỗng màu trắng thuận theo chiều kim đồng hồ, tạo thành vòng tròn. Sau đó lại bày hoa, hương, đèn, trà, quả… tám món cúng tạo thành hình vuông cho đàn thành.
(2) Trên bảy chiếc lông ngỗng trắng có thể làm ký hiệu để phân biệt thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Tay cầm những lông ngỗng khác nhau niệm tụng chú ngữ. Sau khi tu pháp tương ứng rồi thì vào ngày thứ hai, lấy chiếc lông ngỗng có ký hiệu ngày thứ hai để vào trong túi áo mang theo người, ngày hôm đó sẽ được cát tường như ý. Cứ tương tự như vậy mà suy ra thì liên tục cả tuần lễ đều được cát tường như ý.
(3) Quán tưởng nhập ngã hợp nhất với Đại Phạm Thiên Vương: Đại Phạm Thiên Vương hóa thành một chấm sáng, đi vào từ lỗ đỉnh đầu của hành giả, ngồi tại đài hoa sen trong tim, sau đó thân từ từ biến to ra, cho đến khi bằng kích thước với thân của hành giả. (Hai người kết hợp chặt chẽ, Đại Phạm Thiên Vương tức là mình, mình tức là Đại Phạm Thiên Vương, không hai không khác.)
(4) Nếu không có tượng kim thân của Đại Phạm Thiên Vương cũng có thể thờ cúng pháp tướng Đại Phạm Thiên Vương bằng giấy. Trước tiên lấy khung ảnh có pháp tướng của Đại Phạm Thiên Vương dựng đứng ở trung tâm, sau đó theo phương thức bố đàn như chú thích (1) để thiết lập đàn thành.
Ứng dụng Yết ma
Thứ nhất, tương lai bạn sẽ có danh vị. Thứ hai, bạn sẽ cực kì tôn quý. Thứ ba, bạn sẽ cực kì giàu có.
Liên Sinh Hoạt Phật khai thị tâm yếu khẩu quyết của pháp
Thái Lan có một vị thần rất nổi tiếng, đứng tại trung tâm thành phố Bangkok, chính là Thần Bốn Mặt. Và vị Thần Bốn Mặt này và vị Phật Bốn Mặt chính là Đại Phạm Thiên Vương.
Chủ ý của Đại Phạm Thiên là thanh tịnh, ngài là chủ thần trong Bà-la-môn giáo, cũng là chúa tể sáng tạo ra trời đất. Trong Phật giáo, Đại Phạm Thiên Vương này chính là thiên chủ của cõi Sơ thiền Sắc giới thiên. Thần Bốn Mặt của Thái Lan nổi tiếng thiên hạ, thật ra cũng chính là Đại Phạm Thiên Vương nổi tiếng thiên hạ.
Khi Phật Thích Ca Mâu Ni ở dưới cây bồ đề ngộ đạo, ngài không muốn ở lại nhân gian, rất muốn nhập niết bàn. Lúc này, Phạm Thiên và Đế Thích Indra xuất hiện, thỉnh cầu Phật Thích Ca Mâu Ni lưu lại nhân gian để chuyển pháp luân. Chính vì có hai vị là Đại Phạm Thiên và Đế Thích Thiên thỉnh cầu Phật Thích Ca Mâu Ni ở lại nhân gian truyền pháp, sau này mới có Phật giáo. Đại Phạm Thiên này đã thỉnh cầu Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại nhân gian truyền pháp, là một vị Đại Phạm Thiên có ơn với chúng sinh.
Trong Phật giáo, Phạm Thiên tuy chỉ là Sơ thiền, cũng tương đương với cõi trời thứ nhất, cõi trời thứ hai của Sắc giới mà thôi. Nhưng trong Ấn Độ giáo, Đại Phạm Thiên đích thực là một vị thiên thần chí cao, thiên thần có vị trí cao nhất, gọi là Thần Sáng Tạo. Ấn Độ giáo có ba đại thần, một là Thần Sáng Tạo - Đại Phạm Thiên, một là thần Hủy Diệt - Đại Tự Tại Thiên, một là Thần Bảo Hộ - Biến Tịnh Thiên. Tư tưởng triết học của Ấn Độ giáo chính là ba vị đại thần này đang tuần hoàn, một người là sáng tạo, một người là hủy diệt, một người là bảo hộ, chính là sự diễn hóa của ba vị đại thần này.
Trong cách nói về Thần Sáng Tạo của Ấn Độ giáo và Phật giáo tương đối khác nhau. Trong Ấn Độ giáo nói Thần Sáng Tạo chính là sáng tạo ra toàn bộ trời đất vũ trụ và là thần của toàn thể nhân loại. Địa vị của Đại Phạm Thiên, nói một câu tương đối bí mật một chút, ngài chính là Thượng đế Jehovah, chính là thánh Allah, có thể nói là Thượng đế mà Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Đông Chính giáo tôn sùng. Thần Phạm Thiên tương đương với Thượng đế.
Vị Thần Sáng Tạo Đại Phạm Thiên tôn quý nhất này, theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo thì chỉ cần ngài giáng lâm đến nhân gian, chuyển thế đến nhân gian, thì ngài chính là Quốc vương, chính là Hoàng đế, chính là Tổng thống, chính là Thủ tướng, thân phận rất đặc biệt. Bạn chỉ cần tu tương ứng với Đại Phạm Thiên thì bạn có thể có được danh vị, nói cách khác là Đại Phạm Thiên có thể ban cho bạn pháp ấn của ngài, ấn này chính là quyền trượng, cây gậy của quyền lực. Ở nhân gian bạn sẽ trở thành vua của nhân gian, chính là Chuyển Luân Thánh Vương.
Rất nhiều người hiểu lầm về Đại Phạm Thiên Vương. Đại Phạm Thiên chí cao nhất của Ấn Độ giáo, thì ra thân phận của ngài lại chính là Thượng đế của các tôn giáo trên thế giới. Thật ra Indra của Phật giáo - Đế Thích Thiên và Đại Phạm Thiên, đều ở cùng nhau. Đại Phạm Thiên chí cao vô thượng chân chính của Ấn Độ giáo, thì ra danh xưng khác của bản thân ngài chính là Thượng đế. Thật ra, tôn giáo của các nước trên thế giới chỉ là địa phương khác nhau, chủng tộc khác nhau, cho nên Thượng đế của họ mới có sự phân ra, trên thực tế đều cùng là một vị Đại Phạm Thiên. Đây là thân phận thật sự của ngài.
Đại Phạm Thiên là Thần Sáng Tạo, trong cách nói của Phật giáo thì đương nhiên không nhất định là nói về sáng tạo, các vị khác cũng đều là sáng tạo. Chỉ là Nguyên Nhân Luận của Phật giáo nói rằng thiên nhân của Quang Âm Thiên đã đến trái đất khi trái đất hình thành, cảm thấy các thứ ở trái đất rất hay, kết quả là các vị không bay trở về, nên đã trở thành tổ tiên của loài người. Phật giáo nói như vậy.
Thật ra thiên nhân của Quang Âm Thiên là ai? Quang Âm Thiên chính là Đại Phạm Thiên, có quan hệ với Đại Phạm Thiên. Cho nên, Phật giáo nói thiên nhân của Quang Âm Thiên chính là tổ tiên của nhân loại, cũng thuộc về Immigration cai quản, tức là bộ Di Trú. Các vị ấy là di dân, từ Quang Âm Thiên di chuyển đến trái đất, thuộc về Di Dân Luận. Bây giờ có cái gọi là Sáng Tạo Luận, nhân loại được sáng tạo ra. Nhưng theo Phật giáo mà nói thì thuộc về Di Dân Luận, di dân đến trái đất. Tất cả Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác, mấy tôn giáo lớn trên thế giới toàn bộ đều theo Sáng Tạo Luận.
Đại Phạm Thiên là chí cao vô thượng. Hôm nay những ai đến đây là có may mắn, đã nhận được quán đảnh này, thứ nhất là tương lai bạn sẽ có danh vị, thứ hai, bạn sẽ cực kì tôn quý, thứ ba, bạn sẽ cực kì giàu có. Cho nên chúng ta tương lai chuyển thế, chỉ cần bạn tu pháp tương ứng với Đại Phạm Thiên rồi, bạn muốn đến nhân gian, bạn sẽ trở thành Obama, bạn sẽ trở thành Bill Gates, bạn muốn gì sẽ có cái đó, chí ít bạn cũng trở thành Warren Buffett. Bởi vậy, sự tôn quý của vị này là vua của nhân gian, hễ ngài chuyển thế thì chắc chắn sẽ là vua của nhân gian.
Phật giáo cũng nói, Đại Phạm Thiên chỉ cần chuyển thế đến nhân gian thì chính là Chuyển Luân Thánh Vương, cũng tức là vị vua tôn quý nhất của nhân gian.
Thủ ấn của Đại Phạm Thiên Vương là tay trái giơ lên, giơ cao quá vai, ngón cái và ngón trỏ tạo thành vòng tròn, kết ấn là kết thủ ấn như thế này. Ngài có bốn mặt tám tay, mỗi tay có biểu trưng riêng, biểu trưng của ngài là có một tay cầm cờ lệnh, biểu thị ngài có pháp lực vạn năng, pháp lực của ngài rất mạnh. Ngài có một tay cầm kinh Phật, biểu thị ngài rất có trí huệ; có một tay cầm pháp loa, biểu thị ngài ban phúc cho chúng sinh; có một tay cầm minh luân, tức là bánh xe ánh sáng, biểu thị tiêu tai hàng ma và hủy diệt phiền não; một tay cầm quyền trượng, biểu thị thành tựu chí thượng, thành tựu rất cao; một tay cầm ấm nước, biểu thị bạn cầu ngài, ngài sẽ cho bạn cảm ứng. Hôm nay các bạn nhận quán đảnh này xong, trở về cầu thỉnh ngài, ngài sẽ có cảm ứng. Ngài có một tay cầm chuỗi hạt, biểu thị lục đạo luân hồi; một tay áp vào ngực, biểu thị bảo hộ tất cả chúng sinh, Thần Sáng Tạo cũng đang hộ trì tất cả chúng sinh.