📜

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát niệm tụng pháp

image

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát niệm tụng pháp

Giảng pháp: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Thời gian: N/A Địa điểm: N/A Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

Chú ý: Chưa nhận quán đảnh, xin đừng tu pháp!

Mở đầu:

  • Quán Không.
  • Quán tưởng Căn bản Truyền thừa Thượng sư trụ tại đỉnh đầu phóng quang gia trì. Trì 7 biến Liên Hoa Đồng Tử tâm chú, thỉnh cầu tu pháp viên mãn.
  • Ôm gu-ru lién-shâng sit-đi hùm.

  • Quán tứ vô lượng tâm:

Quán tưởng bên tay phải của hành giả là những người thân phụ hệ, bên tay trái là những người thân mẫu hệ, sau lưng có ân nhân, sư trưởng, bạn bè thân hữu, trước mặt có oan thân trái chủ, xung quanh có lục đạo chúng sinh quây vòng quanh, tất cả cùng tu Mật pháp, cùng thành tựu Phật đạo.

  • Làm thủ ấn đánh thức: vỗ tay 2 lần, bắt chéo hai tay, búng ngón tay.

Phần 1: Niệm chú thanh tịnh:

Tịnh khẩu: Ôm xiêu-li xiêu-li ma-ha xiêu-li xiêu-xiêu-li sô-ha. Tịnh thân: Ôm xiêu-tô-li xiêu-tô-li xiêu-mô-li xiêu-mô-li sô-ha. Tịnh ý: Ôm wa-zư-la đam hơ-hơ hùm. An Thổ Địa chân ngôn: Na-mô sa-man-tô mô-thô-nam ôm đu-ru đu-ru tê-wấy sô-ha.

Phần 2: Niệm chú triệu thỉnh

Ôm ah hùm sô-ha. (3 biến)

Phụng thỉnh: Nam mô Căn bản Truyền thừa Thượng sư Liên Sinh Hoạt Phật. Nam mô Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử. Nam mô Hoa Quang Tự Tại Phật. Nam mô Chân Phật Tông lịch đại truyền thừa tổ sư. Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. (Các phân đường ở các địa phương có thể chiếu theo các vị Phật, Bồ Tát, Kim Cương Hộ Pháp được thờ phụng tại đàn thành của mình mà lần lượt phụng thỉnh.) Nam mô đại ân Chân Phật Tông căn bản lịch đại tổ sư, nguyện mọi chúng sinh được an lạc. Nam mô Ngũ Phật Bổn tôn và đàn thành, nguyện mọi chúng sinh thoát mọi khổ. Nam mô thập phương tam thế tất cả chư Phật, nguyện mọi chúng sinh luôn từ bi và vui vẻ. Nam mô Tam Tạng thập nhị bộ chính pháp, nguyện mọi chúng sinh buông bỏ tâm phân biệt. Nam mô thập phương tam thế tất cả Thánh - Hiền - Tăng, nguyện mọi chúng sinh đắc chính giác. Nam mô Chính Giác Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng Sư Liên Sinh Tôn giả, nguyện con và lục đạo chúng sinh trong sát-na đốn ngộ chứng vô thượng giác, tiếp tục quy về Liên Sinh Phật địa.

Phần 3: Đại lễ bái

Một: bái Căn bản Truyền thừa Thượng sư và thập phương tam thế tất cả chư Phật - kết thủ ấn Phật Kham (tháp Phật)

Quán tưởng ở phía trên trước mặt mình có Căn bản Truyền thừa Thượng sư, lịch đại truyền thừa tổ sư, tám đại Bổn tôn, thập phương tam thế tất cả chư Phật, tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát, tất cả Hộ Pháp Kim Cương, Hộ Pháp Long Thiên, xuất hiện như muôn nghìn vì sao lấp lánh đầy khắp hư không.

Dùng thủ ấn chạm vào thiên tâm (vị trí giữa hai lông mày), quán tưởng thiên tâm của Căn bản Truyền thừa Thượng sư phóng ra một vệt ánh sáng trắng đi vào thiên tâm của chính mình. Dùng thủ ấn chạm vào họng, quán tưởng vị trí họng của Căn bản Truyền thừa Thượng sư phóng ra một vệt ánh sáng đỏ đi vào họng của mình. Dùng thủ ấn chạm vào tâm luân, quán tưởng tâm luân của Căn bản Truyền thừa Thượng sư phóng ra một vệt ánh sáng lam đi vào tâm luân của hành giả. Lại dùng thủ ấn chạm vào thiên tâm, giải ấn. Quán tưởng thân thể của mình nằm trên mặt đất để lạy hết Căn bản Truyền thừa Thượng sư và chư Phật mười phương.

Hai: bái chư Bồ Tát - kết thủ ấn Liên Hoa (hoa sen)

Cũng quán tưởng như trên. Cách dùng thủ ấn cũng giống như trên. Lạy hết tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát.

Ba: bái Hộ Pháp Kim Cương - kết thủ ấn Tam Xoa Xử (chày ba chấu)

Cũng quán tưởng như trên. Cách dùng thủ ấn cũng giống như trên. Lạy hết tất cả Hộ Pháp Kim Cương, Hộ Pháp Long Thiên.

Bốn: khấu đầu - thủ ấn bình đẳng

Dùng thủ ấn cúi lạy một cái, rồi chạm vào thiên tâm giải ấn.

(Quán tưởng chi tiết có liên quan đến đại lễ bái, xin tham khảo cuốn “Mật giáo đại quang hoa” - giảng thuyết tỉ mỉ về nghi quỹ tu trì Chân Phật Mật Pháp hoàn chỉnh.)

Phần 4: Đại cúng dường

Kết ấn cúng dường: hai ngón áp út giơ thẳng. Hai ngón giữa đan chéo nhau. Hai ngón út đan chéo nhau. Hai ngón trỏ móc và đè hai ngón giữa xuống. Hai ngón cái đè lên hai ngón út. Kết ấn đặt trước ngực. Sau khi quán tưởng xong thì chạm vào thiên tâm giải ấn.

Quán tưởng cúng dường như sau: quán tưởng cúng phẩm ở trước đàn thành biến hóa thành hàng ngang, sau đó lại biến thành một mặt phẳng, nhiều vô lượng vô biên. Sau đó lại biến thành đầy ắp hư không vũ trụ. Thành tâm cúng dường toàn bộ đến Căn bản Truyền thừa Thượng sư, lịch đại truyền thừa tổ sư, tám đại Bổn tôn, thập phương tam thế tất cả chư Phật, tát cả Bồ Tát Ma Ha Tát, tất cả Hộ Pháp Kim Cương, Hộ Pháp Long Thiên.

(Quán tưởng chi tiết có liên quan đến đại cúng dường, xin tham khảo cuốn “Mật giáo đại quang hoa” - giảng thuyết tỉ mỉ về nghi quỹ tu trì Chân Phật Mật Pháp hoàn chỉnh.)

Đọc bài kệ cúng dường:

Tu Di tứ châu cùng nhật nguyệt Hóa mọi trân bảo cúng dường Phật Trân quý kì diệu bao công đức Tiêu nghiệp cấp tốc chứng bồ đề.

Niệm chú cúng dường: Ôm sa-ơ-wa ta-tha-ga-ta i-ta-mu gu-ru na-na mên-ta-la kham ni-ri-yê ta-ya-mi.

Phần 5: Tứ quy y

Quán tưởng quán đảnh: quán tưởng Căn bản Truyền thừa Thượng sư, tổ sư truyền thừa các đời, tất cả chư Phật, pháp bảo, tăng bảo, kết hợp lại thành ánh sáng trắng lớn quán đảnh cho hành giả.

Niệm chú tứ quy y: (3 biến) Na-mô gu-ru pây. Na-mô pút-ta yê. Na-mô ta-mô yê. Na-mô sâng-kya yê.

(Khai thị có liên quan đến quy y và sức mạnh nương dựa duy nhất vào dòng truyền thừa, xin tham khảo cuốn “Mật giáo đại quang hoa” - giảng thuyết tỉ mỉ về nghi quỹ tu trì Chân Phật Mật Pháp hoàn chỉnh.)

Phần 6: Bia giáp hộ thân

Kết thủ ấn Tam Xoa Xử, đặt thủ ấn trước trán. Niệm chú: Ôm bua-rưa lan chưa-li. (7 biến) Quán tưởng phòng hộ: quán tưởng Hộ Pháp, Kim Cương thờ phụng tại đàn thành biến hóa thành bốn vị, ở trước mặt, sau lưng, hai bên trái phải để bảo vệ cho hành giả. Dùng thủ ấn chạm vào trán, họng, tim, vai trái, vai phải, sau đó chạm vào thiên tâm giải ấn.

Phần 7: Niệm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh

Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô Phật. Nam mô Pháp. Nam mô Tăng. Phật quốc hữu duyên. Phật pháp tương nhân. Thường lạc ngã tịnh. Hữu duyên Phật pháp.

Nam mô Ma ha bát nhã ba la mật. Thị đại thần chú. Nam mô Ma ha bát nhã ba la mật. Thị đại minh chú. Nam mô Ma ha bát nhã ba la mật. Thị vô thượng chú. Nam mô Ma ha bát nhã ba la mật. Thị vô đẳng đẳng chú.

Nam mô Tịnh Quang Bí Mật Phật. Pháp Tạng Phật. Sư Tử Hống Thần Túc U Vương Phật. Phật Cáo Tu Di Đăng Vương Phật. Pháp Hộ Phật. Kim Cương Tạng Sư Tử Du Hí Phật. Bảo Thắng Phật. Thần Thông Phật. Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật. Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Phật. Quá khứ - thất Phật. Vị lai hiền kiếp - thiên Phật. Thiên ngũ bách Phật. Vạn ngũ thiên Phật. Ngũ bách Hoa Thắng Phật. Bách ức Kim Cương Tạng Phật. Định Quang Phật.

Lục phương lục Phật danh hiệu: Đông phương Bảo Quang Nguyệt Điện Nguyệt Diệu Tôn Âm Vương Phật. Nam phương Thụ Căn Hoa Vương Phật. Tây phương Tạo Vương Thần Thông Diễm Hoa Vương Phật. Bắc phương Nguyện Điện Thanh Tịnh Phật. Thượng phương Vô Số Tinh Tấn Bảo Thủ Phật. Hạ phương Thiện Tịch Nguyệt Âm Vương Phật. Vô lượng chư Phật. Đa Bảo Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật. Di Lặc Phật. A Súc Phật. Di Đà Phật.

Trung ương nhất thiết chúng sinh. Tại Phật thế giới trung giả. Hành trụ ư địa thượng. Cập tại hư không trung. Từ ưu ư nhất thiết chúng sinh. Các lệnh an ổn hưu tức. Trú dạ tu trì. Tâm thường cầu tụng thử kinh. Năng diệt sinh tử khổ. Tiêu trừ chư độc hại.

Nam mô Đại Minh Quan Thế Âm, Quan Minh Quan Thế Âm, Cao Minh Quan Thế Âm, Khai Minh Quan Thế Âm, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát. Thanh Lương Bảo Sơn Ức Vạn Bồ Tát. Phổ Quang Vương Như Lai Hóa Thắng Bồ Tát.

Niệm niệm tụng thử kinh. Thất Phật Thế Tôn. Tức thuyết chú viết: “Li-pô, li-pô-tê, ki-ô, ki-ô-tê, tô-luô-ni-tê, ni-a-la-tê, pi-li-ni-tê, mua-hưa-cha-tê, chân-linh, chiên-tê, sô-ha”. (7 biến)

Thập phương Quan Thế Âm. Nhất thiết chư Bồ Tát. Thệ nguyện cứu chúng sinh. Xưng danh tất giải thoát. Nhược hữu trí tuệ giả. Ân cần vị giải thuyết. Đãn thị hữu nhân duyên. Độc tụng khẩu bất xuyết. Tụng kinh mãn thiên biến. Niệm niệm tâm bất tuyệt. Hỏa diễm bất năng thương. Đao binh lập tồi chiết. Khuể nộ sinh hoan hỉ. Tử giả biến thành hoạt. Mạc ngôn thử thị hư. Chư Phật bất vọng thuyết. Cao Vương Quan Thế Âm. Năng cứu chư khổ ách. Lâm nguy cấp nan trung. Tử giả biến thành hoạt. Chư Phật ngữ bất hư. Thị cố ưng đính lễ. Trì tụng mãn thiên biến. Trọng tội giai tiêu diệt. Hậu phúc kiên tín giả. Chuyên công thọ trì kinh.

Nguyện dĩ thử công đức. Phổ cập ư nhất thiết. Tụng mãn nhất thiên biến. Trọng tội giai tiêu diệt.

Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh (chung)!

Phần 8: Niệm chú vãng sinh: (7 biến)

(Tay kết ấn Đại hải siêu độ.)

Na-mô a-mi-tô-pô-yê tô-tha-ga-tô-yê Tô-tây-ya-tha A-mi-ni-tô pô-pi A-mi-ni-tô si-tam pô-pi A-mi-ni-tô pi-ka-ran-tê A-mi-ni-tô pi-ka-ran-tô Ka-mi-ni ka-ka-na Chê-tô ka-ni sô-ha.

Phần 9: Niệm kệ Tứ vô lượng tâm

Nguyện hết thảy chúng sinh có đầy đủ niềm vui và nguyên nhân của niềm vui, là từ vô lượng. Nguyện hết thảy chúng sinh thoát ly đau khổ và nguyên nhân đau khổ, là bi vô lượng. Nguyện hết thảy chúng sinh vĩnh viễn sống trong an vui không đau khổ, là hỉ vô lượng. Nguyện hết thảy chúng sinh không còn yêu ghét, sống trong bình đẳng, là xả vô lượng.

Phần 10: Phát bồ đề tâm

Đọc văn phát bồ đề tâm:

Đệ tử Liên Hoa ……. kể từ khi quy y Căn bản Thượng sư, Tam Bảo, hướng thẳng đến bồ đề, vĩnh viễn không thối chuyển. Mọi điều thiện lớn nhỏ đều hồi hướng cho chúng sinh mau chóng thành Phật đạo.

Niệm phát bồ đề tâm chân ngôn: (3 biến)

Ôm bô-đi-chi-ta ben-za sa-ma-ya ah hùm.

Phần 11: Kim cang tâm

Đọc bài kệ sám hối: (3 biến)

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp Đều vì vô thủy tham sân si Đều sinh ra từ thân ngữ ý Nay con hết thảy xin sám hối.

Niệm chú sám hối: (108 biến)

Ôm ben-za sa-ma-ya su-tô ah.

Phần 12: Niệm tâm chú Căn bản Truyền thừa Thượng sư

Cầm chuỗi hạt quán tưởng:

(Hai tay cầm chuỗi hạt đặt trước ngực, khi niệm dùng ngón tay cái để lần hạt.) Quán tưởng tay trái thành chuông kim cương, quán tưởng tay phải thành chày kim cương, quán tưởng hạt Phật đầu thành Đa Bảo Phật tháp, quán tưởng bốn hạt lớn hơn ở giữa thành Tứ Đại Thiên Vương, quán tưởng sợi tua rua thành liên hoa thủ (Phật thủ - bàn tay Phật), quán tưởng sợi dây xuyên chuỗi hạt thành vòng ánh trắng của bản tính Kim Cang Tát Đỏa. Khi trì chú, mỗi khi lần một hạt thì đều quán tưởng thành một vị Căn bản Truyền thừa Thượng sư đến trước mặt mình.

Liên Hoa Đồng Tử tâm chú:

Ôm gu-ru lién-shâng sit-đi hùm. (108 biến)

Phần 13: Kết ấn và Quán tưởng

image

Kết ấn:

Ấn Ngũ tự Văn Thù: hai tay đan nội phộc, hai ngón giữa giơ lên chạm vào nhau, ngón tay cong lại, đây cũng chính là ấn kim cang kiếm.

Quán tưởng:

Đầu tiên quán không, niệm chú quán không: Ôm sư-pa-wa su-ta sa-ơ-wa ta-ơ-ma sư-pa-wa su-tô hằng. (3 biến)

(1) Quán tưởng một hồ nước phẳng lặng, từ trong hồ nước nhô lên một vầng mặt trăng màu xanh lam rất tròn, trong mặt trăng có một chú tự chữ “Dhi” (tiếng Phạn hoặc Tạng). Chú tự này xoay vòng tròn, hiện ra ánh sáng màu đỏ vàng, hóa thành Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, một đầu hai tay, tay phải cầm bảo kiếm sắc bén, tay trái cầm hoa sen màu xanh, phía trên bông hoa sen màu xanh có một cái tráp Phật, Văn Thù Bồ Tát cưỡi trên lưng sư tử.

(2) Bảo kiếm trên tay phải phóng tỏa ánh sáng trắng, ánh sáng này chiếu đến toàn thân hành giả, khiến cho mọi lỗ chân lông trên thân mình đều mở ra, tất cả ác tội nghiệp chướng nhiều kiếp hóa thành nhện, trùng, rắn, cóc nhái, tôm tép, v.v… lũ lượt từ các lỗ chân lông bò ra ngoài. Ánh sáng trắng từ bảo kiếm đã hóa giải hết tất cả nghiệp chướng của bản thân, khiến toàn bộ thân thể chứa đầy cam lộ màu trắng sữa, tất cả những vô tri, nghiệp tội, mờ ám đều bị loại trừ, trong sát-na được thanh tịnh, tự thân trong suốt lấp lánh ánh sáng tự tính.

(3) Lại quán tưởng tề luân của chính mình hóa thành một đóa hoa sen, trên hoa sen hiện lên chữ “Dhi”, trên chữ “Dhi” hiện lên bảo kiếm, trên kiếm là sáu chữ “Om ah ra pa tsa na”. Mũi kiếm nằm ngay trên lưỡi.

(4) Sau đó lại quán tưởng bảo kiếm quay ba vòng theo chiều bên phải, phóng ra ánh sáng trân quý màu xanh. Có thể đắc biện tài vô ngại, thanh âm đẹp đẽ. Tất cả tà thuyết ngoại đạo đều có thể phá trừ, từ đó có được tất cả biện trí.

Phần 14: Trì tâm chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Tâm chú: Ôm a-ra-pa-sa-na đi. (108 biến) (Có thể làm quán tưởng chuỗi hạt như phần niệm Thượng sư Tâm chú để tăng thêm sức mạnh niệm chú.)

Phần 15: Làm Cửu tiết Phật phong, nhập Tam ma địa

Cửu tiết Phật phong:

(1) Quán tưởng ánh sáng trắng từ lỗ mũi phải đi vào, khi đến họng thì biến thành ánh sáng đỏ, theo mạch phải đi tới đan điền, sau đó đi ngược lên theo mạch trái, thoát ra từ lỗ mũi trái, lúc này đã trở thành khí đen. (2) Ánh sáng trắng từ lỗ mũi trái đi vào, khi đến họng thì biến thành ánh sáng đỏ, theo mạch trái đi tới đan điền, sau đó đi ngược lên theo mạch phải, thoát ra từ lỗ mũi phải, lúc này đã trở thành khí đen. (3) Ánh sáng trắng đi vào từ cả hai lỗ mũi, khi đến họng thì biến thành ánh sáng đỏ, đi xuống theo mạch hai bên tới đan điền rồi đi vào trung mạch, khí đi ngược lên đến đỉnh luân sau đó lại đi xuống đan điền, từ đây khí chia ra hai mạch, đi lên đến mũi và thoát ra từ hai lỗ mũi, lúc này đã trở thành khí đen. (4) Khí đi vào từ lỗ mũi trái, đi ra từ lỗ mũi phải (như 2). (5) Khí đi vào từ lỗ mũi phải, đi ra từ lỗ mũi trái (như 1). (6) Khí đi vào từ cả hai lỗ mũi (như 3). (7) Khí đi vào từ cả hai lỗ mũi (như 3). (8) Khí đi vào từ lỗ mũi phải, đi ra từ lỗ mũi trái (như 1). (9) Khí đi vào từ lỗ mũi trái, đi ra từ lỗ mũi phải (như 2).

Quán tưởng Nhập ngã:

(1) Quán tưởng Bổn tôn trụ tại Phạn huyệt trên đỉnh đầu hành giả. (2) Bên trong thân mình, hoa sen trên tâm luân ở trung mạch nở ra, trên hoa sen có một đĩa mặt trăng, trong đĩa mặt trăng có chủng tử tự của Bổn tôn (chữ Dhi), chủng tử tự phóng quang. (3) Quán tưởng Bổn tôn ở đỉnh đầu biến thành một hạt ngọc ánh sáng to cỡ hạt gạo, từ Phạn huyệt đi vào trong trung mạch của mình, thuận theo trung mạch đi thẳng xuống, tới tâm luân thì dừng lại tại hoa sen ở tâm luân. (4) Bổn tôn tại hoa sen ở tâm luân của mình từ từ biến to ra, cho tới khi to bằng chính mình. Quán tưởng chính mình biến thành Bổn tôn giống y hệt. Bản thân chính là Bổn tôn, không hai không khác.

Quán tưởng Ngã nhập:

Quán tưởng chính mình là Bổn tôn, từ trung mạch đi lên và thoát ra, tiến nhập vào trong hư không, dung nhập vào biển ánh sáng của vũ trụ. Quên hết toàn bộ bản thân mình (tọa vong) bằng cách tiến nhập vào trong hư không, tiến nhập vào ý thức vũ trụ, tiến nhập vào biển ánh sáng, bản thân không còn nữa, hoàn toàn hòa tan vào trong hư không và biển ánh sáng của vũ trụ (ngã nhập). Ý thức vũ trụ chính là ý thức của mình. Đàn thành và vũ trụ tỏa ánh sáng rực rỡ. Nếu không thể ngồi tọa vong, lập tức quán tưởng bản thân mình là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, sau khi quán tưởng rõ ràng thì quên luôn chính mình, lại tiến nhập vào trong hư không. “Nhất chỉ nhất quán” như vậy gọi là “chỉ quán song vận”.

Quán đếm hơi thở:

Dùng ý nghĩ để đếm hơi thở của chính mình, cho đến khi đạt đến trạng thái dừng bặt không còn suy nghĩ, tiến nhập vào cảnh giới định tọa vong.

(Chi tiết có liên quan đến quán tưởng tam quang bao trùm, trì tâm chú căn bản, cửu tiết Phật phong, nhập Tam ma địa, đếm hơi thở, xin tham khảo cuốn “Mật giáo đại quang hoa” - giảng thuyết tỉ mỉ về nghi quỹ tu trì Chân Phật Mật Pháp hoàn chỉnh.)

Phần 16: Xuất định

Trình tự quán tưởng xuất định và Nhập ngã - Ngã nhập ngược nhau. Quán tưởng chính mình từ hư không tiến nhập vào thân thể, Bổn tôn thu nhỏ lại, ngồi trên hoa sen ở tâm luân của mình, rồi lại hóa thành viên ngọc ánh sáng, từ trung mạch đi ra từ Phạn huyệt trên đỉnh đầu. Bản thân đã xuất định.

Tụng tán:

Văn Thù Sư Lợi đại pháp vương Tráp kiếm bảo quang thật phi phàm Tứ quán tức đắc đại trí huệ Thập phương thế giới hiện hào quang.

Phần 17: Trì thêm những tâm chú khác

(Mỗi câu chú trì một lần, không cần kết thủ ấn, chắp tay là được.)

Ôm a-mi-đê-wa sê. (tâm chú A Di Đà Phật) Ôm ma-ni pê-mi hùm. (tâm chú Quan Thế Âm Bồ Tát) Ôm ha-ha-ha wây sa-mô-yê sô-ha. (Địa Tạng Vương Bồ Tát) Ôm chưa-li chu-li chuân-thế sô-ha. (tâm chú Chuẩn Đề Phật Mẫu) Ôm chân-pa-la cha-lâng-cha-na-ya sô-ha. (tâm chú Hoàng Tài Thần) Ôm ah hùm pê-cha gu-ru pê-ma sit-đi-hùm sê. (tâm chú Liên Hoa Sinh Đại Sĩ) Ôm ah hùm gu-ru pây a-ha-sa-sa-ma-ha lién-shâng sit-đi hùm (tâm chú căn bản Liên Hoa Đồng Tử) Tê-ya-tha ôm bê-cát-chư-ya bê-cát-chư-ya ma-ha bê-cát-chư-ya la-cha sa-mu ca-tưa-lê-ya sô-ha. (tâm chú Dược Sư Phật)

Phần 18: Niệm Phật

Nam mô 36 vạn tỉ 11 vạn 9 nghìn 5 trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật. (3 biến)

Phần 19: Tụng bách tự minh chú:

Ôm pê-cha sa-tô sa-ma-ya Ma-nu-pa-la-ya, pê-cha sa-tô tê-nô-pa tê-cha Chư-chô mê-pa-wa Su-tô ka-yô mê-pa-wa Su-pô ka-yô mê-pa-wa A-nu-ra-tô mê-pa-wa Sa-wa sit-đi mê-pô-ra-ya-cha Sa-wa ka-ma su-cha-mê Chi-ta-mu si-ri-rân ku-ru hùm Ha-ha-ha-ha-hơ, pa-ga-uân Sa-wa ta-tha-ga-ta pê-cha ma-mi mân-cha Pê-chư pa-wa ma-ha sa-ma-ya Sa-tô ah hùm pây. (3 biến)

Phần 20: Hồi hướng

Nguyện người cùng niệm Phật Cùng sinh cõi Cực Lạc Trên báo bốn ơn sâu Dưới cứu ba đường khổ Thấy Phật thoát sinh tử Như Phật độ tất cả.

Đệ tử …….. nguyện đem công đức tu pháp này hồi hướng đến Căn bản Truyền thừa Thượng sư, cầu nguyện Sư Phật thường trụ thế gian, không nhập niết bàn, mãi chuyển pháp luân, Phật thể an khang. Kính chúc mọi người thân thể khỏe mạnh, vạn sự như ý, đạo tâm kiên cố, gặp dữ hóa lành. Mong tất cả mọi ước nguyện đều được viên mãn. Mong tất cả tai nạn tiêu tan. Uân!

(Quán tưởng và chi tiết có liên quan đến hồi hướng, xin tham khảo cuốn “Mật giáo đại quang hoa” - giảng thuyết tỉ mỉ về nghi quỹ tu trì Chân Phật Mật Pháp hoàn chỉnh.)

Phần 21: Đại lễ bái

(Giống đại lễ bái ở phần 3.)

Phần 22: Niệm chú viên mãn

Ôm bu-lin. (3 biến) Ôm ma-ni pê-mi hùm.

Làm thủ ấn giải tán: vỗ tay hai lần, bắt chéo tay, búng ngón tay. Tu pháp viên mãn. Như ý cát tường.

image

Giới thiệu pháp tướng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Văn Thù Bồ Tát có một đầu hai cánh tay, tay phải cầm thanh kiếm sắc, tay trái cầm hoa sen xanh, trên hoa sen có một tráp Phật, cưỡi trên lưng sư tử.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị về lai lịch và sự thù thắng của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tên tiếng Phạn là Manjusri, dịch ra tiếng Hán là Văn Thù Sư Lợi, Mạn Thù Sư Lợi, là một tên gọi đại cát tường. Đây là vị Bồ Tát được cho là có trí huệ nhất trong Phật giáo Đại thừa, cùng với Phổ Hiền Bồ Tát là hai vị đại thị giả bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì trong số các vị Bồ Tát, ngài là bậc thượng thủ trong việc hỗ trợ Thích Tôn hoằng pháp, vì thế được gọi là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử.

Tại Ấn Độ, trong những kinh điển cổ xưa nhất, “Ma Ha Bà La Đa” có ghi chép: Nguyệt Hiền Pháp Vương của nước Shambhala, tại tháp Cát Tường Mễ Tụ đã được Thích Tôn hóa hiện và khẩu truyền mà có được giáo pháp của Thời Luân Kim Cang. Thế là lần lượt 25 đời các vị vua đã truyền thừa giáo pháp của Thời Luân Kim Cang. Vị quốc vương thứ nhất là Danh Xưng Vương, là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Vị quốc vương thứ hai là Bạch Liên Hoa Vương, những trước tác nổi tiếng của ngài có: Vô Cấu Quang Minh Luận (Thời Luân tục tâm yếu), Cát Tường Thắng Nghĩa Nguyện Văn.

Vị vua đời thứ hai Bạch Liên Hoa Vương là con trai do Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sinh ra. Bạch Liên Hoa Vương cũng chính là Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử, không hai không khác.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong Thai Tạng Giới chiếm vị trí chủ tôn của Viện Văn Thù tại hướng tây nam trên Viện Trung Đài Bát Diệp. Còn trên mandala của Kim Cương Giới, ngài tọa ở vị trí thứ nhất ở phương bắc trong số 16 vị Hiền Kiếp.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cũng nắm giữ cánh cửa trí huệ, là vị Bồ Tát số một về trí huệ. Ngài có các tên gọi là: Văn Thù Sư Lợi, Mạn Thù Sư Lợi, Văn Thù Bảo Lợi, Diệu Cát Tường, Diệu Âm, Phổ Âm, Kính Âm, Diệu Đức, Nhu Thủ, Kính Thủ, v.v…

Vị đại Bồ Tát này cùng với Phổ Hiền Bồ Tát là hai vị hầu hạ bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát quản cánh cửa trí huệ, Phổ Hiền Bồ Tát quản cánh cửa lí trí.

Trong đời quá khứ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từng làm thầy của Thất Phật, tức là đã thành Phật, tôn xưng của ngài là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, mật hiệu của ngài là Cát Tường Kim Cang hoặc Bát Nhã Kim Cang.

Liên Sinh Hoạt Phật cho rằng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có đại bí mật, thành tựu vô thượng tối cao của ngài vốn là Phật, pháp của ngài quảng đại vô biên, là thầy của các vị Phật.

Theo ghi chép trong các kinh luận Phật giáo, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong đời quá khứ còn là thầy của vô lượng chư Phật, từng hướng dẫn vô số tu hành giả chứng đắc Phật quả, cho nên Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán Kinh gọi ngài là Tam Thế Phật Mẫu.

Vào thời đại Phật Đà, pháp lực của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở khắp cõi Ta Bà. Hoa Nghiêm Tam Tôn thường xuyên xuất hiện thì ở giữa chính là Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, bên phải là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, bên trái là Phổ Hiền Bồ Tát, gọi là Hoa Nghiêm Tam Tôn. Phật Thích Ca Mâu Ni biết Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có công lực như thế, ngài có thể tùy ý tự tại độ chúng sinh, biến hóa tới biến hóa lui, thần thông vô cùng, cho nên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát vĩ đại siêu nhiên. Vị Bồ Tát này có thể nói là vị lớn nhất trong các vị Bồ Tát. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong Mật giáo gọi là Thần Trí Huệ. Trong Đại thừa, bậc trí huệ đệ nhất chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Trong Tiểu thừa, bậc trí huệ đệ nhất chính là Xá Lợi Phất (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Pháp Vương chính là ứng hóa thân của Xá Lợi Phất). Trong Mật thừa, bậc trí huệ đệ nhất chính là Kim Cang Tát Đỏa.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong Mật giáo còn được gọi là Trung Ương Hỗ Chủ trong số ba vị Hỗ Chủ, chính là vị chủ yếu nhất. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đại diện cho trí huệ, cùng với Quan Thế Âm Bồ Tát đại diện cho từ bi, cùng với Kim Cang Thủ Bồ Tát đại diện cho pháp lực, chính là Tam Hỗ Chủ của Mật giáo. Nói cách khác là bạn nhất định phải quy y Quan Thế Âm Bồ Tát để nuôi dưỡng bồ đề tâm của bạn, quy y Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát để trí huệ của bạn được tăng trưởng, có Phật huệ của Như Lai, trí huệ của Phật. Ngoài ra, Kim Cang Thủ Bồ Tát đại diện cho mọi pháp lực được triển khai tại thế gian, trong Mật giáo ba vị này được gọi là Tam Hỗ Chủ.

Hình tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là đỉnh đầu kết năm búi tóc, đại diện cho ngũ trí của Đại Nhật Như Lai, tay phải cầm kiếm, đại diện cho kiếm sắc của trí huệ. Ngài ngồi trên lưng sư tử, biểu thị sự uy mãnh của trí huệ. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát còn có nhất tự Văn Thù, ngũ tự Văn Thù, lục tự Văn Thù, bát tự Văn Thù, nhất kế Văn Thù, ngũ kế Văn Thù, bát kế Văn Thù, nhi Văn Thù, nhưng lấy ngũ tự Văn Thù và ngũ kế Văn Thù làm bản thể. Tay trái của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cầm hoa sen xanh, biểu thị không nhiễm mắc, vì thế có thể cắt đứt phiền não.

Vị hộ pháp lớn nhất của Liên Sinh Hoạt Phật chính là Đại Uy Đức Kim Cang, Đại Uy Đức Kim Cang cũng chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tiến nhập vào tam muội địa của Diễm Ma Pháp Vương rồi xuất sinh ra vị Kim Cang vĩ đại nhất. Có một hệ thống như thế này: A Di Đà Phật → Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát → Đại Uy Đức Kim Cang, bản thân ba vị là hợp nhất, A Di Đà Phật chính là Phật pháp thân, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là Phật chứng pháp, cũng tức là Như Lai báo thân, Đại Uy Đức Kim Cang là vị Kim Cang giáo hóa luân, ba vị này gắn liền với nhau. Cho nên A Di Đà Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đại Uy Đức Kim Cang thuộc về một hệ thống.

Bởi vì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là tượng trưng cho trí huệ trong Phật pháp Đại thừa, vì thế trong kinh Phật cũng có rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc ngài dùng trí huệ để khuyên bảo các hành giả.

Tứ đại danh sơn của Trung Quốc chính là Ngũ Đài Sơn, còn gọi là Thanh Lương Sơn. Cao Vương Kinh đọc đến “Thanh Lương Bảo Sơn Ức Vạn Bồ Tát”, Thanh Lương Sơn ở đây có hàng triệu hàng vạn Bồ Tát ở đó, tất cả đều do Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát giáo hóa, có hàng triệu hàng vạn Bồ Tát sống tại Ngũ Đài Sơn cùng với ứng hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Tôi biết Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và tôi có nhân duyên sâu dày, lần đầu tiên tôi đến Trung Quốc, tôi đã đi đến Ngũ Đài Sơn ở Sơn Tây để lễ bái Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, trong số tứ đại danh sơn của Phật giáo thì tôi đã đến Ngũ Đài Sơn đầu tiên. Khi tôi lễ bái Ngũ Đài Sơn, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã hóa thành một vị tì kheo, tôi lạy thì tì kheo này cũng lạy, tôi lạy từ trên núi xuống dưới núi, tì kheo đó cũng lạy từ trên núi xuống dưới núi, hai người cùng lạy. Tì kheo đó nói, tôi đợi ngài rất lâu rồi. Sau đó, tôi tặng tiền cho tì kheo, tì kheo nói: “Không phải cái này.” Tôi làm động tác tay, tì kheo nói đúng rồi, đúng rồi. Hai người khẽ cười, cùng lạy nhau rồi tạm biệt!

Thật ra, tổ sư Tsongkhapa của phái Hoàng giáo trong Mật giáo chính là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Trên phương diện cứu độ chúng sinh, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát không chỉ có độ chúng sinh mà cũng độ cả vong, cho nên có pháp Văn Thù vãng sinh, có pháp vãng sinh Văn Thù Ngũ Kế Đồng Tử, pháp vãng sinh Văn Thù Bát Đại Đồng Tử, đây đều là các pháp rất quan trọng.

Trong pháp Yết Ma của Mật tông có pháp Văn Thù vãng sinh, pháp này không phải là để khuyến khích sát sinh, mà là mượn pháp lực của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát để siêu độ sinh vật. Pháp này là pháp Văn Thù vãng sinh đặc thù, những người làm quán ăn tu trì Mật pháp này sẽ mang đến rất nhiều phương tiện và giải thoát lớn, cũng là bí mật vô thượng.

Liên Sinh Hoạt Phật cho rằng, Phật ở tại Tịnh Cư Thiên Cung từng thuyết “Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Hành Luân Chân Ngôn Pháp”, đó là nhất tự chân ngôn căn bản của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Nhất tự chân ngôn này chính là “om brum”, hoặc dịch là “om cilin” cũng chính là chú viên mãn.

Nói chung niệm chú này, tu Tam Đại Bồ Tát (Văn Thù Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát) quán tưởng, có thể có được sự hộ trì và che chở của Văn Thù Bồ Tát và các vị Bồ Tát kia, lại còn có năm sứ giả của Văn Thù là Kế Thiết Ni, Nhất Ưu Ba Kế Thiết Ni, Chất Đa La, Địa Huệ, Thỉnh Triệu, và bát đại đồng tử của Văn Thù là Quang Võng Đồng Tử, Địa Huệ Đồng Tử, Vô Cấu Quang Đồng Tử, Bất Tư Huệ Đồng Tử, Triệu Thỉnh Đồng Tử, Kế Thiết Ni Đồng Tử, Cứu Hộ Huệ Đồng Tử, Ưu Ba Kế Thiết Ni Đồng Tử, sẽ đến để bảo vệ cho hành giả.

Có người hỏi tôi: “Om brum” là chú gì? Tôi trả lời: Chú này là nhất tự tâm chú trong Văn Thù Nghi Quỹ Kinh, còn gọi là đại luân nhất tự chú, phát âm là brum. Hỏi: Vì sao “om brum” lại có công đức lớn như vậy? Đáp: “Om brum” này là tâm của Văn Thù Bồ Tát, là đỉnh vô thượng của tất cả chư Phật.

Những kinh điển có liên quan đến Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát như sau:

Văn Thù hối quá kinh. Văn Thù bát nhã kinh. Văn Thù thi lợi hành kinh. Văn Thù Sư Lợi phát nguyện kinh. Văn Thù Sư Lợi tuần hành kinh. Văn Thù Sư Lợi tịnh luật kinh. Văn Thù Sư Lợi vấn kinh. Văn Thù Sư Lợi vấn bồ đề kinh. Văn Thù Sư Lợi bát niết bàn kinh. Văn Thù Sư Lợi hiện bảo tạng kinh. Văn Thù Sư Lợi Phật thổ trang nghiêm kinh. Văn Thù Sư Lợi căn bản nghi quỹ kinh. Văn Thù Sư Lợi pháp bảo tạng đà la ni kinh. Văn Thù Sư Lợi sở thuyết bát nhã ba la mật kinh. Văn Thù Sư Lợi sở thuyết bất tư nghị Phật cảnh giới kinh. Văn Thù Sư Lợi căn bản nhất tự đà la ni kinh. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lục tự chú công đức pháp kinh. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Phật sát công đức trang nghiêm kinh. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát căn bản đại giáo vương kinh kim sí điểu vương phẩm. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và chư Tiên thuyết cát hung thời nhật thiện ác túc diệu kinh. Văn Thù diệt dâm dục ngã mạn đà la ni.

……

image

Chú ý: Chưa nhận quán đảnh, xin đừng tu pháp!

Mục lục