Chân ngôn Cọc kim cang
Thủ ấn:
Ngón giữa và ngón áp út của hai tay đan vào nhau, điểm mút của ngón tay chạm vào nhau, ngón út và ngón trỏ giơ thẳng, ngón cái làm thành hình cái cọc.
Sư Tôn truyền khẩu quyết tâm yếu của pháp:
Hành giả Mật giáo tu pháp Cọc kim cang tương đương với tu thủ hộ luân [bánh xe bảo vệ]. Trong Mật giáo, nói đến bánh xe tức là ý nghĩa bẻ gãy. Tu hộ luân làm pháp Cọc kim cang là để bảo vệ đàn thành và biến đàn thành thành thanh tịnh.
Hành giả kết thủ ấn cọc kim cang, niệm chú, niệm chú xong thì búng ngón tay một cái tức là có môt chiếc cọc kim cang ở trước mặt bạn để trói ma, trói ma lên chiếc cọc đó. Chiếc cọc này cũng có thể cắm xuống đất, cắm xung quanh ngôi nhà, kết thủ ấn cọc kim cang, niệm chú ngữ: “Ôm cưa-li-cưa-la pan-chi-pan-chi pu-rưa pân-ta-pân-ta hùm-pan.” Dùng chú ngữ này để gia trì cho cọc kim cang. Tay kết thủ ấn cọc kim cang, sau đó niệm chú 7 biến, búng ngón tay một cái tức là một chiếc cọc kim cang cắm trên mặt đất. Sau đó quán tưởng ma bị trói trên cái cọc đó. Bạn làm với bốn phía nghĩa là bảo vệ đàn thành và bảo vệ địa điểm đó.
Ngón giữa và ngón áp út của hai tay đan vào nhau, điểm mút của ngón tay chạm vào nhau, ngón út và ngón trỏ giơ thẳng, ngón cái làm thành hình cái cọc cắm xuống đất, đây là thủ ấn cọc. Tụng chú, quán tưởng các ma bị cọc kim cang phẫn nộ đóng xuống, khiến chúng không thể chuyển động. Đây chính là thủ ấn cọc kim cang.
Trong “Mật Tông Đạo Thứ Đệ Quảng Luận” có ghi chép: “Cọc kim cang dùng ba nguyên liệu là gỗ, xương, hoặc sắt để làm. Có độ dài khác nhau như 18 đốt tay, 12 đốt tay, 8 đốt tay.” “Trên đầu cọc kim cang làm tượng Minh Vương, đầu bên dưới thì làm thành hình cọc đinh nhọn.” Cọc kim cang có pháp Đóng cọc.
Tác dụng của pháp Đóng cọc là dùng cọc kim cang để đóng đinh ma gây chướng ngại cho tu hành, khiến ma không thể nhúc nhích. Tức là dùng cọc kim cang để đóng vào đầu ma. Ngoài ra có thể đóng cọc bốn phía, tương đương có bốn vị Minh Vương bảo vệ bốn hướng, ở trong phạm vi được đóng cọc, tà ma không thể vào. Đây chính là pháp kết giới của Mật giáo. Đóng cọc kim cang rồi thì lại tu tường kim cang, tức là lấy cọc kim cang làm cột trụ để dựng lên bức tường kim cang, có ý nghĩa bảo vệ cho người tu hành.
Trong tiểu sử của đại sư Mật tông Nhiệt La Hoạt Phật có mấy truyền kỳ về cọc kim cang như sau: ”Có một con ác long thổi gió lớn đến mức sỏi đá bay tứ tung, khiến cho Nhiệt La Hoạt Phật và những người đi theo không thể tiến lên phía trước. Nhiệt La Hoạt Phật ném cọc kim cang ra, đánh mù một con mắt của ác long. Cuồng phong lập tức ngừng. Cuối cùng con rồng mù này đã đầu hàng Nhiệt La Hoạt Phật.”
Ngoài ra còn một truyền kỳ khác: ”Trên đường từ Thiên Hồ trở về, trời đã tối mà vẫn cách nơi ở còn xa, đi lại rất vất vả, mọi người nói phải làm sao đây? Nhiệt La Hoạt Phật từ hông rút ra cọc kim cang cắm lên mặt đất. Đột nhiên ở phía trước mặt xuất hiện một ngôi nhà, bên trong có nồi niêu, thức ăn, giường ghế đủ cả. Mọi người liền ở lại đó qua đêm, ăn một bữa tối rất thịnh soạn. Sáng sớm ngày hôm sau, khi ăn sáng xong và lên đường, Nhiệt La Hoạt Phật rút cọc kim cang ra, quay đầu lại nhìn thì ngôi nhà đã biến mất rồi.”
Hai truyền kỳ này giống như thần thoại trên trời, nhưng chày kim cang của Mật giáo có cách tu pháp bí truyền, pháp này rất quý báu.