📑

Tam tự minh và Kim cang tụng

Tam tự minh và Kim cang tụng

Giảng pháp: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Thời gian: N/A Địa điểm: N/A Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Chú ý: Không cần quán đảnh, ban gia trì là được.

image

Chú ngữ: Om Ah Hum

Tâm yếu khẩu quyết Kim cang tụng

Khí nhập trung mạch có hai cách, bất luận thế nào, chúng ta đều phải rất nghiêm túc tu khí nhập trung mạch. Phương pháp thứ nhất gọi là Kim cang tụng, là “Om Ah Hum” ba chữ tiếng Tạng của pháp hô hấp thổ nạp, khẩu quyết phải do chính miệng của Thượng sư truyền. Hôm nay tôi sẽ dạy mọi người pháp này. Chúng ta tu hành nhất định phải có nghị lực, không thể lười biếng.

Thế nào gọi là Kim cang tụng? Bạn phải niệm “Om Ah Hum”. Đầu tiên quán tưởng Bổn tôn trong hư không xuất hiện, có ánh sáng trắng chiếu đến mi tâm của bạn, chính là chữ “Om”. Có ánh sáng đỏ chiếu đến hầu luân của bạn, chính là chữ “Ah”. Vùng tim của Bổn tôn có ánh sáng màu lam chiếu đến vùng tim của bạn, chính là chữ “Hum”. Lúc này bạn phải quán tưởng trung mạch của bạn, sau đó biến “Om Ah Hum” thành một cái đĩa từ, ở tại tâm luân của bạn. Chính là một cái đĩa từ có ba chữ “Om Ah Hum”. “Om” ở bên trên, xoay tròn thuận theo chiều kim đồng hồ, quán tưởng chữ “Om”, trong tâm niệm chữ “Om”, xoay một chút. Tiếp theo là đến chữ “Ah”, cũng lại xoay một chút. Tiếp theo là chữ “Hum”, lại xoay một chút.

Khi hoàn thành bước ba ánh sáng bao trùm này, bạn phải niệm tam tự minh chú. Bạn cần quán tưởng ba chữ này rơi xuống tề luân của bạn, hoặc tâm luân, sau đó ba chữ “Om Ah Hum” này ở trong đó. Bạn đừng niệm ra tiếng, chỉ dùng ý niệm của mình để xoay chữ “Om”, xoay chữ “Ah”, xoay chữ “Hum”, đây chính là Kim cang tụng. Bạn cứ ngồi ở đó chỉ có “Om”, tức là đang ở trong thiền định, bạn đã đang tu Kim cang tụng rồi.

Ngoài ra còn một kiểu nữa chính là hít thở của Bổn tôn, thở ra ba chữ “Om Ah Hum”, từ lỗ mũi phải của bạn đi vào, đi đến tề luân của bạn, “Om Ah Hum” liền dừng lại ở tề luân, giống như cái đĩa từ, sau đó lại xoay tròn. Cứ thế niệm “Om Ah Hum”, “Om Ah Hum”… khi niệm không phát ra âm thanh, chỉ là lưỡi động đậy thôi, cứ như thế liên tục xoay chuyển, tức là bạn đang làm Kim cang tụng rồi.

Khi bạn muốn dừng lại, “Om Ah Hum” sẽ từ lỗ mũi trái của bạn đi ra, tiến vào trong thân của Bổn tôn, cũng là tiến vào trong lỗ mũi của Bổn tôn, cứ tuần hoàn như vậy: đi vào, niệm một biến, đi ra; đi vào, niệm một biến, đi ra; rồi lại đi vào, lại niệm một biến, lại đi ra. Cứ tuần hoàn như vậy thì gọi là Kim cang tụng. Cách tu Kim cang tụng là như vậy.

Tâm yếu khẩu quyết Kim cang niệm tụng

Trước kia sư phụ tôi giảng Kim cang niệm tụng, tức là tụng từng chữ, từng chữ một. Bạn hít vào, “Om”, không phát ra tiếng, lưỡi động đậy một chút, chữ “Om” này từ lỗ mũi đi thẳng đến đan điền. Sau đó nín thở, nín thở một lúc thì thở chữ “Om” này ra ngoài. Chữ “Om” này, ở đây có nhập, trụ, dung, xuất. Đi vào, giữ ở bên trong, tan ra, rồi đi ra ngoài. Có bốn động tác như vậy.

Tiếp theo, chữ thứ hai là chữ “Ah”, vào đến đan điền, sau đó dừng lại ở đó, tức là trụ, sau đó tan ra, cuối cùng lại đi ra ngoài, đây chính là một hơi thở. Đây chính là pháp Kim cang niệm tụng. Nhưng kim cang niệm tụng này chỉ có lưỡi của bạn động đậy thôi, không phát ra âm thanh. “Hum” cũng thế. Chữ “Hum” đi vào đến đan điền, dừng ở đó rồi tan ra, sau đó lại từ từ đi ra. Nhập, trụ, dung, sau đó là xuất ra ngoài.

Ở đây có ba chữ, tam tự minh chính là như vậy. Bạn tiếp tục làm hít thở như vậy, vì sao cần làm hít thở như vậy? Khi hít vào phải đến đan điền, đây chính là hít thở hoàn toàn. Cũng tức là một kiểu thở của tu hành, đây là một kiểu khí của tu hành, không giống với hít thở bình thường. Hít thở bình thường chỉ hít vào đến phổi rồi rất nhanh chóng đã thở ra rồi.

Nhưng bạn đừng để ý là nó đi đến đâu, dù sao bạn dùng ý niệm để hít thở sâu, nhận thức là đang có gió ở bên trong, dùng ý thức của bạn để dẫn nó đến đan điền, khi dẫn đến đan điền thì để nó tan ra ở đó, giữ ở đó và tan ra, sau đó lại thở ra ngoài. Đây chính là hít thở hoàn toàn, rất quan trọng.

Khi mới bắt đầu niệm thì cần niệm như vậy thì sẽ có thể chuyên chú. Đây gọi là Phong du già, tức là Kim cang niệm tụng. Kiểu niệm tụng này còn gọi là bất hoại, bởi vì kim cương là không bị hủy hoại.