📑

Ý nghĩa của dâng khăn khata

Ý nghĩa của dâng khăn khata

Khăn khata cát tường - lời giảng của Khenpo Sodargye

Khata (tiếng Tây Tạng là kha gtags) là một vật phẩm nghi lễ của Phật giáo Tây Tạng. Nó là một loại vải lụa dài và chắc chắn, có chiều dài từ ba hoặc bốn thước (tức 1 đến 1,3 mét) đến hơn mười thước, có màu trắng, vàng, xanh, đỏ và các màu khác. Ở Tây Tạng, khata được dùng để thể hiện sự tôn trọng trong các đám cưới và các cuộc gặp chung giữa người thân và bạn bè, hoặc khi gặp Dalai Lama và các Lama có địa vị cao. Trong số các nghi thức khác nhau ở Tây Tạng dâng khăn khata là nghi thức phổ biến và tôn kính nhất. Ngoài ra, màu sắc và độ dài của khata còn phụ thuộc vào thân phận của người nhận, người càng cao quý thì khăn càng dài, về màu sắc thì dùng màu trắng là tôn quý nhất, tượng trưng cho sự thuần khiết và cao quý.

Theo truyền thống, khi bạn dâng khata màu vàng trước mặt một vị cao tăng hoặc tượng Phật, biểu thị bạn hy vọng đạt được công đức to lớn như vàng ròng và không bị ô nhiễm; khi bạn dâng khata màu trắng, biểu thị bạn hy vọng rằng chư Phật, chư Bồ Tát, cao tăng đại đức có thể tiêu trừ mọi nghiệp chướng và dơ bẩn của bản thân và người khác, và đạt được ánh sáng tự tính thanh tịnh như ánh trăng; nếu bạn dâng khăn khata màu xanh lam, có nghĩa là bạn mong muốn với sự gia trì của Thượng sư và Tam Bảo, sự nghiệp của bạn và những người khác có thể bao la vô biên như bầu trời xanh…

Nhưng, để đạt được những tâm nguyện tốt đẹp kể trên, bất kể là cúng dường, dâng biếu hay là tặng khata, khăn khata đều phải không được có bất kì khuyết điểm hoặc ô nhiễm nào, nếu không sẽ đem đến những chướng ngại cho việc tu đạo và thế gian của chính mình, bởi vì khata ô nhiễm cho thấy tâm bạn không thanh tịnh.

Ngoài ra, khi đến thăm một quan chức, bạn bè hoặc nhân vật lớn nào đó, nếu có nhiều việc muốn thỉnh cầu đối phương làm giúp, vậy thì khi dâng khăn khata phải bày khăn dài trên hai tay, còn không thì không cần phải trải khăn dài. Trong tập tục thường ngày, khăn càng dài thì tượng trưng cho hàm nghĩa chúc thọ càng nhiều, vì thế có “khata trường thọ”. Đồng thời, khăn khata dài còn biểu thị quan hệ đôi bên giống như dòng chảy mãi mãi không cạn.

Điều đặc biệt cần chú ý là, ngoài tình huống đặc biệt, Thượng sư thường sẽ không nhận khăn khata của người khác vào lúc chia tay. Nghe nói, năm xưa Rechungpa khi rời xa Thượng sư Milarepa của mình đã dâng lên chiếc khăn khata, kết quả là từ đó cũng không gặp lại Thượng sư của mình nữa. Bởi vậy, nếu chúng ta không muốn phá bỏ nguồn gốc thì tốt nhất là khi mới gặp mặt hãy cung kính dâng khăn khata.

Nếu người khác dâng khăn khata lên bạn, vì phép lịch sự, bạn nên trả lại khăn khata cho đối phương. Lúc này, nếu đối phương và địa vị tuổi tác của mình tương đương thì bạn nên đặt khata trên tay của đối phương. Nếu đối phương là thế hệ sau hoặc cấp dưới của mình thì có thể quàng khăn lên cổ của đối phương.

Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, khata bắt nguồn từ Tây Tạng. Chúng ta hãy mãi mãi giữ gìn khăn khata cát tường đến từ Tây Tạng ở trong tim mình nhé!

Trong văn hóa Tạng truyền, dâng khăn khata dùng để biểu đạt lòng tôn kính cao thượng.

Khata là từ Tây Tạng, được làm từ vải, giống như khăn quàng cổ. Nếu chúng ta đến chùa ở Tây Tạng có thể nhìn thấy cả ngôi chùa được trang trí rất trang nghiêm, kiến trúc nguy nga, cung điện rực rỡ, các bức tượng, tranh vẽ, vải thêu, cờ phướn ở trong đó đều rất đẹp. Và ở trên các bức tượng, trên pháp tọa luôn luôn được trang trí bằng những dải lụa dài màu trắng tuyền hoặc màu sắc rực rỡ, đây chính là khăn khata.

Người Tây Tạng không chỉ treo khăn lên tượng Phật mà cũng xem đây như nghi lễ tặng quà lẫn nhau, người dân tộc Tạng biểu thị lòng tôn kính của mình thông qua một nghi lễ tập tục là tặng khăn khata cho nhau, sự lễ phép, tinh tế tỉ mỉ, khéo léo này có một cảm nhận mãnh liệt, nếu có thêm hoa văn mới lạ, màu sắc tươi sáng thì sẽ có cảm nhận về sự soi sáng lẫn nhau.

Hành giả Chân Phật dâng khăn khata lên Kim cương Thượng sư, còn Kim cương Thượng sư dùng sức mạnh gia trì của truyền thừa quán tưởng gia trì cho khata. Sau đó lại quàng khăn lên cổ của hành giả, đây là một nghi thức.

Dâng khata và choàng khata này có ba ý nghĩa lớn: 1. Mặc giáp hộ thân — có thể kiên trì ý chí tu hành của chính mình, không nửa chừng bỏ dở, đối với tất cả chướng ngại đều có thể phá trừ, tất cả ma nạn đều sẽ được đẩy lùi. Dùng khata tượng trưng cho mũ và áo giáp, mặc giáp lên người có thể phòng thân.

2. Cổ vũ thiện hành — hành giả phải vui với làm việc thiện, không một chút sợ hãi rụt rè, không vì thấy việc thiện nhỏ công đức nhỏ mà không làm, không vì thấy việc thiện lớn khó thực hiện mà không làm. Choàng khata chính là sắc lệnh và cổ vũ đừng hời hợt trong việc một lòng hướng thiện.

3. Pháp lạc tinh tấn — Hành giả Chân Phật dâng khăn khata là thỉnh cầu một sự gia trì cho tu hành, Kim cương Thượng sư choàng khata là ban cho gia trì tinh tấn pháp lạc, để cho hành giả bắt đầu tu hành có một sự khởi đầu ấm áp, không chỉ gia trì pháp lực mà đồng thời cũng gia trì lợi ích khác. Hành giả Chân Phật nên càng tinh tấn tu hành cho đến khi thành Phật mới thôi.

Khata cũng tượng trưng cho một dạng bố thí và cúng dường, hành giả Chân Phật dâng lên tài phúc và thân thể của mình để thỉnh cầu có được sức mạnh truyền thừa của Chân Phật.