📗

287. Thì thầm một chút thơ

image

Thì thầm một chút thơ

🪷 Mỗi ngày một bài thơ nhỏ

Văn tập số: 287 Xuất bản năm: 10/01/2022 Tác giả: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam

Mục lục

🔎 Văn bản đang trong quá trình hiệu đính!!!

Lời mở đầu

Sau khi viết xong cuốn văn tập số 286 "Những chuyện thần bí", tôi lên kế hoạch viết cuốn 287. Lấy tên sách là gì đây? Tôi nhớ đến thuở niên thiếu non trẻ, tôi viết cuốn "Thì thầm trong vườn mộng". A! "Thì thầm.” Tôi lại nhớ đến thời thanh xuân ngọt ngào, tôi đã viết rất nhiều bài thơ nhỏ. A! "Thơ nhỏ." Thế là tôi kết hợp "thì thầm" và "thơ nhỏ" lại! Đặt tên sách là: "Thì thầm một chút thơ."

Nhưng, vấn đề là: Cái con người Lư Thắng Ngạn chậm hiểu chậm tiêu này đã không còn non trẻ nữa, cũng không còn ngọt ngào nữa, lại càng không phải lúc tráng niên. Mà đã là một lão già ở quãng tuổi xế chiều rồi. Trời ơi! Ráng chiều mặc dù đẹp thật, nhưng trong tích tắc đã hoàn toàn tối mù mù, yên lặng như tờ. Tôi có thể viết cái gì đây? Vào lúc này, não tôi hoàn toàn trống rỗng. Nhưng, Tôi chăm chú quan sát tâm mình, tôi giật thót, thì ra nhiệt huyết thời thiếu niên vẫn tràn đầy nơi lồng ngực. Thế là, Bất chấp tất cả, Tên sách chính là: "Thì thầm một chút thơ"

🌟

Tôi thường nghĩ: Lư Thắng Ngạn ngốc nghếch kia rốt cục là ai? Tôi là ai? Cái người viết 287 cuốn sách đó là ai? Cái người vẽ hàng nghìn hàng vạn bức tranh đó là ai? Cái người lên ghế thuyết pháp đó là ai? Sư phụ của năm triệu người đó là ai? Lão tăng đánh thiếu lâm côn đó là ai? Cái người đã đánh trống đại pháp ấy? Là ai? Là ai? Đêm khuya tĩnh lặng, tôi thật lòng thật sự nói với bạn: "Không có ai."

🌟

Viết một bài thơ vậy!

Tiêu đề: Tôi là ai? Chẳng biết có thể viết bao lâu nữa Thật lòng đây tôi chia sẻ tâm mình Có những đôi khi Nhấp ít men say Tôi lại thầm tự hỏi Chính mình là ai Dù nhiệt huyết trong tim còn y như cũ Khuôn mặt kia chẳng béo gầy thay đổi Nhưng ai là ai vẫn chẳng rõ ràng hay biết Để thì thầm chút thơ Và cả Gió đầy tay áo.

[Hình ảnh gió đầy tay áo là một hình ảnh ẩn dụ để nói về một con người phẩm đức cao thượng, thanh liêm. Ống tay áo của người xưa rất rộng, cất được nhiều đồ trong đó, trong ống tay áo chẳng có gì, chỉ đầy gió, cho thấy đó là một con người thanh liêm.]

(Tháng 10 năm 2021)

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Sheng-yen Lu 17102 NE 40th Ct., Redmond, WA 98052 U.S.A

01. Nói nhỏ về uống rượu

Năm ấy, tôi ở Đài Loan Lôi Tạng Tự. Có một vị khách không mời mà đến, ông ấy tên là Trang Minh Thạch.

Tôi rất vui mừng. Bởi vì ông ấy là liên đội trưởng của liên đội trắc lượng số 5802, liên đội phó là Ngụy Thanh Bình, phụ đạo trưởng là Bì Chí Thanh. Còn tôi, một nhân viên đo đạc Lư Thắng Ngạn của liên đội trắc lượng 5802. Các vị cấp trên ngày xưa đến thăm, đương nhiên tôi rất vui mừng, tôi mời ông ấy ở lại cùng dùng cơm tối. Ăn tối xong, ông ấy bí mật hỏi nhỏ tôi: "Lư Thắng Ngạn! Ông còn uống rượu không?" Ô! Tôi đáp: "Từ lâu đã không uống nữa rồi!" Ha ha ha! Liên đội trưởng cười! Tôi cũng cười! Bởi vì liên đội trưởng Trang Minh Thạch hỏi câu này khiến tôi nhớ đến Lư Thắng Ngạn ngày xưa.

Ngày xưa. Tôi đo đạc sân bay Tiểu Cảng, buổi tối trở về ngọn Đại Bình, mấy binh sĩ trắc lượng (sĩ quan già) có thói quen uống rượu. Một bình rượu gạo. Lạc và tép. (hoặc cá cơm khô) Thế là họ ngồi nhậu với nhau. Thấy tôi đi qua, họ gọi: "Anh trắc lượng, lại đây uống vài ngụm." Tôi liền uống luôn! Từ đó… Tôi đã thay đổi rồi, thay đổi rồi.

Khi không có nhiệm vụ đo đạc, buổi tối tôi thường xuyên mặt mày đỏ gay trở về liên đội lên giường đi ngủ. (Trở về nơi đóng quân.) Khi có nhiệm vụ đo đạc, bình nước của người ta thì đựng nước, bình nước của tôi thì đựng rượu. Có người đến thăm, hỏi: "Xin hỏi, cái anh trắc lượng mặt đỏ gay có ở nhà không?" Ha! Nhiệm vụ đo đạc hoàn thành, tôi thu dọn giường xếp, những chai rượu từ trên giường lăn xuống. "Thoáng chốc… thoáng chốc… thoáng chốc…" Gian phòng toàn là những chai rượu.

Sau khi học Phật:

  1. Không sát sinh.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không tà dâm.
  4. Không vọng ngữ.
  5. Không uống rượu.

Ấy! Tôi thật sự đã bỏ uống rượu rồi! Tôi, chỉ là, chỉ là, trước khi ngủ thì uống một chén nhỏ mà thôi! Thật đó, chỉ là một chén nhỏ! Một chút xíu, không dám uống nhiều.

Viết một bài thơ:

Rượu

Hồi tưởng lại con đường đã qua Đi đến nơi nào Rượu Là bạn đồng hành Cùng ở với tôi

Hôm nay Không ngờ xuân sắp hết Chỉ có trước lúc ngủ Nhấp một hớp Bông liễu như mơ (Cấp trên hôm nay đến hỏi Tôi nói không sao, không sao, thật sự không sao.)

02. Muốn học tập nước

Căn cứ theo kinh điển Nguyên Nhân Luận: [Luận về nguồn gốc con người] Xa xưa thủa hồng hoang. Khi thế gian hữu tình mới được hình thành, trải qua rất nhiều kiếp.

Sơ kiếp. Cụ hiền kiếp. Kiến hỷ kiếp. Cụ lạc kiếp.

Tiếp theo là không có gì cả, trống rỗng, một thời đại dài đằng đẵng. Cuối cùng mới đến thời Hiền kiếp. [Hiền kiếp là thời đại chúng ta đang sống.] Tất cả mọi thứ hiện tại của nhân loại chúng ta đang ở trong thời Hiền kiếp.

Phật điển ghi lại: Sự hình thành Hiền kiếp là như thế này. Trong vũ trụ mênh mông, đầu tiên có "phong luân" kiên cố không gì phá vỡ nổi. Vì bánh xe gió quay tròn, hình thành nên "thủy luân" khổng lồ. Gió thổi nước, hình thành nên "thổ luân" màu vàng. Từ bánh xe đất sinh ra "hỏa luân". Chính vì đất nước lửa gió lần lượt xuất hiện nên mới hình thành núi Tu Di, thất trùng Kim Sơn [núi vàng bảy tầng], thất du hý hải [bảy biển ngao du], núi Thiết Vy, bốn đại châu, tám tiểu châu. Tiếp theo là Quang Âm thiên nhân giáng xuống, hình thành nên tổ tiên ban sơ của nhân loại.

Những điều trên đều là nói loanh quanh, chúng ta trở lại câu chuyện chính, cái chúng ta muốn nói đến là nước. Nước có năm phẩm chất:

  1. Thanh tịnh tất cả.
  2. Sức nước vô cùng.
  3. Biến hóa vô cùng. (biển, mây, mưa, sương, giá, băng, khí)
  4. Tự chảy đến nơi thấp.
  5. Tìm tòi phương hướng.

Lão Tử mà tôi rất tôn kính là người rất tôn sùng nước, cho nên Lão Tử tự xưng là Nhược Thủy. Tôi tôn kính Lão Tử, tôi học tập nước. Khi mạnh, phá vỡ tất cả nghiệp. Khi yếu, tự chảy đến nơi thấp. Mềm mại dịu dàng như nước. Động như nước. Tĩnh như nước. Tôi có thể thích ứng với bất kì hoàn cảnh nào (nhược thủy). Tôi thanh tịnh như nước. Tự do cầm lên. Tự do buông bỏ. Tư tưởng của tôi là triết học vô ngại. Đến được cảnh giới nhược thủy rồi, tự nhiên có thể: "Dung nạp được cả trong và đục." Có người hỏi tôi: "Ngày nay nước lũ tràn bờ thành họa lớn, ngài nói thế nào đây?" Tôi đáp: "Nhân loại tự tạo nghiệp chướng."

Tôi viết một bài thơ:

Nhược thủy

Trăng trong nước Ấy là khi thiền định Nhập tịch tĩnh Thấy được chính mình Muốn học tập thanh tịnh Pháp chẳng phải là pháp Căn bản không có con đường xác thực

Giếng Sông Hồ biển Trừ bỏ mọi bệnh. (Bài thơ này phải ngẫm nghĩ sâu.)

03. Trời xanh mãi xanh

Trong kinh Kim Cang, Phật hỏi Tu Bồ Đề: "Hư không phương đông có thể đoán chừng được không?" Tu Bồ Đề đáp: "Không thể, thưa Thế Tôn." Phật lại hỏi Tu Bồ Đề: "Hư không phương nam, tây, bắc, bốn phương phụ, phương trên phương dưới có thể đoán chừng được không?" Tu Bồ Đề đáp: "Không thể, thưa Thế Tôn." Phật nói: "Hư không là bất khả tư lượng!" Tôi nói: Vào thời đại của Phật Đà, khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, nhưng Phật Đà đã sớm biết được hư không là vô hạn. Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, Nhưng, Hư không vẫn là vô hạn. Có ai có thể tìm được đường biên của hư không?

Trong Tây Du Ký: Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, lộn một vòng Cân Đẩu Vân là bay xa tới tám vạn bốn nghìn dặm. Bay đến Ngũ Chỉ Sơn, Tôn Ngộ Không cho rằng mình đã bay đến rìa của trời rồi, bèn viết một câu: "Tôn Ngộ Không đã đến đây!" Thế rồi còn tè một bãi. Không ngờ vẫn chỉ nằm trong năm ngón tay của Như Lai, không thoát khỏi thần chưởng của Như Lai. Thấy không! Hư không vẫn là vô hạn. Con người tôi thích nhìn trời, trời biến hóa vô cùng.

Có một ngày nọ ở Seattle nước Mỹ, tôi nhìn thấy: Trời trong. Mây đen dày đặc. Mưa. Tuyết. Mưa đá. Sấm sét. Cuồng phong. Sương mù. Cuối cùng là cầu vồng. Rồi trời lại xanh! Trời xanh mãi xanh. Đây chỉ là những cảnh tướng trong một ngày, đúng là phong phú rực rỡ, mở rộng tầm mắt! Có người hỏi tôi: "Vì sao ngài thích ngắm trời?" Tôi đáp: "Tôi hợp nhất cùng hư không." (Đó là việc học tập của tôi.)

Bạn biết không? Nước vì có trăng mới nhận ra là tĩnh, trời vì không mây mới thấy là cao.

Tôi viết một bài thơ nhỏ:

Nhìn trời

Tôi lúc nào cũng nghĩ Làm sao thấy được chân trời Tôi trông thấy Bay về phương bắc Bầy chim nhạn xếp thành hình chữ "nhân"

Nước Núi cao Trời càng xa Tôi chính là Lư Thắng Ngạn thích nhìn trời

Tôi yêu cái vô hạn của trời Đó cũng chính là tâm tôi Một vùng rộng lớn.

04. Lưu luyến Ta Bà

Căn cứ theo kinh Phật, A La Hán có bốn quả:

  1. Trụ thế.
  2. Nhất lai.
  3. Bất hoàn.
  4. A La Hán.

Quả thứ nhất là A La Hán trụ thế, thuộc về sơ quả. Quả thứ hai là Nhất lai, cũng có nghĩa là vẫn phải trở lại thế giới Ta Bà một lần, thuộc về A La Hán nhị quả. Quả thứ ba là sống tại Bất Hoàn Thiên ở thiên giới, đã có thể không cần đến thế giới Ta Bà nữa. Quả thứ tư là A La Hán của tứ Thánh giới. (A La Hán cao nhất)

Có người hỏi tôi: "Sau này ngài trở về Ma Ha Song Liên Trì, ngài có còn đến nhân gian thế giới Ta Bà nữa không?" Tôi đáp: "Ồ!..." Câu hỏi này khiến tôi hơi choáng váng, bởi vì tôi thường nghĩ: Vãng sinh tịnh thổ Siêu sinh xuất khổ Nam mô A Di Đà Phật! Ba câu nói này vô cùng rõ ràng, tôi kỳ vọng bản thân mình sẽ trở về tịnh thổ ở Cực Lạc thế giới, rời xa biển khổ (nhà cháy) của thế giới Ta Bà, nương dựa vào A Di Đà Phật hộ chủ của tôi.

Nhưng, Nghĩ đến, Nguyện lực của Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Địa ngục chưa trống, thề không thành Phật!” Nghĩ đến hòa thượng Triệu Châu: “Ta Bà chưa trống, không đi Cực Lạc!” Còn tôi? Tôi rất hổ thẹn… Ân nhân sư trưởng của tôi. Cha mẹ nhiều kiếp của tôi. Oan thân trái chủ của tôi. Đệ tử hữu duyên của tôi. Những lưu luyến của tôi… Tôi nỡ lòng nhìn họ không ngừng lưu lạc tại thế giới Ta Bà, còn mình thì một mình trở về cõi Cực Lạc sao? Cõi lòng tôi chấn động. Một thời gian dài không thể là chính mình.

Mặc dù tôi tu hành, khi nhập tam ma địa có thể tự mình tỏa sáng. Ánh sáng mãnh liệt. Thụ cùng tam tế. (thời gian) Hoành biến thập phương. (không gian) Thần thông nhậm vận. Nhưng tôi vẫn nghĩ mãi: "Tôi không đến thế giới Ta Bà nữa sao?"

Thơ:

Lưu luyến Ta Bà

Ngắm Núi như hòn than Ngắm Trăng như lưỡi liềm Nhìn gió thu thổi qua Lá rơi chẳng ai dọn

Khói hơi lạnh Mưa mới dừng Tiếng hát nhân gian đã tan biến Người dưng buông câu nói Rơi trong cõi lòng tôi.

05. Vì sao

Lúc nhỏ, tôi thường tự hỏi: "Vì sao phải đi học?" Tôi chạy theo cái gọi là: "sách vở thì khô khan", "người học thì máy móc", "càng học càng chết". Thành tích của tôi không tốt, bị lưu ban hai lần. Cho nên, tôi thường hỏi: "Không đi học có được không?" Đến khi ngoài 20 tuổi. Tôi thường tự hỏi: "Vì sao phải kết hôn?" Kết hôn là sai lầm. Ly hôn là khai ngộ. Ly hôn rồi lại kết hôn là u mê không biết tỉnh ngộ.

Đến khi ngoài 40 tuổi. Tôi thường tự hỏi: "Vì sao phải có con cái?" Không muốn có con cái không được sao? Vì sao phải có sự nghiệp? Vì sao phải kiếm tiền? Bây giờ tôi thường tự hỏi: Vì sao mà tôi có thể đến nhân gian? (Từ đâu sinh ra?) Vì sao mà đến nhân gian? Để làm cái gì? Có ý nghĩa gì? Vì sao con người sẽ già? Vì sao con người sẽ chết? (Chết rồi sẽ đi về đâu?)

Tôi luôn không thể người ta như thế này còn tôi thì thế khác, là do ai quy định? Tôi bị người ta đặt ra những khuôn khổ, phải đi theo những khuôn khổ đó, vì sao chúng ta không thể đột phá? Siêu việt? Nửa cuộc đời trước, tôi bị người ta dắt mũi đi. Bây giờ, tôi bắt đầu đấu tranh! Tôi muốn đột phá! Siêu việt!

Phật Đà nói: "Đời người chính là trả nghiệp!" Cuối cùng tôi đã tỉnh ngộ rồi, tất cả đều là nghiệp. Đến nhân gian là nghiệp. Tất cả mọi hành vi cử chỉ ở nhân gian này đều là nghiệp. Ngay cả khi chết rồi: "Chỉ có nghiệp theo thân!" Học Phật chính là để tiêu nghiệp chướng, tiêu trừ hết nghiệp chướng tức là thành tựu. Cũng giống như thanh tịnh một chút. Từng phần từng phần thanh tịnh, đến khi thanh tịnh được mười phần thì là hoàn toàn thanh tịnh rồi. Chính là thành tựu!

Tôi viết một bài thơ:

Đường đời

Cuộc đời làm sao tính đếm Sâu bao nhiêu Cao bao nhiêu Nhìn ra xa con đường trước mắt Thế nào là hoàn hảo? Cuồng phong Mưa sương Dương liễu Khói bếp Thế nào là sống?

Có nói là khổ Có nói là tập Có nói là diệt Có nói là đạo Chỉ mong tôi không phụ lòng.

06. Nước mắt người già

Năm ấy. Tôi và mẹ tôi leo ngọn núi phía sau Biệt thự Cầu Vồng (núi Sa Mạo). Tôi leo đến nửa chừng núi, nhìn xuống phía dưới, thấy mẹ tôi vẫn còn đang ở chân núi. Đợi đến khi mẹ tôi trèo đến nửa chừng núi, tôi hỏi: "Mẹ! Sao mà mẹ chậm thế?" Mẹ đưa mắt liếc tôi, nói: "Anh già rồi sẽ biết." Câu nói này đã in hằn trong tim tôi. Năm nay tôi 77 tuổi. Đến ngày hôm nay, cuối cùng tôi đã hiểu câu nói này của mẹ tôi: "Anh già rồi sẽ biết." Phật Đà nói: "Già cũng là khổ."

Tôi hiểu. Có một lần. Tôi ở trong bệnh viện, trông thấy một người già, một thân một mình đi vào nhà vệ sinh, cụ kéo theo cái giá treo bình truyền dịch. Chầm chậm từng bước, loạng choạng lảo đảo đi về hướng nhà vệ sinh. (Không có ai đi cùng.) Tôi thật sự rất khó tưởng tượng: Cụ làm thế nào để cởi quần áo? Cụ làm thế nào để đi vệ sinh? Cụ làm thế nào để mặc quần áo? Cụ bước đi từng bước khó nhọc, rồi còn kéo theo cái giá treo bình truyền dịch, làm sao mà cụ thực hiện được việc đi vệ sinh chứ? Nhìn theo bóng lưng của cụ. Tôi không kìm nổi những giọt nước mắt già nua.

Lại có một lần. Tôi nhìn thấy một chiếc xe du lịch, đầu tiên có mấy người thanh niên bước xuống, kéo theo một chiếc xe lăn. Sau đó, một người già bước từng bước khó nhọc xuống xe. Người già vừa thở dốc, chốc chốc lại đau vai, chốc chốc lại đau hông, chốc chống lại đau chân, tê chân. Mấy người thanh niên bế cụ già quay người xuống xe, cuối cùng đặt cụ vào trong chiếc xe lăn. Vừa hay tôi chứng kiến toàn bộ quá trình xuống xe. Cụ già nước mắt giàn giụa. (Khuôn mặt đau khổ.) Trong thoáng chốc, mắt tôi cũng ầng ậng nước mắt. Chao ôi! Già rồi!

Các đệ tử thân mến! Mọi người cũng từng nhìn thấy Lư Sư Tôn ngồi trên pháp tọa với bộ dạng già nua nước mắt đầm đìa rồi nhỉ! Chứng bệnh nứt não. Chân sưng viêm mô tế bào. Răng đau. (Điều trị tủy răng) Dịch bệnh. Vết thương. Nghĩ đến người thân. Tôi khóc đến mức trời đất tối tăm, nhật nguyệt không còn ánh sáng, đau đớn bi ai, nước mắt như mưa………. Chao ôi! Chẳng biết làm thế nào!

Một bài thơ nhỏ:

Nước mắt người già

Mùa đông lạnh lại đến Trăm hoa đã héo tàn Năm nay cảm thấy già thêm

Lúc dịch bệnh Muốn nhìn thấy các đệ tử hữu tình Lặng như tờ Chỉ có giấc mơ bịn rịn Tỉnh giấc sớm nước mắt chan hòa.

07. Vô duyên

Trong thời kỳ dịch bệnh. (Virus Corona lan tràn khắp thế giới.) Mỗi buổi tối, tôi làm pháp siêu độ nghìn chiếc thuyền pháp. Trong lúc làm pháp, tôi niệm: "Trung ấm hữu duyên, xin mời lên thuyền."

Có một hôm, Hiền Thủ Bồ Tát đến, ngài hỏi tôi: "Lư Sư Tôn! Ngài siêu độ gì?" Tôi đáp: "Độ những trung ấm chết do dịch bệnh." Hiền Thủ Bồ Tát hỏi: "Đồng môn Chân Phật Tông thì sao?" Tôi đáp: "Độ!" Hiền Thủ Bồ Tát hỏi: "Bạn bè thân thích thì sao?" Tôi đáp: "Độ!" Hiền Thủ Bồ Tát hỏi: "Tất cả những linh hồn vãng lai thì sao?" Tôi quanh co nửa buổi vẫn chưa trả lời được.

Hiền Thủ Bồ Tát nói: "Ở đây là ngài đang siêu độ hữu tướng, ngài chỉ độ hữu duyên, không độ vô duyên, chẳng phải là đi ngược với "vô duyên đại từ, đồng thể đại bi" sao?" Tôi gật gật đầu. Hiền Thủ Bồ Tát nói: "Ngài độ chúng sinh (trung ấm) hữu duyên, thế là đã có tâm phân biệt rồi, đây không phải là điều mà Bồ Tát Đại thừa làm!" Tôi đáp: "Phải." Tôi thỉnh Hiền Thủ Bồ Tát dạy tôi nên khởi thỉnh như thế nào. Hiền Thủ Bồ Tát đáp: "Tất cả hữu duyên, vô duyên, xin mời lên thuyền pháp." Tôi hỏi: "E rằng nghìn chiếc thuyền pháp không chứa đủ?" Hiền Thủ Bồ Tát đáp: "Lư Sư Tôn! Lẽ nào ngài quên rồi, ngôi nhà nhỏ của cư sĩ Duy Ma Cật chứa hết pháp tọa của thập phương tam thế nhất thiết Phật đó sao?" Tôi đáp: "Có nhớ!" Hiền Thủ Bồ Tát nói: "Nhỏ có thể chứa được lớn! Ít có thể biến thành nhiều!"

Hiền Thủ Bồ Tát bồng bềnh lướt đi, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng ngài: Không thiện không ác. Không nam không nữ. Không đẹp không xấu. Không trắng không đen. Không trên không dưới. Không duyên có duyên. Không sắc thanh hương vị xúc pháp. Phổ đồng siêu độ không phân biệt. (vô tướng siêu độ) Tôi đã hiểu rồi! Cảm tạ Hiền Thủ Bồ Tát.

Viết bài thơ:

Vô duyên

Siêu độ cũng có Một chấm Một đường Một mặt Còn tôi là vô hạn vô biên

Hễ có mang một chút linh Tức là duyên Đây chính là chính kiến Đại La Kim Tiên đều hiện khắp nơi.

08. Tấm lòng son

Theo như tôi biết: Bản địa của tôi là Liên Hoa Đồng Tử của A Di Đà Phật. Bố tôi là chú bé canh bếp lò cho các nhà tu hành. Mẹ tôi là hóa thân từ chim Thái Bình của Quan Thế Âm Bồ Tát. Vợ tôi là Cát Tường Thiên. Con trai tôi là hoàng tử của Đao Lợi Thiên. Con gái tôi là công chúa của Đao Lợi Thiên. Cháu trai tôi là trưởng lão ở Phật Sơn. Cháu gái tôi là Bồ Tát thất địa. Ông nội Lư Xương của tôi là sứ giả thắp đèn. ....

Nếu dựa theo quan sát này, quyến thuộc nhà họ Lư của tôi là gia đình Thần Tiên rồi. Trên thực tế, chúng tôi từ ông nội cho đến con cháu, trong con mắt người ngoài, chỉ là những con người bình phàm như bao người khác. Đúng vậy! Có một chút lai lịch thì sao chứ? Phật Đà nói: Thí chủ một hạt gạo. Lớn như núi Tu Di. Nếu như không tu hành. Khoác lông đội sừng trả. Cho dù bạn có là Đại La Kim Tiên chuyển thế, bạn là Phật chuyển thế, bạn là Bồ Tát chuyển thế, bạn là Duyên Giác chuyển thế, bạn là A La Hán chuyển thế… Vẫn sẽ phải vào "tam đồ": địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh như thường. (Đều là nghiệp lực đưa đẩy.)

Theo Nguyên Nhân Luận: Tổ tiên của nhân loại chúng ta đều là thiên nhân đến từ Quang Âm Thiên, mỗi một người đều có lai lịch. Lư gia chúng tôi có một chút lai lịch nhỏ, thật sự cũng không đáng kể gì! Lịch sử Tây Tạng: (căn cứ theo ghi chép của Trụ Gián Sử) [Trụ Gián Sử là bộ danh tác lịch sử của Tây Tạng.] Tán Phổ Songtsen Gampo là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. [Tán Phổ là danh hiệu của quân chủ đế quốc Thổ Phồn của người Tây Tạng, tương đương với địa vị vua. Ví dụ Songtsen Gampo (569-649) là vị vua thứ 33 của vương triều Thổ Phồn.] Công chúa Xích Tôn là hóa thân của Bạch Độ Mẫu. Công chúa Văn Thành là hóa thân của Lục Độ Mẫu. Chúng ta biết rằng: Vua Trisong Detsen là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát. Liên Hoa Sinh Đại Sĩ là hóa thân của A Di Đà Phật. ...

Cá nhân tôi tu hành đến nay, có một chút cảm tưởng: Hóa thân gì cũng không quan trọng! Quan trọng là: Bạn có còn "tấm lòng son" hay không? Tịnh quang một mình tỏa sáng. Sáng chói lòa. Tròn vành vạnh. Tập khí của bạn! Phiền não của bạn! Bám chấp của bạn! Đều đã thanh tịnh hết chưa?

Viết bài thơ:

Cảnh giác

Nhân gian này Vẫn còn mờ mịt Khiến con người lúc nào cũng xoay quanh Bận bịu sống qua ngày nay Bận bịu sống qua ngày mai Bận từ sáng đến xế chiều Cuối cùng chỉ còn lại hai hàng nước mắt.

09. Nghĩ đến chuyện cầu mưa

Vào năm ấy. Năm 2021 đó! Đài Loan hạn hán. Các hồ chứa nước đều đã nhìn thấy đáy rồi! Càng ngày càng nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức phải giới hạn nước, một tuần cắt nước hai ngày, mọi người đều mong mỏi nhìn trời. Ông Trời ơi! Cho mưa xuống đi mà! Đáy hồ đều đã nứt cả rồi! Các chùa, đường, cung, miếu ở Đài Loan đều làm lễ cầu mưa. Thượng sư Liên Triết ở Đài Loan Lôi Tạng Tự truyền tin tức đến cho tôi, họ cũng muốn cầu mưa. Tôi nói: "Được thôi!"

Sau khi chọn được thời gian, đang chuẩn bị cho lễ cầu mưa. Tôi lại yêu cầu Đài Loan Lôi Tạng Tự dừng việc cầu mưa. Ơ! Tại sao vậy? Tôi nói: "Không có tại sao gì cả. Mọi người không cần cầu mưa nữa! Tôi đã nhìn thấy một trận ngập lụt lớn rồi." Chỉ một tháng sau. Quả nhiên, cả nước Đài Loan bị ngập lụt. Ngập tới mức các hồ chứa nước đầy căng. Còn tràn cả ra ngoài nữa! Dòng mưa lũ tràn vào rất nhiều nhà dân. Ôi! Vừa là hạn hán lớn. Vừa là lũ lụt lớn. Ông Trời ơi! Vì sao không thể vừa phải chứ?

🌟

Lúc còn nhỏ. Mẹ tôi thích hát một bài hát thiếu nhi: Tí ta tí tách, ầm ầm ào ào, trời đổ mưa rồi! Mẹ em đem ô đi đón em Tí ta tí tách, ầm ầm ào ào, ào ào ào!

Nói thật lòng: Tôi thích mưa. Hàng nghìn sợi mưa. Hàng vạn sợi mưa. Rơi xuống mặt nước thì không thấy nữa. Tôi thích một chiếc ô nhỏ. Nhìn mẹ tôi tươi cười, cầm chiếc ô nhỏ, trong màn mưa bụi mênh mông, đi đến cổng trường học, nói với tôi: "Tạp Tử! Chúng ta về nhà thôi!" (Tạp Tử là tên tục của tôi, trong tiếng Nhật có ý nghĩa là "Thắng".) Tôi nép vào mẹ tôi. Cả đoạn đường nhìn mưa hoa, từng đóa từng đóa nở bên cạnh bước chân của chúng tôi, chiếc ô nhỏ và chiếc áo dài sườn xám của mẹ tôi cùng có màu đỏ tươi. Tôi nhìn mưa đầy trời. Ngẫm nghĩ! Có mẹ thật tốt!

Thơ:

Nhớ mẹ

Mưa, Là tấm áo lưới xanh ngọc bích của trời Lướt qua mặt đất Lướt qua cỏ cây hoa lá Lướt qua suối nhỏ

Chiếc ô mẹ cầm Là cái lọng hoa duy nhất của tôi Là hai người Dựa sát vào nhau

Thấy trời mưa Tôi lại nhớ đến mẹ.

10. Đồ cổ của tôi

Ở Vancouver Canada có chị Điền, chị là đệ tử của tôi. Chồng của chị là một nhà sưu tập đồ cổ. Sau khi chồng chị qua đời, tất cả đồ cổ đều trở thành của chị. Sau này, sau khi chị quy y tôi, vì muốn cúng dường tôi, chị đã biến tất cả đồ cổ thành cúng phẩm để cúng dường Lư Sư Tôn. Ngoài chị Điền ra, đương nhiên cũng có nhiều nhà sưu tập đồ cổ tặng tôi làm quà yết kiến. Lúc bấy giờ, tôi đột nhiên phát hiện ra mình cũng sắp sửa trở thành một nhà sưu tập đồ cổ rồi. Ha ha ha! Tôi có: Thanh kiếm triều Thương (được mài từ đá). Cái bát thời Chiến Quốc. Ngựa ba màu triều Đường. Kinh điển triều Tống. (Kinh Phật Thập Thiện Pháp Điển, Chư Phật Danh Tướng, Đại Trang Nghiêm Kinh.) Chén uống rượu triều Minh. Một đống đồ gốm triều Thanh. Bình hoa và lọ tròn có quấn viền cổ. Bàn bát tiên. Lư hương. Ngọc thạch. Tượng gốm Quan Âm của Từ Hy Thái Hậu. Tây phương Tam Thánh. Tranh của Phổ Nghi. Tranh của Tề Bạch Thạch. Chữ của Triệu Thiếu Ngang. v.v…

Ngoài ra còn có một chiếc giường cổ, không biết là của triều đại nào. Chiếc giường quá lớn nên đặt ở Biệt thự Cầu Vồng. Pháp tọa cổ của tôi bên trên có chạm trổ ba con rồng bằng ngọc ở lưng ghế và hai bên tay vịn, rất tinh xảo. Đây chắc chắn là ghế ngồi của hoàng đế bệ hạ hoặc của quan lớn, bây giờ chiếc ghế này để ở Nam Sơn Nhã Xá. Có được những món đồ này cũng chẳng hề khiến tôi phấn khởi lắm. Bởi vì tôi hiểu: Những thứ này chỉ có thể chứng minh dòng chảy của thời gian. Giống như các nhà khảo cổ học, đào lên được xương cốt của tổ tiên. Chứng minh rằng: Nghìn năm. Vạn năm. Tôi càng hiểu rằng: Tôi (Lư Sư Tôn) viên tịch nghìn năm, vạn năm sau, thì cũng là một món đồ cổ. Bây giờ còn đang sống thì là đồ mới. Cái gọi là đồ cổ: Chính là đời thượng thượng truyền xuống đời thượng, đời thượng truyền xuống đời này, đời này truyền xuống đời sau. Truyền mãi… truyền mãi… truyền mãi… Để cho bạn ngây ra nhìn ngắm mấy chục năm.

Thơ:

Đồ cổ của tôi

Có người hỏi tôi Có bán hay không? Tôi đáp Không bán

Vì sao không bán? Tôi đáp Không phải của tôi

Của ai? Tôi đáp Chẳng phải của ai Chủ nhân thật sự của đồ cổ chính là Cảnh xuân tươi đẹp.

11. Hữu tình

Tháng 8 năm 2021. Có một người đến từ một đất nước xa xôi, anh tặng tôi một chậu hoa rất đẹp và tinh xảo. Lòng tôi thì vẫn luôn bình lặng. Nhưng, sau khi nhìn bình hoa này, trong lòng bỗng dưng trào dâng như sóng nước. Từ trong hoa, tôi nhìn thấy kiếp trước của mình và kiếp trước của anh. Khiến tôi có cảm giác như vừa mới tỉnh khỏi giấc mộng.

Tôi nghĩ: Vì sao anh cứ liên tục tặng tôi rất nhiều chậu hoa? Còn tôi có thể giúp anh giải quyết được một vấn đề khó khăn nan giải trong cuộc sống của anh. (phép màu) Anh đã ổn rồi! Tôi rất an nhiên! Thì ra là như thế này, đây chính là "hữu tình". Tôi nghĩ: Chắc chắn tôi và anh ấy có một quá khứ phi phàm, tôi mơ hồ hiểu ra một chút. Về sau, anh đến hỏi việc. Từ trong chiếc điện thoại, anh tỏ ý muốn tôi xem một ngôi nhà, chà, đó là một ngôi nhà nhỏ rất bình thường. Xung quanh ngôi nhà có mấy mẫu ruộng.

Anh nói: "Người cha quá cố của tôi là nông dân!" Anh nói: "Tôi là người ở bên cạnh nông dân!" Anh kể: Anh có thể nhớ được rất nhiều việc của kiếp trước, đó là những đoạn nhân duyên bình phàm. Tại Kyoto Nhật Bản. Tại Tây An Trung Quốc. Tại Shigatse Tây Tạng. ...

Tôi yên lặng lắng nghe, cảm thấy thật bất khả tư nghì! Tôi phảng phất cũng có cảm giác như vậy, tâm linh quá khứ, tâm linh hiện tại, tâm linh vị lai. Quá khứ anh ấy là hoa đỏ, tôi là lá xanh. Hiện tại tôi là sư phụ, anh ấy là đệ tử. Vị lai? Không biết. Không muốn nghĩ! Cho dù hiện tại, anh ấy đi xuống, còn tôi ngược dòng đi lên, hai con đường khác nhau. Hoặc là: Càng đi càng xa. Hoặc là: Cùng ở một bờ! Đó đều là ẩn số! Bởi vì anh ấy là một cụm bèo trên mặt nước, tôi cũng là một cụm bèo trên mặt nước. Gặp gỡ. Chia ly. Khi tâm tôi bị khuấy động thì anh ấy đã đi xa rồi. Tương lai….

Thơ:

Hữu tình

Có người nói Là hai đám mây Ngẫu nhiên gặp nhau Tôi nói Là gió Thổi về hư không ấy

Một về đông Một về tây Hữu tình chỉ có thể ở trong mơ.

12. Chỉ điểm

Có một đệ tử đem thơ của một vị thiền sư đưa cho tôi xem, trên đó có viết: Voi chúa đi Sư tử dừng Côn Lôn chân trần lông mày dựng đứng Hàn Sơn Thập Đắc cười ha ha Bảo rằng trước cửa cây tùng già. Thử hỏi họ chỉ cái gì? Khi gió bỗng dưng thổi tới Thế rồi một đống củi cây. (Chữ "cây" này là do tôi thêm vào.) Tôi đọc xong, hỏi: "Vì sao anh đưa cho tôi bài thơ này?" Anh đáp: "Thỉnh Lư Sư Tôn chỉ điểm!"

Tôi cũng tiện bút viết một bài thơ đưa cho anh ấy đọc, trên đó viết: Ngọc Sơn đi A Lý Sơn dừng Vội vội vàng vàng tìm Thần Cây Tàu hỏa nhỏ nhả khói tu tu tu Cuối cùng thấy cây đổ ra đất Thử hỏi điều này chỉ cái gì? Già rồi Chỉ còn sâu đến đục.

Chỉ trong nháy mắt, tôi viết một bài thơ chẳng phải là thơ, đưa cho đệ tử xem, anh ấy đọc thử. Không nói gì. Tôi hỏi: "Bài thơ chỉ cái gì?" Anh đáp: "Không." Tôi hỏi: "Còn gì nữa?" Anh đáp: "Còn có tác dụng." Tôi nói: "Đúng rồi! Thật ra thế giới này, mặt trăng mặt trời những vì sao, núi sông mặt đất, không có cái gì là không chỉ chúng ta." Tôi nói: "Chỉ điểm rằng chúng ta cần học tập Bồ Tát, không những tự giác mà còn phải giác tha. Cho dù đi đến ga cuối cùng của cuộc đời, vẫn phải làm lợi ích chúng sinh." Cây tùng già đổ xuống Trở thành một đống củi Vẫn có thể thổi cơm nấu trà Thần Cây đổ xuống Nằm trên mặt đất Vẫn có thể làm lợi ích cho những côn trùng nhỏ. Tôi thường nói: "Trời sinh ra ta tất có tác dụng, tất cả đều là sự an bài hoàn hảo."

Viết bài thơ:

Chỉ điểm

Bạn muốn tôi chỉ điểm Tôi bèn chỉ trăng Mây đen che kín chẳng thấy gì

Bạn muốn hiểu về Không Chỉ điểm Không Người xa chân trời gần

Hiểu được Không Thấy Không là nguồn Có Đại Thủ Ấn ở đó

Cây tùng Thần Cây Ngó sen đứt gãy hãy còn tơ non.

(Có hiểu không?)

13. Mật giáo

Đệ tử hỏi Lư Sư Tôn: "Vì sao Phật giáo phân thành Hiển giáo và Mật giáo?" Tôi đáp: "Giáo lý biểu hiện bên ngoài chính là Hiển giáo. Bí mật nội chứng chính là Mật giáo." Đệ tử hỏi: "Con nghe nói ai ai cũng có thể tu học Hiển giáo, Mật giáo thì không công khai, đúng không?" Tôi đáp: "Đúng." Đệ tử hỏi: "Nhưng con thấy trên mạng, rất nhiều những bí mật vốn không công khai của Mật giáo, bây giờ đã hoàn toàn công khai rồi, là vì sao?" Tôi đáp: "Thời đại đã khác rồi, thế giới trên mạng cái gì cũng có hết, rất khó giữ bí mật." Đệ tử hỏi: "Trên mạng bây giờ, Mật pháp đã không còn là bí mật, ai ai cũng có thể học, có quán tưởng, có trì chú, có thủ ấn, có nhập Tam ma địa… Có phải là Mật giáo cũng trở thành Hiển giáo rồi không?" Tôi đáp: "Bây giờ là thời đại Mật giáo công khai. Liên Hoa Sinh Đại Sĩ nói, khi chim sắt bay trên trời, Mật giáo đại hưng thịnh. Đó chính là chỉ thời hiện đại, nhưng tu Mật giáo vẫn cần có Thượng sư chỉ điểm thì mới không xảy ra sai sót."

Đệ tử hỏi: "Vì sao cần có Thượng sư chỉ điểm?" Tôi đáp: "Thượng sư là tổng trì của Phật, pháp, tăng, một vị Thượng sư cụ túc là người có kinh nghiệm, có truyền thừa, có tu trì Mật pháp nhiều năm, làm lợi ích chúng sinh, chứng đắc quả vị, từ bi hỷ xả. Thượng sư này có thể tự làm lợi ích cho mình, cũng có thể làm lợi ích cho người khác. Vị Thượng sư từ bi này hiểu biết tám vạn bốn nghìn cả chính đạo lẫn tà môn, mới có thể giúp đỡ các đệ tử khỏi lạc đường." Đệ tử hỏi: "Nếu không nương dựa vào Thượng sư Mật giáo thì sẽ thế nào?" Tôi đáp: "Mật giáo có tám vạn bốn nghìn đường rẽ, một bước đi sai là nhập vào ma đạo. Cho nên rất đáng sợ, phải nương dựa vào Kim cương Thượng sư đầy đủ phẩm đức thì mới không đi sai đường." Đệ tử hỏi: "Tu học Mật giáo, nhất định phải quy y quán đảnh sao?" Tôi đáp: "Quy định của Mật giáo là bắt buộc phải quy y quán đảnh. Đó là một dạng trao quyền, trao quyền rồi mới có thể tu trì Mật pháp." Đệ tử hỏi: "Quán đảnh của Mật giáo có bốn quán đảnh, nghĩa lý của nó là như thế nào?" Tôi đáp: "Sự bộ — Ngoại pháp. Hành bộ — Nội pháp. Du già bộ — Nhất vị. Vô thượng bộ — Không tính pháp." Đệ tử hỏi: "Nội hàm của chúng ra sao?" Tôi đáp: "Trong sách của tôi đều có thuật giảng rồi, xin mời đọc sách của tôi là có thể hiểu được. Ngày nay, Mật pháp công khai là vì thời đại đã thay đổi rồi."

Viết bài thơ:

Mật giáo

Mật pháp phổ cập Chẳng đáng lo Vẫn đáng mừng

Nhưng đi sai đường Thực thở than Quá đáng tiếc

Quy y quán đảnh tự tìm được Kim cương Thượng sư thổi sáo ngang.

14. Đường đạo ở giữa

Có người đến Seattle Lôi Tạng Tự, trước khi bước vào trong chùa, ở trước cửa vào có ba lối đi. Ở giữa là bậc thang. Bên phải là lối đi lên dốc. Bên trái cũng là lối đi lên dốc. Ba lối đi này đều có thể dẫn vào cửa chính của Lôi Tạng Tự. Người này nói: "Lư Sư Tôn đi lối đi ở giữa!" Câu nói này bề ngoài thì không có gì, nhưng lại khiến người ta ngẫm nghĩ, khá có pháp vị.

Phật Thích Ca Mâu Ni có một đệ tử, khi Thế Tôn thuyết pháp, vì người này luôn ngủ gật, Phật Đà Thế Tôn mới quở trách anh: "Năm trăm kiếp sau sẽ là con ốc." (Con ốc luôn nhốt mình trong vỏ, không nhìn thấy ban ngày.) Anh thất kinh, đã phát đại nguyện: "Kể từ hôm nay, hai mắt không được khép lại! Tinh tấn học tập Phật pháp, vĩnh viễn không nhắm mắt." Nhưng, Không bao giờ nhắm mắt, con mắt không được nghỉ ngơi, không ngờ anh đã làm cho hai mắt mình bị mù rồi. Về sau anh có được thiên nhãn, anh chính là một trong mười đại đệ tử của Phật - thiên nhãn đệ nhất A Na Luật.

Cá nhân tôi phát hiện ra, trung đạo thật sự rất quan trọng. Ví dụ: Thân thể con người chúng ta, mọi thứ đều phải hợp với trung đạo. Nhịp tim phải vừa đúng, tim đập nhanh quá thì dễ khục khặc rồi dừng bặt luôn. Tim đập chậm quá thì con người giống như chẳng chết chẳng sống. Cholesterol cũng vậy. Cao quá - sẽ làm tắc mạch máu. Thấp quá - mạch máu sẽ bị rạn nứt. Ngoài ra: Huyết áp. Đường máu. Nhiệt độ. Mỡ máu. ... Không có cái nào là không như thế.

Chúng ta lại xem xem giới tự nhiên, đất, nước, lửa, gió, không có cái nào là không như vậy. Lấy nước làm ví dụ: Nhiều nước quá - lũ lụt. Ít nước quá - hạn hán. Nước vừa đủ - ngũ cốc được mùa. Vì thế Phật Đà nói: Dây đàn quá căng - dễ đứt. Dây đàn quá lỏng - không phát ra được âm thanh. Không căng không lỏng mới là hay nhất!

Tôi tu hành cũng như vậy, phải đi trên con đường trung đạo. Ban ngày cũng tu, ban đêm cũng tu, lúc nào tinh thần cũng phấn khởi thì cũng rất dễ tẩu hỏa nhập ma. Không nóng vội. Không ù ì.

Viết một bài thơ nhỏ:

Trung đạo

Trang điểm đậm nhìn trông giả quá Khuôn mặt mộc nhợt nhạt làm sao Chỉ cần thoa lên chút phấn mỏng Khác nào đóa hoa tự rạng ngời

Tĩnh lặng quan sát nhân thế gian Lớn nhỏ đúng mực Đều tương đồng

Đông lạnh Hè nóng Xuân trùng trùng.

15. Tết Trung Thu

Ngày 21 tháng 9 năm 2021, tôi đón Tết Trung Thu tại Seattle. Buổi tối hôm đó có video, các Thượng sư Chân Phật Tông dùng máy vi tính gặp mặt tôi trên "đám mây". Họ muốn tôi nói vài câu. Tôi nói gì đây? "Chào mọi người!" "Tết Trung Thu vui vẻ!" "Ánh trăng đại diện cho lòng tôi!" "Nghìn dặm cùng thiền quyên!" … Những câu này thì đều tầm thường quá! Tôi nói gì đây?

Tôi nhớ đến bài thơ của Thập Đắc: [Tên nhà thơ - Phật tử thời Đường, sống ở chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai.] Không đến không đi vốn lặng lẽ Trong ngoài hay giữa chẳng ở đâu Một giọt nước trong không tì vết Sáng trong lan tỏa khắp trời người.

Chú thích: Nước trong tức là mặt trăng. Bài thơ này có thâm ý, người thế tục không hiểu được. Nhưng lại quá siêu nhiên! Quá viên mãn! Các Thượng sư! Có hiểu hay không?

Tôi lại nhớ đến bài thơ của thiền sư Vĩnh Minh: [Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, người Tiền Đường, Dư Hàng, Hàng Châu, là một cao tăng vào cuối đời nhà Đường, vị Tam Tổ của Pháp Nhãn Tông.] Vượn lẻ hú rơi trăng đỉnh núi Khách quê than lụi ngọn đèn khuya, Cảnh ấy người đây ai biết được Sâu trong mây trắng một thiền tăng.

Chú thích: Bài thơ này đầy ắp sự hiu quạnh. Trong cái hiu quạnh đầy ắp kỳ ảo. Ai có thể hiểu được ý của tôi?

Tôi lại nghĩ đến bài thơ của Tử Thuần: [Thiền sư Đan Hà Tử Thuần, sống vào đời Bắc Tống, người Kiến Châu, làm trụ trì ở núi Đan Hà ở Đặng Châu.] Cố gắng gìn giữ suốt mười năm Vạn điều ngoa ác đều không biết Giờ đây chẳng còn chuyện lo lắng Ngồi ngắm ánh trăng chiếu lưu ly.

Chú thích: Tôi rất thích bài thơ này. Chân Phật Tông đâu chỉ có mười năm. Trải qua nghìn tai bách nạn, tôi đều đã quên rồi, cũng như là không hề biết. Giờ đây, có việc cũng như không, không việc cũng như có, việc à việc, có như không. Hiểu không? Tôi chẳng liên quan! "Ngồi ngắm ánh trăng chiếu lưu ly" thôi!

Tôi nhớ đến bài thơ của Tông Di: [Hòa thượng Dưỡng Tẩu Tông Di (1375 - 1458), người Kyoto, tham gia phái Hoa Tẩu và là người kế thừa pháp này.] Đặt chân lên viên gạch Rõ ràng là pháp này Hoàng dương bên bờ cười ha ha Non xanh vạn dặm một vầng trăng.

Chú thích: Mặt trăng này là trăng nào? Mà cười! Mà khóc! Không cười không khóc! Thật là dẫm lên bậc thềm mà có được ngộ cảnh.

🌟

Tôi đã kể ra mấy bài thơ rồi, nên nói về bài thơ của chính mình thôi, chứ đây đều là thơ của người khác. Vào dịp Trung Thu năm 2021, tôi nói bản thân tôi là cái thứ gì đây? Ha ha! Tôi cũng viết một bài thơ: Trăng trung thu xuống nghe một bài hát Cũng trò chuyện đôi lời cùng ta Có ai biết ta như sao băng Làm dải cầu vồng Của một đêm Những lời thì thầm của ta Chẳng qua là bất loạn bất định Chẳng qua là phi phàm phi thánh.

16. Một chuỗi tiếng lòng

Khoảng thời gian này, Thượng sư Liên Hương bị ốm. Mỗi buổi tối, tôi phải chăm sóc cho bà ấy, nhỏ thuốc mắt, mắt bên trái là thuốc kháng sinh, mắt bên phải là nước mắt nhân tạo. Tôi dặn bà ấy nhớ uống thuốc. Tôi kéo rèm cửa sổ lại. Tôi chuẩn bị chăn đệm. Còn phải nhớ đặt chuông đồng hồ báo thức. Thế rồi, tôi bắt đầu làm pháp kết giới, để tránh trong lúc ngủ bà ấy bị quấy nhiễu. Thật may, những ngày này bà ấy đều ngủ rất ngon. Tôi làm kết giới xong thì bà ấy cũng ngủ luôn. Trước khi rời đi, tôi đắp chăn cẩn thận cho bà ấy. Tôi rời đi rất nhẹ nhàng, tắt tất cả đèn đóm, chỉ còn bật một chiếc đèn nhỏ ban đêm để soi đường đi.

Từ phòng của bà ấy trở về phòng của tôi phải đi qua một hành lang. Hai bên hành lang này có mấy vị Phật Bồ Tát, có vị thì là tranh vẽ, có vị thì là tượng điêu khắc, tôi vừa đi vừa đọc tên của các vị, vừa chắp tay lễ bái. Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát. Nam mô Cát Tường Thiên. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Đại Huyễn Hóa Võng Kim Cang. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô Cao Vương Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô Liên Hoa Sinh Đại Sĩ. Nam mô Hắc Phẫn Nộ Mẫu. Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Đại Thiên Tôn. Nam mô Bất Động Minh Vương. Nam mô Kim Cang Bồ Tát. Nam mô Đại Uy Đức Kim Cang. Tất cả Địa Thần. Tất cả chư Tôn. (Tôi gọi tên theo thứ tự không phân biệt trước sau, cứ theo thứ tự trên lối đi.) Hành lang này giống như một con đường nhỏ, rất tự do, dẫn thẳng đến phòng của tôi (Lư Sư Tôn).

Tiếp theo là đến công khóa trước khi ngủ của tôi. Tôi đánh răng. Rửa mặt. Làm kết giới. (Phòng của tôi có Quan Thế Âm Bồ Tát, Thời Luân Kim Cang, Liên Hoa Đồng Tử.)

Sau khi xong xuôi tất cả, tôi ngồi lên pháp tọa tu siêu độ Nghìn chiếc thuyền pháp. Trước tiên tôi cầu nguyện: "Ba vị Bổn tôn, xin hãy chăm sóc cho Thượng sư Liên Hương ngủ ngon, ngủ sâu, thân thể khỏe mạnh, mắt mau bình phục. Xin giúp đỡ các trung ấm hữu duyên, trung ấm vô duyên, được vãng sinh Phật quốc tịnh thổ!" Thế rồi tôi tu pháp. Những lời cầu nguyện của tôi chính là một chuỗi tiếng lòng, không phải là những lời cố định, có khi rất mạch lạc, có khi thì lủng củng, có khi thì điềm đạm.

Thơ:

Một chuỗi tiếng lòng

Lời cầu nguyện chẳng dài dòng Đó chỉ là tấm lòng của tôi Nghĩ cho mọi người Vứt bỏ phiền não Dù dài hay ngắn Hằng đêm Tôi ngồi yên trong căn phòng cô tịch Mà chẳng hề lạnh lẽo thê lương.

17. Tôi là Thiếu tá

Rất nhiều người đều biết, trước khi học Phật, tôi học trường quân đội. Tôi đã đi học trường Trắc Lượng (Bộ Đại Học). Khoa đo đạc mặt đất. Sau này, trường Trắc Lượng, học viện Công Trình Hải Quân, trường Công Nghiệp Quốc Phòng, hợp lại thành Học viện Khoa học Kỹ thuật Trung Chính. Vì thế, tôi tốt nghiệp khóa 32 trường Trắc Lượng, tức là khóa 28 của Học viện Khoa học Kỹ thuật Trung Chính. Tôi không hối hận vì đã học trường quân đội, bởi vì trường quân đội đã huấn luyện tôi, giáo dục tôi trở thành một con người không tán loạn. (Điểm này vô cùng quan trọng.)

Tôi là quân nhân chuyên nghiệp, đến khi giải ngũ, cấp bậc của tôi là Thiếu tá kỹ sư. Tôi cho rằng: Sau khi giải ngũ, tôi vẫn là một quân nhân. Thành thật mà nói: Tôi mấy giờ đi ngủ. Tôi mấy giờ thức dậy. Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. (Đúng giờ đúng lượng.) Buổi sáng viết sách. Buổi chiều vẽ tranh. (Gia trì thư của đệ tử, trả lời thắc mắc của đệ tử cũng vào buổi chiều.) Mấy giờ tu pháp. Buổi tối làm siêu độ. Tám giờ tối thứ bảy thì đồng tu thuyết pháp. Ba giờ chiều chủ nhật thì làm hỏa cúng thuyết pháp. ...

Cuộc sống của tôi cực kì có quy luật, rất hiếm khi thay đổi thời gian, trừ phi có việc đặc biệt, bằng không thì không có gì thay đổi. Đây chẳng phải là cuộc sống của quân nhân sao? Tôi còn hơn cả một quân nhân. Chỉ là chức trách khác nhau. Trước kia là đo đạc. Bây giờ là hoằng dương Thánh giáo. Ngày trước khi tôi làm quân nhân, tôi rất nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của tôi. Bây giờ hoằng dương Phật pháp, độ hóa chúng sinh, tôi rất tinh tấn. Trước kia là: Phục tùng. Trách nhiệm. Vinh dự. Bây giờ là: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ. Khi tôi làm quân nhân, tôi cảm thấy không hề sống uổng phí. Khi tôi hoằng dương Thánh giáo, tôi cũng cảm thấy không hề sống uổng phí.

Tôi viết một bài thơ:

Tinh tấn

Có một con người Suốt cả cuộc đời đều không hề thay đổi Từng giờ Từng phút Đều đang sống hết mình

Dẫn dắt người đời Từ buổi ban sơ Cho đến hôm nay Phong thái chưa bao giờ thay đổi

Lên pháp tọa Thuyết pháp khai thị Chỉ dẫn nhân tâm đừng hư hoại Bằng tình yêu hết sức bao la.

18. Chí hướng

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, thầy giáo yêu cầu chúng tôi làm văn, và chủ đề của bài văn là: "Chí hướng của em". Khi ấy, chí hướng của tôi là làm thầy giáo. Bởi vì vào thời kỳ ấy, hoàn cảnh sống của tôi rất nhỏ hẹp, trừ gia đình ra thì chỉ biết đến trường học. Đi học ở trường, giáo viên vừa bước vào lớp học, lớp trưởng liền hô: "Đứng dậy!" "Nghiêm!" "Chào thầy!" Khi ấy tôi cảm thấy thầy giáo thật vĩ đại! Vì thế, chí hướng của tôi là muốn làm thầy giáo. Nhưng các bạn học khác, chí hướng của họ đều rất vĩ đại, rất to lớn, rất đỉnh cao... Có người muốn làm tổng thống. Có người muốn làm doanh nhân khởi nghiệp. Có người muốn làm nhà khoa học. ...

Tóm lại, chí hướng của họ đều to lớn như: Mặt trời. Mặt trăng. Còn chí hướng của tôi chỉ như "ngôi sao nhỏ bé" mà thôi!

Năm nay, tôi 77 tuổi rồi, các bạn học thời tiểu học ngày xưa, người nào người nấy đều theo đuổi tiền đồ của mình. Trong ký ức của tôi: Lớp trưởng Trần Đồng Nhân không biết đã đi đâu? Ngô Khoan Nhân không biết đã đi đâu? Hoàng Kim Hùng không biết đã đi đâu? ...

Còn tôi, Lư Thắng Ngạn gầy gò nhỏ bé này chỉ là một "người sáng lập Chân Phật Tông" (hư danh). "Đại Trì Minh Kim Cương Thượng Sư" (hư danh). Tôi dạy các đệ tử của tôi học Phật. Ồ! Tôi đúng thật là một thầy giáo. Tôi đã thực hiện chí hướng của tôi rồi, là sự thật đó! Tôi không phải là thầy giáo tiểu học, trung học, hay là giáo sư đại học, giáo sư nghiên cứu. Nhưng dạy dỗ học Phật thì cũng là thầy giáo mà! Chà! Chân Phật Tông chỉ là một hạt bụi. Thầy giáo tôi đây cũng chỉ là một hạt cát. Tôi mãi mãi là một ngôi sao nhỏ. Tôi chẳng phải mặt trời, tôi chẳng phải mặt trăng, tôi chẳng phải núi, tôi chẳng phải đại dương, tôi chẳng phải mặt đất. Chỉ là một thầy giáo. Chỉ là một hạt cát bụi.

Viết một bài thơ:

Võ đài cuộc đời

Lúc này làm thơ Muốn hỏi ông trời Xuân đến thu đi Tuổi già đã đến

Bạn học ngày xưa ở nơi đâu Hoài niệm Nhớ ngày xưa

Cuộc đời ơi cuộc đời Tôi là ngôi sao nhỏ Cũng thấy thật đáng thương

Đêm khuya tĩnh mịch Nhấp một chén rượu nhỏ Ngắm thiền quyên.

19. Bát đại Thánh địa

Khi còn trẻ, tôi đặc biệt thích đi du lịch, bởi vì tôi muốn biết về mặt đất mà chúng ta đang sống này. Khi học Phật, tôi muốn biết về Phật Đà, vì thế, chúng tôi đã đến tám đại Thánh địa. Vườn Lumbini nơi Đức Phật giáng sinh. Vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật lần đầu chuyển pháp luân. Thành Kapilavastu nơi Đức Phật lớn lên. Thành Vương Xá nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần thứ hai. Bodhgaya nơi Đức Phật thành đạo. Thành Liên Hoa Kamalasila nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần thứ ba. Núi Linh Thứu nơi Đức Phật thuyết pháp. Tịnh xá Trúc Lâm nơi Đức Phật cư trú. Tịnh xá Chi Viên nơi Đức Phật cư trú. Hai tàng cây sa la nơi Đức Phật tịch diệt. Và những nơi khác...

Tính như vậy thì không chỉ là tám Thánh địa lớn mà thôi, bất luận nói ra sao thì hễ nơi nào Phật Đà đã từng đi qua đều là Thánh địa. Thật ra, tôi coi trọng nhất là: Những chân đế trong ba lần chuyển pháp luân của Phật Đà, ý kiến cá nhân của tôi là: Lần chuyển pháp luân thứ nhất là khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế. Lần chuyển pháp luân thứ hai là vô tướng. Lần chuyển pháp luân thứ ba là liễu nghĩa.

Tôi rất thích câu nói đầu tiên mà Phật Đà nói: "Các đệ tử hãy nghe cho kĩ, đời người là khổ!" Tôi thích: "Vô nhân tướng, vô ngã tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng." Tôi thích: "Mộng, huyễn, bào, ảnh." (không gian) Tôi thích: "Điện, quang, thạch, hỏa." (thời gian) Tôi thích: "Niết bàn."

Cho đến liễu nghĩa thì tôi không nói nữa, bởi vì chẳng có pháp nào có thể nói. Đây là cảnh giới bất khả thuyết. Đối với một số người mà nói thì cần thuyết pháp. Đối với một số người mà nói thì không cần thuyết pháp. Không có người nói. Không có người nghe. Cũng không có pháp. Tôi biến thành một bông hoa sen trắng nở rộ, lan tỏa hương thơm một cách đầy pháp nhĩ bản nhiên. Ở một cấp độ nào đó mà nói thì có chút điên khùng, có chút lãng mạn, có chút chân thành, có chút hồn nhiên... Không được không mất. Không danh không lợi. Không chấp không trước. Không tâm không trụ. Bạn có biết bươm bướm đang múa gì không? Bạn có biết vì sao một bông hoa lại nở rộ không?

Viết một bài thơ:

Tưởng nhớ Phật Đà

Lúc trăng tròn Tôi ngồi tĩnh lặng Chỉ một que hương Mà biến thành bao nhiêu sợi trắng Liên tiếp Bay lên

Linh Sơn đâu xa Ở ngay trước mắt Còn trách điều gì?

Thương xuân đã hết tự khi nào Biết đến bao giờ mới gặp lại.

20. Hạnh đầu đà

Đệ tử hỏi tôi: "Thế nào là hạnh đầu đà?" Tôi đáp: "Vào thời của Phật Đà, đại đệ tử của Phật là ngài Đại Ca Diếp chính là hạnh đầu đà, do vậy xưng là Đầu Đà Đệ Nhất." Đệ tử hỏi: "Là như thế nào?" Tôi đáp: "Trên phương diện tiền thì hạnh đầu đà không chạm vào tiền, tay không chạm vào tiền." Đệ tử hỏi: "Trên phương diện sắc thì sao?" Tôi đáp: "Nói chuyện với phụ nữ thì phải giữ khoảng cách, chỉ nói đôi ba câu, không được nhìn vào mắt đối phương, mắt phải nhìn xuống đất." Đệ tử hỏi: "Còn phương diện danh?" Tôi đáp: "Không tranh danh vị, biết tất cả danh vị đều là không, là giả. Không chấp vào danh tướng." Đệ tử hỏi: "Còn phương diện ăn?" Tôi đáp: "Đồ ăn sau khi đi hóa duyên trở về thì phải quán tưởng thành phân và nước tiểu. Phải nghĩ các món cơm là phân. Canh nghĩ thành nước tiểu. Hoặc là đất, đá, gạch, sỏi. Quán tưởng như vậy rồi mới ăn. Ngoài ra quá giờ Ngọ thì không ăn." (Đại Ca Diếp chỉ hướng đến các nhà nghèo khó để hóa duyên.)

Đệ tử hỏi: "Còn phương diện ngủ?" Tôi đáp: "Ngủ thì có ba nơi. Một, dưới cây. Hai, giữa mộ. Ba, hang đá. Không được ngủ trên giường cao rộng, cũng không được ngủ trên đệm. Hơn nữa chỉ ngồi không nằm, không được nằm ra để ngủ." (không đảo đan) Tôi nói: Những gì tôi trả lời chỉ là một phần mà thôi, hạnh đầu đà còn có nhiều phép tắc và kỷ luật nữa. Bởi vì con người có rất nhiều dục vọng. Dùng hạnh đầu đà để đối trị. Ví dụ: Tham, sân, si thì lấy giới, định, huệ để đối trị. Phật pháp là tám vạn bốn nghìn loại thuốc, để đối trị tám vạn bốn nghìn bệnh. Nhưng, Hạnh đầu đà có thể làm vào thời cổ đại, còn thời hiện đại thì không thể làm được. Ví dụ hóa duyên, ví dụ như ngủ giữa mộ. (Ngủ giữa các ngôi mộ trong nghĩa địa.) ...

Thầy của Lư Sư Tôn tôi chỉ nhắc nhở tôi đời này tuyệt đối không được mở miệng ra đòi tiền người khác. Vì vậy cho đến nay, tôi không mở miệng ra đòi tiền người khác, đây là giới luật mà tôi giữ vững! Tôi lấy "không huệ" để hóa giải tài, sắc, danh, thực, thụy.

Thơ:

Sự chuyển hóa của Không

Vườn xanh hoa đỏ Đầy trước mắt Oanh yến yến oanh Đuổi theo nhau Trên đường Xe lộc cộc Cho dù mưa bụi giăng mịt mờ Tỉnh giấc Đã biến thành một màn sương mù Hôm qua ở đâu Trăm điều ngẫm nghĩ Hôm nay lại ở nơi nào.

21. Đèn giao thông

Đệ tử hỏi tôi: "Thế nào là giới luật?" Tôi đáp: "Đèn giao thông." Đệ tử nghe xong, gật gật đầu, biểu thị rằng đã hiểu. Ha! Hóa ra đơn giản làm sao. Đèn đỏ mà bạn vẫn lái xe vượt lên, không xảy ra chuyện mới là lạ! Đèn xanh, có thể đi! Chúng ta làm theo sự chỉ đạo của đèn giao thông, đó chính là giữ giới luật.

Còn nữa: Ở Mỹ, nơi ngã tư, bốn phía đường đều có vạch đánh dấu dừng, xe đi từ bốn phía đến ngã tư đều phải dừng ba giây. Điểm quan trọng là để: Ai đến trước, người đó đi trước. Ai đến sau, người đó đi sau. Căn cứ theo thứ tự trước sau mà đi thì sẽ không xảy ra lỗi. Còn có một chữ "nhường" nữa: Xe nào nhìn thấy chữ "nhường" thì trước tiên phải dừng một lúc, nhìn thấy có xe chạy đến thì phải nhường. Không có xe chạy đến thì có thể đi. (Lư Sư Tôn lái xe ở Mỹ 39 năm, chỉ cần tuân thủ giới luật thì sẽ không xảy ra lỗi.)

Kể với mọi người: Trở về Đài Loan, tôi không dám lái xe. Đến hôm nay vẫn không dám lái xe. Họ nói: "Đèn giao thông chỉ dùng để tham khảo thôi!" Tôi nghe xong thì sợ chết khiếp! Dùng để tham khảo ư? Còn nữa, xe ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ đều tranh nhau đường, loạn quá, hoa hết cả mắt. Người sống ở Đài Loan đã quen rồi. Còn tôi thì không sao thích ứng được. Đặc biệt là đèn xanh vừa bật lên, tất cả xe ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ đều cật lực mà đi. Lao như tên bắn. Động cơ gầm lên!

Tôi có một cảm giác là: "Liệu có phải họ đang buồn đi tiểu không!" Xe cộ ở Đài Loan thật sự giống như nước thủy triều vậy, cuộn trào mãnh liệt dồn dập. Nhấn chìm tất cả mọi thứ! Đứng ở ngã tư đường cái ở Đài Loan, tôi nghĩ: Mong con người ở đây tuân thủ quy tắc giao thông. Mong con người ở đây yên lặng ôn hòa. Mong con người ở đây nhã nhặn nhường nhau. Mong con người ở đây bình an cát tường. (Tôi sống ở Đài Loan 38 năm, thời gian ở Mỹ, tôi cũng thường xuyên trở về Đài Loan, Đài Loan là nơi đã nuôi dưỡng tôi.) Người ở Mỹ. Tâm ở Đài Loan.

Viết một bài thơ nhỏ:

Nhớ

Trong thư phòng của tôi Thắp lên ngọn đèn nhỏ Lặng lẽ cầm cây bút Viết xuống những nghĩ suy

Tôi thật sự rất nhớ Cơn mưa nhỏ thu đông Sừng sững trên núi Hổ Lôi Tạng Tự Đài Loan Pháp hội hàng vạn người Con người ở nơi ấy Vướng bận cõi lòng tôi.

22. Tổ tiên của tôi

Do dịch bệnh nên thời gian ngồi lì ở trong nhà trở nên dài, Sư Mẫu Liên Hương Thượng sư sắp xếp lại tài liệu ở trong nhà. Tìm thấy được danh sách số liệu về tổ tiên Lư gia, khiến tôi trong một chốc hồi tưởng lại liệt tổ liệt tông của mình. Nguồn gốc sớm nhất của họ Lư chúng tôi là: Khương Tử Nha. (Phong Thần chủ soái của Phong Thần Bảng.) Cụ nội của tôi là Lư Nhĩ Đức Thiệp. Nguyên quán là: người Phạm Dương, châu Chương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, lấy vợ là Lư Tùng. Ở vùng Phạm Dương, châu Chương họ Lư rất phổ biến. Còn nhà thờ họ Lư Thị được xây dựng tại trung tâm thành phố Phạm Dương. Ông nội tôi là Lư Xương.

Theo như tôi biết: Đầu tiên, ông cha tôi di dân từ Phạm Dương đến Kim Môn, sau đó lại từ Kim Môn di dân tới Bành Hồ, cuối cùng lại từ Bành Hồ di dân tới Gia Nghĩa, Đài Loan. Ông nội Lư Xương của tôi làm kinh doanh ở Gia Nghĩa. Làm xưởng gạo. Làm xưởng dầu. Ông nội Lư Xương của tôi có một tính tốt rất đáng được nhắc đến. Đó là khi kết thúc mỗi năm, ông đem tất cả những biên lai cho vay mượn: mua gạo thiếu tiền, mua dầu thiếu tiền, tất cả những biên lai lớn nhỏ đều tập trung lại rồi trong ngày hôm đó đem đốt hết. (Đức tính tốt này là do mẹ tôi Lư Ngọc Nữ kể lại cho tôi, bởi vì mẹ tôi chính là kế toán cho mặt hàng gạo và dầu.)

Khi ông nội Lư Xương 60 tuổi thì ông lấy bà nội của tôi là Du Đoan Hương, sinh hạ một người con trai, người con trai này chính là bố tôi Lư Nhĩ Thuận. Cái tên Nhĩ Thuận này đến từ câu "lục thập nhi nhĩ thuận" của Khổng Phu Tử. Về sau, bố tôi cưới người kế toán cho mặt hàng gạo và dầu của ông nội tôi là Lư Ngọc Nữ. Thế là, Lư Thắng Ngạn tôi được sinh ra tại trại gà ở bên bờ suối Ngưu Trù ở Hậu Hồ, Gia Nghĩa. (Đó là vào giờ Ngọ ngày 18 tháng 5 năm 1945 âm lịch, dương lịch tức là giờ Ngọ ngày 27 tháng 6 năm 1945.) Đó là năm cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vì để tránh máy bay Mỹ ném bom nên tôi mới được sinh ra tại trại gà bên bờ suối Ngưu Trù.

Hai chữ Thắng Ngạn trong tên của tôi có nguồn gốc là do bố tôi mời một vị hiệu trưởng người Nhật Bản đặt tên. Vì thế có một chút mùi vị Nhật Bản.

Còn nữa, theo như tôi biết, ông nội Lư Xương có một người thân, tức là hàng chú bác của tôi. (Thuộc hàng thế hệ nào còn đang đợi kiểm tra.) Ông ấy sống tại Bành Hồ, ở Mã Cung có một cửa hàng buôn Trung Quốc, có lịch sử thành lập lâu đời, buôn bán phát tài. Tên ông ấy là Lư Kiều. Tôi có một người anh con bác là Lư Triều Hoàng, tại Tây Tự ở Bành Hồ xây dựng một nhà thờ họ Lư Thị. (Tương đối có khí thế.) Tôi đã từng đến đó, anh họ tôi đối với tôi rất tốt. Nghĩ một chút về tổ tiên của Lư gia, đây cũng là một dạng truyền thừa thân nhân, là kính ngưỡng, cũng là tưởng nhớ. Hy vọng sẽ có một ngày tôi có thể đến Phạm Dương, châu Chương ở Phúc Kiến để lễ bái nhà thờ họ Lư Thị.

Thơ:

Siêu độ tổ tiên

Một nén hương thơm Hóa thành mưa nhỏ Từng giọt rơi xuống

Ở trong thiền định Nghênh thỉnh Phật quang chiếu đến tổ tiên Gia tăng che chở

Lư Thắng Ngạn tôi nhỏ bé Chỉ có thể làm pháp hội như vậy mà thôi.

23. Mắt của Sư Mẫu

Buổi tối ngày 29 tháng 9 năm 2021. Tôi giúp Thượng sư Liên Hương nhỏ thuốc mắt. Kéo rèm cửa. Bật đồng hồ báo thức. Gia trì kết giới. Thượng sư Liên Hương nằm trên giường nói với tôi: "Bây giờ ông đã thay đổi không còn là Lư Sư Tôn nữa rồi!" Tôi hỏi: "Vậy bà thấy tôi là ai?" Bà ấy đáp: "Trên đầu ông mọc ra một cái đầu." Tôi nói: "Đó không phải là đầu, là nhục kế [búi tóc bằng thịt, còn được gọi là Phật đỉnh], mọi vị Phật đều có nhục kế." (Nhục kế của Phật là tượng trưng cho Bồ Tát địa thứ mười hai rưỡi. Bồ Tát có mười địa quả vị, mười hai địa rưỡi chính là Phật. Ngũ Phương Phật ở địa thứ mười ba, Bản Sơ Phật ở địa thứ mười sáu.)

Bà ấy nói: "Tướng mạo của ông hoàn toàn thay đổi rồi, cũng có búi tóc, toàn thân màu trắng sáng rực." Tôi hỏi: "Vậy tôi là ai?" Bà ấy đáp: "Không biết, tóm lại, là Phật." Tôi nói: "Tôi là A Di Đà Phật. (Ba mươi sáu vạn tỉ mười một vạn chín nghìn năm trăm đồng danh đồng hiệu.) Bà ấy nói: "Đúng vậy, đúng vậy, ông là A Di Đà Phật." Bà ấy đột nhiên mở to mắt, nhìn sang bên cạnh tôi, sau đó lại thong thả nói: "Bên cạnh ông có một người, cao hơn ông! Mặc đồ Lama." Tôi hỏi: "Đó là ai?" Bà ấy đáp: "Người đó ở bên cạnh ông, theo sát bên cạnh!" Tôi hỏi: "Là nam? Hay nữ?" Bà ấy đáp: "Không biết! Tôi phải đi ngủ đây!" (Sau đó, bà ấy ngủ luôn.) Tôi quay đầu sang nhìn người bên cạnh tôi, nhận ra đó là Thượng sư Liên Ấn.

Tôi hỏi Liên Ấn: "Ông làm sao mà xuất nguyên thần vậy?" Liên Ấn đáp: "Đệ tử chết rồi!" Tôi nói: "Tôi biết đến tháng tám âm lịch ông sẽ chuyển hóa, bây giờ là ngày mấy?" Liên Ấn đáp: "Ngày 25 tháng 8 âm lịch." Tôi nói: "Tất cả đều nằm trong tính toán của tôi." Thượng sư Liên Ấn nói: "Lư Sư Tôn! Nhất định phải đưa đệ tử đi!" Tôi đáp: "Tôi sẽ đưa."

Thơ:

Mắt

Mắt của Sư Mẫu Nhìn ra Trên đầu lại có một cái đầu Một cái đầu khác Chính là A Di Đà Phật

Mắt của tôi Nhìn thấy Thượng sư Liên Ấn đến Tôi sẽ đưa ông tới Phật quốc.

24. Avatar

Tôi có phải là Avatar không? Avatar có ý nghĩa là nửa người nửa thần. Lấy một ví dụ nhé! Em gái của Thượng sư Liên Ấn từ Trung Quốc đến Seattle, chủ yếu là để thăm Thượng sư Liên Ấn. Bà ấy sống ở Mỹ vài tháng. Có một buổi tối, bà ấy nằm mơ thấy: Mơ thấy bố, mẹ, chú, bác, ông nội, bà nội của Thượng sư Liên Ấn đều đến, những người thân thiết nhất đều đến cả! (Đều là những người đã chết.) Bà ấy hỏi tôi: "Giấc mơ này có ý nghĩa gì?" Tôi đáp: "Tháng tám sẽ có chuyện, chú ý tháng tám." (âm lịch)

Khi ấy, Thượng sư Liên Ấn rất khỏe mạnh, mỗi ngày đều đi bộ vận động, cười nói vui vẻ. Mỗi ngày thứ bảy đều tham gia đồng tu. Mỗi ngày chủ nhật đều tham gia Hộ Ma. Cuộc sống bình thường. Em gái của Thượng sư Liên Ấn ở Trung Quốc còn bận việc nên sau khi ở lại vài tháng đã trở về Trung Quốc rồi. Đến tháng tám Trung Thu (âm lịch), trăng rằm Trung Thu đặc biệt tròn. Chúng tôi hát: Chỉ mong người trường cửu. Nghìn dặm cùng thiền quyên. Thượng sư Liên Ấn còn cười ha ha. Nhưng, tôi nói với cô Hanifa - người chăm sóc Thượng sư Liên Ấn: "Chú ý tháng tám, phải chuẩn bị rồi!" Cô Hanifa còn không hiểu chuyện gì, hỏi ngược lại tôi: "Mọi thứ đều chẳng phải là rất tốt sao? Phải chú ý cái gì? Ông ấy mọi thứ đều bình thường, da dẻ sáng bóng, lại còn béo lên nữa." Tôi lặp lại một câu: "Chú ý tháng tám!"

Đến ngày 23 tháng 8, Thượng sư Liên Ấn chỉ muốn ngủ, không muốn ăn, không muốn uống, cũng không xuống giường đi lại. Rồi đến ngày 24 tháng 8, ông ấy cũng như thế. Đến 2 giờ sáng ngày 25, đột nhiên huyết áp ông ấy tăng cao, rồi huyết áp nhanh chóng tụt xuống, nhịp tim cũng như vậy, "tuuu…" một tiếng. Thượng sư Liên Ấn đã đi rồi. Đúng vào ngày 25 tháng 8. (Tất cả những ngày tháng ở trên đều là âm lịch.)

Tôi nghĩ, tôi có phải là Avatar không? Vì sao tôi bảo lúc nào thì chính là lúc ấy? Sự việc ứng nghiệm đặc biệt chuẩn. (Bấm ngón tay thần toán.)

Còn nữa: Có một người là Quỷ Bà, hơn mười năm nay bà ấy đều đoán là tôi 73 tuổi sẽ chết! Nói chắc như đinh đóng cột, như chém đinh chặt sắt. Nhưng, 73 tuổi tôi vẫn không chết, 77 tuổi vẫn còn sống! Ôi! Quỷ Bà! Chết tiệt cái nhà bà!

Thơ:

Gửi Thượng sư Liên Ấn

Biết đời như mộng Chớ chần chừ Mau mau đoạn tuyệt hồng trần

Cổng trời đã vì ông mà mở ra Đừng lưu luyến Muốn có được gì Thì trồng cái đó.

25. Nhân quả thật đáng sợ

Tôi kể một câu chuyện xưa: Có một người thanh niên chạy xe máy, phía sau đèo một cô bạn gái rất xinh đẹp đi chơi lòng vòng trong nội thành. Hai người đến sườn núi để ngắm cảnh. Sau đó, hai người dựa sát vào nhau, má kề má rất thân mật. Đang ngất ngây trong vòng xoáy tình yêu thì có một thiếu niên đến gần họ, huýt sáo với họ, rồi còn nói thêm mấy lời châm chọc. "Ban ngày sáng sủa, bị người ta thấy hết trơn." "Ánh trăng sáng tỏ, chiếu rõ cái mông của hai chúng mày." Người thanh niên này nghe thấy thế vô cùng khó chịu, tiện tay vớ lấy xích xe máy. Cái xích này làm bằng sắt, khóa vào bánh xe máy để người khác không có cách nào trộm được. Người thanh niên cầm lấy sợi xích này, nhất thời, cơn phẫn nộ hừng hực, một khi cơn giận nổi lên thì không thể nào cứu vãn được. Sợi xích làm bằng sắt, đánh trúng vào đầu của thiếu niên kia. "Rắc rắc!" Đầu của cậu thiếu niên chảy máu, nằm im bất động trong vũng máu. Người thanh niên kia chở bạn gái chạy như bay rời khỏi hiện trường, thần không biết, quỷ không hay. ...

Mấy chục năm sau. Người thanh niên ấy đã là một người trung niên, ông ấy đến quy y tôi (Lư Sư Tôn). Tôi nhìn thấy: Sau lưng ông ta có một thiếu niên, cầm cờ lệnh màu đen bám sát theo ông ta. Tôi nói: "Ông từng giết người à?" Ông ta đáp: "Đâu có!" Tôi nói: "Tôi nhìn thấy một thiếu niên cầm cờ lệnh "chết oan" màu đen bám sát theo ông, rốt cục đã xảy ra chuyện gì?" Ông ta nghĩ một lúc rồi mới kể câu chuyện xảy ra khi còn trẻ. Ông ta nói: "Tôi đánh người ta xong thì chạy, không biết là hắn đã chết hay chưa, gần đó có bệnh viện mà!" Tôi nói: "Hắn đang chờ đợi thời cơ đến!"

Không lâu sau buổi ấy. Đệ tử quy y này thích chơi trò nhảy bungee. Trò chơi mạo hiểm này từng thịnh hành một thời. Nghe nói nó bắt đầu thịnh hành tại Queenstown ở đảo Nam, New Zealand. (Con người bị buộc chặt vào chân bằng một sợi dây thừng lớn, từ trên cầu cao quăng xuống, tận hưởng sự sung sướng được bật tung trong không trung.) Nhưng xảy ra sự cố. Ông ta bị sợi dây khổng lồ bật lại đập vào đầu, chảy máu tai. (Phải khâu chín mũi.) Kể từ đó, ông ta có hai triệu chứng: Chóng mặt. Điên loạn. (Gần giống như chứng động kinh.) Chao ôi! Nhân quả thật đáng sợ!

Thơ:

Không đề

Người ở trên cầu Bị bắn ra xa Văng qua bên này Văng qua bên nọ

Như người say rượu Ở đâu có mùi rượu là lao tới Lúc này Nghiêng ngả ngả nghiêng bất định Mặt người đỏ hây hây Nhân quả trong đó đấy.

26. Thời kỳ nổi loạn

Một cô con gái luôn mâu thuẫn với mẹ của mình. Người mẹ nói: "Con gái phải học cách dịu dàng một chút." Cô con gái đáp: "Con đang ở trong thời kỳ nổi loạn." Người mẹ nói: "Tuổi nổi loạn của con thì đã là cái gì, mẹ già đây còn có thời kỳ mãn kinh nữa đấy!" Ha! Thời kỳ nổi loạn gặp thời kỳ mãn kinh, không biết có tia lửa gì sẽ nổi lên đây?

Cá nhân tôi nghĩ: Bây giờ tôi đang ở thời kỳ gì? Tôi luôn cảm thấy bản thân mình chẳng có thời kỳ gì cả. Một ông già tuổi thất tuần, chỉ có thời kỳ tuổi già thôi! Cũng đã sắp 80 tuổi rồi, còn có thời kỳ gì nữa chứ?

Nghĩ về ngày xưa: Thời kỳ thanh xuân của tôi ở đâu? Gia cảnh thanh bần, nghỉ đông nghỉ hè tôi đều đi làm thuê khắp nơi, giúp đỡ tài chính cho gia đình và bù vào tiền học phí của bản thân. Tôi may mắn có một người dì, dì tôi là trưởng bộ phận kinh doanh của văn phòng quản lý Hoa Liên của công ty Điện lực Đài Loan. Vì thế, vào dịp nghỉ đông và nghỉ hè, tôi làm việc tại Trạm kiểm tra công tơ điện Hoa Liên. Tôi làm việc tại nhà máy sửa chữa Hoa Liên. Nếu tôi không đi Hoa Liên thì sẽ ở lại Cao Hùng. Bởi vì bố tôi là chủ nhiệm bộ phận lắp đặt của công ty Điện lực Đài Loan, cho nên nghỉ đông nghỉ hè, tôi làm việc trong một xưởng sửa chữa ở nhà máy nhiệt điện phía Nam. Làm việc tại bộ phận xây dựng, tôi được cử đến khu Thảo Nha để dựng các cột điện thoại. Thời thanh xuân của tôi. Chẳng có thanh xuân, chỉ có làm việc, làm việc, làm việc. Vào thời trung học, làm việc, làm việc, làm việc.

Và như thế, Thời kỳ nổi loạn, không có! Thời kỳ thanh xuân, không có! Đời người chỉ có một thời kỳ nổi loạn, một thời kỳ thanh xuân, tôi là đứa trẻ của gia đình nghèo khó. (Thời kỳ nổi loạn và thời kỳ thanh xuân trùng nhau.) Nhanh chóng trôi qua! Tôi chẳng có cảm giác gì về "nổi loạn". Tôi cũng chẳng có cảm giác gì về "thanh xuân". Theo định nghĩa trong từ điển thì: "Vào mùa xuân, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, màu sắc xanh tươi, vì thế gọi là thanh xuân. Vì thế dùng để so sánh với thời thiếu niên." Còn tôi, nó cứ thế trôi tuột đi, tiếp sau đó là đi học trường quân đội thuộc bộ Đại Học.

Đó là bốn năm học hoàn toàn độc lập, cộng thêm bốn tháng đi huấn luyện, tôi đã trở thành người lớn rồi. Tuổi thanh xuân của đời người không dài, nhiều nhất là hai mươi năm thôi! 20 tuổi — tuổi trẻ đau thương. 30 tuổi — sự nghiệp tìm đường. Tôi luôn cảm thấy, thời thanh xuân của người bình thường là vào lúc ngoài hai mươi tuổi. Còn thời thanh xuân của tôi là vào lúc bảy mươi, tám mươi tuổi. Ha!

Viết một bài thơ:

Thanh xuân

Tuổi trẻ không biết mùi lo âu Chỉ biết Làm việc phải công minh hiểu biết

Nổi loạn Thanh xuân Đều qua rồi Buổi hoàng hôn học Phật như sóng nước Tâm càng nhiệt huyết Lên pháp tọa Ngày ngày khoác áo tăng.

27. Anh không hiểu trái tim em

Khi còn học trường Trắc Lượng thuộc bộ Đại Học, tôi có một người bạn qua thư họ Lý, nhà ở Tú Thủy huyện Chương Hóa, lúc đó cô ấy học tại Học viện Y Học Quốc Phòng. Trường Trắc Lượng và Học viện Y Học Quốc Phòng cùng thuộc trường Quân Sự. Tôi viết thư cho cô ấy. Cô ấy viết thư cho tôi. Vì cô ấy mà tôi đã viết cuốn sách "Thì thầm trong vườn mộng".

Cứ như thế, chúng tôi thư từ qua lại cũng được vài năm. Tôi có ảnh của cô ấy! Mặc trang phục y tá, áo trắng như thiên sứ, khuôn mặt thanh tú. Ngoài ra tôi còn có một tấm ảnh cô ấy mặc đồng phục của trường học, trông tràn đầy vẻ ngây thơ. Trong thư, chúng tôi rất hợp nhau. Không có chuyện gì là không nói.

Một hôm. Cô ấy nói: "Khi nào anh "tiểu đăng khoa", em nhất định sẽ đến. Em sẽ đứng bên cạnh anh." Cái tên ngốc tử là tôi đây vừa có vẻ hiểu câu nói này, lại vừa có vẻ không hiểu câu nói này. Rốt cục, vẫn là "hoang mang mơ hồ". (hiểu lờ mờ) Tôi luôn cảm thấy con gái trưởng thành sớm hơn một chút, con gái thông mình hơn một chút.

Về sau, tôi kết hôn với Lệ Hương trong cuốn sách "Thư nhỏ gửi cho Lệ". Ngày kết hôn người ta cũng gọi là "tiểu đăng khoa"! Tôi viết một lá thư rất chân thành gửi cho cô Lý, mời cô ấy đến tham dự hôn lễ của tôi. Bởi vì, cô ấy nói: "Khi tôi tiểu đăng khoa, cô ấy sẽ đến." Kết quả là, cô ấy gửi cho tôi một bức thư trả lời. Trong thư chỉ có một tờ giấy trắng. Trên giấy vẽ vài cái vòng tròn. Trong vòng tròn viết mấy dấu chấm hỏi (?) to to.

Lúc này tôi mới hiểu: "Tiểu đăng khoa." "Nhất định đến." "Đứng bên cạnh." Trời ơi! Tôi đích thị là một tên ngốc tử chính hiệu. Tôi đã nghĩ một cách rất ngây thơ rằng chúng tôi vẫn là những người bạn qua thư! Cho dù tôi đã kết hôn rồi thì vẫn có thể trao đổi tin tức với nhau, trao đổi đủ mọi tâm đắc sáng tác chứ! Tình bạn này là không thay đổi. Tình bạn thật. Chân thành thật. Son sắt thật. Khi tôi 77 tuổi, lúc sắp xếp lại đống ảnh cũ, tôi tìm thấy tấm ảnh của y tá Lý, tấm ảnh mặc đồng phục. Khiến tôi nhớ lại ngày xưa…

Thơ:

Nhớ

Sinh mệnh tựa như một cơn gió Lời thì thầm trong vườn mộng Vội vã

Em và tôi từng chìm trong những lời yêu thương Đi lướt qua nhau Tình cũ không còn

Bao nhiêu thư từ Trò chuyện vô tư Như tiếng sáo vang khắp đó đây

Rồi lại nhớ đến Chân trời góc bể Nơi nào có thể tương phùng.

28. Tương ứng bọ cạp

Sư tỉ Huệ Văn mua bốn chiếc áo lót bọ cạp tặng tôi mặc. (Cái gọi là áo lót bọ cạp tức là mặt trước có in hình con bọ cạp độc nhe nanh múa vuốt, trên toàn bộ hình con bọ cạp viết đầy chữ, đó là áo lót bảo hộ của Mật giáo.) Mặc áo này có thể: Phòng ngừa bùa chú. (giáng đầu) Phòng ma quỷ. Phòng sát khí. Vân vân và vân vân.

Tôi không cần phải mặc chúng mọi lúc, vào ngày 4 tháng 10 năm 2021 và ngày 5 tháng 10 năm 2021 tôi có mặc. Tổng cộng mặc có hai ngày. Vào lúc 5 giờ 40 phút chiều ngày 5 tháng 10, tôi đi vào phòng vẽ tranh để chuẩn bị vẽ tranh. Người phụ vẽ tranh của tôi là pháp sư Bích Yến kể với tôi rằng, ở một đất nước khác vừa có một người là sư tỉ Vũ nằm mơ, giấc mơ rất kỳ lạ đặc biệt, cô ấy mơ thấy hai con bọ cạp độc cắn vào tay mình, mỗi tay một con. Chỉ là cắn nhè nhẹ, không hề có ác ý. Bọ cạp độc cũng không dùng đuôi để đâm cô ấy. Cô ấy muốn hỏi: "Giấc mơ này có ý nghĩa gì?"

Tôi nghe xong thì cười lớn ha ha, tôi nói: "Tương ứng rồi!" Tôi cởi nút áo Lama ra, để lộ ra áo lót bọ cạp, bảo pháp sư Bích Yến chụp một tấm ảnh, lập tức gửi cho sư tỉ Vũ, tôi đúng là đã mặc áo lót bọ cạp. Hơn nữa, mới mặc có hai chiếc, hai ngày. Sư tỉ Vũ ở đất nước nọ nhìn thấy tôi mặc áo lót bọ cạp thì choáng váng! Cô ấy hét lớn: "Nói đơn giản là quá sức tưởng tượng!" "Chà! Khiến người ta ngạc nhiên quá!" "Đáng sợ đến mức khiến người ta không dám tin!" ...

Mọi người nghĩ mà xem, tôi mới mặc áo lót bọ cạp hai ngày, không ai biết là tôi mặc áo lót bọ cạp. Còn cô Vũ ở một đất nước xa xôi khác thì trong mơ đã mơ thấy hai tay trái phải, mỗi tay đều có một con bọ cạp cắn vào, không nhả ra và cũng không có ác ý. Lạ ghê! Lạ ghê!

Cô Vũ nói: Cả đời cô ấy chưa từng mơ thấy bọ cạp. Từ trước đến giờ cũng chưa từng nghĩ đến bọ cạp. Tôi mới mặc áo lót bọ cạp có hai ngày, cô ấy đã mơ thấy giấc mơ về bọ cạp rồi. Đây chẳng phải tương ứng thì là cái gì? Đây là một sự việc thần kỳ xảy ra vào ngày 5 tháng 10 năm 2021, tại phòng vẽ tranh của tôi ở thành phố Redmond nước Mỹ. Tôi nói: "Hai con bọ cạp có thần lực này là đã đến bảo vệ cho cô Vũ ở đất nước nọ." Chú thích: thân phẫn nộ của Liên Hoa Sinh Đại Sĩ là Dorje Drollo trên tay có cầm bọ cạp.

Thơ:

Tương ứng

Tôi ở phương Tây Bạn ở phương Đông Cách xa nhau như vậy

Tôi mặc áo bọ cạp Bạn mơ thấy bọ cạp Việc này quá trùng hợp

Như tranh vẽ Như tranh tô lại Cũng chẳng thể nào giống hệt Việc này là tương ứng rồi.

29. Mê trò chơi điện tử

Có một đệ tử giàu có nói với tôi về nỗi lo lắng của anh đối với đứa con trai mê trò chơi điện tử. Tôi nghe xong thì có chút ít cảm thán. Tôi nói: "Rất nhiều người mê trò chơi điện tử." Anh hỏi: "Lư Sư Tôn! Phải làm sao đây?" Tôi đáp: "Tôi cho anh một tấm phù "trấn tà tâm du thần", anh đốt rồi cho con trai uống, hy vọng cháu sẽ bình thường trở lại."

Phù "trấn tà tâm du thần" như sau:

image

Tôi gia trì phù rồi đưa cho anh. Kết quả: Con trai anh đã bình thường rồi! Lần đầu tiên cháu ra khỏi phòng, ăn cơm đi ngủ như bình thường, sinh hoạt giao tiếp hoàn toàn bình thường. Cũng biết gọi bố, mẹ rồi. Con trai anh ấy đã sống lại rồi. Trời ạ! Đây đúng là giờ khắc khiến người ta phấn khởi, con trai đã biến thành một người hoàn toàn khỏe mạnh rồi.

Con trai anh ấy trước kia bị làm sao vậy? Chơi điện thoại di động, chơi trò chơi điện tử đến mê mẩn cả người. Bất kể ban ngày, bất kể ban đêm, không ăn không uống, không đi ra khỏi nhà, trốn trong phòng riêng của mình, hoàn toàn tự giam mình (bệnh tự kỷ). Xong rồi! Hỏng rồi! Cả đời người đều bại hoại rồi!

Bạn nói xem, đứa bé đó đang sống, nhưng cũng giống như cái xác không hồn, ngày ngày đều chìm trong thế giới của trò chơi điện tử. Trẻ nhỏ định lực không đủ, không có cách nào tự kiềm chế, thế là bị điện thoại di động và trò chơi điện tử khống chế. Đầu tiên là một ngày, hai ngày, sau đó là một tuần, hai tuần, tiếp theo thì vô phương cứu chữa. Tôi biết có người cả một đời! Không đi học, không kết bạn, không kết hôn, không làm việc… Thân thể và tâm hồn đều dần dần bại hoại, một khi đã bại hoại rồi thì vĩnh viễn không có cách nào cải thiện được. Bệnh tâm thần. Bệnh tự kỷ. Mất kiểm soát rồi! Trở thành kẻ lười biếng hoặc đồ bỏ đi!

Cho nên, tôi cảm thấy giáo dục rất quan trọng, giáo dục không chỉ là dạy ở trường học mà giáo dục từ trong gia đình càng quan trọng hơn, đừng quá ỷ lại vào điện thoại di động, xem điện thoại di động và máy vi tính phải có giờ giấc. Tôi muốn nói rằng: "Không phải là không thể chơi điện tử, mà cần phải biết chừng mực. Tự kiểm soát là vô cùng quan trọng, còn để bị kiểm soát thì coi như xong!"

Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết trong cuộc đời của con người hiện đại. Tôn giáo cũng như vậy, phải có "trí tín" chứ không phải là "mê tín". Nếu mê tín thì cũng sẽ tẩu hỏa nhập ma.

Thơ:

Lạc đường

Đã bước vào thì chớ mơ hồ Lướt qua Hoa cỏ trước mắt chỉ tự mình biết Dưới trăng mùi hương thoang thoảng mấy lần Trong mơ hương hồn lưu lại

Nghĩ lại Hiểu được, mất Phải tự kiềm chế Chớ dạy học sinh tổn hại tinh thần Phấn chấn lại từ đầu Sông lớn có thể vượt qua.

30. Thời kỳ dịch bệnh

Dịch cúm Covid-19 đã gần hai năm, hai năm này tôi có rất nhiều rất nhiều cảm tưởng… Thường xuyên thấy các đệ tử đột nhiên bặt tăm. Không có một chút tin tức nào, cũng không để lại một câu nhắn nhủ, khiến tôi cảm thấy đặc biệt vắng lặng và cô độc. Có một số người, sẽ đột nhiên xuất hiện. Có một số người, sẽ đột nhiên biến mất. Mọi người đều lặng lẽ gìn giữ gia đình của mình. Không đi du lịch! Không thấy đệ tử từ nước ngoài đến nữa! Không có pháp hội! Không có những dòng người! Seattle Lôi Tạng Tự, những người cần gặp thì đã gặp rồi, còn đệ tử đến từ nơi khác thì rất ít gặp. (Khó gặp hơn rất nhiều.) Tóm lại, gặp nhau xong, có cảm giác "sống sót sau tai nạn".

Khoảng cách giữa người với người càng ngày càng dài, phải giữ cự ly giãn cách, không phải sao? Khi gặp mặt đều phải đeo khẩu trang, trời ạ! Đều là những đại hiệp che mặt. Tôi thường hỏi: "Anh là ai?" Đối phương đáp: "Tôi là tôi!" Hầy hầy! Trò chơi giải đố!

Tôi phát hiện ra một hiện tượng đáng sợ, tình cảm cũ từng có trước đây đã không còn, tình cảm mới thì cũng chưa phát sinh, cả đôi bên đều có sự cảnh giác, chỉ sợ bị lây nhiễm. Tôi từng thuyết pháp. (Ngồi trên pháp tọa.) Ở bên dưới, đến một người ngồi nghe pháp cũng không có. Chỉ có ghi hình, ghi âm. Khi tôi cười, chỉ có một mình tôi cười, lúc này tôi mới hiểu thế nào là hai chữ: "Cười ngốc." Virus đến thế nào? Không ai biết! Khi nào virus đi? Không ai biết!

Tôi sợ nhất là tiêm. Nhưng trên tivi ngày nào cũng diễn trò tiêm chích, hàng tháng hàng ngày hàng giờ đều phát, ép bạn phải xem cảnh tiêm chích không ngừng nghỉ! Tôi cũng bị ép phải tiêm hai mũi, thuốc của Pfizer. Họ nói: "Không tiêm không được!"

Hành giả được Phật quang bảo hộ thân thể là tôi đây có được chuông vàng che chắn, công phu thiết bố sam cũng không làm gì được, thế mà vẫn phải tiêm. Bởi vì, đối phương là kẻ địch không nhìn thấy được, ví như ngọn thương sáng thì dễ nấp để tránh, còn mũi tên ngầm, tối thì khó mà phòng tránh được. Ôi!

Năm triệu đệ tử của tôi, mỗi người đều đi bảo toàn sinh mạng của mình rồi! Nước nào đóng cửa thì đóng cửa, nhà nào đóng cửa thì đóng cửa, người nào tự nhốt mình thì nhốt mình, tóm lại, tình hình đã thay đổi rất lớn. Chúng ta chỉ có thể chờ đến khi dịch bệnh qua đi, tất cả chỉnh đốn lại từ đầu.

Thơ:

Virus

Cứ như thế Mi lặng lẽ đến Cứ thế Tất cả loạn lên như hoa rụng Hồn tiêu phách tán

Nhà nhà đóng kín Sáng tối như nhau Chân trời miên man những trận mưa đêm Hỏi trời cao Khi nào mới thay đổi.

31. Cảm ơn Quế Thanh

Quế Thanh là nha sĩ ở Seattle. Cô ấy là con gái của sư tỉ Từ, cũng là bác sĩ nha khoa của tôi. Cứ một khoảng thời gian, cô ấy lại khám răng cho tôi. Cô biết Lư Sư Tôn ngày nào cũng rất bận rộn, ngay cả thứ bảy, chủ nhật cũng không nghỉ ngơi. (Tôi không có hai ngày nghỉ cuối tuần.) Thế là, cô ấy nghĩ ra một cách, vào lúc bình thường khi tôi ăn cơm tối xong, cô ấy liền tự mình lái xe đưa tôi đến phòng khám của cô ấy để khám. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Là thời gian rảnh rỗi của tôi. Đó cũng là lúc bác sĩ Quế Thanh đã tan làm rồi. Nhưng cô ấy đặc biệt phục vụ tôi. Cô ấy cũng đã hẹn một người trợ lý để phục vụ tôi. Tôi vô cùng cảm ơn cô ấy!

Cảm ơn không thể chỉ nói ngoài miệng, thế là tôi đã đem hai chiếc hồng bao, một chiếc đưa cho người phụ tá, một chiếc đưa cho bác sĩ Quế Thanh. Buổi tối ngày 5 tháng 10 năm 2021. Vừa làm sạch và đánh bóng răng. Vừa trồng răng. Bận bịu suốt hơn một tiếng đồng hồ. Sau khi làm xong, tôi đưa cho người trợ lý và sư tỉ Quế Thanh mỗi người một chiếc hồng bao, đó là tấm lòng thơm thảo của tôi.

Hai ngày sau, sư tỉ Quế Thanh viết một bức thư đưa cho tôi, ngay cả hồng bao cũng gửi lại. Thư của cô ấy viết như sau: Con chào Sư Tôn! Dưới đây là mục "Trò hỏi Thầy đáp". Sư Tôn: "Hồng bao này một cái tặng cho trợ lý, một cái tặng cho cô, trên hồng bao còn viết chữ "phúc" nữa." Quế Thanh: "Trong hồng bao có một tờ tiền giấy, số tiền của tờ tiền giấy là một con số phải không?" Sư Tôn: "Đúng!" Quế Thanh: "Vậy thì cảm tạ Sư Tôn!" Sau khi về nhà phát hiện ra trong hồng bao không chỉ là một tờ tiền giấy, số tiền cũng không phải là một con số, mà là một hồng bao lớn. Tâm ý của Sư Tôn con đã nhận rồi, hồng bao và sự ban phúc con cũng rất vui mừng nhận rồi, cảm tạ Sư Tôn! Món cúng dường nho nhỏ này của con cũng xin Sư Tôn nhận cho! Đệ tử Quế Thanh kính thư.

Ôi! Cô ấy lại đem số tiền trong hồng bao làm thành cúng dường để hoàn trả lại tôi. Tôi đưa! Cô ấy trả! Lại còn gửi đến một bài "Trò hỏi Thầy đáp" nữa, tôi thật sự cảm ơn Quế Thanh!

Tôi chỉ biết viết một bài thơ:

Cảm ơn

Một chiếc xe chở tôi đi Một chiếc xe chở tôi về Miệng há ra Bốn bàn tay bận bịu (cả tay của người trợ lý)

Ngồi trên ghế "nóng" Chấn chỉnh lại vô số đỉnh núi lộn xộn (ví von những chiếc răng như đỉnh núi lộn xộn) Kiểm tra kĩ càng Chứ không chỉ nói suông

Một lúc sau Mưa tạnh mây tan Tôi chỉ có thể nói lời cảm tạ Tất cả đã nắng ráo rồi.

32. Cảm tưởng khi đi thang máy

Ở nước Mỹ, tôi có một thói quen khi đi thang máy, đó là khi tôi đi đến gần thang máy, tôi sẽ gật đầu với người ở bên trong một cái, sau đó nói một tiếng "hi" [xin chào]. Đi ra khỏi thang máy, tôi cũng gật đầu, nói một tiếng "hi" rồi đi ra. Nếu bên trong thang máy không có người nào thì không cần làm như vậy. Nếu có người đi vào, tôi cũng sẽ gật đầu với người đó, rồi nhường chỗ một chút cho họ đứng. Có khi, một số người da trắng rất thân thiết! "Ông khỏe không? Hôm nay ấy!" Tôi đáp: "Tốt! Thế còn ông?" Lúc này có thể nói chuyện vài câu, trong lòng mỗi người đều rất thư thái. Sau đó, cửa thang máy mở ra, đường ai nấy đi. Đây là phép lịch sự và ấm áp trong thang máy.

Ở Mỹ. Đi vào thang máy, cười một cái với nhau. Gật đầu một cái với nhau. Nhường chỗ cho nhau. Những hành động này đều có cả… Nói "chào buổi sáng", nói "chúc ngủ ngon".

Còn như: Tôi về Đài Loan. Tôi sống tại khu nhà cao ốc, hàng xóm đều là người quen, gặp mặt nhau thì mọi người đều rất khách khí. "Đã lâu không gặp ông rồi!" Tôi nói: "Đúng vậy. Tôi mới từ Mỹ về!" Tôi hỏi: "Gần đây khỏe không?" Họ đáp: "Cũng tàm tạm!" Rất tốt! Rất thân thiết!

Trong thang máy của trung tâm thương mại ở Đài Loan: Tôi lại có thói quen gật đầu và nói một tiếng "hi" nho nhỏ. Người ở bên trong nhìn tôi. Không nói gì. Tôi có một cảm giác có khoảng cách giữa người với người, đối với nhau: Không gật đầu. Không cười khẽ. Không nói chuyện. Ai nấy đều là người gỗ. Mọi người chen chúc lẫn nhau, đều không ai lên tiếng. Chỉ có khi muốn đi ra khỏi thang máy thì người bên trong mới nói: "Xin lỗi!". Rồi lách khỏi đám người, chen ra ngoài, giống như bóp kem đánh răng vậy, chen ra, tự do rồi. Đi thang máy! Tôi có dịp thưởng thức khuôn mặt của mỗi người, hỷ nộ ái ố, chao ôi! Đây là một cuộc đời rất nhỏ bé.

Thơ:

Thang máy

Nuốt vào Nhả ra Điện chuyển đi đầy những tâm tư

Mỗi người một con đường riêng Mỗi người một nơi ở riêng Những con người xa lạ Bỗng dưng tụ tập lại một chỗ Giống như Những cái cây

Tiễn mọi người Về xa xăm Từng hộ lại từng hộ.

33. Ký sự cầu mưa

Lần đầu tiên California ở Mỹ hạn hán, cháy rừng lớn. Tôi mời bốn bà bác ở California đến đình Long Vương để cầu Hải Long Vương làm mưa. Bốn bà bác ấy là: Tôn Ái Trân. Trần Truyền Phương. Ngụy Tư Nhan. Tưởng Quan Dung. Người tuổi cao nhất là 80 tuổi, người tuổi ít nhất là hơn 70 tuổi, họ đều sống ở California. Trong số đó, bà Tôn Ái Trân có tương ứng lớn với Quan Thế Âm Bồ Tát, bà Ngụy Tư Nhan thì làm Hộ Ma (hỏa cúng) có thành tựu, bà Trần Truyền Phương và Tưởng Quan Dung thì đều là những đệ tử ưu tú. Tôi cho rằng: Họ đi cầu mưa thì nhất định sẽ có hiệu quả. Sau đó. Quả nhiên ứng nghiệm.

Những cơn mưa này ban đầu trút xuống ở ngoài khơi California, đột nhiên một trận gió kỳ lạ thổi tới, trận gió kỳ lạ này đã thổi mưa từ ngoài biển vào trong nội địa California, thế là cơn hạn hán đã được làm dịu đi, những đám cháy rừng lớn cũng đã tắt lụi rồi. Đây là lần đầu tiên cầu mưa thành công. Rất đáng chúc mừng.

Năm 2021, California nước Mỹ lại hạn hán, lại có cháy rừng ở nhiều nơi, đã lâu mà chưa thể lắng dịu. Thế là, trên pháp tọa ở Seattle Lôi Tạng Tự ở Mỹ, tôi nói: "California hạn hán, cháy rừng lớn, vẫn lại nên mời bốn bác gái ở California cầu mưa mới được." Có người hỏi: "Vì sao Lư Sư Tôn không đích thân cầu mưa?" Tôi đáp: "Thứ nhất, bốn bà bác sống tại California. Thứ hai, bốn bà bác hợp lực cầu mưa, có linh có nghiệm. Thứ ba, bốn bà bác có Quan Thế Âm Bồ Tát theo bên cạnh. Thứ tư, việc bình thường này không cần tôi đích thân làm." Thế là tôi nói: "Duyên cầu mưa nằm ở bốn bác gái."

Bốn bà bác ở California nghe lời tôi, bèn liên hệ với nhau, vào đầu tháng 10 từ California bay đến Seattle ở Washington, làm lễ cầu mưa tại đình Long Vương ở Seattle Lôi Tạng Tự. Họ niệm chú Long Vương. Dâng cúng dường. Tay kết thủ ấn Long Vương. Niệm kinh. Viết sớ văn. Nhiễu quanh hòn đá Long Vương. Lễ bái Long Vương. Phát nguyện. Tổng cộng sáu ngày. Kết quả: California bỗng dưng mây đen đầy trời, sau ngày 11 tháng 10, California bắt đầu đổ mưa! Mưa liên tục không ngừng.

Tôi viết bài thơ nhỏ:

Cầu mưa

Mưa California Mây đen kín đặc bầu trời Mưa Chớp Gió lớn nổi khắp nơi

Mưa bay lả tả Mặt đất ướt đẫm Sông Núi Sáng và chiều

Bốn bác gái thành kính cầu mưa Bồ Tát cùng dõi theo chăm chú.

34. Tình thân

Năm 2020, năm 2021, đã hai năm rồi tôi không trở về Đài Loan! Nhà ở Đài Loan, vắng vẻ trống không. Đài Loan Lôi Tạng Tự, pháp hội hàng vạn người vào mỗi ngày thứ bảy, những khuôn mặt quen thuộc đã dần dần không còn thấy nữa. Còn nữa, các em gái của tôi, đã rất lâu rồi mọi người không gặp nhau! Ôi chao! Nhớ quá! Những điều này đương nhiên đều là cái họa do dịch cúm virus Corona gây ra, thời kỳ dịch bệnh, các nước đóng cửa, nhà nhà đóng cửa, ngay cả cửa lớn của các ngôi chùa cũng không được mở nữa. Tôi nhớ các đệ tử! Họ đều ở trong trái tim tôi, làm sao tôi có thể không nhớ họ chứ? Người với người, dường như khoảng cách càng ngày càng xa. Không biết mọi người có được bình an không?

🌟

Ở Mỹ. Con gái tôi Lư Phật Thanh có nhà riêng của mình. Con trai tôi Lư Phật Kỳ cũng có nhà riêng của mình. Hai đứa cháu tôi, Lư Hoằng và Lư Quân, tôi cũng không thường xuyên gặp mặt chúng. Nguyên nhân là: Tôi và Sư Mẫu thường xuyên gặp khách nước ngoài, gặp những đồng môn đến từ các bang khác. Và vì thế, con trai con gái và các cháu đều sợ. Sợ cái gì? Sợ khách nước ngoài, sợ những đồng môn đến từ bang khác lây nhiễm cho tôi và Sư Mẫu, rồi sau khi họ lây nhiễm cho tôi thì tôi lại lây nhiễm cho các con các cháu, cho nên chúng tôi tương đối ít gặp mặt. Cho dù có gặp mặt thì cũng: Đeo khẩu trang. Giữ khoảng cách an toàn. Không được ôm ấp. Không được cùng ăn.

Tôi và Sư Mẫu đồng ý với yêu cầu của các con và yêu cầu của Lôi Tạng Tự, chúng tôi đều đi tiêm hai mũi vaccine Pfizer. Bây giờ lại còn phải tiêm mũi thứ ba nữa! Nghe nói những người đã tiêm mũi thứ hai rồi cũng có rất nhiều người bị lây nhiễm, rõ thật là không hay tí nào. Tiêm! Tiêm! Tiêm… Hơn nữa, dịch cúm mùa lại sắp đến rồi, cũng lại phải tiêm phòng cúm mùa nữa. Lại phải tiêm. Ôi chao! Khi nào mới không phải tiêm?

Ở Mỹ, ngay cả cháu của mình cũng không được gặp, có thể không nói đến tình thân sao? Ở Đài Loan, Lôi Tạng Tự cũng không được tụ tập, vậy trở về Đài Loan có thể làm cái gì? Xin mọi người thứ lỗi! Bởi vì đây là thời kỳ dịch bệnh mà!

Viết một bài thơ:

Đành vậy

Dịch bệnh này Vốn dĩ là vô hình Lúc âm u Lúc sáng trong

Sóng dâng Sóng rút rồi sóng lại dâng Đợt dịch bệnh này Nặng trĩu

Đành chịu sự xa cách Khách chẳng thể nào đến gặp Chỉ còn nước mắt đẫm tay áo.

35. A La Hán trụ thế

Ở Seattle Lôi Tạng Tự, tòa nhà đầu tiên bên tay phải, tầng trên là thư viện, tầng dưới là nhà ăn. Đi vào cửa nhà ăn là nhìn thấy bức tượng Tân Đầu Lư. Chúng tôi gọi ngài là: "A La Hán trụ thế." (Trụ thế tức là sống tại thế giới Ta Bà.) Tướng mạo của ngài gầy gò, trợn mắt há miệng, đôi lông mày trắng dài buông xuống rất dài. Chúng tôi cũng gọi ngài ấy là: "Trường Mi tôn giả Tân Đầu Lư." [Tôn giả Tân Đầu Lư có lông mày dài.]

Điển cố của ngài ấy là: Khi Phật Đà trụ thế, Trường Mi tôn giả thường hiển lộ thần thông bừa bãi. Phật Đà quở mắng ngài rằng: "Sau này ông sẽ vĩnh viễn ở tại thế gian!" Thế là, Trường Mi tôn giả Tân Đầu Lư vĩnh viễn lưu lại ở nhân gian.

Theo như tôi biết: A La Hán có phân làm bốn bậc: Tu Đà Hoàn — Nhập Lưu. (sơ quả) Tư Đà Hàm — Nhất Lai. (nhị quả) A Na Hàm — Bất Lai. (tam quả) A La Hán — Ly Thế. (tứ quả) Thực ra, A La Hán trụ thế cũng tương đương với Nhập Lưu. Hai chữ "Nhập Lưu" này rất có ý nghĩa, tôi giải thích hai chữ này là "nhập vào dòng chảy dục vọng của thế giới Ta Bà". Thế nhưng, Tu Đà Hoàn có nhập vào dòng chảy dục vọng không? Thật ra là không phải, Tu Đà Hoàn mặc dù là Nhập Lưu, nhưng duy trì được giới thể thanh tịnh. Không nhập vào sắc thanh hương vị xúc pháp. Vì thế, Nhập Lưu nhưng thật ra là không nhập lưu. (Điều này trong kinh Kim Cang đều đã giải thích rõ ràng tỉ mỉ.) Nhập Lưu. (trụ thế) Nhất Lai. (trụ thế một lần) Bất Lai. (Bất Hoàn thiên) Ly Thế. (Tứ Thánh giới)

Những điều này trong kinh Kim Cang tôi đều đã giải thích tường tận, Nhập Lưu tức là không nhập lưu. Tương tự như vậy, nó có ý nghĩa là ở tại ngũ trọc ác thế nhưng không bị ô nhiễm. Chúng ta thường nói: "Hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn." "Sống trong ngũ dục lan tràn nhưng vẫn có thể bảo trì được thanh tịnh." Sắc không mê, thanh không mê, hương không mê, vị không mê, xúc không mê, pháp không mê. Tôi có thể! Các đệ tử có thể như vậy không?

Thơ:

Tôi sống ở tầng cao thường tu thanh tịnh Nhìn mây Nhìn trăng Lòng ung dung

Tiệc rượu phòng hoa dòng chảy tình ái Đêm nay như vậy Đêm mai như vậy Đến khi nào dừng

Ngày tháng dễ dãi tùy tiện qua Tri không bất không Minh không lý không Chẳng bị ràng buộc (Nhập lưu cũng như không nhập lưu.)

36. Ký sự thưởng phong

Ngày hôm ấy. Ba giờ chiều ngày 14 tháng 10 năm 2021. Tôi lái xe xuất phát từ Seattle Lôi Tạng Tự, đi qua quận Bellevue đến trung tâm quận Redmond. Chính ở phía trước công viên Marymoor, tôi chợt phát hiện ra hàng cây lá phong hai bên đường đều đã đỏ rồi. Đoạn đường này không thể xem là dài, nhưng cũng không thể xem là ngắn. Trong chốc lát, tôi tiến vào trong cảnh sắc đẹp đến nghẹt thở của màu phong đỏ. Cái sắc đỏ ấy không có cách nào mô tả được. Tựa như lửa. Tựa như máu. Vừa hừng hực. Vừa mướt mát.

Trong tích tắc đi vào trong mắt, nhuộm đỏ cả trái tim tôi. Tôi nghĩ đến câu thơ: "Lá đỏ ngập núi như thiêu đốt." Tôi nghĩ đến: Vườn hoa ở Nam Sơn Nhã Xá, có một cây lá phong, đương nhiên nó cũng đỏ rồi, đó là một chấm đỏ trong muôn vàn đám xanh. Nhưng, Chẳng thể bằng được với sự rực rỡ xán lạn ở đây. (Như chim công xòe đuôi.) Cây phong đỏ trong nhà tôi là thơ. Còn cây phong đỏ ở đây là cả một dàn hợp xướng.

Tôi có một đệ tử sống ở đất nước khác, viết thư cho tôi, đệ tử nói: "Thỉnh Lư Sư Tôn tặng cho con hai chiếc lá phong đỏ có được không? Con muốn làm thẻ kẹp sách!" Tôi nghĩ, việc này thì có tốn công sức gì đâu, thế rồi tôi liền ngắt hai lá phong gửi cho đệ tử sống ở nước khác này.

Tôi nhớ đến bài thơ "Đậu đỏ": Đậu đỏ ở phương nam Xuân đến mọc mấy nhánh Khuyên chàng hãy năng nhặt Vật này là tương tư.

Trong thoáng chốc, trong não tôi đã thay đổi bài thơ này: Phong đỏ ở phương bắc Mướt xinh khắp trên cành Khuyên chàng thường cất kĩ Thấy lá như thấy em.

Tôi từng trông thấy đậu tương tư, trông chúng giống như những viên tròn ở trên bàn tính, nhưng đặc ruột. Để trong lòng bàn tay, chúng đỏ tươi lấp lánh. Thế nhưng, Phong đỏ thì khác, nó là phiến lá mỏng mỏng, những đường gân rõ ràng tỏa ra khắp xung quanh, tràn đầy sức sống. Tôi thích tỏa đi khắp nơi. Đương nhiên, màu đỏ của lá phong cũng rất ngắn ngủi, nhưng điều này cũng là một sự khai sáng cho chúng ta. Hãy trân trọng thời gian ngắn ngủi.

Thơ:

Phong đỏ

Lá tựa như hoa Thưởng thức cả đoạn đường Xa xăm tận chân trời Tôi là người khách chẳng màng danh lợi Chỉ phiêu bạt Chưa về nhà

Phong đỏ Đánh thức sớm mùa thu Hơi lạnh Mấy ai biết Đông đến rồi

Lá phong làm kẹp sách Dù phai màu Vẫn còn gân Gờn gợn như làn sóng.

37. Trò hỏi thầy đáp

Gần đây, rất nhiều đệ tử ở khắp nơi trên thế giới gửi thư đến hỏi thắc mắc, còn tôi thì ngồi trên pháp tọa lần lượt trả lời. Thế là hình thành nên hình thức "Trò hỏi Thầy đáp". Ví dụ: Trò hỏi: "Tư duy quan trọng hay là thực tu quan trọng?" Thầy đáp: "Phật giáo là tu bằng tư duy. Hai cái đều quan trọng, cái trước là trí huệ từ nhất niệm mà đốn ngộ, cái sau là sự sáng tạo của vô hạn." Trò hỏi: "Thiền là gì?" Thầy đáp: "Thiền chính là ngộ." Trò hỏi: "Có cần nghiên cứu công án không? Hay là tự tính thanh tịnh?" Thầy đáp: "Nghiên cứu công án là một hình thức, càng cần phải thông qua thực tiễn, chứng minh tự tính thanh tịnh và tất cả tự tính thanh tịnh."

Trò hỏi: "Vì sao nói chúng sinh đều có Phật tính? Con muỗi cũng có Phật tính sao?" Thầy đáp: "Khi Phật Đà ngộ đạo đã nói, chúng sinh đều có Phật tính, con muỗi là một trong những chúng sinh, đương nhiên cũng có Phật tính. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Phật tính là Chân Như, Chân Như là Phật tính, bao hàm tất cả hữu tình, vô tình. Nhưng, muốn thành tựu pháp nhĩ bản nhiên thì phải biết có lớn nhỏ nhanh chậm." Trò hỏi: "Con muỗi chỉ biết đốt người ta, làm gì có Phật tính gì chứ?" Thầy đáp: "Con muỗi không có trí tuệ, đương nhiên không thể biết mình có Phật tính, nhưng nếu con muỗi có trí tuệ thì nó sẽ biết." Trò hỏi: "Khi nào con muỗi mới có trí tuệ?" Thầy đáp: "Trong tương lai rất xa." (Kiến, gián, côn trùng nhỏ, thằn lằn,… đều như vậy.)

Chú thích: Nghe nói: có một lần Xá Lợi Phất nhập vào thiền định rất sâu, linh hồn của kiến tập trung lại hỏi Xá Lợi Phất đến khi nào chúng mới đầu thai làm người? Xá Lợi Phất đáp: "Trong tương lai rất xa!" Ôi chao! Thật quá xót xa! Có thể thấy thân người thật sự là rất quý giá.

Trò hỏi: "Làm sao có thể tự do tự tại?" Thầy đáp: "Khi đạt đến pháp nhĩ bản nhiên. Là thanh tịnh, là vốn có, là tự nhiên."

Thơ:

Trò hỏi Thầy đáp

Trò hỏi Một chiếc thuyền lá đi về đâu Thầy đáp Thuyền nhẹ đã đi qua muôn trùng núi non Trò hỏi Tà dương có gì hay Thầy đáp Phương tây tỏa ánh huy hoàng Trò hỏi Nếu chim nhạn sợ lạnh Thầy đáp Có thể đậu trên sa mạc Còn hỏi gì nữa không Bạn hỏi tôi sẽ đáp (Tám vạn bốn nghìn nghi vấn không có con đường.)

38. Đi tìm cái Ta

Tam pháp ấn của Phật giáo là: Vô thường. Vô ngã. Tịch tĩnh. Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, niết bàn tịch tĩnh. (Chân lý vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.) Tam pháp ấn này nhìn thì có vẻ rất bình thường, chả có gì cả! Thế nhưng, nếu nghiên cứu sâu sẽ thấy, học vấn này là một điều bí ẩn lớn nghìn đời!

Lấy "vô ngã" làm ví dụ: Cái gì là ta? Dùng cái gì để tượng trưng cho ta? Ý nghĩa chân thực của ta là gì? Chúng ta quan sát ngược lại bản thân thì sẽ phát hiện ra tính bất định của bản thân. Sinh ra, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, tráng niên, già. Vẻ bề ngoài luôn luôn biến đổi. (tính bất định) Vào mỗi độ tuổi, tư tưởng đều không giống nhau. (tính bất định) Thân thể thay đổi từ lớn lên, cường tráng, lão hóa, sinh bệnh. (tính bất định) Cuối cùng là chết!

Trước khi sinh ra, ta ở đâu? Sau khi chết đi, ta lại đi đâu? Khi ta đang còn sống, ta đã tìm kiếm "ta" rồi, kết quả căn bản là tính bất định. (Tìm kiếm "tự ngã" nhưng tìm không được.) Còn sau khi chết thì lại càng tìm không được. Đất, nước, lửa, gió tứ đại phân rã rồi thì ta là cái gì? Cho nên, chân đế của Phật giáo thật sự là: "Vô ngã." Vì thế bốn câu kệ là: Vô ngã tướng. Vô nhân tướng. Vô chúng sinh tướng. Vô thọ giả tướng. Sau khi ta đã hiểu về "vô ngã" rồi, bất luận bạn tìm kiếm "tự ngã" như thế nào, đến khi hoàn toàn không tìm được, bạn mới hiểu chân đế của "vô ngã". Diễn biến tiếp sau đó là: Không có gì để mong cầu. Không có gì để bám trụ. Không có gì đáng kể. Không có được hay mất.

Sau khi xác định rõ cái này rồi, bạn sẽ biết hàm nghĩa của câu "thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn". Cái tôi này, là tự tính. Cái tôi này, là Phật tính. Cái tôi này, là chân như. Cái tôi này, là vô vi. Cái tôi này, là bản nhiên. (Tự tính Di Đà pháp tính thân.) Tôi biết phương pháp tu hành thực tiễn của pháp Đại Thủ Ấn. Chuyên nhất du già. Ly hý du già. Nhất vị du già. Vô tu du già. Tôi hét lớn một tiếng, tiếng gầm sư tử, bạn có hiểu không?

Thơ:

Vô ngã

Ai là ai Ta chẳng phải ta Bí ẩn như sương mù dày đặc

Đến Ta Bà Rời Ta Bà Tìm kiếm thứ hư vô trống rỗng

Thì ra là như vậy Cả quãng đường tìm kiếm Trở về không ở đâu.

39. Cỏ nhỏ

Phía trước cổng lớn ở Chân Phật Mật Uyển có hai bãi cỏ, tôi đi vào Chân Phật Mật Uyển sẽ nhìn thấy chúng trước tiên. Khi mưa nhiều thì cỏ xanh mướt. Khi mưa ít thì cỏ khô héo một màu vàng úa. Khi khô hạn thì cỏ trụi trơ. Tôi nhìn cỏ là biết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Tôi chưa bao giờ lo lắng cỏ sẽ khô héo mà chết hết, bởi vì tôi biết, hễ mưa xuống là cỏ lại mọc lên. Rõ ràng là cả bãi cỏ đã khô héo hết cả, thế nhưng hễ mưa xuống là lại biến thành một thảm cỏ xanh mướt. Tôi rất ngạc nhiên và thán phục sức sống của chúng, thời tiết có khắc nghiệt thế nào, hạn hán, đại hạn, thiếu nước, nước đọng, nhiều tháng không có mưa, nửa năm không có mưa, nhìn bề ngoài thì rõ ràng là không còn một chút sinh khí nào, thế nhưng chúng bất ngờ sống lại. Đúng là: "Sống dai!" "Sống dẻo!" "Sống khổ!" "Sống tệ!" Nhưng, Hễ thời cơ đến thì cỏ lại sống lại!

Tôi nói: "Tôi nguyện là một cây cỏ nhỏ!" Cuộc đời này của tôi đã trải qua rất nhiều khổ nạn, tính mạng đã phải chịu nhiều uy hiếp nghiêm trọng. Sát thủ hắc đạo. Bắt chẹt sách nhiễu. Phỉ báng gièm pha. Hăm dọa. Khủng bố. v.v… Thế nhưng, Cuối cùng tôi đã sống đến tận bây giờ!

Tôi cảm thán: "Ông Trời phù hộ, khi tính mạng tôi như ngọn đèn dầu khô kiệt, ấy thế mà đều sống lại." Nguyên nhân ở đây là: "Đạo tâm không thối lùi!" Con người tôi đây không có gì là tài ba ghê gớm, chỉ là một phàm phu, chỉ biết rằng mình như con tốt qua sông, chỉ có bước tiến lên phía trước. "Tâm bền bỉ lâu dài là số một!"

Tôi, Một ngày không tu, một ngày là ma. Một ngày không viết sách, một ngày hồn bay phách lạc. Một ngày không vẽ tranh, một ngày đánh mất cái lõi tâm linh. Tôi chả có gì! Cứ như vậy mà duy trì, tôi chẳng có cốt truyện, cốt truyện chính là "sự tinh tấn". Tôi phát nguyện: "Không thành Phật, không dừng lại. Sống một ngày, viết một ngày. Sống một ngày, vẽ một bức tranh." Tôi là cỏ nhỏ, cỏ nhỏ bất tử, lại mọc lên rồi!

Thơ:

Cỏ nhỏ

Lúc không mưa Thiếu nước Héo lưa thưa

Hoa nở Hoa tàn Thêm tiều tụy

Tôi thường rơi lệ Thỉnh thoảng cũng say Nhưng đưa mắt nhìn Đã lại xanh mướt.

40. Mấy viên “đá” của tôi

Gần đây, tôi bỗng nhiên muốn xem những thứ trong tủ bảo quản tài sản ở ngân hàng của mình, thế là tôi liền đi đến ngân hàng. Bên dưới những tài liệu quan trọng, tôi nhìn thấy những viên "đá" của tôi. Bao nhiêu viên? Mấy viên thôi! Dưới ánh sáng, những viên "đá" ấy sẽ tỏa ra những tia sáng lấp lánh không gì sánh bằng. Mấy carat? Viên nhỏ thì một carat, viên to cũng có. Viên to thì mấy carat? Tôi không dám nói. Ngài, Lư Sư Tôn làm sao mà có những viên "đá" này? Rất đơn giản, chúng là do những đệ tử giàu có tặng cho tôi. Ví dụ như Thượng sư Liên Tín, ông ấy tặng tôi chiếc xe Rolls-Royce đẳng cấp số một thế giới. Cô Hanifa tặng tôi một chiếc xe Rolls-Royce. Chiếc đầu tiên thì đã bán mất rồi! (Bởi vì bị hỏng.) Chiếc sau thì mỗi ngày tôi đều lái! (Chính là cái kiểu trên nóc xe là cả một bầu trời đầy sao, đôi khi cũng có cả sao băng nữa, là mẫu xe mới nhất.)

Mấy năm nay, tôi: Ăn ở Lôi Tạng Tự. Mặc trang phục Lama. Sống ở Nam Sơn Nhã Xá. Đi bằng xe Rolls-Royce. Tay không có thói quen đeo nhẫn, mặc thì ngoài quần áo Lama ra thì vẫn chỉ có quần áo Lama. Căn bản là tôi không cần tiền để tiêu, chỉ có khi nào mua xăng thì tôi dùng tiền đổ xăng thôi. Thế còn những viên "đá" kia thì sao? Đeo chúng lên! Thì làm việc không tiện! (kết thủ ấn) Không đeo! Thì chúng căn bản chính là những viên đá! Trước kia, có một dạo tôi có đeo, nhưng sau đó cảm thấy không đeo cũng được, không đeo lâu rồi cũng quen rồi.

Tôi nghĩ đến: Tôi đã 77 tuổi rồi, có thể sống bao lâu nữa? 9 năm đi! Những viên "đá" này so với cái thân thể già nua bại hoại này của tôi thì tuổi thọ dài hơn rất nhiều! Lúc này mới tỉnh ngộ: Căn bản là bạn chẳng có cái gì cả, xe và đá quý đều là những vật bên ngoài thân. Thậm chí những thứ liền với thân cũng không phải là của bạn. Ha! Ha! Ha! Gom tiền có ích gì? Gom tiền có ích sao! Bán hết đi, đi bố thí đi! In kinh sách đi! Đi làm việc công ích đi! Bằng không, những viên đá này của bạn muốn để lại cho ai???

Thơ:

Đá quý

Đá quý đẹp Đá quý sang Đá quý có thể mua nhà lầu

Cùng là đá Lại khác nhau Thất trân bát bảo Ngồi ôm qua tháng ngày

Có người nói một viên đá quý Vĩnh viễn lưu truyền Lưu truyền chính là dòng nước chảy dài Cảnh vật càng xinh đẹp bình yên. (Tôi cho rằng bài thơ này mình viết rất lộn xộn, ôi chao! Bộ não của tôi căn bản là một hòn đá.)

41. Vướng víu lẫn nhau

Tình cảm giữa tôi và bố tôi vô cùng phức tạp. Tôi vừa ra đời, bố tôi nói: "Đứa bé này không phải là con tôi." Mẹ tôi nói: "Nó là đứa bé sinh non." Kết quả là: Tôi mới sinh ra đã do bà ngoại nuôi dưỡng. Sau khi bà ngoại tôi qua đời thì tôi được dì tôi nuôi. Khi dì tôi lập gia đình, tôi chỉ còn cách trở về nhà của bố mẹ tôi. Kể từ đó, chúng tôi đành vướng víu lẫn nhau. … Sau này, tôi khai ngộ rồi, tôi nói: "Tôi cảm ơn bố tôi đã nuôi dưỡng tôi thành người." Nếu không có bố tôi. Tôi làm sao mà lớn lên?

Còn nữa: Thế giới tình cảm giữa bố tôi và mẹ tôi, chúng tôi là phận làm con, chẳng có cách nào phân biệt được. Chỉ đến khi già rồi, bố tôi dặn dò: "Sau khi chết, tuyệt đối không chôn cùng mẹ chúng mày. Nhất định phải tách nhau ra!" Bố tôi nhất ngôn cửu đỉnh. Chúng tôi không dám trái lời. Vì thế, linh cốt của bố tôi để ở Tây Phương Cảnh tại Đài Loan Lôi Tạng Tự. Linh cốt của mẹ tôi để ở Song Liên Cảnh Giới tại Cầu Vồng Lôi Tạng Tự. Tách nhau ra. Tách biệt rồi. Thì sẽ không còn vướng víu nữa sao?

Còn nữa: Tôi và Sư Mẫu (Thượng sư Liên Hương). Tôi rất cảm ơn bà ấy. Tình cảm của chúng tôi cũng rất vướng víu rầy rà, nhưng, cùng nhau đi qua gian khổ nhiều năm, tan tan hợp hợp. (Cãi vã chắc chắn là có.) Có ngày nắng. Có ngày mưa. Nhưng rồi vẫn đi qua, chúng tôi đã đi cùng nhau gần 50 năm rồi đó! Sư Mẫu là người có tài đức. (Năng lực siêu mạnh.) Tôi rất bái phục! Trong lòng tôi quyết định: "Tôi sẽ ở bên bà ấy đến già!" Bà ấy cũng nói: "Tôi càng già càng ngon!"

Ha ha! Lão tăng thất tuần là tôi đây đã xuất gia rồi mà vẫn còn có một người "vướng víu", cũng không tệ nhỉ! Tôi ngộ ra: "Vướng víu không nhất định là xấu, cùng nhau hiểu và bỏ qua cho nhau, chăm sóc lẫn nhau là điều rất quan trọng!" Cuộc đời này của tôi có tình thân vướng víu, có tình bạn vướng víu, có tình thầy trò vướng víu, có tình cảm vướng víu, có……….. Đây vốn dĩ chính là thế giới vướng víu. Tôi ngộ ra: "Bất kể nó vướng víu thế nào, tự tâm thanh tịnh là được!"

Thơ:

Vướng víu

Trên đời có hoa đẹp Nhưng cũng có cỏ xanh Vì thế hoa mới đẹp Yêu kiều duyên dáng nhất

Cái mũi thì nằm thẳng Đôi mắt thì nằm ngang Hai thứ cùng cộng lại Hẹn nhau ở Tiên gia. (Đối với người tu hành, mắt và mũi vô cùng quan trọng, mắt nhìn mũi, mũi nhìn tim, chính là chuyên nhất du già.)

42. Hỗn độn

Tôi nhớ lúc tôi còn trẻ, tôi từng đọc cuốn "Thượng cổ thần thoại diễn nghĩa". Trong sách có ghi lại rằng, thời thượng cổ, có một người tên là Hỗn Độn. Người này không có mắt, không có tai, không có mũi, không có miệng, không có thân thể, không có suy nghĩ. Chỉ là một vật hình tròn. Tôi chỉ có thể miêu tả là một sự hỗn độn như vậy. Giống như núi. Giống như biển. Giống như mây. Giống như khí. Dù cũng là một khối tròn khá to thì cũng không biết phải hình dung thế nào.

Hỗn Độn vĩnh viễn sống như vậy, nếu dùng danh từ của Phật giáo để giải thích thì hắn chính là: "Không sống không chết." Sau đó. Có mấy vị đại thần cảm thấy nên giúp đỡ Hỗn Độn một chút, thế là họ tìm công cụ. Mấy vị đại thần bận rộn giúp Hỗn Độn mở mang một vài thứ mới. Tạo ra mắt. Tạo ra tai. Tạo ra mũi. Tạo ra miệng. Nặn ra cái thân. Có suy nghĩ. Từ đó, Hỗn Độn nhìn thấy được, nghe thấy được, có thể hít thở, có thể ăn uống, có thân thể rồi, có suy nghĩ rồi.

Tuy nhiên: Không mở mang, Hỗn Độn sống lâu không giới hạn. Mở mang rồi, Hỗn Độn liền chết. Tôi đọc xong câu chuyện về Hỗn Độn, có một cảm giác kỳ lạ đặc biệt, cảm giác này không biết nói thế nào. Cũng không thể lý giải rõ ràng. Hỗn Độn lúc ban đầu tốt? Hay là Hỗn Độn lúc mở mang tốt?

Ở đây dường như có một vài đạo lý, lại dường như chẳng có đạo lý gì, nếu dùng Phật giáo để giải thích thì: Hỗn Độn chính là niết bàn. Còn Hỗn Độn sau khi được mở mang chính là đời người. Con người có dục vọng. Thì sẽ chết! Con người không có dục vọng. Thì sẽ niết bàn! Tôi cảm thấy nói như vậy thì cũng không đúng lắm. Tôi nghĩ đến "trung quán" của Long Thụ Bồ Tát, trung quán là một tri thức rất lớn. Tám điều không của trung quán là: Không sinh không diệt. Không đoạn không thường. Không giống không khác. Không đến không đi. Đột nhiên, tôi tiến vào trong một vùng hỗn độn. Tôi có thể là hỗn độn, cũng có thể không là hỗn độn.

Thơ:

Hỗn độn

Không phải cái này Chẳng phải cái kia Rốt cục là cái thứ gì

Đều vì cái tự ngã này Ban ngày chật vật Đêm muộn hồn phiêu Thời gian vội vã

Luôn là chính mình tự gặp Một tiếng chuông, một tiếng Không.

43. Sân hận rất đáng sợ

Tôi xem tin tức trên truyền hình, thấy: Một nam sinh, yêu một nữ sinh, yêu lắm yêu lắm. Thế nhưng, nữ sinh ấy lại từ chối nam sinh. Nam sinh từ yêu chuyển thành hận. Thế là, cậu ta đã giết chết cô bé nữ sinh, đâm mấy chục nhát dao, mỗi nhát dao lại hét lên một tiếng: "Anh yêu em!"

Tôi thảo luận cùng các đệ tử về mẩu tin tức xã hội này. (Rất đáng sợ.) Đệ tử hỏi: "Yêu như thế mà vì sao lại hạ độc thủ tàn nhẫn đến vậy?" Tôi đáp: "Yêu và hận cùng xuất phát từ trái tim của một con người, yêu càng sâu đậm thì hận càng ghê gớm. Cần nhớ, đều là ảnh hưởng của tâm." Đệ tử hỏi: "Vì sao đâm một dao lại phải hét lên một tiếng "anh yêu em"?" Tôi đáp: "Đây chính là vừa yêu vừa hận!" Đệ tử hỏi: "Vì sao không thể kiềm chế được?" Tôi đáp: "Bởi vì là con người thế tục, bởi vì người thế tục không hiểu cách điều hòa chế ngự thân tâm của chính mình. Nếu có thể kiềm chế thì không đến nỗi như vậy." Đệ tử hỏi: "Nếu là Lư Sư Tôn thì thầy sẽ thế nào?" Tôi đáp: "Quan điểm về tình yêu của tôi khác với con người thế tục, yêu người ta tức là đem hạnh phúc đến cho người ấy. Nếu có người có thể làm cho người ấy hạnh phúc hơn thì sẽ nhường cho người đó." Đệ tử hỏi: "Thầy không yêu người đó sao?" Tôi đáp: "Có yêu. Nhưng người khác có thể cho người ấy hạnh phúc hơn thì nên nhường cho họ." Đệ tử hỏi: "Con không hiểu, yêu cũng có chuyện nhường sao?" Tôi đáp: "Người tu hành chúng ta nghĩ cho người khác, không nghĩ cho bản thân. Đó là tinh thần của Lư Sư Tôn tôi." Đệ tử hỏi: "Tinh thần của Lư Sư Tôn là gì?" Tôi đáp: "Bình đẳng xả." (Từ, bi, hỷ, xả.) Đệ tử hỏi: "Điều mà Lư Sư Tôn tu là gì?" Tôi đáp: "Tất cả đều là sự sắp đặt hoàn mỹ." Đệ tử hỏi: "Lư Sư Tôn không sân hận sao?" Tôi đáp: "Đặt mình vào vị trí của người khác, ta và người khác bình đẳng, thì sẽ không có hận!"

Thơ:

Viết cho hữu tình

Tình cảm càng nồng đượm Thề nguyện càng đậm sâu Thế giới Ta Bà này Cũng chẳng biết làm sao

Giờ đây tóc sương Người ở biên thùy Ai còn nhớ ta Xa xăm nơi nào

Mây trôi về tây Nước chảy về đông Mang theo tình yêu của ta.

44. Long Thụ và cỏ

Chúng ta biết rằng: Trong đời quá khứ, Long Thụ Bồ Tát là Diệu Vân Tự Tại Vương Như Lai. Long Thụ Bồ Tát là tổ sư của tám tông Hiển - Mật. Long Thụ Bồ Tát đến Long Cung đọc kinh Hoa Nghiêm. Long Thụ Bồ Tát mở tháp sắt ở Nam Thiên Trúc, gặp Kim Cang Tát Đỏa, nhận đại pháp và hai bộ kinh, trở thành tổ sư của Mật giáo. Long Thụ Bồ Tát cũng là tổ sư của Trung quán tam luận, và Du già tông của Di Lặc Bồ Tát, cùng được thực hiện tại Thiên Trúc.

Chúng ta biết rằng: Đại thừa có hai hệ tư tưởng: Một là Trung quán. Một là Du già. (Duy thức) Theo như tôi biết: Ngài Long Thụ từng học "vô tử du già", vì thế thọ mạng của ngài là vô hạn, trừ phi tự mình cảm thấy nhân duyên ở nhân gian đã hết, hoặc bản thân muốn rời khỏi Ta Bà, bằng không sẽ không chết. Vì thế ngài Long Thụ có thọ mạng rất dài.

Có một hôm. Tự bản thân Long Thụ đã muốn đi rồi. Thế rồi ngài nghĩ đến ngày xưa từng cắt cỏ, đây cũng xem là "nghiệp". Thế rồi, Long Thụ dùng đám cỏ này quấn quanh cổ mình, rồi cứ như thế rời khỏi nhân gian. Đệ tử hỏi tôi: "Cắt cỏ cũng coi là nghiệp sao?" Tôi đáp: "Cỏ cũng là sinh mạng!" Đệ tử hỏi: "Thế có cái gì không phải là sinh mạng?" Tôi đáp: "Chúng ta biết lục đạo luân hồi. Trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhưng nên thêm vào thực vật, khoáng vật nữa." Đệ tử hỏi: "Thực vật, khoáng vật cũng ở trong luân hồi ư?" Tôi đáp: "Nói một cách nghiêm khắc thì đúng." (bát đạo luân hồi) Tôi nói: "Thực vật cũng lớn lên, sẽ thay đổi, có sinh có tử. Rễ, thân, lá, quả, hoa, hạt đều tượng trưng cho sinh mạng." Đệ tử hỏi: "Còn khoáng vật thì sao?" Tôi đáp: "Bất kì khoáng vật nào cũng có sự khác biệt từ trường mạnh yếu, có loại thì từ trường mạnh, có loại thì từ trường yếu, những thứ này đều là sinh mạng." Đệ tử hỏi: "Khoáng vật cũng có sinh tử sao?" Tôi đáp: "Những khoáng vật lớn thì từ trường mạnh mẽ, chia nhỏ thành bột thì từ trường sẽ suy yếu hoặc chết." Đệ tử hỏi: "Chúng ta làm sao để thích ứng?" Tôi đáp: "Trân trọng! Hành giả không nên tùy tiện giẫm đạp! Tất cả đều phải cảm ơn."

Thơ:

Long Thụ

Long Thụ truyền bát tông Đương thời bậc anh tài Tư tưởng của trung quán Phật chân đạo ở đây

Tam luận hương thơm phức Bước đều trong mây xanh Chúc mừng được tâm yếu Ta Bà tuy cũ kĩ Vừa hay để ta dạy.

45. Vô ngã tướng

Câu kệ đầu tiên trong kinh Kim Cang là: "Vô ngã tướng." Lời cửa miệng của tôi (Lư Sư Tôn) là: Khổ. Không. Vô thường. Vô ngã. Tôi gặp chuyện gì cũng sẽ đều nghĩ đến "khổ, không, vô thường, vô ngã". Đối với "vô ngã tướng", tôi đã lĩnh ngộ rất sâu sắc. Trước khi sinh ra, ta ở đâu? Sau khi chết đi, ta ở đâu? Giữa lúc sống và chết, không những ngoại hình thay đổi rất nhanh mà tư tưởng nội tâm cũng thay đổi rất nhanh. Ngoại hình nào là ta? Ý nghĩ nào là ta? Bởi vì đều không tồn tại nên đó chính là "vô ngã". Lư Thắng Ngạn là tôi sao?

Tôi nhớ có người nói với tôi: "Ở Đài Loan, tổng cộng có mười sáu người tên là Lư Thắng Ngạn." Từng có một người tên Lư Thắng Ngạn đến quy y Lư Thắng Ngạn là tôi đây. Ha! Thật thú vị! Lư Thắng Ngạn quy y Lư Thắng Ngạn. Lư Thắng Ngạn là tôi sao? Đương nhiên không phải. Liên tục cho đến bây giờ, tôi đều tìm kiếm cái tướng chân thực của "tôi". Tôi cho rằng tìm được tự tính thì đó là cái tôi chân thực rồi. Kì thực cũng không phải. Phật Đà nói: "Tất cả chúng sinh đều có Phật tính." (Tự tính tương đương với Phật tính.) Vẫn là "vô ngã". Ha!

46. Vô nhân tướng

Câu kệ thứ hai trong kinh Kim Cang là: "Vô nhân tướng." Con người là do thứ gì hợp lại mà thành? Đáp án là đất, nước, lửa, gió. Đất — xương thịt. Nước — máu và dịch. Lửa — nhiệt độ. Gió — không khí. Khi con người còn sống thì là tứ đại tổ hợp. Khi con người chết đi thì là tứ đại phân rã. Con người sống thọ trăm tuổi. Tôi (Lư Sư Tôn) thường nói với các đệ tử rằng: "Một trăm năm sau, mọi người đang ở đâu?" Đáp: "Không còn nữa!" Chính là đây! Chính là "vô nhân tướng".

Cho nên, Trường giang sóng sau xô sóng trước, một lớp người mới thay người xưa. Trường giang sóng sau xô sóng trước, sóng trước chết trên bãi cát vàng. Tôi phát hiện ra một chuyện, những người xung quanh tôi, những người vướng víu ràng buộc với nhau quanh mọi người. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò… Những người này đều là những người có duyên trong đời quá khứ. Chỉ vì luân hồi mà đến kiếp này lại dính líu đến nhau. Ha! Rất hay! Rất hay! Rất hay! Tâm Kinh nói: "Ngũ uẩn đều không." Vô sắc, vô thọ, vô tưởng, vô hành, vô thức. Đó là vô nhân tướng. Đó là điều Quán Tự Tại Bồ Tát khi nhập vào thậm thâm ba la mật đa đã chiếu kiến thấy.

47. Vô chúng sinh tướng

Câu kệ thứ ba trong kinh Kim Cang là: "Vô chúng sinh tướng". Tôi nói: "Trên mặt trăng có chúng sinh không?" Đáp: "Không." (Vô chúng sinh tướng tức là như vậy.) Tôi hỏi: "Trên trái đất có chúng sinh không?" Đáp: "Có." Tôi thật lòng thật sự nói với mọi người: "Trái đất khi mới hình thành, ngay cả một chúng sinh cũng không có. Chỉ vì thiên nhân ở Quang Âm Thiên nhìn thấy cái hình tướng sáng sủa ở trái đất, trong lòng sinh niềm yêu thích, bèn bay đến trái đất." Những chúng sinh này thật sự là: Huyễn sinh huyễn hữu. Nếu biết là huyễn. Tức: Vô chúng sinh tướng.

Chúng tôi đi du lịch Trung Quốc, hướng dẫn viên du lịch nói: "Đến Tây An đếm mộ, đến Quế Lâm đếm núi, đến Thượng Hải đếm đầu người.” Tôi đứng trên cây cầu Thượng Hải, nhìn những đầu người nhiều vô số kể, đây có phải là chúng sinh tướng không? Đúng. Nhưng, bạn có biết không? Đây chỉ là cái huyễn trăm năm thôi. Sau một trăm năm, những chúng sinh này đều không tồn tại nữa. Vô chúng sinh tướng. Sơn hà đại địa, những thứ bay trên trời, những thứ bò dưới đất, những thứ bơi trong nước, đều tồn tại một cách không tồn tại. Cái gọi là chúng sinh tức không phải chúng sinh, vì không phải chúng sinh nên mới là chúng sinh.

48. Vô thọ giả tướng

Câu kệ thứ tư trong kinh Kim Cang là: "Vô thọ giả tướng." Sư phụ của tôi bảo tôi: "Vô chúng sinh tướng là tượng trưng cho không gian, vô thọ giả tướng là tượng trưng cho thời gian." Câu nói này khiến tôi chấn động! Có một câu kệ: "Thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương." Vô chúng sinh tướng là: trên, dưới, tám hướng đều không. Vô thọ giả tướng là: quá khứ, hiện tại, vị lai đều không. Những gì của quá khứ đã qua đi, là không. Những gì của hiện tại cũng sẽ qua đi, là không. Những gì của tương lai còn chưa đến, là không.

Vì thế chứng minh: "Vô thọ giả tướng." Chúng ta từ vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Chứng minh: Cái tôi là huyễn, con người là huyễn, chúng sinh là huyễn, thọ giả là huyễn. Vì thế: Vô sinh vô tử. Vô đắc vô thất. (Chân đế của Tâm Kinh là: "Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa.") Vô chấp vô trước. Vô tác vô vi.

Thế giới Ta Bà này, núi sông đại địa, chim bay thú chạy, chỉ là cái không huyễn nhất thời mà thôi. Sư phụ của tôi còn nói với tôi: "Thời gian là do con người sáng tạo ra!" Nghĩ cho kĩ, đúng thật, thời gian năm, tháng, ngày, giờ, vốn là không. Là do con người đặt ra. Tôi nói với mọi người: Không không không không.

49. Người giác ngộ nói nhỏ

Vì vô sở trụ mà sinh tâm ấy. Là tùy theo tự nhiên mà làm. Tôi chẳng vì điều gì cả nên mới viết hết cuốn sách này lại đến cuốn sách khác. Một chút vui vẻ. Một chút tươi sáng. Một chút không. Ở đây có cả sự ấm áp.

Tôi sáng tác cả một đời cũng tương đương như không sáng tác, bởi vì không sáng tác nên mới gọi là sáng tác. Ha! Không có người viết sách. Không có người đọc sách. Không có nội dung được viết ra. Bạn có biết vì sao không? Bởi vì: "Tất cả đều sẽ qua đi!"

Thời sơ sinh của tôi đã qua rồi, thời thơ ấu của tôi đã qua rồi, thời nhi đồng của tôi đã qua rồi, thời thanh niên của tôi đã qua rồi, thời trung niên của tôi đã qua rồi, tuổi già của tôi đang là thời hiện tại, nhưng cũng sắp qua rồi! Những người bạn tri kỷ thì quá nửa đã ra đi. Cái này thì đã là gì. Tiếp sau đây thì những người bạn tri kỷ cũng là con số không.

Bạn nhìn thấy tôi rồi sao? Bạn căn bản là không nhìn thấy tôi. Bất kể là thấy hay không thấy, đều không quan trọng, bởi vì căn bản đều là không thấy. Bạn và tôi. Tôi và họ. Tương tư cái không.

(Hết)

Mục lục